Bản án 102/2017/HSST ngày 25/09/2017 về tội mua bán người

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 102/2017/HSST NGÀY 25/09/2017 VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI

Ngày 25 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 89/HSST/2017 ngày 26 tháng 7 năm 2017, quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 89/2017 ngày 05/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đối với các bị cáo:

1. Bị cáo Giàng A C, sinh năm 1997 tại huyện M, tỉnh Điện Biên. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở trước ngày bị bắt: bản X, xã C, huyện M, tỉnh Điện Biên; Dân tộc: Mông; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không; Trình độ văn hóa: 4/12; Nghề nghiệp: làm nương; Con ông: Giàng Nhè N (sinh năm 1978) và bà: Thào Thị Đ (sinh năm 1980); Vợ: Chá Thị D (sinh năm 1997), bị cáo chưa có con; Tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị tạm giam tại Trại tạm giam công an tỉnh Điện Biên từ ngày 18/12/2016 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.

2. Bị cáo Hờ A L, sinh năm 1997 tại huyện M, tỉnh Điện Biên. Nơi ĐKHKTT: bản P, xã S, huyện M, tỉnh Điện Biên; Dân tộc: Mông; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không; Trình độ văn hóa: không; Nghề nghiệp: làm nương; Con ông: Hờ Nhè S (sinh năm 1966) và bà Giàng Thị S (sinh năm 1973); Vợ, con : chưa có; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị tạm giam tại Trại tạm giam công an tỉnh Điện Biên từ ngày 03/01/2017 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo Hờ A L: Bà Lê Thị D – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt tại phiên tòa.

Những người bị hại:

1. Mùa Thị L, sinh ngày 10/8/2000. Địa chỉ: Bản H, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt tại phiên tòa.

2. Mùa Thị S, sinh ngày 29/6/2002. Địa chỉ: Bản H, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên. Có mặt tại phiên tòa.

3. Sùng Thị C, sinh năm 2000. Địa chỉ: Bản M1, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt tại phiên tòa.

4. Thào Thị D, sinh Năm 1991. Địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt tại phiên tòa.

5. Sùng Thị C1, sinh năm 1989. Địa chỉ: Bản H, xã P, huyện N, tỉnh Lai Châu. Vắng mặt tại phiên tòa.

6. Chá Thị C, sinh năm 1996. Địa chỉ: Bản H, xã P, huyện N, tỉnh Lai Châu. Vắng mặt tại phiên tòa.

Những người đại diện hợp pháp cho các bị hại:

1. Ông Mùa A S, sinh năm 1959. Địa chỉ: Bản H, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên.

Là bố của bị hại Mùa Thị L. Có mặt tại phiên tòa.

2. Ông Mùa A L, sinh năm 1972. Địa chỉ: Bản H, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên.

Là bố của bị hại Mùa Thị S. Có mặt tại phiên tòa.

3. Ông Sùng A P, sinh năm 1978. Địa chỉ: Bản M1, xã M, huyện M, tỉnh Điện

Biên. Là bố của bị hại Sùng Thị C. Có mặt tại phiên tòa.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Giàng A L, sinh năm 1990. Địa chỉ: Bản H, xã P, huyện N, tỉnh Lai Châu. Là người đại diện theo ủy quyền cho ông Giàng A S là chồng bị hại Sùng Thị C1. Vắng mặt tại phiên tòa.

2. Ông Chá A D, sinh năm 1973. Địa chỉ: Bản H, xã P, huyện N, tỉnh Lai

Châu. Là bố của bị hại Chá Thị C. Có mặt tại phiên tòa

3. Ông Thào A D, sinh năm 1971. Địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên. Là bố của bị hại Thào Thị D Có mặt tại phiên tòa.

4. Ông Giàng Nhè N, sinh năm 1978. Địa chỉ: Bản X, xã C, huyện M, tỉnh Điện Biên. Là bố của bị cáo Giàng A C. Vắng mặt tại phiên tòa.

Người phiên dịch cho người bị hại: ông Thào A S, sinh năm 1990

Địa chỉ: Phường MT, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

NHẬN THẤY

Các bị cáo Giàng A C, Hờ A L bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Khoảng 13 giờ ngày 17/12/2016, tại km số 0 thị trấn huyện M, tỉnh Điện Biên, Công an huyện M đã phát hiện Giàng A C đưa hai phụ nữ lên xe khách hướng Điện Biên đi Lào Cai do có biểu hiện của tội mua bán người nên đã đưa Giàng A C về trụ sở Công an huyện M để điều tra làm rõ, sau khi có căn cứ Giàng A C có “hành vi mua bán người và mua bán trẻ em” Công an huyện M đã ra lệnh tạm giữ bị cáo vào ngày 18/12/2016, tại cơ quan Điều tra bị cáo Giàng A C khai nhận như sau:

Khoảng thời gian tháng 5/2016, Giàng A C đi làm thuê tại thành phố Lào Cai, C đã quen với một người đàn ông dân tộc Mông người này giới thiệu có tên là T, qua trò chuyện hai người có cho nhau số điện thoại và người có tên T có trao đổi với C không phải đi làm thuê mà về nhà tìm phụ nữ đưa lên Lào Cai bán cho T để T bán sang Trung Quốc, giá một phụ nữ là 3.000 NDT còn tìm được hai người một lúc thì T sẽ trả cho C 9.000 NDT. Sau khi trao đổi, C đã về nhà và đã thực hiện hành vi phạm tội với những lần mua bán người như sau:

Lần 1: Trong tháng 10/2016, Giàng A C và Hờ A L (hai anh em họ) rủ nhau đến bản P, xã H, huyện N, tỉnh Lai Châu chơi, tại đây hai bị cáo đã làm quen với Sùng Thị C1 và Chá Thị C, các bị cáo đã tán tỉnh yêu đương và sau đó bị cáo C đã bàn với bị cáo L lừa Sùng Thị C1 và Chá Thị C đưa lên Lào Cai để bán sang Trung Quốc lấy tiền chia nhau, bị cáo L nhất trí.

Đến tháng 11/2016, hai bị cáo C, L lấy xe máy lên nhà Sùng Thị C1 và Chá Thị C sau đó rủ xuống đường chơi, đến 5 giờ sáng các bị cáo đã chở Sùng Thị C1, Chá Thị C ra cầu Lai Hà thuộc huyện N, tỉnh Lai Châu để đón xe khách đi thành phố Lai Châu nhưng cả hai bị cáo đều không có tiền, thấy vậy bị cáo C đã gọi điện cho người bạn có tên Sùng A L nhà ở bản H, xã N hỏi vay tiền, Sùng A L hỏi lý do vay thì bị cáo C nói mục đích vay để đi bán Sùng Thị C1, Chá Thị C. Thấy vậy người có tên Sùng A L nói cho đi cùng và một tiếng sau người có tên L có mặt tại cầu Lai Hà, tại đây Sùng A L đưa 500.000đ cho bị cáo C và bảo 4 người lên xe khách còn L đi xe máy đi sau. Đến 13 giờ thì đến thành phố Lai Châu, các bị cáo đưa Sùng Thị C1, Chá Thị C vào chợ mua quần áo, lợi dụng người bị hại không biết đường nên bị cáo C và bị cáo L nói với người bị hại là đón xe khách về nhà nhưng thực chất các bị cáo đã đưa lên Lào Cai. Đến Lào Cai, bị cáo C gọi điện cho người có tên T đồng thời C chở Sùng Thị C1 và Chá Thị C ra khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, còn bị cáo L thì ở phòng trọ đợi. Khi tới biên giới bị cáo C thấy có nhiều người chạy về phía bị cáo, bị cáo tưởng hành vi phạm tội của bị cáo đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bị cáo đã bỏ chạy và không biết Sùng Thị C1, Chá Thị C chạy đi đâu, bị cáo điện cho T kể lại sự việc đã sảy ra. Sau đó được người có tên T trả cho 1.500.000đ tiền Việt Nam, sáng hôm sau bị cáo C đưa cho Sùng A L, bị cáo L mỗi người 500.000đồng, nhận tiền xong cả 3 người quay về nhà. Hiện Sùng Thị C1 và Chá Thị C đi đâu, ở đâu các bị cáo không biết và hiện tại không có mặt tại địa phương.

Lần 2: Tháng 10/2016, C đến nhà L chơi, tại đây L có nói chuyện với C, Lử có quan hệ với một người tên Thào Thị D, hiện D đã có thai 7 tháng nhưng gia đình bố mẹ L không cho lấy, thấy vậy C đã bàn với L bán D sang Trung Quốc để lấy tiền chia nhau, L nhất trí. Cuối tháng 11/2016 L gọi điện cho D nói với D sẽ đưa D lên nhà C cùng sinh sống, D nhất trí sau đó C, L đã đưa D lên Lào Cai bán cho Tđược 3.000 NDT, C đổi ra tiền Việt Nam Đồng được 9.900.000đ (chín triệu chín trăm ngàn đồng). Sau đó C chia cho L 3.000.000đ (ba triệu đồng), số tiền này Cgửi qua ông N(bố của C). Hiện D không có mặt tại địa phương.

Lần 3: Khoảng tháng 11/2016, C đang ở nhà thì T gọi điện nói chuyện và cho C số điện thoại của một người có tên Sùng Thị C, sinh năm 2000 tại xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên. T bảo C đưa Sùng Thị C lên Lào Cai để T bán sang Trung Quốc và trả cho bị cáo C 3.000 NDT. Khoảng 1 giờ đêm người con gái có tên Sùng Thị C đã gọi điện cho bị cáo C hỏi có đến đón Sùng Thị C không? C trả lời là có và đã đến chợ trung tâm xã M đón người có tên C, bị cáo C chở người có tên C lên thị xã M, gửi xe máy lại và đón xe khách cùng C lên Lào Cai. Khi đến bến xe Lào Cai thì thấy T đang đứng đợi, thấy vậy T đưa C ra góc nhà nghỉ rồi đưa 3.000 NDT cho C rồi T dẫn người có tên Sùng Thị C đi đâu bị cáo không biết. Hiện Sùng Thị C không có mặt tại địa phương.

Lần 4: Tháng 12/2016 người có tên T gọi điện cho Cvới nội dung T có số điện thoại của một người có tên Mùa Thị L sinh năm 2000, nhà ở bản H, xã M , huyện M sau đó T đã cho C số điện thoại của L, T bảo C tán tỉnh, yêu đương L rồi đưa L lên Lào Cai bán cho T. Sau khi có số điện thoại của L, bị cáo C đã điện thoại tán tỉnh giả vờ yêu đương và nói muốn lấy L làm vợ, nghe xong người có tên L đã nhận lời lên Laò Cai để làm vợ của C. Ngoài ra người có tên L còn nói với C có đứa em gái tên là S, sinh ngày 29/6/2002( lúc đó S mới 14 tuổi 5 tháng 17 ngày) cũng muốn cùng đi, nghe L nói vậy C đã nhất trí và gọi điện thoại báo cho T và hỏi T sẽ trả bao nhiêu tiền cho C, T nói với C sẽ trả 9.000 NDT. Sau khi thống nhất C đã hẹn L vào khoảng 8 giờ sáng ngày 17/12/2016 sẽ đón hai chị em L tại chợ trung tâm xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên, sau khi gặp L và S thì xe khách đến, C bảo hai chị em L lên xe khách còn bị cáo đi xe máy chờ đón L, S ở cây số 0, thị trấn M, bị cáo và hai chi em L vào quán ăn cơm. Đến 13 giờ cùng ngày thì có xe khách tuyến Điện Biên đi Lào Cai, bị cáo C gửi xe máy lại và cùng chị em L lên xe khách đi Lào Cai, xe chuẩn bị chạy thì bị Công an phát hiện bắt quả tang.

Tại bản cáo trạng số 20/QĐ-VKS-P2 ngày 24/7/2016, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết định truy tố bị cáo Giàng A C ra trước Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên về hai tội: Tội “Mua bán người” theo điểm đ, e, g khoản 2 điều 119 BLHS và tội “Mua bán trẻ em” theo điểm e khoản 2 Điều 120 /BLHS. Truy tố: bị cáo Hờ A L về “Tội Mua bán người” theo điểm đ, e, g khoản 2 điều 119 BLHS.

Bản luận tội Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm h, khoản 1, Điều 48/BLHS tình tiết tăng nặng đối với các bị cáo phạm tội khi biết người bị hại là phụ nữ có thai về tội mua bán người và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 46/BLHS đối với các bị cáo. Áp dụng Điều 18, Điều 52 trong trường hợp phạm tội chưa đạt đối với bị cáo Giàng A C về tội: Mua bán trẻ em.

Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Giàng A C với mức án từ 09 đến 10 năm tù về tội Mua bán người; từ 07 đến 08 năm tù về tội Mua bán trẻ em. Áp dụng Điều 50 BLHS tổng hợp hình phạt chung cả hai tội bị cáo Giàng A C phải thụ hình từ 16 năm đến 18 năm tù. Xử phạt bị cáo Hờ A L với mức án từ 08 đến 09 năm tù về tội Mua bán người và đề nghị giải quyết phần dân sự theo quy định của pháp luật, tách phần dân sự đối các bị hại hiện không có mặt tại địa phương, xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát vên, bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án,

XÉT THẤY

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Sau khi kiểm tra nghiên cứu toàn bộ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ xét thấy cơ quan Điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Người bào chữa và thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều đã thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, không bị khiếu nại hoặc ý kiến gì.

Tại phiên toà sơ thẩm các bị cáo Giàng A C và Hờ A L đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản cáo trạng của Viện kiểm sát công bố là đúng: Các bị cáo khai nhận trong tháng 11 năm 2016 bị cáo Giàng A C và Hờ A L đã hai lần thực hiện hành vi mua bán người như sau:

Lần 1: Tháng 11/2016, các bị cáo đã lừa Sùng Thị C1 và Chá Thị C nhà ở huyện N, tỉnh Lai Châu lên Lào Cai để bán cho một người có tên T để người có tên T bán sang Trung Quốc và được T trả cho 1.500.000đ.

Lần 2: Trong tháng 11/2016, các bị cáo đã lừa Thào Thị D (người yêu của bị cáo L) đang mang thai khoảng 7 tháng bán cho người có tên T để bán sang Trung Quốc và được 9.900.000đ tiền Việt Nam, L được C chia cho 3.000.000đ, bị cáo C được 6.900.000đ.

Ngoài ra trong tháng 11/2016, Giàng A C còn lừa Sùng Thị C đưa lên Lào Cai bán cho T, để T bán sang Trung Quốc với giá 3.000 NDT đổi ra tiền Việt Nam được 9.900.000đ và ngày 17/12/2016 Giàng A C lại tiếp tục đưa Mùa Thị L, Mùa Thị S (người dưới 16 tuổi) lên Lào Cai để bán sang Trung Quốc, trên đường đi thìbị Công an phát hiện bắt quả tang.

 Xét thấy Lời khai nhận tội của các bị cáo ở tại phiên tòa sơ thẩm ngày hôm nay đã phù hợp với toàn bộ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, phù hợp với lời khai nhận tội của các bị cáo ở tại cơ quan Điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại: Mùa Thị L, Mùa Thị S từ những căn cứ nêu trên Hội đồng xét xử xét thấy đã có đủ căn cứ xác định rằng:

Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2016 Giàng A C và Hờ A L đã có hành vi mua bán nhiều người, nhiều lần, để đưa ra nước ngoài, hành vi phạm tội của các bị cáo là có tội và hành vi phạm tội đó đã đủ yếu tố cấu thành tội “Mua bán người”. Trong vụ án này các bị cáo đã thực hiện hành vi mua bán nhiều người, nhiều lần, để đưa ra nước ngoài chính vì vậy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã truy tố các bị cáo về tội Mua bán người theo quy định tại điểm đ, e, g khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự 1999.

Ngoài ra ngày 17/12/2016 bị cáo Giàng A C còn có hành vi mua bán Mùa Thị S khi S chưa đủ 16 tuổi (giấy khai sinh BL175), hành vi phạm tội của bị cáo Giàng A C là có tội và hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành “tội mua bán trẻ em”. Do vậy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã truy tố bị cáo Giàng A C theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 120/BLHS là hoàn tòan chính xác đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tính chất vụ án và nhân thân của Các bị cáo:

Như chúng ta ai cũng biết, tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người là vô giá được luật pháp bảo hộ, các bị cáo đều có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo đều khai nhận trước khi thực hiện hành vi phạm tội của mình đã biết là trái với luật pháp quy định thế nhưng các bị cáo vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội, và còn mua bán nhiều người, nhiều lần. Các bị cáo coi con người như một món hàng dùng để trao đổi mua bán với giá rẻ mạt. Hiện tại, những người bị hại không biết ở đâu, có cuộc sống như thế nào trong số chúng ta không ai có thể trả lời được, như vậy tính chất vụ án mà các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiệm trọng, gây mất trật tự trị an trong tòan xã hội và gây hoang mang lo ngại cho quần chúng nhân dân, không yên tâm lao động sản xuất. Từ tính chất nêu trên, Hội đồng xét xử cần phải có một hình phạt nghiêm đối với các bị cáo để các bị cáo thấy được tính nghiêm minh của luật pháp Nhà nước ta và mang tính chất phòng chống chung cho tòan xã hội. Nhưng khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cần cân nhắc xem xét đến nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các bị cáo.

Xét về tình tiết tăng nặng: Áp dụng điểm h, khoản 1, Điều 48/BLHS đối với các bị cáo bởi khi bán bị hại Thào Thị D, các bị cáo đều biết D đã có thai với L được 7 tháng.

Tình tiết giảm nhẹ: Tại cơ quan Điều tra các bị cáo đều khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, tỏ rõ sự ăn năn hối cải về tội lỗi của mình đã gây ra do vậy Hội đồng xét xử cần áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46/BLHS để giảm nhẹ một phần hình phạt đối với các bị cáo.

Xét thấy vụ án tuy có hai bị cáo tham gia xong các đồng phạm với vai trò giản đơn, không có sự phân công phân nhiệm nhưng cũng phải kể đến vai trò chính trong vụ án đó là bị cáo Giàng A C, bị cáo C là người khởi xướng và cũng là người thực hiện tích cực, do vậy khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cần áp dụng Điều 17, Điều 58/ Bộ luật hình sự năm 2015 nhưng khi quyết định hình phạt Hội đồng xét

xử cũng cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Giàng A C bởi sau khi bị Công an phát hiện bắt quả tang thì bị cáo cũng khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình và cũng đã tự khai báo về những lần phạm tội trước đó của bị cáo và khai báo đối tượng Hờ A L là người đã tham gia bán người trong cùng vụ án, như vậy bị cáo đã giúp cơ quan Điều tra phát hiện tội phạm và tự thú hành vi phạm tội trước đó của bị cáo, vậy khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cần áp dụng điểm o, p và điểm q khoản 1, Điều 46/BLHS để giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo. Các bị cáo đều thuộc diện hộ nghèo sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, Hội đồng xét xử cần áp dụng thêm khoản 2 Điều 46/BLHS để giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo.

Bị cáo Giàng A C còn bị Viện kiểm sát truy tố tội “Mua bán trẻ em” theo điểm e, khoản 2, Điều 120/BLHS. Khoản 2 Điều 120/BLHS có khung hình phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, hoặc tù chung thân. Áp dụng Nghị quyết 41/2017/UBTVQH/QH14 và khoản 3 Điều 7/BLHS năm 2015 để có lợi cho bị cáo Hội đồng xét xử cần áp dụng khoản 1, Điều 151/BLHS năm 2015 đối với bị cáo Giàng A C, khi quyết định hình phạt về tội”Mua bán trẻ em” bị cáo phạm tội chưa đạt, Hội đồng xét xử cần áp dụng Điều 18, Điều 52/BLHS đối với bị cáo.

Trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa sơ thẩm người bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã có đơn và yêu cầu các bị cáo bồi thường cho mỗi bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại từ 10.000.000đ đến 30.000.000đ. Tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo và bị hại cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ không thỏa thuận được và yêu cầu Hội đồng giải quyết theo luật pháp quy định.

Hội đồng xét xử áp dụng Điều 42/BLHS và Điều 592/BLDS buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại cho người bị hại và bồi thường cho người đại diện hợp pháp, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án một số chi phí hợp lý như tổn thất về tinh thần và công đi tìm người bị hại.

Các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường một phần tổn thất về tinh thần và chi phí hợp lý cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, cụ thể mỗi một người là 05 tháng lương cơ sở theo quy định của Nhà nước hiện hành (1.300.000đ/ 1 tháng), cụ thể:

1. Bồi thường cho ông Thào A D (bố của Thào Thị D) số tiền 6.500.000đ (sáu triệu năm trăm ngàn đồng).

2. Bồi thường cho ông Giàng A S (chồng của Sùng Thị C) số tiền 6.500.000đ (sáu triệu năm trăm ngàn đồng).

3. Bồi thường cho ông Chá A D (bố của Chá Thị C) số tiền 6.500.000đ (sáu triệu năm trăm ngàn đồng).

Tổng cộng hai bị cáo phải bồi thường cho 03 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án là 19.500.000đ (mười chín triệu năm trăm ngàn đồng), chia kỷ phần mỗi bị cáo phải bồi thường 9.750.000đ (chín triệu bảy trăm năm mươi ngàn đồng).

Ngoài ra Bị cáo Giàng A C phải có trách nhiệm bồi thường một phần, tổn thất về tinh thần và chi phí hợp lý cho ông Sùng A P là người đại diện hợp pháp của người bị hại Sùng Thị C số tiền 05 tháng lương cơ sở theo quy định của Nhà nước hiện hành 6.500.000đ (sáu triệu năm trăm ngàn đồng), (5 tháng x 1.300.000đ), cụ thể:

Giàng A C phải có trách nhiệm bồi thường về danh dự, nhân phẩm cho bị hại Mùa Thị L và Mùa Thị S, mỗi bị hại là 06 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định. Cụ thể mỗi bị hại là 7.800.000đ (bảy triệu tám trăm ngàn đồng) (6 tháng x 1.300.000đ). Khoản tiền này giao cho người đại diện hợp pháp của người bị hại, xong phải có trách nhiệm giao lại cho người bị hại khi bị hại đã đủ tuổi thành niên.

Tổng cộng Giàng A C phải bồi thường cho những người bị hại Mùa Thị L, Mùa Thị S và cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp cho bị hại tổng cộng là: 31.850.000đ.

Xét thấy các bị cáo đã bán Sùng Thị C1, Chá Thị C, Thào Thị D và Sùng Thị C với tổng số tiền: 21.300.000đ, trong đó bị cáo Lử được hưởng 3.750.000đ; bị cáo C được hưởng:17.550.000đ. Số tiền trên do các bị cáo phạm tội mà có, số tiền trên hiện các bị cáo đã chi phí hết cho bản thân cá nhân do vậy cần phải truy thu, sung ngân sách Nhà nước.

Xét thấy người bị hại: Sùng Thị C1, Chá Thị C, Thào Thị D và Sùng Thị C hiện không có mặt tại địa phương do vậy Hội đồng xét xử cần tách phần dân sự ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác khi có đơn yêu cầu khởi kiện của người bị hại.

Vật chứng trong vụ án: Áp dụng Điều 41/BLHS và Điều 76 /BLTTHS, vật chứng của bị cáo Giàng A C gồm:

- 01 (một) chiếc xe máy nhãn hiệu HONDA WAVE màu sơn đen-đỏ-bạc, số khung: RLHHC 12249Y 047335; số máy: HC12E -0659338, biển kiểm soát: 27H1 - 4104, xe đã cũ đã qua sử dụng, không kiểm tra hoạt động của xe (kèm theo chìa khóa xe). Xét thấy chiếc xe máy trên là của bố bị cáo khi bị cáo dùng làm phương tiện phạm tội bị cáo không nói cho bố bị cáo biết do vậy cần trả lại cho ông Giàng Nhè N.

- 01(một) điện thoại di động màu đen, viền đỏ, hiệu GIONEE L800 đã qua sử dụng, bị cáo đã dùng làm phương tiện phạm tội, do vậy cần tịch thu, bán sung quỹ Nhà nước.

- Số tiền thu giữ của bị cáo C: 1.300.000đ số tiền này không liên quan đến vụ án cần trả lại cho bị cáo, xong giữ lại để phục vụ cho việc thi hành án.

Ngoài ra còn một số giấy tờ không liên quan đến vụ án cần trả lại cho bị cáo Giàng A C: 01(một) chứng minh thư nhân dân số: 040630489, mang tên Giàng A C; 01(một) giấy phép lái xe mô tô, xe máy số 110155005327, mang tên Giàng A C; 01(một) giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số: 021560 mang tên Trần Thị L.

Trong vụ án còn thể hiện đối tượng có tên Sùng A L, trong quá trình Điều tra, xét thấy tại địa phương theo địa chỉ các bị cáo khai không có ai giống như các bị cáo khai và người có tên T, các bị cáo không biết rõ lai lịch địa chỉ do vậy cơ quan Điều tra không có căn cứ để điều tra, truy tố những người có tên trên trong cùng vụ án, do vậy Hội đồng xét xử cũng không đặt vấn đề giải giải quyết trong vụ án này.

Xét thấy, Các bị cáo thuộc hộ nghèo, biên bản xác minh hiện kinh tế các bị cáo là đặc biệt khó khăn và sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, căn cứ theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH do vậy Hội đồng xét xử cần miễn hình phạt bổ sung, án phí hình sự sơ thẩm và án phí giá ngạch cho các bị cáo.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Giàng A C phạm 2 tội: Tội “Mua bán người” và tội “mua bán trẻ em”. Bị cáo Hờ A L phạm vào tội “Mua bán người”.

2. Áp dụng điểm đ, e, g khoản 2 Điều 119; điểm o, p, q khoản 1, khoản 2, Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 20, Điều 53 Bộ luật hình sự:

- Xử phạt bị cáo Giàng A C 08 (tám) năm tù về tội “Mua bán người”.

Áp dụng điểm e, khoản 2, Điều 120/BLHS; điểm p, khoản 1, 2 Điều 46; Điều 18; khoản 3, Điều 52/BLHS và Nghị quyết 41/2017/QH14; áp dụng khoản 3, Điều 7; khoản 1, Điều 151/BLHS( năm 2015):

- Xử phạt bị cáo Giàng A C 05(năm) năm tù về tội “Mua bán trẻ em”.

Áp dụng Điều 50/BLHS: Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội, bị cáo Giàng A C phải thụ hình là 13(mười ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam (18/12/2016).

3. Áp dụng điểm đ, e, g khoản 2 Điều 119/BLHS; điểm p khoản 1, khoản 2, Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 20, Điều 53/BLHS:

Xử phạt bị cáo Hờ A L 08 (tám) năm tù về tội “ Mua bán người”. Thời hạn tù tính từ bắt (03/01/2017).

4. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 41, Điều 42/BLHS và Điều 592/BLDS: Buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cụ thể: ông Thào A D; Giàng A S và ông Chá A D tổng số tiền: 19.500.000đ; chia kỷ phần mỗi bị cáo phải bồi thường: 9.750.000đ. Cụ thể bồi thường cho:

- Ông: Thào A D là: 6.500.000đ(sáu triệu năm trăm ngàn đồng)

- Ông Giàng A S : là: 6.500.000đ(sáu triệu năm trăm ngàn đồng)

- Ông Chá A D: cụ thể là: 6.500.000đ(sáu triệu năm trăm ngàn đồng)

Ngoài ra Bị cáo Giàng A C phải có trách nhiệm bồi thường số tiền tổn thất tinh thần và các chi phí hợp lý khác cho người đại diện hợp pháp của người bị hại: Ông Sùng A P : 6.500.000đ (sáu triệu năm trăm ngàn đồng); và người bị hại: Chị Mùa Thị L: 7.800.000đ (bảy triệu tám trăm ngàn đồng); Chị Mùa Thị S: 7.800.000đ (bảy triệu tám trăm ngàn đồng)

Số tiền bồi thường cho L, S cần giao cho người đại diện hợp pháp của L và S nhận, quản lý và có trách nhiệm hoàn lại cho bị hại khi bị hại đã đến tuổi thành niên.

Tổng cộng: Giàng A C phải bồi thường cho người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp cho bị hại tổng cộng là: 31.850.000đ (ba mươi mốt triệu tám trăm năm mươi ngàn đồng) Hờ A L phải bồi thường cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, tổng cộng là: 9.750.000đ (chín triệu bảy trăm năm mươi ngàn đồng)

Truy thu số tiền do các bị cáo phạm tội mà có để sung ngân sách Nhà Nước, cụ thể: bị cáo Giàng A C 17.550.000đ (mười bảy triệu năm trăm năm mươi ngàn đồng); bị cáo Hờ A L 3.750.000đ (ba triệu bảy trăm năm mươi ngàn đồng);

Về bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị hại: Sùng Thị C1; Chá Thị C; Thào Thị D và Sùng Thị C bị xâm hại, hiện các bị hại không có mặt tại địa phương Hội đồng xét xử cần tách ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác, khi có đơn yêu cầu khởi kiện của người bị hại.

Vật chứng trong vụ án: Áp dụng Điều 41/BLHS và Điều 76 /BLTTHS,

- Tịch thu, Sung ngân sách nhà nước: 01(một) điện thoại di động màu đen, viền đỏ, hiệu GIONEE L800 đã qua sử dụng.

- Trả lại cho bị cáo Giàng A C:

+ 01(một) chứng minh thư nhân dân số: 040630489, mang tên Giàng A C

+ 01(một) giấy phép lái xe mô tô, xe máy số 110155005327, mang tên Giàng A C

+ 01(một) giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số: 021560 mang tên Trần Thị L.

+ 1.300.000đ (một triệu ba trăm ngàn đồng) xong giữ lại để phục vụ cho việc thi hành án.

- Trả lại cho ông Giàng Nhè N: 01(một) xe máy nhãn hiệu HONDA WAVE màu sơn đen-đỏ-bạc, số khung: RLHHC 12249Y 047335; số máy: HC12E - 0659338, biển kiểm soát: 27H1- 4104, xe đã cũ đã qua sử dụng, không kiểm tra hoạt động của xe (kèm theo chìa khóa xe)

Áp dụng điều 99/BLTTHS và Nghị quyết 326/2016/ UBTVQH14 về án phí, lệ phí toà án các bị cáo không phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự có giá ngạch.

Áp dụng Điều 357/BLDS: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Án xử công khai hình sự sơ thẩm có mặt các bị cáo, bị hại (Mùa Thị S); người đại diện hợp pháp của các bị hại: ông Mùa A S; ông Mùa A L, ông Sùng A P và có mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án: ông Thào A D.

Báo cho các bị cáo và người bị hại, người đại diện hợp pháp cho người bị hại có mặt tại phiên tòa, có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân Cấp cao trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt tại phiên Tòa có quyền kháng cáo quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình lên Tòa án nhân dân Cấp cao trong hạn 15 ngày kề từ ngày tuyên án.

Vắng mặt những người bị hại: Mùa Thị L; Sùng Thị C; Thào Thị D; Sùng Thị C1; Chá Thị C.

Vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án: ông Giàng A S và ông: Giàng Nhè N;

Báo cho các bị hại vắng mặt tại phiên Tòa có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân Cấp cao trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án tại trụ sở UBND xã nơi bị hại cư trú.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên Tòa có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án Cấp cao trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niên yết bản án tại trụ sở UBND xã nơi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cư trú.

Căn cứ Điều 26 Luật thi hành án dân sự: Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại điều 30 Luật thi hành án dân dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

646
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 102/2017/HSST ngày 25/09/2017 về tội mua bán người

Số hiệu:102/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;