TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 104/2020/DS-PT NGÀY 11/09/2020 VỀ TRANH CHẤP KHOẢNG KHÔNG
Ngày 11-9-2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 62/2020/TLPT- DS ngày 24 tháng 6 năm 2020, về việc: “Tranh chấp khoảng không”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 09/2020/DS-ST ngày 13 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 141/2020/QĐ-PT ngày 21 tháng 8 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 121/2020/QĐ- PT ngày 03 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Hoàng Phương K, sinh năm 1983; Địa chỉ: số 1 ấp P, xã Q, huyện X, tỉnh Sóc Trăng. (Có mặt)
Người đại diện hợp pháp của ông K: Ông Hoàng Phương B, sinh năm 1981; Địa chỉ: ấp P, xã Q, huyện X, tỉnh Sóc Trăng (Theo văn bản uỷ quyền ngày 31-8-2020). (Có mặt)
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông K: Ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1957 – Văn phòng Luật sư H, Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng; Địa chỉ: số 7 Đ, khóm 5, phường 2, thành phố T, tỉnh Sóc Trăng. (Có mặt) 1
- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1956; Địa chỉ: số 1 ấp P, xã Q, huyện X, tỉnh Sóc Trăng. (Có mặt)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Thái Thị M, sinh năm 1957; Địa chỉ: ấp P, xã Q, huyện X, tỉnh Sóc Trăng. (Vắng mặt)
Người đại diện họp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà M: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1956; Địa chỉ: số 1 ấp P, xã Q, huyện X, tỉnh Sóc Trăng (Theo văn bản uỷ quyền ngày 10-8-2020). (Có mặt)
- Người kháng cáo: Ông Hoàng Phương K là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
- Theo đơn khởi kiện đề ngày 05-11-2019 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn ông Hoàng Phương K trình bày: Ông có phần đất giáp ranh với ông Nguyễn Văn Đ là 01 bờ chung có chiều ngang khoảng 3m (phần bờ này của Đáng 1 mét, ông K 2 mét) và chiều dài 164 mét. Trên phần đất này thì ông Đ có trồng cây bạch đàn dọc bờ chung trên phần đất của ông Đ, cây bạch đàn cao khoảng 10 mét, thường xuyên rụng lá vào ao nuôi tôm của ông K, từ đó gây chết tôm nuôi. Sau khi tôm chết thì ông K có trao đổi với ông Đ về việc lá bạch đàn rụng xuống ao thì ông Đ cam kết sẽ chặt nhưng không thực hiện cho đến nay. Sau khi khởi kiện thì ông Đ có chặt bỏ một số cây bạch đàn và tràm và chặt bỏ những nhánh cây bạch đàn lấn qua phần đất của ông, ngoài ra khi Tòa án xuống thẩm định thì ao đang phơi chưa nuôi tôm và do mùa này gió thổi qua hướng khác nên không thấy lá bạch đàn rụng xuống ao của ông, nhưng qua mùa gió nam thì lá mới rụng nhiều xuống ao của ông.
Nay ông K yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Đ phải chặt bỏ hết toàn bộ các cây bạch đàn do ông Đ trồng. Nếu không chặt lá bạch đàn tiếp tục rớt xuống ao tôm làm tôm chết thì ông Đ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường đối với tất cả các khoản thiệt hại.
- Bị đơn ông Nguyễn Văn Đ trình bày: Ông có phần đất tại thửa số 410, tờ bản đồ số 10, diện tích 8.670m2 có một phần giáp ranh với thửa đất số 414 của ông Hoàng Thế Kh, sau khi ông Khải chết thì cho con là Hoàng Phương K sử dụng. Trước đây gia đình ông có trồng cây bạch đàn trên phần đất bờ chung với ông K. Sau khi ông K gửi đơn kiện đến Tòa án thì gia đình ông đã chặt bỏ nhiều cây bạch đàn lớn và mé nhánh những cây bạch đàn còn lại không còn nhánh cây nào lấn qua phần đất của ông K. Nay đối với yêu cầu của ông Hoàng Phương K yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông chặt bỏ toàn bộ các cây bạch đàn thì ông không đồng ý vì ông chỉ trồng cây trên phần đất của ông không làm thiệt hại gì đến tài sản của ông K.
Vụ án được Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại bản án sơ thẩm 09/2020/DS-ST ngày 13 tháng 5 năm 2020 đã quyết định áp dụng khoản 2 Điều 26, Điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 157; Điều 158; khoản 1 Điều 165; Điều 271; khoản 1 Điều 273; Điều 278; khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hoàng Phương K về việc yêu cầu bị đơn ông Nguyễn Văn Đ phải chặt bỏ toàn bộ phần cây trồng của bị đơn gồm: 08 bụi cây bạch đàn nhỏ khoảng 40 cây, cao khoảng 04m; 17 cây bạch đàn cao khoảng 10m, 02 cây tràm cao khoảng 10m trồng trên phần đất bờ chung với nguyên đơn tọa lạc tại thửa 410, tờ bản đồ số 10, toạ lạc tại ấp P, xã Q, huyện X, tỉnh Sóc Trăng do ông Nguyễn Văn Đ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí thẩm định, án phí dân sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.
Ngày 25-5-2020, nguyên đơn ông Hoàng Phương K kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại, với lý do bản án cấp sơ thẩm hiểu sai lệch và ra bản án chưa thuyết phục.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo; Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Tại phiên tòa, ông Bằng là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không yêu cầu bồi thường thiệt hại, mà yêu cầu bị đơn chặt toàn bộ cây bạch đàn và cây đước của bị đơn, nếu không chặt lá bạch đàn tiếp tục rơi xuống ao tôm làm tôm chết thì bị đơn phải bồi thường các thiệt hại.
Tại phiên tòa, bị đơn ông Đ và là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà M thừa nhận: Đã chặt một số cây bạch đàn lớn, các nhánh cây đước và bạch đàn de qua khoảng không phần đất của nguyên đơn thì ông đã chặt và mé nhánh không còn lấn qua khoảng không phần đất của nguyên đơn.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đưa ra những căn cứ, lập luận và cho rằng kháng cáo của nguyên đơn ông Hoàng Phương K là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo.
* Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến:
- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án: Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã chấp hành đúng pháp luật tố tụng dân sự và các đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
- Về việc giải quyết vụ án: Xét kháng cáo của nguyên đơn Hoàng Phương K không có căn cứ để chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến phát biểu và đề nghị của người đại diện cho nguyên đơn, bị đơn, Luật sư, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định:
1. Về tố tụng:
[1.1] Về sự vắng mặt của người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Thái Thị M vắng mặt, nhưng có người đại diện ông Đ tham gia phiên tòa. Căn cứ vào khoản 2 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định vẫn tiến hành xét xử vụ án.
[1.2] Về tính hợp lệ của đơn kháng cáo và phạm vi xét xử phúc thẩm: Xét Đơn kháng cáo đề ngày 25-5-2020 của nguyên đơn ông Hoàng Phương K nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân huyện X vào ngày 25-5-2020 là hợp lệ, đúng quy định về người kháng cáo, thời hạn kháng cáo, hình thức, nội dung kháng cáo theo quy định của các Điều 271, 272, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo theo quy định pháp luật
2. Về nội dung:
[2.1] Nguyên đơn ông Hoàng Phương K cho rằng giữa ông và bị đơn Nguyễn Văn Đ có sử dụng chung một bờ đất có chiều ngang 3mét (trong đó của ông 02 mét, của ông Đ 01 mét), chiều dài 164 mét. Trên phần bờ đất của ông Đ, thì ông Đ có trồng cây bạch đàn và đước. Ông Đ có chặt một số cây bạch đàn và mé nhánh. Qua xem xét, thẩm định tại chổ ngày 31/7/2020 thì số cây bạch đàn loại A là 06 cây, loại B là 08 cây, loại C là 04 cây, loại E là 05 cây và loại F là 32 cây và 14 cây đước. Trước đây, ông K có nuôi tôm tại phần ao cặp bờ chung với ông Đ, nên lá bạch đàn rơi xuống ao tôm làm tôm của ông K chết. Để chuẩn bị nuôi tôm đợt sau, ông K yêu cầu ông Đ chặt cây bạch đàn và cây đước vì lá cây làm ảnh hưởng đến việc nuôi tôm, ông Đ có hứa nhưng không thực hiện. Do đó, ông K khởi kiện và được Tòa án nhân dân huyện X giải quyết bằng bản án nhưng ông K không đồng ý, vì Tòa án cấp sơ thẩm hiểu sai lệch và ra bản án chưa thuyết phục. Vì ông K không có tranh chấp khoảng không với phía ông Đ, mà chỉ yêu cầu ông Đ chặt cây và trồng các loại cây không gây thiệt hại đến việc nuôi tôm của ông, nhưng Hội đồng xét xử xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp khoảng không” là không chính xác, từ đó không buộc ông Đ chặt toàn bộ cây, mà chỉ chặt một số cây lớn và chặt các nhánh cây lấn qua phần đất của ông K là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, ông K đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 09/2020/DS-ST ngày 13-5-2020 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Sóc Trăng.
[2.2] Xét nội dung kháng cáo ông Hoàng Phương K cho rằng cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp khoảng không” là không chính xác, từ đó không buộc ông Đ chặt toàn bộ cây, mà chỉ chặt một số cây lớn và chặt các nhánh cây lấn qua phần đất của ông là không đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử thấy rằng, trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn và người đại diện của nguyên đơn không yêu cầu bồi thường thiệt hại, mà yêu cầu bị đơn chặt toàn bộ cây bạch đàn và cây đước của bị đơn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 175 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác; Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp giữa ông K với ông Đ là“Tranh chấp khoảng không” để xem xét đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn chặt cây bạch đàn và cây đước là có căn cứ và đúng quy định pháp luật.
[2.3] Đối với yêu cầu của ông K buộc ông Đ phải chặt toàn bộ cây bạch đàn và cây đước trên bờ chung cặp ao tôm của gia đình ông, cũng như tránh trồng các loại cây làm ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của ông, thì thấy rằng sau khi ông K khởi kiện thì ông Đ đã thực hiện việc chặt các cây bạch đàn lớn, cũng như tỉa bỏ các cành cây lấn chiếm khoảng không trên phần đất của ông K, việc này ông K cũng thừa nhận. Tại biên bản lấy lời khai ngày 10-7-2020, ông K khai nhận các cây bạch đàn mà ông Đ trồng, hiện nay không còn lấn qua phần đất của ông đang sử dụng. Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 18-02-2020 thì ông K thừa nhận chưa có thiệt hại xảy ra, mục đích yêu cầu ông Đ chặt cây là để phòng ngừa lá cây bạch đàn rụng xuống ao làm ảnh hưởng gây thiệt hại sau này, nên ông yêu cầu ông Đ chặt toàn bộ cây và phải có những biện pháp để khắc phục việc ảnh hưởng đó. Mặt khác, theo biên bản xác minh ngày 17-8-2020 tại Ủy ban nhân dân xã Q, huyện X, tỉnh Sóc Trăng thì chính quyền địa phương cung cấp thông tin, hiện nay địa phương không có văn bản nào quy hoạch khu vực ấp P để nuôi tôm và trồng các loại cây hoa màu và không có quy định, quy hoạch, kế hoạch nào liên quan đến việc hạn chế trồng cây bạch đàn và cây đước gây ảnh hưởng đến việc nuôi tôm sú, tép thẻ. Việc các hộ dân nuôi tôm, trồng cây bạch đàn và cây đước là tự phát. Tại ấp P cũng có nhiều hộ trồng cây bạch đàn và cây đước cặp ranh với các hộ khác nuôi tôm, nhưng chưa có trường hợp nào thưa kiện liên quan đến lá cây bạch đàn gây ảnh hưởng hay làm thiệt hại đối với việc nuôi tôm sú, tép thẻ trên địa bàn ấp P. Như vậy, thực tế hiện nay không có thiệt hại xảy ra, phía ông K cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do đó, việc ông K yêu cầu ông Đ phải chặt toàn bộ cây bạch đàn và cây đước trên bờ chung cặp ao tôm của gia đình ông, cũng như không được trồng các loại cây làm ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của ông là không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận.
[2.4] Từ những phân tích trên, xét kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ chấp nhận.
[2.5] Về chi phí thẩm định, định giá tại cấp phúc thẩm là 2.250.000 đồng, số tiền này nguyên đơn đã nộp tạm ứng trước. Do kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu.
[2.6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, bản án sơ thẩm được giữ nguyên nên nguyên đơn phải chịu.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165, khoản 6 Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử :
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Hoàng Phương K.
- Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2020/DS-ST ngày 13 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Sóc Trăng như sau:
Căn cứ khoản 2 Điều 26, Điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 157; Điều 158; khoản 1 Điều 165; Điều 271; khoản 1 Điều 273; Điều 278; khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hoàng Phương K về việc yêu cầu bị đơn ông Nguyễn Văn Đ phải chặt bỏ toàn bộ phần cây trồng gồm: 08 bụi cây bạch đàn nhỏ khoảng 40 cây, cao 04 mét; 17 cây bạch đàn cao khoảng 10 mét, 02 cây tràm cao khoảng 10 mét trồng trên phần đất bờ chung với nguyên đơn tọa lạc tại thửa 410, tờ bản đồ số 10 ấp P, xã Q, huyện X, tỉnh Sóc Trăng do ông Nguyễn Văn Đ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn ông Hoàng Phương K phải chịu số tiền là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng), khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0000033, ngày 29/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện X, tỉnh Sóc Trăng. Ông Hoàng Phương K đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.
3. Về chi phí thẩm định tại chỗ cấp sơ thẩm: Vì yêu cầu của nguyên đơn ông Hoàng Phương K không được chấp nhận nên nguyên đơn ông K phải chịu số tiền là 700.000 đồng (Bảy trăm ngàn đồng). Ông Hoàng Phương K đã nộp xong.
4. Chi phí thẩm định, định giá tại cấp phúc thẩm: Ông Hoàng Phương K phải chịu số tiền là 2.250.000 đồng (Hai triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng), khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp là 2.250.000 đồng (Hai triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng). Ông Hoàng Phương K đã nộp xong.
5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn ông Hoàng Phương K phải chịu số tiền là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng), khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0005391, ngày 25/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện X, tỉnh Sóc Trăng. Ông Hoàng Phương K đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014), thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Bản án 104/2020/DS-PT ngày 11/09/2020 về tranh chấp khoảng không
Số hiệu: | 104/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 11/09/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về