Bản án 1203/2017/HNGĐ-PT ngày 26/12/2017 về tranh chấp ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1203/2017/HNGĐ-PT NGÀY 26/12/2017 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN

Trong các ngày từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số132/2017/TLPT-HNGĐ ngày 25 tháng 10 năm 2017 về “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”.

Do Bản án hôn nhân và gia đình số 1324/2017/HNGĐ-ST ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2892/2017/QĐ-PT ngày 05 tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Phạm Nguyễn Ý U, sinh năm 1978; cư trú tại: đường N, tổ Ê, ấp G, xã H, huyện O, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Đinh Thị Thu V là Luật sư của Chi nhánh Văn phòng Luật sư Hoàng Hà, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: đường Ă, phường I, Quận Ô, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Bị đơn: Ông Huỳnh Hữu T, sinh năm 1978; cư trú tại: đường Â, (đườngĐ), Phường L, quận Ơ, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

3. Người kháng cáo: Bị đơn – ông Huỳnh Hữu T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện ngày 19/6/2017 và lời khai của nguyên đơn – bà Phạm Nguyễn Ý U thì: Bà và ông Huỳnh Hữu T đã ly hôn theo Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 1209/2016/HNGĐ-ST ngày 30/8/2016 của Tòa án nhân dân quận Ơ và Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 1252/2016/HN-PT ngày 28/11/2016 của Tòa án nhân dân thành phố S. Bà và ông T có hai con chung là: Trẻ P, sinh ngày 16/6/2007 và trẻ T1, sinh ngày 26/01/2012. Tại các Bản án nêu trên quyết định giao cho ông T trực tiếp nuôi hai con chung. Sau khi ly hôn, vì không muốn xa con, lo lắng cho việc học tập và sự phát triền về tâm lý của các con, bà U tiếp tục ở tại nhà của ông T –đường Â, (đường Đ), Phường L, quận Ơ, Thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp chăm sóc hai con nên Bà vẫn là người trực tiếp chăm sóc, giáo dục hai con chung từ sau khi ly hôn. Được sự chăm sóc cẩn thận của Bà, hai con chung phát triển rất tốt về cả thể chất lẫn tinh thần. Bà đang làm việc tại Công ty Cổ phần D, chức danh: Trưởng phòng Nhân sự, với mức lương 19.800.000 đ/ tháng và các khoản thưởng ngoài hợp đồng; thời gian làm việc từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút vào các ngày từ thứ hai đến thứ sáu và từ 08 giờ 30 phút đến 12 giờ 00 phút vào thứ bảy. Bà là chủ sở hữu căn hộ đường N, xã H, huyện O, Thành phố Hồ Chí Minh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số B0 457250 ngày 05/12/2013 do Ủy ban nhân dân huyện O cấp. Do trẻ T1 là trẻ gái nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục về tâm sinh lý của mẹ, Bà nhận thấy bản thân có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con nên khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, giao cho Bà trực tiếp nuôi trẻ T1, không yêu cầu ông T cấp dưỡng nuôi con.

Theo lời khai của bị đơn – ông Huỳnh Hữu T thì: Ông thống nhất với trình bày của bà U về việc ly hôn, con chung và việc trực tiếp nuôi con. Trong thời kỳ hôn nhân, Ông và bà U cùng chăm hai con chung. Sau khi ly hôn, Ông là người chăm sóc chủ yếu đối với hai con chung. Hai con chung đều phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Ông rất quan tâm, tạo điều kiện cho bà U thăm nom, chăm sóc hai con chung. Bà U tự ý tiếp tục ở lại nhà đường Â, (đường Đ), Phường L, quận Ơ, Thành phố Hồ Chí Minh để chăm sóc các con nhưng Ông không muốn gây ồn ào, phúc tạp, ảnh hưởng đến tâm lý của các con chung nên Ông chưa yêu cầu bà U chuyển đi. Ông là người trực tiếp đưa, đón các con chung đi học: Trẻ P đang học lớp 5 tại trường Tiểu học A, quận Q, Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian học từ 07 giờ 30 phút đến 16 giờ 00 phút và học thêm Tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ B từ 18 giờ 00 phút đến 20 giờ 00 phút các ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm; trẻ T1 đang học mẫu giáo tại đường E, phường M, quận Q, Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian học từ 08 giờ 00 phút đến 16 giờ 00 phút và học thêm toán vào tối thứ ba, thứ năm. Chi phí sinh hoạt hiện nay của trẻ P là 15.000.000 đ/ tháng, trẻ T1 là 10.000.000 đ/tháng đều do Ông chi trả. Ông đang làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu C, chức danh: Giám đốc công ty, với thu nhập 50.000.000 đ/ tháng, thời gian làm việc theo giờ hành chính, rất linh động. Ngoài ra, Ông còn có khoản thu nhập 30.000.000 đ/tháng từ việc cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu C thuê nhà đường Â, (đường Đ), Phường L, quận Ơ, Thành phố Hồ Chí Minh làm trụ sở, cũng là nơi Ông sinh sống. Vì vậy, Ông có rất nhiều thời gian và điều kiện chăm sóc hai con chung. Bà U có thời gian làm việc không phù hợp với thời gian sinh hoạt của hai con chung nên không thể đảm bảo thời gian chăm sóc, giáo dục con. Mặc dù trẻ T1 là trẻ gái nhưng trẻ T1 rất gần gũi với Ông. Ông là người chăm sóc trẻ T1 từ bé nên rất hiểu tâm tính của trẻ. Do đó, Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà U.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 1324/2017/HNGĐ-ST ngày 15 tháng 9 năm 2017, Tòa án nhân dân quận Gò Vấp quyết định:

“1. Chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Nguyễn Ý U: Thay đổi người trực tiếp nuôi con, giao cho bà U trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ T1 sinh ngày26/01/2012. Bà U không yêu cầu ông T cấp dưỡng nuôi con.

Ông T được quyền thăm nom chăm sóc và giáo dục con chung. Vì quyền lợi của trẻ, khi có lý do chính đáng một hoặc cả hai bên có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi việc nuôi con hoặc mức cấp dưỡng nuôi con”.

Ngoài ra, Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm, quyền yêu cầu thi hành án và kháng cáo của các đương sự.

Ngày 19/9/2017, bị đơn – ông Huỳnh Hữu T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo: Ông đã thực hiện đúng theo Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 1209/2016/HNGĐ-ST ngày 30/8/2016 của Tòa án nhân dân quận Ơ và Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 1252/2016/HN-PT ngày28/11/2016 của Tòa án nhân dân thành phố S, giao cho Ông là người trực tiếp chăm sóc các con và đã chăm sóc tốt nhất về vật chất, tinh thần, đảm bảo hai con chung được ăn học đầy đủ. Việc chia tách hai trẻ làm các trẻ bị thiếu tình cảm anh em. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm giao cho bà U trực tiếp nuôi trẻ T1 là không hợp tình, không hợp lý và không đúng quy định của pháp luật.

Tại các Bản tự khai ngày 24/11/2017, nguyên đơn – bà Phạm Nguyễn Ý U trình bày: Sau khi có Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Bà và trẻ T1 đã chuyển về sinh sống tại căn hộ đường N, tổ Ê, ấp G, xã H, huyện O, Thành phố Hồ Chí Minh. Trẻ T1 học tại hệ thống trường song ngữ K với môi trường học tiện nghi, giáo cụ đa dạng, phong phú và được giao tiếp nhiều với giáo viên là người nước ngoài. Ngoài ra, trẻ T1 còn được học đàn tại trường, học toán H tại quận R, Thành phố Hồ Chí Minh và học múa hiện đại. Tất cả việc chọn trường, đăng ký học, theo dõi việc học, chăm sóc trẻ T1 đều do Bà thực hiện, có sự hỗ trợ của ông bà ngoại. Bà là người đưa trẻ T1 đi học vào buổi sáng đến chiều, ông bà ngoại là người đón trẻ T1 về. Hiện trẻ T1 đã quen và rất thích môi trường sống mới.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn – bà Đinh Thị Thu V trình bày: Bà Phạm Nguyễn Ý U có đầy đủ các điều kiện nuôi con, đặc biệt trẻ T1 là trẻ nữ rất cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trực tiếp của mẹ. Trẻ T1 cũng rất thích môi trường sống mới, đầy đủ tiện nghi với bà U tại đường N, tổ Ê, ấp G, xã H, huyện O, Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nguyên đơn – bà Phạm Nguyễn Ý U thống nhất với trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn – bà Đinh Thị Thu V.

Bị đơn – ông Huỳnh Hữu T trình bày: Xác nhận trẻ T1 đang được bà U chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt nhưng Ông không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của bà U.

Kiểm sát viên phát biểu:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về thời hạn kháng cáo: Đơn kháng cáo của ông T trong thời hạn luật định.

Về nội dung: Bà U và ông T đã ly hôn theo Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 1209/2016/HNGĐ-ST ngày 30/8/2016 của Tòa án nhân dân quận Ơ và Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 1252/2016/HN-PT ngày 28/11/2016 của Tòa án nhân dân thành phố S. Tại các Bản án nêu trên quyết định giao cho ông T trực tiếp nuôi hai con chung: Trẻ P, sinh ngày 16/6/2007 và trẻ T1, sinh ngày 26/01/2012. Sau khi ly hôn, bà U vẫn tiếp tục sống tại nhà của ông T để chăm sóc hai con. Cả ông T và bà U đều có đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nhưng trẻ T1 là trẻ nữ nếu được mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục thì sẽ đảm bảo lợi ích về mọi mặt đối với trẻ, giúp trẻ phát triển tốt. Tại phiên toà, ông T xác nhận bà U đã chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ T1 phát triển tốt nên Tòa án cấp sơ thẩm giao trẻ T1 cho bà U trực tiếp nuôi là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, căn cứ Khoản 1, Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông T, giữ nguyênBản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Căn cứ vào Hợp đồng lao động số 003/2016/HĐLĐ-HDP có hiệu lực từ ngày 01/9/2016, Hợp đồng lao động số DJ-1783/HĐLĐ-DJ ngày 31/8/2016, Hợp đồng thuê nhà số 17140 ngày 19/9/2016, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BS 319998 ngày 07/12/2014 do Ủy ban nhân dân quận Ơ cấp và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số B0 457250 ngày 05/12/2013 do Ủy ban nhân dân huyện O cấp thì bà U đang làm việc tại Công ty Cổ phần D, chức danh: Trưởng phòng Nhân sự, với mức lương 19.800.000 đ (mười chín triệu tám trăm nghìn đồng)/tháng; thời gian làm việc trong giờ hành chính và là chủ sở hữu căn hộ đường N, xã H, huyện O, Thành phố Hồ Chí Minh; ông T đang làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu C, chức danh: Giám đốc công ty, với tổng thu nhập 80.000.000 đ (tám mươi triệu đồng)/ tháng, thời gian làm việc trong giờ hành chính và là chủ sở hữu nhà đất tại đường  (đường Đ), Phường L, quận Ơ, Thành phố Hồ Chí Minh thì có cơ sở để xác định bà U và ông T đều đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

[2] Sau khi ly hôn, bà U, ông T đều có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; thực tế, cả hai đều thương yêu, mong muốn các con được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt. Theo các Bản án sơ thẩm và phúc thẩm về hôn nhân và gia đình đã có hiệu lực pháp luật thì ông T được giao trực tiếp nuôi hai con là trẻ P, giới tính nam, sinh ngày 16/6/2007 và trẻ T1, giới tính nữ, sinh ngày 26/01/2012. Nhưng thực tế sau khi ly hôn, bà U vẫn tiếp tục ở tại nhà của ông T và cùng với ông T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hai con. Hiện nay, ông T đang trực tiếp nuôi trẻ P. Bà U đang trực tiếp nuôi trẻ T1 (từ tháng 09/2017). Trẻ T1 đã bắt đầu bước vào tuổi nhận thức thế giới xung quanh, có nhu cầu giao tiếp, học hỏi, chia sẻ và tiếp tục phát triển về giới nên được mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục thì sẽ thuận lợi hơn để đảm bảo lợi ích về mọi mặt đối với trẻ, giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức để trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, ông T và bà U đều thống nhất xác nhận từ tháng 09/2017 đến nay, bà U là người trực tiếp nuôi trẻ T1, trẻ T1 luôn được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển tốt.

[3] Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà U, giao trẻ T1 cho bà U trực tiếp nuôi là có căn cứ, đúng pháp luật nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông T.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Căn cứ vào Khoản 1, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Khoản 1, Điều 29 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, do Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên người kháng cáo – ông T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đ (ba trăm nghìn đồng).

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào Khoản 1, Điều 148; Khoản 1, Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 82; Điều 83; Điều 84; Điều 116; Điều 117 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

- Căn cứ vào Khoản 1, Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

1. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm:

Chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của bà Phạm Nguyễn Ý U. Giao bà Phạm Nguyễn Ý U trực tiếp nuôi trẻ T1, sinh ngày 26/01/2012.

Ghi nhận bà Phạm Nguyễn Ý U tự nguyện không yêu cầu ông Huỳnh Hữu T cấp dưỡng nuôi con.

Ông Huỳnh Hữu T có quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ T1.

Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức theo quy định tại Điều 82; Điều 83; Điều 84; Điều 116; Điều 117 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con hoặc việc cấp dưỡng nuôi con.

2. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Huỳnh Hữu T phải chịu 300.000 đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 đ (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/0027454 ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ơ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Huỳnh Hữu T đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại của Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

161
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 1203/2017/HNGĐ-PT ngày 26/12/2017 về tranh chấp ly hôn

Số hiệu:1203/2017/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 26/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;