TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KIÊN LƯƠNG, KIÊN GIANG
BẢN ÁN 13/2017/KDTM-ST NGÀY 27/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG CÔNG TRÌNH
Ngày 27 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 30/2016/TLST-KDTM ngày 14 tháng 11 năm 2016 về tranh chấp “Hợp đồng thi công công trình”.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 81/2017/QĐXX-ST ngày 06 tháng 9 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên M
Trụ sở chính: Số 172, đường M, phường R, thành phố R, tỉnh K.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Văn P – sinh năm 1969; Chức danh: Giám đốc, có mặt.
Địa chỉ: như trên.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Diệp Văn T – sinh năm 1971 (Theo văn bản ủy quyền ngày 30 tháng 11 năm 2016), vắng mặt
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
2. Bị đơn: Bà Phạm Thị Thùy P – Chủ Doanh nghiệp tư nhân T, vắng mặt.
Trụ sở chính: Ấp Núi Trầu, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn và lời khai của đại diện nguyên đơn trình bày: Ngày 04/4/2014 phía Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) T có ký hợp đồng số 12/2014/HĐTC với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) M về thi công công trình: đường dây trung thế và trạm biến áp 1 x 400KVA; địa điểm xây dựng tại ấp T, xã D, huyện K, tỉnh K. Giá trị của hợp đồng là 450.000.000đ (đã có thuế giá trị gia tăng).
Ngày 09/5/2014 công ty TNHH MTV M đã thi công hoàn thành và đóng điện đưa công trình vào sử dụng. Ngày 08/6/2014 công ty TNHH MTV M đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cung cấp cho DNTN T với số tiền 450.000.000đ. DNTN T đã thanh toán cho công ty TNHH MTV M 02 đợt với tổng số tiền: 400.000.000đ, cụ thể: đợt 1 vào ngày 14/4/2014 trả 150.000.000đ, đợt 2 vào ngày 16/7/2014 trả 250.000.000đ. Giá trị phát sinh giảm của công trình trên là: 10.000.000đ.
Vì vậy DNTN T còn nợ Công ty TNHH MTV M số tiền là 40.000.000đ. Nay phía công ty TNHH MTV M yêu cầu thanh toán số tiền nêu trên. Ngoài ra nguyên đơn không còn yêu cầu nào khác.
Theo lời khai của bị đơn bà Phạm Thị Thùy P - chủ DNTN T trình bày: Bà P thừa nhận DNTN T có ký hợp đồng số 12/2014/HĐTC với công ty TNHH MTV M về thi công công trình: đường dây trung thế và trạm biến áp 1 x 400KVA; địa điểm xây dựng tại ấp T, xã D, huyện K, tỉnh K. Giá trị của hợp đồng là 450.000.000đ. Sau khi thi công xong công trình thì DNTN T và công ty TNHH MTV M chỉ nghiệm thu bằng miệng chứ không có lập biên bản. DNTN T đã thanh toán qua chuyển khoản số tiền là 400.000.000đ. Các chứng từ được ghi vào sổ sách lâu quá DNTN T không còn lưu lại. Sau khi nghiệm thu xong thì khoảng 5 đến 10 ngày sau công trình có sự cố. DNTN T thừa nhận còn nợ lại công ty TNHH MTV M số tiền là 15.000.000đ là để bảo hành công trình thi công 12 tháng, nhưng lúc xảy ra sự cố có kêu công ty TNHH MTV M bảo hành, phía công ty không sửa chữa nên DNTN T phải mướn người khác làm và số tiền 15.000.000đ này không đủ để DNTN T trả tiền công, vì vậy số tiền 15.000.000đ DNTN T không đồng ý trả.
Theo DNTN T giá trị phát sinh giảm không phải là 10.000.000đ mà là 35.000.000đ, cấn trừ 35.000.000đ gồm các khoản trừ đường dây theo thỏa thuận là 500m nhưng thực tế là khoảng hơn 300m, phạt chậm công trình hơn 01 tháng (nhưng phía DNTN T không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh), nên số tiền còn lại là 15.000.000đ. Như vậy, tổng cộng 02 khoản cấn trừ nêu trên là 50.000.000đ (15.000.000đ + 35.000.000đ). Vì vậy, DNTN T không còn nợ công ty TNHH MTV M. Nay DNTN T không đồng ý trả số tiền 40.000.000đ theo yêu cầu của Công ty TNHH M. Ngoài ra không yêu cầu gì khác.
Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Thư ký trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án và của Hội đồng xét xử (HĐXX) tại phiên toà là đúng trình tự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS); Tuy nhiên, thời hạn đưa vụ án ra xét xử là còn chậm theo quy định; Về nội dung vụ án: Đề nghị chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn số tiền là 40.000.000đ;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội Đồng Xét Xử nhận định:
[1] Xét về thủ tục tố tụng: Bị đơn bà Phạm Thị Thùy P – Là chủ DNTN T được tống đạt hợp lệ thủ tục tố tụng nhưng bà không có mặt và không làm đơn xét xử vắng mặt. Vì vậy Tòa án tiến hành xét xử theo quy định tại khoản 2 điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Đây là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại, về việc “Hợp đồng thi công công trình” theo khoản 1 Điều 30 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Hợp đồng được ký kết và đã được thực hiện xong từ năm 2014, nay phát sinh tranh chấp nên áp dụng quy định của Bộ luật dân sự 2005 để giải quyết.
[3] Giữa công ty TNHH MTV M và DNTN T có ký hợp đồng thi công công trình số 02/2014/HĐTC, ngày 04/4/2014. Các bên đều thống nhất về nội dung, điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng, giá trị thực hiện hợp đồng là 450.000.000đ và số tiền các bên đã chuyển trả giao nhận là 400.000.000đ; Công trình sau khi hoàn thành hai bên đã tiến hành nghiệm thu và đã mời Công ty Điện lực Kiên Lương đến để nghiệm thu đóng điện đưa vào sử dụng thì không có xảy ra sự cố. Việc nghiệm thu công trình là do hai bên nghiệm thu trực tiếp với nhau (bằng lời nói) mà không lập thành văn bản. Kể từ ngày đóng điện thì bên chủ đầu tư được giữ lại 5% giá trị hợp đồng để bảo đảm thời hạn thực hiện bảo hành công trình là 12 tháng.
Nội dung tranh chấp là số tiền bà P giữ lại và không chịu tiếp tục thanh toán cho Công ty TNHH MTV M.
[4] Xét yêu cầu của Công ty TNHH MTV M về việc buộc bà P thanh toán số tiền 40.000.000đ, bao gồm tiền nợ hợp đồng chưa trả đủ và tiền bảo hành bà P còn giữ lại, nhưng nay đã hết thời gian bảo hành mà bà P không chịu trả lại số tiền này, thấy rằng:
Khi ký kết và thực hiện hợp đồng Công ty TNHH MTV M và DNTN T đều thống nhất có thỏa thuận bằng miệng (bằng lời nói) mà không ghi vào hợp đồng về “giá trị phát sinh giảm của công trình” (được hiểu là tiền giảm bớt) cho DNTN T sau khi hợp đồng được thực hiện xong, nhưng do các bên không thống nhất số tiền được giảm là bao nhiêu và cũng không được thể bằng văn bản, do đó bà P cho rằng số tiền được giảm bớt là 35.000.000đ nhưng phía Công ty TNHH MTV M không chấp nhận mức giá này mà cho rằng chỉ giảm bớt cho bà P là 10.000.000đ. Xét việc bà P cho rằng số tiền giảm nhiều hơn số tiền Công ty TNHH MTV M ấn định, nhưng lại không cung cấp được chứng cứ chứng minh ý kiến của mình là có căn cứ nên không có cơ sở để Tòa án chấp nhận.
Đối với việc bà P khai có giữ lại số tiền là 15.000.000đ của Công ty TNHH MTV M nhằm để bảo hành công trình thi công trong thời hạn 12 tháng, sau khi công trình được nghiệm thu vài ngày thì xảy ra sự cố, bà có báo nhưng Công ty TNHH MTV M không đến công trình để thực hiện nghĩa vụ bảo hành, nên bà phải thuê công bên ngoài còn nhiều hơn số tiền bà giữ lại, vì vậy bà không đồng ý trả lại số tiền bảo hành cho Công ty TNHH MTV M. Xét thấy, tại mục 3.3 Điều 3 của hợp đồng số 12/2014/HĐTC có ghi “Trong trường hợp sau 02 ngày kể từ ngày bên A thông báo cho bên B về việc xảy ra sự cố, hư hỏng của công trình (bằng một trong các hình thức fax, email đến các địa chỉ nêu trong hợp đồng này) mà bên B vẫn không bố trí sửa chữa, khắc phục sự cố…”. Việc bà P cho rằng khi công trình có sự cố thì bà có báo cho công ty TNHH MTV M, tuy nhiên bà P lại không thực hiện bằng hình thức thông báo như đã ghi trong hợp đồng, trong khi đó Công ty TNHH MTV M không thừa nhận việc bà P có báo về việc sửa chữa công trình (chỉ có 01 lần bà P điện thoại thì công ty đã cử người xuống để sửa chữa, ngoài ra không có lần nào khác), hơn nữa bà P cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ để chứng minh cho lời khai của mình là có cơ sở, nên không có căn cứ xác định phía Công ty TNHH MTV M đã vi phạm nghĩa vụ bảo hành. Do đó, nếu công trình có xảy ra sự cố mà bà P tự ý thuê công bên ngoài mà không có sự đồng ý của Công ty TNHH M, thì bà P tự chịu trách nhiệm chi trả mà không được khấu trừ vào khoản tiền bảo hành như thỏa thuận.
Từ căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử cần buộc bà P phải hoàn trả cho Công ty TNHH M số tiền bảo hành còn giữ lại.
Đối với việc bà P cho rằng số tiền 35.000.000đ bà không trả cho Công ty TNHH MTV M là do cấn trừ đường dây chênh lệch. Đây là vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, các bên đã thống nhất nghiệm thu công trình và không tranh chấp, việc cấn trừ này không được thể hiện trong hợp đồng và cũng không được ghi nhận trong tài liệu chứng cứ nào khác, trong khi đó Công ty TNHH MTV M không đồng ý cấn trừ nên không có cơ sở xem xét.
Việc bà P cho rằng công ty TNHH MTV M thực hiện chậm hợp đồng thi công, tuy nhiên sau khi nghiệm thu công trình và được đóng điện sử dụng thì bà P không có yêu cầu gì về việc này, trong quá trình giải quyết tại Tòa án bà P cũng không cung cấp chứng cứ và không có yêu cầu phản tố về việc phạt vi phạm hợp đồng nên không có căn cứ để xem xét yêu cầu của bà P.
Ngoài ra, trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về thẩm quyền Tòa án giải quyết…Xét thấy, việc thỏa thuận của các bên không rõ ràng, vì thực tế không tồn tại Tòa án Kinh tế TP R, nên việc thỏa thuận của các đương sự là không phù hợp với quy định của pháp luật, do đó xét việc nguyên đơn khởi kiện tại Tòa án nơi cư trú của bị đơn là có căn cứ và hoàn toàn phù hợp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Từ những căn cứ nêu trên, có cơ sở xác định bà P có nghĩa vụ thực hiện thanh toán giá trị hợp đồng là 450.000.000đ, bà P đã trả được số tiền là 400.000.000đ, nên cần buộc bà P phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ chuyển trả cho Công ty TNHH MTV M số tiền còn nợ là 40.000.000đ (sau khi được khấu trừ số tiền giảm bớt là 10.000.000đ).
[5] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 2.000.000đ, buộc bà P – Chủ DNTN T phải nộp; Công ty TNHH MTV M được chấp nhận yêu cầu nên được nhận lại án phí tạm nộp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng vào các điều 290, 388, 405 Bộ luật dân sự năm 2005.
1/ Tuyên xử: Buộc bà Phạm Thị Thùy P – Chủ Doanh nghiệp tư nhân T phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành Viên M là 40.000.000đ.
Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành nếu bên phải thi hành án không trả đủ số tiền nợ nêu trên thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả thêm khoản lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
2/ Án phí: Căn cứ các điều 128, 131 bộ luật tố tụng dân sự và Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc Hội số 10/2009/PL-UBTVQH 12 ngày 27 tháng 02 năm 2009.
- Buộc bà Phạm Thị Thùy P – Chủ Doanh nghiệp tư nhân T phải nộp tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 2.000.000đ.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên M được nhận lại án phí tạm nộp là 1.000.000đ theo biên lai thu số 0001641, ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh K.
3/ Quyền kháng cáo: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành Viên M được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (27/9/2017); Bà Phạm Thị Thùy P – Chủ Doanh nghiệp tư nhân T được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hợp lệ.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, b và 9 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bản án 13/2017/KDTM-ST ngày 27/09/2017 về tranh chấp hợp đồng thi công công trình
Số hiệu: | 13/2017/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kiên Lương - Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 27/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về