TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K, TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 11/2024/HS-ST NGÀY 07/03/2024 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 07/3/2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Ninh Bình, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 02/2024/TLST-HS ngày 26/01/2024 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 06/2024/QĐXXST- HS, ngày 23/02/2024, đối với:
- Bị cáo: Phạm Mạnh T, sinh năm 1989 tại huyện K, tỉnh Ninh Bình. Nơi cư trú: xóm V, xã T, huyện K, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn S và con bà Trịnh Thị Lý; có vợ Nguyễn Phương T1; có 01 con: sinh năm 2023; tiền án, tiền sự: không.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” “có mặt”.
- Bị hại: anh Phạm Văn T3, sinh năm 1977; nơi cư trú: xóm V, xã T, huyện K, tỉnh Ninh Bình “có đơn xin xét xử vắng mặt”.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
+ Chị Phạm Thị T2, sinh năm 1985; nơi cư trú: xóm 5A, xã L, huyện K, tỉnh Ninh Bình “vắng mặt”.
+ Chị Phạm Thị T1, sinh năm 1976; nơi cư trú: xóm 7, xã L, huyện K, tỉnh Ninh Bình “vắng mặt”.
- Người làm chứng: bà Phạm Thị C “có mặt”; anh Phan Văn C1, anh Lã Văn Q, anh Phan Văn P, anh Đoàn Văn N, ông Phạm Ngọc M, ông Nguyễn Văn C2 “đều vắng mặt”.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phạm Mạnh T và anh Phạm Văn T3, sinh năm 1977; trú tại xóm V, xã T, huyện K ở gần nhà nhau. Do anh T3 có mâu thuẫn với bà Phạm Thị C, sinh năm 1952 là bác của T (hiện bà C đang ở cùng với gia đình T) nên mỗi khi uống rượu anh T3 hay chửi đổng về phía gia đình T. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 13/6/2023, sau khi uống rượu về anh T3 đi qua nhà thấy T đang đứng ngoài sân nên đứng ở ngoài đường chửi, dẫn đến hai bên xảy ra cãi nhau. Do bực tức, T đi vào trong nhà lấy 01 con dao loại dao bầu cầm ở tay trái, tay phải cầm 01 tuýp sắt bằng kim loại đi đến giơ tuýp sắt về phía T3, T3 tiếp tục chửi và dùng tay phải cầm lấy đầu tuýp sắt của T. Thấy vậy, T cầm dao đâm vào cẳng tay phải của anh T3 nên anh T3 bỏ tay khỏi tuýp sắt. T tiếp tục dùng tuýp sắt và dao vụt, đâm vào mu bàn tay phải, vai trái và chân phải anh T3, làm cho anh T3 ngã xuống đường, T đi về nhà.
Hậu quả: anh T3 bị thương ở cổ chân phải; khửu tay trái; bàn tay, cẳng tay phải và vai trái được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện K, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến ngày 04/7/2023 về nhà tự điều trị. Anh T3 có đơn đề nghị giám định thương tích và đề nghị khởi tố đối với Phạm Mạnh T.
Thu của T 01 tuýp sắt dài 98cm, đường kính 2,5cm; 01 dao bầu dài 32cm có cán bằng gỗ dài 12,5cm, lưỡi dài 19,5cm; thu tại hiện trường 01 tua nơ vít dài 23cm có cán bằng nhựa, phần mũi nhọn có chiều dài 14cm.
Tại Bản kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống số 124/KLTTCT-TTPY ngày 14/9/2023 của Trung tâm pháp y - Sở y tế tỉnh Ninh Bình đối với anh Phạm Văn T3 kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 29%. Tổn thương xương do vật tầy trực tiếp gây nên; sẹo vết thương do vật sắc trực tiếp gây nên.
Về trách nhiệm dân sự: anh Phạm Văn T3 yêu cầu Phạm Mạnh T phải bồi thường số tiền 120.000.000đồng, gồm: tiền chi phí điều trị tại bệnh viện, tiền thu nhập thực tế bị mất của anh và người chăm sóc, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Hiện T đã bồi thường đủ số tiền nói trên cho anh T3.
Bản Cáo trạng số 06/CT-VKS-KS ngày 26/01/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện K truy tố bị cáo Phạm Mạnh T về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố như bản cáo trạng, đề nghị Hội đồng xét xử: tuyên bố bị cáo Phạm Mạnh T phạm tội “Cố ý 2 gây thương tích”; áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, các điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo từ 27 đến 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 54 đến 60 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; giao bị cáo cho UBND xã T giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách; gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND xã T trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Về trách nhiệm dân sự: bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho bị hại, bị hại không có yêu cầu gì khác nên không xem xét giải quyết. Về xử lý vật chứng: áp dụng khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: tịch thu tiêu hủy 01 tuýp sắt; 01 dao bầu và 01 tua nơ vít. Về án phí: buộc bị cáo phải nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận đã thực hiện toàn bộ hành vi nêu trên và không có ý kiến gì khác, không tranh luận với luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Lời nói sau cùng bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm một phần hình phạt và gửi lời xin lỗi đến bị hại và gia đình bị hại.
Bị hại vắng mặt tại phiên tòa, nhưng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có yêu cầu gì đối với bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, tội danh và điều luật áp dụng: tại phiên tòa bị cáo khai nhận, do anh T3 có mâu thuẫn từ trước với bà C là bác ruột của bị cáo (bà C bị nhiễm chất độc hóa học và đang ở cùng bị cáo) nên mỗi lần đi uống rượu về anh T3 lại chửi bới bà C. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 13/6/2023, sau khi uống rượu về anh T3 đi qua nhà thấy bị cáo đang đứng ngoài sân lại chửi bị cáo, dẫn đến hai bên xảy ra cãi nhau. Anh T3 trên tay cầm tua nơ vít đe dọa giết cả nhà bị cáo, do bực tức và bị kích động về tinh thần bị cáo đi vào trong nhà lấy 01 con dao loại dao bầu cầm ở tay trái, tay phải cầm 01 tuýp sắt bằng kim loại đi đến giơ tuýp sắt về phía anh T3 mục đích để hù dọa anh T3, nhưng anh T3 vẫn chửi và dùng tay phải túm lấy đầu tuýp sắt. Vì không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo đã cầm dao đâm vào cẳng tay phải của anh T3 nên anh T3 bỏ tay khỏi tuýp sắt. Sau đó bị cáo tiếp tục dùng tuýp sắt và dao vụt, đâm vào mu bàn tay phải, vai trái và chân phải anh T3, làm cho anh T3 ngã xuống đường. Hậu quả anh T3 bị thương ở cổ chân phải; khửu tay trái; bàn tay, cẳng tay phải và vai trái được điều trị tại Bệnh viện huyện, tỉnh và trung ương. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án như: Biên bản sự việc;
3 Biên bản khám nghiệm hiện trường; Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 124 ngày 14/9/2023 của Trung tâm pháp y - Sở y tế tỉnh Ninh Bình; Bản ảnh chụp hiện trường, lời khai của bị hại; lời khai người làm chứng đã có đủ cơ sở kết luận: bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi dùng dao, tuýp sắt là hung khi nguy hiểm có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe cho người khác, cụ thể gây thương tích cho anh Phạm Văn T3 tỷ lệ thương tổn cơ thể là 29% sức khỏe. Hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, nhưng vẫn cố ý thực hiện, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự ở địa phương, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự. Mặc dù tỉ lệ tổn thương cơ thể của anh T3 là 29%, nhưng bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm, đây là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt từ từ 02 năm đến 06 năm;
đ, Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
...
Do vậy, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện K truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[2] Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Về nhân thân: bị cáo có nhân thân tốt.
Về tình tiết tăng nặng: bị cáo không có tình tiết tăng nặng.
Về tình tiết giảm nhẹ: tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; đã bồi thường thiệt hại toàn bộ cho bị hại và bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; bị cáo hiện đang 4 chăm sóc người có công với cách mạng là người bị nhiễm chất độc hoá học. Đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần áp dụng để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Hội đồng xét xử xét thấy, sau khi đối chiếu về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cũng như nguyên nhân và điều kiện phạm tội của bị cáo, thì thấy rằng trong vụ án này bị hại cũng có một phần lỗi dẫn bị cáo bị kích động về tinh thần dẫn đến xô sát xảy ra. Hành vi của bị cáo cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật bằng hình phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên khi lượng hình, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và 02 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; hiện bị cáo đang chăm sóc nuôi dưỡng người có công với cách mạng, con còn nhỏ; có nơi cư trú rõ ràng và có thể tự cải tạo được, do vậy đủ điều kiện áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo, nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo cũng giúp bị cáo sửa chữa lỗi lầm của mình và sống có ích cho gia đình và xã hội.
[3] Về trách nhiệm dân sự: bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho bị hại với số tiền là 120.000.000 đồng. Sau khi nhận đủ tiền, bị hại không có đề nghị và yêu cầu gì khác; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng không có đề nghị và yêu cầu gì, nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, giải quyết.
[4] Về các vấn đề khác: đối với hành vi thường xuyên chửi bới, gây mất trật tự tại địa phương của anh Phạm Văn T3. Chính quyền địa phương cần có biện pháp nhắc nhở, giáo dục để tránh những phát sinh có thể xảy ra.
[5] Về xử lý vật chứng và các biện pháp tư pháp:
Đối với 01 tuýp sắt dài 98cm, đường kính 2,5cm; 01 dao bầu dài 32cm có cán bằng gỗ dài 12,5cm, lưỡi dài 19,5cm là công cụ, phương tiện sử dụng vào việc phạm tội, do giá trị sử dụng còn lại thấp nên cần tịch thu tiêu hủy.
Đối với 01 tua nơ vít dài 23cm có cán bằng nhựa, phần mũi nhọn có chiều dài 14cm thu giữ tại hiện trường. Quá trình điều tra xác định là của anh Phạm Văn T3 đã sử dụng khi xảy ra xô sát, nên cần tịch thu. Tuy nhiên, do giá trị sử dụng còn lại thấp nên cần tịch thu cho tiêu hủy.
[6] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
5 [7] Về án phí: Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 34; Điều 45; khoản 2 Điều 106; khoản 2 Điều 136; Điều 254; Điều 299 và Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, các điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65, khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
1. Tuyên bố: bị cáo Phạm Mạnh T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Xử phạt bị cáo Phạm Mạnh T 33 (ba mươi ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 07 tháng 3 năm 2024). Giao bị cáo Phạm Mạnh T cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện K, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã T, huyện K, tỉnh Ninh Bình trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Về xử lý vật chứng: tịch thu tiêu hủy 01 tuýp sắt dài 98cm, đường kính 2,5cm; 01 dao bầu dài 32cm có cán bằng gỗ dài 12,5cm, lưỡi dài 19,5cm và 01 tua nơ vít dài 23cm có cán bằng nhựa, phần mũi nhọn có chiều dài 14cm.
(Chi tiết như Biên bản giao nhận vật chứng ngày 02/02/2024 giữa Cơ quan CSĐT công an huyện K và Chi cục Thi hành án dân sự huyện K).
3. Về án phí: buộc bị cáo phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị hại; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành 6 án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 11/2024/HS-ST về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 11/2024/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kim Sơn - Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 07/03/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về