TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 10/2020/KDTM-PT NGÀY 29/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ VÀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Trong ngày 29/5/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 06/2020/TLPT- KDTM ngày 09 tháng 01 năm 2020 về việc “tranh chấp hợp đồng dịch vụ và hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2019/KDTM-ST ngày 28/10/2019 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 09/2020/QĐ-PT ngày 10/03/2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 11/2020/QĐ-PT ngày 10/4/2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 17/2020/QĐ-PT ngày 11/5/2020, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty T; địa chỉ trụ sở: Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông P.M.T, sinh năm 1980; địa chỉ: Thành phố M, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 27/7/2018); có mặt.
- Bị đơn: Công ty G; địa chỉ trụ sở: Thị xã B, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Đ.T.T, sinh năm 1981; địa chỉ: Thành phố M, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 05/7/2019). Có mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty T và bị đơn Công ty G.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại Đơn khởi kiện đề ngày 16/5/2016 của nguyên đơn, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông P.M.T trình bày:
Công ty T (sau đây gọi tắt là Công ty T) ký kết Hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh vào ngày 27/8/2015 với Công ty G (sau đây gọi tắt là là Công ty G), thời hạn hợp đồng là 01 năm, có hiệu lực từ ngày 01/9/2015 đến ngày 31/8/2016. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, Công ty G đồng ý cho Công ty T thu mua phế liệu và dọn dẹp vệ sinh tất cả các rác sinh hoạt, rác công nghiệp; Công ty T phải có giấy phép thu gom, vận chuyển xử lý của cơ quan có thẩm quyền Nhà nước cấp; lịch trình dọn dẹp phải theo yêu cầu thời gian của Công ty G, việc dọn dẹp không được gây ô nhiễm môi trường, thu gom phế liệu đúng nơi quy định, thực hiện đúng nội quy của Công ty G và chỉ được thu gom phế liệu theo đúng hạng mục trong bảng báo giá đính kèm hợp đồng. Về phương thức thanh toán, Công ty T có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty G theo đúng hợp đồng và thanh toán ngay sau mỗi lần thu gom, giá cả có thể biến động theo thị trường. Để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng, Công ty T đặt cọc cho Công ty G số tiền 180.000.000 đồng, số tiền này sẽ được Công ty G hoàn trả khi hết thời hạn hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng. Phụ lục kèm theo Hợp đồng là Bảng báo giá thể hiện cụ thể hạng mục gồm tên hàng, đơn vị, số lượng và đơn giá của từng loại mặt hàng thu gom.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T thực hiện đúng theo như các điều khoản thỏa thuận tại hợp đồng. Riêng về điều khoản thanh toán, theo thỏa thuận tại Điều 2 của Hợp đồng quy định: Công ty T “Phải trả cho bên B theo đúng hợp đồng, thanh toán ngay sau mỗi lần thu gom. Giá cả có thể biến động theo thị trường”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, giữa Công ty T và Công ty G đều không thực hiện đúng như thỏa thuận nêu trên, vì sau mỗi lần thu gom khối lương dăm bào, củi vụn, củi Domino ít, chưa xác định giá thành nên Công ty T không thể thực hiện thanh toán ngay sau mỗi lần thu gom cho Công ty G, mà thực tế việc thanh toán được Công ty T thực hiện nhiều lần và không ấn định thời hạn thực hiện cho đến khi thanh toán xong số tiền mà hai bên đã chốt. Với cách thanh toán này, trong quá trình thực hiện hợp đồng ký kết ngày 27/8/2015, Công ty G không có ý kiến gì.
Vào ngày 22/2/2016, Công ty T nhận được Thông báo số 02/2016/TB- NGCT ngày 17/02/2016 của Công ty G về việc chấm dứt hợp đồng trước hạn, thời hạn chấm dứt kể từ ngày 01/3/2016 với lý do Công ty T vi phạm khoản 11 Điều 2 của Hợp đồng về thanh toán công nợ, tổng số tiền nợ Công ty T còn nợ Công ty G tính đến ngày 31/01/2016 là 711.787.500 đồng.
Ngày 14/3/2016, Công ty T gửi Công văn số 33/CV-Cty cho Công ty G thể hiện ý kiến: Công ty T đã thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán, đồng thời thông báo việc chấm dứt hợp đồng trước hạn của Công ty G sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Công ty T do bị phạt cọc, phạt vi phạm hợp đồng, lương công nhân với tổng thiệt hại 4.477.000.000 đồng theo những hợp đồng liên quan mà Công ty T đã ký kết với các đối tác, nhưng Công ty G không đồng ý vẫn tiếp tục chấm dứt hợp đồng từ ngày 01/3/2016.
Bên cạnh đó, theo thỏa thuận, sau khi hai bên chốt khối lượng, giá cả dăm bào, củi vụn, củi Domino đã thu gom thì Công ty G phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện tổng số tiền để Công ty T thanh toán, nhưng Công ty G không thực hiện theo thỏa thuận.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 4/2015 Công ty T có bán cho Công ty G mặt hàng là vải lau sàn. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty G còn nợ lại Công ty T số tiền là 225.284.400 đồng. Hiện Công ty T không còn lưu giữ hợp đồng, chứng từ. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia tố tụng và tại Đơn phản tố ngày 27/7/2016, Công ty G thừa nhận còn nợ Công ty T số tiền này.
Tại Đơn khởi kiện đề ngày 16/5/2016, Công ty T khởi kiện, yêu cầu Công ty G có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T số tiền 3.782.500.000 đồng, trong đó gồm:
- Tiền đặt cọc là 180.000.000 đồng.
- Phạt cọc: 180.000.000 đồng.
- Bồi thường thiệt hại: 3.422.500.000 đồng, gồm: Bị phạt cọc là 1.500.000.000 đồng, bồi thường thiệt hại tương ứng 02 tháng tiền thuê xe là 415.000.000 đồng, tiền thuê xe của tháng 3/2016 phải trả nhưng không sử dụng do Công ty G chấm dứt hợp đồng là 207.500.000 đồng; thiệt hại do bị Công ty M phạt cọc là 300.000.000 đồng, thiệt hại do Doanh nghiệp tư nhân T.T phạt cọc là 200.000.000 đồng, thiệt hại do Công ty K phạt cọc là 800.000.000 đồng.
- Kiến nghị Cơ quan quản lý thuế - Cục thuế tỉnh Bình Dương thanh tra việc kê khai nộp thuế đối với hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh ngày 27/8/2015.
Ngày 17/8/2018, Công ty T có đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với Công ty G về số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3.422.500.000 đồng và đối với yêu cầu kiến nghị Cơ quan quản lý thuế- Cục thuế tỉnh Bình Dương thanh tra việc kê khai nộp thuế đối với hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh ngày 27/8/2015. Đồng thời, cùng ngày 17/8/2018, Công ty T có Đơn khởi kiện bổ sung về việc yêu cầu Công ty G có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T số tiền nợ mua vải lau sàn là 225.284.400 đồng.
Nay, Công ty T xác định yêu cầu khởi kiện đối với Công ty G như sau: Buộc Công ty G có nghĩa vụ trả cho Công ty T: 585.284.400 đồng, trong đó gồm:
- Tiền cọc: 180.000.000 đồng;
- Tiền phạt cọc do Công ty G đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định của pháp luật: 180.000.000 đồng.
- Tiền hàng vải lau sàn: 225.284.400 đồng. Ngoài yêu cầu nêu trên thì Công ty T không yêu cầu gì thêm. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3.422.500.000 đồng và kiến nghị Cơ quan quản lý thuế- Cục thuế tỉnh Bình Dương thanh tra việc kê khai nộp thuế đối với hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh ngày 27/8/2015, Công ty T rút lại, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đối với yêu cầu phản tố của Công ty G: Công ty T không đồng ý trả cho Công ty G số tiền 641.496.200 đồng, vì trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đã thanh toán đầy đủ các khoản tiền cho Công ty T. Ngoài ra, các chứng từ Công ty T cung cấp cho Tòa án là bản photo, không có bản chính, nội dung các chứng từ không rõ ràng, tên người giao nhận hàng không đầy đủ thông tin.
Tại Đơn phản tố đề ngày 27/7/2016 của bị đơn, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa của người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông Đ.T.T trình bày:
Công ty G thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn về việc ký kết Hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh ngày 27/8/2015, các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng và số tiền cọc 180.000.000 đồng Công ty T đặt cọc cho Công ty G. Theo thỏa thuận tại Điều 2 của Hợp đồng thì Công ty T: “Phải trả cho bên B theo đúng hợp đồng, thanh toán ngày sau mỗi lần thu gom. Giá cả có thể biến động theo thị trường”. Quá trình thực hiện hợp đồng, để thuận tiện trong việc thanh toán, Công ty T có đề nghị sẽ thanh toán cho Công ty G làm 2 đợt dựa vào số liệu xác nhận đầu tháng và giữa tháng, Công ty T sẽ thanh toán ngay sau khi chốt số liệu, Công ty G đồng ý. Tuy nhiên, Công ty T không thanh toán tiền đủ, nợ kéo dài, vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền, vi phạm khoản 11 Điều 2 của Hợp đồng về thanh toán công nợ, tổng số tiền nợ Công ty T còn nợ Công ty G tính đến ngày 31/01/2016 là 711.787.500 đồng. Theo đó, vào ngày 22/2/2016 Công ty G ban hành Thông báo số 02/2016/TB-NGCT về việc chấm dứt hợp đồng trước hạn, thời hạn chấm dứt kể từ ngày 01/3/2016 và gửi cho Công ty T. Đến ngày 14/3/2016, Công ty T gửi Công văn số 33/CV-Cty cho Công ty G thể hiện ý kiến: Công ty T đã thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán, đồng thời thông báo việc chấm dứt hợp đồng trước hạn của Công ty G sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Công ty T do bị phạt cọc, phạt vi phạm hợp đồng, lương công nhân với tổng thiệt hại 4.477.000.000 đồng theo những hợp đồng liên quan mà Công ty T đã ký kết với các đối tác. Tuy nhiên, do Công ty T đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nên Công ty G không đồng ý việc tiếp tục thực hiện hợp đồng theo đề nghị của Công ty T.
Nay, đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty T, Công ty G có ý kiến như sau:
- Công ty G đồng ý trả cho Công ty T số tiền cọc: 180.000.000 đồng;
- Công ty G không đồng ý trả cho Công ty T các khoản sau:
+ Tiền phạt cọc 180.000.000 đồng, vì Công ty G đơn phương chấm dứt hợp đồng là do Công ty T vi phạm nghĩa vụ thanh toán. + Tiền hàng vải lau sàn 225.284.400 đồng, vì mặc dù trong quá trình tố tụng, Công ty G thừa nhận có nợ Công ty T số tiền này. Tuy nhiên, cho đến hiện nay Công ty T không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ này. Do đó, Công ty G không đồng ý thanh toán số tiền này cho Công ty T.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn: Tại Đơn phản tố ngày 27/7/2016, Công ty G yêu cầu Công ty T có nghĩa vụ thanh toán số tiền còn nợ thu mua phế liệu chưa trả là 641.496.200 đồng. Tại phiên hòa giải ngày 05/9/2019, Công ty G có đề nghị được rút lại toàn bộ yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, sau đó Công ty G có ý kiến giữ nguyên yêu cầu phản tố, buộc Công ty T có nghĩa vụ thanh toán số tiền còn nợ thu mua phế liệu chưa trả cho Công ty G là 641.496.200 đồng.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2019/KDTM-ST ngày 28/10/2019 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc Công ty G thanh toán cho Công ty T số tiền: 405.284.400 đồng, trong đó gồm: Tiền cọc 180.000.000 đồng, tiền vải lau sàn 225.284.400 đồng.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty T về việc yêu cầu Công ty G trả số tiền phạt cọc 180.000.000 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty G về việc yêu cầu Công ty Tam Dũng trả số tiền 614.496.200 đồng.
4. Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu Công ty G bồi thường thiệt hại số tiền 3.422.500.000 và kiến nghị Cơ quan quản lý thuế - Cục thuế tỉnh Bình Dương thanh tra việc kê khai nộp thuế đối với hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh ngày 27/8/2015.
5. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
- Công ty T phải chịu 9.000.000 đồng;
- Công ty G (Việt Nam) phải chịu 41.844.068 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo, quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật cho các đương sự.
Ngày 12/11/2019 nguyên đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án và chấp nhận yêu cầu phạt cọc với tiền 180.000.000 đồng.
Ngày 12/11/2019 bị đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án và không chấp nhận thanh toán tiền vải lau sàn 225.284.400 đồng; Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn với số tiền hàng mà Công ty T còn nợ là 641.496.200 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện của bị đơn thay đổi nội dung kháng cáo: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì chưa thu thập đầy đủ chứng cứ.
Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương không tham gia phiên tòa vì lý do có công tác đột xuất và đã có văn bản thông báo vắng mặt. Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; ý kiến tranh tụng của đương sự về việc giải quyết vụ án;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục: Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt. Căn cứ vào khoản 1 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa.
Về phạm vi xét xử phúc thẩm, căn cứ Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự: Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm có kháng cáo hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo. Cụ thể trong vụ án này, nguyên đơn chỉ kháng cáo yêu cầu phạt cọc với tiền 180.000.000 đồng; Bị đơn thay đổi nội dung kháng cáo, yêu cầu hủy án sơ thẩm nhưng cơ bản không chấp nhận thanh toán tiền vải lau sàn 225.284.400 đồng và yêu cầu chấp nhận phản tố của bị đơn với số tiền hàng mà Công ty T còn nợ là 641.496.200 đồng. Đây là những nội dung mà Hội đồng xét xử phúc thẩm phải giải quyết. Theo quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật Tố tụng dân sự, những phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[2]. Về nội dung, xét các kháng cáo của đương sự:
[2.1]. Hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh ngày 27/8/2015 xét về bản chất là hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, Công ty T là bên mua phế liệu của Công ty G và đồng thời có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu vực lấy phế liệu. Phế liệu được tính theo bảng báo giá đính kèm hợp đồng; các khoản chi phí xử lý môi trường do Công ty T tự chịu. Hợp đồng quy định việc thanh toán được thực hiện ngay sau mỗi lần thu gom.
[2.2]. Về yêu cầu phản tố của bị đơn: Theo Đơn phản tố ngày 27/7/2016, Công ty G xác định Công ty T còn nợ tiền mua phế liệu từ tháng 6/2015 đến tháng 02/2016 là 866.780.600 đồng. Chứng cứ do bị đơn xuất trình có các hóa đơn giá trị gia tăng, bảng thanh toán tiền phế liệu, bảng thanh toán tiền dăm bào nhưng không có chữ ký xác nhận của người đại diện hợp pháp (kể cả con dấu) của Công ty T. Bản đối chiếu công nợ phế liệu cũng chỉ do một bên Công ty G thực hiện, không có xác nhận của Công ty T. Hơn nữa, các tài liệu nêu trên chỉ là bản sao chụp, không phải là bản chính hoặc bản sao đã được chứng thực hợp pháp hay đã được Thẩm phán đối chiếu với bản gốc nên không có giá trị pháp lý về chứng cứ. Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu bị đơn cung cấp chứng cứ là bản chính để Tòa án đối chiếu với bản sao đã nộp, nhưng bị đơn không thực hiện. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán tiền mua phế liệu còn nợ là có căn cứ, đúng pháp luật. Kháng cáo của bị đơn về yêu cầu phản tố là không có cơ sở chấp nhận. [2.3]. Về yêu cầu phạt cọc của nguyên đơn: Theo quy định tại khoản 2 Điều 358 Bộ luật Dân sự 2005: “Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Đối chiếu quy định trên thì thấy rằng, do hợp đồng không có thỏa thuận khác nên căn cứ vào quy định của pháp luật, thì việc Công ty G đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu không có căn cứ pháp luật là hành vi từ chối việc thực hiện hợp đồng có thể phải chịu phạt cọc một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đã đặt cọc. Tuy nhiên, do quá trình mua bán và thanh toán tiền hàng giữa hai bên không tuân theo đúng quy định của hợp đồng như nguyên đơn đã thừa nhận: Vì sau mỗi lần thu gom khối lương dăm bào, củi vụn, củi Domino ít, chưa xác định giá thành nên Công ty T không thể thực hiện thanh toán ngay sau mỗi lần thu gom cho Công ty G, mà thực tế việc thanh toán được Công ty T thực hiện nhiều lần và không ấn định thời hạn thực hiện cho đến khi thanh toán xong số tiền mà hai bên đã chốt. Cách thanh toán này đã làm phát sinh tranh chấp giữa hai bên và là nguyên nhân dẫn đến đến việc không thể thực hiện hợp đồng là do lỗi của cả hai bên nên không có căn cứ xử phạt Công ty G. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu của Công ty T về việc xử phạt Công ty G là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2.4]. Về tiền vải lau sàn: Việc mua bán vải lau sàn là một giao dịch khác, theo đó bên bán hàng là Công ty T và bên mua là Công ty G. Việc mua bán không lập thành văn bản (hợp đồng), không có chứng từ giao nhận và cũng không có đối chiếu, xác nhận nợ. Tuy nhiên, theo Đơn phản tố ngày 27/7/2016, Công ty G tự xác định còn nợ tiền mua hàng (vải lau sàn) của Công ty T là 225.284.400 đồng và đồng ý cấn trừ nghĩa vụ trả nợ vào số tiền mà Công ty T còn nợ Công ty G tiền mua phế liệu từ tháng 6/2015 đến tháng 02/2016. Sau khi cấn trừ, số tiền phản tố là 641.496.200 đồng. Lời khai của người đại diện của bị đơn cũng có nội dung tương tự, mặc dù sau đó bị đơn không đồng ý thanh toán tiền vải lau sàn vì cho rằng nguyên đơn không có đủ tài liệu, chứng cứ. Xét thấy, mặc dù là khoản nợ khác nhưng bị đơn đã thừa nhận và cũng yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án thể hiện qua ý kiến đồng ý cấn trừ nợ nên Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn khoản tiền mua vải lau sàn còn nợ 225.284.400 đồng là có căn cứ và đúng pháp luật.
[3]. Từ những cơ sở trên, xét thấy kháng cáo của nguyên đơn và kháng cáo của bị đơn không có cơ sở chấp nhận.
[4]. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên buộc Công ty G phải thanh toán tiền đặt cọc 180.000.000 đồng cho Công ty T. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc Công ty G phải bồi thường thiệt hại số tiền 3.422.500.000 và kiến nghị Cơ quan quản lý thuế - Cục thuế tỉnh Bình Dương thanh tra việc kê khai nộp thuế đối với hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh ngày 27/8/2015. Các bên không kháng cáo, Viện Kiểm sát không kháng nghị nên các quyết định này của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5]. Về án phí phúc thẩm: Các bên kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Điều 93, khoản 2 Điều 282, Điều 293, khoản 1 Điều 296, khoản 1 Điều 308, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
Áp dụng khoản 2 Điều 358 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 50 Luật Thương mại 2005.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2019/KDTM-ST ngày 28/10/2019 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương các nội dung sau:
1.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty T đối với bị đơn Công ty G về việc tranh chấp hợp đồng dịch vụ và hợp đồng mua bán hàng hóa.
Buộc Công ty G có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T tiền vải lau sàn 225.284.400 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Công ty T cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng Công ty G còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
1.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty T đối với bị đơn Công ty G về việc yêu cầu Công ty G trả số tiền phạt cọc 180.000.000 đồng.
1.3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty G đối với nguyên đơn Công ty T về việc yêu cầu Công ty T trả số tiền 614.496.200 đồng.
1.4. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
- Công ty T phải chịu 9.000.000 đồng tiền án phí KDTM sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 53.825.000 đồng Công ty T đã nộp tại Biên lai thu số AA/2014/0017615 ngày 23/5/2016; Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B, tỉnh Bình Dương hoàn trả lại cho Công ty T số tiền 44.825.000 đồng.
- Công ty G phải chịu 41.844.068 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 14.829.924 đồng đã nộp tại Biên lai thu số AA/2014/0017907, ngày 27/7/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B, tỉnh Bình Dương, Công ty G phải nộp tiếp số tiền 27.014.144 đồng. 2. Quyết định của bản án sơ thẩm về việc buộc Công ty G có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T số tiền đặt cọc 180.000.000 đồng cùng với nghĩa vụ thi hành án; và đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty T đối với bị đơn Công ty G về việc yêu cầu Công ty G bồi thường thiệt hại số tiền 3.422.500.000 đồng và yêu cầu kiến nghị Cơ quan quản lý thuế - Cục thuế tỉnh Bình Dương thanh tra việc kê khai nộp thuế đối với hợp đồng thu mua phế liệu, dọn dẹp vệ sinh ngày 27/8/2015 (không có kháng cáo, kháng nghị) có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Về án phí phúc thẩm:
- Công ty T phải chịu 2.000.000 đồng, được trừ vào tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0042243 ngày 21/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B, tỉnh Bình Dương.
- Công ty G phải chịu 2.000.000 đồng, được trừ vào tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0042215 ngày 13/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B, tỉnh Bình Dương.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án 10/2020/KDTM-PT ngày 29/05/2020 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ và hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 10/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 29/05/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về