Bản án 1284/2020/KDTM-ST về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

VỚI BẢN ÁN 1284/2020/KDTM-ST NGÀY 20/08/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Trong các ngày 21 tháng 7 và 20 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố H: số 26 Lê Thánh Tôn, phường B, Quận 1, Thành phố H xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 65/2019/TLST-KDTM ngày 31 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố H về việc: “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ”.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3146/2020/QĐ-ST ngày 22/6/ 2020 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 7263/2020/QĐST-KDTM ngày 21/7/2020; giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu V.

Địa chỉ: 49/11D đường đường H, Phường J, Quận K, Thành phố H.

Đại diện theo pháp luật: Ông Trần Vĩnh N, Chức danh: Giám đốc

Đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Tấn B, sinh năm 1979. Địa chỉ: 4C lô 20 đường P, Phường T, Quận M, TP.HCM (Theo văn bản ủy quyền ngày 03/10/2019) (Có mặt)

2. Bị đơn: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ U.

Địa chỉ: 62/2 đường L, phường T, Quận N, Thành phố H.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1967 Địa chỉ: số 15 Đường B, phường T, Quận N, TP.HCM (Theo văn bản ủy quyền ngày 20/02/2019) (Có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa Ông Trần Vĩnh Nlà đại diện nguyên đơn trình bày:

Ngày 22/01/2016, Nguyên đơn: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu V (viết tắt là Công ty V) nộp đơn đăng kí nhãn hiệu Yuki, hình đối với sản phẩm kem trắng da, kem rửa mặt, kem bôi mặt, sữa tắm, nước hoa, mặt nạ dưỡng da được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 298395 theo Quyết định số 23692/QĐ-SHTT ngày 13/4/2018.

Ngày 07/12/2018, Công ty V tiếp tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Yuki NATURAL, hình đối với sản phẩm gồm Mỹ phẩm, nước hoa, son môi, phấn trang điểm, mascara (thuốc bôi lông mi mắt), sữa tắm được Cục sở hữu trí tuệ cấp theo quyết định số 8842/QĐ-SHTT ngày 07/12/2018 về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu.

Công ty V được Sở Kế hoạch- Đầu tư Thành phố H cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp số 0312575998, đăng kí lần đầu ngày 05/12/2013; Đăng kí thay đổi lần thứ 1 ngày 20/10/2017.

Căn cứ vào các thông tin trên phương diện thông tin đại chúng, mạng xã hội và căn cứ vào thư phản hồi do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ U (viết tắt là Công ty U) ban hành ngày 05/01/2019 thì khẳng định Công ty U đang sử dụng thương hiệu là nhãn hiệu hàng hóa Yuki và hình trên sản phẩm hàng hóa được công khai quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và thị trường.

Căn cứ Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH015-19YC/KLGĐ ngày 14/01/2019 của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ.

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 6 quy định về “căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ”; Điều 9 quy định về “Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”; điểm n khoản 2 Điều 74 quy định về “Khả năng phân biệt của nhãn hiệu”; khoản 1 Điều 198 quy định về “Quyền tự bảo vệ” của Luật sở hữu trí tuệ.

Căn cứ Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước việc sở hữu trí tuệ.

Chúng tôi xác định nhãn hiệu “Yuki và hình” trên sản phẩm hàng hóa mà Công ty U sử dụng đã xâm phạm đến nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa của chúng tôi đã được đăng ký bảo hộ. Việc xâm phạm này đã trực tiếp gây thiệt hại đến Công ty V.

Yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết vấn đề sau đây:

- Buộc Công ty U chấm dứt hành vi vi phạm, thu hồi toàn bộ sản phẩm trên thị trường.

- Buộc Công ty U phải xin lỗi và cải chính công khai trên phương tiện thông tin Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên, Báo Pháp luật trong 03 (ba) kỳ báo liên tiếp.

- Buộc Công ty U có nghĩa vụ tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa.

Bị đơn có đại diện theo ủy quyền là Bà Nguyễn Thị Sinh trình bày:

Theo đơn khởi kiện và các tài liệu nguyên đơn cung cấp thì nhãn hiệu là đối tượng tranh chấp được công ty bị đơn xác định và mô tả như sau:

Về sự khác biệt giữa 2 nhãn hiệu như sau:

Thứ nhất, nhãn hiệu của công ty bị đơn đang sử dụng là nhãn hiệu “Y Make Up”. Về tổng thể nhãn hiệu, nhãn hiệu này của bị đơn là hoàn toàn phân biệt với nhãn hiệu “Yuki” của nguyên đơn. Về chi tiết của nhãn hiệu (mô tả chi tiết ở bảng trên) thì các thành phần cấu tạo của nhãn hiệu của bị đơn cũng mang đầy đủ các yếu tố phân biệt với nhãn hiệu “Yuki” của nguyên đơn. (nhãn hiệu có cả phần hình và phần chữ) Thứ hai, nguyên đơn sử dụng Kết luận giám định Sở hữu công nghiệp số NH015-19YC/KLGĐ ngày 14/01/2019 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ để làm căn cứ khởi kiện, cho rằng bị đơn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây không phải là căn cứ chính xác cho việc vi phạm, nó chỉ là một nguồn căn cứ để các cơ quan tham khảo, tuy nhiên bảng Kết luận trên không khách quan, có nhiều dấu hiệu mập mờ, đưa ra nhận định không đúng và toàn diện về nhãn hiệu “Y Make Up” của bị đơn, cụ thể là phần nhận định tại điểm b, Mục 2.5 của Kết luận giám định.

- Nhãn hiệu “Yuki” của Công ty V chỉ có cấu tạo phần chữ “yuki”, còn nhãn hiệu của bị đơn là dòng chữ “yuki makeup”. Hai chữ này hoàn toàn có thể phân biệt với nhau. Đồng thời, khi nhìn thấy nhãn hiệu “Yuki” của nguyên đơn người tiêu dùng sẽ không biết đây là sản phẩm gì, nhưng chỉ cần nhìn nhãn hiệu “Y Make Up” của bị đơn là sẽ biết ngay đây là sản phẩm mỹ phẩm, bởi chữ “makeup” có nghĩa tiếng Việt là trang điểm.

- Xét riêng về dòng chữ “yuki”: nhãn hiệu của nguyên đơn được viết theo kiểu chữ thông thường, các chữ cái in đậm, dính với nhau và không có khoảng cách. Nhưng nhãn hiệu của bị đơn được thiết kế và trình bày riêng biệt: (1) các chữ cái viết thường, không in đậm, nét thanh mảnh, giữa các chữ cái có khoảng cách đều nhau, (2) đặc biệt là chữ “i” được viết cách điệu như chữ “L” bị ngược đầu và có hình “bông hoa tuyết” trên đầu. Hình “bông hoa tuyết” trên đầu chữ “i” để ngầm thể hiện ý nghĩa của chữ “yuki” của nhãn hiệu theo tiếng Nhật Bản là bông hoa tuyết, trắng như tuyết, ngụ ý sử dụng kem dưỡng da của công ty bị đơn là sẽ có làn da trắng như tuyết. Do đó, về cách phát âm đều đọc là /i-u-ki/ nhưng về cách trình bày, thể hiện bằng hình ảnh hoàn toàn phân biệt với nhau, xét một cách tổng thể, hai nhãn hiệu hoàn toàn khác nhau bởi được cấu tạo cả phần hình và phần chữ của mỗi nhãn nhìn một cách tổng thể hoàn toàn khác nhau nên không thể gây nhầm lẫn với nhau.

- Nguyên đơn cho rằng nhãn hiệu của bị đơn tương tự với nhãn hiệu “yuki” của nguyên đơn, điều này đã vi phạm định nghĩa về nhãn hiệu của Luật sở hữu trí tuệ, “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”, trong khi đó nhãn hiệu “Y MakeUp + hình người…” của bị đơn hoàn toàn có các dấu hiệu phân biệt, riêng biệt và không gây nhầm lẫn trên thị trường.

Thứ ba, nhãn hiệu “Y Make Up” mà bị đơn sử dụng trên hàng hóa kinh doanh là nhập khẩu từ Công ty H ở Hàn Quốc. Khi ký Hợp đồng mua bán, công ty bị đơn được chuyển giao quyền sử dụng tại Việt Nam và đã có thời gian Công ty ở Hàn Quốc đã ký ủy quyền cho bị đơn quảng bá thương hiệu này tại thị trường Việt Nam trước thời điểm nguyên đơn đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Bị đơn nói lên điều này để chứng minh sự độc lập của hai nhãn hiệu đang tranh chấp, không có sự sao chép ở đây và cũng không nhằm mục đích cạnh tranh trên thị trường.

Thứ tư, nhãn hiệu “Yuki” của nguyên đơn không phải là nhãn hiệu nổi tiếng, không phải là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam nên khi chỉ nói đến “yuki” thì không thể gây nhầm lẫn và chỉ dẫn người tiêu dùng biết đây là sản phẩm do công ty nguyên đơn sản xuất.

Thứ năm, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ: “Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ”. Trong trường hợp này, nhãn hiệu “Y Make Up” mà bị đơn đang sử dụng không gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.

Thứ sáu, Công ty bị đơn khi kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là được gia công bởi Công ty Giang Điền, một công ty mỹ phẩm lớn tại Đồng Nai, nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn GMP, đã được đăng ký tại Bộ Y tế, trong khi bị đơn đã tìm hiểu nguyên đơn là một công ty nhỏ, hàng hóa mang nhãn hiệu YUKI + hình con bướm không có hàng hóa trên thị trường nhiều, không có công bố chất lượng tại Bộ Y tế. Việc đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Trí tuệ, nguyên đơn chỉ nhắm đến thị trường có thương hiệu nhưng chủ sở hữu không đăng ký, là họ lập tức đăng ký để sau khi được cấp văn bằng là liên hệ doanh nghiệp để trao đổi mua bán thương hiệu, bị đơn là một trường hợp mà giám đốc công ty nguyên đơn đã đặt điều kiện mua bán như trên đây.

Thứ bảy, trước đây nguyên đơn cũng đã khiếu nại việc cho rằng nhãn hiệu của công ty bị đơn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan công an, tòa án lúc hòa giải, tất cả họ đã bị các cơ quan này từ chối với lý do công ty bị đơn không vi phạm, nhưng nguyên đơn vẫn không dừng lại và khởi kiện bị đơn trong vụ án này.

Ý kiến của bị đơn: Động cơ khởi kiện của nguyên đơn là không lành mạnh như trên bị đơn đã phân tích, Vì vậy, kính đề nghị quý Tòa xem xét và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa:

Đại diện nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu như trên. Bị đơn không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu ý kiến: Trong quá trình giải quyết vụ kiện và tại phiên tòa Hội đồng xét xử thực hiện đúng theo trình tự phiên tòa. Các đương sự thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung: Căn cứ Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH015- 19YC/KLGĐ ngày 14/01/2019 của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ thì đủ cơ sở xác định yêu cầu của Công ty V có cơ sở chấp nhận một phần. Cụ thể: Buộc Công ty V chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Yuki và hình” dưới mọi hình thức, buộc Công ty U phải thông báo xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên, Báo Pháp luật trong 03 (ba) kỳ báo liên tiếp.

Đối với yêu cầu thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa của Công ty V nhưng Công ty V không cung cấp được số liệu hàng hóa bao nhiêu, của từng loại hàng hóa hiện đang ở kho nào, tại đâu và tại phiên tòa bị đơn cho rằng từ khi nguyên đơn khởi kiện ra Tòa, bị đơn không có nhập lô hàng nào và hàng hóa cũng không còn trong kho nên không có cơ sở chấp nhận phần yêu cầu này. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Về thẩm quyền: Tranh chấp giữa các bên liên quan đến các quyền về sở hữu trí tuệ, các bên là các doanh nghiệp và đều có mục đích lợi nhuận, bị đơn có trụ sở tại Thành phố H; do đó vụ án sơ thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố H theo quy định tại Khoản 2 Điều 30; điểm a Khoản 1 Điều 37; điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Công ty V được Sở Kế hoạch- Đầu tư Thành phố H cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp số 0312575998, đăng kí lần đầu ngày 05/12/2013; Đăng kí thay đổi lần thứ 1 ngày 20/10/2017, đại diện theo pháp luật là ông Trần Vĩnh Nhơn, chức danh: Giám đốc.

Công ty V đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 298395 do Cục sở hữu trí tuệ cấp theo quyết định số 23692/QĐ-SHTT, ngày 13/4/2018 và có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp, với nhãn hiệu là được cấu tạo bởi 03 phần:

- Hình ảnh con bướm;

- Phần chữ “Yuki”;

- Ký hiệu “hình tròn” và “dấu tích” đan xem vào nhau.

Màu sắc nhãn hiệu: Đỏ, đen, trắng, xanh, vàng Công ty U được Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố H cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0314313645, đăng ký lần đầu ngày 27/3/2017, đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 01/6/2020. Đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quốc Vũ, chức danh: Phó Tổng Giám đốc.

Trong quá trình thu thập chứng cứ cũng như tại phiên tòa, bị đơn cho rằng việc kinh doanh nhãn hiệu “Y Make Up” mà bị đơn sử dụng trên hàng hóa kinh doanh là nhập khẩu từ Công ty H ở Hàn Quốc. Khi ký Hợp đồng mua bán, công ty bị đơn được chuyển giao quyền sử dụng tại Việt Nam và đã có thời gian Công ty ở Hàn Quốc đã ký ủy quyền cho bị đơn quảng bá thương hiệu này tại thị trường Việt Nam trước thời điểm nguyên đơn đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Trí tuệ, do vậy bị đơn không vi phạm nên với yêu cầu chấm dứt việc mua bán hàng hóa mang nhãn hiệu “Yuki” của nguyên đơn là không có cơ sở; Hội đồng xét xử, xét thấy ý kiến của bị đơn là không có căn cứ, bởi lẽ nguyên đơn đã đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu gồm hình và chữ “Yuki” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 298395 theo Quyết định số 23692/QĐ-SHTT ngày 13/4/2018 . Như vậy, nhãn hiệu của nguyên đơn hiện nay đang được bảo hộ tại Việt Nam, việc bị đơn sử dụng nhãn hiệu là không được bảo hộ và bị đơn cũng không chứng minh được việc sử dụng nhãn hiệu gồm hình và chữ “Yuki” là không vi phạm. Trong khi đó Bản kết luận Giám định sở hữu công nghiệp số: NH015-19YC/KLGĐ ngày 10/01/2019 đến ngày 14/01/2019 của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận: Dấu hiệu “Yuki và hình” gắn trên hộp mỹ phẩm – như được thể hiện trên tài liệu 1 là yếu tố xâm phạm quyền (Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 119/2010/NĐ-CP) đối với nhãn hiệu được bảo hộ cho Nhóm 3 theo GCNĐKNH số 298395 của Công ty V; Vì vậy Công ty V yêu cầu Công ty U chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Yuki và hình” là phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên có cơ sở chấp nhận.

* Đối với yêu cầu Công ty U thông báo xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin báo chí về việc đã sử dụng trái phép nhãn hiệu “Yuki và hình” đã được đăng ký bảo hộ hợp pháp của Công ty V. Hội đồng xét xử xét thấy, do Công ty U có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như nhận định trên, nên Công ty U phải xin lỗi công khai trên báo là có căn cứ theo quy định tại mục B Khoản IV Điểm 2.2 của Thông tư liên tịch số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008.

* Đối với yêu cầu buộc Công ty U có nghĩa vụ thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa. Hội đồng xét xử, xét thấy nguyên đơn yêu cầu bị đơn thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa là không có căn cứ vì nguyên đơn không cung cấp cụ thể tiêu hủy những loại sản phẩm nào, số lượng sản phẩm là bao nhiêu, hàng hóa ở kho nào... Mặt khác, tại phiên tòa bị đơn xác nhận chỉ nhập một lô hàng trước đó và đã bán hết. Hiện tại bị đơn không còn hàng hóa lưu kho. Do đó, xét thấy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa của Công ty V.

Từ nhận xét trên, Hội đồng xét xử nghĩ nên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.

Về án phí: Công ty U phải chịu án phí không có giá ngạch là 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; Công ty V phải chịu 3.000.000 đồng do không được chấp nhận phần yêu cầu thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa. (Công ty V đã nộp đủ).

Vì các lẽ nêu trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Khoản 2 Điều 30; điểm a Khoản 1 Điều 37; điểm a Khoản 1 Điều 39; Điều 144, 147, 266 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Khoản 1 Điều 11, Điều 20 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

- Căn cứ Mục B Khoản IV Điểm 2.2 của Thông tư liên tịch số 02/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân;

- Căn cứ Điểm a Khoản 5 Điều 124; Điểm c Khoản 1 Điều 129; Khoản 1, Khoản 2 Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009).

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án;

- Căn cứ Điều 26 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (đã sửa đổi, bổi sung năm 2014);

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu V.

2. Buộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ U chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Yuki và hình” dưới mọi hình thức.

Chấm dứt ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

3. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ U có trách nhiệm thông báo xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin báo chí về việc đã sử dụng trái phép nhãn hiệu “Yuki và hình” đã được đăng ký bảo hộ hợp pháp của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu V, cụ thể đăng công khai xin lỗi trên Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên và Báo Pháp luật trong 03 kỳ báo liên tiếp.

Đăng báo ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

4. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu V yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ U thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa.

5. Về án phí sơ thẩm:

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ U chịu 3.000.000 (ba triệu) đồng án phí không có giá ngạch, nộp tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu V chịu 3.000.000 (Ba triệu) đồng, được trừ vào số tiền tạm nộp án phí 3.000.000 (Ba triệu) đồng theo Biên lai thu số AA/2018/0025795 ngày 30/5/2019 của Cục thi hành án dân sự Thành phố H. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu V đã nộp đủ.

Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

251
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 1284/2020/KDTM-ST về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Số hiệu:1284/2020/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 20/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;