TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 11/2017/DSST NGÀY 18/09/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Trong ngày 18/9/2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số 30/2016/TLST-DS ngày 20/10/2016 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 40/2017/QĐST-DS ngày 25/8/2017 giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1. Ông Nguyễn Đình C - Sinh năm 1950
2. Ông Nguyễn Đình H - Sinh năm 1964 (Ông H ủy quyền cho bà H)
3. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1970.
Bị đơn: Anh Nguyễn Đình C - Sinh năm 1997 - có mặt
Cùng trú tại: Thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh
Những người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị B - Sinh năm 1959
2. Anh Nguyễn Văn M - Sinh năm 1987
Cùng trú tại: Thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh
3. Bà Nguyễn Thị Q - Sinh năm 1961 - Xin xét xử vắng mặt
4. Chị Nguyễn Thị Y - Sinh ngày 20/5/1999 - Có mặt
Cùng trú tại: Thôn T, xã D, huyện Đ, Hà Nội.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn - Ông Nguyễn Đình C, ông Nguyễn Đình H, bà Nguyễn Thị H cùng trình bày: Cụ Nguyễn Đình D mất tháng 02/2016, cụ Nguyễn Thị M mất tháng 9/2007. Hai cụ sinh được 05 con chung lần lượt như sau:
1. Nguyễn Đình C, sinh năm 1950
2. Nguyễn Đình H, sinh năm 1953 (Liệt sỹ) hy sinh năm 1978 không có vợ, con.
3. Nguyễn Thị B, sinh năm 1957.
4. Nguyễn Đình H, sinh năm 1964
5. Nguyễn Thị H, sinh năm 1970.
Trong khi đang chung sống với cụ M thì cụ D còn quan hệ ngoài hôn nhân với bà Nguyễn Thị Q là người thôn T, xã D, huyện Đ, Hà Nội. Cụ D và bà Q sinh được 02 con chung là Nguyễn Đình C, sinh năm 1997, Nguyễn Thị Y, sinh năm 1999. Vào tháng 9 năm 2007 sau khi cụ M mất thì cụ D đã đăng ký kết hôn với bà Q. Đến tháng 12 năm 2013 cụ D đã ly hôn bà Q, được Tòa án nhân dân huyện Y giải quyết, bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngoài những người vợ, người con đã trình bầy ở trên, cụ D, cụ M không có con nuôi, con riêng nào khác.
Di sản hai cụ để lại gồm: Thửa đất số 18, tờ bản đồ số 13, diện tích 258m2, tại thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nguyễn Đình D. Vào năm 2006, khi còn sống do là gia đình chính sách nên chính quyền địa phương đã hỗ trợ khoảng 60.000.000đ và tiền tiết kiệm có được; Cụ D đã xây dựng ngôi nhà trần, diện tích xây dựng khoảng 45m2, xây trên một phần thửa đất.
Ngoài tài sản trên cụ D, cụ M không để lại tài sản nào khác. Cụ D, cụ M không nợ ai, không ai nợ hai cụ.
Trước khi chết cụ M không để lại di chúc. Còn cụ D có họp gia đình và lập văn bản lấy tên là di chúc vào năm 2013. Nội dung văn bản thể hiện: Cho Nguyễn Thị H 82m2 trong diện tích 258m2, có 03 người làm chứng là ông Nguyễn Đình Đ, sinh năm 1951 (ông Đ là trưởng họ), ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1952, ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1957 (ông C, ông H là hàng xóm) nhưng không có công chứng, chứng thực. Ngay sau khi làm di chúc thì cụ Dy đã giao đất luôn cho Nguyễn Thị H, bà H đã xây nhà và sử dụng từ đó cho đến nay, thực tế đo là 70,28m2. Các con của hai cụ đều biết và đồng ý và tôn trọng quyết định của cụ D. Đến nay, không ai có ý kiến hay tranh chấp gì.
Như vậy, tài sản của hai cụ để lại cho đến nay là 187m2 đất và ngôi nhà trần xây dựng trên một phần diện tích đất.
Toàn bộ nhà, đất do em Nguyễn Đình C quản lý sử dụng.
Đề nghị Tòa án nhân dân huyện Y chia thừa kế theo pháp luật. Khi phân chia, ông H xin nhận hiện vật là ngôi nhà gắn liền với một phần đất, ông C xin nhận phần đất còn lại. Hai ông cam kết trích trả bằng tiền cho các ký phần khác theo giá trị mà họ được hưởng.
Bị đơn - Anh Nguyễn Đình C trình bày: Bố anh tên là Nguyễn Đình D, mất tháng 02/2016, bố anh kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị M sinh được 05 con chung như các anh, chị trình bày là đúng.
Vào tháng 9 năm 2007 sau khi bà M chết bố anh đã đăng ký kết hôn (khoảng năm 1995 bố và mẹ đã chung sống với nhau) với mẹ anh là Nguyễn Thị Q, sinh năm 1961 là người thôn T, xã D, huyện Đ, Hà Nội. Bố, mẹ sinh được 02 con chung là anh và Nguyễn Thị Y, sinh năm 1999. Quá trình chung sống, bố và mẹ Q tạo lập được ngôi nhà xây trên đất của bố. Đến tháng 12 năm 2013 bố và mẹ Q đã ly hôn và được Tòa án nhân dân huyện Y giải quyết cho ly hôn.
Ngoài những người vợ, người con mà anh đã trình bầy ở trên, bố mẹ anh không có con nuôi, con riêng nào khác.
Tài sản bố anh và bà M để lại gồm: Thửa đất số 18, tờ bản đồ số 13, diện tích là 258m2, tại thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nguyễn Đình D. Theo anh biết thì vào năm 2006, khi còn sống do bố anh là gia đình liệt sỹ nên chính quyền địa phương và các đoàn thể có hỗ trợ một khoản tiền và tiền tiết kiệm của bố và mẹ anh đã xây dựng ngôi nhà tình nghĩa diện tích xây dựng khoảng 45m2 kết cấu xây dựng nhà bê tông cốt thép nhà trần.
Trước khi chết bố anh đã họp gia đình và lập một văn bản lấy tên là bản di chúc vào năm 2013 cho chị Nguyễn Thị H 82m2 trong diện tích 258m2, ngay sau khi lập di chúc thì bố đã chia đất cho chị H; Chị H đã làm nhà ở và quản lý sử dụng từ đó đến nay. Diện tích đất còn lại là 187m2, trên đất có ngôi nhà nhà như anh đã trình bầy ở trên. Các anh, chị là con của bố anh và bà M và các con của bố và mẹ anh đều biết và nhất trí với việc phân chia của bố. Từ đó đến nay không ai tranh chấp gì.
Ngoài tài sản trên bố anh không để lại tài sản nào khác. Bố anh không nợ ai, không ai nợ bố anh.
Hiện toàn bộ nhà đất do anh đang quản lý sử dụng.
Nay các anh chị là con của bố và bà M yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật anh nhất trí. Đề nghị Tòa án phân chia theo pháp luật. Do anh không có chỗ ở nào khác nên anh xin nhận hiện vật là nhà, đất. Anh có trách nhiệm trích trả những người thừa kế khác bằng tiền, tương đương giá trị mà các anh, chị được hưởng theo giá trị định giá.
Ngoài nội dung trên anh không trình bầy gì khác.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị B - Trình bày: Bà thừa nhận lời khai của ông C, ông H, bà H trình bày về bố, mẹ bà, các con của bố mẹ bà và con của bố và bà Q, thời điểm bố, mẹ bà chết như các ông, bà trình bày là đúng. Bà khẳng định di sản của bố, mẹ bà để lại đến nay chỉ còn 187m2 đất và ngôi nhà trần xây dựng trên một phần diện tích đất. Bà nhất trí với quyết định của cụ D khi còn sống đã cho bà H 82m2 đất, đến nay không ai có tranh chấp gì. Bà đề nghị chia di sản thừa kế của bố, mẹ bà để lại theo pháp luật. Bà xin nhận ký phần của bà bằng tiền.
2. Chị Nguyễn Thị Y trình bày: Chị thống nhất với lời trình bày của anh C là đúng. Chị đề nghị chia thừa kế theo pháp luật. Phần của chị được hưởng chị cho anh C.
3. Bà Nguyễn Thị Q trình bày: Bà chung sống như vợ chồng với ông Nguyễn Đình D từ năm 1995, nhưng đến năm 2007 bà với ông D mới đăng ký kết hôn tại UBND xã Đ. Đến năm 2008 bà và ông D cùng nhau làm 01 ngôi nhà trần có diện tích khoảng 50m2 trên thửa đất mang tên ông D. Chi phí xây dựng ngôi nhà hết khoảng 200.000.000đ, trong đó chính quyền địa phương hỗ trợ khoảng 35.000.000đ. Số còn lại là tiền của bà và ông D cùng xây dựng.
Đến năm 2013 bà và ông D đã ly hôn tại Tòa án nhân dân huyện Y, nhưng không giải quyết về tài sản chung của vợ chồng.
Nay các con của ông D yêu cầu chia thừa kế bà không có ý kiến gì về di sản thừa kế và hàng thừa kế, đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật. Bà chỉ có một phần công sức đóng góp xây dựng ngôi nhà; Bà đề nghị khi chia thừa kế thì phải trích trả bà phần công sức đóng góp xây nhà. Theo như bà tính toán thì số tiền hỗ trợ của chính quyền tương đương 1/6 giá trị, số tiền này bà xác định là của ông D, giá trị 5/6 còn lại là tài sản chung của bà và ông D. Yêu cầu người nào nhận hiện vật gắn với ngôi nhà thì trích trả bà số tiền tương đương 50% của 5/6 giá trị còn lại của ngôi nhà theo định giá.
Ngoài quyền lợi mà bà đã yêu cầu trình bầy ở trên bà không yêu cầu gì khác.
4. Anh Nguyễn Văn M trình bày: Anh là con trai bà Nguyễn Thị B, là cháu ngoại cụ Nguyễn Đình D. Vào năm 2013 khi ông ngoại đã già và ở cùng với cậu Nguyễn Đình C. Ông anh không có người chăm sóc, nên mẹ anh có bảo anh đến ở cùng với ông để chăm sóc ông hàng ngày. Anh có nghề làm thợ mộc nên có hỏi ông và được ông đồng ý cho làm lán xưởng trên toàn bộ phần đất trống của thửa đất, có diện tích khoảng 108m2. Kết cấu xây dựng khung sắt hộp, bắn mái tôn. Giá trị tại thời điểm làm có giá khoảng 30.000.000đ. Đến nay giá trị còn lại khoảng 10.000.000đ.
Năm 2016 sau khi ông D mất, bác C về chiếm sử dụng và đuổi anh đi. Nay anh đề nghị khi chia thừa kế thì phải trích trả anh giá trị còn lại của lán xưởng theo định giá.
Ngoài yêu cầu trên, anh không đề nghị hay yêu cầu gì khác.
Tại phiên tòa các đương sự trình bày:
- Đồng nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đã trình bày ở trên. Ông C, bà B trình bày bổ sung: Do bà H đã được cụ D và các con của cụ thống nhất cho 70,28m2 đất nên khi chia thừa kế thì đề nghị không chia cho bà H nữa.
- Đồng nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều thừa nhận bà Q chung sống với cụ D từ năm 1995; Cụ D và bà Q có tạo dựng ngôi nhà trần. Trong đó có một phần tiền hỗ trợ của chính quyền địa phương tương đương khoảng 1/6 giá trị khi xây dựng. Phần của bà Q khoảng 50% của 5/6 giá trị ngôi nhà. Theo định giá thì giá trị còn lại và phần của bà Q khoảng 30.000.000đ. Đồng nguyên đơn nhất trí ai nhận hiện vật là ngôi nhà thì trích trả cho bà Q. Giá trị còn lại là của cụ D, đề nghị phân chia theo pháp luật.
- Đối với lán xưởng của anh M: Đồng nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận là tài sản của anh Mỹ tạo dựng khi cụ D con sống và được sự đồng ý của cụ D. Tuy nhiên, đến nay giá trị sử dụng không còn nên đề nghị anh M tháo dỡ để trả lại mặt bằng như ban đầu khi chia thừa kế. Không chấp nhận yêu cầu của anh M. Riêng bà B không nhất trí với ý kiến của đồng nguyên đơn và bị đơn.
Kết thúc phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đã phát biểu về việc chấp hành pháp luật của những người tiến hành tố tụng và của các đương sự đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về quan điểm giải quyết vụ án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của đồng nguyên đơn. Xác nhận di sản thừa kế của cụ D và cụ M để lại gồm 187,72m2 đất và một phần ngôi nhà trần xây dựng trên một phần diện tích đất thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 13 tại thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nguyễn Đình D. Phân chia di sản thừa kế theo hướng chia cho ông C, anh C nhận hiện vật và có trách nhiệm trích trả cho các đồng thừa kế giá trị bằng tiền tương đương phần của họ được hưởng theo giá trị định giá. Buộc những người nhận hiện vật có tài sản của anh M, có ngôi nhà thì phải trích trả anh M giá trị phần lán xưởng theo định giá và trích trả bà Q tương đương 50% của 5/6 giá trị còn lại của ngôi nhà trần.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa; HĐXX nhận định:
Cụ Nguyễn Đình D, chết vào tháng 02/2016, cụ Nguyễn Thị M, chết vào tháng 9/2007. Hai cụ chết không để lại di chúc. Hai cụ sinh được 5 con chung lần lượt như sau:
1. Nguyễn Đình C, sinh năm 1950
2. Nguyễn Đình H, sinh năm 1953 (Liệt sỹ) hy sinh năm 1978 chưa kết hôn.
3. Nguyễn Thị B, sinh năm 1957.
4. Nguyễn Đình H, sinh năm 1964
5. Nguyễn Thị H, sinh năm 1970.
Trong khi đang chung sống với cụ Mận, vào năm 1995 cụ Dy chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Q và sinh được 02 con chung là Nguyễn Đình C, sinh năm 1997, Nguyễn Thị Y, sinh năm 1999. Vào tháng 9 năm 2007 sau khi cụ M chết thì cụ D đăng ký kết hôn với bà Q. Đến tháng 12/2013, cụ D ly hôn bà Q đã được TAND huyện Y giải quyết. Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Về di sản của hai cụ để lại: Đến nay, nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (bà Nguyễn Thị B: Con của cụ D, cụ M) đều xác nhận di sản của hai cụ để lại là 187m2 đất và ngôi nhà trần diện tích 53,3m2 xây dựng trên một phần diện tích đất thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 13, tại thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nguyễn Đình D. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều thống nhất tôn trọng phần tài sản đã cho bà Hợp được định đoạt khi cụ Dy còn sống, đến nay các bên đương sự đều nhất trí cho, không ai tranh chấp gì.
Xem xét yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
Bà Nguyễn Thị Q cho rằng ngôi nhà trần xây dựng trên đất có 1/6 giá trị là của riêng ông D, còn 5/6 là tài sản chung của bà và ông D cùng xây dựng khi bà và ông D chung sống với nhau như vợ chồng. Nay các con của ông D, bà M yêu cầu chia thừa kế di sản thừa kế. Bà đề nghị phải trích trả bà phần công sức của bà (Sau khi trừ đi 1/6 giá trị ngôi nhà tiền trợ cấp của chính quyền, phần còn lại chia đôi) tương đương 50% của 5/6 giá trị còn lại của ngôi nhà. Tại phiên tòa nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều thừa nhận và thống nhất chấp nhận yêu cầu của bà Q. Đề nghị khi phân chia, ai nhận hiện vật có ngôi nhà thì trả cho bà Q giá trị tài sản mà bà đã đóng góp tạo dựng.
Xét yêu cầu của anh Nguyễn Văn M: Anh yêu cầu khi chia thừa kế cần buộc những người thừa kế phải trích trả anh giá trị lán xưởng anh đã tạo dựng trên phần đất lưu không theo giá trị định giá còn lại. Đồng nguyên đơn đều thừa nhận tài sản lán xưởng đúng là của anh M xây dựng, nhưng không chấp nhận yêu cầu của anh M mà đề nghị anh M phải tháo dỡ để các ông bà chia thừa kế tài sản của các cụ. HĐXX xét thấy, toàn bộ lán trại của anh M được xây dựng khi cụ D còn sống, cụ D đã đồng ý để anh Mỹ xây dựng. Toàn bộ phần lán xưởng hiện đang gắn liền với quyền sử dụng đất mà các đương sự đang yêu cầu phân chia thừa kế. Nếu phải tháo dỡ thì giá trị sử dụng bị ảnh hưởng, thậm chí bị mất giá trị sử dụng, gây thiệt hại cho anh M. Do vậy, cần chấp nhận yêu cầu của anh M. Khi phân chia thừa kế, người nào được nhận hiện vật gắn với tài sản của anh M có trách nhiệm trích trả anh M bằng tiền theo định giá.
Về ý kiến của ông C, bà B tại phiên tòa; Ông, bà cho rằng bà H đã được cụ D và các con của cụ nhất trí phân chia cho 82m2 đất vào năm 2013. Thực tế bà H được giao 70,28m2. Bà H đã xây dựng nhà và ở ổn định trên diện tích đất đó. Do vậy, khi phân chia thừa kế thì bà H không được hưởng di sản nữa. Xem xét các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như biên bản họp gia đình, bản di chúc cho tặng, đơn khởi kiện chia di sản thừa kế của đồng nguyên đơn, lời khai của các đương sự trong vụ án thì thấy không có nội dung nào thể hiện khi chia thừa kế tài sản sẽ truất quyền thừa kế của bà H. Bà H là con, là hàng thừa kế thứ nhất của cụ M và cụ D. Bà Hợp được hưởng di sản thừa kế như các đồng thừa kế khác. Tại phiên tòa hôm nay, bà H không từ chối nhận di sản thừa kế. Do vậy, lời trình bày bổ sung của ông C, bà B là không có căn cứ.
Từ phân tích và nhận định trên: Xác nhận di sản thừa kế chung của cụ D, cụ M để lại gồm 187,72m2 đất thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 13, tại thôn Đ, xã Đ, huyện Y, Bắc Ninh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nguyễn Đình D. Ngoài ra cụ D còn có di sản là một phần giá trị ngôi nhà trần làm chung với bà Q. Khi phân chia cần buộc người thừa kế nhận hiện vật gắn liền với ngôi nhà có trách nhiệm trích trả giá trị phần tài sản của bà Q theo yêu cầu của bà Q trên cơ sở giá trị còn lại của ngôi nhà.
Về hàng thừa kế trong vụ án: Thời điểm mở thừa kế của cụ M vào tháng 9/2007. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ M gồm: Cụ D, ông C, bà B, ông H và bà H.
Di sản thừa kế của cụ M để lại là 1/2 giá trị thửa đất 187,72m2. Giá trị định giá tại thời điểm xét xử là 187,72m2 x 7.000.000đ = 1.314.000.000đ. Phần của cụ M là 657.000.000đ được chia cho 5 kỷ phần. Mỗi người được hưởng 131.400.000đ.
Di sản của cụ D để lại là 657.000.000đ + 131.400.000đ (phần hưởng thừa kế của cụ M) và 39.650.500đ phần ngôi nhà làm chung với bà Q. Tổng giá trị di sản cụ D để lại là 828.050.500đ. Chia làm sáu định suất gồm: Ông C, bà B, ông H, bà H, anh C và chị Y mỗi định suất được hưởng là 138.008.000đ.
Như vậy, mỗi định suất thừa kế của các con của cụ D, cụ M được hưởng là 269.408.000đ. Phần di sản của anh C được hưởng là 276.016.000đ (gồm suất của anh C và chị Y).
Phương thức phân chia: Trong số những người thừa kế thì ông C xin nhận di sản thừa kế bằng hiện vật là phần diện tích đất còn lại. Ông H xin nhận hiện vật là một phần diện tích đất gắn liền ngôi nhà trần. Anh C cũng xin nhận phần di sản bằng hiện vật gồm một phần diện tích đất gắn liền với ngôi nhà trần. Những người thừa kế khác đều xin nhận phần di sản của mình bằng tiền theo giá định giá. Xét nguyện vọng của các đương sự là chính đáng. Việc nhận di sản thừa kế bằng tiền hay hiện vật do HĐXX căn cứ vào phần quyền của các đương sự để phân chia và đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự. Tuy nhiên, khi phân chia cũng cần xem xét đến giá trị sử dụng của tài sản sau khi phân chia và điều kiện thực tế của những người thừa kế. Kết quả xác minh thể hiện anh C đang quản lý và sử dụng nhà, đất từ khi sinh ra đến nay không có chỗ ở nào khác. Ông C đã có nhà, đất nhưng đã cho con trai. Trong hàng thừa kế thứ nhất thì ông C là con trưởng. Ông H đã có nhà, đất và cư trú ổn định tại tỉnh Yên Bái. Do vậy, HĐXX phân chia cho anh C giá trị bằng hiện vật gồm ngôi nhà trần 53,3m2 xây dựng trên một phần diện tích đất 108,7m2, phía trước nhà có một phần mái tôn lán xưởng của anh M. Tổng giá trị anh C nhận là: 760.900.000đ (giá trị phần đất), 67.973.000đ (giá trị phần nhà) và 6.525.000đ tiền lán xưởng. Tổng cộng anh C nhận 835.398.000đ. Anh Cao có trách nhiệm trích trả cho các đồng thừa kế khác và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phần di sản chênh lệch và tài sản được hưởng.
Chia cho ông C phần diện tích đất còn lại giáp phần đất của anh C có diện tích là 79,02m2. Giá trị là 553.140.000đ và phần lán xưởng của anh M có giá là 12.478.000đ. Ông C có trách nhiệm trích trả cho các động thừa kế khác và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phần di sản chênh lệch và tài sản được hưởng.
Các tài sản khác như giếng khoan tường bao và tài sản khác đã phá dỡ không còn; Các bên đương sự trong vụ án không yêu cầu giải quyết nên HĐXX không xem xét.
Về án phí, chi phí thẩm định, định giá: Buộc những người thừa kế phải chịu án phí trên phần di sản được hưởng theo quy định của pháp luật. Anh C, ông C còn phải chịu án phí đối với phần tài sản phải trích trả cho những người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan. Đồng nguyên đơn tự nguyện chịu toàn bộ chi phí thẩm định, định giá tài sản.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các Điều 649, 650, 651, 653 Bộ luật dân sự; Điều 26, 147,157 Bộ luật tố tụng dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
Xử: Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của đồng nguyên đơn.
Xác nhận di sản thừa kế chung của cụ Nguyễn Đình D, Nguyễn Thị M để lại là 187,72m2 đất thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 13, tại thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nguyễn Đình D có giá trị theo định giá là 1.314.000.000đ. Ngoài ra cụ D còn có di sản là một phần giá trị ngôi nhà trần làm chung với bà Q có giá là 39.650.000đ.
Di sản thừa kế của cụ M để lại là 1/2 giá trị thửa đất 187,72m2. Giá trị theo định giá là 1.314.000.000đ. Phần của cụ M là 657.000.000đ chia cho 5 định suất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ M gồm: Cụ D, ông C ông H, bà B, bà H. Mỗi định suất được nhận 131.400.000đ.
Di sản của cụ D là 657.000.000đ + 131.400.000đ (phần hưởng thừa kế của cụ M) và 39.650.500đ phần ngôi nhà làm chung với bà Q. Tổng giá trị di sản cụ D để lại là 828.050.500đ. Chia làm sáu định suất gồm: Ông C, ông H, bà B, bà H, anh C, chị Y), mỗi định suất được hưởng là 138.008.000đ.
Các ông bà: Nguyễn Đình C, Nguyễn Đình H, Nguyễn Thị B, Nguyễn Thị H mỗi người được nhận giá trị phần di sản thừa kế của cụ D, cụ M để lại là 269.408.000đ. Phần di sản của anh Cao được hưởng (gồm suất của anh C và chị Y) là 276.016.000đ.
Giao cho anh C nhận hiện vật gồm ngôi nhà trần 53,3m2 xây dựng trên một phần diện tích đất là 108,7m2 có tứ cận: Đông giáp đường làng rộng 6,15m, Tây giáp giáp ông Đ rộng 6,15m, Nam giáp ông Nguyễn Đình C dài 17,75m, Bắc Giáp giáp ông H dài 17,68m (có sơ đồ kèm theo), phía trước nhà có một phần mái tôn lán xưởng của anh Mỹ. Tổng giá trị anh C nhận là: 760.900.000đ (giá trị phần đất), 67.973.000đ giá trị phần nhà, 6.525.000đ tiền lán xưởng là 835.398.000đ. Anh C có trách nhiệm trích trả cho các đồng thừa kế khác và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phần di sản chênh lệch và tài sản được hưởng. Cụ thể:
Trả bà Q giá trị phần ngôi nhà trần là 28.322.000đ
Trả anh M phần lán xưởng phía trước ngôi nhà là 6.525.000đ
Trả giá trị phần bà H được hưởng là 269.408.000đ.
Trả ông H 255.127.000đ.
Giao cho ông Nguyễn Đình C nhận di sản bằng hiện vật là 79,02m2 đất có tứ cận: Đông giáp đường làng rộng 4,25m, Tây giáp nhà ông Đ rộng 4,92m, Nam giáp nhà bà H dài 17,14m, Bắc Giáp anh Nguyễn Đình C dài 17,75m (có sơ đồ kèm theo) có giá trị là 553.140.000đ và phần lán xưởng của anh M có giá là 12.478.000đ. Tổng giá trị hiện vật ông C nhận là 565.618.000đ. Ông C có trách nhiệm trích trả cho các đồng thừa kế khác và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phần di sản chênh lệch và tài sản được hưởng. Cụ thể:
Trả cho bà B phần di sản bà được hưởng là 266.408.000đ
Trả cho ông H phần di sản nhận từ anh Cao còn thiếu là 14.281.000đ.
Trả cho anh M phần giá trị lán xưởng là 12.478.000đ
Về các tài sản khác các đương sự không yêu cầu nên HĐXX không xem xét.
Về án phí:
Buộc Nguyễn Đình H, Nguyễn Thị B, Nguyễn Thị H mỗi người phải nộp 13.470.000đ tiền án phí thừa kế tài sản. Ông H, bà H được trừ đi số tiền tạm ứng án phí mà mỗi ông bà đã nộp 2.500.000đ theo các biên lai số 03452, 03453 ngày 14/10/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y nên ông H bà Hợp mỗi người còn phải nộp tiếp 10.970.000đ.
Ông Nguyễn Đình C phải nộp 13.470.000đ tiền án phí chia di sản thừa kế, 623.000đ tiền án phí trích trả tài sản. Tổng cộng là 14.093.000đ. Ông C được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.500.000đ theo biên lai thu số 03451 ngày 14/10/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y nên ông C còn phải nộp tiếp 11.593.000đ.
Anh Nguyễn Đình C phải nộp 13.800.000đ tiền án phí chia di sản thừa kế và 1.742.000đ tiền án phí trích trả tài sản cho bà Q, anh M. Tổng cộng là 15.542.000đ.
Trả lại bà Nguyễn Thị Q 1.000.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 03488 ngày 28/11/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y.
Trả lại anh Nguyễn Văn M 250.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 03294 ngày 23/02/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y.
Chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản: Đồng nguyên đơn tự nguyện chịu 9.000.000đ tiền chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản. Xác nhận ông C đại diện đã nộp đủ và chi phí hết.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự;
Đương sự, có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án./.
Bản án 11/2017/DSST ngày 18/09/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 11/2017/DSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Yên Phong - Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về