Bản án 13/2021/HS-PT ngày 04/03/2021 về tội trộm cắp tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 13/2021/HS-PT NGÀY 04/03/2021 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Các ngày 25 tháng 02 và ngày 04 tháng 3 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử Phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 120/TLPT-HS ngày 13 tháng 10 năm 2020 đối với các bị cáo Hà Duy M và đồng phạm.

Do có kháng cáo của các bị cáo Hà Duy M, Lê Quang P, Phạm Thanh Q, Nguyễn Phùng H, Cao Văn D, Hoàng Đức S đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 51/2020/HS-ST ngày 04/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: Hà Duy M (tên gọi khác: Không), sinh năm 1995 tại Bình Phước; Nơi cư trú: Ấp Chợ, xã T, huyện Đ, tỉnh Bình Phước; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh;Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Công nhân; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 12/12; Con ông Hà Duy B, sinh năm 1964 và mẹ Phạm Thị L, sinh năm 1971; Gia đình bị cáo có 02 anh, em ruột, lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 1995; Bị cáo có vợ là Hồ Thị Thanh T và 01 người còn sinh năm 2019; Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Ngày 23/01/2014 Hà Duy M bị Công an huyện Đ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý gây thương tích.Bị cáo đã chấp hành xong quyết định xử phạt nêu trên. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 17/01/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh cho đến nay.

2. Họ và tên: Lê Quang P (tên gọi khác: Không), sinh năm 1989 tại Bình Phước; Nơi cư trú: Ấp Tân Hà, xã T, huyện Đ, tỉnh Bình Phước; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh;Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Công nhân; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 10/12; Con ông Trần Ngọc T, sinh năm 1969 và bà Lê Thị H; Gia đình bị cáo có 03 anh, em ruột, lớn nhất sinh năm 1989, nhỏ nhất sinh năm 2007; Bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Yến N, sinh năm 1992 và 01 người con sinh năm 2001; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 22/01/2020, được thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh cho đến nay.

3. Họ và tên: Phan Thanh Q(tên gọi khác: Hòa), sinh năm 1996 tại Sóc Trăng; Nơi cư trú: Ấp M Tân, xã T, huyện Đ, tỉnh Bình Phước; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh;Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Công nhân;Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 09/12; Con ông Phan Văn H, sinh năm: 1970 và bà Châu Thị M, sinh năm 1971; Gia đình bị cáo có 02 anh, em ruột, lớn nhất sinh năm 1996, nhỏ nhất sinh năm 2003; Bị cáo có vợ là Đinh Thị Thu H, sinh năm 1994 và 01 người con, sinh năm 2017; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 22/01/2020, được thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh cho đến nay.

4. Họ và tên: Nguyễn Phùng H (tên gọi khác: Không), sinh năm 1996 tại Hà Nội; Nơi cư trú: Ấp 7, xã T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh;Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Lái xe; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 08/12; Con ông Nguyễn Phùng Đ, sinh năm 1976 và bà Phạm Thị T, sinh năm 1978; Bị cáo là con duy nhất trong gia đình; Bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Hoàng Y, sinh năm 1997 (đã ly hôn) và 01 người con, sinh năm 2016; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 19/12/2019 đến ngày 24/4/2020, được thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh cho đến nay.

5. Họ và tên: Cao Văn D (tên gọi khác: Không), sinh năm 1975 tại Thừa Thiên Huế; Nơi cư trú: Tổ 1, khu phố X, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Lái xe; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 07/12; Con ông Cao N (đã chết) và bà Nguyễn Thị H (đã chết); Gia đình bị cáo có 10 anh, chị, em ruột, lớn nhất (Bị cáo không xác định được năm sinh), nhỏ nhất sinh năm 1979; Bị cáo có vợ là Đỗ Thị M T, sinh năm 1980 và 03 người con, lớn nhất sinh năm 1997, nhỏ nhất sinh năm 2011; Tiền sự: Không; Tiền án: Tại bản án số 71/2013/HSST ngày 12/7/2013, bị Tòa án nhân dân thị xã Đ (nay là thành phố Đ) xử phạt 30 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đánh bạc”; phạt bổ sung 20.000.000 đồng. Bị cáo đã chấp hành xong hình phạt chính, chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 22/01/2020, được thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh cho đến nay.

6. Họ và tên: Hoàng Đức S(tên gọi khác: Không), sinh năm 1997 tại Bình Phước; Nơi cư trú: Ấp 9, xã T, huyện Đ, tỉnh Bình Phước; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh;Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Công nhân; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông Hoàng Đức T, sinh năm 1972 và bà Nguyễn Thị Ngọc G, sinh năm: 1977; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 22/01/2020, được thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh cho đến nay.

Các bị cáo có mặt tại phiên tòa.

* Bị hại: Công ty TNHH Y Người đại diện theo pháp luật: Ông Lee Chan S (Tổng giám đốc); người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng bà Lê Thị N, sinh năm: 1988; chức vụ: Trưởng phòng xuất nhập khẩu (theo giấy ủy quyền số 01/2/2019 ngày 31/12/2019); địa chỉ: Khu công nghiệp Bắc Đ, huyện Đ, tỉnh Bình Phước (có mặt) * Người bào chữa cho các bị cáo Hà Duy M, Lê Quang P, Nguyễn Phùng H, Cao Văn D, Hoàng Đức S: Ông Vương Quốc Q, sinh năm là Luật sư của Văn phòng Luật sư Quốc Vương thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, địa chỉ: P, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước (có mặt) Ông Lê Minh T, sinh năm 1971 là Luật sư của Văn phòng Luật sư M Danh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, địa chỉ: Số 751, Quốc lộ 14, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước (có mặt) * Người tham gia tố tụng khác:

1. Bà Phạm Thị M – Chủ tịch Hội đồng định giá trong vụ án (vắng mặt)

2. Ông Nguyễn Ngọc C – Chủ tịch Hội đồng định giá trong vụ án (vắng mặt)

3. Bà Lê Thị H – Thành viên thường trực Hội đồng định giá (vắng mặt)

4. Ông Phạm Xuân T – Thành viên Hội đồng định giá (vắng mặt)

5. Ông Nguyễn Mạnh H – Điều tra viên Công an huyện Đ, tỉnh Bình Phước (xin vắng mặt)

6. Ông Vũ Đình D – Điều tra viên Công an huyện Đ, tỉnh Bình Phước (xin vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng đầu tháng 10/2018, Hà Duy M, Phan Thanh Q, Lê Quang P, Nguyễn Phùng H là công nhân làm tại Công ty TNHH Y (trong đó: M làm ở bộ phận hoàn thành, H làm ở kho vải, P làm ở bộ phận in thêu, Q làm ở bộ phận cắt) bàn bạc với nhau chiếm đoạt áo thành phẩm của công ty đem bán lấy tiền tiêu xài, sau khi bàn bạc và được tất cả đồng ý thì H, Q, P, M đã 02 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của công ty, trong quá trình thực hiện P có rủ thêm Phạm Đức T (làm ở bộ phận kéo hàng in thêu) tham gia thì T đồng ý (bút lục 236 đến 343).

Lần thứ nhất: Khoảng 12 giờ ngày đầu tháng 10/2018, Hà Duy M trong lúc làm việc tại bộ phận hoàn thành quan sát không thấy ai nên đã lén lút lấy 01 thùng giấy bên trong có 250 chiếc áo thành phẩm của công ty đưa xuống cho H cất giấu trong kho vải, tiếp đó M điện thoại cho P nói lên gặp H để lấy hàng (số áo vừa trộm được). P cùng T đi lên gặp H rồi cả hai lấy thùng giấy đặt lên xe kéo, đẩy về phòng đếm hàng, tại đây T, P mở thùng giấy ra lấy số áo vừa chiếm đoạt của công ty bỏ vào 01 bao tải dùng để đựng hàng in thêu, dùng dây vải buộc vào nhằm đánh dấu tránh nhầm lẫn, rồi để vào góc phòng chờ cơ hội mang ra ngoài tiêu thụ. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, Cao Văn D là tài xế xe tải của Công ty S trụ sở tại Bình Dương điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 61LD – 014.22 đến Công ty TNHH Y lấy hàng in thêu như thường lệ thì được P nhờ gửi bao hàng vừa chiếm đoạt lên xe tải đưa ra ngoài và hứa cho tiền bồi dưỡng thì D đồng ý, P lấy bao tải đựng hàng chiếm đoạt được để lên xe ô tô do D điều khiển thì bị Hoàng Đức S là nhân viên kiểm đếm của Công ty kiểm tra phát hiện, P sợ Công ty biết nên dặn S không được nói với ai và hứa sẽ cho tiền thì S đồng ý. Lấy hàng xong, D điều khiển xe ô tô biển số 61LD – 014.22 đi về hướng Bình Dương, khi đi đến cây xăng Phương Nam thuộc khu phố B, thị trấn T, huyện Đ; D dừng lại để P lấy số áo vừa chiếm đoạt và gửi trên xe xuống mang về đưa cho M cất giấu, sau đó M điện thoại cho Lê Thị Diễm T là nhân viên y tế của Công ty TNHH Y để nhờ T nói với bà Hong Chun Hwa (là tổng giám đốc công ty ) về việc M đang có 250 chiếc áo cần công ty mua lại. Do lo sợ số áo này bị đưa ra thị trường, đối tác của công ty sẽ cắt hợp đồng nên bà H đã đồng ý mua lại số áo trên, lần thứ nhất Công ty đồng ý mua 50 chiếc áo với số tiền 15.000.000 đồng, sau khi nhận được tiền thì M sử dụng tiêu xài cá nhân hết. Khoảng 3 ngày sau, T tiếp tục liên hệ với M nói Công ty đồng ý mua 200 chiếc áo còn lại với giá 36.000.000 đồng, khi nhận được tiền từ T thì M lấy 5.000.000 đồng cất riêng rồi đưa về chia nhau số tiền 31.000.000 đồng còn lại, trong đó M được 5.000.000 đồng, Q được 7.000.000 đồng, H được 5.000.000 đồng, P được 6.500.000 đồng, T được 6.000.000 đồng, S được 500.000 đồng, D được 1.000.000 đồng (bút lục 236 đến 367, 398, 399).

Lần thứ hai: Khoảng 11 giờ ngày (không xác định) tháng 11/ 2018, sau khi M lấy trộm được 108 chiếc áo của công ty, M điện thoại nói P lên kho hoàn thành lấy 01 thùng hàng (số áo trộm được) đã được M đánh dấu sẵn, lúc này P cùng T đi lên lấy thùng hàng như M đã nói và đưa về phòng kiểm hàng, tại đây P, T mở thùng hàng ra lấy toàn bộ số áo trộm được bỏ vào 02 bao tải loại đựng hàng in thêu, dùng dây vải buộc vào nhằm đánh dấu tránh nhầm lẫn. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, Trần Ngọc T là tài xế của Công ty W điều khiển xe ô tô biển số 71LD – 00079 đi đến Công ty TNHH Y lấy hàng in thêu, nhân lúc T không để ý thì P, T đã đưa 02 bao tải bên trong có số áo vừa mới chiếm đoạt được để lên thùng xe. T điều khiển xe ra khỏi công ty, P điện thoại nói T dừng xe lại để xin số áo đã trộm của công ty giấu trên xe. Khi đi đến khu vực trường Trung học cơ sở Nội trú huyện Đ thuộc khu phố Tân An, thị trấn T thì T dừng xe lại cho P lấy số áo trên đem về giao cho M để M đưa đi tiêu thụ. Do Công ty TNHH Y không đồng ý mua lại số áo trên nên M đưa cho H cất giấu cho đến khi sự việc bị phát hiện, Q đến lấy và giao nộp 108 chiếc áo cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Đ(bút lục 236 đến 367).

Căn cứ kết luận định giá tài sản số 54/KL-HĐĐG ngày 10/7/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đ, kết luận: 250 chiếc áo của Công ty TNHH Y bị chiếm đoạt có tổng giá trị là 202.141.651 đồng (bút lục 98).

Căn cứ kết luận định giá tài sản số 30/KL-HĐĐG ngày 09/4/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, kết luận: 108 chiếc áo của Công ty TNHH Y bị chiếm đoạt có tổng giá trị là 72.507.699 đồng (bút lục 95).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 51/2020/HS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phướcđã tuyên xử:

Tuyên bố bị cáo Hà Duy M, Phan Thanh Q, Lê Quang P, Cao Văn D, Hoàng Đức S, Nguyễn Phùng H phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

-Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 173; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; 38; Điều 50, 58 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Hà Duy M 7 (bảy) năm 6 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 17/01/2020.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 173; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; 38; Điều 50, 58 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Lê Quang P 7 (bảy) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 22/01/2020.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 173; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; 38; Điều 50, 58 Bộ luật Hình sự;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Phùng H 7 (bảy) năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 19/12/2019 đến ngày 24/4/2020.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 173; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; 38; Điều 50, 58 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Phan Thanh Q 7 (bảy) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 22/01/2020.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 173; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 38; Điều 50, 54, 58 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Cao Văn D 3 (ba) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 17/01/2020.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 173; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 50, 54, 58 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Hoàng Đức S 3 (ba) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/9/2019 đến ngày 22/01/2020.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10 và ngày 14 tháng 9 năm 2020, các bị cáo Hà Duy M, Phan Thanh Q, Lê Quang P, Hoàng Đức S, Nguyễn Phùng H, Cao Văn D có đơn kháng cáo đề nghị cấp Phúc thẩm xem xét lại tính chất mức độ vi phạm, xem xét lại toàn bộ diễn biết, nội dung, tình tiết, tang chứng, vật chứng của vụ án và đề nghị tiến hành định giá lại đối với 358 chiếc áo (bị lỗi) mà các bị cáo trộm cắp của Công ty TNHH Y.

Tại phiên tòa:

- Các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Bản án sơ thẩm xác định. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng khung hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho các bị cáo là nặng chưa phù hợp với giá trị thực tế tài sản bị mất nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.

- Người đại diện theo ủy quyền của bị hại: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại thủ tục định giá trong tố tụng hình sự của Hội đồng định giá huyện Đ.

- Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Do có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình định giá tài sản nên kết quả định giá mà HĐĐGTS trong tố tụng tại cấp sơ thẩm không đảm bảo khách quan cho việc xác định trách nhiệm hình sự, ảnh hưởng đến khung hình phạt đối với các bị cáo nên đề nghị HĐXX: Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355; điểm c Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hà Duy M, Phan Thanh Q, Lê Quang P, Cao Văn D, Hoàng Đức S, Nguyễn Phùng H, hủy Bản án sơ thẩm số 51/2020/HSST ngày 04/9/2020 của TAND huyện Đ để điều tra lại theo quy định.

- Quan điểm của Luật sư bào chữa cho các bị cáo Hà Duy M, Lê Quang P, Cao Văn D, Hoàng Đức S, Nguyễn Phùng H: Do việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp Phúc thẩm không thể khắc phục, bổ sung được nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hà Duy M, Lê Quang P, Cao Văn D, Hoàng Đức S, Nguyễn Phùng H, hủy Bản án sơ thẩm số 51/2020/HSST ngày 04/9/2020 của TAND huyện Đ để điều tra, xét xử lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đơn kháng cáo của các bị cáo Hà Duy M, Phan Thanh Q, Lê Quang P, Cao Văn D, Hoàng Đức S, Nguyễn Phùng H được thực hiện trong thời hạn luật định, có hình thức và nội dung phù hợp với quy định tại các Điều 331, 332 và 333 Bộ luật tố tụng hình sự nên đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục Phúc thẩm.

[2] Xét đơn kháng cáo của các bị cáo Hà Duy M, Phan Thanh Q, Lê Quang P, Hoàng Đức S, Nguyễn Phùng H, Cao Văn D có đơn kháng cáo đề nghị cấp Phúc thẩm xem xét lại tính chất mức độ vi phạm, xem xét lại toàn bộ diễn biến, nội dung, tình tiết, tang chứng, vật chứng của vụ án và đề nghị tiến hành định giá lại đối với 358 chiếc áo (bị lỗi) mà các bị cáo trộm cắp của Công ty TNHH Y, Hội đồng xét xử nhận thấy: Về căn cứ định giá và kết luận định giá của Hội đồng định giá (viết tắt là HĐĐG) trong tố tụng hình sự huyện Đ, Hội đồng định giá căn cứ theo yêu cầu định giá của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ số 86/YCĐG ngày 04/7/2019, tài sản cần định giá là 250 cái áo, sản xuất năm 2018, thời điểm định giá vào ngày 03/10/2018 và số 58/YCĐG ngày 09/4/2020, tài sản định giá là 108 cái áo, sản xuất năm 2018, thời điểm định giá vào tháng 11/2018. Cơ sở để xác định giá trị tài sản thì HĐĐG căn cứ vào các tài liệu do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ cung cấp; trên cơ sở tìm hiểu về tài sản cần định giá thì được biết tài sản do Công ty TNHH Y chỉ nhận nguyên liệu về gia công, sản xuất để xuất khẩu sang nước ngoài không bán phổ biến thị trường trong nước, từ những căn cứ này HĐĐG căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ được hướng dẫn tại điểm d, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính theo đó “Giá trong tài liệu, hồ sơ hợp pháp về tài sản đó do các cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan yêu cầu định giá cung cấp”. Vì vậy, Hội đồng định giá thống nhất lấy mức giá do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ cung cấp để làm cơ sở xác định giá trị tài sản cần định giá.

[3] Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo M, Q, P, H đều khai nhận là tài sản mà các bị cáo trộm cắp là 358 chiếc áo của Công ty TNHH Y đều là hàng tồn, hàng bị lỗi (tại các bút lục 237, 243, 253, 254;

270, 272, 273, 285; 297, 392, 311, 412, 216, 317) nhưngchưa được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ tài sản bị trộm cắp thuộc loại hàng nào của Công ty.

[4] Tại cấp Phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của bị hại trình bày: Theo mô hình sản xuất thì phân thành 3 loại hàng: Loại một là hàng thành phẩm xuất khẩu (chuyển giao cho Công ty đặt hàng); loại hai là hàng có được do tiết kiệm nhiên liệu thuộc quyền sử dụng của Công ty gia công (Công ty TNHH Y); loại ba là hàng lỗi không sử dụng được (không xử lý được mà nhờ bên thứ 3 xử lý hủy). Loại hàng mà các bị cáo lấy trộm ở kho BB là kho hàng loại hai cũng thuộc hàng xuất khẩu nhưng có giá trị thấp hơn hàng thành phẩm loại một, loại hàng này Công ty sẽ tìm khách hàng để bán và giá bán Công ty tự đưa ra theo thỏa thuận. Theo như bảng kê chi tiết trị giá đối với 358 chiếc áo của Công ty bị mất trộm mà Công ty cung cấp cho Tòa án tỉnh Bình Phước có tổng giá trị là 38.157.913 đồng, người đại diện theo ủy quyền của bị hại cũng khẳng định đây cũng là thiệt hại thực tế của Công ty Y.

[5] Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị hại cũng xác định Công ty sản xuất có 03 loại giá là giá gia công, giá nguyên liệu và giá khách hàng bán thị trường. Giá mà các bị cáo lấy trộm được áp dụng trong định giá là giá khách hàng bán ra thị trường. Khi được hỏi về việc tại sao Hội đồng định giá lại lấy giá khách hàng bán ra thị trường để tiến hành định giá và hỏi về kết quả định giá thì người đại diện theo ủy quyền cho biết: “Do tại thời điểm đó Cơ quan điều tra không hỏi hàng bị mất trộm loại nào nên định giá như vậy, hơn nữa cơ quan điều tra có hỏi hàng bị mất cắp có bao nhiêu loại giá, Công ty cũng trả lời là có 03 loại như trên nhưng Cơ quan điều tra chỉ yêu cầu cung cấp bảng giá khách hàng bán ra thị trường nên Công ty cung cấp theo yêu cầu của Cơ quan điều tra”. Về kết quả định giá thì người đại diện cho rằng là cao, giá này là giá bán ra thị trường chứ không phải giá thực sự của Công ty mất, bị thiệt hại. Ngoài ra, Công ty TNHH Y là Công ty gia công sản phẩm, nguyên liệu lấy từ Công ty khác, sau khi gia công xong chuyển giao sản phẩm (hàng loại một) cho Công ty thứ 3 là Công ty mua lại sản phẩm này, bản thân Công ty Y không trực tiếp ký hợp đồng với Công ty thứ 3 mà do Công ty cung cấp nguyên liệu ký hợp đồng trực tiếp. Các mã hàng mà Công ty Y báo giá dựa trên giá thành sản phẩm (có in mã vạch), số tiền ghi sẵn tức là bán ra thị trường người tiêu dùng sẽ mua bằng với giá này (giá bán của Công ty thứ 3). Như vậy, việc báo giá sản phẩm của Công ty Y bao gồm cả phần chi phí tiêu hao như vận chuyển, công bán hàng, các loại phí khác cộng với lợi nhuận của Công ty thứ 3, cho nên Hội đồng định giá căn cứ vào giá bán của Công ty thứ 3 (do Cơ quan điều tra huyện Đ cung cấp) để định giá là chưa phù hợp với quy định pháp luật cũng như sự thật khách quan của vụ án.

[6] Ngoài ra, tại Biên bản họp Hội đồng định giá ngày 09/4/2020 (BL 96) thì Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Đ đối với tài sản là 108 cái áo có 03 thành viên gồm: Bà Phạm Thị M – Chủ tịch Hôi đồng, Bà Lê Thị H – Thành viên thường trực, ông Phạm Xuân Thạch – Thành viên, nhưng phần chữ viết là ghi Ông Nguyễn Ngọc C – Chủ tịch hội đồng định giá (phó trưởng phòng tài chính kế hoạch). Vì vậy, cần phải xem xét chữ ký trong biên bản này có phải của bà Phạm Thị M hay không để có cơ sở đánh giá tính hợp pháp của Biên bản phiên họp cũng như kết luận định giá đối với các tài sản này. Hơn nữa, tại bản kê khai đơn giá cho hàng bị mất của Công ty TNHH Y đề ngày 17/7/2019 cho 250 cái áo bị mất, gửi kèm theo Yêu cầu định giá tài sản số 86 ngày 04/7/2019 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đ, nhưng ngày 10/7/2019 Hội đồng định giá tài sản họp và kết luận định giá vào lúc 08 giờ ngày 10/7/2019, với thành phần HĐĐG gồm ông Nguyễn Ngọc C - Chủ tịch hội đồng và các thành viên Lê Thị Hvà Phạm Xuân T, kết luận 250 cái áo do Công ty TNHH Y sản xuất có tổng giá trị là: 202.141.651 đồng, biên bản phiên họp định giá tài sản không thể hiện đầy đủ các nội dung như quy định tại Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ cụ thể không thể hiện nội dung theo quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ.

[7] Đối với hành vi của bị cáo Hà Duy M sau khi lấy trộm tài sản của Công ty bị cáo chủ động liên hệ với Lê Thị Diễm T là nhân viên y tế của Công ty TNHH Y và cho bà T biết thông tin là số hàng của Công ty hiện đang lưu lạc trên thị trường để T báo với Giám đốc Công ty mua lại số áo bị mất từ bị cáo M vì sợ số hàng (250 cái áo) bán ra thị trường sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín và gây thiệt hại đến Công ty . Như vậy, việc bị cáo M đưa ra thông tin gian dối là hàng hiện đang lưu lạc trên thị trường để buộc Công ty phải mua lại số hàng (250 cái áo) bị mất trộm với tổng số tiền là 51 triệu đồng (theo như bị cáo M trình bày) nhưng hành vi này của bị cáo M chưa được điều tra làm rõ.

[8] Đối với bà Lê Thị Diễm T người được Giám đốc Công ty giao trách nhiệm trực tiếp đưa tiền mua lại tài sản bị mất cắp từ bị cáo M: Cần xác định tư cách tham gia tố tụng đối với bà T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Làm rõ nội dung Công ty đưa cho cho bà T 80 triệu để đưa cho bị cáo M mua lại sản phẩm bị mất cắp nhưng trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo M khai nhận từ T 51 triệu đồng.

[9] Từ những phân tích trên, do chưa làm rõ về loại sản phẩm bị trộm cắp để tính giá trị thật về thiệt hại thực tế của Công ty TNHH Y, dẫn đến Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đ căn cứ vào bảng báo giá đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn (loại 1) làm căn cứ định khung hình phạt đối với các bị cáo cũng như chưa làm rõ hành vi của bị cáo Hà Duy M đối với số tiền chiếm đoạt 51 triệu đồng và số tiền 80 triệu đồng Công ty giao choLê Thị Diễm T là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà cấp Phúc thẩm không thể khắc phục được. Vì vậy, cần hủy Bản án hình sự sơ thẩm 51/2020/HS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước giao hồ sơ về Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước để điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục chung.

[10] Do hủy án sơ thẩm nên kháng cáo của các bị cáo được hội đồng xét xử chấp nhận một phần.

[11] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[12] Quan điểm Luật sư bào chữa cho các bị cáo Hà Duy M, Lê Quang P, Nguyễn Phùng H, Cao Văn D, Hoàng Đức S được chấp nhận

[13] Án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm và vấn đề bồi thường thiệt hại được giải quyết khi xét xử lại vụ án.

[14] Án phí hình sự P thẩm các bị cáo không phải chịu. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;

Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Hà Duy M, Lê Quang P, Phạm Thanh Q, Nguyễn Phùng H, Cao Văn D, Hoàng Đức S;

Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 51/2020/HS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước điều tra lại vụ án.

Án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm và vấn đề bồi thường thiệt hại được giải quyết khi xét xử lại vụ án.

Án phí hình sự Phúc thẩm bị cáo không phải chịu.

Bản án P thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

528
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 13/2021/HS-PT ngày 04/03/2021 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:13/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;