TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 129/2019/HS-PT NGÀY 22/08/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Ngày 22 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 40/2019/TLPT-HS ngày 22 tháng 01 năm 2019 đối với bị cáo Bùi Văn H và Nguyễn Văn C, do có kháng cáo của bị cáo Bùi Văn H và bị cáo Nguyễn Văn C đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 139/2018/HS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Họ và tên: Bùi Văn H, tên gọi khác: không; sinh ngày 10 tháng 10 năm 1992 tại huyện Q, tỉnh Nghệ An; Nơi cư trú: xóm 8, xã Q1, huyện Q, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Thiên chúa giáo; Quốc tịch; Việt Nam; Giới tính: Nam; Con ông Bùi H, sinh năm 1962 và bà Trần Thị L, sinh năm 1972; vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/6/2018 đến 19/7/2018. Hiện tại ngoại, có mặt.
2. Họ và tên: Nguyễn Văn C; tên gọi khác: không; Sinh ngày 29 tháng 01 năm 1985, tại huyện K, tỉnh Hà Tĩnh; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã Ea, huyện E, tỉnh Đắck Lắk; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Giới tính: Nam; Con ông: Nguyễn Văn H (đã chết) và bà: Hồ Thị, sinh năm 1961; Vợ: Nguyễn Thị H, sinh năm 1986, con: Có 01 con, sinh năm 2009; Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/6/2018 đến ngày 30/7/2018; Hiện tại ngoại, có mặt tại phiên toà.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không bị kháng nghị (Tòa án không triệu tập): Anh Hoàng Văn T; Trần Xuân L, chị Trần Thị L, anh Trần Văn S, Trần Văn K.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng cuối tháng 5 năm 2018, Bùi Văn H đi chơi tại thành phố Hà Tĩnh gặp và quen một người đàn ông tên D không rõ địa chỉ cụ thể. Trong quá trình nói chuyện với nhau, D nói với H “khi nào cần mua Hổ thì gọi điện cho D”. Sau khi gặp nhau hai bên trao đổi và xin số điện thoại của nhau để liên lạc. Vài ngày sau H chủ động gọi điện cho D hỏi “có bán hổ không”?, D trả lời “có” và đồng ý đưa hổ ra Q cho H xem.
Ngày 02/6/2018 D nhờ một người đàn ông không rõ tên và địa chỉ chở 05 cá thể hổ con đã chết ra huyện Q giao cho H. H đồng ý mua 05 cá thể hổ con đã chết với giá 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng). Sau khi nhận hàng, H đưa tiền cho người đàn ông đó và bỏ 05 cá thể hổ vào túi nilon, đưa về để vào tủ lạnh của gia đình H, với mục đích có ai mua thì bán lại kiếm lời. Sau khi mua 05 cá thể hổ nêu trên của người đàn ông tên D, H xóa số điện thoại của D lưu trong máy.
Ngày 03/6/2018, thông qua mạng xã hội facebook Bùi Văn H gặp và quen Nguyễn Văn C. C hỏi H “có bán hổ không”?, H trả lời “có”, hai bên trao đổi và thống nhất, H bán cho C 05 cá thể hổ với giá 62.000.000đ (sáu mươi hai triệu đồng).
Ngày 04/6/2018, Nguyễn Văn C sử dụng số điện thoại 01632811119 liên lạc với số điện thoại 0165524189 của Bùi Văn H hỏi số tài khoản của H để C chuyển khoản trước cho H 10.000.000đ tiền đặt cọc mua 05 cá thể hổ. H bảo C chuyển vào tài khoản số 360205026349 mang tên Trần Xuân L, xóm 7, xã Q1, xã Q mở tại Ngân hàng Agribank, chi nhánh Q.
Ngày 05/6/2018, Nguyễn Văn C điều khiển xe ô tô BKS 29A 66271 từ H vào huyện Q gặp Bùi Văn H. Khoảng hơn 12 giờ cùng ngày C đưa tiếp cho H 42.000.000đ tiền mua hổ và hẹn H sau khi bàn giao 05 cá thể hổ tại thị trấn D, Nghệ An thì Nguyễn Văn C sẽ trả hết số tiền còn lại cho H. Sau khi nhận 42.000.000đ của Nguyễn Văn C, H đi về nhà và gửi số tiền 42.000.000đ cho bà Trần Thị L. Khi đưa tiền cho bà L, bà L không biết đó là tiền mua bán hổ. Sau đó H lấy 05 cá thể hổ từ tủ lạnh cho vào thùng xốp màu trắng dán kín bằng băng keo trong và gọi điện cho anh Hoàng Văn T, sinh năm 1991 trú tại xã Quỳnh Thanh, huyện Q thuê anh T điều khiển xe ô tô BKS 37A-31571 chở H đến điểm hẹn tại ngã 3 thị trấn D để giao hàng cho C. Khi thuê xe của anh T, H không nói với anh T là chở H đi bán hổ, anh T không biết được trong thùng xốp có 05 cá thể hổ.
Vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 05/6/2018, Bùi Văn H và Nguyễn Văn C gặp nhau tại QL7A thuộc địa phận xóm 3, xã D1, huyện D, khi H đang mở cốp xe 37A-31571 để bê thùng xốp bên trong có 05 cá thể hổ giao cho Nguyễn Văn C thì bị tổ công tác Phòng cảnh sát môi trường công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang và thu giữ tang vật:
+ 01 thùng xốp màu trắng bên trong chứa 05 cá thể hổ con đã chết;
+ 01 xe ô tô con màu trắng, nhãn hiệu Huyndai Grand i10, BKS 29A-66271, số máy G4LAGM 062595, số khung MALA851LAHM462038.
+ 01 xe ô tô con màu đen, nhãn hiệu Emgramd Ec 718; BKS 29A-66271; số máy JL4G18* C6NG00444; số khung L6T7844Z7CM025008;
+ 01 điện thoại di động Iphon 6 số Imay 3520650641833228 đã qua sử dụng;
+ 01 điện thoại di động Iphon 6 Plus số Imay 355878065048639 đã qua sử dụng;
+ 01 điện thoại di động Samsung galaxi 7 Prime, số Imay 35281009579006701, đã qua sử dụng;
+ 01 điện thoại di động Iphon 6 Plus số Imay 35932406063649 đã qua sử dụng;
Ngày 15/6/2018, anh Trần Xuân L và bà Trần Thị L (mẹ của Bùi Văn H) đã tự nguyện đưa số tiền 52.000.000đ giao nộp cho cơ quan điều tra và đã nộp vào kho bạc nhà nước tỉnh Nghệ An.
Ngày 05/6/2018, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An, phối hợp Công an huyện Diễn Châu, Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu tiến hành xác định chủng loại, trọng lượng tang vật, kết quả: Cá thể hổ được đánh dấu mẫu vật từ số 01 đến 05, có trọng lượng lần lượt 4,2kg; 3,8kg; 0,7kg; 0,7kg; 0,7kg. Tổng trọng lượng 10,1kg Kết luận giám định số 466/STTNSV ngày 06/6/2018 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận: 05 cá thể động vật hoang dã là loại hổ có tên khoa học Pathera tigris;
+ Loại Hổ thuộc phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013);
+ Loại Hổ thuộc nhóm IB (nhóm nghiên cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của C phủ);
+ Loại Hổ Pathera tigris thuộc Phụ lục I, danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNN ngày 24/02/2017 của Bộ NN&PTNN).
Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã trả loại chiếc ô tô Huyndai Grand i10, BKS 29A – 66271 cho anh Trần Văn K, trú tại xã Q2, huyện Q; chiếc điện thoại di động Iphon 6 Plus số Imay 355878065048639 cho Bùi Văn H; điện thoại di động Iphon 6 Plus số Imay 35932406063649 cho Nguyễn Văn C. Ngày 29/8/2018 trả chiếc xe Emgramd Ec 718; BKS 29A – 66271; số máy JL4G18* C6NG00444; cho anh Trần Văn S, trú tại xóm 8, xã Q1, huyện Q, tỉnh Nghệ An.
Đối với 05 cá thể hổ nêu trên, sau khi có kết luận giám định Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã chuyển giao cho Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xử lý theo qui định của pháp luật.
Với nội dung trên tại Bản án số 139/2018/HSST ngày 28/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã quyết định:
Căn cứ điểm c, khoản 2 Điều 244, điểm s, t, v khoản 1 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt:
- Bị cáo Bùi Văn H 18 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 05/6/2018 đến ngày 19/7/2018, về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.
- Bị cáo Nguyễn Văn C 18 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 05/6/2018 đến ngày 30/7/2018, về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.
Ngoài ra bản án còn tuyên án phí và xử lý vật chứng, quyền kháng cáo của các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ngày 11 tháng 12 năm 2018, bị cáo Bùi Văn H, Nguyễn Văn C làm đơn kháng cáo với nội dung: Xin giảm xin giảm nhẹ hình phạt. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì 02 bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo: không xin giảm nhẹ hình phạt mà xin hưởng án treo.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị chấp nhận nội dung kháng cáo của các bị cáo. Sửa bản án sơ thẩm giữ nguyên hình phạt, cải biện pháp cho các bị cáo hưởng án treo.
Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm. Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Bùi Văn H, Nguyễn Văn C thừa nhận hành vi phạm tội như cấp sơ thẩm là đúng, các bị cáo không kháng cáo về tội danh, các bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hai bị cáo cho rằng cấp sơ thẩm xử phạt mỗi bị cáo 18 tháng tù là quá nặng, vì các bị cáo từ trước đến nay chưa có tiền án, tiền sự, ăn năn hối cải, có công giúp đỡ trong việc phòng chống bão lụt, giúp công an phát hiện tội phạm.
Xét: Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm vào các qui định của Nhà nước về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân dán tiếp dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái tự nhiên và làm giảm số lượng các loài động vật quý, hiếm trong tự nhiên được pháp luật bảo vệ, do đó cần xử phạt nghiêm minh để răn đe các bị cáo và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này.
[2] Xét nội dung kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy rằng:
Bị cáo Bùi Văn H và Nguyễn Văn C trong vụ án này đều có hành vi phạm tội tích cực như nhau. Cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khai báo báo thành khẩn, ăn năn hối cải, có thành tích xuất sắc trong phòng chống bão lụt và tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm và áp dụng điểm c khoản 2 Điều 244, điểm s, t, v khoản 1 Điều 51, Điều 54 BLHS xử phạt mỗi bị cáo 18 tháng tù là dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là phù hợp với hành vi của các bị cáo đã thực hiện.
Lẽ ra, giữ nguyên biện pháp thi hành án phạt tù. Nhưng x t, các bị cáo phạm tội đều không có tình tiết tăng nặng, đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, có thành tích xuất sắc trong phòng chống bão lụt và tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện điều tra tội phạm, bị cáo H và gia đình đã tự nguyện nộp số tiền mua bán hổ, thể hiện sự thành khẩn, ăn năn hối cải và gián tiếp khắc phục hậu quả. Hai bị cáo đều có 03 tình tiết giảm nhẹ qui định tại điểm s, t, v khoản 1 Điều 51 BLHS, án sơ thẩm áp dụng Điều 54 BLHS xử phạt 02 bị cáo dưới khung hình phạt. Tuy tại cấp phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ mới nhưng xét các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng. Các bị cáo mua bán 05 cá thể hổ đã chết mà trước đó đã bị người khác giết. Về nhân thân không có tiền án, tiền sự, lần đầu bị truy tố trước pháp luật. Các bị cáo có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng. Tại phiên tòa Đại diện Viện kiểm sát đề nghị cho 02 bị cáo hưởng án treo. Căn cứ Điều 65 BLHS và Điều 2 Nghị quyết 02/2018 ngày 15/8/2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, có đủ căn cứ và đủ điều kiện cho 02 bị cáo hưởng án treo.
Do đó, cần chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo H và bị cáo C. Sửa án sơ thẩm, giữ nguyên mức hình phạt, cho 02 bị cáo hưởng án treo.
[3] Về án phí: Các bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:
[1] Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Bùi Văn H, Nguyễn Văn C, cải biện pháp thi hành án.
[2] Căn cứ vào điểm c khoản 2 điều 244; điểm s, t, v khoản 1 điều 51, Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự, xử phạt:
- Bị cáo Bùi Văn H 18 (mười tám) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Thời gian thử thách 36 (ba mươi sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
- Bị cáo Nguyễn Văn C 18 (mười tám) tháng tù, về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Thời gian thử thách 36 (ba mươi sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Bùi Văn H cho Ủy ban nhân dân xã Q1, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với C quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Giao bị cáo Nguyễn Văn C cho Ủy ban nhân dân xã Ea, huyện E, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với C quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.
[3] Về án phí: Bị cáo Bùi Văn H, Nguyễn Văn C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 129/2019/HS-PT ngày 22/08/2019 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Số hiệu: | 129/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nghệ An |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/08/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về