TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 11/2019/LĐ-PT NGÀY 14/06/2019 VỀ TRANH CHẤP KỶ LUẬT BUỘC THÔI VIỆC
Ngày 14 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 10/2018/TLPT-LĐ, ngày 08 tháng 10 năm 2018 về “tranh chấp kỷ luật buộc thôi việc”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số: 09/2018/LĐ-ST, ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 19/2019/QĐ-PT, ngày 16 tháng 4 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 53/2019/QĐ-PT, ngày 16 tháng 5 năm 2019, Thông báo thay đổi lịch xét xử số: 32/TB-TA, ngày 20 tháng 5 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 67/2019/QĐ-PT, ngày 30 tháng 5 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Hồ Văn L, sinh năm 1980.
HKTT: phường C, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ liên hệ: phường D, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Nguyễn Ngọc H - Luật sư Công ty luật hợp danh E, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: phường Q, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
- Bị đơn: Trường Trung học phổ thông A.
Địa chỉ: phường R, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trương Văn S – Hiệu trưởng.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Thanh T, sinh năm 1972.
Địa chỉ: xã Y, huyện U, tỉnh Đồng Nai (Văn bản ủy quyền ngày 14/6/2017).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Vũ Mạnh I – Luật sư Công ty luật TNHH MTV O, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Hồ Văn L.
- Người kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B.
(Ông Hồ Văn L và ông Phan Thanh T có mặt; ông Nguyễn Ngọc H và ông Vũ Mạnh I có mặt khi xét xử và vắng mặt khi tuyên án).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 26/4/2017, 12/5/2017 và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn ông Hồ Văn L trình bày:
Ông Hồ Văn L công tác trong ngành sư phạm từ tháng 9/2006 và từ tháng 9/2011, công tác tại Trường Trung học phổ thông A (sau đây gọi tắt là Trường A).
Đến ngày 04/9/2014, ông L và Trường A ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Công việc của ông L là giáo viên giảng dạy môn hóa học, hệ số lương 3.33, mức lương 5.238.000 đồng/tháng. Trong quá trình làm việc, ông L luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 28/6/2016, Hiệu trưởng Trường A ban hành Quyết định kỷ luật số: 90/QĐ buộc thôi việc đối với ông L. Không đồng ý quyết định kỷ luật, ông L khiếu nại đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai. Ngày 12/10/2016, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số: 1020/QĐ-SGD ĐT với nội dung yêu cầu Hiệu trưởng Trường A hủy bỏ Quyết định số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016 đồng thời khôi phục lại các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông L.
Ngày 12/11/2016, Hiệu trưởng Trường A ban hành Quyết định số: 176/QĐ-THPT.LHP hủy bỏ Quyết định số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016. Ông L tiếp tục công tác nhưng Trường A không bố trí công việc theo hợp đồng đã ký kết. Đến ngày 07/12/2016, Hiệu trưởng Trường A tiếp tục ban hành Quyết định số: 201/QĐ kỷ luật buộc thôi việc do ông L có các hành vi: Vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo; vi phạm quy định dạy thêm, học thêm và không chấp hành sự phân công của lãnh đạo gây ảnh hưởng chung đến công việc của đơn vị.
Ông L nhận thấy Trường A xử lý kỷ luật buộc thôi việc không đúng quy định của pháp luật. Do đó, ông L khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Trường A phải:
- Nhận trở lại làm việc theo hợp đồng làm việc đã ký và khôi phục lại các quyền, lợi ích hợp pháp;
- Trả tiền lương từ ngày 07/12/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm 31/7/2018 với số tiền: 5.935.000 đồng x 19 tháng = 112.765.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông L rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với việc buộc Trường A phải: Bồi thường 4,5 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với số tiền 23.571.000 đồng; trả tiền trợ cấp thôi việc từ tháng 9/2006 đến ngày 31/12/2008 là 02 năm 06 tháng = 6.660.000 đồng; đóng BHXH, BHYT, BHTN và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông L.
Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, ông Phan Thanh T là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Trường Trung học phổ thông A trình bày:
Trường A thống nhất với trình bày của ông L về việc ký kết hợp đồng làm việc và thời gian làm việc của ông L tại Trường A.
Trong quá trình công tác, ông L có hành vi vi phạm quy chế chuyên môn; vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo; không chấp hành sự điều động, phân công của người có thẩm quyền và vi phạm quy định về dạy thêm học thêm. Với các hành vi vi phạm trên, Trường A ban hành Quyết định số: 201/QĐ-THPT.LHP, ngày 07/12/2016 kỷ luật buộc thôi việc ông Hồ Văn L.
Sau khi Trường A tiến hành xử lý kỷ luật, ông L khiếu nại đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai. Ngày 24/4/2017, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số: 371/QĐ-SGDĐT với nội dung giữ nguyên Quyết định số: 201/QĐ-THPT.LHP, ngày 07/12/2016. Do đó, Trường A xác định đã xử lý kỷ luật ông L trong thời hạn, có căn cứ pháp luật và đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục nên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông L.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số: 09/2018/LĐ-ST, ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B áp dụng các Điều 32, 35, 40, 203, 220, 244, 264, 266 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 124 Bộ luật lao động 2012; Điều 17, 19, 30, 52, 53 Luật Viên chức 2010; Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hồ Văn L về việc yêu cầu Trường A nhận trở lại làm việc; trả tiền lương từ ngày 07/12/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm với số tiền 112.765.000 đồng.
Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hồ Văn L về việc buộc bị đơn phải: Bồi thường 4,5 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với số tiền 23.571.000 đồng; trả tiền trợ cấp thôi việc từ tháng 9/2006 đến ngày 31/12/2008 là 6.660.000 đồng; đóng BHXH, BHYT, BHTN và chốt sổ bảo hiểm xã hội, nếu không nộp các khoản tiền này thì phải trả cho nguyên đơn số tiền 5.274.720 đồng; trường hợp không nhận nguyên đơn trở lại làm việc thì phải bồi thường 4,5 tháng tiền lương là 23.571.000 đồng.
2. Về án phí: Ông Hồ Văn L không phải nộp án phí sơ thẩm.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 09/8/2018, ông Hồ Văn L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do Quyết định kỷ luật số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016 đã bị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu hủy bỏ do không có căn cứ. Ông L không có các hành vi: Vi phạm về đạo đức nhà giáo; vi phạm quy định dạy thêm, học thêm và không chấp hành sự phân công của lãnh đạo gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông L giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Ngày 15/8/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B kháng nghị, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố B giải quyết theo quy định pháp luật. Ngày 21/11/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B rút toàn bộ kháng nghị.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Trường A xử lý kỷ luật ông L khi đã hết thời hạn. Tòa án cấp sơ thẩm xác định không có căn cứ xử lý kỷ luật khiển trách ông L về hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo là đúng quy định pháp luật. Ông L có hành vi vi phạm dạy thêm nhưng không đến mức phải xử lý kỷ luật. Ông L không được Trường A thông báo về việc thay đổi giáo viên chủ nhiệm lớp 11B5 và thay thế giáo viên dạy hóa các lớp 11B5, 11B9, 11B10 nên không có căn cứ chứng minh ông L không chấp hành sự phân công của người có thẩm quyền.
Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật: Ngày 18/11/2016, Trường A ban hành Quyết định số: 181/QĐ-THPT.LHP hủy bỏ Quyết định số: 104/QĐ-THPT.LHP, ngày 21/7/2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông L. Tuy nhiên, trước đó ngày 12/11/2016, Trường A đã ra Thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật số: 177/TB-THPT.LHP. Như vậy, Trường A xử lý kỷ luật khi quyết định chấm dứt hợp đồng đối với ông L còn hiệu lực là không đúng quy định. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông L, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:
Trường A xử lý kỷ luật ông L là đảm bảo về thời hạn và đúng về trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Căn cứ vào các bản tường trình của học sinh đã đủ cơ sở xác định ông L có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Ông L đã thừa nhận hành vi dạy thêm không đúng quy định. Ngày 01 và 02/4/2016, ông L đã được Trường A thông báo về việc thay đổi giáo viên chủ nhiệm lớp 11B5 và thay thế giáo viên dạy hóa các lớp 11B5, 11B9, 11B10 nhưng ông L không thực hiện đã gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị. Như vậy, Trường A xử lý kỷ luật buộc thôi việc ông L là đúng quy định pháp luật. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phát biểu:
Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong vụ án đúng với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Về nội dung kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B rút toàn bộ kháng nghị phù hợp với quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát.
Về nội dung kháng cáo: Trường A xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Hồ Văn L trong thời hạn xử lý kỷ luật, có căn cứ pháp luật và đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quy định pháp luật.
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn ông Hồ Văn L:
Ông L công tác tại Trường A từ ngày 01/7/2011. Ngày 04/9/2014, ông L ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với Trường A. Ngày 28/6/2016, Hiệu trưởng Trường A ban hành Quyết định kỷ luật số: 90/QĐ buộc thôi việc và ngày 21/7/2016 ban hành Quyết định số: 104/QĐ-THPT.LHP chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông L. Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại (lần 2) số: 1020/QĐ- SGDĐT, ngày 12/10/2016 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai thì vào ngày 12/11/2016, Hiệu trưởng Trường A ban hành Quyết định số: 176/QĐ- THPT.LHP hủy bỏ Quyết định số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016 và ngày 18/11/2016, ban hành Quyết định số: 181/QĐ-THPT.LHP hủy bỏ Quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc số: 104/QĐ-THPT.LHP, ngày 21/7/2016.
Ngày 07/12/2016, Hiệu trưởng Trường A ban hành Quyết định số: 201/QĐ kỷ luật buộc thôi việc và ngày 09/12/2016 ban hành Quyết định số: 205/QĐ- THPT.LHP chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông L. Ngày 24/4/2017, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai ra Quyết định giải quyết khiếu nại số: 371/QĐ-SGDĐT với nội dung không chấp nhận khiếu nại của ông L. Không đồng ý quyết định giải quyết khiếu nại, ông L khởi kiện, Hội đồng xét xử xét thấy:
- Về thời hiệu xử lý kỷ luật:
Trường A căn cứ vào các hành vi vi phạm của ông L trong năm học 2015- 2016 để xử lý kỷ luật. Do đó, ngày 07/12/2016, Trường A ra Quyết định số: 201/QĐ kỷ luật buộc thôi việc ông L là còn thời hiệu (24 tháng) theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Viên chức 2010.
- Về thời hạn xử lý kỷ luật:
Ngày 29/02/2016 và 01/3/2016, Trường A nhận được bản tường trình của học sinh về những hành vi vi phạm của ông L. Ngày 27/5/2016, Trường A ra kết luận về việc xác minh phản ánh của học sinh về những sai phạm của ông L. Như vậy, ngày phát hiện ông L có hành vi vi phạm để tính thời hạn xử lý kỷ luật là ngày 27/5/2016. Do đó, ngày 28/6/2016, Trường A ra Quyết định kỷ luật số: 90/QĐ buộc thôi việc ông L là trong thời hạn 02 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
Không đồng ý với Quyết định kỷ luật số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016, ông L khiếu nại. Ngày 12/10/2016, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số: 1020/QĐ-SGD ĐT, yêu cầu Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong hủy Quyết định kỷ luật số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016, đồng thời tiến hành xem xét kỷ luật viên chức Hồ Văn L theo đúng quy định tại Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ. Vì vậy, thời hạn xử lý kỷ luật lại đối với ông L được tính từ ngày 12/10/2016. Do đó, ngày 07/12/2016, Trường A ra Quyết định số: 201/QĐ kỷ luật buộc thôi việc ông L là trong thời hạn 02 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
- Về căn cứ xử lý kỷ luật:
Trường A xử lý kỷ luật buộc thôi việc do ông L có các hành vi: Vi phạm đạo đức nhà giáo; vi phạm quy định dạy thêm, học thêm; không chấp hành sự phân công của lãnh đạo gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị, Hội đồng xét xử xét thấy:
+ Đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo:
Căn cứ vào bản tường trình của học sinh thể hiện ông L có những lời nói và hành vi không chuẩn mực. Tuy nhiên, xét tính chất và mức độ vi phạm, đồng thời Trường A không có văn bản nhắc nhở ông L nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định không có căn cứ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khiển trách theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ là có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật.
+ Đối với hành vi vi phạm quy định dạy thêm, học thêm:
Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, ông L thừa nhận có hành vi dạy thêm nhưng cho rằng là bồi dưỡng kiến thức, không thu tiền học sinh. Tuy nhiên, căn cứ vào phiếu cung cấp thông tin của các học sinh đã học thêm ông L môn hóa học đều trình bày có học thêm ông L năm học 2015-2016 và nộp học phí 250.000 đồng/tháng. Mặt khác, tại bản tường trình của các phụ huynh có học sinh tham gia học thêm thể hiện ông L gọi điện cho phụ huynh yêu cầu cho học sinh đi học thêm. Tại Bản tự kiểm điểm cá nhân đề ngày 17/11/2016 và Biên bản đối thoại ngày 31/8/2016, ông L thừa nhận đã tổ chức dạy thêm cho học sinh các lớp 11B5, 11B9 và 11B10 dù các học sinh này đã được Trường A tổ chức học 02 buổi/ngày. Ngoài ra, ông L cũng không xin phép để tổ chức hoạt động dạy thêm theo quy định. Do đó, việc dạy thêm của ông L đã vi phạm quy định khoản 5 Điều 3, khoản 1 và khoản 4 Điều 4 Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; vi phạm những việc viên chức không được làm theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Luật Viên chức 2010. Vì vậy, căn cứ Điều 11 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ, Trường A xử lý kỷ luật ông L với hình thức cảnh cáo là đúng quy định pháp luật.
+ Đối với hành vi không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền:
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông L không thừa nhận được Trường A thông báo về việc thay đổi giáo viên chủ nhiệm lớp 11B5 và thay thế giáo viên môn hóa các lớp 11B5, 11B9, 11B10; đồng thời xác định việc thay giáo viên phải được xác định thông qua nội dung họp và điều chỉnh trên bảng phân công giáo viên của nhà trường. Căn cứ vào các chứng cứ trong hồ sơ thể hiện, ông L thừa nhận ngày 01 và 02/4/2016, ông L đã được Trường A thông báo quyết định tạm thời thay thế giáo viên chủ nhiệm lớp 11B5 và thay giáo viên môn hóa các lớp 11B5, 11B9, 11B10 nhưng ông L không đồng ý do Trường A không có quyết định. Mặt khác, tại biên bản làm việc ngày 17/8/2016, ông L thừa nhận chiều ngày 02/4/2016 được đại diện Trường A giao thời khóa biểu thay thế giáo viên môn hóa không có dấu và ngày 04/4/2016 nhận được thời khóa biểu có đóng dấu.
Xét tuy trường A không ra quyết định tạm thời thay thế giáo viên chủ nhiệm và thay thế giáo viên môn hóa nhưng các giáo viên trong nhà trường và ông L đã biết được thông qua cuộc họp. Vì vậy, từ ngày 02 đến ngày 04/4/2016, ông L vẫn tiếp tục vào lớp dạy khi đã có giáo viên thay thế và không bàn giao công tác chủ nhiệm, tự ý đổi tiết dạy của giáo viên Nguyễn Văn G dẫn đến xảy ra sự giằng co giữa ông L và Ban Giám hiệu làm mất trật tự lớp học, ảnh hưởng lớn đến tâm lý học sinh và hoạt động chung của Trường A. Do đó, việc ông L không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền đã vi phạm nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Viên chức 2010, nên căn cứ khoản 2 Điều 11 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ, Trường A xử lý kỷ luật ông L với hình thức cảnh cáo là có căn cứ.
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định: “Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu viên chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và chịu hình thức kỷ luật năng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc”. Vì vậy, do ông L có 02 hành vi bị xử lý kỷ luật theo hình thức cảnh cáo, nên Hiệu trưởng trường A ra Quyết định số: 201/QĐ-THPT.LHP, ngày 07/12/2016 kỷ luật buộc thôi việc đối với ông L là có căn cứ pháp luật.
- Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật:
+ Về thẩm quyền xử lý kỷ luật: Trường A là đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức và ông L không giữ chức vụ quản lý. Do đó, Hiệu trưởng Trường A tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật là đúng quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
+ Về trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật:
Ngày 12/11/2016, Trường A ra Thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật viên chức số: 177/TB-THPT.LHP và ngày 19/11/2016 ra Thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật viên chức số: 187/TB-THPT.LHP (đính chính Thông báo số: 177/TB-THPT.LHP, ngày 12/11/2016). Nội dung các thông báo trên đúng quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
Ngày 13/11/2016, Trường A ra Quyết định thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật viên chức số: 180/QĐ-THPT.LHP. Thành phần Hội đồng kỷ luật đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
Ngày 24/11/2016 và 25/11/2016, tổ Hóa – Sinh Trường A tiến hành họp kiểm điểm viên chức vi phạm kỷ luật. Thành phần tham dự cuộc họp, biên bản cuộc họp, ông L có bản tự kiểm điểm đúng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 15 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
Ngày 25/11/2018, Trường A gửi giấy mời tham gia họp xét kỷ luật viên chức số: 193/GM-THPT.LHP cho ông L đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ. Ngày 29/11/2016, Hội đồng kỷ luật viên chức tiến hành họp theo đúng trình tự quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
Ngày 03/12/2016, Hội đồng kỷ luật ra Tờ trình kiến nghị xử lý kỷ luật viên chức vi phạm số: 197/TT-THPT.LHP gửi Hiệu trưởng Trường A đúng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
Ngày 07/12/2016, Hiệu trưởng Trường A ra Quyết định số: 201/QĐ- THPT.LHP, ngày 07/12/2016 là đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
Như vậy, Hiệu trưởng Trường A ra Quyết định số: 201/QĐ-THPT.LHP, ngày 07/12/2016 là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
Đối với việc ông L cho rằng có dấu hiệu Trường A hợp thức hóa hồ sơ xử lý kỷ luật. Tại phiên tòa, bị đơn thừa nhận khi xử lý kỷ luật lần thứ 1 Trường A có nhầm lẫn trong đánh máy về thời gian trong một số văn bản nhưng không hợp thức hóa hồ sơ như ông L trình bày. Xét quá trình xử lý kỷ luật lần thứ 1 Trường A có sai sót như: Ngày 21/3/2016, Trường A ra Quyết định số: 39/QĐ-THPT thành lập tổ xác minh ý kiến đóng góp của học sinh nhưng lại theo Biên bản tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện học sinh ngày 22/3/2016; ngày 26/5/2016, tổ xác minh có Báo cáo kết quả xác minh ý kiến đóng góp của học sinh và ngày 27/5/2016, Trường A ra Kết luận về việc xác minh phản ánh của học sinh nhưng nội dung báo cáo và kết luận lại viện dẫn bản tự kiểm điểm của ông L ngày 30/5/2016. Tuy nhiên, quá trình giải quyết khiếu nại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã xác minh và kết luận về vi phạm của ông L và đã yêu cầu Trường A hủy Quyết định kỷ luật số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016 và xử lý kỷ luật lại theo quy định. Vì vậy, Trường A đã ban hành Quyết định kỷ luật số: 201/QĐ-THPT.LHP, ngày 07/12/2016 đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục như nhận định trên.
Đối với việc ông L xác định ngày 18/11/2016, Trường A ban hành Quyết định số: 181/QĐ-THPT.LHP hủy bỏ Quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc số: 104/QĐ-THPT.LHP ngày 21/7/2016, nhưng trước đó ngày 12/11/2016, Trường A đã ra Thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật viên chức số: 177/TB-THPT.LHP là xử lý kỷ luật khi quyết định chấm dứt hợp đồng đối với ông L còn hiệu lực. Xét trình bày của ông L là không có cơ sở do Quyết định chấm dứt hợp đồng số: 104/QĐ-THPT.LHP, ngày 21/7/2016 được ban hành dựa trên Quyết định kỷ luật số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016. Do đó, ngày 12/11/2016, Hiệu trưởng Trường A ban hành Quyết định số: 176/QĐ-THPT.LHP hủy Quyết định số: 90/QĐ, ngày 28/6/2016 thì Quyết định chấm dứt hợp đồng số: 104/QĐ-THPT.LHP, ngày 21/7/2016 cũng phải được hủy.
Từ những nhận định trên, Trường A xử lý kỷ luật ông L trong thời hạn xử lý kỷ luật, có căn cứ pháp luật và thẩm quyền, trình tự, thủ tục đúng quy định pháp luật. Do đó, Quyết định số: 201/QĐ-THPT.LHP, ngày 07/12/2016 kỷ luật buộc thôi việc và Quyết định số: 205/QĐ-THPT.LHP, ngày 09/12/2016 chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông L của Trường A là đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L là có cơ sở.
Đối với việc ông L rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc buộc Trường A phải: Bồi thường 4,5 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với số tiền 23.571.000 đồng; trả tiền trợ cấp thôi việc từ tháng 9/2006 đến ngày 31/12/2008 là 6.660.000 đồng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chốt sổ bảo hiểm xã hội, nếu không đóng thì phải trả số tiền 5.274.720 đồng; bồi thường 4,5 tháng tiền lương 23.571.000 đồng nếu không nhận trở lại làm việc. Quá trình xét xử phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông L cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ các yêu cầu trên là không đúng ý chí của ông L do ông khởi kiện yêu cầu hủy quyết định kỷ luật và buộc Trường A bồi thường các nghĩa vụ do buộc thôi việc trái pháp luật nên ông L kháng cáo toàn bộ bản án. Xét việc ông L rút các yêu cầu trên là tự nguyện nên Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ là đúng quy định pháp luật nên không có cơ sở chấp nhận ý kiến trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Như vậy, kháng cáo của ông L là không có cơ sở nên Hội đồng xét xử không chấp nhận, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3] Đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B: Ngày 21/11/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B ra Quyết định số: 4035/QĐ-VKS-LĐ về việc rút toàn bộ Quyết định kháng nghị phúc thẩm số: 2205/QĐ-KNPT-DS, ngày 14/8/2018. Do đó, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B.
[4] Về trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[5] Về trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[6] Về ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai: Quan điểm và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai là phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
thẩm.
[7] Về án phí: Ông Hồ Văn L được miễn toàn bộ án phí sơ thẩm và phúc.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 289 và khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Hồ Văn L, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số: 09/2018/LĐ-ST, ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B.
Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B.
- Áp dụng các Điều 16, 17, 19, 30, 52, 53 Luật Viên chức 2010; Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP, ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hồ Văn L về việc yêu cầu Trường Trung học phổ thông A nhận ông Hồ Văn L trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký và trả tiền lương từ ngày 07/12/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm với số tiền 112.765.000 đồng.
2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hồ Văn L về việc yêu cầu Trường Trung học phổ thông A phải: Bồi thường 4,5 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 23.571.000 đồng; trả tiền trợ cấp thôi việc từ tháng 9/2006 đến ngày 31/12/2008 là 6.660.000 đồng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hoặc trả bằng tiền là 5.274.720 đồng, chốt sổ bảo hiểm xã hội; bồi thường 4,5 tháng tiền lương nếu không nhận trở lại làm việc là 23.571.000 đồng.
3. Về án phí: Ông Hồ Văn L được miễn nộp toàn bộ án phí sơ thẩm và phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 11/2019/LĐ-PT về tranh chấp kỷ luật buộc thôi việc
Số hiệu: | 11/2019/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 14/06/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về