Bản án 109/2019/DS-ST ngày 27/11/2019 về tranh chấp hợp đồng góp hụi

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN X, TỈNH LONG AN

BẢN ÁN 109/2019/DS-ST NGÀY 27/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GÓP HỤI

Trong các ngày 26 và 27 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện X xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 121/2019/TLST-DS, ngày 23/4/2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 178/2019/QĐST-DS, ngày 12/11/2019 giữa:

* Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Kim L, sinh năm 1966. Địa chỉ: Ấp 4, xã MP, huyện X, tỉnh Long An.

* Bị đơn phản tố: Bà Lê Thị B, sinh năm 1972. Địa chỉ: Ấp 4, xã MP, huyện X, tỉnh Long An.

Người đại diện theo ủy quyền của bà B là: Bà Trần Thị Hồng X, sinh năm 1960. Địa chỉ: Ấp VK, xã BA, huyện X, tỉnh Long An.

(Bà L, bà X có mặt.) 

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện và lời trình bày của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim L trong suốt quá trình giải quyết vụ án có nội dung như sau:

Bà có tham gia 4 dây hụi do bà Lê Thị B (tên thường gọi Út N) làm chủ hụi, trong phiêu hụi tên "cô L", các dây hụi này đã bể. Bà không nhớ là đóng được bao nhiêu tiền vì không có ghi sổ. Nay bà thống nhất số tiền hụi đã đóng theo sổ bà B cung cấp, cụ thể như sau:

- Dây hụi thứ nhất: Hụi 3.000.000 đồng, khui ngày 25/6/2016 âm lịch, 2 tháng khui 1 lần, gồm 28 phần, bà tham gia 2 phần. Bà đã đóng được 6 lần như sau: Lần 1 ngày 25/6/2016 đóng 2.200.000 đồng; lần 2 ngày 25/8/2016 đóng 1.850.000 đồng; lần 3 ngày 25/10/2016 đóng 1.900.000 đồng; lần 4 ngày 25/12/2016 đóng 1.460.000 đồng; lần 5 ngày 25/02/2017 đóng 1.640.000 đồng; lần 6 ngày 25/4/2017 đóng 1.950.000 đồng. Tổng cộng, bà đã đóng hụi sống được 11.000.000 đồng x 2 phần = 22.000.000 đồng. Bà yêu cầu bà B phải trả tiền hụi cho bà theo giá hụi chết (3.000.000 đồng x 2 phần x 6 kỳ = 36.000.000 đồng).

- Dây hụi thứ 2: Hụi 5.000.000 đồng, khui ngày 30/11/2016 âm lịch, 2 tháng khui 1 lần, gồm 27 phần, bà tham gia 2 phần. Bà đã đóng được 3 lần như sau: Lần 1 ngày 30/11/2016 đóng 3.450.000 đồng; lần 2 ngày 30/01/2017 đóng 2.825.000 đồng; lần 3 ngày 30/3/2017 đóng 2.710.000 đồng. Tổng cộng bà đã đóng hụi sống 8.985.000 đồng x 2 phần = 17.970.000 đồng. Bà yêu cầu bà B phải trả tiền hụi cho bà theo giá hụi chết (5.000.000 đồng x 2 phần x 3 kỳ = 30.000.000 đồng).

- Dây hụi thứ 3: Hụi 5.000.000 đồng, khui ngày 25/02/2017 âm lịch, mỗi tháng khui 1 lần, gồm 22 phần, bà tham gia 1 phần. Bà đã đóng được 3 lần như sau: Lần 1 ngày 25/02/2017 đóng 3.900.000 đồng; lần 2 ngày 25/3/2017 đóng 3.780.000 đồng; lần 3 ngày 25/4/2017 đóng 3.700.000 đồng. Tổng cộng bà đóng hụi được 11.380.000 đồng. Bà yêu cầu bà B phải trả tiền hụi cho bà theo giá hụi chết (5.000.000 đồng x 3 kỳ = 15.000.000 đồng).

- Dây hụi thứ 4: Hụi 2.000.000 đồng, khui ngày 10/3/2017 âm lịch, mỗi tháng khui 1 lần, gồm 27 phần, bà tham gia 1 phần. Bà đã đóng được 2 lần như sau: Lần 1 ngày 10/3/2017 đóng là 1.500.000 đồng; lần 2 ngày 10/4/2017 đóng 1.272.000 đồng. Tổng cộng bà đóng 2.772.000 đồng. Bà yêu cầu bà B phải trả tiền hụi cho bà theo giá hụi chết là (2.000.000 đồng x 2 kỳ = 4.000.000 đồng).

Tổng cộng yêu cầu bà B trả tiền 4 dây hụi là 85.000.000 đồng.

* Đối với yêu cầu phản tố của bà B:

Năm 2014, bà có tham gia hụi do bà B làm chủ. Sau đó, bà có hốt hụi và có nợ hụi chết, bà và bà B có tính tổng số tiền bà còn nợ bà B là 123.744.000 đồng nhưng bà không nhớ cụ thể các dây hụi do đã quá lâu. Ngày 27/4/2016 âm lịch, bà hốt được 57.720.000 đồng là tiền của dây hụi 2.000.000 đồng (có giấy giao hụi do bà B ghi). Sau khi hốt hụi, bà trả tiền cho bà B nên còn nợ bà B 66.024.000 đồng. Ngày 05/5/2017 âm lịch, bà trả cho bà B thêm 20.000.000 đồng nên bà còn nợ 46.024.000 đồng.

Ngày 09/6/2017 âm lịch, bà và bà B có đối chiếu nợ. Bà B nói tiền nợ là 101.224.000 đồng. Bà kêu bà B nói rõ có bao nhiêu là tiền gốc, lãi. Khi đó, hai bên gút lại bà nợ bà B là 46.024.000 đồng tiền gốc, còn 55.200.000 đồng tiền lãi bà B tính từ tháng 4/2016 đến 9/6/2017 trên số tiền nợ gốc là 123.744.000 đồng trước đây chứ không phải tính trên số tiền gốc 66.024.000 đồng. Giấy tay ngày 09/6/2017 âm lịch là do bà viết ghi tiền gốc là 46.024.000 đồng và 55.200.000 đồng tiền “lời” theo ý của bà B.

Do đó, bà chỉ đồng ý trả cho bà B số tiền nợ gốc là 46.024.000 đồng còn tiền lãi và các khoản khác thì không đồng ý. Do bà B đã có tính lãi trong số tiền này rất nhiều. Số tiền 55.200.000 đồng toàn bộ là tiền lãi. Nay bà B lại nói trong đó gồm 12.000.000 đồng là tiền hụi còn 43.200.000 đồng tiền lãi là mâu thuẫn, không căn cứ.

* Đại diện bị đơn bà Trần Thị Hồng X trình bày trong suốt quá trình giải quyết vụ án có nội dung như sau:

Bà Lê Thị B (tên thường gọi Út N) có làm chủ 4 dây hụi như bà L trình bày.

- Dây hụi thứ nhất: Hụi 3.000.000 đồng, khui ngày 25/6/2016 âm lịch, 2 tháng khui 1 lần, gồm 28 phần, bà L tham gia 2 phần. Bà L đã đóng được 6 lần như sau:

Lần 1 ngày 25/6/2016 “bà Đ” bỏ hụi 800.000 đồng nên bà L đã đóng 2.200.000 đồng.

Lần 2 ngày 25/8/2016 "ông Th" bỏ phiêu 1.150.000 đồng bà L đã đóng 1.850.000 đồng.

Lấn 3 ngày 25/10/2016 "Út N" bỏ phiêu 1.100.000 đồng, bà L đã đóng 1.900.000 đồng.

Lần 4 ngày 25/12/2016 "bà Sáu S" bỏ phiêu 1.540.000 đồng, bà L đã đóng 1.460.000 đồng.

Lần 5 ngày 25/02/2017 “thiếm 8 T” bỏ phiêu 1.460.000 đồng nên bà L đã đóng 1.640.000 đồng.

Lần 6 ngày 25/4/2017 bà Út N bỏ phiêu 1.050.000 đồng, bà L đã đóng 1.950.000 đồng.

Bà L đã đóng hụi sống được 11.000.000 đồng x 2 phần = 22.000.000 đồng.

- Dây hụi thứ 2: Hụi 5.000.000 đồng, khui ngày 30/11/2016 âm lịch, 2 tháng khui 1 lần, gồm 27 phần, bà L tham gia 2 phần. Bà đã đóng được 3 lần như sau:

Lần 1 ngày 30/11/2016 “thiếm năm” bỏ phiêu 1.550.000 đồng nên bà L đã đóng 3.450.000 đồng.

Lần 2 ngày 30/01/2017 “B” bỏ phiêu 2.175.000 đồng nên bà L đã đóng 2.825.000 đồng.

Lần 3 ngày 30/3/2017 “bà G” bỏ phiêu 2.290.000 đồng nên bà L đã đóng 2.710.000 đồng.

Bà L đã đóng hụi sống được 8.985.000 đồng x 2 phần = 17.970.000 đồng.

- Dây hụi thứ 3: Hụi 5.000.000 đồng, khui ngày 25/02/2017 âm lịch, mỗi tháng khui 1 lần, gồm 22 phần, bà L tham gia 1 phần. Bà L đã đóng được 3 lần như sau:

Lần 1 ngày 25/02/2017 "D" bỏ hụi 1.100.000 đồng nên bà L đã đóng 3.900.000 đồng.

Lần 2 ngày 25/3/2017 "cô Bé H" bỏ phiêu 1.220.000 đồng nên bà L đã đóng 3.780.000 đồng. Lần 3 ngày 25/4/2017 "cô H" bỏ phiêu 1.300.000 đồng nên bà L đã đóng 3.700.000 đồng.

Tổng cộng bà L đóng hụi 11.380.000 đồng.

- Dây hụi thứ 4: Hụi 2.000.000 đồng, khui ngày 10/3/2017 âm lịch, mỗi tháng khui 1 lần, gồm 27 phần, bà L tham gia 1 phần. Bà L đã đóng được 2 lần như sau:

Lần 1 ngày 10/3/2017 "cô H" bỏ phiêu 500.000 đồng bà L đã đóng là 1.500.000 đồng.

Lần 2 ngày 10/4/2017 "cô Bé B" bỏ phiêu 728.000 đồng bà L đãđóng 1.272.000 đồng.

Lần 3 ngày 10/5/2017 vợ Tèo Nh bỏ phiêu 855.000 đồng bà L không đóng hụi Lần 4 ngày 10/6/2017 bà Út M bỏ phiêu 650.000 đồng bà L không đóng hụi Tổng cộng bà L đóng 2.772.000 đồng.

Bà B chỉ đồng ý trả cho bà L tiền hụi gốc đã đóng là 54.122.000 đồng và trả lãi 1.12%/tháng kể từ ngày 10/7/2017 âm lịch (tức ngày cuối cùng bà L đóng hụi của tất cả các dây), không đồng ý trả tiền theo giá hụi chết là 85.000.000 đồng như bà L yêu cầu.

* Bị đơn có yêu cầu phản tố như sau:

Năm 2013 âm lịch, bà L có tham gia nhiều dây hụi do bà B làm chủ. Bà L đã hốt rồi nhưng đóng không đầy đủ. Do bận đi xà lan nên bà L đóng không kịp kỳ khui hụi. Bà B phải vay tiền để đóng thay cho bà L.

Đến ngày 09/6/2017 âm lịch, giữa bà B và bà L tính các khoản nợ và tiền lãi thì bà L có viết giấy tay với nội dung “Tôi nợ bà Út 66.024.000 đồng, trả 20.000.000 đồng còn tổng cộng là 46.024.000 đồng". Việc bà B ghi trong giấy tính tiền hụi tên D là để ghi nhớ phần tiền này là mượn của bà D (con dâu bà B) chứ việc hụi này không liên quan gì đến bà D. Việc bà B vay tiền choàng hụi cho bà L là việc riêng giữa bà B và Duyên chứ không liên quan gì bà L.

Ngoài ra, theo giấy tay ngày 09/6/2017 âm lịch do bà L tự ghi còn thể hiện 55.200.000 đồng là "tiền lời" nhưng thực chất số tiền đó bao gồm 2 khoản như sau: Thứ nhất là 12.000.000 đồng tiền hụi chết bà L chưa đóng của dây hụi khui ngày 15/10/2014 âm lịch. Mỗi tháng khui 1 lần, gồm 35 phần. Bà L tham gia 1 phần, hốt hụi ngày 27/4/2016 (có giấy giao hụi). Bà L đóng được 10 kỳ hụi chết, còn nợ 6 kỳ hụi chết là từ tháng 3 đến tháng 8/2017 âm lịch = (2.000.000 đồng x 6 kỳ = 12.000.000 đồng). Dây hụi này phiêu hụi đã mất nên bà B không cung cấp được. Trước đây, bị đơn khai bà L nợ (12 kỳ x 1.000.000 đồng = 12.000.000 đồng) tức vào 27/9/2016 đến tháng 8/2017 âm lịch là nhầm lẫn. Thực chất bà L nợ 6 kỳ hụi cuối, mỗi kỳ 2.000.000 đồng. Thứ hai là 43.200.000 đồng tiền lãi do bà B choàng hụi của 66.024.000 đồng từ tháng 5/2016 đến 09/6/2017 âm lịch. Bà B phản tố yêu cầu bà L trả [(46.024.000 đồng + 12.000.000 đồng) x 1,12%/tháng x số ngày (từ ngày 09/6/2017 âm lịch tức ngày 31/7/2017 dương lịch đến ngày xét xử sơ thẩm 27/11/2019)] + 43.200.000 đồng.

Tòa án tiến hành thụ lý vụ án, hòa giải nhưng không thành.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện X phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện đúng quy định pháp luật tố tụng. Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự; quyền và nghĩa vụ của đương sự được đảm bảo.

Về nội dung: Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, yêu cầu khởi kiện của bà L là có cơ sở chấp nhận 1 phần là bà B phải trả số tiền hụi bà L đã đóng. Bà L yêu cầu bà B trả tiền theo giá hụi chết là không có cơ sở. Yêu cầu phản tố của bà B chỉ được chấp nhận 1 phần là đòi số tiền 46.024.000 đồng và tiền lãi phát sinh. Các yêu cầu khác không có căn cứ chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Tranh chấp trong vụ án là tranh chấp hợp đồng góp hụi được quy định tại điều 471 Bộ luật dân sự, Nghị định số 144/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ. Căn cứ nơi cư trú của bị đơn, nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Long An được qui định tại khoản 3 Điều 26, Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Các đương sự thống nhất: Bà L có tham gia 4 dây hụi do bà B làm chủ hụi, gồm: Dây hụi thứ 1 khui ngày 25/6/2016 âm lịch, bà L đã đóng 22.000.000 đồng; Dây hụi thứ 2 khui ngày 30/11/2016 âm lịch, bà L đã đóng 17.970.000 đồng; Dây hụi thứ 3 khui ngày 25/02/2017 âm lịch, bà L đã đóng 11.380.000 đồng; Dây hụi thứ 4 khui ngày 10/3/2017 âm lịch, bà L đã đóng 2.772.000 đồng. Tổng cộng bà L đã đóng được 54.122.000 đồng tiền hụi. Các dây hụi này đã bể.

Các đương sự không thống nhất: Bà L yêu cầu bà B trả tiền của 4 dây hụi theo giá hụi chết, cụ thể: Dây hụi thứ nhất 36.000.000 đồng + dây hụi thứ hai 30.000.000 đồng + dây hụi thứ ba 15.000.000 đồng + dây hụi thứ tư 4.000.000 đồng = 85.000.000 đồng. Bà B chỉ đồng ý trả tiền hụi gốc bà L đã đóng và lãi suất 1,12%/tháng tính từ 10/7/2017 âm lịch (ngày đóng hụi cuối) đến ngày xét xử sơ thẩm là 27/11/2019.

Hội đồng xét xử xét thấy, các dây hụi này hiện nay đã ngưng nhưng bà B không giao trả tiền hụi cho bà L là vi phạm nghĩa vụ chủ hụi theo Điều 15 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, ngày 27/11/2006 của Chính phủ, nên bà L khởi kiện yêu cầu bà B trả tiền hụi là có căn cứ. Tuy nhiên, bà L yêu cầu bà B trả tiền của 4 dây hụi theo giá hụi chết là không có căn cứ chấp nhận vì các dây hụi này nay đã bị bể. Do đó, buộc bà B phải trả cho bà L số tiền hụi gốc đã đóng là 54.122.000 đồng.

Về lãi suất: Các dây hụi này nếu là hụi mãn thì bà L mới được hưởng phần lãi từ các hụi viên còn lại đã hốt hụi đóng. Phía bà B tự nguyện chịu lãi suất 1,12%/tháng là có lợi cho bà L, nhưng bà B đưa ra mốc thời gian tính lãi là từ ngày 10/7/2017 âm lịch (ngày đóng hụi cuối) đến ngày 27/11/2019 (ngày xét xử sơ thẩm) là không phù hợp. Bởi vì, các dây hụi này diễn ra từ năm 2016 và đầu năm 2017, bà L đóng hụi từng kỳ. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn, bị đơn và phù hợp với quy định pháp luật, cần tính lãi kể từ ngày bà L đóng hụi từng kỳ đến ngày xét xử sơ thẩm với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự. Cách tính như sau: Tiền lãi từng kỳ = Số tiền hụi đã đóng từng kỳ x số ngày đóng hụi (tính từ ngày đóng hụi đến ngày xét xử sơ thẩm) x lãi suất 10%/năm.

Cụ thể như sau: Dây hụi thứ nhất lãi suất 6.483.584 đồng; Dây hụi thứ hai lãi suất 4.975.938 đồng; Dây hụi thứ ba lãi suất 2.963.165 đồng; Dây hụi thứ tư lãi suất 722.000 đồng. Tổng cộng tiền lãi 4 dây hụi là 15.145.383 đồng.

Từ phân tích trên, tổng cộng tiền gốc và lãi bà B phải trả cho bà L là: (54.122.000 đồng + 15.145.383 đồng = 69.267.383 đồng). Bà L bị bác yêu cầu khởi kiện số tiền (85.000.000 đồng - 69.267.383 đồng = 15.732.617 đồng).

[2.2] Xét yêu cầu phản tố của bị đơn:

Các đương sự thống nhất: Giấy tay ngày 09/6/2017 âm lịch do bà L viết thể hiện gồm số tiền nợ hụi gốc là 46.024.000 đồng, lãi 55.200.000 đồng (trong giấy ghi tiền “lời”).

Các đương sự không thống nhất:

Bà B cho rằng trong số tiền lãi 55.200.000 đồng gồm có: Khoản thứ nhất là 12.000.000 đồng tiền hụi chết bà B đóng thay cho bà L của dây hụi khui ngày 15/10/2014 âm lịch (2.000.000 đồng x 6 kỳ = 12.000.000 đồng). Khoản thứ hai là 43.200.000 đồng tiền lãi của 66.024.000 đồng tính từ tháng 5/2016 đến 09/6/2017 âm lịch (12 tháng) bà L chưa trả cho bà B.

Bà B yêu cầu bà L trả: [(46.024.000 đồng + 12.000.000 đồng) x số ngày (từ ngày 09/6/2017 âm lịch tức ngày 31/7/2017 dương lịch đến ngày 27/11/2019 dương lịch) x 1,12%/tháng) + 43.200.000 đồng] = (58.024.000 đồng + 18.109.678 đồng + 43.200.000 đồng = 119.333.678 đồng.

Bà L chỉ đồng ý trả bà B 46.024.000 đồng tiền hụi gốc, không đồng ý trả các khoản khác, bà L cho rằng 55.200.000 đồng là tiền lãi của số tiền 123.744.000 đồng. Khi viết giấy tay ngày 09/6/2017 âm lịch, bà đã hỏi bà B cụ thể từng khoản tiền rồi bà mới ghi.

Hội đồng xét xử xét thấy, trong giấy tay ngày 09/6/2017 âm lịch (do bà L ghi) và giấy tay không ghi ngày tháng (do bà B ghi) có cùng nội dung, đều thể hiện rất rõ bà L còn nợ bà B 46.024.000 đồng tiền hụi, còn 55.200.000 đồng là tiền "lời". Bà B cho rằng trong 55.200.000 đồng có 12.000.000 đồng tiền hụi chết bà B không đóng của dây hụi khui ngày 15/10/2014 âm lịch và 43.200.000 đồng tiền lãi của số tiền 66.024.000 đồng nhưng xác định phiêu hụi và sổ sách liên quan đã mất. Bà B không cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình là có căn cứ.

Về yêu cầu đòi số tiền 43.200.000 đồng là tiền lãi của số tiền 66.024.000 đồng tính từ 5/2016 đến 09/6/2017 âm lịch (12 tháng), lãi suất thỏa thuận hơn 5%/tháng (bà B tính tròn là 3.600.000 đồng/tháng): Xét thấy, bà B đòi số tiền lãi bà L chưa trả là 43.200.000 đồng nhưng không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào thể hiện đây là tiền lãi của khoản tiền nào, phát sinh từ đâu, thời gian nào, lãi suất lại vượt quá quy định của pháp luật. Do đó, bà B yêu cầu bà L trả số tiền 43.200.000 đồng là không có căn cứ chấp nhận.

Bà L thừa nhận còn nợ bà B 46.024.000 đồng chưa trả, nên bà B yêu cầu bà L trả số tiền này và lãi suất là có cơ sở chấp nhận. Tuy nhiên, bà B yêu cầu mức lãi suất 1,12%/tháng là không có cơ sở, do các bên không có thỏa thuận về lãi suất nên áp dụng mức lãi suất 10%/năm theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự. Thời gian tính lãi là từ ngày hai bên thống nhất nợ ngày 09/6/2017 âm lịch (tức ngày 31/7/2017 dương lịch) đến ngày 27/11/2019 là: (46.024.000 đồng x 27 tháng 26 ngày x 10%/năm = 10.709.171 đồng). Tổng cộng bà L phải trả cho bà B tiền gốc và lãi là: (46.024.000 đồng + 10.709.171 đồng = 56.733.171 đồng). Bà B bị bác yêu cầu phản tố dòi bà L trả số tiền là (119.333.678 đồng - 56.733.171 đồng = 62.600.507 đồng).

Từ các phân tích trên, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đơn phản tố của bị đơn như lời đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện X. Buộc bà B trả cho bà L 69.267.383 đồng. Buộc bà L trả cho bà B 56.733.171 đồng.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trên số tiền bị buộc trả và số tiền bị bác yêu cầu.

Bà L phải chịu [(85.000.000 đồng - 69.267.383 đồng) + 56.733.171 đồng] x 5% = 3.623.290 đồng. Bà L được khấu trừ 2.125.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã đóng. Bà L phải nộp thêm 1.498.290 đồng án phí sung công quỹ nhà nước.

Bà B phải chịu [(119.333.678 đồng - 56.733.171 đồng) + 69.267.383 đồng] x 5% = 6.593.395 đồng. Bà B được khấu trừ 2.930.500 đồng tiền tạm ứng án phí đã đóng. Bà B phải nộp thêm 3.662.895 đồng án phí sung công quỹ nhà nước.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26 và các Điều 35, 39, 147, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Áp dụng điều 471 Bộ luật dân sự; Nghị định số 144/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ;

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Kim L đối với bà Lê Thị B về việc “Tranh chấp hợp đồng góp hụi”.

Buộc bà Lê Thị B phải trả cho bà Nguyễn Thị Kim L số tiền là 69.267.383 đồng. (Trong đó tiền hụi gốc là 54.122.000 đồng, tiền lãi 15.145.383 đồng).

Kể từ ngày bà Nguyễn Thị Kim L có đơn yêu cầu thi hành án, thì bà Lê Thị B phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

2/ Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Kim L về yêu cầu bà Lê Thị B trả số tiền hụi 15.732.617 đồng.

3/ Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà Lê Thị B đối với bà Nguyễn Thị Kim L về việc “Tranh chấp hợp đồng góp hụi”.

Buộc bà Nguyễn Thị Kim L trả cho bà Lê Thị B tiền hụi 56.733.171 đồng. (Trong đó tiền hụi gốc là 46.024.000 đồng, tiền lãi là 10.709.171 đồng).

Kể từ ngày bà Lê Thị B có đơn yêu cầu thi hành án, thì bà Nguyễn Thị Kim L phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

4/ Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị B Bảy đối với bà Nguyễn Thị Kim L về yêu cầu đòi tiền hụi và lãi số tiền là 62.600.507 đồng.

5/ Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Nguyễn Thị Kim L phải chịu 3.623.290 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.125.000 đồng theo biên lai thu số 0001856, ngày 17/4/2019 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện X, tỉnh Long An. Bà Nguyễn Thị Kim L phải nộp thêm 1.498.290 đồng án phí dân sự sơ thẩm sung công quỹ nhà nước.

- Bà Lê Thị B phải chịu 6.593.395 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.930.500 đồng theo biên lai thu số 0004535, ngày 01/7/2019 và biên lai thu số 0004752, ngày 12/11/2019 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện X, tỉnh Long An. Bà Lê Thị B phải nộp thêm 3.662.895 đồng án phí dân sự sơ thẩm sung công quỹ nhà nước.

6/ Án xử công khai sơ thẩm, các đương sự có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

7/ Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án được quyền tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo điều 30 Luật Thi hành dân sự án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

219
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 109/2019/DS-ST ngày 27/11/2019 về tranh chấp hợp đồng góp hụi

Số hiệu:109/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bến Lức - Long An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;