Bản án 13/2017/DS-PT ngày 11/12/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 13/2017/DS-PT NGÀY 11/12/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN 

Trong các ngày 08 và ngày 11 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 15/2017/TLPT-DS ngày 05/10/2017 về tranh chấp về thừa kế tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 17/08/2017 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 16/2017/QĐ-PT ngày 28 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Tạ Đình H sinh năm 1950.

Địa chỉ: Số nhà 11, Liền Kề 11 Khu đô thị V, phường L, quận H4, thành phố Hà Nội.

- Bị đơn: Ông Tạ Văn T sinh năm 1960.

Địa chỉ: Thôn H5, xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1- Bà Tạ Thị H1 sinh năm 1945.

Địa chỉ: Thôn K1, xã Y2, huyện Y, tỉnh Ninh Bình.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Tạ Thị H1:

Ông Tạ Đình H sinh năm 1950.

Địa chỉ: Số nhà 11, Liền Kề 11 Khu đô thị V, phường L, quận H4, thành phố Hà Nội (văn bản ủy quyền ngày 01/01/2017).

2- Ông Tạ Ngọc KH sinh năm 1949.

Địa chỉ: Thôn A1, xã A2, huyện T2, thành phố Hải Phòng.

3- Ông Tạ Hồng A sinh năm 1953

Địa chỉ: Số 6, T3, phường 6, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.

4- Bà Tạ Thị N sinh năm 1960

Địa chỉ: Thôn H5, xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình.

- Người kháng cáo:

Bị đơn: Ông Tạ Văn T sinh năm 1960.

Tại phiên tòa phúc thẩm có mặt: Ông Tạ Đình H, ông Tạ Văn T, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Hồng A, bà Tạ Thị N. Khi tuyên án ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Hồng A vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai nguyên đơn ông Tạ Đình H (đồng thời là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Hồng A, bà Tạ thị H1) trình bày:

Cụ Tạ Văn S (chết năm 1996) và cụ Đào Thị N1 (chết năm 1995) có 05 người con gồm: Bà Tạ Thị H1, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A và ông Tạ Văn T. Cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S chết không để lại di chúc. Di sản của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S để lại gồm có 281m2 đất thổ cư tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình lập năm 1985 mang tên Tạ Văn S. Trên thửa đất có 04 gian nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1985 và 01 bàn thờ tổ tiên có ngai và gia phả. Do các ông, bà: Tạ Thị H1, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A đều ở xa nên thống nhất tạm giao cho ông Tạ Văn T quản lý toàn bộ tài sản của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S làm nơi thờ cúng tổ tiên.

Năm 2004, vợ chồng ông Tạ Văn T và bà Tạ Thị N phá nhà cũ của bố mẹ để lại và xây 03 gian nhà bán kiên cố, trong đó có 02 gian để làm nhà thờ. Khi vợ chồng ông T xây nhà, tất cả anh chị em trong nhà đều đồng ý và có góp tiền để ông T xây dựng nhà ở cụ thể: ông KH góp 3 triệu đồng, ông H góp 5 triệu đồng, ông A góp 5 triệu đồng và bà H1góp 2 kg chè khô.

Nay ông H và các đồng thừa kế là ông KH, ông A, bà H1 đề nghị chia di sản thừa kế của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S để lại gồm 281m2 đất thổ cư và gian nhà thờ. Ông H và các đồng thừa kế ông KH, ông A, bà H1 có nguyện vọng chia theo phương án: Ông H và các đồng thừa kế là ông KH, ông A, bà H1 nhận chung với nhau phần diện tích đất trên đó có 02 gian nhà thờ rộng 4,5m (gian nhà mái bằng) chạy dọc đất theo hướng phía Tây ra giáp đường phía Đông. Gian mái bằng hai tầng chia cho ông T. Ông H, ông KH, ông A, bà H1 nhất trí trả lại giá trị cây cối hoa màu trên phần đất được chia theo giá trị đã định giá. Phần đất thực tế mà ông T được chia nhiều hơn sẽ phải tính giá trị để trả lại cho ông H và các đồng thừa kế là ông KH, ông A, bà H1. Đối với ban thờ tổ tiên có ngai và gia phả, ông H không đề nghị Tòa án giải quyết. Gian nhà thờ mà ông T xây là tiền anh, chị, em đóng góp chung nên giữ nguyên không phải tính giá trị để thanh toán lại cho ông T.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH, bà Tạ Thị H1 đều thống nhất như ý kiến của nguyên đơn ông Tạ Đình H.

Bị đơn ông Tạ Văn T trình bày:

Ông T đồng ý với phần trình bày của nguyên đơn ông H và các đồng thừa kế là: ông KH, ông A, bà H1 về nguồn gốc đất mà cụ Tạ Văn S và cụ Đào Thị N1 để lại gồm có 281m2 đất thổ cư tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a Bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y lập năm 1985 mang tên Tạ Văn S. Trên thửa đất có 04 gian nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1985 và 01 bàn thờ tổ tiên có ngai và gia phả. Cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S sinh được 05 người con gồm: Bà Tạ Thị H1, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A và ông Tạ Văn T. Cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S chết không để lại di chúc.

Năm 2004 ông T tiến hành xây dựng nhà, trước khi phá nhà của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S xây dựng nhà mới, ông T có hỏi ý kiến của bà Tạ Thị H1, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A và được sự đồng ý của mọi người. Nay ông H, ông KH, ông A, bà H1 đề nghị chia di sản thừa kế của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S ông T không đồng ý với lý do: ông T và bà Tạ Thị N có công chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S từ năm 1982 đến khi các cụ mất là 14 năm; trả nợ hợp tác xã cho ông S và bà N1; nộp tiền thuế sử dụng đất. Do đó, khi còn sống cụ Tạ Văn S đã sang tên đất cho vợ chồng ông T (chỉ nói miệng không có văn bản).

Năm 1998 ông T được cấp bìa đỏ mang tên Tạ Văn T trong đó ghi rõ đất thổ ở là 281m2 và đất canh tác là 6672m2, năm 2015 do xảy ra tranh chấp nên Ủy ban nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình ra quyết định thu hồi. Nay bà Tạ Thị H1, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A muốn chia đất để làm nhà thờ thì ông T đồng ý để phần đất vườn phía trước có diện tích 49,5m2. Việc ông H, ông KH, ông A, bà H1 cho rằng khi ông T xây nhà đã đóng góp tiền và chè để xây dựng nhà thờ là không đúng, đó là tiền mừng khi vợ chồng ông T xây nhà mới, nếu đóng góp để xây nhà thờ thì các phần đóng góp phải bằng nhau, phải có khuôn viên tách giữa nhà ở với gian thờ. Thực tế, nhà ông T xây năm 2004, tổng giá trị công trình gần 500 triệu đồng, đến nay Hội đồng định giá xác định giá trị còn lại gần 200 triệu đồng. Vì vậy, ông T không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H, ông KH, ông A, bà H1.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Tạ Thị N trình bày:

Quyền sử dụng 281m2  đất thổ cư mà gia đình bà N đang sử dụng có nguồn gốc là của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S. Năm 1982 bà kết hôn với ông T và ở chung cùng với cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S cho đến khi các cụ chết. Năm 1992 khi có chủ trương kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bố mẹ chồng bà N đã cho vợ chồng bà mảnh đất này và được Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do đất có tranh chấp về thừa kế nên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị Ủy ban nhân dân huyện Y thu hồi. Khi vợ chồng bà N xây dựng nhà và công trình trên đất đều có sự thống nhất và đồng ý của các đồng thừa kế khác.

Nay ông H, ông KH, ông A, bà H1 đề nghị chia tài sản thừa kế bà N cũng nhất trí, nhưng bà đề nghị chia theo hướng: Nhà và công trình mà vợ chồng bà đã xây dựng trên đó được chia cho ông T, bà và ông T sẽ thanh toán tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá của Hội đồng định giá. Nhà và công trình xây dựng là công sức của vợ chồng bà N gây dựng lên chứ không phải là tiền đóng góp như ông H trình bày nên bà N không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông H và quan điểm của ông KH, ông A và bà H1.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 17/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình đã quyết định:

1. Xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tạ Đình H và các đồng thừa kế về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản quyền sử dụng đất”.

1.1. Phân chia cho ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 vào chung một diện tích là 70m2 đất để xây nhà thờ tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y với tứ cận như sau: Phía nam giáp với đường xóm rộng 7m; phía tây giáp đất ông T dài 10m, phía Bắc giáp đất ông T rộng 7m, phía Đông giáp đường xóm dài 10m. Trên thửa đất có 02 cây nhãn, 04 cây cau cảnh.

1.2. Phân chia cho ông Tạ Văn T diện tích 211m2, đất tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y với 06 cạnh như sau: phía nam giáp với đường xóm có chiều rộng 10m; phía tây giáp với đất ông Tạ Văn V1 có chiều dài 16,7m; phía đông giáp đất ông Tạ Đình H và các đồng thừa kế có chiều dài 10m; phía bắc giáp đất ông Đào Công T4 có chiều dài 17,6m; phía đông giáp với đường xóm dài 7,4m; phía nam giáp với đất ông Tạ Đình H và các đồng thừa kế có chiều dài 7m. Trên đất có nhà mái bằng một gian ngoài và một gian hai tầng, công trình phụ do ông Tạ Văn T xây dựng năm 2004.

1.3. Ông Tạ Văn T có trách nhiệm trả cho ông H, ông A, ông KH, bà H1 tổng số tiền 34.564.000 đồng (ba mươi tư triệu năm trăm sáu tư nghìn đồng) tiền chênh lệch do ông T được chia phần diện tích đất nhiều hơn so với các đồng thừa kế khác.

2. Bác yêu cầu của ông Tạ Đình H và các đồng thừa kế cho rằng gian nhà mà ông T xây năm 2004 là tài sản chung của các anh chị em để yêu cầu chia.

3. Về án phí:

3.1. Ông Tạ Đình H, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Hồng A và bà Tạ Thị H1 phải chịu án phí tổng số tiền 2.810.000 đồng (hai triệu tám trăm mười nghìn đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 500.000 đồng ông H đã nộp theo biên lai số AA/2016/0001818 ngày 24/02/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Ninh Bình. Ông H, ông KH, ông A, bà H1 còn phải nộp tổng số tiền 2.310.000đồng (hai triệu ba trăm mười nghìn đồng).

3.2. Ông Tạ Văn T phải chịu án phí số tiền 700.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên quyền kháng cáo cho các bên đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/8/2017 ông Tạ văn T có đơn kháng cáo đối với bản án số 06/2017/TCDS-ST ngày 17/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình, ngày 11/9/2017 ông T sửa đổi bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình kháng cáo một phần án sơ thẩm: không nhất trí với nội dung bản án chia 70 m2  đất làm nhà thờ, ông đề nghị chia cho ông H, ông KH, ông A, bà H1 49,5m2 (kích thước 09m x 5,5m) đất để làm nhà thờ, việc bản án chia đất làm 05 phần và buộc ông T phải bồi thường cho ông H, ông KH, ông A, bà H1 số tiền 34.564.000 đồng ông T không nhất trí vì ông H, ông KH, ông A, bà H1 đã họp và thống nhất cho ông T sử dụng mảnh đất này, bản án sơ thẩm quyết định ông T phải chịu án phí 700.000 đồng ông T không đồng ý, vì ông T chỉ là bị đơn trong vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đã tự thống nhất với nhau đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S là quyền sử dụng diện tích đất thổ cư 281m2 tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a Bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình bằng hiện vật: Ông H, ông KH, ông A, bà H1 hưởng một phần di sản để làm nhà thờ, ông T được hưởng thừa kế phần di sản quyền sử dụng đất còn lại nhưng không thống nhất được diện tích cụ thể:

Nguyên đơn ông H và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông KH, ông A, bà H1 yêu cầu được hưởng thừa kế phần diện tích đất để làm nhà thờ là 70m2 như bản án sơ thẩm đã chia, có như vậy mới đủ diện tích làm nơi thờ tự. Số tiền 34.564.000 đồng mà bản án sơ thẩm buộc ông T phải thanh toán cho ông H, ông KH, ông A, bà H1 do chênh lệch giá trị kỷ phần thừa kế, ông H, ông KH, ông A, bà H1 nhất trí trừ vào chi phí bảo quản di sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế cho ông T.

Bị đơn ông T và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà N đề nghị chia phần đất làm nhà thờ cho các đồng thừa kế khác là 49,50m2 có vị trí, kích thước các chiều cụ thể như sau: Phía đông giáp đường xóm dài 09m, phía nam giáp đường xóm rộng 05,50m, phía tây giáp đất ông T dài 09m, phía bắc giáp đất ông T phía trước chuồng trâu là 05,50m để phù hợp với công việc làm nông nghiệp của gia đình ông T. Ông T và bà N cũng nhất trí với nguyên đơn ông H và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông KH, ông A, bà H1 về chi phí bảo quản di sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế là 34.564.000 đồng và không có đề nghị gì thêm. Về tiền án phí, ông T không chấp nhận nộp án phí mà bản án sơ thẩm đã tuyên ông phải chịu là 700.000 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình trình bày quan điểm, đánh giá phân tích chứng cứ và các tình tiết tại phiên tòa và đề nghị:

1. Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Về nội dung:

2.1. Không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông T về chia di sản bằng hiện vật: Chia cho ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 49,5m2 (kích thước 09m x 5,5m) đất để làm nhà thờ.

2.2. Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về việc chia di sản bằng hiện vật: Chia cho ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 vào chung một diện tích là 70m2 đất để xây nhà thờ.

2.3. Sửa án sơ thẩm:

- Công nhận sự thoả thuận của các đương sự về khoản tiền chi phí bảo quản di sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế là 34.564.000 đồng;

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Tạ Đình H, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Hồng A và bà Tạ Thị H1, trả lại cho ông Tạ Đình H số tiền tạm ứng án phí 500.000 đồng theo biên lai số AA/2016/0001818 ngày 24/02/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Ninh Bình, ông Tạ Văn T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 356.000 đồng (Ba trăm năm sáu nghìn đồng).

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Tạ Văn T không phải nộp, trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm ông Tạ Văn T đã nộp là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai số: AA/2016/0001885 ngày 03/10/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Ninh Bình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đối chiếu với kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của bị đơn làm và nộp trong thời hạn luật định nên nội dung kháng cáo được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

[2] Phần đất tranh chấp có diện tích là 281m2 đất thổ cư. Theo biên bản định giá ngày 09/5/2017 của Hội đồng định giá và sơ đồ hiện trạng kèm theo biên bản xem xét, thẩm định tài sản ngày 29/3/2017 có vị trí tại thửa số 135 tờ bản đồ số 3a, bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình, kích thước cụ thể như sau: Phía đông giáp đường xóm dài 17,40 m, phía tây giáp đất ông Tạ Văn V1 dài 16,70 m, phía nam giáp đường xóm dài 17 m, phía bắc giáp đất ông Đào Công T4 (vợ là bà Dương Thị Th) dài 17,60 m.

[3] Nguồn gốc quyền sử dụng đất các bên đương sự đều thống nhất thừa nhận là của cha mẹ để lại là cụ Tạ Văn S và cụ Đào Thị N1. Cụ Tạ Văn S và cụ Đào Thị N1 có 05 người con gồm: Bà Tạ Thị H1, sinh năm 1945, ông Tạ Ngọc KH, sinh năm 1949, ông Tạ Đình H, sinh năm 1950, ông Tạ Hồng A, sinh năm 1953 và ông Tạ Văn T, sinh năm 1960. Năm 1995 cụ Đào Thị N1 chết, năm 1996 cụ Tạ Văn S chết. Ông S bà N1 chết không để lại di chúc. Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được các bên đương sự thống nhất giao cho ông Tạ Văn T quản lý sử dụng. Năm 2015, các bên đương sự phát sinh tranh chấp và được Ủy ban nhân dân xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình hòa giải nhưng không thành. Ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

[4] Nguyên đơn ông H đã nộp chứng cứ là: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình, sổ mục kê lập ngày 20/10/1985, trang 32 ghi thửa số 135 tờ bản đồ 3a người sử dụng có tên Tạ Văn S được quyền sử dụng 281m2 đất thổ cư; trích sao tờ bản đồ 3a lập ngày 10/11/1986 thửa số 135 bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình; bản sao có chứng thực biên bản xác nhận nguồn gốc đất có chữ ký của bà Tạ Thị H1, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A và ông Tạ Văn T; bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Tạ Văn T cấp ngày 02/10/1998; bản sao Quyết định số 673/QĐ- UBND ngày 13/5/2016 của Ủy ban nhân dân huyện Y về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình ông Tạ Văn T và Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 22/6/2016 của Ủy ban nhân dân huyện Y về việc hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình ông Tạ Văn T. Chứng cứ bị đơn ông T phản đối yêu cầu của N đơn là 03 bản photocopy không có chứng thực của ông H2, ông Tạ Văn T1, ông Tạ H3 chứng nhận đã chứng kiến ông Tạ Văn S khi còn sống có nói với chính quyền địa phương là sang tên đất cho ông Tạ Văn T. Với các tài liệu chứng cứ nêu trên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế quyền sử dụng 281m2 đất thổ cư của cụ Tạ Văn S và cụ Đào Thị N1 là có căn cứ.

[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, các đồng thừa kế của cụ Tạ Văn S và cụ Đào Thị N1 đã thống nhất đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S là quyền sử dụng diện tích đất thổ cư 281m2 tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a Bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình bằng hiện vật: Ông H, ông KH, ông A, bà H1 hưởng một phần di sản để làm nhà thờ, ông T được hưởng thừa kế phần di sản còn lại nội dung này phù hợp với phong tục tập quán và quy định của pháp luật nên được ghi nhận.

[6] Về kháng cáo của ông T không nhất trí với nội dung bản án sơ thẩm chia 70 m2 đất làm nhà thờ, ông đề nghị chia phần đất làm nhà thờ cho các đồng thừa kế khác là 49,50m2 có vị trí, kích thước các chiều cụ thể như sau: Phía đông giáp đường xóm dài 09m, phía nam giáp đường xóm rộng 05,50m, phía tây giáp đất ông T dài 09m, phía bắc giáp đất ông T phía trước chuồng trâu là 05,50m để phù hợp với công việc làm nông nghiệp của gia đình ông T; việc bản án sơ thẩm chia đất làm 05 phần và buộc ông T phải bồi thường cho ông H, ông KH, ông A, bà H1 số tiền 34.564.000 đồng, ông không nhất trí vì ông H, ông KH, ông A, bà H1 đã họp và thống nhất cho ông T được sử dụng đất thổ cư của ông S và bà N1 để lại.

Về nội dung này, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các yêu cầu của các bên đương sự, mục đích, hiện trạng sử dụng đất cũng như điều kiện hoàn cảnh của các bên để quyết định phân chia cho ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 được thừa kế sử dụng chung một diện tích là 70m2 đất để xây nhà thờ tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y với vị trí, kích thước: Phía nam giáp với đường xóm rộng 7m; phía tây giáp đất ông T dài 10m, phía bắc giáp đất ông T rộng 7m, phía đông giáp đường xóm dài 10m. Trên thửa đất có 02 cây nhãn, 04 cây cau cảnh. Chia cho ông Tạ Văn T diện tích 211m2  đất tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y với 06 cạnh như sau: phía nam giáp với đường xóm có chiều dài 10m; phía tây giáp với đất ông Tạ Văn V1 có chiều dài 16,7m; phía bắc giáp đất ông Đào Công T4 có chiều dài 17,6m; phía đông giáp với đường xóm dài 7,4m; phía nam giáp với đất sử dụng chung của ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 có chiều dài 7m; phía đông giáp đất đất sử dụng chung của ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 có chiều dài 10m. Trên đất có nhà mái bằng một gian ngoài và một gian hai tầng, công trình phụ do ông Tạ Văn T xây dựng năm 2004 là hợp tình, hợp lý phù hợp với mục đích sử dụng của các bên đương sự.

Do đó, yêu cầu kháng cáo của ông T về chia di sản bằng hiện vật không được chấp nhận. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án Tòa cấp sơ thẩm đã không áp dụng Điều 658 Bộ luật dân sự để thực hiện việc thu thập chứng cứ xác định nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí có liên quan đến việc thừa kế cụ thể: Chi phí cho việc bảo quản di sản; thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách Nhà nước; chi phí chăm sóc nuôi dưỡng người để lại di sản theo đề nghị của bị đơn để xác định giá trị còn lại của di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, trước khi chia cho các đồng thừa kế là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người quản lý di sản. Sai sót này của bản án sơ thẩm cần phải huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại, nhưng tại phiên toà phúc thẩm các đương sự đã thống nhất thoả thuận số tiền 34.564.000 đồng là số tiền mà bản án sơ thẩm buộc ông T phải thanh toán cho ông H, ông KH, ông A, bà H1 do chênh lệch giá trị kỷ phần thừa kế được trừ vào chi phí bảo quản di sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế. Ông T và bà N cũng không có đề nghị gì thêm về nội dung này. Do đó không cần phải hủy bản án sơ thẩm mà sửa bản án sơ thẩm công nhận sự thoả thuận của các đương sự về nội dung này.

[7] Đối với yêu cầu kháng cáo của ông T về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm với lý do ông T không khởi kiện nên ông không phải chịu án phí là trái với quy định tại khoản 7 Điều 27, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, cần bác yêu cầu này của ông T. Song do các đương sự đã thống nhất thoả thuận chi phí bảo quản di sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế là 34.564.000 đồng nên mức án phí mà ông T phải nộp được tính lại như sau: Giá trị di sản thừa kế của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S là quyền sử dụng diện tích đất thổ cư 281m2 tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a Bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình theo giá của Hội đồng định giá là 70.250.000 đồng trừ đi chi phí bảo quản di sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế là 34.564.000 đồng giá trị còn lại là 35.686.000 đồng chia cho 05 kỷ phần thừa kế mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng là 7.137.200 đồng, mức án phí mà mỗi kỷ phần thừa kế phải chịu 5% trên giá trị được hưởng là 356.860 đồng (làm tròn số là 356.000 đồng). Ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo giá trị của kỷ phần thừa kế của mình là 356.000 đồng. Một sai sót trong áp dụng pháp luật của bản án sơ thẩm là buộc ông Tạ Đình H, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Hồng A và bà Tạ Thị H1 là người cao tuổi phải nộp án phí là trái với quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định các trường hợp được miễn án phí. Vì vậy, cần phải sửa phần án phí của bản án sơ thẩm: Miễn án phí cho ông Tạ Đình H, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Hồng A và bà Tạ Thị H1.

[8] Xét đề nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ nên được chấp nhận.

[9] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên người kháng cáo là ông Tạ Văn T không phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ các Điều 609, Điều 610, Điều 612, Điều 615, Điều 616, Điều 617, Điều 618, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 658, Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ điểm đ, khoản 1 Điều 12; khoản 7 Điều 27; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 17/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình cụ thể như sau:

1.1. Công nhận sự thoả thuận của các đương sự về khoản tiền chi phí bảo quản di sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế là 34.564.000 đồng. Các bên đương sự không phải thanh toán cho nhau khoản tiền chênh lệch về kỷ phần thừa kế, khoản tiền chi phí bảo quản di sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế.

1.2. Chia di sản thừa kế của cụ Đào Thị N1 và cụ Tạ Văn S là quyền sử dụng diện tích đất thổ cư 281m2 tại thửa 135 tờ bản đồ số 3a Bản đồ địa chính xã Y1, huyện Y, tỉnh Ninh Bình bằng hiện vật cụ thể như sau: Ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 được quyền sử dụng chung diện tích đất là 70m2 với kích thước các cạnh như sau: Phía nam giáp với đường xóm rộng 7m; phía tây giáp đất ông T dài 10m, phía bắc giáp đất ông T rộng 7m, phía đông giáp đường xóm dài 10m. Trên thửa đất có 02 cây nhãn, 04 cây cau cảnh. Ông Tạ Văn T được quyền sử dụng diện tích đất 211m2 với kích thước 06 cạnh như sau: Phía nam giáp với đường xóm có chiều dài 10m; phía tây giáp với đất ông Tạ Văn V1 có chiều dài 16,7m; phía bắc giáp đất ông Đào Công T4 có chiều dài 17,6m; phía đông giáp với đường xóm dài 7,4m; phía nam giáp với đất sử dụng chung của ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 có chiều dài 7m; phía đông giáp đất đất sử dụng chung của ông Tạ Đình H, ông Tạ Hồng A, ông Tạ Ngọc KH và bà Tạ Thị H1 có chiều dài 10m. Trên đất có nhà mái bằng một gian ngoài và một gian hai tầng, công trình phụ do ông Tạ Văn T xây dựng năm 2004.

1.3  Án phí dân sự sơ thẩm: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho Ông Tạ Đình H, ông Tạ Ngọc KH, ông Tạ Hồng A và bà Tạ Thị H1, trả lại cho Ông Tạ Đình H số tiền tạm ứng án phí 500.000 đồng theo biên lai số AA/2016/0001818 ngày 24/02/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Ninh Bình; ông Tạ Văn T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 356.000 đồng (ba trăm năm sáu nghìn đồng).

2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Tạ Văn T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm ông Tạ Văn T đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai số: AA/2016/0001885 ngày 03/10/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Ninh Bình được hoàn trả cho ông T.

4. Về hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án là ngày 11 tháng 12 năm 2017.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2392
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 13/2017/DS-PT ngày 11/12/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:13/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;