TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 13/2017/LĐ-PT NGÀY 21/09/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Trong các ngày 14, 21 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 08/2017/TLPT-LĐ ngày 03 tháng 7 năm 2017 về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 06/2017/LĐ-ST ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 08/2017/QĐ-PT ngày 07/8/2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Phan L, sinh năm 1978; thường trú: Ấp A, xã Th, huyện B, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần T, sinh năm 1979; Địa chỉ: Ấp Y, xã T, huyện T, tỉnh Bình Phước là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 13/6/2017). Có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH Nhà máy C; địa chỉ: Khu phố A, phường B, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Kim Chul S, sinh năm 1961; chức vụ: Tổng Giám đốc công ty.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Bùi Huỳnh Thùy Tr, sinh năm 1989; Địa chỉ: Số X đường số Y, phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh. Và ông Lê Thanh A, sinh năm 1993. Địa chỉ: Tầng N, tòa nhà T, số 151 N, Phường V, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 10/5/2017). Có mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Phan L.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Vào ngày 14/10/2013, ông L bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH Nhà máy C (sau đây gọi tắt là Công ty C), thời gian thử việc là 02 tháng. Sau đó ông L tiếp tục làm việc tại công ty và ký hợp đồng lao động thời hạn 01 năm, đến ngày 14/12/2015, ông L ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, mức lương và phụ cấp là 15.125.000 đồng/tháng. Ngày 25/10/2016, Công ty C thông báo sẽ kết thúc hợp đồng lao động với ông L vào ngày 31/10/2016 (theo thông báo ngày 25/10/2016), lý do công ty giải thể. Tuy nhiên, theo thông tin được biết thì Công ty C đã chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 28/4/2016 theo Quyết định số 20/QĐ-SKHĐT ngày 28/4/2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương ký. Theo Quyết định trên thì phía Công ty C đã chấm dứt hoạt động vào ngày 28/4/2016 nhưng ông L vẫn làm việc đến hết tháng 10/2016. Vì vậy, việc Công ty C cho ông L nghỉ việc là trái quy định của pháp luật, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên ông L khởi kiện yêu cầu bồi thường các khoản sau:
- Bồi thường tiền lương những ngày không được làm việc từ ngày 01/11/2016 đến 20/4/2017 với số tiền: 85.514.423 đồng;
- Bồi thường hai tháng tiền lương do vi phạm theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động, số tiền: 30.250.000 đồng;
- Bồi thường tiền lương do vi phạm thời gian báo trước, số tiền: 26.177.884 đồng;
- Truy đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian ông L không được làm việc tại Công ty;
- Nhận ông L trở lại Công ty C làm việc theo vị trí, mức lương, phụ cấp trước đây.
Tổng số tiền Công ty C phải bồi thường là: 141.492.307 đồng. Ngoài ra nguyên đơn không còn yêu cầu nào khác.
Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Công ty C thống nhất với ý kiến trình bày của nguyên đơn về thời gian làm việc, thời gian ký kết hợp đồng, mức lương, phụ cấp lương theo hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng lao động, thời gian thông báo cho người lao động, quyết định cho người lao động nghỉ việc.
Với tất cả yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý vì bị đơn không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn theo Điều 38 Bộ luật Lao động mà bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn theo quy định tại khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động (do Công ty giải thể). Việc Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn là do Công ty hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên đã chấm dứt hoạt động theo Quyết định giải thể số 26/QĐHĐTV ngày 25/10/2016 của Hội đồng thành viên công ty. Hiện Công ty C đã gửi quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên Công ty đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, đến Cục Thuế tỉnh Bình Dương và Công ty C đã niêm yết quyết định giải thể và thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động tại cổng xưởng công ty. Đồng thời, Công ty đã thanh toán tiền lương tháng 10/2016, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết ngày 30/10/2016 và các chế độ khác cho người lao động theo quy định. Do Công ty chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 36 Bộ luật Lao động nên Công ty không phải thông báo trước cho người lao động khoảng thời gian theo như quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động. Do đó, Công ty đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L.
Công ty xác định khi làm thủ tục giải thể doanh nghiệp, Công ty có chính sách hỗ trợ cho người lao động như sau: Công nhân làm việc tại Công ty trên 4 năm thì Công ty hỗ trợ 1,5 tháng lương cơ bản; công nhân làm việc dưới 4 năm thì Công ty hỗ trợ 1 tháng lương cơ bản. Đối với trường hợp của ông L làm việc tại Công ty chưa đủ 4 năm nên Công ty tự nguyện hỗ trợ ông L 1 tháng lương tối thiểu là 11.300.000 đồng.
Bản án sơ thẩm số 06/2017/LĐ-ST ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T đã quyết định: Ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn Công ty TNHH Nhà máy C về việc hỗ trợ cho ông Phan L số tiền 11.300.000 đồng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phan L về việc yêu cầu bị đơn Công ty TNHH Nhà máy C phải bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tổng số tiền là 141.492.307 đồng và nhận ông L trở lại làm việc. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 05 tháng 5 năm 2017, ông Phan L là nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Trần T đề nghị Tòa án đưa Công ty TNHH The SH (sau đây gọi là Công ty SH) vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, yêu cầu Tòa án xem xét về việc vi phạm tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, Công ty SH vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời yêu cầu xác minh đối với tài sản của Công ty C chuyển sang Công ty SH. Đại diện nguyên đơn đề nghị hủy bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc sửa bản án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Người đại diện hợp pháp của bị đơn đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ khi tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung, Công ty đã thực hiện thủ tục giải thể theo đúng quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; Chấm dứt hợp đồng lao động với ông L đúng quy định tại khoản 7 Điều 36, Điều 47, Điều 48 Bộ luật Lao động nên đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Ngày 25/4/2017, Tòa án nhân dân thị xã T xét xử vụ án và ban hành Bản án lao động sơ thẩm số 06/2017/LĐ-ST, ngày 05/5/2017 ông L có đơn kháng cáo bản án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, ông L kháng cáo trong thời hạn luật định.
[2] Đối với các yêu cầu kháng cáo của đại diện nguyên đơn về việc yêu cầu hủy bản án sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng trong việc không đưa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty SH vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương là cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp. Trong vụ án này các yêu cầu cung cấp về thông tin, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp đầy đủ cho Tòa án; Sở Kế hoạch và Đầu tư không có quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan đến vụ án này do vậy không có cơ sở để đưa Sở Kế hoạch và Đầu tư vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Đối với yêu cầu đưa Công ty SH vào tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Qua nghiên cứu hồ sơ nhận thấy, Công ty C là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, người đại diện theo pháp luật là ông Kim Chul S. Thành viên góp vốn của công ty bao gồm: Colosseum Athletics Corporation và ông Whang Stuart A được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mã số 3701307394 cấp lần đầu ngày 16/12/2008, thay đổi lần thứ 5 ngày 16/10/2015; địa chỉ trụ sở tại: Khu phố Bình Phước X, phường B, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Công ty TNHH The SH là Công ty TNHH Một thành viên, tên chủ sở hữu: Ludi 21, LLC; người đại diện theo pháp luật là ông Huh Sung M chức vụ Tổng giám đốc; Đăng ký với mã số doanh nghiệp 3702498487 cấp ngày 15/9/2016, địa chỉ trụ sở tại: Số 1110, khu phố Bình Hòa Z, phường TT, thị xã TU, tỉnh Bình Dương (bút lục 101). Thời điểm Công ty SH được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ngày 15/9/2016) thì Công ty C chưa giải thể theo Quyết định số 26/QĐHĐTV ngày 25/10/2016 của Hội đồng thành viên công ty. Trước đó, ngày 15/4/2016 ông Kim Chul S là người đại diện theo pháp luật của Công ty C lập giấy ủy quyền cho ông Huh Sung M thay mặt ông Kim Chul S toàn quyền quyết định mọi vấn đề và thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để giải thể công ty. Tại Biên bản xác minh ngày 08/3/2017, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương xác nhận “Công ty TNHH The SH là doanh nghiệp hoạt động độc lập, không liên quan đến Công ty TNHH Nhà máy C” (bút lục 103). Đại diện nguyên đơn cung cấp cho Tòa án “danh sách công nhân viên không làm việc tại Công ty SH ngày 01/11/2016” có đóng dấu mộc của Công ty TNHH Nhà máy C (bút lục 129-130). Và cho rằng vấn đề này chứng minh cho việc có mối quan hệ giữa Công ty C và Công ty SH. Đại diện bị đơn thừa nhận tài liệu nêu trên do ông Huh Sung M ký với tư cách đại diện Công ty C giải quyết các vấn đề giải thể công ty, việc bị đơn lập tài liệu nêu trên là để giải quyết việc làm cho một số người lao động tại Công ty C được chuyển qua làm việc tại Công ty SH. Xét thấy, việc ông Huh Sung M là người đại diện theo ủy quyền của Công ty C và là người đại diện theo pháp luật của Công ty SH ban hành danh sách công nhân viên làm việc và không làm việc tại Công ty SH ngày 01/11/2016 và nhận công nhân viên của Công ty C làm việc tại công ty SH là để giải quyết đảm bảo được việc làm cho một số người lao động đang rơi vào tình trạng mất việc làm khi Công ty C giải thể, hành động trên của ông Huh Sung M không trái quy định của Bộ luật Lao động. Do vậy, không có căn cứ xác định Công ty C chia tách doanh nghiệp thành Công ty SH. Yêu cầu của đại diện nguyên đơn về việc hủy bản án sơ thẩm do vi phạm tố tụng là không có căn cứ.
[3] Xét việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động của Công ty C:
Quá trình tham gia tố tụng đại diện bị đơn xác định công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động là trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động nên công ty không phải báo trước cho người lao động và công ty không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ: Biên bản họp Hội đồng thành viên công ty số 15/BBHĐTV ngày 15/4/2016 của Hội đồng thành viên công ty; Quyết định số 15/QĐHĐTV ngày 15/4/2016 quyết định chấm dứt dự án đầu tư và quyết định giải thể thanh lý dự án đầu tư; Quyết định số 20/QĐ-SKHĐT ngày 28/4/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương quyết định chấm dứt hoạt động dự án nhà máy sản xuất hàng may mặc của Công ty TNHH Nhà máy C. Công ty C đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận chấm dứt hoạt động dự án nhà máy sản xuất hàng may mặc của Công ty.
Biên bản họp số 25/BBHĐTV và Quyết định số 26/QĐHĐTV cùng ngày 25/10/2016 của Hội đồng thành viên công ty với nội dung quyết định giải thể Công ty C, thông qua các phương án thanh lý hợp đồng, xử lý nợ, các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, phương án thanh lý tài sản công ty, thành lập ban thanh lý tài sản của công ty. Tại Điều 4 về phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động, công ty xác định còn sử dụng 180 lao động và sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết khác để chấm dứt hợp đồng lao động chậm nhất đến ngày 15/11/2016 theo quy định của pháp luật về lao động; Cùng ngày, công ty đã ra thông báo cho người lao động biết công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân viên công ty kể từ ngày 01/11/2016. Công ty đã ra quyết định và giải quyết các chế độ cho người lao động vào ngày 01/11/2016.
Ngày 02/11/2016, công ty ban hành Thông báo số 27/TB về việc giải thể doanh nghiệp gửi Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương. Hiện nay, trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp đang cập nhật tình trạng của công ty đang làm thủ tục giải thể là “bị khóa”.
Như vậy, tới thời điểm ngày 01/11/2016 công ty chưa thông báo đến cơ quan có thẩm quyền quản lý việc đăng ký kinh doanh, chưa nộp hồ sơ, con dấu theo quy định tại Điều 204 Luật Doanh nghiệp, chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận việc giải thể theo Điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp nhưng lại tự xác định đã chấm dứt hoạt động để chấm dứt hợp đồng lao động đang có hiệu lực với người lao động là vi phạm điểm e khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp.
Xét việc quyết định giải thể công ty là ý chí đơn phương của chủ doanh nghiệp (người sử dụng lao động) theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng khi thực hiện quyền này chủ doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Lao động để giải quyết các hợp đồng lao động đang có hiệu lực. Hợp đồng lao động giữa ông L với Công ty C là hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông L công ty phải thông báo trước cho ông L biết trước ít nhất 45 ngày để ông L có thời gian tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống. Trong vụ án này, ngày 25/10/2016 Công ty C ra quyết định giải thể số 26. Cùng ngày, công ty thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động của công ty vào ngày 01/11/2016 và người lao động đã phải nghỉ việc từ ngày 01/11/2016. Như vậy, công ty mới thực hiện việc báo trước cho người lao động biết trước 06 ngày, vi phạm quy định về thời gian báo trước nêu trên. Do vậy, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với nguyên đơn trái pháp luật là có cơ sở chấp nhận.
Về cơ sở để xác định doanh nghiệp chấm dứt hoạt động khi giải thể thì quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xác minh việc giải thể doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thì tại thời điểm xác minh ngày 11/11/2016 Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa cung cấp thông tin về điều kiện để xác định thời điểm doanh nghiệp chính thức giải thể. Tuy nhiên, căn cứ Công văn số 474/CV-ĐKKD ngày 09/8/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư phúc đáp yêu cầu cung cấp thông tin của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thì Tòa án mới có cơ sở để xác định chỉ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ theo Điều 204 Luật Doanh nghiệp và được cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền công nhận bằng quyết định thì mới được xem là doanh nghiệp đã giải thể (chấm dứt hoạt động). Đây là tình tiết mới phát sinh tại cấp phúc thẩm.
Từ những phân tích trên, có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Phan L; Sửa Bản án sơ thẩm số 06/2017/LĐ-ST ngày 25/4/2017 của TAND thị xã T, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với nguyên đơn. Buộc bị đơn phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc (01/11/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm 20/4/2017), 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, tiền lương vi phạm thời gian báo trước (39 ngày) trên cơ sở mức lương Công ty C trả cho ông L trước khi nghỉ việc là 15.125.000 đồng/tháng theo hợp đồng lao động đã ký kết. Đối với yêu cầu nhận nguyên đơn trở lại làm việc: Do bị đơn đang làm thủ tục giải thể, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh do vậy, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn nhận nguyên đơn trở lại làm việc.
Trong thời gian Hội đồng xét xử nghị án, ngày 18/9/2017 ông T nộp đơn yêu cầu Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Cục Thuế tỉnh Bình Dương tạm ngưng quyết toán thuế hoặc tạm ngưng thực hiện thủ tục hoàn thuế VAT đối với Công ty TNHH Nhà máy C tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo thi hành án. Xét thấy, nguyên đơn có yêu cầu nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ có giá trị chứng minh việc Cục Thuế tỉnh Bình Dương đang thực hiện quyết toán thuế hay hoàn thuế VAT cho Công ty C. Do vậy, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ông Trần T.
Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm là chưa phù hợp.
[4] Về án phí sơ thẩm bị đơn Công ty C phải nộp; án phí phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên đương sự không phải nộp theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Phan L, sửa Bản án sơ thẩm số 06/2017/LĐ-ST ngày 25/4/2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương như sau:
Áp dụng các Điều 202, 204, 205 Luật Doanh nghiệp; Khoản 2 Điều 38, Điều 42 Bộ luật Lao động; Điểm b khoản 2 Điều 133, khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phan L đối với bị đơn Công ty TNHH Nhà máy C về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
2. Buộc Công ty TNHH Nhà máy C bồi thường cho ông Phan L số tiền 140.198.000 đồng (trong đó tiền lương những ngày không được làm việc là 87.260.000 đồng, hai tháng tiền lương là 30.250.000 đồng, tiền lương vi phạm thời gian báo trước là 22.687.000 đồng). Buộc Công ty TNHH Nhà máy C và ông Phan L có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật tại Cơ quan bảo hiểm xã hội thị xã T từ ngày 01/11/2016 đến ngày 20/4/2017 theo mức lương thực lãnh là 15.125.000 đồng/tháng.
3. Không chấp nhận yêu cầu của ông Phan L về việc buộc Công ty TNHH Nhà máy C nhận ông L trở lại làm việc.
4. Không chấp nhận yêu cầu của ông Trần T về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Cục Thuế tỉnh Bình Dương tạm ngưng quyết toán thuế hoặc tạm ngưng thực hiện thủ tục hoàn thuế VAT đối với Công ty TNHH Nhà máy C.
5. Về án phí sơ thẩm: Công ty TNHH Nhà máy C phải nộp 4.200.000 đồng.
6. Về án phí phúc thẩm: Ông Phan L không phải nộp.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án không thi hành án, thì hàng tháng còn chịu tiền lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều: 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án bản án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 13/2017/LĐ-PT ngày 21/09/2017 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 13/2017/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 21/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về