Bản án 11/2019/HSST ngày 28/01/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 11/2019/HSST NGÀY 28/01/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 28 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 81/2018/TLST-HS ngày 03 tháng 12 năm 2018, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 85/2018/QĐXXST-HS ngày 19 tháng 12 năm 2018, đối với bị cáo:

Thái Thị N sinh năm: 1992; trú tại: Xóm 1, xã XL, huyện TX, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: LĐTD; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; là Đảng viên ĐCSVN đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; con ông Thái Bá Đ và bà Lê Thị T; có chồng là Nguyễn Văn C; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 27/9/2018; có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo: Bà Lê Thị Hoài T, Luật sư văn phòng luật sư Tấn Phương thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa, có mặt.

Bị hại:

1. Bà Nguyễn Thị Phương L sinh năm: 1965 (có mặt)

2. Ông Lê Đình C sinh năm: 1957 (vắng mặt)

Cùng địa chỉ: SN 22 phố T, đường T, phường ĐT, thành phố Thanh Hóa.

3. Bà Đỗ Thị V sinh năm: 1967 (có mặt)

4. Ông Hoàng Văn T sinh năm: 1963 (có mặt)

Cùng địa chỉ: Thôn 4, xã TH, huyện TX, tỉnh Thanh Hóa

Người làm chứng: Bà Hoàng Thị N sinh năm: 1990 (vắng mặt)

Địa chỉ: Thôn 4, xã TH, huyện TX, tỉnh Thanh Hóa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong thời gian công tác tại đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện TX, tỉnh Thanh Hóa, Thái Thị N có mối quan hệ quen biết với gia đình ông Hoàng Văn T và bà Đỗ Thị V. Biết được gia đình ông T bà V có con gái là Hoàng Thị N đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc làm. N đã nói với ông T bà V là N có người quen công tác ở Bộ Công an, nên có thể nhờ xin tuyển dụng vào ngành Công an, Ông T bà V đã nhờ N xin cho chị Na. N yêu cầu ông T bà V đưa tiền để làm chi phí xin tuyển dụng. Ông T bà V đã nhiều lần đưa tiền theo yêu cầu của N như sau:

- Tháng 4/2014 (không rõ ngày), N nhận 200.000.000đ, không viết giấy biên nhận nhưng bà V đã ghi vào sổ tay của bà V.

- Ngày 31/10/2014, N nhận 300.000.000đ. Bà V đã ghi vào sổ tay của bà V, đồng thời, N cũng ghi biên nhận vào sổ tay của bà V, nội dung: "Hôm nay, ngày 31/10/2014, tôi là N có nhận của gđ chú T V số tiền 300 triệu đồng (xin việc cho chị N)".

- Tháng 01/2015, (không rõ ngày), N nhận 100.000.000đ, không viết giấy biên nhận nhưng bà V đã ghi vào sổ tay của bà V.

- Ngày 23/5/2015, N nhận 150.000.000đ, không viết giấy biên nhận nhưng bà V đã ghi vào sổ tay của bà V.

- Ngày 15/6/2015, N nhận của 100.000.000đ, không viết giấy biên nhận nhưng bà V đã ghi vào sổ tay của bà V; đồng thời bà V đã cộng tổng số tiền mà N đã nhận là 850.000.000đ rồi viết vào sổ tay của bà V, N ký xác nhận về số tiền đã nhận.

- Ngày 29/10/2015, N nhận 200.000.000đ và ghi biên nhận vào sổ tay của bà V, nội dung: "Ngày 29/10/2015, tôi có nhận số tiền của gđ là 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng chẵn)". Đồng thời, N đã ghi xác nhận vào sổ tay của bà V, nội dung: "Tổng số tiền đã nhận từ 4/2014 đến 10/2015 là 1.050.000.000đ (Một tỷ không trăm năm mươi triệu đồng)".

- Ngày 7/11/2015, N nhận 150.000.000đ ghi biên nhận vào sổ tay của bà V, nội dung: "Ngày 7/11/2015, tôi có nhận số tiền của gđ là 150.000.000đ (Một trăm năm mươi triệu)". Đồng thời, N đã ghi xác nhận vào sổ tay của bà V tổng số tiền đã nhận 7 lần nêu trên, nội dung: "Tổng số tiền là 1.200.000.000đ (Một tỷ hai trăm triệu đồng)".

Nay N khẳng định số tiền N nhận từ ông T bà V, N không đưa cho bất kỳ ai để xin việc cho chị N mà N sử dụng chi tiêu cá nhân hết, đến nay N không có khả năng trả lại.

Kết luận giám định số 1247/KLGĐ-PC54 ngày 05/7/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận: Chữ viết trên tài liệu cần giám định (kí hiệu từ A1 đến A5) so với chữ viết trên các tài liệu mẫu so sánh (kí hiệu M1, M2 và M3) do cùng một người (Thái Thị N) viết ra.

Tổng cộng N nhận của ông T bà V 1.200.000.000đ. Đến nay N không xin việc cho chị N như đã hứa và do ông T bà V nhiều lần đòi tiền thì N mới trả được 200.000.000đ; còn lại 1.000.000.000đ, N chưa trả.

Trong thời gian N được Công an tỉnh Thanh Hóa cử đi học lớp liên thông từ trung cấp lên đại học do Học viện CSND liên kết mở tại Thanh Hóa, N có gặp vợ ông Lê Đình C (cậu của N) là Nguyễn Thị Phương L để đặt vấn đề xin tuyển dụng vào ngành Công an cho con của ông C bà L là Lê Thùy D. Do tin tưởng N là con cháu trong nhà và cho rằng N có mối quan hệ nên ông C bà L đồng ý đưa tiền để N xin tuyển dụng vào ngành Công an cho chị D, cụ thể như sau:

- Ngày 20/01/2017, N nhận của ông C bà L 400.000.000đ. N viết "Giấy nhận tiền", nội dung: "Tôi: Thái Thị N … Nay tôi có nhận số tiền 400.000.000đ (Bằng chữ Bốn trăm triệu đồng chẵn) của gia đình Lê Đình C, số nhà 22 TC, phường ĐT, thành phố Thanh Hóa để xin việc cho em Lê Thùy D vào ngành Công an".

- Ngày 21/02/2017, N nhận của ông C bà L 500.000.000đ. N viết "Giấy nhận tiền", nội dung: "Tôi tên là: Thái Thị N …..Ngày 21/2/2017, tôi có nhận số tiền 500.000.000đ (Bằng chữ năm trăm triệu đồng chẵn) để xin việc cho chị Lê Thùy D ở số nhà 22 TC, phường ĐT, thành phố Thanh Hóa vào công tác trong ngành Công an nhân dân".

- Ngày 19/5/2017, N nhận của ông C bà L 300.000.000đ. N viết "Giấy nhận tiền", nội dung: "Tôi: Thái Thị N…có nhận số tiền 300.000.000đ (Bằng chữ ba trăm triệu đồng của gia đình cậu, mợ L, T để xin việc cho em D vào Công an nhân dân năm 2017".

Kết luận giám định số 2055/KLGĐ-PC09 ngày 14/10/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận: Chữ viết đứng tên Thái Thị N, chữ ký dạng chữ viết "Nhien", chữ viết họ tên "Thái Thị N" trên tài liệu cần giám định (kí hiệu từ A1 đến A6) so với chữ viết đứng tên Thái Thị N, chữ ký dạng chữ viết "N", chữ viết họ tên "Thái Thị N" trên các tài liệu mẫu so sánh (kí hiệu từ M1 đến M5) do cùng một người viết ra.

Trong quá trình điều tra, N thừa nhận đã nhận của ông C bà L tổng số tiền 1.200.000.000đ và hứa xin cho Lê Thị D được tuyển dụng vào ngành Công an. Nhưng thực tế, N không có khả năng xin tuyển dụng cho D, không đưa tiền cho bất kỳ ai để xin việc cho chị D; số tiền nhận của ông C bà L để xin việc cho chị D, N đã chi tiêu cá nhân hết, đến nay không có khả năng thanh toán.

Như vậy đến nay N còn chiếm đoạt của ông T bà V 1.000.000.000đ, ông C bà L 1.200.000.000đ.

Phần dân sự: Bị cáo đã bồi thường cho bị hại ông T và bà V 200.000.000đ; Chưa bồi thường cho ông C bà L.

Tại cáo trạng số 50/CT-VKS-P2 ngày 19/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã truy tố bị cáo Thái Thị N về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo qui định tại điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS 1999. Tại phiên tòa trong lời luận tội đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 BLHS 1999, xử phạt bị cáo mức hình phạt từ 14 năm 6 tháng tù đến 15 năm 6 tháng tù, buộc bị cáo phải trả cho ông T bà V 1 tỷ đồng, ông C bà L 1,2 tỷ đồng.

Người bào chữa cho bị cáo có ý kiến: Căn cứ các lài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có căn cứ chứng minh bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của ông T bà V, ông C bà L mỗi gia đình là 1,2 tỷ đồng. Tuy N đề nghị xem xét bị cáo đã thành khẩn khai báo; tự nguyện bồi thường một phần tài sản cho bị hại vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét căn cứ điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 BLHS 1999 giảm cho bị cáo một phần hình phạt.

Bị hại đề nghị: Về dân sự buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền còn chiếm đoạt. Về trách nhiệm hình sự đề nghị xét xử bị cáo theo quy định của pháp luật để đảm bảo răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ ánđã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Về hành vi, thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố trong vụ án này đã thực hiện đúng quy định của pháp luật.

[2] Về hành vi phạm tội. Tại phiên tòa bị cáo N thừa nhận từ năm 2014 đến năm 2017, tuy không có khả năng để xin việc cho chị Hoàng Thị N, chị Lê Thùy D nhưng bị cáo lại nói là có thể xin được để các bị hại ông T và bà V, ông C và bà L (là bố mẹ của chị N, chị D) tin tưởng giao tiền. Sau nhiều lần nhận tổng số tiền 2.400.000.000đ (trong đó ông T và bà V là 1.200.000.000đ, ông C và bà L là 1.200.000.000đ), N không đến bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền nào cũng như không giao dịch với bất cứ ai xin việc như đã hứa hẹn mà sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân, đến nay mới trả được cho ông T và bà V số tiền 200.000.000đ còn lại 2.200.000.000đ chưa trả. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, lời khai người bị hại, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác phản án tại hồ sơ.

Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Hành vi nêu trên của bị cáo Thái Thị N đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo qui định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999, như đề nghị của đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa là đúng pháp luật.

[3]. Về tính chất vụ án, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Bị cáo là người làm việc tại cơ quan pháp luật, có hiểu biết, có kiến thức nhất định về mặt pháp luật, lẽ ra phải sống tuân thủ luật pháp, làm gương cho mọi người, tuy N tại lại lợi dụng sự thân thiết, sự tin tưởng của người bị hại để thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo thể hiện sự táo bạo, gây bức xúc cho người bị hại và quần chúng nhân dân, gây mất trật tự trị an, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân. Số tiền chiếm đoạt rất lớn, tính chất vụ án là đặt biệt nghiêm trọng, vì vậy cần xử lý nghiêm để giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

Bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần (điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS 1999). Căn cứ mức độ nguy hiểm, tính chất hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng TNHS, cần cách ly bị cáo khỏi cộng đồng xã hội một thời gian dài để cải tạo, giáo dục bị cáo và làm gương cho kẻ khác. Tuy N khi lượng hình cũng cần xem xét bị cáo nhân thân chưa có tiền án, tiền sự; tự nguyện bồi thường một phần số tiền đã chiếm đoạt cho người bị hại; quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa thành khẩn khai báo; tỏ ra ăn năn hối cải (các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999) cũng cần giảm cho bị cáo một lượng hình phạt để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật, yên tâm cải tạo tốt, sớm trở về thành người công dân có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội.

[4] Dân sự: Người bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền đã chiếm đoạt chưa bồi thường tổng là 2.200.000.000đ (ông T bà V 1.000.000.000đ, ông C bà L 1.200.000.000đ). Yêu cầu của người bị hại là có cơ sở, vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 584; khoản 1 Điều 585; Điều 589 Bộ luật dân sự buộc bị cáo phải bồi thường.

[5] Án phí: Bị cáo phải chịu án phí HSST, DSST theo quy định tại Điều 6; điểm a, c khoản 1 Điều 23; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: Điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 BLHS 1999. Khoản 1 Điều 584; khoản 1 Điều 585; Điều 589 BLDS. Điều 6; điểm a, c khoản 1 Điều 23; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Tuyên bố: Bị cáo Thái Thị N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Xử phạt: Bị cáo Thái Thị N 17 (mười bảy) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 27/9/2018. Dân sự: Công nhận bị cáo đã bồi thường cho ông Hoàng Văn T và bà Đỗ Thị V số tiền 200.000.000đ.

Buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho ông T và bà V số tiền là: 1.000.000.000đ (Một tỷ đồng chẵn); Bồi thường cho ông Lê Đình C và bà Nguyễn Thị Phương L số tiền 1.200.000.000đ (Một tỷ hai trăm triệu đồng chẵn)

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày ông T và bà V, ông C và bà L có đơn yêu cầu bị cáo bồi thường, nếu bị cáo không bồi thường hoặc bồi thường không đầy đủ thì còn chịu thêm khoản tiền lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS.

Án phí: Bị cáo phải nộp 200.000đ án phí HSST và 76.000.000đ án phí DSST.

Bị cáo, người bị hại có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án Dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Bị cáo, người bị hại có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận (hoặc ngày niêm yết) bản án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

256
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 11/2019/HSST ngày 28/01/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:11/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;