Bản án 122/2020/DS-PT ngày 03/06/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 122/2020/DS-PT NGÀY 03/06/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 07 tháng 5 và ngày 03 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 54/2020/TLPT- DS ngày 17 tháng 01 năm 2020 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 80/2019/DS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 52/2020/QĐ-PT ngày 11 tháng 02 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Phạm Thị T1, sinh năm 1936 (có mặt)

Đại diện hợp pháp của bà T1: Chị Nguyễn Thị L2, sinh năm 1974 (Theo văn bản ủy quyền ngày 05/5/2020, có mặt) Cùng địa chỉ cư trú: Ấp 3, xã KT, huyện UM, tỉnh C

- Bị đơn:

1. Ông Cao Văn C, sinh năm 1951 Địa chỉ cư trú: Ấp 12, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Đại diện hợp pháp của ông C: Anh Cao Văn T3, sinh năm 1984 (Theo văn bản ủy quyền ngày 28/10/2019, có mặt) Địa chỉ cư trú: Ấp 3, xã KT, huyện UM, tỉnh C

2. Ông Nguyễn Văn U, sinh năm 1943 (vắng mặt) Địa chỉ cư trú: Ấp 10, xã KT, huyện UM, tỉnh C.

3. Ông Lê Văn V, sinh năm 1951 (có mặt) Địa chỉ cư trú: Ấp 3, xã KT, huyện UM, tỉnh C.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà M2 (có đơn vắng mặt) Địa chỉ: Khóm 3, thị t, huyện U, tỉnh C

2. Chị Cao Thị D1, sinh năm 1972 (có mặt)

3. Anh Nguyễn Văn M1, sinh năm 1972 (có mặt)

4. Chị Nguyễn Thị L2, sinh năm 1974 (có mặt)

5. Anh Cao Văn T3, sinh năm 1984 (có mặt)

6. Chị Danh Thị P, sinh năm 1979 (vắng mặt ngày 03/6/2020)

7. Bà Võ Thị X, sinh năm 1951 (vắng mặt) Cùng địa chỉ cư trú: Ấp 3, xã KT, huyện UM, tỉnh C.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Chị Cao Kim L1, sinh năm 1971 (có mặt) Địa chỉ cư trú: Ấp 3, xã KT, huyện UM, tỉnh C

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị L1: Ông Nguyễn Thanh D2, sinh năm 1966 (vắng mặt ngày 03/6/2020) Địa chỉ cư trú: ấp T, xã H, huyện C, tỉnh C .

Tạm trú: số 57, đường NTT, khóm 5, phường 1, thành phố C, tỉnh C.

Người kháng cáo: Bà Phạm Thị T1; Ông Cao Văn C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, tại các phiên hòa giải và tại phiên tòa nguyên đơn bà Phạm Thị T1 trình bày: Vào năm 1977 vợ chồng bà khai phá một phần đất chiều ngang 170m, chiều dài 75m ở ấp 3, Khánh Thuận, huyện U Minh, đến năm 1979 vợ chồng bà khai phá xong. Phần đất có vị trí tiếp giáp như sau: Phía đông giáp ông Lê Văn V, phía tây giáp sông Cái Tàu, phía bắc giáp Nguyễn Văn Ni, năm giáp Trần Văn Khả. Vợ chồng bà quản lý, sử dụng đến năm 1993 thì cho lại con gái bà là Nguyễn Thị L2 quản lý, sử dụng. Đến năm 2004 thì ông C lấn chiếm phần đất chiều ngang 58m, chiều dài 75m; Năm 2015, ông U lấn chiếm phần đất diện tích chiều ngang 05m, chiều dài 24m, phần đất giáp với ông Nguyễn Văn Ni, sau đó ông U cho ông Ni phần đất trên và ông Ni bán lại cho ông M1, bà D1 cất nhà ở đến nay; Năm 2016, ông Lê Văn V lấn chiếm phần đất chiều ngang 20m, dài 75m để cất nhà nhưng bà ngăn cản không cho cất, phần này hiện nay đang bỏ hoang. Do phần đất trên là của vợ chồng bà khai phá nên bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông C, anh T3, chị P di dời nhà đi nơi khác trả phần đất lấn chiếm cho bà và yêu cầu ông V, ông U trả lại phần đất lấn chiếm cho bà.

Tại biên bản làm việc liên quan đến yêu cầu khởi kiện ngày 12/8/2019 bà T1 và đại diện theo ủy quyền của bà T1 là ông T2 không yêu cầu Tòa án giải quyết liên quan đến việc tranh chấp với ông Ni, ông Mãnh, bà D1.

* Ông Lê Văn V trình bày: Phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc do ông, bà của ông khai phá, đến năm 1920 bà ngoại ông là bà Lê Thị Bông được ông, bà ông cho phần đất diện tích chiều ngang 20m, chiều dài 140m. Sau đó, bà ngoại ông cho lại mẹ ông là bà Huỳnh Thị Xem. Năm 1975 mẹ ông cho lại ông phần đất trên. Do gia đình khó khăn nên 1977 ông bỏ đi làm ăn, đến năm 1990 thì quay về làm nhà ở cho đến nay. Năm 2016 khi ông làm nhà cho con ông ở thì xảy ra tranh chấp với bà T1. Nay bà T1 yêu cầu ông trả lại phần đất tranh chấp chiều ngang 20m, chiều dài 75m thì ông không đồng ý.

* Ông Nguyễn Văn U trình bày: Cha, mẹ ông là ông Nguyễn Văn Thành, bà Nguyễn Thị Mãnh (đã chết) khai phá phần đất tại ấp 3, Khánh Thuận, huyện U Minh, chiều ngang 37m, chiều dài 21m. Cha ông ở trên phần đất này đến năm 1981 thì chết, đến năm 1993 thì mẹ ông cũng qua đời, ông là con Út nên tiếp tục sử dụng phần đất này. Ông không có bán đất cho ông Ni, còn việc ông Ni bán đất cho ông Mãnh, bà D1 là đất của ông Ni, không phải đất của ông. Nay bà T1 yêu cầu ông trả phần đất chiều ngang ngang 05m, dài 24m thì ông không đồng ý do đất này là của ông Ni, còn phần đất còn lại là của cha mẹ ông để lại cho ông.

* Ông Cao Văn C trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp là của ông nội ông cho lại cô của ông là bà Cao Thị Ba. Năm 1974 thì ông về ở với cô của ông, đến năm 1991, cô của ông chết nên ông bỏ đi làm ăn thì ông Tỷ mượn đất cấy lúa. Khoảng 02 đến 03 năm sau thì ông về làm nhà trên đất cho đến nay, ông được bà Phạm Thị Việt Hồng cho lại ông. Bà T1 cho rằng ông có gặp bà T1 để chuyển nhượng đất là không đúng, ông chỉ gặp vợ chồng bà T1 để thỏa thuận trả tiền công đào đìa. Năm 2002 ông cho lại con ông là Cao Văn T3 làm nhà ở cho đến nay. Nay bà T1 yêu cầu ông trả lại phần đất tranh chấp chiều ngang 58m, chiều dài 75m thì ông không đồng ý, vì đây là đất của bà Việt Hồng cho lại ông.

* Chị Cao Kim L1 trình bày: Cha mẹ chị cho chị và hai người chị là Cao Thị Tím, Cao Thị Lệ phần đất cất nhà cặp mé sông để mua bán, sinh sống và canh tác phần đất với diện tích chiều ngang 25 mét, chiều dài 85 mét tọa lạc tại ấp 3, xã Khánh Thuận, huyện U Minh vào năm 1976. Sau đó chị Lệ và chị Tím có chồng sống riêng, còn lại chị L1 tiếp tục sinh sống trên phần đất hiện đang tranh chấp đến nay, trước đây phần đất tranh chấp bà có trồng tràm. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp là do năm 2003 anh ruột chị là ông Cao Văn C mượn đất cho con trai và con dâu làm ruộng nên đã khai thác tràm, nhưng sau này không trả đất mà chiếm đất của chị. Mặt dù chị đã yêu cầu ông C và anh Cao Văn T3, chị Danh Thị P trả lại cho chị phần đất trên nhưng ông C không trả. Do đó chị yêu cầu Tòa án buộc ông C, anh T3, chị P trả lại cho chị phần đất theo đo đạc thực tế với diện tích 2.515,2 m2 tọa lạc tại ấp 3, xã K, huyện U, tỉnh C .. Bà T1 cho rằng phần đất trên là của bà T1 và yêu cầu ông C trả lại là không đúng vì phần đất trên là của chị L1.

* Chị Nguyễn Thị L2 trình bày: Chị thống nhất với lời trình bày và yêu cầu của mẹ chị là bà T1.

* Anh Cao Văn T3 trình bày: Năm 2001, anh về canh tác trên phần đất tranh chấp hiện nay thì bà T1 có cấy lúa qua khoảng nửa công, còn lại là cây rừng, năm 2002 thì anh cho xáng múc bao bờ và đào ao canh tác trên diện tích đất ngang 58m, dài 75m cho đến nay. Ngoài ra, anh làm nhà và khoan cây nước ngầm sinh sống cho đến nay. Đối với yêu cầu của bà T1 và chị L1 thì anh không đồng ý vì đây là đất của cha anh cho lại vợ chồng anh. * Chị Danh Thị P trình bày: Thống nhất với lời trình bày và yêu cầu của chồng chị là anh Cao Văn T3, bà không trình bày bổ sung gì thêm.

* Anh Nguyễn Văn M1 và chị Cao Thị D1 trình bày: Năm 2015, vợ chồng anh chị có sang nhượng của ông Ni phần đất ngang 6m, dài 31m, tại ấp 3, xã K, huyện U, tỉnh C ., khi chuyển nhượng chỉ làm giấy tay, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Ni chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với yêu cầu của bà T1 thì vợ chồng anh chị không đồng ý do phần đất vợ chồng anh chị chuyển nhượng không phải là đất của bà T1.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 80/2019/DS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh đã quyết định:

Căn cứ khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39;

khoản 1, khoản 2 Điều 227; Điều 244; Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 50; 136 của Luật đất đai năm 2003; Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm đ Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị T1 đối với ông Lê Văn V, ông Cao Văn C.

Buộc ông Lê Văn V trả cho bà T1 số tiền 19.086.800 đồng (tương đương 40% diện tích đất 1.030,7m2); Buộc ông Cao Văn C trả cho bà T1 số tiền 57.686.600 đồng (tương đương 40% diện tích đất 3.115,1m2).

Không chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị T1 về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn U trả phần đất diện tích chiều ngang 05m, chiều dài 24m, đất tọa lạc tại ấp 3, xã K, huyện U, tỉnh C ..

Chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Cao Kim L1 về việc yêu cầu ông Cao Văn C, ông Cao Văn T3, bà Danh Thị P trả phần đất lấn chiếm.

Buộc ông Cao Văn C, ông Cao Văn T3, bà Danh Thị P trả phần đất lấn chiếm cho bà Cao Kim L1 với diện tích theo đo đạc thực tế 2.515,20m2 tọa lạc tại ấp 3, xã K, huyện U, tỉnh C .. Vị trí đất theo sơ đồ đo đạc của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện U Minh, tỉnh Cà Mau ngày 12/7/2018).

Bà Cao Kim L1 có quyền liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến phần đất của bà.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 09/12/2019, bà Phạm Thị T1 kháng cáo với nội dung yêu cầu ông Lê Văn V và ông Cao Văn C phải trả đất cho bà, bà không đồng ý nhận tiền.

Ngày 11/12/2019, ông Cao Văn C kháng cáo với nội dung yêu cầu không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị T1 và bà Cao Kim L1.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của ông Cao Văn C và bà Phạm Thị T1.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm;

căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của những người tham gia tố tụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét kháng cáo của bà Phạm Thị T1: Bà T1 xác định đất tranh chấp với ông C và ông V là do gia đình bà khai phá, cụ thể là chồng bà là ông Nguyễn Văn Tỷ khai phá và sử dụng đất từ năm 1977 đến khi phát sinh tranh chấp vào năm 2004.

Tại phiên tòa bà T1 vẫn khẳng định đất tranh chấp với ông C diện tích 5.627,3m2, thời điểm tranh chấp chị L1 không đặt ra diện tích 2.515,2m2 là của chị L1 và diện tích đất tranh chấp với ông V là 1.030,7m2, các phần đất này bà T1 không đăng ký kê khai vì bà đã cho con bà là chị L2, chị L2 thì xác định đất của bà T1 và nghĩ là bà T1 đã đăng ký nên chị không đăng ký. Xét quá trình sử dụng đất, bà T1 có quản lý và sử dụng nên khi anh T3 và ông C đến làm nhà mới phát sinh tranh chấp, nếu không có quản lý sử dụng thì không biết được việc ông C và anh T3 làm nhà. Việc phát sinh tranh chấp từ khi anh T3 được ông C cho đất làm nhà được cả hai bên đương sự thừa nhận nhưng về thời gian thì phía anh T3 xác định anh cất nhà và phát sinh tranh chấp năm 2001 còn phía bà T1 thì xác định thời điểm tranh chấp là vào khoảng năm 2004. Theo tài liệu trong hồ sơ thể hiện thời điểm phát sinh tranh chấp vào năm 2003, biên bản thể hiện giữa bà Phạm Việt Hồng tranh chấp với ông Nguyễn Văn Tỷ (BL 166), biên bản này được anh T3 thừa nhận là do đất của bà Hồng nên bà Hồng tranh chấp với ông Tỷ và bà Hồng đã cho đất ông C nên có hỗ trợ đưa xáng múc vào cải tạo đất. Ông C cũng thừa nhận trước đây ông Tỷ là chồng bà T1 có trồng lúa trên đất tranh chấp nhưng ông C lại khẳng định đất này do ông Tỷ mượn, ông C không chứng minh được việc cho mượn cũng như việc sử dụng đất từ trước khi phát sinh tranh chấp đến thời điểm năm 2002, 2003. Tại phiên tòa, phía ông C và bà T1 cũng thừa nhận việc tranh chấp phát sinh từ khi anh T3 làm nhà, có chính quyền địa phương lập biên bản nhiều lần và anh T3 đề nghị Tòa án tiến hành xác minh những cán bộ địa phương biết được việc sử dụng đất của ông C cụ thể như ông Nguyễn Hùng Chi, ông Cao Thanh Toản, ông Đặng Phước Hỷ (Hỉ) và cung cấp địa chỉ của những người này, phía bà T1 đề nghị xác minh ông Đỗ Thành Ngọc nhưng không biết chính xác địa chỉ của ông Ngọc.

Tòa án tiến hành xác minh thì ông Cao Thanh Toản trình bày nguồn gốc đất do chồng bà T1 khai phá từ năm 1977-1978 và quản lý sử dụng sau đó mới có việc tranh chấp với ông C vào năm 2004 do ông C vào khai phá và làm nhà cho con. Ông Nguyễn Hùng Chi cũng xác định đất ông Tỷ chồng bà T1 khai phá và sử dụng, khi ông C vào làm nhà cho anh T3 thì phát sinh tranh chấp, về thời gian thì ông Chi không nhớ nhưng ông có lập biên bản tranh chấp nhiều lần. Đối với ông Đặng Phước Hỷ đã chết nên không xác minh được. Đối với ông Đỗ Thành Ngọc thì bà T1 có đơn trình bày nhớ nhầm nên Tòa án không tiến hành xác minh lời trình bày của ông Ngọc.

[2] Ngoài ra theo biên bản hòa giải ngày 21/10/2016 ông C cũng thừa nhận “…Trong thời gian hòa giải ở xã Khánh Hòa ông C có yêu cầu bồi hoàn thành quả lao động cho ông Tỷ nhưng ông Tỷ không chịu. Nên kéo dài đến nay vẫn còn tranh chấp”. Ông C không có phần đất nào giáp với phần đất tranh chấp cũng như không có tài liệu chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất và việc sử dụng đất liên tục. Khi ông C tác động lên phần đất thì phát sinh tranh chấp, cấp sơ thẩm nhận định phía bà T1 có khai phá phần đất tranh chấp, có biên bản tranh chấp lập ngày 28/3/2003 nhưng lại buộc ông C, ông T3, bà P có nghĩa vụ bồi hoàn thành quả lao động cho bà T1 bằng 40% giá trị đất thực tế là không có căn cứ.

[3] Trong vụ án này cả bà T1 và ông C đều không kê khai đăng ký sử dụng nhưng thực tế bà T1 có đất tại khu vực tranh chấp, có sử dụng đất trồng lúa theo lời trình bày của ông C, cũng như có xác nhận của những người làm thuê cho ông Tỷ. Chính quyền địa phương cũng xác nhận việc bà T1 canh tác, phát cỏ. Đối với ông C thì không có đất tại khu vực đất tranh chấp, không có tài liệu chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất và việc sử dụng đất, ông C, anh T3 xác định phần đất là do bà Hồng cho và sử dụng xuyên suốt, lời trình bày này lại mâu thuẫn với việc giữa bà Hồng và ông Tỷ phát sinh tranh chấp vào năm 2003, bà Hồng có trình bày là bà yêu cầu giải quyết sớm vì bà ở xa (BL 166) thể hiện thời điểm bà Hồng tranh chấp với ông Tỷ thì chưa có việc ông C làm nhà trên đất tranh chấp. Hiện ông C, anh T3, chị P đang quản lý, sử dụng đất nên bà T1 khởi kiện yêu cầu ông C, anh T3, chị P di dời nhà trả lại đất là có căn cứ.

[4] Từ khi phát sinh tranh chấp, chính quyền địa phương lập biên bản nhiều lần theo sự thừa nhận của hai bên nhưng phía ông C vẫn làm nhà và tiếp tục ở trên đất. Theo biên bản thẩm định chỗ ngày 30/6/2017 thể hiện hiện trạng nhà của anh T3 là nhà cây gỗ địa phương nhưng tại tòa phúc thẩm anh T3 khai nhận nhà anh đã sửa chữa và xây kiên cố nhưng anh không yêu cầu định giá và bồi hoàn giá trị đầu tư trên đất. Như nhận định trên, có căn cứ xác định đất đang tranh chấp với ông C là thuộc quyền sử dụng của bà T1 nên buộc ông C, anh T3, chị P tháo dỡ công trình kiến trúc có trên đất để giao lại đất cho bà T1.

[5] Từ những căn cứ trên, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông C về việc không đồng ý thanh toán tiền cho bà T1.

[6] Đối với phần đất tranh chấp với ông Lê Văn V. Ông V phát sinh tranh chấp với bà T1 từ năm 2016. Như nhận định trên ông V cũng không đăng ký kê khai, không chứng minh được nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất nên buộc ông V phải có nghĩa vụ tháo dỡ công trình kiến trúc trên đất để giao trả quyền sử dụng đất cho bà T1.

[7] Đối với kháng cáo của ông C liên quan phần đất tranh chấp với chị L1, ông C xác định đất tranh chấp với chị L1 diện tích 2.515,2m2 là do bà Hồng cho nhưng bà Hồng không thừa nhận, bà Hồng cho rằng đất của chị L1 là do cha mẹ chị L1 là ông Cao Văn Ban và Nguyễn Thị Sau khai phá cho lại 03 chị em chị L1, chị Cao Thị Lệ là chị của chị L1 có đăng ký kê khai và sau đó chị Lệ và chị Tím giao hết đất cho chị L1 nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông C.

[8] Đối với kháng cáo của bà T1, tại phiên tòa phúc thẩm bà T1 đặt ra do khi kháng cáo không nêu rõ cụ thể đối với phần đất của chị L1 nhưng nội dung kháng cáo bà có yêu cầu kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Xét bà T1 xác định khi tranh chấp với ông C thì chị L1 không tranh chấp, chị L1 thì cho rằng thời điểm bà T1 tranh chấp thì chị L1 cũng đã yêu cầu ông C trả lại phần đất cho mượn nhưng ông C không trả. Khi bà T1 khởi kiện ông C và có tiến hành đo đạc diện tích 5.627,3m2 thì chị L1 phát hiện nên đã có đơn yêu cầu độc lập, còn trước đây bà T1 tranh chấp với ông C thì không thể hiện diện tích tranh chấp là bao nhiêu và như nhận định nêu trên, do phía chị L1 có đăng ký kê khai sử dụng đất nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà T1.

[9] Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm là không có căn cứ như nhận định nêu trên nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[10] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bà T1, ông C, ông V là người cao tuổi và có đơn xin miễn nộp án phí nên được chấp nhận.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị T1, không chấp nhận kháng cáo của ông Cao Văn C. Sửa bản án sơ thẩm số 80/2019/DS-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh.

Căn cứ Điều 50; 136 của Luật đất đai năm 2003; Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm đ Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị T1 đối với ông Lê Văn V, ông Cao Văn C.

Buộc ông Cao Văn C, anh Cao Văn T3, chị Danh Thị P tháo dỡ, di dời công trình kiến trúc, cây trồng trên phần đất diện tích 3.112,1m2 tọa lạc tại ấp 3, xã K, huyện U, tỉnh C . để giao đất cho bà Phạm Thị T1, cụ thể: Từ điểm M1 đến điểm M9 giáp lộ bê tông kích thước 45m; Từ điểm M9 đến điểm M6 giáp đất giao cho bà Phạm Thị T1, kích thước 57,9m; Từ điểm M6 đến điểm M5 giáp với đất ông Lê Văn V (9 Vàng) kích thước 46m; Từ điểm M5 đến điểm M1 giáp với đất giao cho chị Cao Kim L1 kích thước 69,3m.

Buộc ông Lê Văn V tháo dỡ, di dời công trình kiến trúc, cây trồng trên phần đất diện tích 1.030,7m2 tọa lạc tại ấp 3, xã K, huyện U, tỉnh C . để giao đất cho bà Phạm Thị T1 cụ thể: Từ điểm M8 đến điểm M9 giáp lộ bê tông kích thước 20m; Từ điểm M9 đến điểm M6 giáp đất giao cho bà Phạm Thị T1, kích thước 57,9m; Từ điểm M6 đến điểm M7 giáp với đất ông Lê Văn V (9 Vàng) kích thước 20m; Từ điểm M7 đến điểm M8 giáp với đất ông Nguyễn Văn U và bà Phạm Thị T1 kích thước 50,6m (phần giáp đất ông U kích thước 24m).

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị T1 đối với ông Cao Văn C về việc yêu cầu trả lại diện tích đất 2.515,2m2 tọa lạc tại ấp 3, xã K, huyện U, tỉnh C ..

Chấp nhận yêu cầu độc lập của chị Cao Kim L1. Buộc ông Cao Văn C, ông Cao Văn T3, bà Danh Thị P trả phần đất cho chị Cao Kim L1 với diện tích 2.515,2m2 tọa lạc tại ấp 3, xã K, huyện U, tỉnh C ., cụ thể: Từ điểm M1 đến điểm M2 giáp lộ bê tông kích thước 24m; Từ điểm M2 đến điểm M3 giáp đất của ông Trần Văn Khả kích thước 90,4m; Từ điểm M3 đến điểm M4M5 giáp với đất ông Lê Văn V (9 Vàng) kích thước 36m và 9m; Từ điểm M5 đến điểm M1 giáp với đất giao cho bà Phạm Thị T1 kích thước 69,3m.

Kèm theo sơ đồ vị trí đất đo đạc ngày 20/6/2017.

Bà Phạm Thị T1 và chị Cao Kim L1 có quyền liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn nộp án phí đối với bà Phạm Thị T1, ông Cao Văn C, ông Nguyễn Văn Vàng.

Hoàn trả cho bà T1 số tiền 750.000 đồng theo biên lai thu số 0011292 ngày 20/3/2017, số tiền 600.000 đồng theo biên lai thu số 05868 ngày 26/10/2016, số tiền 2.100.000 đồng theo biên lai thu số 0011291 ngày 20/3/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Hoàn trả cho chị Cao Kim L1 số tiền 1.000.000 đồng, theo biên lai thu số 0011727 ngày 08/12/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Phạm Thị T1, ông Cao Văn C được miễn.

Các quyết định khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

284
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 122/2020/DS-PT ngày 03/06/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:122/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 03/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;