Bản án 11/2017/HSST ngày 26/06/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TRẦN ĐỀ, TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 11/2017/HSST NGÀY 26/06/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 26/6/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm, công khai vụ án hình sự thụ lý số 08/2017/HSST ngày 24/5/2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Phạm Quốc Đ; Sinh năm: 1977; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Thợ rèn; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Trình độ văn hóa: 8/12; Con ông Phạm Quốc H (sống) và bà Võ Thị H (chết); Bị cáo có vợ là Huỳnh Thị T, sinh năm 1974; Bị cáo có 05 người con, lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2005; Bị cáo có 06 người anh chị em ruột, lớn nhất sinh năm 1975, nhỏ nhất sinh năm 1986; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 27/02/2017 đến ngày 07/3/2017 được tại ngoại đến nay. (có mặt)

* Người bị hại: Ông Lâm Tiểu B; Sinh năm: 1977; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

* Người làm chứng:

1. Ông Lâm H; Sinh năm: 1976; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

2. Ông Liêu X; Sinh năm: 1978; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

3. Ông Đinh Ngọc C; Sinh năm: 1958; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

4. Ông Thạch S; Sinh năm: 1961; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

5. Ông Lý D; Sinh năm: 1948; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

6. Bà Thạch Thị H; Sinh năm: 1975; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

* Người phiên dịch tiếng Khmer: Ông Nhang Út X; Sinh năm: 1983; Dân tộc: Khmer; Nơi công tác: Trường TH L A, xã L, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

NHẬN THẤY

Bị cáo Phạm Quốc Đ bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Vào lúc khoảng 17 giờ 30 phút ngày 06/7/2016, Phạm Quốc Đ và ông Lâm Tiểu B xảy ra cự cãi tại quán nước của ông Lâm H ở ấp B, xã T vì ba ngày trước đó Đ nhắn tin vào điện thoại của ông B nội dung “Từ đây trở về sau tao nghỉ chơi với mày rồi vì mày chơi điếm quá”. Lúc này, ông B dùng tay đánh Đ trúng vào vùng lưng và vùng trán thì được ông Lý Chao L can ngăn, thì Đ điều khiển xe chạy về nhà. Sau đó, Đ quay trở lại quán nước của ông H để tìm điện thoại thì bị ông B dùng ly thủy tinh ném Đ nhưng không trúng, ông B chặn đầu xe dọa đánh Đ và không cho Đ về, thì được ông L can ngăn và Đ điều khiển xe chạy về nhà. Khi về đến nhà, Đ lấy một cây dao dài 77cm, có cán bằng gỗ dài 39cm, lưỡi dao bằng kim loại sắc bén dài 38cm (loại dao dùng để dọn cây cỏ) và điều khiển xe đến quán nước của ông H tìm ông B. Khi đến quán nước của ông H, Đ dùng dao chém B thì B cầm ghế nhựa lên đỡ nên lưỡi dao chém trúng vào tay trái của ông B, Đ tiếp tục chém cái thứ hai trúng vào vùng đầu của ông B thì Đ dừng lại và đi về nhà. Sau đó, Đ đến Công an xã T trình báo sự việc. Đối với ông B được ông L đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng điều trị thương tích đến ngày 28/7/2016 xuất viện. Do vết thương bị nhiễm trùng, ngày 21/9/2016 ông B tiếp tục nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 30/9/2016 thì điều trị khỏi và xuất viện.3

Sau khi nhận được tin báo, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Trần Đề đã tiến hành điều tra, xác minh vụ việc và ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe đối với Lâm Tiểu B và Phạm Quốc Đ. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 162/TgT-PY ngày 16/9/2016 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của Lâm Tiểu B do thương tích gây nên hiện tại là 21%, các thương tích do vật sắc gây nên, thương tích vùng đỉnh-chẩm trái là vùng nguy hiểm đến tính mạng, thương tích mô út bàn tay trái hạn chế chức năng gấp duỗi ngón IV, V. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 175/TgT-PY ngày 14/10/2016 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của Phạm Quốc Đ do thương tích gây nên hiện tại là 00%.

Xét thấy hành vi của Phạm Quốc Đ đã có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, ngày 23/02/2017, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Trần Đề ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Quốc Đ về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Ngày 27/02/2017, Phạm Quốc Đ bị  áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Đến ngày 07/3/2017, Phạm Quốc Đ bị bệnh nên được thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đối với ông Lâm Tiểu B có hành vi dùng tay đánh Phạm Quốc Đ gây tổn thương cơ thể là 00% nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Tại Cáo trạng số 10/QĐ-KSĐT, ngày 23/5/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng để xét xử đối với Phạm Quốc Đ về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Quốc Đ khai nhận hành vi đã thực hiện như cáo trạng đã nêu.

- Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề tham gia phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng đã nêu. Sau khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề đề nghị Hội đồng xét xử:

+ Tuyên bố bị cáo Phạm Quốc Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

+ Áp dụng khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị quyết số 109/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội; Nghị quyết số 144/2016/NQ-QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 33, điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

+ Xử phạt bị cáo Phạm Quốc Đ từ 09 tháng đến 01 năm 06 tháng tù.

+ Đồng thời, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết về bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng và án phí của vụ án.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

* Tại phiên tòa, vắng mặt người làm chứng Lâm H, Thạch S và Lý D. Xét sự vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc xét xử, sau khi thảo luận tại phòng xử án, căn cứ vào các điều 192 và 199 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Hội đồng xét xử thống nhất vẫn tiến hành xét xử vụ án.

* Tại phiên toà, bị cáo Phạm Quốc Đ đã khai nhận: Vào lúc chiều tối ngày 06/7/2016, do tức giận việc ông Lâm Tiểu B dùng tay đánh vào lưng và trán, dùng ly thủy tinh ném và chặn đầu xe không cho về, bị cáo Đ đã về nhà lấy một cây dao dài 77cm, có cán bằng gỗ dài 39cm, lưỡi dao bằng kim loại sắc bén dài 38cm (loại dao dùng để dọn cây cỏ) đến quán nước của ông Lâm H chém ông B trúng vào tay trái và vùng đầu gây thương tích.

Lời thừa nhận của bị cáo tại phiên tòa hôm nay là phù hợp với lời khai trước đây của bị cáo tại cơ quan điều tra và phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng và vụ án còn được chứng minh qua các tài liệu, chứng cứ như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng, kết luận giám định và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án mà cơ quan điều tra đã thu thập được.

Bị cáo Phạm Quốc Đ là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đã có hành vi cố ý dùng dao dài 77cm, có cán bằng gỗ dài 39cm, lưỡi dao bằng kim loại sắc bén dài 38cm (loại dao dùng để dọn cây cỏ) chém ông Lâm Tiểu B gây thương tích. Theo kết luận giám định, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của Lâm Tiểu B do thương tích gây nên hiện tại là 21%, các thương tích do vật sắc gây nên, thương tích vùng đỉnh-chẩm trái là vùng nguy hiểm đến tính mạng, thương tích mô út bàn tay trái hạn chế chức năng gấp duỗi ngón IV, V, nên bị cáo Đ đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”. Xét về hung khí mà bị cáo dùng để gây thương tích cho người bị hại là loại dao dùng để dọn cỏ, có lưỡi bằng kim loại sắc bén, đây là loại hung khí nguy hiểm và thương tích làm giảm chức năng gấp duỗi ngón IV, V bàn tay trái của người bị hại nên bị cáo đã phạm tội thuộc trường hợp “Dùng hung khí nguy hiểm” và “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Do vậy, đã có đủ căn cứ kết luận bị cáo Phạm Quốc Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, khung hình phạt đối với tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là từ 02 năm đến 07 năm tù, trong khi đó khung hình phạt đối với tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là từ 02 năm đến 05 năm tù. Như vậy, việc áp dụng điều khoản tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 2015 để làm căn cứ quyết định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, căn cứ vào Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 để làm căn cứ quyết định trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Phạm Quốc Đ và không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” đối với bị cáo Đ.

Hành vi phạm tội do bị cáo Phạm Quốc Đ thực hiện không những xâm hại đến sức khỏe của công dân mà còn gây mất trật tự trị an xã hội. Với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng một mức án tù nghiêm khắc đối với bị cáo, để có tác dụng trừng trị, giáo dục bị cáo thành người có ích cho xã hội và có tác dụng phòng ngừa chung cho toàn xã hội.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng cân nhắc việc bị cáo Phạm Quốc Đ là người có nhân thân tốt; bị cáo đã bồi thường thiệt hại một phần chi phí điều trị thương tích cho người bị hại; tại phiên toà hôm nay, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại; bị cáo đầu thú về hành vi phạm tội và bà nội và cậu ruột bị cáo là người có công với cách mạng. Khi lượng hình, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, điểm đ, điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với bị cáo, trên cơ sở đó áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để quyết định hình phạt đối với bị cáo, nhằm giảm nhẹ một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu, đồng thời cũng thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật Nhà nước ta.

* Đối với ông Lâm Tiểu B có hành vi dùng tay đánh bị cáo Phạm Quốc Đ gây tổn thương cơ thể là 00% chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.

* Về bồi thường thiệt hại: Bị cáo Phạm Quốc Đ đã bồi thường cho ông Lâm Tiểu B số tiền là 6.000.000 đồng. Tại phiên tòa, người bị hại B yêu cầu bị cáo Đ bồi thường các khoản chi phí điều trị thương tích và các khoản khác với tổng số tiền là 30.000.000 đồng. Tại phiên tòa, bị cáo Đ không yêu cầu người bị hại B bồi thường thiệt hại. Tại phiên tòa, bị cáo Đ và người bị hại B thống nhất xác định thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm của ông B gồm các khoản tiền tàu xe, thu nhập thực tế bị mất của người bị hại trong thời gian điều trị thương tích, thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị hại trong thời gian điều trị thương tích, tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người bị hại, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị hại với tổng số tiền là 30.000.000 đồng. Trong vụ án này, ông Lâm Tiểu B cũng có lỗi nên căn cứ vào Điều 585 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử xác định ông Lâm Tiểu B phải chịu 30% thiệt hại tương đương số tiền là 9.000.000 đồng và bị cáo Phạm Quốc Đ phải bồi thường 70% thiệt hại cho ông Lâm Tiểu B với số tiền là 21.000.000 đồng. Sau khi đối trừ số tiền đã bồi thường là 6.000.000 đồng, bị cáo Đ có trách nhiệm tiếp tục bồi thường cho ông B số tiền là 15.000.000 đồng.

* Về xử lý vật chứng:

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Trần Đề đã thu giữ vật chứng của vụ án là 01 (Một) cây dao dài 77cm, cán dao bằng gỗ tròn dài 39cm, lưỡi dao bằng kim loại mũi nhọn, màu đen dài 38cm, rộng 04cm (hiện do Chi cục Thi hành án dân sự huyện T quản lý theo Biên bản giao, nhận vật chứng ngày 23/5/2017).

Xét vật chứng trên là công cụ phạm tội hiện không sử dụng được, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, tịch thu và tiêu hủy đối với vật chứng của vụ án.

* Về án phí: Căn cứ Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và các điều 23 và 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, thì bị cáo Phạm Quốc Đ chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng và chịu án phí dân sự sơ thẩm là 750.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

* Tuyên bố bị cáo Phạm Quốc Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

* Áp dụng khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 33, điểm b, điểm đ, điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 và Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với bị cáo Phạm Quốc Đ.

* Xử phạt bị cáo Phạm Quốc Đ 01 (Một) năm tù, nhưng được trừ vào thời gian tạm giam là 09 ngày (từ ngày 27/02/2017 đến ngày 07/3/2017), hình phạt tù còn lại bị cáo phải chấp hành là 11 (Mười một) tháng 21 (Hai mươi mốt) ngày, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

* Về bồi thường thiệt hại:

Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điều 584, 585, 586, 590 và 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

- Xử buộc bị cáo Phạm Quốc Đ có trách nhiệm tiếp tục bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho người bị hại Lâm Tiểu B các khoản chi phí cứu chữa, thu nhập thực tế bị mất của người bị hại trong thời gian điều trị thương tích, thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị hại trong thời gian điều trị thương tích, tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người bị hại, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị hại với tổng số tiền là 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng).

- Về nghĩa vụ chậm thi hành án dân sự: Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Về hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

* Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, tịch thu và tiêu hủy đối với vật chứng vụ án là 01 (Một) cây dao dài 77cm, cán dao bằng gỗ tròn dài 39cm, lưỡi dao bằng kim loại mũi nhọn, màu đen dài 38cm, rộng 04cm (hiện do Chi cục Thi hành án dân sự huyện T quản lý theo Biên bản giao, nhận vật chứng ngày 23/5/2017).

* Về án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và các điều 23 và 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử buộc bị cáo Phạm Quốc Đ chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) và chịu án phí dân sự sơ thẩm là 750.000 đồng (Bảy trăm năm mươi ngàn đồng).

* Về quyền kháng cáo bản án: Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

296
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 11/2017/HSST ngày 26/06/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:11/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Trần Đề - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/06/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;