TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN Ô MÔN, THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN ÁN 12/2017/DS-ST NGÀY 13/07/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Trong ngày 13 tháng 7 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 14/2017/TLST – DS ngày 14/02/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 35/2017/QĐST-DS ngày 14/6/2017 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T sinh năm 1951. Nơi đăng ký thường trú: Khu vực T, phường P, quận Ô, thành phố Cần Thơ. Có mặt
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn N sinh năm 1961. Nơi đăng ký thường trú: Khu vực Tr, phường P, quận Ô, thành phố Cần Thơ. Có mặt
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Ngọc Đ, sn 1954. Nơi đăng ký thường trú: Khu vực Tr, phường P, quận Ô, thành phố Cần Thơ. Có mặt
2 Bà Nguyễn Thị T, sn 1954. Nơi đăng ký thường trú: Khu vực T, phường P, quận Ô, thành phố Cần Thơ. Có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung đơn khởi kiện ngày 02/11/2016 cùng với các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Nguyễn Văn T trình bày:
Vào khoảng thời gian trong năm 2016, ông T có vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – chi nhánh quận Ô Môn số tiền 75.000.000 đồng cùng với tiền sẵn có trong nhà, ông gom góp cho ông N mượn tổng cộng 127.000.000 đồng cùng với 03 chỉ vàng 24k để bổ sung vốn làm ăn, không tính lãi suất, thời hạn trả lại vốn không xác định cụ thể, hai bên có làm biên nhận mượn tiền đề ngày 29/6/2016, số tiền là 125.000.000 đồng, số tiền còn lại 2.000.000 đồng cùng với 03 chỉ vàng 24k không có làm giấy biên nhận. Nay ông T yêu cầu ông N phải trả toàn bộ số nợ trên, ông T không yêu cầu tính lãi.
Bị đơn ông Nguyễn Văn Ngô trình bày: Ông với ông T là bạn bè thân thiết, vào khoảng tháng 6 năm 2016, ông T biết ông chuẩn bị bán đất, nhưng giấy chứng nhận QSD đất của ông đang thế chấp ngân hàng, chưa có tiền trả ngân hàng để lấy giấy ra, từ đó ông T có hỏi ông cần tiền để trả Ngân hàng không, nếu cần tiền thì ông N ký biên nhận mượn tiền trước, để ông mượn người khác về cho ông N mượn lại. Tuy nhiên, sau đó ông đã ký nhận nợ xong, và ông T đã vay Ngân hàng được tiền, nhưng ông T không đưa tiền cho ông N mượn lại. Do vậy, ông N nhiều lần yêu cầu ông T hủy giấy biên nhận nợ đã ký ngày 29/6/2016, nhưng ông T cố tình né tránh đến ngày ông khởi kiện. Ngoài ra, ông N còn trình bày thêm, trong biên nhận nợ ngày 29/6/2016, ông không có xem kỹ nội dung và ông là người ký tên thay cho bà Nguyễn Ngọc Đặt. Nay ông N không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vì ông không có nhận số tiền và số vàng như ông T trình bày.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
-Bà Nguyễn Ngọc Đ trình bày: Bà có nghe ông N nói lại là ông T hứa cho mượn tiền, nhưng ông T chưa đưa tiền mà ông N đã ký tên trong biên nhận tiền, sau đó bà có gầy la ông N. Bà không có ký tên vào biên nhận mượn tiền vào ngày 29/6/2016.
Bà Nguyễn Thị T trình bày: Trong quá trình làm việc tại Tòa, bà có nhiều lời khai khác nhau, nhưng nay bà xác định lại bà chỉ biết ông T có cho ông N mượn tiền nhiều lần, nhưng không rõ bao nhiêu.
-Tại phiên tòa:
Nguyên đơn - ông T xác định, trước tháng 6 năm 2016, ông có cho ông N mượn tiền 05 hoặc 06 lần, ông không nhớ rõ số tiền cho ông N mượn mỗi lần bao nhiêu. Đến ngày, 29/6/2016, giữa ông T và ông N mới làm biên nhận chốt nợ lại số tiền 125.000.000 đồng. Trong biên nhận mượn tiền vào ngày 29/6/2016 có chữ ký tên của bà Đặt, ông thừa nhận là không chứng kiến việc bà Đặt có ký tên hay không, nay ông N khai nhận ký thay cho bà Đặt, ông không có ý kiến gì. Ngoài ra, ông T còn thừa nhận, có lần ông hỏi mượn bên ngoài 75.000.000 đồng để “đáo hạn” ngân hàng, nhưng không rõ vào thời gian nào. Các lời khai tại Tòa có mâu thuẩn nhau là do lâu quá ông không nhớ, từ trước đến nay, ông không nợ ai. Số tiền 127.000.000 đồng và 03 chỉ vàng 24k là tiền của gia đình, có nguồn gốc vay ngân hàng 75.000.000 đồng, cùng với số tiền và số vàng ông dành dụm từ nhiều năm nay, do con gái ở nước ngoài gửi về, với tiền thu được từ việc kinh doanh gà đá. Hôm nay, nếu được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thì nguyên đơn cho bị đơn gia hạn thêm một tháng, kể từ khi án có hiệu lực pháp luật, ông N phải trả dứt số nợ trên cho ông T.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án và các đương sự: Vụ án thụ lý giải quyết vào ngày 14/02/2017, đến ngày 13/7/2017 mới đưa ra xét xử là trễ hạn so với quy định pháp luật.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn trả 127.000.000 đồng cùng 03 chỉ vàng 24k.
Về án phí dân sự các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về quan hệ pháp luật:
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu phía bị đơn trả 127.000.000 đồng, cùng với 03 chỉ vàng 24k, kèm theo biên nhận mượn tiền ngày 29/6/2016 có ký nhận giữa ông Nguyễn Văn T và ông Nguyễn Văn N. Bị đơn không đồng ý, từ đó, đôi bên phát sinh tranh chấp. Theo như nguyên đơn trình bày, thì hợp đồng vay mượn giữa các bên được thực hiện trước năm 2017, nên xác định đây là loại hợp đồng vay tài sản theo Điều 471 Bộ luật Dân sự. Quan hệ pháp luật“Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” theo quy định tại các Điều 26, 35 và 39 của Bộ luật tố tụng dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
[2].Về tố tụng:
-Về quyền khởi kiện: Nhận thấy, theo như nguyên đơn trình bày cùng với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, thì hợp đồng vay mượn nợ giữa các bên được xác định là loại hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn theo Điều 477 BLDS năm 2005. Đối với loại hợp đồng này, trước khi khởi kiện, nguyên đơn phải báo trước cho bị đơn một khoảng thời gian hợp lý, sau đó mới được quyền khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án, theo lời trình bày của nguyên đơn và lời thừa nhận của bị đơn, thể hiện trước khi khởi kiện tại Tòa án thì vào khoảng tháng 11/2016, nguyên đơn đã gặp gỡ bị đơn yêu cầu trả nợ, nhưng bị đơn không đồng ý, đến tháng 02/2017 nguyên đơn mới nộp đơn khởi kiện. Điều đó, cho thấy nguyên đơn đã có báo trước cho bị đơn về việc yêu cầu bị đơn trả nợ, nên nay nguyên đơn khởi kiện là phù hợp với quy định của pháp luật về quyền khởi kiện của nguyên đơn.
- Về thời hiệu khởi kiện: Như đã phân tích trên, kể từ ngày các bên phát sinh tranh chấp đến ngày nguyên đơn nộp đơn khởi kiện chưa hết thời gian 03 năm, vì vậy, theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn vẫn còn trong thời gian quy định.
[3].Về nội dung:
Xét thấy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả 02 khoản nợ như sau:
-Khoản nợ thứ nhất, theo biên nhận mượn tiền có chữ ký của bị đơn vào ngày 29/6/2016, số tiền là 125.000.000 đồng. Theo biên nhận mượn tiền này, thì bị đơn ông Nguyễn Văn N có thừa nhận; vào khoảng năm 2016, ông N có thỏa thuận mượn tiền của ông T, đồng thời ông cũng có ký tên vào biên nhận mượn tiền vào ngày 29/6/2016, tuy nhiên, ông N cho rằng ông T chưa đưa tiền cho ông N theo như lời đã cam kết. Mặt khác, ông cũng là người ký thay tên cho bà Đặt trọng biên nhận mượn tiền. Ngược lại, ông T thì cho rằng ông đã giao đủ tiền cho ông N. Từ những mâu thuẫn trên, Hội đồng xét xử xét thấy, cần làm rõ về sự thật và khách quan của vụ án.
Nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn có nhiều lời khai và thống nhất nhau về số tiền và số vàng cho ông N mượn, tuy nhiên, về thời gian cho mượn và số lần cho mượn, nguồn gốc số tiền cho mượn là không thống nhất nhau, cụ thể:
Tại Đơn khởi kiện ngày 02/11/2016(Bút lục 13 - BL13), thời gian ghi cho mượn 125.000.000 đồng là ngày 20/6/2016, sau đó thì lại mượn thêm 03 chỉ vàng + 2.000.000 đồng;
Tại bản tự khai ngày 21/3/2017, nguyên đơn khai thời gian cho bị đơn mượn tiền là vào 02/6/2016, lần này số tiền mượn tổng cộng là 127.000.000 đồng và 03 chỉ vàng 24k(BL60);
Tại biên bản lấy khai ngày 21/3/2017(BL 68), thì ông T khai nhận vào ngày 29/6/2016, ông T có cho bị đơn mượn 125.000.000 đồng, sau đó khoảng 02 tháng thì ông T cho mượn thêm 2.000.000 đồng và 03 chỉ vàng 24k;
Tại biên bản đối chất ngày 19/4/2017(BL74), Ông T khai nhận cho ông N mượn tổng cộng 06 lần, đến ngày 29/6/2016, ông N mới ký biên nhận mượn tiền là để chốt nợ lại 125.000.000 đồng;
Mặt khác, ông T khai nhận đến ngày 29/6/2016, ông N đã nợ của ông 125.000.000 đồng (trong đó có số tiền 75.000.000 đồng vay từ ngân hàng), thế nhưng, đến ngày 07/7/2016, ngân hàng mới giải ngân cho ông số tiền này; Ngoài, ra ông T cũng thừa nhận, trước đây ông cũng có nợ ngân hàng số tiền 75.000.000 đồng, đến hạn trả nợ, ông có mượn bên ngoài để đáo hạn ngân hàng. Đối chiếu với lịch sử vay nợ của ông T tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – chi nhánh quận Ô Môn, thì trong khoảng thời gian ông T vay nợ tại ngân hàng từ năm 2014 đến nay; thể hiện ngày 06/7/2016, ông T có trả cho ngân hàng số tiền 75.000.000 đồng, đến ngày 07/7/2016 thì ngân hàng cho ông vay lại bằng với số tiền trên. Điều đó, cho thấy số tiền vay 75.000.000 đồng vào ngày 07/7/2016 là để đáo hạn ngân hàng như nguyên đơn đã thừa nhận, do vậy, nguyên đơn cho rằng số tiền này nguyên đơn cho bị đơn mượn là không có thật.
Căn cứ vào các lời khai mâu thuẫn và lời thừa nhận của nguyên đơn như đã phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy, bị đơn cho rằng chưa nhận tiền của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận. Từ đó, xét việc nguyên đơn hứa hẹn cho bị đơn mượn tiền, để bị đơn tin tưởng ký vào biên nhận mượn tiền ngày 29/6/2016, nhưng sau đó nguyên đơn không thực hiện, cho thấy giao dịch dân sự giữa các bên nêu trên, có sự lừa dối của nguyên đơn. Theo quy định tại Điều 132 BLDS năm 2005, thì đây là giao dịch dân sự vô hiệu, quyền và nghĩa vụ của các đương sự không làm phát sinh. Về hậu quả của giao dịch dân sự bị vô hiệu, do bị đơn chưa nhận tiền của nguyên đơn, nên không buộc phải giao trả lại khoản nợ này.
Khoản nợ thứ hai, số tiền 2.000.000 đồng cùng với 03 chỉ vàng 24k, bị đơn không thừa nhận, nhưng nguyên đơn không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ, nên không có cơ sở để xem xét chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Từ những phân tích, đánh giá chứng cứ trên, Hội đồng xét xử xét thấy, cần bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[4].Về án phí dân sự sơ thẩm: Theo Nghị quyết quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội thì án phí trong vụ án được xác định như sau:
Án phí dân sự trong vụ án = Tổng giá trị tài sản tranh chấp 137.200.000 đồng(127.000.000đồng + 03 chỉ vàng 24k) x 5% = 6.860.000 đồng. (Vàng 24k ngày 13/7/2017 có giá 3.400.000 đồng/chỉ).
Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận toàn bộ, nên án phí dân sự sơ thẩm nguyên đơn phải chịu.
Vì các lẽ trên,
- Áp dụng:
QUYẾT ĐỊNH
Các Điều 26, 35, 39, 91, 92 và 266 Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 132, 471 và 477 Bộ luật Dân sự năm 2005;Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
1. Tuyên bố hợp đồng vay tài sản ngày 29/6/2016, giữa ông Nguyễn Văn T và ông Nguyễn Văn N là vô hiệu. Hậu quả của hợp đồng bị vô hiệu, do các bên chưa nhận gì của nhau nên không buộc phải hoàn trả cho nhau.
2. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải trả số tiền 127.000.000 đồng và 03 chỉ vàng 24k.
3.Về án phí dân sự sơ thẩm:
Ông Nguyễn Văn T phải nộp 6.860.000đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 3.453.000 đồng đã nộp tại chi cục thi hành án dân sự quận Ô Môn, theo biên lai thu số 001102 ngày 09/02/2017. Buộc ông T phải nộp số tiền còn lại sau khi khấu trừ là: 3.407.000 đồng(Ba triệu bốn trăm lẻ bảy ngàn đồng).
Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa tuyên án.
Bản án 12/2017/DS-ST ngày 13/07/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 12/2017/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Ô Môn - Cần Thơ |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 13/07/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về