Bản án 1087/2019/DS-PT ngày 21/11/2019 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1087/2019/DS-PT NGÀY 21/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC 

Trong các ngày 20 và 21 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 574/2018/TLPT-DS ngày 15 tháng 11 năm 2018, về việc “Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 515/2018/DS-ST ngày 12/10/2018 của Tòa án nhân dân Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5536/2019/QĐ - PT ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đ, sinh năm 1993. Người đại diện theo ủy quyền: Ông T, sinh năm 1960 (có mặt).

Cùng địa chỉ: 30/11 Đường Đ1, phường P1, Quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh.

(theo Giấy ủy quyền số công chứng 027755, Quyển số 12TP/CC-SCC/HĐGD lập ngày 26/12/2017 tại Phòng Công chứng số 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Tr – Công ty Luật TNHH S, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

- Bị đơn: Công ty R.

Địa chỉ: 702 đường Đ2, phường P2, Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo ủy quyền: Ông M, sinh năm 1994 (có mặt).

Địa chỉ: Phòng 1602, Tòa nhà Green Power – 35 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh. (theo Giấy ủy quyền ngày 19/4/2019) - Người làm chứng: Bà Nguyễn Thị Thuận.

Địa chỉ: 30/11 Đường Đ1, phường P1, Quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người kháng cáo: ông Đ – Nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn – ông Đ có ông T - người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 05/9/2017, vợ của ông T là bà Nguyễn Thị Thuận cùng con trai là ông Đ đến Công ty R (sau đây gọi tắt là Công ty R) để liên hệ cho ông Đ vào học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, lớp ngoài giờ hành chính. Ông Đ được ông Đ2 thuộc bộ phận tuyển sinh của Công ty R tư vấn “Lớp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, học vào các ngày nghỉ cuối tuần, các buổi từ 18 giờ 00 phút đến 21 giờ 00 phút, chỉ có một môn học trong vòng 1 tuần từ thứ 6, thứ 7, chủ nhật và thứ 2”. Ông Đ đã nộp hồ sơ đăng ký học và ngày 20/9/2017 đã chuyển khoản 20.000.000 đồng theo yêu cầu của Công ty R.

Ngày 16/10/2017, khi đến dự lễ khai giảng lớp học, ông Đ mới biết lịch học cụ thể của Term 1 có một môn học vào thứ 5 hằng tuần, từ 09 giờ 00 phút đến 12 giờ 00 phút, trong vòng 03 tháng. Lịch học này không phù hợp với thời gian đi làm của ông Đ, cũng không đúng như tư vấn của ông Đ thuộc bộ phận tuyển sinh của Công ty R.

Ngày 17/10/2017, ông và ông Đ đến Công ty R liên hệ người có thẩm quyền giải quyết thì được hướng dẫn gặp cô Thảo – Bộ phận Thạc sĩ. Sau khi ông trình bày sự việc và hỏi thêm thì được cô Thảo cho biết lịch học của Term 2 chưa có vì chưa liên hệ được giáo viên. Ông và ông Đ tiếp tục được cô Thảo dẫn đến gặp ông Hiển – Bộ phận hỗ trợ sinh viên để thông báo thời gian học không phù hợp và xin rút lại tiền đã nộp cho Công ty R. Ngày 18/10/2017, ông và ông Đ gặp ông Hiển lần thứ 2 để được gặp người có thẩm quyền giải quyết, ông Hiển hẹn cuối tuần sẽ báo lại. Ngày 20/10/2017, ông Hiển gọi điện thoại báo rằng ngày 24/10/2017 sẽ được gặp người quản lý của Công ty R và ngày 23/10/2017 sẽ báo thời gian cụ thể. Tuy nhiên, sau đó ông Hiển không gọi điện cho ông và ông không liên lạc được với ông Hiển nữa.

Ngày 24/10/2017, ông viết kiến nghị gửi Hiệu trưởng của Công ty R đề nghị giải quyết trả lại số tiền 20.000.000 đồng. Ngày 27/10/2017, Công ty R gửi thư điện tử (email) cho ông và ông Đ với nội dung kiến nghị của ông không được chấp nhận. Ngày 18/01/2018, ông gửi đơn khiếu nại đến Hiệu trưởng của Công ty R. Ngày 30/01/2018, Hiệu trưởng của Công ty R phúc đáp từ chối đơn kiến nghị của ông.

Nhận thấy bị đơn đã cố ý che giấu thông tin lịch học cụ thể của các môn học trước khi nguyên đơn đóng tiền và nộp Tờ khai chấp nhận lời mời nhập học, dẫn đến việc nguyên đơn hiểu sai lệch về thời gian học, nội dung giao dịch nên đã đóng tiền và xác nhận giao dịch. Nội dung Tờ khai chấp nhận lời mời nhập học có mục “Hành động bảo mật” yêu cầu chữ ký gốc của sinh viên trên tất cả các biểu mẫu; Khoản 4 Điều 11 của Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 08/4/2014 về Bản sao văn bản có quy định: “Bản sao chụp cả dấu và chữ ký của văn bản không được thực hiện theo đúng thể thức quy định tại Khoản 2 của Điều này chỉ có giá trị thông tin, tham khảo” nên Tờ khai chấp nhận lời mời nhập học vô hiệu.

Nguyên đơn - ông Đ khởi kiện Công ty R tại Tòa án, yêu cầu hoàn trả cho ông số tiền đặt chỗ 20.000.000 đồng theo đúng quy định của Luật pháp Việt Nam.

Bị đơn – Công ty R có bà Dương Thành Thúy Đoan là Người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 06/9/2017, ông Đ và mẹ là bà Nguyễn Thị Thuận có liên hệ và được ông Đ – Bộ phận tuyển sinh tư vấn trực tiếp về khóa học đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Công ty R. Sau đó, ông Đ đã gửi thư điện tử (email) cho nguyên đơn để cung cấp thông tin chi tiết của khóa học. Thông tin thời gian khóa học cũng được trình bày cụ thể, đồng thời đính kèm lịch học chương trình MBA dự kiến và có nội dung lịch học này có thể thay đổi chút ít cho đến khi vào học.

Ngày 12/9/2017, Công ty R gửi cho ông Đ Thư mời nhập học với nội dung yêu cầu ông Đ: Ký và nộp lại Thư chấp nhận đề nghị nhập học trước ngày 22/9/2017; Đọc và hiểu tài liệu hướng dẫn thông tin học phí và các phí phụ thu của Công ty R; Thanh toán đặt cọc không hoàn lại 20.000.000 đồng trước ngày 22/9/2017. Phí đặt cọc này sẽ được khấu trừ vào tiền học phí của học kỳ đầu tiên; và một số nội dung khác.

Ngày 20/9/2017, ông Đ thanh toán phí đặt cọc không hoàn lại cho Công ty R. Ngày 22/9/2017, ông Đ nộp lại Thư chấp nhận đề nghị nhập học có chữ ký của ông Đ. Tại Mục 3 của Thư này là phần chấp nhận và tuyên bố của ông Đ, thể hiện rõ đã đọc và hiểu tài liệu hướng dẫn thông tin học phí và các phí phụ thu của T ông Đ rường Công ty R.

Như vậy, ông Đ đã được tư vấn rõ ràng, đầy đủ về lịch học cũng như tính chất của khoản phí đặt cọc, thông tin lịch học đã được gửi đến ông Đ trong thư điện tử ngày 06/9/2017 chứ không phải bị che giấu như ông Đ đã trình bày, nên bị đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người làm chứng – bà Nguyễn Thị Thuận trình bày:

Ngày 05/9/2017, bà cùng con trai là ông Đ đến Công ty R để liên hệ cho ông Đ vào học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, lớp ngoài giờ hành chính, được ông Đ2 thuộc Bộ phận tuyển sinh của Công ty R tư vấn “Lớp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, học vào các ngày nghỉ cuối tuần, các buổi từ 18 giờ 00 phút đến 21 giờ 00 phút, chi có một môn học trong vòng 1 tuần từ thứ 6, thứ 7, chủ nhật và thứ 2”. Ông Đ đã nộp hồ sơ đăng ký học và ngày 20/9/2017 đã chuyển khoản 20.000.000 đồng theo yêu cầu của Công ty R.

Ngày 16/10/2017, khi đến dự lễ khai giảng lớp học, ông Đ mới biết lịch học cụ thể của Term 1 có một môn học vào thứ 5 hằng tuần, từ 09 giờ 00 phút đến 12 giờ 00 phút, trong vòng 03 tháng. Lịch học này không phù hợp với thời gian đi làm của ông Đ, cũng không đúng như tư vấn của ông Đ thuộc bộ phận tuyển sinh của Công ty R.

Ông Đ đã yêu cầu được hoàn lại số tiền 20.000.000 đồng phí giữ chỗ đã đóng nhưng Công ty R không đồng ý. Bà Thuận đề nghị Tòa án xem xét giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 515/2018/DS-ST ngày 12 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh: Áp dụng:

- Khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 36, điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014;

- Luật phí và lệ phí năm 2015;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn Công ty R hoàn lại cho nguyên đơn – ông Đ số tiền phí đặt cọc giữ chỗ 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng) Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 23/10/2018, nguyên đơn – ông Đ do ông T là người đại diện theo ủy quyền nộp Đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, trình bày:

- Tòa án xác định khoản tiền 20.000.000 đồng là phí đặt chỗ không hoàn lại, xác định hai bên tranh chấp hợp đồng đặt cọc là không có cơ sở pháp lý;

- Trường Công ty R là cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, nguyên đơn đã được bị đơn gửi thư mời nhập học và cấp mã sinh viên nhưng Tòa án xác định nguyên đơn không phải là người học, không áp dụng Luật Giáo dục để giải quyết là không đúng;

- Thư điện tử mà bị đơn gửi cho nguyên đơn ngày 06/9/2017 không có thông tin lịch học đầy đủ cho người học, là cố ý che giấu thông tin học tập trước khi yêu cầu nguyên đơn thanh toán tiền đặt chỗ và ký Tờ khai chấp nhận lời mời nhập học.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Nguyên đơn – ông Đ có ông T đại diện theo ủy quyền trình bày không rút yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm, xét sửa bản án sơ thẩm buộc bị đơn Công ty R hoàn lại cho ông Đ số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Đ, sửa bản án sơ thẩm, buộc bị đơn – Công ty R hoàn lại cho ông Đ số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng). Vì giao dịch giữa Công ty R với ông Đ bị vô hiệu bởi những lý do: Công ty R đã gửi thư mời ông Đ nhập học, ông Đ chỉ gửi bản chụp thư đồng ý nhập học có chữ ký của ông Đ, chưa gửi bản chính thư đồng ý nhập học có chữ ký gốc của ông Đ cho Công ty R nên giao dịch chưa hoàn thành. Việc Công ty R thu học phí đặt chỗ không hoàn lại là vi phạm Luật Giáo dục, trong quá trình giao dịch, nguyên đơn có sự nhầm lẫn về lịch học nên giao dịch bị vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tại thời điểm giao dịch. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “tranh chấp hợp đồng đặt cọc” không đúng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bị đơn – Công ty R có ông M đại diện theo ủy quyền trình bày Công ty R không kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, giữ nguyên ý kiến và yêu cầu như đã trình bày tại Tòa án cấp sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Kiểm sát viên – Viện kiểm sát nhân dân Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Về tố tụng:

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý vụ án đúng thẩm quyền. Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án: Có thông báo bằng văn bản cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án, quyết định xét xử cùng hồ sơ vụ án chuyển Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn quy định tại Điều 292 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án thực hiện đúng trình tự, thủ tục xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định pháp luật.

Về nội dung:

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm không đồng ý khoản tiền học phí đặt chỗ 20.000.000 đồng là hợp đồng đặt cọc; Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Luật Giaó dục là không phù hợp. Bị đơn không cung cấp đầy đủ thông tin lịch học qua email ngày 06/9/2017, không cung cấp đầy đủ thông tin cho người học, che giấu thông tin lịch học trước khi yêu cầu nguyên đơn thanh toán tiền học phí giữ chỗ và ký tờ khai chấp nhận lời mời nhập học theo yêu cầu của bị đơn; tờ khai chấp nhận lời mời nhập học vô hiệu.

Căn cứ thư điện tử (email) từ ông Đ2 nhân viên thuộc bộ phận tuyển sinh của Công ty R gửi cho ông Đ lúc 11 giờ 23 phút, ngày 06/9/2017 cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết khóa học; Căn cứ Thư đề nghị nhập học của Công ty R gửi cho ông Đ ngày 12/9/2017, Căn cứ thư chấp nhận đề nghị nhập học, có chữ ký của nguyên đơn đã gửi cho Công ty R ngày 22/9/2017. Có cơ sở xác định giao dịch dân sự giữa hai bên thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định tại Điều 219 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Thư đề nghị nhập học này được xem như là một đề nghị giao kết hợp đồng dân sự, phù hợp quy định tại Điều 386 Bộ Luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự trên có hiệu lực, phù hợp quy định tại Điều 117 Bộ Luật Dân sự năm 2015 và xác định đây là hợp đồng đặt cọc phù hợp Điều 328 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Khi các bên tiến hành giao dịch dân sự nêu trên, ông Đ chưa phải là người học để áp dụng Luật Giáo dục đại học theo yêu cầu của nguyên đơn. Bị đơn đã tư vấn và cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho nguyên đơn về lịch học trước khi nguyên đơn đóng phí đặt cọc giữ chỗ vào ngày 20/9/2017. Từ những nhận định trên, nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử phù hợp quy định pháp luật và nội dung vụ án nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông T. Đề nghị Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 515/2018/DS-ST ngày 12 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

I/ Về tố tụng:

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/7/2019, ông T người đại diện theo ủy quyền ông Đ – nguyên đơn không thừa nhận chữ ký, chữ viết tên của ông Đ chữ viết số “11/9/2017” tại trang 02 Application From (Postgraduate Program), nguyên đơn dịch là đơn đăng ký chương trình sau Đại học. Ông T yêu cầu Tòa án cấp phúc trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết nêu trên xác định có phải do ông Đ ký và viết ra không. Ngoài ra, ông T còn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định đối với chữ ký, chữ viết tên Đ, chữ viết số ngày 11/9/2017 tại Tài liệu hướng dẫn thủ tục nhập học đề ngày 11/9/2017 so sánh chữ ký và chữ viết số của ông Đ như đã nêu trên có phải do cùng một người là ông Đ2 viết ra không.

Tòa án cấp phúc thẩm đã nhiều lần yêu cầu ông T cung cấp cho Tòa án các mẫu chữ ký, chữ viết của ông Đ cần giám định và các mẫu chữ ký, mẫu chữ viết của ông Đ làm mẫu so sánh để Tòa án trưng cầu giám định theo yêu cầu của ông. Sau khi Tòa án đã thu thập đầy đủ mẫu chữ ký, mẫu chữ viết cần giám định và mẫu chữ ký và mẫu chữ viết cần so sánh, ngày 21/20/2019, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Thông báo số 8580, thông báo cho ông T tạm ứng chi phí thực hiện thủ tục giám định chữ ký, chữ viết của ông Đ. Thời hạn nộp tạm ứng chi phí giám định là 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này. Ngày 24/10/2019, ông T đã ký nhận Thông báo nêu trên nhưng quá thời hạn 15 ngày theo Thông báo, ông T không thực hiện việc tạm nộp chi phí giám định. Ngày 11/11/2019, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 5536/2019/QĐ – PT đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 20/11/2019, ông T xác định không yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký chữ viết, chữ viết số của ông Đ tại trang 02 Application From (Postgraduate Program), nguyên đơn dịch là đơn đăng ký chương trình sau Đại học. Ngoài ra không còn yêu cầu giám định chữ ký chữ viết tên nào khác của ông Đ.

II/ Về nội dung:

1. Ông Đ có ông T đại diện theo ủy quyền cho rằng:

1.1. Công ty R tư vấn lớp học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh cho ông Đ không cung cấp đầy đủ thông tin cho người học.

1.2. Ngày 12/9/2017, Công ty R gửi e-mail cho ông Đ yêu cầu thanh toán khoản tiền học phí đặt chỗ không hoàn lại 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) nhưng Công ty R không có thông tin cho ông Đ về lịch học các môn trước khi đóng tiền, ông Đ không biết có môn học từ 09 giờ 00 phút đến 12 giờ 00 phút trong vòng 03 tháng. Việc Công ty R yêu cầu ông Đ đóng 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) phí giữ chỗ là trái với quy định pháp luật vì theo Luật Giáo dục “… ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng khoản tiền nào khác”.

1.3. Ngày 20/9/2017, ông Đ đã đóng 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) phí giữ chỗ theo yêu cầu của Công ty R, lúc 16 giờ 30 phút ngày 22/9/2017 Công ty R mới gửi e-mail cho ông Đ về tài khoản sinh viên trong đó có Link Web xem lịch học. Như vậy, Công ty R cố tình che giấu thông tin lịch học cụ thể các môn học trước khi ông Đ đóng tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) và nộp tờ khai chấp nhận lời mời nhập học, nhằm làm cho ông Đ hiểu sai về thời gian học, nội dung giao dịch nên đã đóng tiền xác nhận nội dung giao dịch.

1.4. Ông Đ đã gửi bản chụp Tờ khai chấp nhận lời mời nhập học theo yêu cầu của Công ty R. Tờ khai này không có chữ ký gốc của sinh viên mà Công ty R vẫn thực hiện những bước tiếp theo là trái với yêu cầu của Công ty R. Do đó, tờ khai lời mời nhập học đã bị vô hiệu.

Nguyên đơn – ông Đ đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty R hoàn trả lại cho ông số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

2. Người đại diện theo ủy quyền của Công ty R cho rằng:

2.1. Giao dịch đặt cọc giữa Công ty R với ông Đ không chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục đại học năm 2005. Tại thời điểm giao dịch đặt cọc giữ chỗ, ông Đ chưa phải là “người học” tại Công ty R. Việc ông Đ đóng phí đặt cọc cho Công ty R là để cam kết theo học tại trường. Nếu ông Đ trở thành “người học” tại Công ty R thì phí đặt cọc này trở thành một phần học phí mà người học phải nộp. Công ty R tuân thủ quy định pháp luật, không thu bất cứ khoản phí nào ngoài tiền học phí và lệ phí tuyển sinh, không vi phạm khoản 1 Điều 105 của Luật Giáo dục năm 2005.

2.2. Giao dịch đặt cọc giữa Công ty R với ông Đ là giao dịch dân sự hợp pháp tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015:

- Tại thư đề nghị nhập học gửi ông Đ ngày 12/8/2017, Công ty R đề nghị rõ việc đóng phí đặt cọc không hoàn lại và dành cho ông Đ 10 ngày để cân nhắc việc chấp thuận lời đề nghị này. Thư đề nghị nhập học được xem xét như là một đề nghị giao kết hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 386 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Công ty R đưa ra thư đề nghị nhập học và ông Đ gửi lại trường thư chấp nhận lời đề nghị nhập học đã được ông Đ ký tên và chuyển khoản phí đặt cọc là giao dịch dân sự có hiệu lực và hợp pháp.

- Giao dịch đặt cọc do Công ty R đề nghị sinh viên tham gia là phù hợp với khái niệm đặt cọc tại Điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, phí đặt cọc là một khoản tiền mà ông Đ thanh toán cho Công ty R nhằm mục đích đảm bảo việc ông Đ đăng ký tham gia học tại Công ty R và Công ty R cam kết dành cho ông Đ một chỗ học.

- Căn cứ Điều 8 Tài liệu hướng dẫn thông tin học phí và các phí phụ thu 2017 Công ty R đã gửi cho ông Đ trong thư điện tử ngày 12/9/2017 và được công khai trên trang chủ Công ty R, phí đặt cọc được xử lý như sau: Nếu sinh viên theo học tại Công ty R, phí đặt cọc sẽ được trừ vào học phí, điều này cũng đã được nêu rõ trong thư đề nghị nhập học đã gửi đến sinh viên; Nếu sinh viên không tham gia theo học thì phí đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc (Công ty R), có tính chất không hoàn lại, nếu Công ty R hủy đợt khai giảng ngành sinh viên đã chọn thì phải hoàn lại cho sinh viên phí đặt cọc. Như vậy, nếu ông Đ theo học tại Công ty R thì phí đặt cọc sẽ chuyển thành một phần học phí nhưng do ông Đ đã không theo học nên theo thỏa thuận thì Công ty R có quyền giữ lại phí đặt cọc này. Bị đơn đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

3. Hội đồng xét xử xét thấy:

Do có nhu cầu học thạc sĩ Quản trị kinh doanh, ông Đ đã đến Công ty R tìm hiểu và được tư vấn về khóa học, thời gian khóa học, đồng thời Công ty R đã gửi thư điện tử (email) cung cấp thông tin chi tiết của khóa học cho ông Đ.

3.1. Ngày 06/9/2017, vào lúc 11 giờ 23 phút, ông Đ – nhân viên thuộc bộ phận tuyển sinh của Công ty R đã gửi đến ông Đ thư điện tử (e-mail), cung cấp thông tin chi tiết khóa học, trong đó có thông tin về thời gian khóa học được trình bày cụ thể tại (phụ lục 1): “hình thức chuyên sâu (INTENSIVE) diễn ra trong 4 ngày từ thứ sáu đến thứ hai một tuần trong suốt học kỳ 12 tuần, từ 08 giờ 30 phút đến 05 giờ 30 phút chiều. Hình thức ngày thường (WEEKDAY) diễn ra 03 giờ/ngày; 01 ngày/tuần trong suốt học kỳ 12 tuần. Hình thức ban đêm (EVENING) diễn ra trong một buổi tối mỗi tuần trong suốt học kỳ 12 tuần”. Trong e-mail này còn có đính kèm lịch học chương trình MBA dự kiến tại dòng “2017 Provisional MBA Course Schedule. Please view/download here”. E-mail này cũng thể hiện rõ ngày học có thể thay đổi không đáng kể cho tới khi nhập học. (Phụ lục 2 – Lịch học thạc sỹ Quản trị Kinh doanh dự kiến năm 2017). Ngày 20/9/2017, nguyên đơn – ông Đ thanh toán phí đặt cọc không hoàn lại cho Công ty R. Như vậy, thư điện tử ngày 06/9/2017 thể hiện rõ đối với các môn học áp dụng hình thức ngày làm việc trong tuần, Công ty R đã sắp xếp lịch học của môn đó vào một ngày làm việc trong tuần với thời lượng ba giờ.

Ông Đ cho rằng lịch học cụ thể của term 1 có một môn học vào ngày thứ năm hàng tuần từ 9 giờ đến 12 giờ trong vòng 03 tháng không đúng như thông tin Công ty R cung cấp trước khi ông đóng phí đặt cọc giữ chỗ là không có cơ sở và không được sự thừa nhận của Công ty R, vì thông tin này Công ty R đã cung cấp cho ông Đ theo thư điện tử ngày 06/9/2017, trước ngày ông Đ đóng phí đặt cọc giữ chỗ 20/9/2017.

Như vậy, ông Đ đã được Công ty R tư vấn đầy đủ, rõ ràng về lịch học trước khi ông Quyết định đóng phí đặt cọc. Trường hợp, ông Đ không biết lịch học, không rõ lịch học, ông có quyền đến Công ty R đề nghị tư vấn lại cho rõ ràng hoặc đề nghị cung cấp lịch học, chương trình học trước khi ông quyết định đóng phí đặt cọc giữ chỗ hoặc ký chấp nhận thư mời nhập học của Công ty R gởi cho ông. Việc ông Đ đã tự tìm hiểu, được tư vấn trước khi ông xác lập giao dịch đóng phí đặt cọc giữ chỗ và ký chấp nhận thư mời nhập học là quyền thỏa thuận của ông Đ với Công ty R không bị ai ép buộc.

3.2. Ngày 12/9/2017, Công ty R gửi cho ông Đ thư mời nhập học với nội dung yêu cầu ông Đ: ký và nộp lại thư chấp thuận đề nghị nhập học trước ngày 22/9/2017; Đọc và hiểu tài liệu hướng dẫn thông tin học phí và các phí phụ thu của Công ty R; Thanh toán phí đặt cọc không hoàn lại là 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) trước ngày 22/9/2017. 3.3. Điều 8 Tài liệu hướng dẫn thông tin học phí và các phí phụ thu 2017 (đã được gửi đến ông Đ trong thư điện tử nêu trên và công khai trên trang chủ của Công ty R), phí đặt cọc được xử lý như sau: Nếu sinh viên không tham gia theo học thì phí đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc là Công ty R, có tính chất không hoàn lại. Ngược lại, nếu Công ty R hủy đợt khai giảng ngành sinh viên đã chọn thì phải hoàn lại cho sinh viên phí đặt cọc. Ngày 20/9/2017, ông Đ thanh toán phí đặt cọc không hoàn lại cho Công ty R. Ngày 22/9/2017, ông Đ nộp thư chấp nhận đề nghị nhập học có chữ ký của ông Đ. Tại mục 3 của thư này là phần chấp nhận và xác nhận của ông Đ, ông thể hiện rõ đã đọc hiểu tài liệu hướng dẫn thông tin học phí và các phí phụ thu của Công ty R.

Nếu nhận được thư mời nhập học của Công ty R, không đồng ý với các điều kiện của Công ty R đưa ra, ông Đ có quyền không chấp nhận thư mời nhập học, không ký thư mời nhập học, không tham gia học tại trường này. Tuy nhiên, ông Đ đã ký thư chấp thuận đề nghị nhập học, chụp lại thư này đã có chữ ký của ông và gởi email cho Công ty R. Tại đơn khởi kiện Công ty R, chính ông Đ cũng thừa nhận: ông đã làm hồ sơ nộp cho trường, ngày 20/9/2017, ông đã chuyển cho Công ty R 20.000.000 đồng theo yêu cầu của trường.

Từ các tài liệu chứng cứ nêu trên, xét thấy, trong quá trình xác lập và thực hiện giao dịch giữa ông Đ và Công ty R, không có cơ sở nào cho rằng giao dịch vô hiệu do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, hoặc do người xác lập giao dịch không nhận thức và làm chủ hành vi của mình và cũng không có cơ sở nào cho rằng giao dịch vô hiệu do chưa hoàn thành như quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đ đã trình bày.

3.4. Như vậy, thư đề nghị nhập học gửi cho ông Đ ngày 12/9/2017, Công ty R đề nghị rõ về việc đóng phí đặt cọc giữ chỗ không hoàn lại và giành cho ông Đ khoảng thời gian 10 ngày để cân nhắc và chấp nhận phí đặt cọc không hoàn lại. Thư đề nghị nhập học này được xem như một đề nghị giao kết hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 386 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Công ty R là một pháp nhân. Ông Đ là người thành niên, các bên tham gia giao dịch có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Việc ông Đ ký tên vào thư chấp nhận đề nghị nhập học ngày 22/9/2017 và đóng phí đặt cọc vào ngày 20/9/2017 là dựa trên cơ sở ý chí và sự lựa chọn tự nguyện của ông Đ. Mục đích và nội dung hai bên thỏa thuận không vi phạm Điều cấm của pháp luật. Căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, có cơ sở xác định giao dịch giữa Công ty R với ông Đ hợp pháp có hiệu lực pháp luật. Giao dịch đặt cọc do Công ty R đề nghị sinh viên tham gia phù hợp với khái niệm đặt cọc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 328 quy định khái niệm đặt cọc: “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Đối chiếu quy định pháp luật, xét thấy phí đặt cọc là một khoản tiền ông Đ thanh toán cho Công ty R nhằm mục đích bảo đảm việc ông đăng ký tham gia học tại Công ty R và Công ty R cam kết giành chỗ học cho ông. Công ty R xử lý phí đặt cọc phù hợp cách thức xử lý tài sản đặt cọc theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015. Khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “trường hợp hợp đồng được giao kết thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; Nếu bên đặt cọc từ chối giao kết thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Đối chiều quy định pháp luật xét thấy, việc ông Đ không theo học tại Công ty R nên Công ty R không hoàn lại phí đặc cọc là do có sự thỏa thuận của hai bên khi giao kết hợp đồng dân sự và đúng quy định của pháp luật.

3.5. Từ những nhận định trên, xét thấy việc ông Đ khởi kiện Công ty R yêu cầu hoàn trả lại cho ông số tiền đặt cọc 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đ là có căn cứ.

3.6. Ông Đ đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm cho rằng phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm về khoản tiền học phí đặt chỗ không hoàn lại 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) là “hợp đồng đặt cọc” không có cơ sở pháp lý, trái quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông nên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xác minh tại Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Công ty R thu phí đặt cọc giữ chỗ không hoàn lại có đúng quy định của pháp luật không. Theo kết quả xác minh, ngày 14/5/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 2069/BGDĐT – KHTC cung cấp thông tin liên quan đến Công ty R như sau:

- Trường Công ty R là Trường Đại học 100% vốn nước ngoài của Úc đang hoạt động tại Việt Nam. Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Luật Giáo dục: “Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần đảm bảo chi phí cho các hoạt động giáo dục … Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng khoản tiền nào khác”; đồng thời theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 65 Luật Giáo dục năm 2012 thì: “4. Cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định của pháp luật;

5. Mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh phải công bố công khai cùng thời điểm với thông báo tuyển sinh.” Như vậy, theo quy định trên Trường Công ty R được quyền xây dựng và quyết định thu học phí lệ phí tuyển sinh phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài ra, Trường Công ty R đã công khai các thông tin liên quan đến học phí và kinh phí khác trong cuốn “Tài liệu hướng dẫn thông tin học phí và các phí phụ thu” gửi cho người học.

- Theo các quy định trên và hồ sơ gửi kèm khoản “phí đặt cọc” 20.000.000 đồng Trường Công ty R thu của người học không phải là học phí và phí tuyển sinh. Vấn đề tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa Trường Công ty R và người học thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.

3.7. Tại phiên tòa hôm nay, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đ cho rằng: ông Đ khởi kiện đòi lại tài sản do giao dịch bị vô hiệu bởi những lý do: Công ty R đã gửi thư mời ông Đ nhập học, ông Đ chỉ gửi thư đồng ý nhập học có chữ ký trên bản chụp ảnh, ông Đ chưa gửi bản chính thư đồng ý nhập học có chữ ký gốc của ông Đ cho Công ty R nên giao dịch chưa hoàn thành; Việc Công ty R thu học phí đặt chỗ không hoàn lại là vi phạm Luật Giáo dục, trong quá trình giao dịch ông Đ có sự nhầm lẫn về lịch học nên giao dịch bị vô hiệu, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tại thời điểm giao dịch. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” không đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn số tiền học phí đặt chỗ 20.000.000 đồng.

3.8. Hội đồng xét xử, xét thấy: “Phí đặt cọc giữ chỗ không hoàn lại 20.000.000 đồng” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục, song Luật Giáo dục cũng không quy định cấm không thực hiện đối với giao dịch này. Việc Công ty R và ông Đ đã tự nguyện thỏa thuận xác lập và thực hiện giao dịch về khoản “phí đặt cọc giữ chỗ không hoàn lại 20.000.000 đồng” thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015 theo quy định tại Điều 117 và Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như đã phân tích trên, chủ thể xác lập giao dịch có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện; Mục đích nội dung giao dịch này không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội nên giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật không bị vô hiệu như Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày. Tòa án cấp sơ thẩm xác định tranh chấp hợp đồng dân sự là đúng quy định tại Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

3.9. Tại phiên tòa hôm nay, Kiểm sát viên – Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông T. căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 515/2018/DS-ST ngày 12/10/2018 của Tòa án nhân dân Quận Q2 Thành phố Hồ Chí Minhm là có căn cứ.

3.10. Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử xét không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T là đại diện theo ủy quyền của ông Đ – nguyên đơn, về việc buộc Công ty R hoàn lại cho ông Đ số tiền phí đặt cọc giữ chỗ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng). Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 515/2018/DS-ST ngày 12/10/2018 của Tòa án nhân dân Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Về án phí:

Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, ông Đ phải nộp án phí phúc thẩm 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng).

Vì những lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 148, Điều 293, khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Áp dụng:

Điều 117, 328 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014;

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông T là đại diện theo ủy quyền của ông Đ – nguyên đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 515/2018/DS-ST ngày 12/10/2018 của Tòa án nhân dân Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đ – nguyên đơn, về việc buộc bị đơn Công ty R hoàn lại cho ông số tiền phí đặt cọc giữ chỗ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

2. Về án phí:

2.1. Án phí dân sự sơ thẩm: 1.000.000 đồng (một triệu đồng) ông Đ phải nộp, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng) do ông T – đại diện theo ủy quyền của ông Đ đã nộp, theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/0025583 ngày 13/8/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận Q2 Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Đ còn phải nộp thêm số tiền án phí dân sự sơ thẩm là 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng).

2.2. Án phí dân sự phúc thẩm: 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), ông Đ phải nộp, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) do ông T – đại diện theo ủy quyền của ông Đ đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/0026209 ngày 25/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Đ đã nộp xong án phí phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

637
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 1087/2019/DS-PT ngày 21/11/2019 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Số hiệu:1087/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Ngày 05/09/2017, bà Nguyễn Thị Thuận và con trai là ông Đ đến Công ty R liên hệ cho ông Đ vào học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, lớp ngoài giờ hành chính. Sau khi được ông Đ2 thuộc bộ phận tư vấn tuyển sinh tư vấn lịch học, ông Đ đã nộp hồ sơ đăng ký học và chuyển khoản 20.000.000 đồng tiền đặt cọc theo yêu cầu của Công ty R. Ngày 16/10/2017, khi đến dự lễ khai giảng lớp học, ông Đ mới biết lịch học cụ thể không đúng như tư vấn của bộ phận tuyển sinh. Ông Đ cho rằng Công ty R cố ý che giấu thông tin lịch học cụ thể nên ông Đ khởi kiện Công ty R yêu cầu hoàn trả cho ông số tiền 20.000.000 đồng.

Công ty R cho rằng ông Đ đã được tư vấn rõ ràng, đầy đủ về lịch học cũng như tính chất của khoản phí đặt cọc, thông tin lịch học đã được gửi đến ông Đ trong thư điện tử chứ không phải bị che giấu như ông Đ trình bày.

Tòa án tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn là ông Đ về việc buộc Công ty R hoàn lại số tiền đặt cọc.
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;