TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
BẢN ÁN 112/2022/DS-PT NGÀY 20/12/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀU CÁ
Ngày 20-12-2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 126/2022/TLPT-DS ngày 28-10-2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2022/DS-ST ngày 28-6-2022 của Tòa án nhân dân thành phố V bị kháng cáo; Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 112/2022/QĐ- PT ngày 30-11-2022 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị K, sinh năm 1958, địa chỉ: Số 69/33 đường L, Phường A, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Bùi Thị Như M, sinh năm 1960, địa chỉ: Số 139/20/16 đường P, Phường H, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà K: Ông Trần Duy L1, Luật sư Công ty Luật TNHH T - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
2. Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần B, địa chỉ 26 đường T1, phường N, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Anh T2, chức vụ: Tổng giám đốc (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp:
- Ông Hà Phước N1, sinh năm 1972, Giám đốc Công ty B1 Bà Rịa-Vũng Tàu, địa chỉ 35A đường D, Phường E, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).
- Ông Nguyễn Trường S, sinh năm 1995, Chuyên viên pháp lý, địa chỉ 26 T1, phường N, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Ông Nguyễn Huy T3, Chuyên viên Ban Bảo hiểm hàng hải, địa chỉ 26 T1, phường N, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).
Ông Hà Phước N1, ông Nguyễn Trường S, ông Nguyễn Huy T3 là những người đại diện theo Giấy ủy quyền số 2133/2021-BM/VP của Tổng Công ty cổ phần B.
4. Người kháng cáo: Tổng Công ty cổ phần B – là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn và bà Bùi Thị Như M là đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Bà Trần Thị K là chủ sở hữu hợp pháp của tàu cá BV-5868-TS, đã có Giấy chứng nhận bảo hiểm số MHS/01021032 ngày 09-01-2019 mua bảo hiểm tàu, thuyền đánh cá với Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng Công ty cổ phần B. Thời hạn bảo hiểm tàu tính từ ngày 12-01-2019 đến ngày 11-01-2020; mức bảo hiểm thân tàu là 2.000.000.000đ (Hai tỷ đồng), mức bảo hiểm mở rộng tổn thất tàu do đâm va tàu cùng chủ là 2.000.000.000đ (Hai tỷ đồng), mức trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba là 300.000.000đ/vụ (trong đó 5.000.000đ/người/vụ).
Thông số của tàu cá BV-5868-TS theo Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá số 233/16 do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu cấp ngày 12-5-2016 xác định tàu cá đóng năm 2001, mẫu thiết kế dân gian, vật liệu gỗ, dài 24.40, rộng 7.90, cao 4.45, dung tích 181.
Ngày 31-10-2019, tàu cá BV-5868-TS nêu trên và tàu cá BV-91881-TS của bà K cùng xuất bến tại cảng Phường G, thành phố V đi khai thác hải sản tại vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Khoảng 06h00 ngày 04-11-2019 tàu cá BV-5868-TS bị chìm tại tọa độ 10°10’827N - 109°16’430E, thuộc vùng biển tỉnh Bình Thuận. Nguyên nhân tàu bị chìm là do tối ngày 03-11-2019, tàu BV-91881-TS đi cùng bị hỏng nên thuyền trưởng tàu cá BV-5868-TS cho tàu này cập mạn tàu BV-91881-TS. Trong quá trình cập mạn do sóng to, gió lớn làm cho mũi tàu BV-5868-TS va chạm với tàu BV-91881-TS. Do trời tối nên thuyền trưởng không phát hiện bất thường và cho tàu BV- 5868-TS buộc sau lái tàu BV-91881-TS tại tọa độ 10o10’827N-109o16’430E để sửa chữa tàu. Đến khoảng 06h00 ngày 04-11-2019 phát hiện tàu BV-5868-TS bị nước tràn vào ngập hầm máy, các thuyền viên dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài nhưng không kịp và tàu bắt đầu chìm dần. Vì tàu BV-91881-TS đang bị sự cố máy chính nên không thể cứu hộ tàu BV-5868-TS, nên thuyền trưởng đã gọi cho tàu BV-91991-TS đang đánh bắt hải sản ở khu vực gần đó đến cứu hộ. Toàn bộ thuyền trường và thuyền viên của tàu BV-5868-TS đã được đưa lên tàu BV-91991-TS an toàn, sau đó tàu BV-5868-TS bị chìm hẳn.
Sau thời gian nỗ lực tìm kiếm xác tàu BV-5868-TS nhưng không có kết quả nên ngày 04-5-2020 bà K làm đơn yêu cầu Tổng Công ty cổ phần B giải quyết bồi thường tổn thất toàn bộ tàu cá BV-5868-TS theo Hợp đồng bảo hiểm số MHS/01021032 ngày 09-01-2019. Để thuận tiện cho việc hưởng quyền lợi bảo hiểm từ tổn thất này, bà K làm đơn ngày 05-5-2020 xin từ bỏ xác tàu BV- 5868-TS, được Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho bà K Giấy chứng nhận ngày 10-6- 2020 về việc xóa đăng ký tàu cá BV-5868-TS.
Bà K nộp đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường tổn thất tại Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng bị từ chối bồi thường vì Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng tàu cá của bà thuộc điều khoản loại trừ quy định tại Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần B. Bà K cho rằng việc không đồng ý bồi thường là không phù hợp, vì:
- Tàu BV-5868-TS đủ điều kiện an toàn để hoạt động khai thác hải sản ngoài biển nên được Trạm kiểm soát Biên phòng cho xuất bến tại cảng Phường G, thành phố V.
- Bà K là chủ của rất nhiều tàu cá nhưng bà K không được Ủy ban nhân dân phường cũng như Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo về loại tàu và thời hạn bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
- Tàu của bà K hoạt động không vi phạm lệnh cấm, lệnh phong tỏa, không vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Mặc khác, tại Điều 5 của Quyết định số 0001/2017-BM/HH ngày 01-01- 2017 của Tổng Công ty cổ phần B quy định về “Loại trừ bảo hiểm” cũng không quy định trường hợp loại trừ bảo hiểm do tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời khi ký kết Hợp đồng bảo hiểm, phía Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu không giải thích về vấn đề này cho bà K.
Do vậy, bà K yêu cầu Tổng Công ty cổ phần B phải bồi thường cho bà K số tiền tổn thất do sự cố tàu cá BV-5868-TS bị mất tích theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số MHS/01021032 ngày 09-01-2019 với số tiền là 2.000.000.000đ.
Bị đơn thông qua người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Chủ tàu cá BV-5868-TS là bà Trần Thị K có tham gia mua bảo hiểm tại Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 09-01-2019 cho tàu cá có các thông số như bà K đã trình bày.
Việc tàu cá xuất bến đi biển ngày 31-10-2019 và tàu bị sự cố va chạm với tàu BV-91881-TS, bị chìm trên vùng biển Bình Thuận ngày 04-11-2019 đúng như bà K trình bày. Chủ tàu đã liên hệ các đơn vị trục vớt để thuê tìm kiếm trục vớt tàu cá BV- 5868 -TS nhưng các đơn vị trục vớt xác định không thể trục vớt được nên chủ tàu quyết định từ bỏ tàu.
Ngày 22-07-2020, bà K gửi Giấy yêu cầu bồi thường cùng hồ sơ kèm theo, yêu cầu Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu bồi thường số tiền 6.566.000.000đ. Sau khi xem xét hồ sơ, nhận thấy tổn thất thuộc điểm loại trừ của quy tắc bảo hiểm nên ngày 05- 03-2021 Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành văn bản số 0357/2020-BM/HH thông báo từ chối bồi thường. Ngày 14-04-2021, chủ tàu khiếu nại quyết định từ chối bồi thường. Ngày 22-09-2021, Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành văn bản số 1747/2021-BM/HH, bảo lưu quan điểm từ chối bồi thường.
Nay bà Trần Thị K yêu cầu Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu bồi thường số tiền tổn thất tàu cá BV-5868-TS là 2.000.000.000đ thì Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu không đồng ý vì những lý do sau:
Theo xác minh của Công ty B1 Bà Rịa - Vũng Tàu và đơn vị giám định độc lập là Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định C1 (CVIC) tại thời điểm tổn thất ngày 04- 11-2019, tàu BV-5868-TS không có thiết bị giám sát hành trình.
Căn cứ Khoản 6 Điều 7 của Luật Thủy sản năm 2017, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản có khai thác thủy sản bất hợp pháp. Theo điểm i khoản 1 Điều 60, một trong các hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp là không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP thì lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên phải lắp trước ngày 01 tháng 7 năm 2019.
Theo các quy định nói trên, tàu BV-5868 -TS, mặc dù là tàu hậu cần, nhưng được xếp loại tàu cá, có hoạt động khai thác thủy sản và phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Bà K phải tự nắm bắt những quy tắc mà pháp luật đã quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của mình khi kinh doanh nghề cá. Do đó bảo hiểm không có nhiệm vụ phải thông báo cho bà K những quy định chung của Nhà nước như lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá khi ra khơi đánh bắt hải sản.
Việc tàu BV-5868-TS không lắp đặt thiết bị giám sát là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, thuộc hành vi bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật. Căn cứ theo Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 0001/2017-BM/HH ngày 01-01-2017 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần B thì sẽ không bồi thường những tổn thất xảy ra trong thời hạn bảo hiểm, kể cả những tổn thất gây ra bởi những rủi ro được bảo hiểm trong những trường hợp dưới đây:
- Điều 5.1.5: Tàu được bảo hiểm vi phạm lệnh cấm, lệnh phong toả hoặc quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc hoạt động kinh doanh trái phép theo quy định của pháp luật:
- Điều 5.1.6: Vi phạm các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, ...
Do vậy, Công ty B1 Bà Rịa -Vũng Tàu cho rằng tổn thất tàu BV-5868-TS đã rơi vào điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và từ chối bồi thường đối với tổn thất của tàu BV-5868-TS là hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, phù hợp với các tình tiết, sự thật khách quan của vụ án và đúng với quy định pháp luật. Đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2022DS-ST ngày 28-6-2022 của Tòa án nhân dân thành phố V đã tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị K về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá” với Tổng Công ty cổ phần B: Buộc Tổng Công ty cổ phần B phải thanh toán tiền bảo hiểm thân tàu cá BV-5868-TS cho bà Trần Thị K với số tiền là 2.000.000.000đ (Hai tỷ đồng).
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Kháng cáo: Ngày 12-7-2022, bị đơn là Tổng Công ty cổ phần B kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm với lý do Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ các tình tiết, chứng cứ. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của bà K.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Luật sư của nguyên đơn cho rằng Công ty B1 Bà Rịa -Vũng Tàu không giải thích rõ các điều khoản bảo hiểm cho bà K khi ký hợp đồng bảo hiểm. Nay Công ty B1 Bà Rịa -Vũng Tàu giải thích điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng bất lợi cho bà K là không phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm, mang tính suy diễn từ hành vi kinh doanh bất hợp pháp của Luật Thủy sản để cho rằng bà K hoạt động kinh doanh trái phép theo điều khoản của phía bảo hiểm là không thỏa đáng. Công ty B1 Bà Rịa -Vũng Tàu cũng không đưa ra được lệnh cấm, lệnh phong tỏa nào đối với tàu cá của bà K trong thời gian tham gia bảo hiểm. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
- Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
- Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến:
Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm đúng quy định. Các đương sự có mặt tại phiên tòa phúc thẩm chấp hành tốt quy định pháp luật tố tụng.
Về tư cách tham gia tố tụng của ông Danh H1, thuyền trưởng tàu cá của bà K được Tòa án cấp sơ thẩm xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là không phù hợp. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định ông H1 là người làm chứng, không phải người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Về tranh chấp của các đương sự: Việc Công ty B1 Bà Rịa -Vũng Tàu và bà Trần Thị K ký kết Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số MHS/01021032 ngày 09-01- 2019 phù hợp với quy định pháp luật. Tàu cá của bà K không vi phạm lệnh cấm, lệnh phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền và cũng không thuộc trường hợp kinh doanh trái phép. Giấy chứng nhận bảo hiểm được ký sau khi Luật Thủy sản có hiệu lực nhưng Công ty B1 Bà Rịa -Vũng Tàu không đưa nội dung mới vào Điều khoản bảo hiểm hoặc ký phụ lục bổ sung với bà K, không giải thích cho bà K rõ khi ký Giấy chứng nhận bảo hiểm. Việc Công ty B1 Bà Rịa -Vũng Tàu áp dụng Luật Thủy sản để giải thích cho điều khoản loại trừ bảo hiểm của mình theo hướng gây bất lợi cho bà K là không phù hợp. Mặt khác, lý do chìm tàu không liên quan đến việc chưa lắp thiết bị giám sát tàu cá. Do đó, Bản án dân sự sơ thẩm đã buộc Công ty B1 Bà Rịa-Vũng Tàu bồi thường cho bà K 2.000.000.000đ là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty B1 Bà Rịa -Vũng Tàu và giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Đối với tư cách tham gia tố tụng của ông Danh H1 và ông Danh T4, Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Danh H1 là người liên quan, ông Danh T4 là người làm chứng. Thấy rằng, ông H1 và ông T4 là thuyền trưởng và máy trưởng, làm việc cho bà K và hưởng lương, chứng kiến toàn bộ sự việc tàu BV-5868-TS bị chìm nên chỉ là những người làm chứng trong vụ án, không xác định tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với ông H1 như ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên tòa là phù hợp.
[2] Xét yêu cầu khởi kiện của bà K về việc yêu cầu Tổng Công ty cổ phần B (gọi tắt là Công ty B) phải bồi thường tiền bảo hiểm thân tàu với số tiền là 2.000.000.000đ (Hai tỷ đồng), Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét như sau:
[2.1] Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số MHS/01021032 ngày 09-01-2019 ký giữa bà Trần Thị K với Công ty B có hình thức, nội dung phù hợp với quy định của các Điều 12, 13, 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 nên có hiệu lực với các bên ký kết.
[2.2] Căn cứ vào trình bày của các đương sự và tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ, Hội đồng xét xử xác định tàu cá mang số đăng ký BV-5868-TS với các đặc điểm thông số như bà Trần Thị K trình bày, thuộc quyền sở hữu của bà K. Đăng ký ngày 04-10-2010 là loại tàu đánh cá, công dụng khai thác hải sản. Được thay đổi đăng ký ngày 12-5-2016 là loại tàu đánh cá nhưng công dụng là dịch vụ hậu cần thủy sản. Tàu được phép hoạt động tại vùng biển Việt Nam (BL 51-55).
[2.3] Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa –Vũng Tàu xác nhận tàu BV-5868-TS được cho phép xuất bến từ ngày 31-10-2019 nhưng nay chưa làm thủ tục nhập bến (BL 188).
[2.4] Tàu BV- 5868-TS có thuyền trưởng, máy trưởng và 04 thuyền viên. Sau chuyến đi biển ngày 31-10-2019 những người này đều không còn làm cho bà K, họ là những người đi biển nên trong đó có 04 thuyền viên là ông Quỳnh Văn Đ, ông Lê Văn H2, ông Nguyễn Văn C2, ông Trần Hải Đ1 nay bà K không biết họ đang ở đâu, không giao được giấy triệu tập của Tòa án. Bà K tìm được ông Danh H1 thuyền trưởng và ông Danh T4 máy trưởng, theo lời khai của 02 người này thì trong quá trình tàu BV- 5868-TS cặp mạn để sửa chữa cho tàu BV-91881-TS cũng của bà K thì tàu BV-5868- TS bị sóng đánh va chạm vào tàu BV-91881-TS nên bị nước vào làm chìm tàu (BL 124-126, 138, 139, 185).
[2.5] Bà K đã thông báo với Công ty B1 Bà Rịa –Vũng Tàu, đồng thời thực hiện công việc thông báo tìm kiếm, tìm cách trục vớt nhưng do sau khi chìm, tàu bị trôi dạt không thể xác định được vị trí để trục vớt nên ngày 05-5-2020 bà K xin từ bỏ xác tàu BV- 5868-TS, được Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận về việc xóa đăng ký tàu cá BV-5868-TS vào ngày 10-6-2020 (BL 56-59, 128- 137, 240-242).
[2.6] Khi xảy ra sự kiện chìm tàu cá và được bà K thông báo, Công ty B đã thuê đơn vị giám định độc lập là Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định C1 (CVIC) để giám định tổn thất tàu cá bị chìm. Công ty B là đơn vị chỉ định Công ty giám định và đã chấp nhận kết quả giám định này. Theo các dữ liệu thu thập được thì Công ty giám định kết luận tàu chìm tại vị trí tọa độ thuộc vùng biển đảo P, tỉnh Bình Thuận và khu vực này có độ sâu 137m nước, đơn vị trục vớt khó có thể tìm và trục vớt vì nguy hiểm tính mạng thợ lặn nên chủ tàu từ bỏ tàu là hợp lý (BL 148, 149).
[2.7] Công ty B cũng xác nhận tàu chìm là có thật, nhưng không đồng ý chi trả tiền bảo hiểm vì lý do tàu cá của bà K thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của Công ty B (BL 159, 164, 173).
[2.8] Như vậy, dù không trục vớt được thân tàu BV-5868-TS nhưng vẫn đủ cơ sở xác định tàu cá BV-5868-TS có ra khơi và đã bị chìm vào ngày 04-11-2019 tại vùng biển tỉnh Bình Thuận là có thật; chủ tàu cá là bà K được cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá đúng quy định pháp luật.
[2.9] Về việc Công ty B từ chối chi trả tiền bảo hiểm cho tàu cá BV-5868-TS, thấy rằng:
[2.9.1] Công ty B đưa ra lý do từ chối bồi thường tổn thất chìm tàu cá của bà K vì căn cứ Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 0001/2017-BM/HH ngày 01-01-2017 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần B đã quy định các trường hợp loại trừ bảo hiểm. Theo đó, tàu cá BV-5868-TS của bà K vi phạm vào 2 điểm loại trừ bảo hiểm, là những trường hợp Công ty B không bồi thường, cụ thể:
- Tại mục 5.1.5 Điều 5 của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá quy định “tàu được bảo hiểm vi phạm lệnh cấm, lệnh phong tỏa hoặc quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc hoạt động kinh doanh trái phép theo quy định của pháp luật”;
- Tại mục 5.1.6 Điều 5 của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá quy định “vi phạm các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản”.
Ngoài ra Công ty B không còn nêu lý do nào khác.
[2.9.2] Để áp dụng điều khoản trên, Công ty B cho rằng tàu cá BV-5868-TS của bà K không trang bị thiết bị giám sát hành trình tại thời điểm chìm tàu mà theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 60 của Luật Thủy sản năm 2017 thì tàu cá “không trang bị … thiết bị giám sát hành trình theo quy định” là một trong các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp. Do vậy, phù hợp với quy định loại trừ bảo hiểm của Công ty B.
[2.9.3] Về quy định tại mục 5.1.5 Điều 5 - Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá của Công ty B, thấy rằng:
[2.9.3.1] Tàu cá BV-5868-TS của bà K được phép xuất bến của cơ quan có thẩm quyền là Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng V nên không thuộc trường hợp vi phạm lệnh cấm, lệnh phong tỏa hoặc quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía Công ty B xác nhận tàu cá của bà K tại thời điểm chìm tàu không vi phạm các lệnh này, nhưng vi phạm vào hoạt động kinh doanh trái phép.
[2.9.3.2] Hoạt động kinh doanh trái phép được giải thích theo pháp luật về kinh doanh là hành vi kinh doanh phải đăng ký kinh doanh nhưng lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh không đúng với những nội dung đã đăng ký với cơ quan nhà nước. Đồng thời, hành vi kinh doanh trái phép cũng như hành vi không trang bị thiết bị giám sát hành trình chỉ là một trong số các hành vi bị cho là khai thác thủy sản bất hợp pháp, quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản. Còn Điều khoản loại trừ bảo hiểm của Công ty B chỉ có quy định hành vi kinh doanh trái phép mà không có hành vi không trang bị thiết bị giám sát hành trình, cũng không có quy định rằng tất cả các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp đều thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm.
[2.9.3.3] Thời điểm Công ty B và bà K ký hợp đồng bảo hiểm tàu cá BV-5868- TS là ngày 09-01-2019, sau thời điểm Luật Thủy sản có hiệu lực (01-01-2019) 08 ngày. Theo quy định chuyển tiếp tại Khoản 2 Điều 105 Luật Thủy sản cho phép các loại giấy phép trong lĩnh vực thủy sản đã được cấp trước ngày Luật có hiệu lực thì được sử dụng cho đến khi hết hạn. Lộ trình về lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá quy định tại điểm e khoản 3 Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08-3-2019 cũng ban hành sau khi hai bên ký hợp đồng bảo hiểm tàu cá. Như vậy, bà K được phép khai thác thủy sản do đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật trước khi có Luật Thủy sản và giấy phép cũ chưa bị thu hồi để cấp lại theo các điều kiện mới nên bà K không bị coi là vi phạm về hoạt động kinh doanh trái phép. Mặt khác, Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá của Công ty B ban hành từ ngày 01-01-2017, còn Luật Thủy sản ban hành ngày 21-1-2017 nhưng Công ty B vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá. Như vậy, trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, hai bên không ký bổ sung các nội dung mới nên chỉ áp dụng các nội dung đã ký để xem xét mới thỏa đáng.
[2.9.3.4] Mặt khác, Giấy chứng nhận bảo hiểm được Công ty B soạn sẵn nội dung, kèm theo ghi chú trong hợp đồng rằng bên bán bảo hiểm đã tư vấn và cung cấp đầy đủ các điều khoản bảo hiểm, yêu cầu người được bảo hiểm phải đọc kỹ giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu phát hiện sai sót phải thông báo ngay cho Công ty B. Bà K cho rằng khi ký hợp đồng bảo hiểm, bà không được giải thích rõ về các trường hợp loại trừ bảo hiểm. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Công ty B không chắc chắn về những nội dung đã giải thích cho bà K khi hai bên ký hợp đồng bảo hiểm, cho rằng bà K được đọc Điều khoản bảo hiểm, nếu có thắc mắc nội dung nào thì bên bảo hiểm mới giải thích. Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; về quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Như vậy, trong trường hợp này Hội đồng xét xử áp dụng Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 để xem xét, Điều luật này quy định về giải thích hợp đồng bảo hiểm như sau: Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.
[2.9.3.5] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng phía Công ty B viện dẫn hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp của Luật thủy sản để đồng nhất với hoạt động kinh doanh trái phép theo quy định của pháp luật được nêu tại mục 5.1.5 Điều 5 Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá của Công ty B là chưa phù hợp. Tàu cá BV-5868-TS bị chìm không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm quy định tại mục 5.1.5 Điều 5 Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá của Công ty B.
[2.9.4] Về quy định tại mục 5.1.6 Điều 5 Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá của Công ty B: Tại mục này có quy định trường hợp loại trừ bảo hiểm: Vi phạm các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, nhưng Công ty B viện dẫn thiếu đoạn sau của mục này là “bao gồm nhưng không giới hạn những trường hợp sau đây: …”. Theo đó, các trường hợp cụ thể được Công ty B liệt kê từ tiểu mục 5.1.6.1 đến 5.1.6.5 thì bà K đều đáp ứng đầy đủ. Do vậy, viện dẫn của Công ty B là không phù hợp.
[2.10] Như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc Công ty B phải thanh toán tiền bảo hiểm đối với tàu BV-5868-TS cho bà K với số tiền là 2.000.000.000đ là phù hợp với Điều 15, 46 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
[2.11] Theo giấy chứng nhận bảo hiểm thì người được thụ hưởng là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Bà Rịa Vũng Tàu. Tuy nhiên, bà K đã thanh toán toàn bộ khoản vay thế chấp con tàu BV-5868-TS này và Ngân hàng đã giải chấp, được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Bà Rịa Vũng Tàu xác nhận ngày 22-6-2022. Do vậy, bà K là chủ con tàu nên bà K là người được thụ hưởng số tiền bảo hiểm do Công ty B chi trả.
[2.12] Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy với những phân tích như trên, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Công ty B, quyết định giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
[3] Do kháng cáo của Công ty B không được chấp nhận nên Công ty B phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.
Vì các lẽ trên, căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng các Điều 26, 35, 40, 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 19, 21, 46 của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Khoản 2 Điều 105 Luật Thủy sản; các Điều 27, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:
Không chấp nhận nội dung kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần B. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2022DS-ST ngày 28-6-2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị K về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá” với Tổng Công ty cổ phần B: Tổng Công ty cổ phần B phải thanh toán tiền bảo hiểm thân tàu cá BV-5868-TS cho bà Trần Thị K số tiền là 2.000.000.000đ (Hai tỷ đồng).
Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không chịu trả số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải trả thêm cho bên được thi hành án số tiền lãi 10%/năm của khoản tiền chậm thi hành án, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
2. Án phí:
- Án phí dân sự sơ thẩm: Tổng Công ty cổ phần B phải chịu 72.000.000đ (Bảy mươi hai triệu đồng).
- Án phí dân sự phúc thẩm: Tổng Công ty cổ phần B phải chịu 300.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền 300.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0002918 ngày 19-7-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố V, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tổng Công ty cổ phần B đã nộp xong.
3. Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (20-12-2022).
Bản án 112/2022/DS-PT về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá
Số hiệu: | 112/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/12/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về