TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 12/2019/KDTM-PT NGÀY 06/09/2019 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG ĐÓNG TÀU
Ngày 06 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 08/2019/TLPT-KDTM ngày 22 tháng 02 năm 2019 về tranh chấp kiện đòi tài sản phát sinh từ hợp đồng đóng tàu.
Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 07/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo và kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1538/2019/QĐ-PT ngày 19 tháng 4 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 3232a/2019/QĐ-PT ngày 12 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần A; địa chỉ: Khu 2, phường D, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.
Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn: Ông Trần Công T (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần A); có mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
1. Ông Vũ Hoài Ư – Luật sư Văn phòng luật sư H – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt
2. Ông Ngô Quốc K – Luật sư Văn phòng luật sư H – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt
- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn B; địa chỉ: Thị trấn M, huyện T, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
1. Ông Đỗ Thanh B - Luật sư Văn phòng luật sư Â - Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng (Được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 02 tháng 01 năm 2019); có mặt
2. Ông Đỗ Văn T - Luật sư Văn phòng luật sư Â - Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng (Được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 02 tháng 01 năm 2019); vắng mặt
3. Ông Trần Quốc C; cư trú tại: Quận K, thành phố Hải Phòng, (Được ủy quyền theo văn bản ủy quyền số 0085/UQ-PR ngày 14 tháng 01 năm 2019); có mặt
- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn B.
- Viện Kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Đơn khởi kiện ngày 02/8/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án đại diện của nguyên đơn trình bày:
Ngày 15/12/2007, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy F (viết tắt là Công ty F) và Nhà máy đóng tàu A (nay là Công ty Cổ phần A – viết tắt là Công ty A) ký hợp đồng kinh tế số 538/HĐKT/NTSL về việc đóng mới tàu kéo cứu hộ 5600CV, với dự án đầu tư khoảng 71.903.399.000đ.
Ngày 27/6/2011, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam ra nghị quyết cho phép chuyển chủ đầu tư dự án đóng mới tài kéo cứu hộ 5600CV từ Công ty F sang Tổng công ty công nghiệp tàu thủy B (viết tắt là Công ty B).
Ngày 16/11/2011 Công ty F và Công ty A đã quyết toán giá trị sản lượng giai đoạn I đóng mới tàu 5600CV là 30.363.816.691đ.
Ngày 05/9/2011, Công ty B và Công ty A ký kết Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR-SL về việc đóng mới tàu kéo cứu hộ 5.600CV giai đoạn II. Các thỏa thuận cụ thể của hợp đồng: Công ty B giao cho Công ty A tiếp tục thi công đóng mới Tàu kéo cứu hộ 5600CV giai đoạn II theo đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được đăng kiểm phê duyệt. Thời gian thực hiện là 120 ngày kể từ ngày ký hợp đồng nguyên tắc. Địa điểm bàn giao tại âu tàu của Công ty B. Giá trị hợp đồng giai đoạn II tạm tính 26.506.205.524đ. Sau khi ký hợp đồng Công ty A sẽ được Công ty B ứng 17.819.000.000đ. Việc cấp vốn sẽ căn cứ vào tiến độ sản xuất của Công ty A. Sau khi hoàn chỉnh bàn giao sản phẩm b ên A (Công ty B) sẽ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng sau 3 tháng. Nếu trả chậm quá thời gian trên bên A phải chịu lãi suất Ngân hàng theo quy định hiện hành.
Ngày 24/12/2011, Hai bên đã ký biên bản bàn giao số 06/BBGT và biên bản bàn giao kỹ thuật số 05/BBGT.
Tại thời điểm bàn giao ngày 24/12/2011, Công ty B còn nợ Công ty A số tiền 30.363.816.691đ.
Ngày 16/5/2012, Công ty F và Công ty B đã ký biên bản bàn giao chủ đầu tư dự án đóng mới tàu kéo cứu hộ 5.600CV từ Công ty F sang Công ty B.
Ngày 25/7/2013, Công ty B và Công ty A ký hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT-PR–SL về việc đóng mới tàu kéo cứu hộ 5.600CV với nội dung công việc quy định tại khoản 1 Điều 1 thì: “ Bên A tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiệm thu, kiểm tra, thử nghiệm, thi công đóng mới Tàu kéo và cứu hộ 5.600 CV và Quyết toán giai đoạn 1 giữa bên B và chủ đầu tư trước là Công ty TNHH MTV Tổng công ty công nghiệp tàu thủy F”.
Ngày 20/6/2016, Công ty B và Công ty A đã ký quyết toán toàn bộ dự án đóng mới tàu cứu hộ 5.600CV.
Công ty A đã xuất hóa đơn tài chính với tổng số tiền quyết toán là 45.575.400.868đ cho Công ty B vào các ngày:
Ngày 30/12/2011 số HĐ: 0000072 số tiền 14.300.000.000đ; Ngày 02/02/2015 số HĐ: 0000278 số tiền 9.570.000.000đ; Ngày 08/9/2016 số HĐ: 0000329 số tiền 21.705.400.868đ.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty A đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng, đã bàn giao tàu cho Công ty B và Công ty B đã nhận tàu. Các bên đã phê duyệt quyết toán dự án đóng mới giá trị tàu là 45.575.400.868đ. Tính đến ngày 31/5/2017, Công ty B còn nợ Công ty A 9.853.654.798đ (Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2017). Công ty A đã nhiều lần yêu cầu Công ty B phải trả nợ nhưng Công ty B vẫn không trả. Tính tháng 02/2018, Công ty B còn nợ công ty A 8.853.654.798đ. Nguyên nhân của việc chậm trả nợ nói trên là do Công ty B đã sử dụng sai mục đích vốn điều lệ cấp tạm ứng bổ sung đóng mới tàu kéo 5.600CV. Việc nợ kéo dài dẫn tới Công ty A lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn và phải chịu thiệt hại rất lớn từ việc vay vốn Ngân hàng, Công ty tài chính để đầu tư vào dự án đóng tàu 5.600CV. Ngoài ra, Công ty A còn nợ thuế, nợ Bảo hiểm xã hội, toàn bộ tài sản của công ty bị kê biên nên công ty không hoạt động được, mất nhiều hợp đồng đóng tàu, nguồn nhân lực của công ty. Do đó, Công ty A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty B phải thanh toán cho Công ty A số tiền nợ gốc: 8.853.654.798đ; nợ lãi trong hạn và lãi phạt quá hạn từ tháng 4/2012 đến tháng 11/2018 là 41.178.908.230đ.
Ngày 06/01/2017, Công ty CP Cơ khí P mua lại số cổ phần của Công ty B tại Công ty A (chiếm 99,67%) theo Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 49/2016/HĐMBTS-ĐGTL.
Trong quá trình gải quyết vụ án , đại diện của bị đơn Công ty B trình bày: Ngày 15/12/2007, Công ty F và Nhà máy đóng tàu A ký hợp đồng kinh tế số 538/HĐKT/NTSL về việc đóng mới tàu kéo cứu hộ 5600CV, với dự án đ ầu tư khoảng 71.903.399.000đ. Sau đó do nhiều nguyên nhân hai bên không thể thực hiện những nội dung công việc như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Sau khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có văn bản chấp thuận cho phép chuyển chủ đầu tư dự án đóng mới tài kéo cứu hộ 5600CV từ Công ty F sang Công ty B. Ngày 05/9/2011, Công ty B và Công ty A đã thỏa thuận ký kết Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR-SL về việc tiếp tục hoàn thiện tàu kéo cứu hộ 5.600CV giai đoạn II.
Ngày 24/12/2011, Hai bên đã ký biên bản bàn giao số 06/BBGT và biên bản bàn giao kỹ thuật số 05/BBGT tàu kéo 50600CV đưa về Công ty B để tiếp tục hoàn thiện.
Ngày 16/5/2012, Công ty F và Công ty B đã ký biên bản bàn giao chủ đầu tư dự án đóng mới tàu kéo cứu hộ 5.600CV từ Công ty F sang Công ty B.
Ngày 20/6/2012, Công ty B có văn bản 530/VFR-QLDA báo cáo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam về việc hoàn thành công việc bàn giao tàu. Sau khi có quyết định hỗ trợ vốn hoàn thiện tàu 5.600CV giai đoạn II của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Công ty B và Công ty A đã ký hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT- PR – SL ngày 25/7/2013 để tiếp tục thực hiện giai đoạn II hoàn thiện tàu kéo cứu hộ 5.600CV.
Từ khi ký hợp đồng nguyên tắc đến khi nhận bàn giao tàu và ký hợp đồng kinh tế nói trên, Công ty B đã tuyệt đối tuân thủ các nội dung trong hợp đồng. Việc quyết toán giai đoạn II giữa Công ty B và Công ty A ngày 20/6/2016 với giá trị là 15.211.584.177đ, Công ty B đã thanh toán cho Công ty A là 14.034.139.027đ.
Số tiền nợ từ giai đoạn I chuyển sang là: 30.363.816.691 đồng, Công ty B vẫn trả nợ dần hàng năm cho Công ty A. Tính đến ngày 31/5/2017, Công ty B còn nợ công ty A số tiền 9.853.654.798đ và tính đến tháng 02/2018 số nợ còn 8.853.654.798đ. Quan điểm của Công ty B xác nhận còn nợ công ty A số tiền 8.853.654.798đ và sẽ trả nợ dần cho Công ty A. Công ty B không đồng ý trả số nợ lãi và lãi phạt theo yêu cầu của Công ty A vì không có căn cứ pháp luật và đã hết thời hiệu khởi kiện đòi lãi theo hợp đồng.
*Tại Bán án sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 07/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện T quyết định: p dụng Điều 30; Điều 35, Điều 39, khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 116, Điều 166, Điều 274, Điều 275, Điều 280 Bộ luật Dân sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; Xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A về việc buộc Công ty B phải thanh toán trả Công ty A số tiền 50.032.563.023đ; trong đó bao gồm nợ gốc là 8.853.654.798đ; nợ lãi trong hạn là 27.452.605.483đ và nợ lãi quá hạn là 13.726.302.742đ.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo và quyền, nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm:
Ngày 15/01/2019, bị đơn Công ty B kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm. Vơi lý do: Nội dung bản án vi phạm tố tụng, trái với quy định của pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Ngày 21/01/2019, Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện T kháng nghị đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng lãi suất quá hạn trung bình theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại để tính lãi suất chậm thanh toán; xác định lại số tiền gốc phải trả; tính lại số tiền lãi mà Công ty B phải trả cho Công ty A.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, người kháng cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo , đại diện Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên nội dung kháng nghị và các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện của bị đơn trình bày: Bị đơn thừa nhận còn nợ nguyên đơn số tiền 9.853.654.798đ theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2017, tính đến thời điểm hiện tại thì bị đơn còn nợ trên 8,6 tỷ đồng. Bị đơn chỉ chấp nhận trả số tiền lãi phát sinh từ ngày 31/5/2017 của số tiền 9.853.654.798đ. Tòa án cấp sơ thẩm tính lãi phát sinh trước thời điểm trên là không đúng. Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn.
Đại diện của nguyên đơn trình bày: Thừa nhận Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2017 giữa nguyên đơn và bị đơn vẫn còn giá trị. Ngày 16/11/2017, bị đơn trả cho nguyên đơn 500 triệu đồng. Ngày 12/02/2018, bị đơn trả cho nguyên đơn 500 triệu đồng. Tính đến năm 2018, bị đơn còn nợ nguyên đơn 8.853.654.798đ. Tuy nhiên, theo Điều 3 của Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR-SL ngày 05/9/2011 thì sau 03 tháng kể từ ngày giao tàu nếu bị đơn không thanh toán số tiền thì phải chịu lãi suất và bị đơn đã sử dụng vốn sai dẫn tới nguyên đơn phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Do vậy, bị đơn phải chịu lãi suất theo thỏa thuận. Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại thì nếu hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 280 Bộ luật Dân sự để tính số tiền lãi là đúng.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân phát biểu về việc tuân theo pháp luật và trình bày nội dung kháng nghị:
Từ khi thụ lý đến trước thời điểm tuyên án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng với quy định của luật tố tụng dân sự.
Về nội dung kháng nghị và quan điểm giải quyết vụ án; Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Điều 306 Luật Thương mại mà lại áp dụng Bộ luật Dân sự để làm căn cứ tính lãi suất chậm thanh toán là không đúng vì tranh chấp giữa Công ty A và Công ty B phát sinh từ các hợp đồng kinh tế. Do vậy, thuộc sự điều chỉnh của Luật Thương mại. Tòa án cấp sơ thẩm và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn xác định quan hệ tranh chấp là kiện đòi tài sản cũng không đúng. Nếu trường hợp có áp dụng Bộ luật Dân sự thì Tòa án cấp sơ thẩm cũng áp dụng không đúng vì các bên có thỏa thuận trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất nên chỉ được áp dụng mức lãi suất 10%/năm nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng 30%/năm theo Điều 468 Bộ luật Dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm sai sót trong việc tính lãi suất dẫn đến sai sót trong việc xác định số tiền mà bị đơn phải trả. Tại phiên tòa, các đương sự đều thừa nhận số tiền bị đơn còn nợ nguyên đơn tính đến ngày 31/5/2017 là 9.853.654.798đ. Bị đơn chỉ đồng ý với số tiền lãi phát sinh tính từ ngày 31/5/2017 trên số tiền 9.853.654.798đ. Viện Kiểm sát nhận thấy kháng cáo của bị đơn là có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận và chấp nhận nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát áp dụng Điều 306 Luật Thương mại để tính số tiền lãi phát sinh từ ngày 31/5/2017 cho đến ngày xét xử sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng xét xử nhận định:
- Về tố tụng:
[1]. Xét về thời hiệu khởi kiện: Từ thời điểm ký kết hợp đồng cho đến thời điểm phát sinh tranh chấp, các bên đương sự vẫn thực hiện hợp đồng và tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn vẫn thừa nhận còn nợ nguyên đơn số tiền 8.853.654.798đ. Căn cứ Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015 vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện.
[2]. Ngày 09/7/2018, Tòa án cấp sơ thẩm ra thông báo bổ sung người tham gia tố tụng là Công ty F với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng tại phiên tòa, tại phần nhận định và quyết định của bản án, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công ty F là chưa đầy đủ. Tuy nhiên Hội đồng xét thấy; ngày 27/6/2011 Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam ra Nghị quyết số 138/QĐ-CNT về việc chấp thuận chủ trương cho phép chuyển chủ đầu tư Dự án đầu tư đóng mới tàu kéo cứu hộ 5600CV của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy F (BL 94). Ngày 12/12/2011, Công ty F và Công ty A ký biên bản thanh lý Hợp đồng số 538/HĐKT/NT -SL ngày 15/12/2007 với nội dung: “Bộ phận Tài chính – Kế toán hai bên có trách nhiệm đối chiếu công nợ và phối hợp bàn giao cho bên chủ đầu tư mới là Tổng Công ty CNTT B”(BL 719). Ngày 16/5/2012, Công ty F và Công ty B ký biên bản bàn giao chủ đầu tư với nội dung được ghi nhận tại điểm 4.4 như sau: “ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy B sẽ kế thừa toàn bộ hành lang pháp lý của dự án, tiếp tục triển khai dự án vớ i đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ là chủ đầu tư dự án, đảm bảo đúng với luật pháp hiện hành...Kể từ ngày 16/5/2012, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy B có trách nhiệm thực hiện tiếp nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án đóng mới tàu kéo cứu hộ 5600CV” (BL 718). Như vậy, Công ty F không còn quyền lợi, nghĩa vụ theo Hợp đồng kinh tế số 538/HĐKT/NT-SL ngày 15/12/2007 vì Công ty B đã kế thừa quyền và nghĩa vụ của Công ty F nên Công ty F không còn với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
- Về nội dung:
[3]. Xét các hợp đồng kinh tế được ký giữa các bên: Hợp đồng kinh tế số 538/HĐKT/NTSL ngày 15/12/2007, được ký giữa Công ty F với Nhà máy đóng tàu A; Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR-SL ngày 05/9/2011 về việc đóng mới tàu kéo cứu hộ 5.600CV giai đoạn II và Hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT-PR- SL ngày 25/7/2013 được ký giữa Công ty B với Công ty A. Chủ thể ký kết bởi người đại diện hợp pháp, trên cơ sở tự nguyện, các thỏa thuận có nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội phù hợp với quy định tại Điều 122, 123 Bộ luật Dân sự năm 2005. Do vậy, các hợp đồng có hiệu lực pháp luật.
[4]. Xác định số tiền nợ theo Hợp đồng đóng tàu của Công ty B đối với Công ty A: Theo Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 15/12/2011(BL719) giữa Công ty F với Công ty A thể hiện giá trị quyết toán giai đoạn I là 30.363.817.000đ; Biên bản bàn giao chủ đầu tư ngày 16/5/2012 (BL714) giữa Công ty F với Công ty B thể hiện công nợ giá trị đã thực hiện đối với Hợp đồng số 538/HĐKT/NTSL là 30.363.817.000đ; Bảng quyết toán ngày 20/6/2016 (BL60) giữa Công ty B với Công ty A và Biên bản đối chiếu công nợ giữa Công ty A và Công ty B ngày 31/5/2017. Cho thấy giai đoạn I, Công ty B có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty A số tiền 30.363.817.000đ và giai đoạn II là 15.211.584.177đ; tổng là 45.575.400.868đ và Công ty A đã xuất 03 hóa đơn GTGT số 0000072 ngày 30/12/2011, số 0000278 ngày 02/10/2015 và số 0000329 ngày 08/9/2016 với tổng số tiền như trên. Thực hiện hợp đồng, Công ty B đã thanh toán được một phần số tiền trên. Theo bảng tính của Công ty A thì tính đến tháng 11/2018, Công ty B còn nợ Công ty A số tiền 8.853.654.798đ. Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty B thừa nhận còn nợ Công ty A số tiền của giai đoạn I, gia đoạn II và hiện còn nợ số tiền 8.853.654.798đ như Công ty A trình bày. Căn cứ tài liệu chứng cứ trên và sự thừa nhận của đương sự có đủ cơ sở khẳng định Công ty B còn nợ Công ty A số tiền 8.853.654.798đ phát sinh từ Hợp đồng đóng tàu đã ký là đúng.
[5]. Về việc áp dụng lãi suất đối với số tiền chậm trả: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ Hợp đồng kinh tế số 538/HĐKT/NTSL ngày 15/12/2007. Chủ thể ký kết hợp đồng là các doanh nghiệp, hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Do vậy, thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại.
[5.1]. Tại Điều 3 của Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR-SL ngày 05/9/2011 được ký giữa Công ty A và Công ty B quy định: “…Sau khi hoàn chỉnh bàn giao sản phẩm bên A (Công ty B) sẽ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng chậm nhất sau 03 tháng; nếu trả chậm quá thời gian trên bên A phải chịu lãi suất Ngân hàng theo quy định hiện hành”.
[5.2]. Theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại thì: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Và theo Điều 11 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm thì: “Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
[5.3]. Ngày 24/12/2011, Công ty A bàn giao tàu kéo cứu hộ 56000 CV cho Công ty B. Theo thỏa thuận tại Điều 3 của Hợp đ ồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR-SL ngày 05/9/2011 thì sau 03 tháng chưa thanh toán thì sẽ áp dụng lãi suất đối với số tiền chậm trả.Tại thời điểm tháng 4/2012, Công ty B còn nợ Công ty A số tiền 30.341.261.841đ. Như vậy, việc Công ty A yêu cầu tính lãi đối với số tiền chậm trả là đúng, phù hợp với sự thỏa thuận của các bên và phù hợp quy định của luật.
[6]. Tuy nhiên, từ thời điểm Công ty A giao tàu cho Công ty B đến khi phát sinh tranh chấp thì Công ty B vẫn thực hiện việc thanh toán cho Công ty A. Đến ngày 31/5/2017 Công ty A và Công ty B đã đã ký biên bản đối chiếu công nợ với nội dung: “ Số tiền bên A (Công ty B ) phải trả bên B (Công ty A): 9.853.654.794 đồng…”. Ngày 29/6/2017 Công ty A gửi văn bản yêu cầu thanh toán công nợ tới Công ty B với nội dung: “ Căn cứ vào đối chiếu công nợ ngày 31 tháng 5 năm 2017 giữa Công ty TNHH MTV Đóng tàu B và Công ty CP Xây dựng và đóng tàu A số tiền Công ty TNHH MTV Đóng tàu B còn nợ công ty chúng tôi là:
9.853.654.798đ…Bằng công văn này Công ty CP Xây dựng và đóng tàu A kính đề nghị Công ty TNHH MTV Đóng tàu B thanh toán khoản nợ: 9.853.654.798đ cho Công ty CP Xây dựng và đóng tàu A để công ty chúng tôi thực hiện nghĩa vụ với nhà nước…”. Như vậy, Công ty A và Công ty B đã thỏa thuận về số nợ tại thời điểm này chỉ còn 9.853.654.798đ. Đến ngày 14/7/2017, do Công ty B chưa thanh toán khoản tiền nợ trên nên Công ty A yêu cầu Công ty B phải trả 9.853.654.798đ nợ gốc và số tiền lãi phát sinh theo Điều 3 của Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR-SL ngày 05/9/2011. Hội đồng nhận xét thấy; tính đến thời điểm tranh chấp, Công ty A yêu cầu Công ty B phải trả số tiền lãi phát sinh theo Điều 3 của Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR-SL ngày 05/9/2011 là không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ sau khi ký Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT/PR -SL ngày 05/9/2011 thì đến ngày 25/7/2013 giữa Công ty A và Công ty B lại ký tiếp Hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT/5600 CV-PR-SL và trong nội dung của hợp đồng mới này không có điều khoản quy định về việc áp dụng lãi do vi phạm chậm trả tiền. Mặt khác, theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2017 các bên đã thống nhất với nhau về số nợ còn lại là 9.853.654.798đ. Căn cứ sự thỏa thuận của các bên tại Biên bản chốt công nợ ngày 31/5/2017 và Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận khoản tiền lãi phát sinh trên số tiền 9.853.654.798đ tính từ ngày 31/5/2017 đến hết tháng 11/2018.
[6.1]. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định và tính lãi của số tiền chậm trả theo quy định của Bộ luật Dân sự là không đúng. Trong trường hợp này phải áp dụng lãi suất theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại; cụ thể theo lãi suất quá hạn trung bình của 03 Ngân hàng tại thời điểm xét xử sơ thẩm (Lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tại Hải Phòng là 14,25%/năm. Lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh tại Hải Phòng là 15%/năm. Lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tại Hải Phòng là 14,25%). Mức lãi suất trung bình là 14,5%/năm (1,2%/tháng; 0,04%/ngày). Cụ thể số tiền lãi phát sinh do chậm trả như sau:
Từ ngày 31/5/2017 đến ngày 16/11/2017 là: 9.853.654.798đ x 1,2%/tháng x 05 tháng 16 ngày = 654.282.677đ.
Từ ngày 17/11/2017 đến ngày 12/02/2018 là: 9.353.654.798đ x 1,2%/tháng x 02 tháng 26 ngày = 321.765.724đ.
Từ ngày 13/02/2018 đến tháng 11/2018 là: 8.853.654.798đ x 1,2%/tháng x 09 tháng 18 ngày = 1.019.941.032đ.
Tổng số tiền lãi phát sinh là: 654.282.677đ + 321.765.724đ + 1.019.941.032đ = 1.995.989.433đ.
Tổng số tiền mà Công ty B phải trả cho Công ty A là: 8.853.654.798đ + 1.995.989.433đ = 10.849.644.231đ.
[6.2]. Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân và chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Công ty B. Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm đối với số tiền mà Công ty B phải trả cho Công ty A.
[7] Về án phí:
[7.1] n phí phúc thẩm: Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo là Công ty Trách nhiệm hữu hạn B không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[7.2] n phí sơ thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn B phải chịu án phí tương ứng với số tiền 10.849.644.231đ là 118.849.644đ. Công ty A phải chịu án phí tương ứng đối với số tiền không được Tòa án chấp nhận; cụ thể: 41.178.908.230đ - 1.995.989.433đ = 39.182.918.797đ. Số tiền án phí Công ty A phải chịu là 112.000.000đ + (0,1% x 35.182.918.797đ) = 147.182.918đ.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
p dụng Điều 275 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 306 Luật Thương mại; Án lệ số 09/2016/AL-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử: Sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM- ST ngày 07 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng.
1. Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn B phải có nghĩa vụ trả cho Công ty Cổ phần A số tiền 10.849.644.231đ (Mười tỷ, tám trăm bốn mươi chín triệu, sáu trăm bốn mươi bốn nghìn, hai trăm ba mốt đồng ); trong đó bao gồm 8.853.654.798đ (Tám tỷ, tám trăm lăm mươi ba triệu, sáu trăm lăm mươi bốn nghìn, bẩy trăm chín tám đồng) là số tiền còn lại chưa thanh toán và số tiền lãi phát sinh do chậm trả là 1.995.989.433đ (Một tỷ, chín trăm chín mươi lăm triệu, chín trăm tám mươi chín nghìn, bốn trăm ba ba đồng ).
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Về án phí:
- n phí sơ thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn B phải chịu 118.849.644đ (Một trăm mười tám triệu, tám trăm bốn mươi chín nghìn, sáu trăm bốn bốn đồng) án phí sơ thẩm. Công ty Cổ phần A phải chịu 147.182.918đ (Một trăm bốn mươi bẩy triệu, một trăm tám mươi hai nghìn, chín trăm mười tám đồng) án phí sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 0005769, ngày 08 tháng 9 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng. Công ty Cổ phần A phải chịu 47.182.918đ (Bốn mươi bẩy triệu, một trăm tám mươi hai nghìn, chín trăm mười tám đồng) án phí sơ thẩm.
- n phí phúc thẩm: Trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn B 2.000.000đ (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai số 0000318, ngày 28 tháng 01 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tai các Điều 6, 7 và Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án 12/2019/KDTM-PT ngày 06/09/2019 về tranh chấp kiện đòi tài sản phát sinh từ hợp đồng đóng tàu
Số hiệu: | 12/2019/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 06/09/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về