Bản án 114/2017/HSST ngày 15/11/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 114/2017/HSST NGÀY 15/11/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 15 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 95/2017/HSST ngày 16 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Phạm Thanh H, sinh ngày 01/6/1975 tại thành phố S, tỉnh Thái Nguyên.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Tổ 13, phường G, quận B, thành phố Hà Nội; chỗ ở: Tổ 01, phường C, thành phố S, tỉnh Thái Nguyên; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: Kinh; con ông: P1 (đã chết) và bà P2, sinh năm 1952; vợ: P3, sinh năm 1984; con: Có 03 con, lớn sinh năm 2000, nhỏ sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không có.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 19/5/2017 đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông L - Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn, có mặt tại phiên tòa.

- Người bị hại: Ngân hàng T (gọi tắt là ngân hàng T).

- Người đại diện của người bị hại theo ủy quyền:

1. Ông C1; chức vụ: Phó Trưởng phòng Tố tụng - Ban Quản lý và xử lý nợ có vấn đề T, có mặt tại phiên tòa.

2. Ông C2; chức vụ: Chuyên viên phòng Tố tụng - Ban Quản lý và xử lý nợ có vấn đề T, có mặt tại phiên tòa.

3. Ông C3; chức vụ: Chuyên viên xử lý nợ - Chi nhánh T Lạng Sơn, có mặt tại phiên tòa.

NHẬN THẤY

Bị cáo Phạm Thanh H bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Ngày 28/7/2011, Phạm Thanh H đến Ngân hàng T (gọi tắt là ngân hàng T) đặt vấn đề vay số tiền 5 tỷ đồng để đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất kinh doanh. H đã mượn danh nghĩa Công ty N do L1 làm Giám đốc và Công ty A do N2 là Giám đốc để vay số tiền trên (hai Công ty này đều do H thành lập, quản lý và điều hành).

Tài sản thế chấp Công ty do Phạm Thanh H làm giám đốc chỉ có 02 chiếc máy xúc hiệu Huyndai Robex biển kiểm soát: 20LA-0476 và 20LA-0477 chưa đủ giá trị bảo đảm để vay số tiền 05 tỷ đồng. Để có thêm tài sản đảm bảo thế chấp, qua mối quan hệ xã hội, trước đó Phạm Thanh H đã trao đổi qua điện thoại với một người đàn ông (không biết tên, tuổi địa chỉ) là đại diện của Công ty A1 và Công ty A2 đều có địa chỉ tại: Xã M, huyện K, tỉnh Ninh Bình để lập 02 hợp đồng kinh tế khống thể hiện Công ty A2 bán máy xúc hiệu Komatsu 450-6 cho Công ty N và Công ty A1 bán máy xúc hiệu Komatsu 400-6 cho Công ty A. Vì H chưa thanh toán hết tiền chi phí (theo H trình bày đây là tiền mua hóa đơn giá trị gia tăng khống) nên hai Công ty trên chỉ đưa cho H hóa đơn photo, chưa chuyển cho H hóa đơn giá trị gia tăng bản gốc. Ngoài ra, H cũng có ý định sau khi vay được tiền Ngân hàng, H sẽ bán 02 máy xúc hiệu Huyndai Robex trên để đầu tư khai thác mỏ quặng.

Khi đến ngân hàng T Lạng Sơn, H gặp Q - Giám đốc thời điểm đó, Q1 - Phó trưởng phòng phụ trách phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp và Q2 - Tổ trưởng tổ tái thẩm định kiêm Tổ trưởng tổ hỗ trợ tín dụng. H đã đưa cho Tú, Q1 và Q2 xem những giấy tờ liên quan đến việc vay vốn của Công ty A và Công ty N. H đặt vấn đề muốn vay Ngân hàng T Lạng Sơn số tiền 5 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 02 máy xúc hiệu Huyndai Robex và 02 máy xúc hiệu Komatsu. Sau khi ngân hàng giải ngân, H sẽ thanh toán hợp đồng và mang bản gốc hóa đơn giá trị gia tăng về việc mua 02 máy xúc Komatsu nêu trên đến nộp cho Ngân hàng để nhập kho quản lý theo quy định của Ngân hàng.

Sau khi xem các giấy tờ, tài sản thế chấp liên quan đến việc vay vốn H đưa, Ban tín dụng của Ngân hàng T Lạng Sơn gồm Q, Q1, Q2 đã thống nhất cho H vay vốn để phục vụ kinh doanh. Q đã bảo Q1 làm thủ tục cho Công ty A vay số tiền 2.400.000.000đ, Công ty N vay số tiền 2.500.000.000đ để Q2 giải ngân trong ngày 28/7/2011 cho H. Từ số tiền Ngân hàng giải ngân cũng với số tiền H đã nộp vào tài khoản của hai Công ty A và Công ty N trước đó, H nhờ Q1 viết hộ 02 phiếu ủy nhiệm chi để H ký, chuyển số tiền 2.950.000.000đ từ tài khoản

Công ty A vào tài khoản của Công ty A1 và chuyển số tiền 3.050.000.000đ từ tài khoản của Công ty N vào tài khoản Công ty A2 mở tại Ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam (BIDV) thành phố Hải Phòng.

Ngày 29/7/2011, Công ty A2 đã chuyển số tiền: 3.442.000.000đ (trong đó có số tiền 3.050.000.000đ của Công ty N) đến tài khoản Công ty V, do V1 làm giám đốc mở tại Ngân hàng BIDV thành phố Hải Phòng. Cùng ngày, V1 rút số tiền 3.440.000.000đ từ tài khoản trên.

Ngày 01/8/2011 Công ty A1 chuyển số tiền: 3.522.000.000đ (trong đó có số tiền 2.950.000.000đ của Công ty A) đến tài khoản của Công ty V. Cùng ngày, V1 đã rút số tiền 3.524.000.000đ từ tài khoản trên và nộp số tiền 2.800.000.000đ vào tài khoản của P3 (vợ của Phạm Thanh H) mở tại Ngân hàng BIDV tỉnh Thái Nguyên. Khoảng 14 giờ cùng ngày, H đã rút số tiền 2.800.000.000đ từ tài khoản của P3 và sử dụng hết.

Số tiền còn lại 3.200.000.000đ, H đã trực tiếp đến thành phố Hải Phòng để nhận với một người đàn ông lạ mặt (theo H người đó là người của Công ty A1 và Công ty A2). H khẳng định đã nhận lại đủ số tiền 6.000.000.000đ trong đó có 4.900.000.000đ là tiền vay Ngân hàng và H đã dùng vào việc kinh doanh thua lỗ hết, hiện nay H không có khả năng chi trả số tiền vay Ngân hàng T Lạng Sơn.

Đến cuối năm 2011, H đã tự ý bán 02 chiếc máy xúc hiệu Huyndai Robex trên để đầu tư kinh doanh nhưng bị thua lỗ hết. Do thời gian đã lâu, H không nhớ đã bán 02 chiếc máy xúc trên cho ai, tại đâu và bán được bao nhiêu tiền, việc mua bán trên diễn ra bằng miệng và trả bằng tiền mặt, Công ty của H không xuất hóa đơn cho bên mua; H cũng không thông báo cho Ngân hàng T Lạng Sơn về việc mình đã tự ý bán 02 chiếc máy xúc nói trên.

Vào đầu năm 2012, sau khi nhận 02 hóa đơn GTGT (bản gốc) được Công ty A2 và Công ty A1 chuyển đến, H đã chuyển lại cho Ngân hàng T Lạng Sơn để nhập kho theo quy định.

Các cán bộ Ngân hàng T Lạng Sơn khai nhận:

Ngày 28/7/2011, Phạm Thanh H đến đề nghị Ngân hàng T Lạng Sơn cho Công ty A và Công ty N vay vốn số tiền 5.000.000.000đ. Do Chi nhánh Ngân hàng T Lạng Sơn mới thành lập, muốn củng cố và phát triển khách hàng, đồng thời H cũng là khách hàng quen (trước đó H cũng đã vay vốn và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân hàng); mặt khác H có tài sản thế chấp là 02 máy xúc hiệu Komatsu, tài sản hình thành trong tương lai (khi nào Ngân hàng giải ngân cho bên vay, bên vay chuyển tiền cho bên bán hàng thì bên vay mới được nhận hóa đơn giá trị gia tăng bản gốc) và 02 máy xúc hiệu Huyndai Robex có giá trị khoảng 4,5 tỷ đồng (gần bằng số tiền H vay). Chính vì sự tin tưởng đối với H nên Q là giám đốc đã bảo Q1 là phó trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp dựa trên hồ sơ pháp lý của hai Công ty A và Công ty N cùng 02 giấy đăng ký máy hiệu Huyndai Robex của Công ty D, 02 hợp đồng kinh tế và 02 hóa đơn giá trị gia tăng (bản photo) thể hiện việc mua bán 02 máy xúc Komatsu giữa Công ty A, Công ty N với Công ty A1, Công ty A2 để làm thủ tục giải ngân cho Công ty A vay số tiền 2.400.000.000đ và Công ty N vay số tiền 2.500.000.000đ. Q2 đã thực hiện việc giải ngân hai khoản tiền trên trong ngày 28/7/2011 cho Phạm Thanh H. Việc định giá tài sản đảm bảo, đối với hai máy xúc Komatsu căn cứ theo Hợp đồng kinh tế và hóa đơn photo; còn đối với hai máy xúc Huyndai Robex tham khảo giá thị trường và thông tin trên mạng internet để định giá. Việc hoàn thiện hồ sơ tín dụng giao cho phòng Quan hệ khách hàng do Q1 phụ trách phối hợp với Q2 khắc phục sau.

Sau khi thống nhất cho H vay vốn, Q1 đã bảo G1 và G2 - Chuyên viên phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp lập Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản, khế ước nhận nợ và tờ trình duyệt thuận giải ngân cho Công ty A vay số tiền 2.400.000.000đ và Công ty N số tiền 2.500.000.000đ. Lập xong G1, G2 ký và đưa cho những người liên quan ký; sau đó chuyển sang bộ phận hỗ trợ tín dụng do Q2 phụ trách để Q2 chỉ đạo M1, M2 - Chuyên viên hỗ trợ tín dụng giải ngân số tiền vay trên hợp đồng tín dụng vào tài khoản của Công ty A và Công ty N trong ngày 28/7/2011. H nhờ Q1 viết hộ 02 phiếu ủy nhiệm chi để H ký, chuyển số tiền 2.950.000.000đ từ tài khoản Công ty A vào tài khoản của Công ty A1 và chuyển số tiền 3.050.000.000đ từ tài khoản của Công ty N vào tài khoản Công ty A2 mở tại Ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam (BIDV) thành phố Hải Phòng. Đến đầu năm 2012, H đã chuyển cho Ngân hàng T Lạng Sơn 02 hóa đơn giá trị gia tăng bản gốc và đã được nhập kho để quản lý theo quy định. 

Q và các cán bộ Ngân hàng trên khai nhận do tin tưởng H nên đã căn cứ vào hóa đơn do H cung cấp và tham khảo giá trên mạng dẫn đến không phát hiện việc mua 02 máy xúc hiệu Komatsu của H là giả tạo (khống) nên đã cho H vay tiền, sau đó bị H chiếm đoạt. Những người trên không biết Phạm Thanh H có hành vi lừa đảo thông qua việc vay vốn Ngân hàng, không được hưởng lợi gì từ việc cho H vay vốn, họ cũng không biết việc Phạm Thanh H đã bán 02 máy xúc hiệu Huyndai Robex nêu trên sau khi đã vay vốn Ngân hàng. 

V1, sinh năm 1984, trú tại: Xã P4, huyện B1, thành phố Hải Phòng khai nhận: V1 được cho một người đàn ông tên V2 (V1 không biết họ, địa chỉ và không nhớ số điện thoại của V2) mượn CMND để thành lập Công ty V. Toàn bộ số tiền rút ra từ tài khoản của Công ty V, V1 đã đưa lại cho người của V2 và được chuyển số tiền 2.800.000.000đ vào tài khoản của P3.

Tại Cơ quan điều tra, bị cáo Phạm Thanh H và các đối tượng liên quan đã khai báo phù hợp với những nội dung nêu trên.

Tại bản cáo trạng số 102/VKS-P3 ngày 12/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn truy tố bị cáo Phạm Thanh H về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999.

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận, dùng giấy tờ của hai chiếc máy xúc hiện có, trà trộn thêm hợp đồng, hóa đơn giả tạo (khống) mua hai chiếc máy xúc để lừa đảo chiếm đoạt 4.900.000.000đ (bốn tỷ chín trăm triệu đồng) của Ngân hàng T, bị cáo Phạm Thanh H thừa nhận hành vi nêu trong cáo trạng là đúng với hành vi bị cáo đã thực hiện và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo được sớm trở về với cộng đồng và xã hội.

Đại diện của T (ngân hàng T) có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi hoàn cho ngân hàng T số tiền đã chiếm đoạt cùng các khoản lãi từ khi xảy ra vụ án cho đến khi bồi hoàn hết số tiền đã chiếm đoạt. Sau khi bị cáo lừa đảo chiếm đoạt số tiền 4.900.000.000đ (bốn tỷ chín trăm triệu đồng) thì bị cáo đã tự nguyện trả cả gốc và lãi số tiền là 2.277.083.248đ (hai tỷ hai trăm bảy mươi bảy triệu không trăm tám mươi ba ngàn hai trăm bốn mươi tám đồng); bị cáo là khách hàng có nhiều giao dịch và có uy tín đối với Ngân hàng, bị cáo phạm tội vì muốn có tiền để làm vốn kinh doanh; tại tòa bị cáo cũng đưa ra phương hướng và biện pháp trả nợ; gia đình bị cáo đã nộp một số tiền để khắc phục với thiện trí bồi hoàn cho Ngân hàng cho nên đề nghị Hội đồng xét xử khi lượng hình giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa: Giữ nguyên cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo Phạm Thanh H; đại diện viện kiểm sát bổ sung thêm kết luận về số tiền bị cáo đã chiếm đoạt chưa trả được cho ngân hàng, cụ thể là bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 4.900.000.000đ (bốn tỷ chín trăm triệu đồng) nhưng bị cáo đã tự nguyện bồi hoàn cho bị hại số tiền là 2.277.083.248đ (hai tỷ hai trăm bảy mươi bảy triệu không trăm tám mươi ba ngàn hai trăm bốn mươi tám đồng) trước khi vụ án bị phát giác. Nay bị cáo chưa bồi hoàn được cho Ngân hàng T là 2.622.916.752đ (hai tỷ sáu trăm hai mươi hai triệu chín trăm mười sáu ngàn bảy trăm năm mươi hai đồng); gia đình bị cáo đã khắc phục nộp 100.000.000đ (một trăm triệu đồng) tại Cục Thi hành án tỉnh Lạng Sơn; tại tòa đại diện bị hại xin giảm hình phạt cho bị cáo; bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi phân tích tính chất mức độ của hành vi phạm tội và đề cập nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vị công tố đề nghị:

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Thanh H phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

2. Về hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự 1999; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Phạm Thanh H từ 12 đến 13 năm tù.

Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền với bị cáo.

3. Về phần dân sự: Bị cáo Phạm Thanh H phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền bị cáo đã chiếm đoạt nhưng được khấu trừ đi số tiền bị cáo đã bồi hoàn và số tiền gia đình bị cáo đã nộp để khắc phục tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn cho ngân hàng T.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Thanh H đưa ra đưa ra quan điểm: Sau khi bị bắt bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có bố mẹ được Nhà nước tặng thưởng huân huy chương; trước khi vụ án bị phát giác bị cáo đã tự nguyện bồi hoàn tiền cho Ngân hàng, ngoài ra gia đình bị cáo cũng đã nộp tiền khắc phục thiệt hại cho Ngân hàng T nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, p khoản 1, 2 của Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 và điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Từ đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất theo quy định của pháp luật, để bị cáo có cơ hội sớm trở về với cuộc sống cộng đồng, làm người công dân tốt.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Lời khai nhận tội của bị cáo Phạm Thanh H tại phiên tòa là phù hợp với lời khai của người bị hại, ngoài ra còn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy có đủ cơ sở để khẳng định: Trong khoảng tháng 7 năm 2011, bằng thủ đoạn gian dối và lợi dụng sự tin tưởng của cán bộ, nhân viên Ngân hàng T thông qua hình thức vay tiền của Ngân hàng T chi nhánh Lạng Sơn, bị cáo Phạm Thanh H đã chiếm đoạt số tiền 4.900.000.000đ (bốn tỷ chín trăm triệu đồng) của ngân hàng T. Do đó cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn truy tố bị cáo Phạm Thanh H về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, trị an và sự phát triển kinh tế tại địa phương. Hành vi đó đã xâm phạm tới quyền sở hữu tài sản được luật hình sự bảo vệ. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi, đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bị cáo nhận thức được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật, nhưng do hám lợi nên vẫn cố ý thực hiện.

Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cần xử phạt bị cáo mức án nghiêm khắc tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để nhằm mục đích răn đe, giáo dục và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Để có mức án thỏa đáng đối với bị cáo Phạm Thanh H, ngoài đánh giá về tính chất mức độ của hành vi phạm tội, cần xem xét nhân thân cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo như sau:

Về nhân thân: Bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Về tình tiết tăng nặng: Không có.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo nhất thời phạm tội, bị cáo dùng số tiền chiếm đoạt được làm vốn để kinh doanh nhưng đã bị thua lỗ hết, dẫn đến không có khả năng chi trả số tiền vay Ngân hàng T Lạng Sơn. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999. Bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 4.900.000.000đ (bốn tỷ chín trăm triệu đồng) nhưng bị cáo đã tự nguyện bồi hoàn cho bị hại số tiền là 2.277.083.248đ (hai tỷ hai trăm bảy mươi bảy triệu không trăm tám mươi ba ngàn hai trăm bốn mươi tám đồng) trước khi vụ án bị phát giác; gia đình của bị cáo đã nộp 100.000.000đ (một trăm triệu đồng) tiền khắc phục hậu quả vào Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn, theo biên lai số: AA/2015/0004791 ngày 08/11/2017 nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999. Ngoài ra bị cáo có bố đẻ là ông P1 được nhà nước tặng huy chương kháng chiến hạng nhất và mẹ đẻ là bà P2 được nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng nhì nên theo Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017, bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015; tại tòa đại diện bị hại xin giảm hình phạt cho bị cáo, bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999. Do đó khi lượng hình cũng cần xem xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà an tâm cải tạo trở thành người có ích cho xã hội.

Về hình phạt bổ sung: Qua kết quả xác minh tài sản, bị cáo không đủ điều kiện để đảm bảo thi hành án nên Tòa không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Phía người bị hại đưa ra yêu cầu: Bị cáo Phạm Thanh H phải bồi hoàn số tiền đã chiếm đoạt cùng các khoản lãi phát sinh từ khi xảy ra vụ án cho đến khi bồi hoàn xong khoản tiền đã chiếm đoạt. Với yêu cầu này, Hội đồng xét xử nhận thấy, do đây là vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên chỉ có căn cứ buộc bị cáo phải bồi hoàn khoản tiền mà bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt. Vì vậy buộc bị cáo Phạm Thanh H phải bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội số tiền bị cáo đã chiếm đoạt là 4.900.000.000đ (bốn tỷ chín trăm triệu đồng).

Trước khi vụ án bị phát giác bị cáo đã tự nguyện bồi hoàn cho bị hại số tiền là 2.277.083.248đ (hai tỷ hai trăm bảy mươi bảy triệu không trăm tám mươi ba ngàn hai trăm bốn mươi tám đồng). Số tiền còn lại bị cáo chưa bồi hoàn được cho Ngân hàng T là 2.622.916.752đ (hai tỷ sáu trăm hai mươi hai triệu chín trăm mười sáu ngàn bảy trăm năm mươi hai đồng). Xác nhận gia đình bị cáo đã nộp 100.000.000đ (một trăm triệu đồng) tiền khắc phục hậu quả vào Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn, theo biên lai số: AA/2015/0004791 ngày 08/11/2017.

Bị cáo còn phải tiếp tục bồi hoàn lại số tiền 2.522.916.752đ (hai tỷ năm trăm hai mươi hai triệu chín trăm mười sáu ngàn bảy trăm năm mươi hai đồng) cho ngân hàng T.

Trong vụ án trên còn có một số đối tượng khác, tuy nhiên do đối tượng không có mặt tại địa phương hoặc cơ quan điều tra đã xác định không liên quan đến vụ án nên Hội đồng xét xử không đề cập đến những đối tượng đó trong bản án này.

Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa cho bị cáo Phạm Thanh H phù hợp với nhận định nêu trên nên được chấp nhận.

Bị cáo Phạm Thanh H bị kết án nên phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm. Ngoài ra bị cáo còn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Thanh H phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự 1999; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Phạm Thanh H 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam 19/5/2017.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 357, khoản 1 Điều 584, Điều 589 Bộ luật dân sự 2015, buộc bị cáo Phạm Thanh H phải bồi hoàn lại cho T (gọi tắt là ngân hàng T) số tiền 2.622.916.752đ (hai tỷ sáu trăm hai mươi hai triệu chín trăm mười sáu ngàn bảy trăm năm mươi hai đồng). Xác nhận gia đình bị cáo đã nộp 100.000.000đ (một trăm triệu đồng) tiền khắc phục hậu quả tại Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn, theo biên lai số: AA/2015/0004791 ngày 08/11/2017. Bị cáo còn phải tiếp tục bồi hoàn lại số tiền 2.522.916.752đ (hai tỷ năm trăm hai mươi hai triệu chín trăm mười sáu ngàn bảy trăm năm mươi hai đồng) cho ngân hàng T.

Khi bản án có có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành, nếu bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại khoản 2 điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự, điểm a, c khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 về án phí, lệ phí Tòa án.

Bị cáo Phạm Thanh H phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 82.458.000đ (tám mươi hai triệu bốn trăm năm mươi tám nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch để sung quỹ Nhà nước.

Án xử công khai sơ thẩm có mặt bị cáo, đại diện người bị hại. Báo cho bị cáo, đại diện người bị hại biết có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (15/11/2017).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

340
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 114/2017/HSST ngày 15/11/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:114/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;