Bản án 13/2021/LĐ-PT về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 13/2021/LĐ-PT NGÀY 05/05/2021 VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN BỊ XÂM PHẠM

Trong các ngày 28/4 và 05/5 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án Lao động thụ lý số 02/2021/TLST-LĐ ngày 04 tháng 01 năm 2021 về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 05/2020/LĐ-ST ngày 20/10/2020 của Tòa án nhân dân thành phố D, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11/2021/QĐXXST-LĐ ngày 04 tháng 3 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 08/2020/QĐPT-LĐ ngày 02 tháng 04 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông N.H.T, sinh năm 1961; địa chỉ: Thành phố H, tỉnh Đồng Nai, có mặt.

- Bị đơn: Công ty V; trụ sở: Thành phố D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp: Bà T.T.T, sinh năm 1976; địa chỉ: Thành phố D, tỉnh Bình Dương, Chức vụ: Giám đốc, là đại diện theo pháp luật, có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông N.N, là Luật sư Văn phòng Luật sư N.N, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, có mặt.

- Người làm chứng:

1. Anh T.K.C, sinh năm 1988; địa chỉ: Thành phố H, tỉnh Đồng Nai; địa chỉ nơi làm việc: Công ty V, Thành phố D, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

2. Chị N.T.M.T, sinh năm 1988; địa chỉ: Thành phố T, tỉnh Tây Ninh; địa chỉ nơi làm việc: Công ty V, Thành phố D, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

3. Chị H.T.T, sinh năm 1983; địa chỉ: Thành phố D, tỉnh Bình Dương; địa chỉ nơi làm việc: Công ty V, Thành phố D, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

4. Anh T.M.N, sinh năm 1993; địa chỉ: Huyện K, tỉnh Kiên Giang; địa chỉ nơi làm việc: Công ty V, Thành phố D, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

5. Chị N.T.T.V, sinh năm 1993; địa chỉ: Huyện Đ, tỉnh Quảng Nam, có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

6. Ông N.V.H, sinh năm 1972; địa chỉ: Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh;

địa chỉ liên lạc: Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh, có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

Người kháng cáo: Nguyên đơn ông N.H.T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông N.H.T trình bày:

Ông N.H.T vào làm việc tại Công ty V (gọi tắt là Công ty V) từ ngày 10/01/2020. Hai bên thỏa thuận thời gian thử việc 02 tháng từ ngày 10/01/2020 đến ngày 10/3/2020, có ký hợp đồng thử việc, thỏa thuận hết thời gian thử việc ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm; công việc phải làm là Giám đốc điều hành; địa điểm làm việc tại trụ sở của công ty tại thành phố D, tỉnh Bình Dương; mức lương thử việc 40.000.000 đồng/tháng, ngoài ra còn thêm khoản tiền hỗ trợ cơm trưa và cước phí điện thoại mỗi tháng 1.000.000 đồng.

Trong thời gian thử việc, ông N.H.T luôn hoàn thành công việc được giao. Ngày 27/02/2020 gần hết thời gian thử việc, ông có yêu cầu Công ty V soạn thảo hợp đồng lao động để ký sau khi thời gian thử việc kết thúc. Đến ngày 10/3/2020 hết thời gian thử việc, ông N.H.T không nhận được bất kì sự phản hồi nào từ phía Công ty V, đồng thời công ty cũng không tiến hành ký kết hợp đồng lao động với ông.

Sau khi hết thời gian thử việc, ông vẫn đến công ty làm việc bình thường, Công ty V cũng không có ý kiến gì. Ngày 12/3/2020, ông N.T là Phó giám đốc công ty đến phòng làm việc của ông và thông báo công ty cho ông nghỉ việc, lý do cho ông nghỉ việc là do ông không giải quyết được số tiền trốn thuế 50.000.000.000 đồng và không vay Ngân hàng được số tiền 45.000.000.000 đồng, những lý do trên ông khẳng định không phải công việc mà ông phải làm. Cùng ngày, công ty có lập biên bản thanh lý hợp đồng lao động, mặc dù biên bản thể hiện là thanh lý hợp đồng thử việc nhưng ông khẳng định đây là biên bản thanh lý hợp đồng lao động, công ty ép buộc ông phải ký vào biên bản thanh lý thanh lý hợp đồng thì công ty mới đồng ý thanh toán các chế độ cho ông. Sau khi ký xong, công ty thanh toán cho ông tiền lương của tháng 02/2020, 12 ngày của tháng 3/2020, đồng thời hỗ trợ thêm tiền mất việc đột ngột với tổng số tiền ông nhận là 80.000.000 đồng. Ông chính thức không làm việc tại Công ty V từ ngày 13/3/2020.

Ngày 21/3/2020, bà T.T.T là người đại diện theo pháp luật của Công ty V có gửi cho ông 01 biên bản thông qua tin nhắn Zalo. Nội dung biên bản mà bà T.T.T gửi cho ông có nội dung thể hiện trong thời gian làm việc tại Công ty V ông không hoàn thành công việc được giao, trong biên bản bà T.T.T khẳng định là “Anh đã sai”, đồng thời bà T.T.T còn phát tán biên bản khẳng định ông đã sai cho các nhân viên khác trong công ty. Hiện tại, ông là Tiến sĩ, Giảng viên thỉnh giảng của trường Đại học Z Thành phố Hồ Chí Minh thì việc khẳng định ông đã sai và phát tán biên bản cho những người khác như vậy là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và đe dọa đến hình ảnh của ông trong công việc giảng dạy.

Hết thời gian thử việc, ông vẫn làm việc bình thường tại công ty thì mặc nhiên hợp đồng lao động không xác định thời hạn được xác lập. Việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông là trái với qui định của pháp luật. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật của Công ty V khẳng định ông đã sai, rồi phát tán biên bản làm ảnh hương đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của ông cũng là trái với qui định. Cho nên, ông N.H.T yêu cầu Công ty V phải bồi thường các khoản trên mức lương 100% sau khi hết thời gian thử việc là 47.058.823 đồng gồm:

- Yêu cầu Công ty V phải nhận ông N.H.T trở lại làm việc;

- Yêu cầu trả tiền lương những ngày không được làm việc tạm tính từ 12/3/2020 đến 12/3/2021 là: 47.058.823 đồng x 12 tháng = 564.705.876 đồng;

- Bồi thường 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là: 47.058.823 đồng x 02 tháng = 94.117.646 đồng;

- Trường hợp Công ty V không muốn nhận ông N.H.T trở lại làm việc thì phải bồi thường thêm 02 tháng tiền lương là 94.117.646 đồng và trả trợ cấp thôi việc tương đương ½ tháng lương với số tiền 23.529.412 đồng;

- Buộc Công ty V phải đóng bảo hiểm bắt buộc từ ngày 10/01/2020 đến ngày 12/3/2021 (gồm 02 tháng thử việc và 12 tháng sau thử việc) là 138.611.763 đồng, trong đó: 40.000.000 đồng (85% tiền lương thử việc) x 02 tháng x 21,5% = 17.200.000 đồng và 47.058.823 đồng (100% lương sau thời gian thử việc) x 12 tháng x 21,5% = 121.411.763 đồng.

- Buộc Công ty V phải trả tiền lãi tạm tính đến ngày 12/3/2021 trên mức lãi suất 7,4%/tháng là: 776.470.580 đồng x 7,4% x 12 tháng = 68.950.587 đồng.

Như vậy tổng số tiền yêu cầu bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là 984.032.930 đồng.

Tại phiên tòa ông N.H.T rút phần yêu cầu đóng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 tháng thử việc: 40.000.000 đồng (85% tiền lương thử việc) x 02 tháng x 21,5% = 17.200.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền yêu cầu bồi thường còn lại là 966.832.930 đồng.

- Yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với tổn thất tinh thần là 500.000.000 đồng;

- Và yêu cầu thanh toán tiền hỗ trợ cước phí điện thoại trong 02 tháng làm việc với số tiền 2.000.000 đồng.

Ngoài ra không còn yêu cầu nào khác.

- Tại bản tự khai, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông N.T trình bày:

Ông N.H.T vào làm việc tại Công ty V từ ngày 10/01/2020. Hai bên tiến hành ký kết hợp đồng thử việc số NTV00040/2020/HĐTV, thời gian thử việc 02 tháng từ ngày 10/01/2020 đến ngày 10/3/2020, hết thời gian thử việc sẽ ký là hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm; mức lương cơ bản trong thời gian thử việc 10.000.000/tháng, lương theo doanh số bán hàng 30.000.000 đồng, làm đủ công thực lãnh 40.000.000/tháng, ngoài ra công ty còn hỗ trợ thêm tiền điện thoại mỗi tháng không quá 1.000.000 đồng; công việc phải làm là Giám đốc điều hành; địa điểm làm việc tại công ty ở số 889, đường Mỹ Phước Tân vạn, khu phố Bình Thung 2, phường Bình An, thành phố D, tỉnh Bình Dương.

Trong thời gian thử việc về cơ bản ông N.H.T không hoàn thành công việc được giao, công ty không lập biên bản mà công ty chỉ nhắc nhở bằng miệng. Nhận thấy, việc ông N.H.T không đáp ứng được yêu cầu của công việc, cho nên vào ngày 07 hay 08/3/2020 công ty có thông báo bằng miệng hai bên sẽ kết thúc hợp đồng thử việc vào ngày 10/3/2020 và ông N.H.T đồng ý. Công ty yêu cầu ông N.H.T đến công ty vào ngày 11/3/2020 để công ty giải quyết hết chế độ mà ông N.H.T được hưởng trong khoảng thời gian thử việc cụ thể là tiền lương của tháng 02/2020 và 10 ngày của tháng 3/2020. Ngày 11/3/2020, ông N.H.T có đến công ty nhưng không nhận tiền lương của những ngày đã làm việc mà có ý định yêu cầu công ty phải hỗ trợ thêm. Đến ngày 12/3/2020, ông N.H.T tiếp tục đến công ty, do ông N.H.T liên tục làm phiền cho nên công ty đã đồng ý ngoài tiền lương được hưởng thì còn hỗ trợ thêm tiền lương cho đến hết ngày 31/3/2020 với số tiền 80.000.000 đồng và ông N.H.T đồng ý, sau khi nhận đủ số tiền 80.000.000 đồng hai bên tiến hành ký biên bản thanh lý hợp đồng đối với hợp đồng thử việc mà hai bên đã ký kết.

Như vậy, quan hệ lao động giữa công ty với ông N.H.T đã chính thức chấm dứt. Cho nên, các yêu cầu bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng trái pháp luật của ông N.H.T thì công ty không đồng ý.

Ngày 21/3/2020, bà T.T.T là người đại diện theo pháp luật của công ty có gửi chụp một biên bản rồi gửi qua tin nhắn Zalo cho ông N.H.T. Nội dung biên bản chỉ là thể hiện quá trình ông N.H.T làm việc tại công ty, những công việc làm được và công việc không làm được. Người đại diện theo pháp luật của công ty chỉ gửi cho ông N.H.T, không có phát tán gửi cho các nhân viên trong công ty như ông N.H.T đã trình bày. Như vậy, ông N.H.T yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông thì công ty cũng không đồng ý.

Đối với yêu cầu buộc công ty thanh toán tiền cước phí điện thoại trong 02 tháng làm việc tại công ty là 2.000.000 đồng. Đối với yêu cầu này công ty đồng ý hỗ trợ cho ông N.H.T.

- Tại bản tự khai người làm chứng chị N.T.M.T trình bày:

Hiện tại, chị đang làm việc tại Công ty V. Quan hệ lao động giữa ông N.H.T với công ty cụ thể như thế nào thì chị không biết. Quá trình làm việc tại công ty, chị không nhận được biên bản nào do người đại diện theo pháp luật của công ty gửi cho chị nhằm làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của ông N.H.T.

- Tại bản tự khai người làm chứng chị H.T.T trình bày:

Hiện tại, chị là kế toán trưởng tại Công ty V. Quan hệ lao động giữa ông N.H.T với công ty cụ thể như thế nào thì chị không biết. Ngày 09/3/2020, ông N.H.T có nói với chị là công ty cho ông N.H.T nghỉ việc, chị không hỏi lý do vì sao công ty cho nghỉ. Quá trình làm việc tại công ty, chị không nhận được biên bản nào do người đại diện theo pháp luật của công ty gửi cho chị nhằm làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của ông N.H.T.

- Tại bản tự khai người làm chứng anh T.K.C trình bày:

Hiện tại, anh đang làm việc tại Công ty V. Quan hệ lao động giữa ông N.H.T với công ty cụ thể như thế nào thì anh không biết. Sau đó, một thời gian anh không thấy ông N.H.T làm việc tại công ty, lý do vì sao anh không biết. Quá trình làm việc tại công ty, anh không nhận được biên bản nào do người đại diện theo pháp luật của công ty gửi cho anh nhằm làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của ông N.H.T.

- Tại bản tự khai người làm chứng anh T.M.N trình bày:

Thống nhất phần trình bày của những người làm chứng khác.

- Tại bản tự khai người làm chứng chị N.T.T.V trình bày:

Thống nhất phần trình bày của những người làm chứng khác.

- Tại biên bản lấy lời khai ông N.V.H trình bày:

Nguyên trước đây ông có làm việc tại Công ty V. Trước đây, công ty tuyển dụng ông N.H.T vào làm việc tại công ty, mục đích của công ty là muốn tuyển dụng ông N.H.T vào để mở rộng kinh doanh. Ông không nhớ rõ thời gian, nhưng có một hôm vào buổi tối ông N.T là Phó giám đốc công ty có mời ông và ông N.H.T ra quán ăn Năm Lửa. Tại đây, ông N.T có nói công ty đang khó khăn do dịch bệnh Covid, muốn thu hẹp sản xuất, kinh doanh nên những kế hoạch công ty định ra ban đầu không còn phù hợp, ông N.T có gợi ý với ông N.H.T là hai bên không tiếp tục hợp tác lao động với nhau nữa. Khi đó, ông N.H.T vui vẻ và đồng ý. Ông N.T nói với ông N.H.T là bàn giao lại công việc cho ông vào ngày hôm nay luôn, nhưng ông N.H.T nói để ngày mai ông N.H.T vào công ty rồi bàn giao. Vào sáng ngày hôm sau (sau buổi tối ăn tại quán Năm Lửa), ông N.H.T vào công ty rồi giữa người đại diện của công ty và ông N.H.T thỏa thuận ký biên bản thanh lý hợp đồng, sau khi ký xong công ty có thanh toán các khoản mà ông N.H.T yêu cầu ghi trong biên bản, nhận xong ông N.H.T ra về. Việc ký biên bản thanh lý hợp đồng hoàn toàn là sự tự nguyện của các bên, không có sự ép buộc, đồng thời các khoản thanh toán đều do ông N.H.T đề xuất. Sau đó, giữa ông với bà T.T.T (người đại diện theo pháp luật của công ty) có trao đổi lại những gì mà ông và ông N.H.T trao đổi công việc với nhau rồi bà T.T.T ghi lại toàn bộ nội dung, sau đó ông có ký tên vào biên bản do bà T.T.T ghi, rồi bà T.T.T gửi cho ông N.H.T vào thời gian nào ông hoàn toàn không biết.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là ông N.N trình bày: Thống nhất phần trình bày của người đại diện hợp pháp của bị đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm và uy tín.

Bản án lao động sơ thẩm số 05/2020/LĐ-ST ngày 20/10/2020 của Tòa án nhân dân thành phố D, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N.H.T đối với Công ty V về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm”.

Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty V thanh toán cho ông N.H.T số tiền 2.000.000 đồng (hai triệu) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.H.T về việc yêu cầu Công ty V bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền 966.832.930 (chín trăm sáu mươi sáu triệu tám trăm ba mươi hai nghìn chín trăm ba mươi) đồng và bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm là 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.

3. Đình chỉ yêu cầu buộc Công ty V đóng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 tháng thử việc: 40.000.000 đồng (85% tiền lương thử việc) x 02 tháng x 21,5% = 17.200.000 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 05/11/2020, nguyên đơn kháng cáo không đồng ý quyết định của án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không xuất trình chứng cứ nào khác.

- Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa:

Về tố tụng: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử và các đương sự đã chấp hành và tuân theo pháp luật đúng quy định.

Về nội dung vụ án: Về hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc án sơ thẩm xác định thời hạn 1năm là phù hợp theo quy định. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian thử việc hai ngày, ông N.H.T thỏa thuận ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động với công ty. Trong điều 1 của hợp đồng nêu rõ cam kết chấphành và tuân thủ đúng các điều kiện có liên quan, được hưởng các chế độ theo hợp đồng đã ký. Điểm b, điều 2 nhận lương, thưởng, phụ cấp và các khoản khácđến thời điểm nghỉ việc, tiền bồi thường thêmtrong những ngày người lao động đột ngột mất việc 80.000.000 đồng tương đương 02 tháng lương tính từ ngày 01/02/2020 đến 31/3/2020. Điều 3 là điều khoản chung nêu” Sau khi thực hiện xong nội dung của biên bản thanh lý này, các vấn đề trách nhiệm của hai bênvới hợp đồng lao động sẽ kết thúc. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông N.H.T cũng thừa nhận có nhận đầy đủ tiền lương trong thời gian thử việc và nhận 80.000.000 đồng theo biên bản thanh lý. Ông N.H.T không xuất trình được căn cứ bị ép buộc ký biên bản thanh lý hợp đồng nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của ông N.H.T.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần do bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín: Ông N.H.T cho rằng bà T.T.T đưa kết luận của bà T.T.T về công việc của ông lên ứng dụng zalo là xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của ông N.H.T là chưa đủ cơ sở để chấp nhận. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử cũng không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Tòa án nhận định:

[1] Về tố tụng:

Đơn kháng cáo của nguyên đơn làm và nộp trong hạn là phù hợp nên chấp nhận.

[2] Về nội dung:

Nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất ông N.H.T vào làm việc tại Công ty V từ ngày 10/01/2020. Hai bên có ký hợp đồng thử việc, thời gian thử việc 02 tháng từ ngày 10/01/2020 đến ngày 10/3/2020. Công việc phải làm là giám đốc điều hành. Địa điểm làm việc tại trụ sở của Công ty V. Ngày 12/3/2020 hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng và nguyên đơn đã nhận toàn bộ các chế độ được hưởng. Sự thừa nhận của các đương sự là tình tiết chứng cứ không cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.1] Xem xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về việc Công ty V đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thấy rằng:

Ngày 12/03/2020, nguyên đơn và bị đơn cùng nhau ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Biên bản thanh lý thể hiện rõ việc nguyên đơn nhận tiền bồi thường thêm của bị đơn 02 tháng tiền lương tính từ ngày 01/02/2020 đến 31/3/2020. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông N.H.T cũng thừa nhận có nhận đầy đủ tiền lương trong thời gian thử việc và nhận 80.000.000 đồng bồi thường thêm theo biên bản thanh lý nhưng cho rằng mình bị ép buộc khi ký vào biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, ông N.H.T không xuất trình được chứng cứ chứng minh bị ép buộc.

Hơn nữa, sau khi ký biên bản thanh lý hợp đồng, các bên đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ được thỏa thuận trong biên bản, tại mục c Điều 3 của biên bản thanh lý hợp đồng lao động ngày 12/3/2020 là “Sau khi thực hiện xong nội dung của biên bản thanh lý này, các vấn đề trách nhiệm của 02 (hai) bên với Hợp đồng lao động sẽ kết thúc”. Như vậy có căn cứ xác định giữa nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Cho nên yêu cầu kháng cáo của ông N.H.T về vấn đề này là không có căn cứ.

[2.2] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần do bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín với số tiền 500.000.000 đồng thấy rằng:

Ông N.H.T cho rằng việc bà T.T.T đại diện theo pháp luật của bị đơn khẳng định ông đã sai và sau đó phát tán nội dung này cho các nhân viên khác trong công ty là làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của ông. Tuy nhiên, lời khai của các nhân viên khác trong công ty thì những người này xác định không nhận được tin nhắn phát tán làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nguyên đơn. Như vậy, không có cơ sở xác định vững chắc rằng bị đơn có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nguyên đơn và thực tế cũng không có thiệt hại xảy ra. Cho nên, cũng không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của nguyên đơn.

[3] Lời trình bày đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật nên chấp nhận.

[5] Về án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn không phải chịu.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 01, điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Căn cứ khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

I. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn N.H.T; Giữ y quyết định của án sơ thẩm như sau:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N.H.T đối với Công ty V về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm”.

Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty V thanh toán cho ông N.H.T số tiền 2.000.000 đồng (hai triệu) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.H.T về việc yêu cầu Công ty V bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền 966.832.930 (chín trăm sáu mươi sáu triệu tám trăm ba mươi hai nghìn chín trăm ba mươi) đồng và bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm là 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.

3. Đình chỉ yêu cầu buộc Công ty V đóng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 tháng thử việc: 40.000.000 đồng (85% tiền lương thử việc) x 02 tháng x 21,5% = 17.200.000 đồng.

4. Án phí lao động sơ thẩm: Ông N.H.T không phải chịu án phí đối với yêu cầu bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại không được chấp nhận. Công ty V phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng.

II. Án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn không phải chịu.

III. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

230
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 13/2021/LĐ-PT về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Số hiệu:13/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 05/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Tháng 1/2020, ông N.H.T ký hợp đồng thử việc 2 tháng với Công ty V, hết thời gian thử việc sẽ ký hợp đồng lao động 1 năm.

Sau hết thời gian thử việc, Công ty V cho ông N.H.T nghỉ việc và thanh lý hợp đồng.

Ông N.H.T khởi kiện yêu cầu bồi thường vì cho rằng việc chấm dứt hợp đồng là trái pháp luật, đồng thời bị xâm phạm danh dự do Công ty V đăng nội dung về công việc của ông lên mạng xã hội.

Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông N.H.T, buộc Công ty V trả 2 triệu đồng tiền cước phí điện thoại.

Tại phiên phúc thẩm, ông N.H.T kháng cáo yêu cầu bồi thường về chấm dứt hợp đồng và xâm phạm danh dự nhưng không đưa ra chứng cứ mới.

Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông N.H.T.
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;