TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KRÔNG BÔNG, TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN SỐ 11/2019/HNGĐ-ST NGÀY 14/11/2019 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP VỀ NUÔI CON
Ngày 14 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số: 137/2019/TLST-HNGĐ ngày 02 tháng 10 năm 2019 về việc “Ly hôn, tranh chấp việc nuôi con” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 12/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 29/10/2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Kim T, sinh năm 1995
Địa chỉ: Thôn H, xã X, Thành phố T, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).
Bị đơn: anh Võ Văn T1, sinh năm 1989
Địa chỉ: Thôn B, xã R, huyện B, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khơi kiên ngay 20 tháng 9 năm 2019 và lời khai trong qua trinh giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thâm, nguyên đơn chị Nguyễn Thị Kim T, trình bày:
[1]. Về quan hệ hôn nhân: Tôi với anh Võ Văn T1 kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại UBND xã R, huyện B, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 19/8/2016. Sau khi kết hôn hai vợ chồng sinh sống tại xã R, huyện B. Cuộc sống mới kết hôn hạnh phúc được một năm sau đó phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do chồng tôi không có việc làm ổn định và không thống nhất được cách chọn việc làm, tôi muốn anh T1 về bên ngoại ở để thuận lợi trong việc tìm việc làm phù hợp nhưng anh T1 không đồng ý, anh T1 có tính gia trưởng, không tôn trọng gia đình bên ngoại, khi tôi về nhà ngoại để sinh con anh T1 không quan tâm gì đến tôi, mỗi lần lên thăm con thì cũng chỉ thăm con mà không một lời hỏi han vợ và gia đình bên ngoại. Quan hệ giữa vợ chồng đã mâu thuẫn trầm trọng, tôi và gia đình hai bên nội ngoại góp ý khuyên giải để vợ chồng giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái nhưng anh T1 vẫn không thay đổi. Vợ chồng tôi sống ly thân từ đầu năm 2017 đến nay, tôi đã về nhà mẹ đẻ tại thôn H, xã X, thành phố T ở. Nay xét thấy tình cảm không còn, tôi yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với anh Võ Văn T1.
- Bị đơn, anh Võ Văn T1, trình bày:
Về hôn nhân: Tôi với cô T kết hôn trên cơ sở tự nguyện có đăng ký kết hôn tại UBND xã R, huyện B, tỉnh Đắk Lắk vào năm 2016. Sau khi kết hôn vợ chồng tôi sống hạnh phúc được một thời gian. Vợ chồng tôi không thống nhất được chọn việc làm, vợ tôi đã bỏ về nhà mẹ đẻ tại thôn H, xã X, thành phố T ở từ ngày 01/6/2017 từ đó đến nay, sau đó tôi vẫn thường xuyên lên thăm con. Sau khi cô T về ngoại được khoảng 2 tuần tôi có góp tiền cùng với anh chị của tôi mua máy gặt đập liên hợp để đi gặt lúa thuê, tuy nhiên do làm ăn không thuận lợi nên đã phải bán máy gặt và bị lỗ vốn, vì lý do đó cô T cho rằng tôi tự ý làm mà không thông qua ý kiến của cô ấy nên cũng có lời qua tiếng lại nhưng chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhặt. Vợ tôi muốn tôi cùng về bên ngoại ở nhưng tôi thấy ở B tôi đã có nhà ở riêng, do tôi thấy không hợp lý nên tôi không chịu về bên ngoại ở, vợ tôi muốn ly hôn tôi cho rằng một phần xuất phát từ sự xúi giục của mẹ cô T mà không phải do mâu thuẫn trầm trọng, chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nay vợ tôi yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn tôi thì tôi không đồng ý ly hôn vì tôi muốn hàn gắn để nuôi dạy con chung.
[2] Về con chung: Chị T và anh T1 thống nhất trình bày: Chị T với anh T1 có 01 người con chung, tên là: Võ Ngọc Ánh M - sinh ngày 22/10/2017.
Khi ly hôn, chị T và anh T1 đều có nguyện vọng được trực tiếp nuôi dưỡng cháu Võ Ngọc Ánh M cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.
[3] Về cấp dưỡng: Chị T yêu cầu anh T1 cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 2.000.000 đồng cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi. Anh T1 không đồng ý cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng với mức 2.000.000 đồng/tháng, mức cấp dưỡng anh T1 sẽ tự căn cứ theo thu nhập và trách nhiệm của người cha đối với con. Trường hợp anh T1 trực tiếp nuôi con, anh T1 không yêu cầu chị T phải cấp dưỡng nuôi con.
[4] Về tài sản chung và nợ chung: Chị T và anh T1 đều thống nhất không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày và xác nhận của đương sự trước phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền: Yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Kim T yêu cầu Tòa án giải quyết “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Krông Bông theo quy định tại khoản 1 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung vụ án:
- Về hôn nhân: Chị Nguyễn Thị Kim T với anh Võ Văn T1 kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại UBND xã R, huyện B, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 19/8/2016. Chị T cho rằng: Sau khi kết hôn hai vợ chồng sinh sống tại xã R, huyện B. Cuộc sống mới kết hôn hạnh phúc được một năm sau đó phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do anh T1 không có việc làm ổn định và không thống nhất được cách chọn việc làm, chị T muốn anh T1 cùng về nhà bên ngoại ở để thuận tiện trong việc tìm việc làm nhưng anh T1 không đồng ý, anh T1 có tính gia trưởng, không tôn trọng gia đình bên ngoại, khi chị T về nhà ngoại để sinh con anh T1 không quan tâm gì đến vợ, mỗi lần lên thăm con thì cũng chỉ thăm con mà không một lời hỏi han vợ và gia đình bên ngoại. Quan hệ giữa vợ chồng đã mâu thuẫn trầm trọng, chị T cũng đã bỏ qua và góp ý để giữ hạnh phúc gia đình nhưng anh T1 không thay đổi. Chị T và anh T1 đã sống ly thân từ đầu năm 2017, nay xét thấy tình cảm không còn, chị T yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với anh T1. Anh T1 cho rằng: sau khi kết hôn vợ chồng sống hạnh phúc được một thời gian, vợ chồng không thống nhất được chọn việc làm, chị T đã bỏ về nhà mẹ đẻ tại thôn H, xã X, thành phố T ở từ ngày 01/6/2017 từ đó đến nay, sau đó anh vẫn thường xuyên lên thăm con. Sau khi chị T về ngoại được khoảng 2 tuần anh T1 có góp tiền cùng với anh chị mua máy gặt đập liên hợp để đi gặt lúa thuê, do làm ăn không thuận lợi nên đã phải bán máy gặt và bị lỗ vốn, vì lý do đó chị T cho rằng không thông qua ý kiến của chị T nên cũng có lời qua tiếng lại nhưng chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhặt. Chị T muốn ly hôn anh T1 cho rằng xuất phát từ sự xúi giục của mẹ cô T mà không phải do mâu thuẫn trầm trọng. Nay chị T yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn, anh T1 không đồng ý ly hôn và muốn hàn gắn tình cảm để nuôi dạy con cái.
Tại biên bản xác minh mâu thuẫn gia đình ngày 29/10/2019 ông Ngô Văn H – Thôn trưởng thôn B, xã R, huyện B, cho biết: anh Võ Văn T1 và chị Nguyễn Thị Kim T có đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn B, xã R. Sau khi kết hôn, anh T1 và chị T chung sống tại thôn B, xã R được một thời gian thì anh T1 và chị T có phát sinh mâu thuẫn. Chị T bỏ về nhà mẹ đẻ tại thôn H, xã X, Thành phố B ở từ đầu năm 2017 và vợ chồng sống ly thân từ đó đến. Nay chị T yêu cầu giải quyết ly hôn với anh T1, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Qua lời trình bày của các đương sự và biên bản xác minh, HĐXX xét thấy giữa chị T và anh T1 thực tế có xảy ra mâu thuẫn gia đình, nguyên nhân mâu thuẫn xuất phát từ kinh tế gia đình, quan điểm về chọn việc làm và lựa chọn nơi ở của cả hai người, chị T muốn anh T1 về bên ngoại ở thành phố B để thuận tiện tìm việc làm nhưng anh T1 cho rằng đã có nhà riêng ở huyện B nên không đồng ý, từ khi sống ly thân đến nay anh T1 mỗi lần đến chỉ thăm con mà không quan tâm gì đến chị T và có lời hỏi thăm gia đình bên ngoại. Hai bên đều thừa nhận đã sống ly thân từ đầu năm 2017 đến nay, vợ chồng không còn quan tâm chăm sóc nhau, nay chị T yêu cầu giải quyết ly hôn, anh T1 không đồng ý ly hôn mà đưa ra lý do chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình và còn tình cảm tình cảm với chị T, lý do chị T muốn ly hôn xuất phát một phần từ sự xúi giục của mẹ chị T mà không phải là mâu thuẫn trầm trọng. Căn cứ vào thời gian ly thân đã lâu để khẳng định giữa chị T và anh T1 mâu thuẫn gia đình đã đến mức trầm trọng, lý do anh T1 đưa ra không chính đáng nên không được HĐXX chấp nhận. Chị T và anh T1 ly thân đã lâu, mâu thuẫn gia đình giữa đã đến mức trầm trọng, không còn có sự thương yêu, quan tâm chăm sóc lẫn nhau, mục đích hôn nhân không đạt được, cuộc sống chung không thể kéo dài và không còn khả năng đoàn tụ. Do đó, yêu cầu khởi kiện của chị T cần được HĐXX chấp nhận, cho chị Nguyễn Thị Kim T được ly hôn với anh Võ Văn T1 là phù hợp theo quy định tại Điều 51 và Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình.
[2] Về con chung: Chị T và anh T1 thống nhất trình bày: Chị T với anh T1 có 01 người con chung, tên là: Võ Ngọc Ánh M - sinh ngày 22/10/2017.
Khi ly hôn, chị T và anh T1 đều có nguyện vọng muốn được trực tiếp nuôi dưỡng cháu M. Chị T cho khoảng 2 tháng nay, anh T1 đón con về nuôi dưỡng, mỗi lần chị T về thăm con anh T1 hạn chế thời gian thăm con, chỉ cho phép chị được bế con một thời gian ngắn rồi anh T1 và gia đình ngăn cản, giật lấy con trên tay chị T nên chị T cho rằng quyền lợi của người mẹ đối với con không được bảo đảm nên không đồng ý giao con cho anh T1 trực tiếp nuôi dưỡng. Mặt khác, hiện nay chị cũng có việc làm ổn định có thu nhập để nuôi con. Anh T1 cho rằng lúc mới đón con về nuôi, thấy con bị bệnh cảm cúm mà chị T không quan tâm đem đi khám và chữa trị, cháu có dấu hiệu tự kỷ qua biểu hiện hay sợ người lạ, do vậy anh T1 không muốn giao con cho chị T trực tiếp nuôi dưỡng. Qua lời trình bày của các đương sự cho thấy, điều kiện kinh kế, tư cách đạo đức cả chị T và anh T1 đều có đủ điều kiện tối thiểu về mọi mặt để chăm lo, nuôi dạy con chung, ý kiến các bên đưa ra đều hợp lý. Tuy nhiên, các đương sự không thỏa thuận được, xét thấy cháu Võ Ngọc Ánh M – sinh ngày 22/10/2017, tính đến ngày xét xử sơ thẩm là chưa đủ 36 tháng tuổi, cần có sự chăm sóc của người mẹ và để bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con. Do đó, HĐXX căn cứ vào khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình, xét thấy yêu cầu của chị T là phù hợp với quy định của pháp luật nên cần được chấp nhận. Giao cháu Võ Ngọc Ánh M cho chị T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho đến khi cháu M đủ tròn 18 tuổi.
- Về cấp dưỡng: Chị T yêu cầu anh T1 cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 2.000.000 đồng cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi. Anh T1 không đồng ý cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng với mức 2.000.000 đồng/tháng, mức cấp dưỡng anh T1 sẽ tự căn cứ theo thu nhập và trách nhiệm của người cha đối với con.
HĐXX, xét thấy anh T1 đang trong độ tuổi lao động và có tạo ra được thu nhập để cấp dưỡng nuôi con chung và để bảo đảm cho con có được đủ điều kiện để ăn học hàng ngày, việc chị T yêu cầu cấp dưỡng mức 2.000.000đ/tháng là hơi cao so với mức thu nhập thực tế, do vậy căn cứ vào mức lương cơ sở vùng để buộc anh T1 phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho chị T mỗi tháng 1.490.000đ để nuôi cháu M đến khi cháu M đủ tròn 18 tuổi là phù hợp với khả năng kinh tế anh T1 và bảo đảm được mức sống tối thiểu cho cháu M.
- Về tài san chung và nợ chung : Các đương sự thống nhất không yêu cầu nên HĐXX không xem xét giải quyết.
[3] Về an phí: Chị Nguyễn Thị Kim T phải chịu tiền án phí hôn nhân gia đình.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 48; 203; 220; 266; 271; 273; 278; khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ các Điều 51; 56; 81; 82; 83; 84 Luật Hôn nhân và gia đình;
- Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Kim T về việc “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con”.
[1] Về quan hệ hôn nhân: Chị Nguyễn Thị Kim T được ly hôn với anh Võ Văn T1. Giấy chứng nhận kết hôn số 42, ngày 19/8/2016 do Ủy ban nhân dân xã R, huyện B, tỉnh Đắk Lắk cấp cho chị T và anh T1 hết hiệu lực kể từ ngày bản án này có hiệu lực pháp luật.
[2] Về con chung: Giao con chung Võ Ngọc Ánh M – sinh ngày 22/10/2017 cho chị Nguyễn Thị Kim T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho đến khi cháu M đủ tròn 18 tuổi.
[3] Về cấp dưỡng: anh Võ Văn T1 có trách nhiệm đóng góp cho chị Nguyễn Thị Kim T mỗi tháng là 1.490.000đ (Một triệu bốn trăm chín mươi nghìn đồng) để cấp dưỡng nuôi con chung là cháu Võ Ngọc Ánh M đến khi đủ tròn 18 tuổi. Đóng góp vào ngày 15 hàng tháng. Thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Người không trực tiếp nuôi con chung được thực hiện mọi quyền và nghĩa vụ đối với các con chung không trực tiếp nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật như: có quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung, không ai được cản trở thực hiện quyền này.
Để đảm bảo quyền lợi chung của con chưa đủ tuổi thành niên, các bên có quyền xin thay đổi người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con do các bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
[4] Về án phí: Chị Nguyễn Thị Kim T phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền 300.000đ mà chị T đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai số 0005969 ngày 01/10/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Bông. Chị T đã nộp đủ.
Nguyên đơn, bị đơn có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Trường hợp Quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 11/2019/HNGĐ-ST ngày 14/11/2019 về ly hôn, tranh chấp nuôi con
Số hiệu: | 11/2019/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Krông Bông - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 14/11/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về