TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÚ TÂN, TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 123/2018/HNGĐ-ST NGÀY 30/11/2018 VỀ LY HÔN, CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN
Trong các ngày 28, 30 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau; xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 137/2014/TLST-HNGĐ, ngày 05 tháng 12 năm 2014, về việc ly hôn, chia tài sản khi ly hôn; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 32/2018/QĐXXST-HNGĐ,ngày 06 tháng 3 năm 2018; giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1970 (Có mặt).
Nơi ĐKHHTT: Ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau. Chỗ ở hiện nay: Ấp L, xã Đ, huyện N, tỉnh Cà Mau.
- Bị đơn: Ông Trương Văn N (Trương Văn N), sinh năm 1962 (Vắng mặt).
Nơi cư trú: Số N, ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Lâm Thị S (X) (Vắng mặt).
- Bà Trương Thị K, sinh năm 1974 (Vắng mặt).
Cùng cư trú: Ấp S, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau. mặt).
- Ngân hàng N chi nhánh huyện P, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Thanh T, Chức vụ: Giám đốc (VắngĐịa chỉ: Ấp C, thị trấn C, huyện, tỉnh Cà Mau.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị V trình bày:
Về hôn nhân: Vào tháng 02 năm 1990, bà (Nguyễn Thị V) và ông Trương Văn N chung sống với nhau như vợ chồng có đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong thời gian chung sống xảy ra mâu thuẫn, cụ thể vào năm 2009 bà phát hiện ông N thường xuyên liên lạc bằng điện thoại cho người phụ nữ khác, có những biểu hiện khác thường với em dâu là có việc ôm nhau qua lại trong lúc nhậu chung. Bà có nhắc nhỡ, khuyên ông N nhiều lần nhưng ông N vẫn không thay đổi. Ngoài ra còn bất đồng quan điểm cụ thể là trong việc sinh hoạt gia đình, nhiều lần ông N chửi mắn, đánh đập và xúc phạm bà. Bà và ông N không còn chung sống từ ngày 08/8/2014 (âm lịch) cho đến nay. Xét thấy cuộc sống chung không còn hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được nên bà cương quyết yêu cầu ly hôn với ông Trương Văn N.
Về con chung: Có 02 người tên là Trương Lập T (giới tính nam) sinh năm 1991 và Trương Thị M N (giới tính nữ) sinh năm 1993. Hiện các con chung đã trưởng thành và có khả năng tự lao động sinh sống, nên không yêu cầu giải quyết.
Về tài sản chung: Trong quá trình chung sống vợ chồng có làm ăn gom góp và nhận chuyển nhượng của người em gái là bà Trương Thị K một phần đất nông nghiệp có tổng diện tích là 28.150m2 tọa lạc tại ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau với giá là 50.000.000 đồng, nhận chuyển nhượng vào năm 2008. Khi nhận chuyển nhượng có làm thủ tục theo quy định của pháp luật. Phần đất thuộc tờ bản đồ số 09, các thửa đất số 310, 242, 339 do ông Trương Văn N đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được Ủy ban nhân dân huyện P cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 18/9/2008, các số phát hành AN 309829, AN 309830, AN309831, các số vào sổ H02720, H02721 và H02722, phần đất có tứ cận như sau: Phía Đông giáp phần đất ông Huỳnh Minh T; phía Tây giáp sông X; phía Nam giáp phần đất ông Văn L; phía Bắc giáp phần đất ông Văn C. Bà yêu cầu được chia ½ diện tích đất cụ thể là bà yêu cầu được nhận 14.075m2 tọa lạc tại ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau. Tại phiên tòa, bà yêu cầu được chia ½ giá trị đất theo giá thị trường.
- Về nợ chung:
+ Vào tháng 5 năm 2010, bà và ông N thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng N chi nhánh huyện P với số tiền là23.000.000 đồng. Bà yêu cầu mỗi người có trách nhiệm trả ½ số tiền là 11.500.000 đồng và lãi phát sinh.
+ Vào tháng 4 năm 2014, vợ chồng bà có mượn của bà Lâm Thị S (X) 04 (bốn) chỉ vàng 24K. Bà yêu cầu mỗi người có trách nhiệm trả cho bà S (X) 02 (hai) chỉ vàng 24K.
Theo đơn khởi kiện ngày 28/5/2015, bà Nguyễn Thị V khởi kiện bổ sung:
Bà V cho rằng theo Quyết định số: 361/QĐ-UBND, ngày 10/4/2015 của Ủy ban nhân dân huyện P về việc thu hồi 336m2 đất của ông Trương Văn N để đầu tư xây dựng công trình tuyến đê M (đoạn 6,4Km) thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Z với số tiền bồi thường là 110.000.000 đồng. Do trước đây bà và ông Trương Văn N đã tự thỏa thuận phân chia số tiền bồi thường nêu trên. Tuy nhiên, do ông Trương Văn N không thực hiện đúng như thỏa thuận, bà yêu cầu Tòa án giải quyết chia đôi số tiền được bồi thường, cụ thể bà yêu cầu được nhận số tiền là 55.000.000 đồng.
Về nợ chung gồm có:
+ Vào tháng 5 năm 2010, bà và ông N thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng N chi nhánh huyện P với số tiền là23.000.000 đồng. Bà yêu cầu mỗ i người có trách nhiệm trả ½ số tiền là 11.500.000 đồng và lãi phát sinh.
+ Vào tháng 4 năm 2014, vợ chồng bà có mượn của bà Lâm Thị S (X) 04 (bốn) chỉ vàng 24K. Bà yêu cầu mỗi người có trách nhiệm trả cho bà S (X) 02 (hai) chỉ vàng 24K.
Trong quá trình hòa giải, giữa bà và ông N đã thống nhất xác định tổng các khoản nợ chung là 56. 469. 000 đồng và 04 (bốn) chỉ vàng 24K và lãi suất phát sinh.
Bị đơn là ông Trương Văn N trình bày:
Về hôn nhân: Ông thống nhất với phần trình bày của bà Nguyễn Thị V về thời gian chung sống và việc có đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Về mâu thuẫn vợ chồng không đúng như bà V trình bày, thỉnh thoảng ông có gọi điện thoại chọc ghẹo những người phụ nữ khác, việc bà V cho rằng trong lúc nhậu có ôm em dâu là hoàn toàn không có. Trong quá trình chung sống thì giữa ông và bà V thường xuyên bất đồng quan điểm. Mâu thuẫn đỉnh điểm nhất là vào khoảng thời gian năm 2011, bà V thường xuyên tham gia các tệ nạn xã hội ông nhiều lần khuyên nhưng bà V vẫn không thay đổi, đập phá tài sản gia đình, có lần bà V đánh ông gãy tay. Hiện ông và bà V không còn chung sống từ tháng 7 năm 2014 (âm lịch) cho đến nay. Xét thấy cuộc sống chung không còn hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt nên ông thống nhất ly hôn theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị V.
Về con chung: Đúng như bà Nguyễn Thị V trình bày, có 02 người con chung hiện nay đều trưởng thành và có khả năng tự lao động sinh sống. Về con chung ông thống nhất không yêu cầu giải quyết.
Về tài sản chung: Theo bà V trình bày phần đất diện tích như đã nêu trên là phần đất của cha ông để lại cho người em gái của ông (bà Trương Thị K) hiện đang làm thuê ở tỉnh B. Trước khi cha ông qua đời, cha ông (ông Trương Văn Đ) có lập di chúc cho đất lại cho em gái ông là bà Trương Thị K, mục đích để quản lý canh tác và thờ cúng cha mẹ đồng thời nuô i người anh bị tật (câm điếc bẩm sinh). Do không có khả năng canh tác, sản xuất đối với phần đất trên nên bà K mới yêu cầu họp gia đình thân tộc gồm các anh chị em trong gia đình (vắng mặt người chị tên Trương Thị N1 ở ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau) để giao lại phần đất cho ông quản lý, canh tác, thờ cúng cha mẹ và chăm sóc cho người anh bị tật. Khi họp thân tộc có bà V tham gia, có chính quyền đ ịa phương và Ủy ban nhân dân xã V xác nhận. Phần đất cha ông cho lại bà K thì phần đất vẫn còn đứng tên cha ông (ông Trương Văn Đ), đến khi bà K yêu cầu họp thân tộc giao lại đất cho ông thì ông mới mang Biên bản họp thân tộc, di chúc đến cơ quan có thẩm quyền để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng trình tự. Cha ông là ông Trương Văn Đ mất vào năm 2008. Phần đất nông nghiệp có tổng diện tích là 28.150m2 tọa lạc tại ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau. Phần đất thuộc tờ bản đồ số 09, thửa đất số 310, 242, 339 do ông (Trương Văn N) đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện P cấp ngày 18/9/2008, các số phát hành AN 309829, AN 309830, AN 309831, các số vào sổ H02720, H02721 và H02722 có tứ cận như sau: Phía Đông giáp phần đất ông Huỳnh Minh T; phía Tây giáp sông X; phía Nam giáp phần đất ông Văn L; phía Bắc giáp phần đất ông Văn C. Ông không thống nhất chia tài sản là phần đất cũng như chia giá trị là phần đất theo yêu cầu của bà V. Vì đây là tài sản của cha mẹ để lại cho ông thờ cúng và chăm sóc người anh.
Việc Nhà nước thu hồi diện tích 336m2 đất để đầu tư xây dựng công trình tuyến đê M (đoạn 6,4Km) thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Z với số tiền bồi thường là 110.000.000 đồng. Ông không đồng ý chia đôi với lý do ông cho rằng phần đất được Nhà nước bồi thường là phần đất của cha mẹ ông để lại chứ không phải là tài sản chung đối với bà V.
Ông chỉ thống nhất chia đôi tiền bồi thường về nhà, công trình vật kiến trúc và cây trồng với tổng số tiền 64.513.065 đồng.
Về nợ chung, bà V trình bày có nợ là đúng, cụ thể như sau: ông và bà V đã thống nhất xác định tổng các khoản nợ chung là 56.469.000 đồng và 04 (bốn) chỉ vàng 24K và lãi suất phát sinh. Cụ thể:
+ Vào tháng 5 năm 2010, ông và bà V đã thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông đứng tên để vay vốn tại Ngân hàng N chi nhánh huyện P với số tiền là 23.000.000 đồng. Ông thống nhất theo yêu cầu của bà V, cụ thể là mỗi người có trách nhiệm trả ½ số tiền là 11.5000.000 đồng và lãi phát sinh theo hợp đồng.
+ Vào tháng 4 năm 2014, ông và bà V có mượn của bà Lâm Thị S (X) 04 (bốn) chỉ vàng 24K. Bà V yêu cầu mỗ i người có trách nhiệm trả cho bà Lâm Thị S (X) 02 (hai) chỉ vàng 24K, ông thống nhất.
+ Ngoài ra, ông và bà V còn có nợ: Tiền mượn của ông T ở xã Đ số tiền 12.000.000 đồng; Ngân hàng Y 14.469.000 đồng; tiền vay tổ phụ nữ ấp K (nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội) do bà V vay với số tiền 4.000.000 đồng; nợ tiền hụi bà Lâm Thị S (X) 3.000.000 đồng. Đối với những khoản nợ này ông yêu cầu chia đôi để trả.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trương Thị K trình bày:
Cha mẹ bà (ông Trương Văn Đ, bà Tô Thị H) có tạo lập phần đất tọa lạc tại ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau. Năm 2007, cha bà là ông Đ chết có để lại di chúc cho phần đất trên cho bà với điều kiện bà phải thờ cúng, hương hỏa và nuôi người anh thứ hai bị câm đ iếc bẩm sinh. Ngày 18/9/2008 gia đình bà họp lại do hoàn cảnh bà không thể tiếp tục ở và canh tác trên phần đất cha bà để lại, nếu anh em nào có điều kiện đưa cho bà số tiền 50.000.000 đồng để bà trả nợ thì người đó có N vụ thờ cúng cha mẹ và nuôi người anh thứ hai, đồng thời được canh tác trên phần đất đó. Sau cuộc họp, cuối cùng ông N và bà V đưa cho bà 50.000.000 đồng để trả nợ, ông N và bà V được quyền sử dụng, canh tác trên phần đất đó. Khi giao tiền cho bà có mặt bà V, việc ông N làm thủ tục chuyển tên quyền sử dụng đất từ cha bà qua ông N thì bà có tham gia.
Ngân hàng N chi nhánh huyện P có văn bản trình bày:
Đối với khoản tiền mà ông Trương Văn N và bà Nguyễn Thị V hợp đồng vay vốn với Ngân hàng, ông Trương Văn N đã trả hết nợ vay vào ngày 20/5/2015.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát:
Thẩm phán xác định đúng quan hệ pháp luật, thẩm quyền giải quyết, tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án. Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về nội dung, cụ thể về hôn nhân đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điều 51, 56 của Luật Hôn nhân và gia đình chấp nhận cho bà Nguyễn Thị V ly hôn với ông Trương Văn N; về con chung có 02 người đều trưởng thành các đương sự không yêu cầu giải quyết; về tài sản chung xét thấy nguồn gốc là di sản d ùng vào việc thờ cúng thì không được chia thừa kế nên không có cơ sở chấp nhận chia ½ diện tích (cũng như chia ½ giá trị đất) và yêu yêu cầu chia ½ số tiền từ việc đền bù giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của bà V. Tuy nhiên do ông N và bà V đã bỏ ra giao cho bà K số tiền 50.000.000 đồng là tài sản chung của hai vợ chồng để được canh tác, quản lý phần đất tranh chấp. Do đó, đề nghị Hộ i đồng xét xử xem xét công sức đóng góp làm t ăng giá trị tài sản để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ. Về nợ chung, đề nghị công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là bà V có trách nhiệm trả cho ông Trương Văn N số tiền là 28.234.500 đồng và 02 (hai) chỉ vàng 24K. Tuy nhiên Tòa án có vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, vi phạm thời hạn tạm ngừng phiên tòa đề nghị khắc phục vi phạm trong thời gian tới.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về thủ tục tố tụng: Bà Nguyễn Thị V yêu cầu ly hôn, chia tài sản khi ly hôn với ông Trương Văn N nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và điểm a khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bà Lâm Thị S (X), bà Trương Thị K và đại d iện Ngân hàng N chi nhánh huyện P vắng mặt tại phiên tòa. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự để xét xử vắng mặt đối với các đương sự trên là có căn cứ.
Phiên tòa xét xử vào ngày 13/4/2018, các đương sự: bà Nguyễn Thị V, ông Trương Văn N và bà Trương Thị K có mặt. Các đương sự còn lại vắng mặt. Diễn b iến tại phiên tòa, bà V đề nghị xem xét định giá lại tài sản tranh chấp theo giá thị trường. Do đó, Hội đồng xét xử tuyên bố quyết định tạm ngừng phiên tòa để thực hiện việc định giá theo yêu cầu của bà V.
Sau khi có kết quả định giá, Hội đồng xét xử tiếp tục phiên tòa. Ngày28/11/2018, phiên tòa được tiếp tục chỉ có mặt nguyên đơn là bà V. Ông N cùng các đương sự còn lại trong vụ án vắng mặt. Hộ i đồng xét xử tiếp tục xét xử vắng mặt đối với các đương sự trong vụ án.
[2]. Về hôn nhân: Bà Nguyễn Thị V và ông Trương Văn N chung sống với nhau như vợ chồng từ tháng 02 năm 1990, có đăng ký kết hôn được Ủy ban nhân dân xã V chứng nhận kết hôn vào ngày 11/6/2013. Quan hệ tranh chấp này, căn cứ vào diễn biến thời gian vợ chồng chung sống và thời đ iểm kết hôn. Do có phát sinh tranh chấp nên áp dụng Lu ật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để giải quyết là phù hợp. Việc kết hôn là phù hợp theo quy định tại Đ iều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình nên được công nhận là hôn nhân hợp pháp. Bà V và ông N được công nhận là vợ chồng.
Về mâu thuẫn: Cả hai đương sự thống nhất xác định quá trình chung sống vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, dẫn đến việc tranh cải và xúc phạm lẫn nhau. Cuộc sống chung không mang lại hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được. Cả hai không còn chung sống với nhau từ ngày 08/8/2014 (âm lịch) cho đến nay mà không thể hòa giải, không thể tiếp tục cuộc sống chung. Bà V yêu cầu được ly hôn, ông N thống nhất ly hôn theo yêu cầu của bà V. Xét thấy, cả hai không mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ hôn nhân, mục đích hôn nhân không đạt được. Hôn nhân giữa bà V và ông N đã và đang trong tình trạng trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài. Từ đó có đủ căn cứ cho bà Nguyễn Thị V ly hôn với ông Trương Văn N.
[3]. Về con chung: Cả hai người thống nhất xác định có 02 người là Trương Lập T (giới tính nam) sinh năm 1991 và Trương Thị M N (giới tính nữ) sinh năm 1993. Hiện các con chung đã trưởng thành và có khả năng tự lao động sinh sống, các đương sự không có yêu cầu nên không đặt ra xem xét, xét thấy là phù hợp.
[4]. Về tài sản chung: Bà V xác định trong quá trình chung sống, bà và ông N nhận chuyển nhượng từ người em gái của ông N là bà Trương Thị K một phần đất sản xuất nông nghiệp có tổng diện tích là 28.150m2, theo đo đạc thực tế có diện tích là 27.303,4m2, phần đất tọa lạc tại ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau. Nhận chuyển nhượng với giá là 50.000.000 đồng, nhận chuyển nhượng vào năm 2008, có thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Phần đất thuộc tờ bản đồ số 09, các thửa đất số 310, 242, 339 do ông Trương Văn N đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện P cấp ngày 18/9/2008, các số phát hành AN 309829, AN 309830, AN 309831, các số vào sổ H02720, H02721, H02722. Về phần đất bà yêu cầu được chia ½ d iện tích đất cụ thể là bà V yêu cầu được nhận phần đất với d iện tích 14.075m2. Tại phiên tòa, bà V yêu cầu được nhận ½ giá trị đất, tuy nhiên yêu cầu xem xét nhận giá trị đất theo giá thị trường.
Bà V cho rằng để có tiền nhận chuyển nhượng lại đất từ bà K, bà và ông N phải tích góp từ việc bán toàn bộ tài sản từ khi không còn ở huyện N về huyện P mà cụ thể về địa phương là quê hương của ông N thuộc ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau để mua lại phần đất.
Để chứng minh cho lời trình bày của mình, bà V có cung cấp xác nhận trong đó ông Văn L và Khổng Văn T cho rằng phần đất mà vợ chồng bà V, ông N có được có nguồn gốc là của ông Trương Văn Đ. Trước khi ông Đ mất ông Đ có cho lại con gái là bà Trương Thị K, sau đó bà K có chuyển nhượng lại cho ông N và bà V canh tác hiện nay, phần đất thuộc ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau. Nội dung này phù hợp với nội dung thể hiện tại tờ Biên nhận ngày 29/4/2008, bà Trương Thị K cùng chồng của bà K có bàn giao phần đất phụ ấm của cha là ông Trương Văn Đ lại cho ông Trương Văn N được quyền sử dụng đất, ông N có bù đắp với số tiền là 50.000.000 đồng. Việc này được bà K thừa nhận tại b iên bản ghi lời khai ngày 06/3/2018, quá trình làm việc bà K khai nhận lý do có việc họp thân tộc là do hoàn cảnh bà không thể ở và canh tác trên phần đất mà cha bà để lại, anh em nào có khả năng đưa cho bà 50.000.000 đồng để bà trả nợ thì có N vụ thờ cúng cha mẹ, nuôi người anh đồng thời được canh tác trên phần đất đó. Việc vợ chồng ông N đưa bà 50.000.000 đồng bà K mới giao lại phần đất chứ không có thể hiện việc sang bán đất.
Ông N cho rằng phần đất của cha ông (ông Trương Văn Đ) để lại cho người em gái ruột của ông là bà Trương Thị K hiện đang làm thuê ở tỉnh B. Trước khi cha ông qua đời có lập d i chúc cho phần đất lại cho bà Trương Thị K, mục đích để quản lý canh tác, thờ cúng cha mẹ và nuôi người anh bị tật (câm điếc bẩm sinh). Do không có khả năng canh tác sản xuất nên bà K mới yêu cầu họp gia đình thân tộc gồm các anh chị em trong gia đình (vắng mặt người chị tên Trương Thị N ở ấp K) để giao lại phần đất cho ông để canh tác , thờ cúng cha mẹ và chăm sóc cho người anh bị tật. Khi họp thân tộc có bà V tham gia. Ông không đồng ý chia đôi phần đất theo yêu cầu của bà V vì đây là phần đất do cha mẹ ông để lại để thờ cúng cha mẹ và nuô i người anh bị câm, điếc.
Tuy nhiên, qua xem xét về nguồn gốc đất thì đúng là phần đất của ông Trương Văn Đ lúc còn sống quản lý sử dụng. Năm 2007 thì ông Đ chết, khi chết để lại di chúc cho toàn bộ phần đất cho bà Trương Thị K; ngày 26/4/2008, các anh chị em ông N mới tổ chức họp gia đình giao lại phần đất cho ông N quản lý, canh tác để thờ cúng cha mẹ và nuôi dưỡng người anh thứ hai với điều kiện là ông N và bà V giao lại cho bà K số tiền 50.000.000 đồng. Sau đó ông N mới tiến hành làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, trước khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất các anh chị em ông N thống nhất và cũng không có phát sinh tranh chấp.
Đối với số tiền 50.000.000 đồng là tài sản của ông N và bà V tích góp, làm ăn mới có được, cụ thể trước khi về sinh sống tại ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau thì vợ chồng bà V, ông N sinh sống và làm ăn tại ấp R, xã Đ, huyện N, tỉnh Cà Mau một thời gian dài. Cụ thể xem xét mốc thời gian theo chứng nhận Giấy khai sinh của các con chung được Ủy ban nhân dân xã Đ , huyện N chứng nhận vào tháng 9 năm 1998. Bà V còn trình bày là trước đây, bà và ông N s inh sống ở ấp R, xã Đ thuộc huyện N thì đã có tài sản riêng, do không tiếp tục sinh sống và làm ăn ở huyện N nên cả hai người đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản để về ấp K, xã V, huyện P để sinh sống và cùng chi xuất số tiền 50.000.000 đồng đưa cho bà K xem như là nhận chuyển nhượng phần đất mà bà K được cha ruột bà K (ông Đ) cho theo di chúc. Ông N, bà V được giao đất để canh tác, quản lý và sử dụng được như ngày nay không phải bà K tự giao đất lại mà thể hiện trao đổi có điều kiện tương ứng phần đất trên với số tiền là 50.000.000 đồng.
Tuy nhiên việc này không có N là phần đất ông N và bà V có được xuất phát từ việc chuyển nhượng từ bà K. Ngoài ra, tại Biên nhận ngày 29/4/2008 thể hiện bà K cùng chồng có bàn giao phần đất phụ ấm cho ông N, ông N có bù đắp lại cho vợ chồng bà K số tiền 50.000.000 đồng.
Toàn bộ anh, chị em của ông N (trừ bà N và ông H) đều có văn bản từ chối tài sản thừa kế. Mặc khác cha bà V là ông Nguyễn Văn Ph và các anh chị em bà V như ông Nguyễn Văn Th, bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị X và bà Nguyễn Thị D cùng thống nhất xác định ông Nguyễn Văn Ph có cho ông N và bà V một phần đất ở Bãi B thuộc huyện N khoảng 30 công tầm nhỏ (30.000m2) ở Kênh N, ấp L, xã Đ, huyện N, tỉnh Cà Mau. Sau một thời gian canh tác, ông N và bà V đã chuyển nhượng cho người khác, tiếp tục mua đất khác canh tác sau đó lại tiếp tục chuyển nhượng, gom góp được một số tiền. Đến khi trở về địa phương, ông N và bà V nhận chuyển nhượng phần đất tọa lạc tại ấp K, xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau từ bà Trương Thị K (em ruột ông N).
Thời gian diễn ra giao dịch, giữa bà K và ông N có làm thủ tục giao nhận đất, hỗ trợ tiền là thời gian bà V và ông N đang chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không có đăng ký kết hôn do đó thời gian này không được xem là hôn nhân hợp pháp. Cụ thể vào năm 2008, giữa ông N và bà V mặc dù chung sống với nhau như vợ chồng nhưng vẫn chưa có đăng ký kết hôn. Đến ngày 11/6/2013 cả hai người mới đăng ký kết hôn và được Ủy ban nhân dân xã V, huyện P, tỉnh Cà Mau chứng nhận kết hôn. Thời điểm 11/6/2013 cả hai mới được pháp luật công nhận là vợ chồng, do đó thời điểm phát sinh giao dịch về tài sản giữa ông N, bà V đối với bà K không làm phát s inh quyền và N vụ của vợ chồng do ông N được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 18/9/2008.
Từ những phân tích và nhận định nêu trên cho thấy, mặc dù việc thực hiện các thủ tục để được nhận đất để canh tác chưa phù hợp về mặt hình thức nhưng toàn bộ diễn b iến thể hiện việc ông N nhận tài sản nêu trên xuất phát từ việc nhận tài sản thừa kế có điều kiện. Do đó, có đủ cơ sở xác định, tài sản mà các bên tranh chấp không phải là tài sản chung của ông N và bà V có được trong thời kỳ hôn nhân như bà V đã trình bày. Việc bà V yêu cầu chia đôi giá trị phần tài sản chung này là không có cở sở để chấp nhận.
Tuy nhiên, đối với số tiền mà bà V, ông N có được để giao cho bà K là số tiền cả hai người tích góp mà có được. Bà V cũng có rất nhiều công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì, phát triển và làm nâng giá trị của đất. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 61 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình ...”. Bà V có nhiều công sức đầu tư cải tạo phần đất nêu trên nên bà được nhận 30% giá trị phần đất nêu trên, việc chia giá trị được tính theo giá thị trường.
[5]. Phần đất các bên tranh chấp có diện tích là 28.150m2, theo đo đạc thực tế có diện tích là 27.303,4m2. Trong đó: loại đất ONT (ở nông thôn) diện tích là300m2, CLN (cây lâu năm) diện tích 640,3m2, NTS (nuôi trồng thủy sản) diện tích là 23.689,1m2 (thửa đất số 310, 242, Tờ bản đồ số 09); NTS (nuôi trồng thủy sản) diện tích 2.674m2 (thửa đất số 339, Tờ bản đồ số 09).
[6]. Về kết luận định giá tài sản:
Tại Biên bản định giá tài sản ngày 08/01/2018 của Hội đồng định giá tài sản huyện Phú Tân kết luận: Tổng giá trị tài sản là 489.897.880 đồng.
Tại Biên bản định giá tài sản ngày 25/01/2018 của Hội đồng định giá tài sản huyện Phú Tân kết luận: Tổng giá trị tài sản là 108.689.000 đồng.
Tại Chứng thư thẩm định giá ngày 03/8/2018 của Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá T kết luận: Quyền sử dụng đất và cây trồng có tổng giá trị là1.685.007.000 đồng; trong đó quyền sử dụng đất có giá trị là 1.524.211.000 đồng, cây trồng có giá trị là 160.440.000 đồng.
[7]. Phần đất theo đo đạc thực tế có diện tích là 27.303,4m2, bà V và ông N không thống nhất giá trị đất và tài sản gắn liền với đất, nên tổng giá trị tài sản được định giá là 598.586.880 đồng (trong đó có giá trị phần đất, cây lấy gỗ và cây ăn trái). Đối với hai căn nhà quá trình sử dụng quá lâu, có sự hư hỏng nên ông N đã tháo dỡ, đồng thời đối với các căn nhà này bà V không yêu cầu phân chia nên không đặt ra xem xét.
Bà V xác định giá trị hiện tại phần đất và cây đước theo giá thị trường cao hơn nhiều so với giá nhà nước quy định và bà V có làm đơn yêu cầu xem xét, thẩm định lại giá trị phần đất và cây đước theo giá thị trường. Bà V làm đơn yêu cầu Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá T. Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá T xác định và đưa ra chứng thư thẩm định giá phần đất và cây đước có tổng giá trị là 1.685.007.000 đồng.
[8]. Xét kết quả định giá: Theo kết quả thẩm định giá thì tổng giá trị tài sản tranh chấp là 1.685.007.000 đồng. Như vậy bà V được nhận 30% trong tổng giá trị tài sản tranh chấp theo kết quả định giá. Cụ thể: 1.685.007.000 đồng x30% = 505.502.100 đồng.
[9]. Đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung ngày 27/5/2015, bà V cho rằng việc Nhà nước thu hồi 336m2 đất để đầu tư xây dựng công trình tuyến đê M (đoạn 6,4Km) thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Z với số tiền bồi thường là 110.000.000 đồng (theo hồ sơ thể hiện tổng số tiền bồi thường là 110.473.065 đồng).
Ông N không đồng ý chia đôi giá trị đất được bồi thường với lý do ông cho rằng phần đất bồi thường là phần đất của cha mẹ ông để lại. Mà ông thống nhất chia đôi tiền bồi thường về nhà, công trình vật kiến trúc và cây trồng với tổng số tiền 64.513.065 đồng xét thấy là chưa phù hợp.
Xét thấy bà V cũng có nhiều công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung. Do đó, yêu cầu này của bà V được chấp nhận một phần, cụ thể bà V được nhận 30% đối với toàn bộ số tiền được bồi thường. Cụ thể: 110.000.000 đồng x 30% = 33.000.000 đồng là phù hợp.
[10]. Về nợ chung: Trong quá trình hòa giải giữa bà V và ông N đã thống nhất xác định tổng các khoản nợ chung là 56.469.000 đồng và 04 (bốn) chỉ vàng 24K và lãi suất phát sinh. Tuy nhiên, ông N khẳng định đã thanh toán xong toàn bộ đối với các khoản nợ. Vì vậy, bà V có trách nhiệm trả lại cho ông N ½ số tiền và vàng cụ thể là 28.234.500 đồng và 02 (hai) chỉ vàng 24K. Tại phiên tòa, bà V đồng ý trả lại ½ số nợ mà ông N đã thanh toán.
[11]. Ngoài ra ông N trình bày là giữa ông và bà V còn nợ: Tiền mượn của ông T ở xã Đ số tiền 12.000.000 đồng, Ngân hàng Y 14.469.000 đồng, và nợ tiền hụi bà Lâm Thị X (S) 3.000.000 đồng. Tuy nhiên, từ khi hòa giải đến nay ông N không cung cấp họ tên hoặc địa chỉ cụ thể của các cá nhân, tổ chức theo lời trình bày của ông N nên Tòa án không tiến hành làm việc được, đồng thời không thể đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, N vụ liên quan trong vụ án.
Liên quan đến phần liệt kê các khoản nợ của ông N, ông Võ Chí T có xác nhận và trình bày cụ thể là vào năm 2013 ông có cho ông N và bà V mượn số tiền 12.000.000 đồng nhưng ông N đã trả xong. Đồng thời ông T yêu cầu được vắng mặt. Xét thấy ông N đã thanh toán xong khoản tiền này, tuy nhiên khoản nợ này ông N không có làm đơn khởi kiện yêu cầu chia nợ nên không đặt ra xử lý trong cùng vụ kiện.
Ngoài ra, các khoản nợ còn lại như nợ bà Lâm Thị S (X) tiền hụi là 3.000.000 đồng, nợ Ngân hàng Y 14.469.000 đồng, ông N cũng không có trình bày, cung cấp đầy đủ thông tin và yêu cầu cụ thể nên Hộ i đồng xét xử không thể xem xét yêu cầu này của ông N.
Tuy nhiên, tại phiên tòa bà V đồng ý chia đôi toàn bộ các khoản nợ này, do đó bà V và ông N có quyền thỏa thuận hình thức thanh toán. Nếu không thỏa thuận được thì được quyền khởi kiện theo thủ tục chung.
[12]. Bà Lâm Thị S (X) xác nhận bằng văn bản thể hiện nội dung trước đây bà có cho ông bà 10 N (vợ chồng ông N, bà V) vay 04 chỉ vàng 24K, lãi suất mỗi tháng là 600.000 đồng. Hiện tại ông N đã trả xong đủ vốn và lãi. Vì vậy bà xin vắng mặt tại phiên tòa. Xét thấy, việc vay vàng có thể hiện lãi suất là không phù hợp, bởi các tổ chức tín dụng không quy động vốn là vàng nên việc giao dịch xuất phát từ vàng không phát s inh lãi. Tuy nhiên, ông N đã thanh toán xong khoản nợ này cho bà S (X), đồng thời các đương sự không yêu cầu điều chỉnh lãi suất nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[13]. Đối với Ngân hàng N chi nhánh huyện P có văn bản xác định đối với khoản tiền mà ông Trương Văn N và bà Nguyễn Thị V vay, ông N đã trả hết nợ vay vào ngày 20/5/2015. Ngân hàng không có yêu cầu nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét xử lý là phù hợp.
[14]. Về chi phí tố tụng tổng cộng là 8.624.576 đồng; trong đó chi phí xem xét thẩm đ ịnh tại chỗ (đo đạc) là 1.865.576 đồng, chi phí định giá là 2.359.000 đồng, chi phí thẩm định giá là 4.400.000 đồng.
Do chấp nhận một phần yêu của bà V nên chi phí này buộc ông N, bà V mỗi người phải chịu ½ chi phí này tương ứng với số tiền là 4.312.288 đồng.
[15]. Giá vàng 24K tại thời điểm xét xử là 3.444.000 đồng/01 chỉ.
[16]. Từ những phân tích và nhận định nêu trên xét thấy quan đ iểm đề nghị của Viện kiểm sát về hôn nhân, con chung, tài sản chung và nợ chung là có căn cứ nên được chấp nhận.
[17]. Về án phí sơ thẩm hôn nhân và gia đình bà V phải nộp. Về án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, bà V và ông N phải chịu theo quy định tại các khoản 8, 9 Điều 27 của Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về án phí , lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; các điều 147, 157, 161, 165, 227, 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; áp dụng các điều 9, 33, 43, 51, 56, 61 của Luật Hôn nhân và gia đình; các khoản 8, 9 Điều 27 của Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
1. Về hôn nhân: Cho bà Nguyễn Thị V ly hôn với ông Trương Văn N (Trương Văn N).
2. Về tài sản chung: Buộc ông Trương Văn N giao cho bà Nguyễn Thị V tổng số tiền là 538.502.100 đồng.
Trong đó: giá trị đất được chia là 505.502.100 đồng; tiền bồi thường từ việc thu hồi đất là 33.000.000 đồng.
Kể từ ngày bà Nguyễn Thị V có đơn yêu cầu thi hành án nếu ông TrươngVăn N chậm trả số tiền trên thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
3. Về nợ chung: Ghi nhận sự thỏa thuận giữa bà Nguyễn Thị V và ông Trương Văn N là bà Nguyễn Thị V thống nhất giao lại cho ông Trương Văn N số tiền là 28.234.500 đồng và 02 (hai) chỉ vàng 24K.
Kể từ ngày ông Trương Văn N có đơn yêu cầu thi hành án nếu ông bà Nguyễn Thị V chậm trả số tiền trên thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
4. Về chi phí tố tụng tổng cộng là 8.624.576 đồng. Trong đó:
- Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ (đo đạc) là 1.865.576 đồng;
- Chi phí định giá là 2.359.000 đồng;
- Chi phí thẩm định giá là 4.400.000 đồng.
Bà V phải chịu 50% chi phí tương ứng với số tiền là 4.312.288 đồng.
Bà V đã nộp toàn bộ chi phí là 8.624.576 đồng, do đó buộc ông N phải trả cho bà V số tiền 4.312.288 đồng.
5. Về án phí:
5.1 Về án phí Hôn nhân và gia đình sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị V phải nộp 200.000 đồng, nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân.
5.2 Về án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch:
- Buộc ông Trương Văn N phải nộp là 49.695.147 đồng. Số tiền này ông N chưa nộp.
- Buộc bà Nguyễn Thị V phải nộp là 25.540.084 đồng.
Bà Nguyễn Thị V đã nộp tạm ứng án phí tổng số tiền là 4.206.250 đồng. Trong đó: Đã nộp số tiền 3.518.750 đồng tại Biên lai thu tiền số 08552, ngày 05/12/2014 và đã nộp số tiền 687.500 đồng tại Biên lai thu tiền số 08746, ngày 28/5/2015 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân. Nay được chuyển thu, đối trừ bà V phải nộp tiếp số tiền 21.333.834 đồng.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Đương sự có mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.
Bản án 123/2018/HNGĐ-ST ngày 30/11/2018 về ly hôn, chia tài sản khi ly hôn
Số hiệu: | 123/2018/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phú Tân - Cà Mau |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 30/11/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về