Bản án 108/2016/HSPT ngày 20/06/2016 về tội tàng trữ trái phép vật liệu nổ

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 108/2016/HSPT NGÀY 20/06/2016 VỀ TỘI TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP VẬT LIỆU NỔ

Trong ngày 15 và 20/6/2016, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 308/2016/HSPT ngày 31/12/2015 đối với bị cáo Trần Thanh N, do có kháng cáo của bị cáo và người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến  vụ án đối với Bản  án  hình  sự  số 64/2015/HSST ngày 10/11/2015 của Toà án nhân dân huyện N, tỉnh Nghệ an.

* Bị cáo kháng cáo và bị kháng cáo:

Trần Thanh N, sinh ngày 20/4/1977; sinh trú quán: Xóm B, Xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; trình độ văn hóa: 7/12; nghề nghiệp: trồng trọt; con ông Trần Quang V (đã chết) và bà Nguyễn Thị N; có vợ là Nguyễn Thị T, có 02 con, lớn nhất sinh năm 2003, nhỏ sinh năm 2006; không có tiền án, tiền sự; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/5/2015 đến 12/8/2015 được tại ngoại; có mặt.

Người có quyền lợi liên quan đến vụ án: Anh Nguyễn Xuân H, sinh năm 1977 (chết).

* Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến vụ án kháng cáo: Chị Nguyễn Thị N, sinh năm 1982, trú tại: Xóm B, Xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; có mặt.

Người được chị Nguyễn Thị N ủy quyền: Chị Nguyễn Thị Ngọc D, sinh năm 1987; trú tại: Xóm B, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; có mặt.

* Ngoài ra còn có các bị cáo không kháng cáo: Nguyễn Hồng P và Lê Văn L.

NHẬN THẤY

Theo Cáo trạng cua Viện kiểm sát nhân dân huyện N va Ban an hinh sư sơ thẩm cua Toà án nhân dân huyện N thì vu an co nôi dung như sau:

Vào tháng 11/2014, Lê Văn L đi hái cây thuốc nam tại khu vực sông Sào huyện N, tỉnh Nghệ An thì phát hiện một túi ny lông dấu trong bụi cây, L mở ra xem thì thấy có một quả mìn tự chế hình bầu dục, nơi rộng nhất khoảng 03cm, dài khoảng 08cm, bên trong bọc ny lông màu trắng, bên ngoài quấn dây cao su màu đen, được nối từ trong quả mìn ra 2 sợi dây điện màu xanh, L đưa về nhà dấu trên chuồng gà sau vườn. Đến khoảng tháng 2/2015, Nguyễn Hồng P và Hg Ngọc Quân đến nhà L chơi và ăn cơm tại nhà L. Qúa trình ngồi nói chuyện P nói với L nhà có giếng nước mùa hè thường xuyên bị cạn. Nghe nói vậy L ra sau chuồng gà lấy quả mìn đưa cho P và hướng dẫn P sử dụng bằng cách đấu hai đầu dây điện vào hai cực của bình ắc quy hoặc pin. P đưa quả mìn về nhà để thông giếng nhưng sau đó không sử dụng nên cất dấu trong tủ gỗ ở phòng khách của gia đình. Đến ngày 08/5/2015, P đến nhà Trần Thanh N chơi. Trong khi ngồi nói chuyện N biết P có một quả mìn nhưng không sử dụng nên xin P để nổ cá, P đồng ý. Khoảng 3,4 ngày sau, P đưa quả mìn đến nhà cho N và hướng dẫn cách sử dụng. N lấy quả mìn đem giấu trên nóc tủ trong nhà. Khoảng 20 giờ ngày 21/5/2015, N mời anh Trương Văn Y đến nhà uống rượu. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, anh Nguyễn Xuân H đến nhà N chơi và cùng  ngồi uống rượu với N và anh Y. Trong khi ngồi uống rượu thì N rủ anh Y và anh H tối mai đi nổ cá về uống rượu. Nghe vậy, anh H hỏi N lấy mìn đâu để nổ cá thì N đứng dậy lấy quả mìn P đưa cho mình, đặt trước mặt anh H và lấy thêm một bình ắc quy 12V rồi hướng dẫn anh H sử dụng bằng cách nối hai đầu dây điện vào hai cực ắc quy. Nghe vậy, anh H nói để mình làm cho rồi lấy quả mìn để lên trên vai trái, sau đó cắm hai đầu dây điện được nối từ quả mìn ra chạm vào hai cực của bình ắc quy. Thấy vậy, N ngồi dậy định lấy lại bình ắc quy nhưng không kịp, quả mìn phát nổ làm anh H gục chết tại chỗ còn anh Y bị thương ở cách tay trái.

Tại kết luận giám định số 5128/C54-P2 ngày 27/5/2015 của Việ Khoa học Hình sự về các mẫu vật thu được tại hiện trường kết luận:

- Trên các mẫu vật gửi giám định có tìm thấy dấu vết của thuốc nổ TNT (trinitrotolune) và NH4NO3 (Nitrat Amon) là thành phần chính của thuốc nổ công nghiệp Amonit.

- Mảnh kim loại màu trắng, 01 vật hình trụ ở giữa có 02 đầu dây điện loại 01, sợi đồng và 02 đoạn dây điện vỏ màu xanh là mảnh vỏ, nút nhựa, dây cuống kíp của kíp nổ điện vỏ nhôm.

- Bình ắc quy màu đen ký hiệu JIALIANG đủ điều kiện để gây nổ một kíp nổ điện.

- Cấu tạo và nguyên lý gây nổ của vật nổ này gồm: Thuốc nổ, kíp điện nổ và ắc quy. Khi nối 02 đầu dây điện của kíp nổ vào 02 cực của ắc quy thì kích nổ thuốc nổ.

- Căn cứ vào Bản ảnh hiện trường số 169/PC54 ngày 22/5/2015 thì khối lượng thuốc nổ của vật nổ khoảng 100g. Với khối lượng thuốc nổ 100g khi nổ gây chết người hoặc sát thương bằng uy lực của thuốc nổ trong bán kính từ 02m đến 03m.

- Tại Bản kết luận giám định pháp y số 67/KL-PC(PY) ngày 28/5/2015 của Phòng kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận:

+ Tương ứng với vết 1.2 (phần khám người) bị bầm tụ máu nặng, dập nát, đứt, rách toàn bộ tổ chức da, cơ xương sườn, xương cột sống, xương bả vai, tim và phổi hai bên.

+ Nguyên nhân chết: Choáng nặng, dập nát cơ thể do vật liệu nổ.

Với nội dung trên, Bản án hình sự số: 64/2015/HSST ngày 10/11/2015 của Tòa án nhân dân huyện N tuyên bố các bị cáo Trần Thanh N, Nguyễn Hồng P, Lê Văn L phạm Tội tàng trữ tái phép vật liệu nổ.

Áp dụng khoản 1 điều 232, điểm b,p khoản 1 khoản 2 điều 46, điều 33 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Trần Thanh N 15 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 2/5 đến 12/8/2015. Ngoài ra xử phạt bị cáo P, L mỗi bị cáo 12 tháng tù cho hưởng án treo; buộc bồi thường; xử lý vật chứng và tuyên quyền kháng cáo.

Ngày 23/11/2015, chị Nguyễn Thị N làm đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm với nội dung:

Về tố tụng: Bản án xác định anh H, Yên là người có quyền lợi liên quan đến vụ án là không đúng pháp luật.

Về tội danh: Bản án đã bỏ lọt tội danh giết người của Trần Thanh N.

Ngày 23/11/2015 bị cáo Trần Thanh N làm đơn kháng cáo với nội dung về trách nhiệm hình sự xin cấp phúc thẩm cho hưởng án treo; về trách nhiệm dân sự xin giảm mức bồi thường và cấp dưỡng nuôi con anh H vì buộc quá cao.

Tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến vụ án và người được ủy quyền của mình giữ nguyên các nội dung kháng cáo và bổ sung thêm là phải hủy Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện N để điều tra, xét xử lại; bị cáo N giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của người có quyền lợi liên quan đến vụ án và của bị cáo Trần Thanh N.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết luận tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi liên quan và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Về nội dung kháng cáo của chị Nguyễn Thị N:

Về tội danh: Người được ủy quyền của chị N đưa ra các căn cứ như sau: Bị cáo N là người dùng dây điện cắm vào hai cực ắc quy làm phát nổ còn anh Trương Văn Y là người cầm quả mìn dí vào lưng anh H nên mới bị thương ở cánh tay; bản ảnh hiện trường phản ánh rõ vị trí của từng người; lời khai của bị cáo N tự mâu thuẫn với nhau, lời khai của anh Y cũng tự mâu thuẫn; bình ắc quy nằm sát bờ tường chứ không phải như mô tả của bị cáo N là anh H chết gục đè lên bình ắc quy; về động cơ phạm tội là do uống rượu không làm chủ được, ngoài ra bị cáo N còn có mâu thuẫn riêng với anh H nên đã thực hiện tội phạm. Do đó anh Y là người cùng với bị cáo N thực hiện hành vi giết anh H bằng cách đã làm mìn nổ chứ không phải người có quyền lợi N vụ liên quan như án sơ thẩm xác định.

Căn cứ lời khai của bị cáo Trần Thanh N và anh Trương Văn Y tại phiên tòa phúc thẩm thì cả bị cáo N và anh Trương Văn Y đều khẳng định anh H là người đã đấu hai dây điện vào cực âm dương của bình ắc quy; căn cứ Biên bản khám nghiệm hiện trường thấy như sau: Nhà có kích thước 5,1m x 5,9 m được chia làm hai gian không có vách ngăn mà thông liền nhau, gian phía tây là gian lồi, phía sau kê 01 gường ngủ, phía đông là gian thụt, gian khách có cửa ra vào có hai cánh bằng gỗ mở ra ngoài kích thước của cửa là 1,16m x 2m, phía sau gian khách (phía trong) kê bộ bàn ghế sa lông. Tại hiện trường tháy ở gian khách ngang phía trước giáp cửa ra vào có trải một chiếc chiếu nhựa, tử thi Nguyên Xuan H phát hiện chết trong tư thế nằm úp (sấp) ngang sát phía trước cửa đầu hướng tây, hai chan hướng Đông, phía dưới tử thi máu chảy đọng thành vũng lòng bàn tay trái tử thi thấy có nắm một sợi dây điện màu xanh (loại day nhỏ) sợi dây điện này luồn qua qua phía dưới về bên trái tử thi ở phần giữa vị trí tử thi và tường cửa phía trước (phía nam) bên cạnh sợi dây điện phát hiện có một chiếc ắc quy màu đen có kích thước 10 x 13 x 6 cm và 01 nồi cơm điện trên chiếu phía trong (phía bên phải) tử thi có một chiếc mâm nhôm, trên mâm nhôm có nhiều bát, đĩa, chén, đũa và thức ăn, uống còn lại cùng nhiều vết máu; căn cứ kết luận giám định số 5128 - PC54-P2 ngày 27/5/2015 của Viện khoa học Hình sự kết luận: Trên các mẫu vật gửi tới giám định có tìm thấy dấu vết của thuốc nổ TNT (Trinitotroluen) và NH4NO3 (Nitrat Amon). Là thành phần chính của thuốc nổ công nghiệp Amônit. Bình ác qui gửi tới giám định có đủ điều kiện gây nổ một kíp nổ điện, cấu tạo, nguyên lý của vật nổ này gồm: thuốc nổ, kíp nổ điện và ác qui. Khi nối 02 đầu dây điện của kíp nổ vào 02 cực của ắc quy thì kíp nổ nổ và kích nổ thuốc nổ. Căn cứ vào Bản ảnh hiện trường số 169/PC54 ngày 22/5/2015 thì khối lượng thuốc nổ của vật nổ khoảng 100g. Với khối lượng thuốc nổ 100g khi nổ gây chết người hoặc sát thương bằng uy lực của thuốc nổ trong bán kính từ 02m đến 03m.

Lời khai của bị cáo N tại Bút lục số 88: “Quá trình uống rượu thì tôi có rủ anh H và anh Y ngày mai đi nổ mìn đánh cá cùng với tôi. Anh H hỏi lấy mìn đâu mà nổ thì tôi cho anh H biết tôi được anh P cho một quả mìn tự chế. Sau đó tôi lấy quả mìn trên nóc tủ xuống đưa cho anh H xem. Anh H xem một lúc rồi nói: “Quả mìn này nhỏ ri làm sao mà nổ được”. Tôi có nói với anh H chỉ cần đấu hai đầu dây điện vào bình ắc qui thì nó sẽ nổ, nó nổ mạnh lắm, anh H nói lại “không tin được”. Sau đó anh H nói mai đi đánh cá lấy gì mà nổ mìn thì tôi đi lại bàn học con tôi lấy một chiếc bình ắc qui loại 12 vôn đưa lại đặt trước mặt anh H. Tôi nói chỉ cần đấu hai đầu dây điện vào hai cực của bình ắc qui thì mìn sẽ nổ. Tôi thấy anh H bất ngờ cầm quả mìn tự chế cho ra phía sau vai trái và cho quả mìn vào phía bên trong chiếc áo rồi cầm hai đầu dây điện đấu vào hai cực của bình ắc qui thì quả mìn phát nổ, làm anh H bị thương nặng và chết ngay tại chỗ, Anh Y ngồi phía sau thì bị thương ở tay trái.”

Tại bút lục số 92 bị cáo N khai “Quá trình ngồi uống rượu thì tôi có rủ anh H và Yên ngày mai đi nổ mìn bắt cá, lúc đó H có hỏi tôi “lấy mìn đâu ra mà nổ” thì tôi đứng dậy lấy quả mìn tự chế nói trên ở trên tủ xuống đặt trước mặt tôi và H thì H cầm quả mìn bỏ vào quần thì tôi lấy cất để ăn cơm thì H dằng lại và nói để tau giữ và H có hỏi cách sử dụng thì tôi nói “kích nổ bằng ác qui hoặc bằng pin đấu dây điện vào hai cực là được”. Khi đó H nói mai tau mua cặp pin thì tôi nói tau có bình ác qui và tôi lấy bình ác qui đưa ra cho H xem và H nói để tau nổ cho toi nói ngày mai để cho mi nổ còn bây giờ ăn cơm đi đã. Khi đó H đem quả mìn để lên sau vai của mình và đấu hai đầu dây điện vào bình ắc qui thì tôi đưa tay cướp lại bình ắc qui nhưng không kịp, quả mìn phát nổ thì H gục xuống trên tay tôi và chết tại chỗ.”

Tại bút lục số 98, bị cáo N khai: “Quá trình ngồi nói chuyện thì tôi (N) rủ H và Yên “Nếu thích thì ngày mai đi nổ mìn bắt cá uống rượu” Nghe vậy H hỏi lại “mìn mô mà nổ” thì tôi đứng dậy lấy trên nóc tủ một quả mìn tự chế hình bầu dục… đưa cho H và Yên xem. Khi xem H hỏi “Mìn ni nổ ra răng” thì tôi hướng dẫn cách sử dụng “kích nổ bằng ắc qui hoặc pin”  lúc này H giật luôn quả mìn bỏ vào trong quần, tôi giật lại nhưng H không cho. Tôi lấy bình ắc qui ở bàn học của con lại để trước mặt tôi và H thì H kéo về phía người H và nói “Cấy ni để tao, hai thằng bay không biết” tôi nói H cất đi nhưng H không chịu. Lúc đó tôi bới một bát cơm, định lấy bát bới cho H thì bắt ngờ H cúi người xuống bỏ quả mìn ra phía sau lưng hai tay cầm hai dây điện của quả mìn chạm vào hai nguồn điện của bình ắc qui, tôi hét lên và giật lại nhưng không kịp, quả mìn phát nổ H gục chết tại chỗ đè lên tay phải của tôi còn Yên thì bị thương ở tay trái.”

Lời khai của anh Trương Văn Y tại các bút lục số 211,213,214,217 phù hợp với lời khai của bị cáo N.

Như vậy, xem xét lời khai của bị cáo, biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai của anh Y cho thấy cả ba người chỉ ngồi nói chuyện, uống rượu và việc nổ mìn đánh cá, không có sự xích mích, mâu thuẫn gì trong mâm cơm và cũng không thể hiện sự mâu thuẫn cá nhân giữa anh H và bị cáo N. Anh H là người chủ động đến nhà N chơi, khi anh H vào nhà bị cáo N thì trách “bay có mồi ngon mà không kêu tao là đồ chó”. Điều này đã tỏ rõ sự thân thiện giữa anh H và bị cáo N, anh Y nên động cơ mục đích giết người của N là không có cơ sở.

Xét toàn diện, đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ vụ án và tổng hợp diễn biến hành vi khách quan của bị cáo trong vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Trần Thanh N và anh Trương Văn Y không thực hiện hành vi giết anh H. Do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị N về tội danh giết người cũng như việc xác định tư cách tố tụng của anh H và anh Y. Và vì vậy cũng không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo bổ sung là hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Còn nội dung kháng cáo về hình phạt: Người đại diện hợp pháp của anh H cho rằng hình phạt quá nhẹ vì N không có công với nước để được xem xét giảm nhẹ. Xét, ông Trần Quang Vinh là bố đẻ của bị cáo được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Vì vậy bị cáo N được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo qui định tại khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự mà cấp Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng là đúng, hơn nữa theo quy định tại điểm x khoản 1 điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực pháp luật) thì tình tiết này phải được xem xét theo hướng có lợi cho bị cáo được hưởng nên không chấp nhận nội dung kháng cáo này của chị Nguyễn Thị N.

Về nội dung bồi thường dân sự: tổng số tiền phải bồi thường là 218.000.000đ nhưng  cấp  sơ  thẩm  chỉ  chấp  nhận  và  buộc  phải  bồi  thường  1/3  của  số  tiền 63.000.000 đồng là quá thấp. Xét, bị cáo N tàng trữ trái phép vật liệu nổ gây hậu quả nghiêm trọng là chết người. Bị cáo phải chịu trách nhiệm về tội phạm này do đó cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần, chi phí mai táng và cấp dưỡng nuôi con cùng chị N nhưng cấp sơ thẩm xác định lỗi phần nhiều thuộc về anh Nguyễn Xuân H nên chỉ buộc bị cáo chịu 1/3 là chưa chính xác. Trong các khoản yêu cầu về bồi thường bao gồm các khoản: tổn thất về tinh thần, chi phí mai táng cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường 63.000.000 đồng là có căn cứ và phù hợp thực tế. Tuy nhiên các bên đều có lỗi, bị cáo N là người có lỗi trong việc để anh H dùng dây điện đấu vào bình ắc quy nên phải chịu nhiều hơn anh H do đó buộc bị cáo phải bồi thường 42.000.000 đồng.

Về yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, cấp sơ thẩm chưa phân tích rõ trong Bản án về việc chị N đã yêu cầu bị cáo phải cấp dưỡng một lần đối với 2 cháu với tổng số tiền trong tổng số yêu cầu 214.000.000 đồng trong khi bị cáo yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật là ảnh hưởng đến quyền lợi của các cháu mà phải buộc cấp dưỡng hàng tháng mới phù hợp và đảm bảo quyền lợi của các cháu. Cấp sơ thẩm buộc cấp dưỡng 900.000đ tháng/cháu là phù hợp thực tế. Bị cáo N có lỗi nhiều hơn nên buộc bị cáo cấp dưỡng nuôi con anh H và chị N cùng chị N mỗi cháu mỗi tháng 600.000đ, thi hành kể từ tháng 5 năm 2015 trở đi cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Về trình tự tố tụng không đúng, Biên bản phiên tòa phải được công khai nhưng HĐXX không chấp nhận. Thấy nội dung này chị N kháng cáo không đúng vì Biên bản phiên tòa không qui định HĐXX phải công khai, hơn nữa tại hồ sơ vụ án Người được ủy quyền của chị N đã được xem Biên bản phiên tòa và ký xác nhận vào biên bản. Do đó không có căn cứ xem xét tại cấp phúc thẩm.

Đối với kháng cáo của bị cáo Trần Thanh N:

Tại phiên toà bị cáo Trần Thanh N khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Bản án sơ thẩm đã xem xét đánh giá và tuyên bố.

Xét nội dung kháng cáo của bị cáo về trách nhiệm Hình sự thấy rằng bị cáo thực hiện hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ với trọng lượng khoảng 100 gam, khi đang uống rượu với anh Y, sau đó anh H đến cả ba cùng uống rượu thì N đưa mìn ra khoe đồng thời đưa bình ắc qui ra để hướng dẫn cho anh H cách sử dụng kích nổ, anh H đã cầm quả nổ vắt lên vai trái và cầm hai dây điện nối từ quả nổ cắm vào hai cực bình ắc quy thì phát nổ làm anh H chết ngay tại chỗ, bị cáo không kịp can ngăn. Cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm Tội tàng trữ trái phép vật liệu nổ là là đúng pháp luật và xử phạt bị cáo 15 tháng tù là phù hợp tính chất hành vi phạm tội của bị cáo. Mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng nhưng hậu quả gây ra là nghiêm trọng làm chết một người do đó không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ và hưởng án treo của bị cáo.

Về mức bồi thường và cấp dưỡng nuôi con cùng chị N, bị cáo N cho rằng cấp sơ thẩm buộc quá cao. Xét, Tòa sơ thẩm xác định lỗi phần nhiều thuộc về nạn nhân anh Nguyễn Xuân H nên chỉ buộc bị cáo phải chịu 1/3 trách nhiệm là không quá cao như nội dung kháng cáo của bị cáo. Do đó không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo giảm nhẹ mức bồi thường và cấp dưỡng nuôi con của bị cáo Trần Thanh N.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi N vụ liên quan đến vụ án có kháng cáo không phải chịu án phí HSPT. Bị cáo phải chịu án phí HSPT và án phí Dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm a,b khoản 2 Điều 248; khoản 3 điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

1. Sửa một phần Bản án sơ thẩm; chấp nhận một phần kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến vụ án, sửa phần bồi thường; không chấp nhận về xác định tư cách tham gia tố tụng và tội danh; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thanh N.

Áp dụng khoản 1 Điều 232, điểm p khoản 1 khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Trần Thanh N 15 tháng tù về Tội tàng trữ trái phép vật liệu nổ. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án nhưng được trừ tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/5/2015 đến 12/8/2015.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng điều 42 Bộ luật Hình sự; điều 610 Bộ luật Dân sự, buộc bị cáo Trần Thanh N phải bồi thường thiệt hại cho chị Nguyễn Thị N là người đại diện hợp pháp của anh Nguyễn Xuân H các khoản sau: mai táng phí, tổn thất tinh thần: 42.000.000đ. Đã bồi thường 20.000.000 đồng còn phải bồi thường tiếp 22.000.000 đồng.

Buộc bị cáo Trần Thanh N phải cấp dưỡng nuôi 2 cháu mỗi cháu mỗi tháng 600.000 đồng, thi hành từ tháng 5 năm 2015 trở đi cho đến mỗi cháu đủ 18 tuổi.

2. Án phí: Bị cáo Trần Thanh N phải chịu 200.000đ án phí Hình sự phúc thẩm và 1.100.000đ án phí Dân sự phúc thẩm.

Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án. Nếu bên phải thi hành án không thi hành các khoản phải thi hành thì hàng tháng phải chịu khoản lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

656
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 108/2016/HSPT ngày 20/06/2016 về tội tàng trữ trái phép vật liệu nổ

Số hiệu:108/2016/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/06/2016
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;