TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KON PLÔNG, TỈNH KON TUM
BẢN ÁN 10/2020/HS-ST NGÀY 07/12/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 07 tháng 12 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 10/2020/TLST – HS ngày 26 tháng 10 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số: 10/2020/QĐXXST – HS ngày 26 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo:
A Đ; Giới tính: Nam; Tên gọi khác: Không; Sinh năm 1986 tại Kon Tum; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn V, xã P, huyện Kg, tỉnh Kon Tum; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 03/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Hre; Tôn giáo: Không; Đảng, đoàn thể: không; Con ông: A L (đã chết) và bà:Y R (đã chết), gia đình bị cáo có 05 anh chị em, bị cáo là con thứ 3 trong gia đình. Bị cáo có vợ là Y Y (sinh năm 1984) và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2006 con nhỏ nhất sinh năm 2019.
Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo A Đ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam từ ngày 11/5/2020 đến nay. (Bị cáo có mặt tại phiên tòa).
- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum:
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đặng Thanh N - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Châu Văn L - Chủ tịch UBND xã P, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (Có mặt).
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Cộng đồng thôn V, xã P, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Người đại diện theo ủy quyền: Ông A Ch – trưởng thôn V, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Có mặt).
- Người phiên dịch: Ông A S – Phòng văn hóa thông tin huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng đầu tháng 12/2019, vì cần có đất sản xuất nên A Đ nảy sinh ý định đi phá rừng để làm nương rẫy, lấy đất trồng mì. A Đ một mình đi tìm địa điểm phù hợp để phát rẫy, khi thấy khu vực rừng tự nhiên tại Khoảnh 10, Tiểu khu 438 thuộc lâm phần do Cộng đồng thôn V quản lý có địa hình tương đối bằng phẳng, thích hợp để làm rẫy nên A Đ quyết định cắt hạ những cây rừng tự nhiên tạo thành 01 khoảng trống để phục vụ cho mục đích của mình. A Đ mượn 01 cưa máy màu đỏ, không rõ nhãn hiệu (gồm cả lam cưa và xích) của Y N (là em vợ của A Đ; Sinh năm 1997; HKTT: Xã H, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Hôm sau, A Đ một mình cầm theo 01 cưa máy, 01 con dao rựa đi đến khu vực rừng đã chọn trước đó và dùng dao rựa để chặt hạ những cây gỗ nhỏ, những dây gai, cây bụi rồi dùng cưa máy cắt hạ toàn bộ những cây gỗ lớn tạo thành 01 khoảng trống. Trong vòng 01 tháng, A Đ phát được 01 diện tích rừng vừa đủ theo ý muốn. Sau khi phát xong, con dao rựa bị hỏng nên A Đ vứt trong rừng; cưa máy (gồm cả lam, xích) A Đ đã trả lại cho Y N.
Ngày 03/02/2020, trong quá trình tuần tra, truy quét, Tổ công tác liên ngành xã P phát hiện tại Khoảnh 6 và Khoảnh 10 Tiểu khu 438 lâm phần do Cộng đồng thôn V quản lý thuộc xã P – Kon Plông – Kon Tum có tình trạng phá rừng trái pháp luật nên đã lập biên bản sự việc và báo cáo Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông xử lý theo thẩm quyền.
Trên cơ sở kết quả đo đạc khám nghiệm hiện trường vào ngày 13/02/2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Kon Plông, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Hạt kiểm lâm huyện cùng đại diện chính quyền xã P và lời khai nhận của đối tượng A Đ xác định: Khu vực rừng mà A Đ cưa, chặt phá trái phép nêu trên thuộc Khoảnh 10 Tiểu khu 438 thuộc lâm phần do Cộng đồng thôn V, xã P, huyện Kon Plông quản lý; có tổng diện tích rừng bị phá trái phép là 13.160 m2 rừng tự nhiên, chức năng sản xuất.
Tại bản Kết luận giám định ngày 25/8/2020 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum kết luận diện tích rừng mà A Đ phá trái phép là 14.264,3 m2, trữ lượng cây đứng là 190,114 m3, sản lượng gỗ là 97,226 m3, gỗ từ nhóm I đến nhóm VIII. Về thiệt hại môi trường rừng Giám định viên không thực hiện được do không có cơ sở, căn cứ khoa học.
Tại Bản kết luận định giá tài sản số 20A/KL-HDĐG ngày 18/9/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kon Plông kết luận: 97,226 m3 gỗ có tổng giá trị 407.899.100 đồng.
Về vật chứng vụ án: Đối với 01 con dao rựa mà A Đ sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội đã bị hỏng nên A Đ vứt bỏ trong rừng, không nhớ cụ thể vị trí nên không thu giữ được; Đối với 01 cưa máy, theo A Đ khai nhận: Sau khi thực hiện xong hành vi phạm tội, A Đ đã trả lại cho Y N. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Kon Plông đã xác minh để làm việc với Y N nhưng Y N không có mặt tại địa phương nên không thể tiến hành làm việc, lấy lời khai. Bên cạnh đó, khi mượn cưa, A Đ khai đã không nói rõ mục đích cho Y N biết. Do đó, không có căn cứ để thu giữ và xử lý.
Đối với vật chứng vụ án là toàn bộ số gỗ tại hiện trường, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khảo sát giá kéo gom, giá thu mua gỗ, củi. Xét thấy việc mở đường để kéo gom, thu giữ vật chứng sẽ làm gia tăng các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, bên cạnh đó giá thuê kéo gom cao hơn so với giá bán gỗ, củi, có thể gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra đã giao toàn bộ số gỗ là vật chứng cho chủ rừng là Cộng đồng thôn V xã P quản lý theo quy định.
Tại Bản cáo trạng số 10/CT-VKS ngày 26 tháng 10 năm 2020 Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã truy tố bị cáo A Đ về tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông phát biểu luận tội giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo: đã phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, đại diện của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, đặc điểm nhân thân, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Qua đó đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo A Đ phạm tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật hình sự.
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243, Điều 38; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự tuyên phạt bị cáo A Đ mức án từ 3 năm tù đến 3 năm 6 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 11/5/2020.
Về hình phạt bổ sung: Bị cáo là người dân tộc thiểu số, nghề nghiệp làm nông thu nhập không ổn định do đó đề nghị Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 243 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: do nguyên đơn dân sự yêu cầu tách vấn đề dân sự vì chưa có điều kiện chứng minh toàn bộ thiệt hại và việc tách vần đề dân sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 30 của Bộ luật Tố tụng hình sự tách vấn đề dân sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Về xử lý vật chứng: Đối với 97,226 m3 gỗ tại hiện trường do bị cáo chặt phá, hiện tại do Cộng đồng thôn V quản lý có tổng giá trị 407.899.100 đồng đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1, khoản 3 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự giao cho nguyên đơn dân sự (Uỷ ban nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) quản lý, xử lý theo quy định.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông đã truy tố, thống nhất với bản luận tội của Đại diện Viện kiểm sát. Trong quá trình điều tra, truy tố bị cáo không bị mớm cung, ép cung hay bị dùng nhục hình.
Ý kiến của nguyên đơn dân sự: do chưa có điều kiện chứng minh toàn bộ thiệt hại do bị cáo A Đ gây ra hơn nữa 97,226 m3 gỗ do bị cáo chặt phá tại hiện trường, hiện tại do Cộng đồng thôn V quản lý chưa có điều kiện xử lý nên đề nghị Hội đồng xét xử tách vấn đề dân sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Sau khi Nhà nước giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn V, Cộng đồng thôn đã thành lập Ban quản lý, ban hành quy ước, tổ chức tuyên truyền đến từng hộ dân về công tác bảo vệ rừng của cộng đồng và thường xuyên tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng kể cả công tác phòng cháy chữa cháy. Hộ A Đ cũng được phân công quản lý bảo vệ và có nhận tiền bảo vệ rừng.
Lời nói sau cùng của bị cáo: bị cáo đã nhận thức được hành vi chặt phá rừng là vi phạm pháp luật, bị cáo hối hận việc làm của mình cam đoan không tái phạm hơn nữa con bị cáo đang còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong nhà, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kon Plông, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến, khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng mà vị đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông đã nêu. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy có đủ căn cứ khẳng định:
Vào khoảng đầu tháng 12/2019, do cần đất sản xuất nông nghiệp nên A Đ đã dùng 01 con dao rựa, 01 cưa máy để chặt, phát, cắt hạ trái phép các cây gỗ tự nhiên tại Khoảnh 10 Tiểu khu 438 lâm phần do Cộng đồng thôn V quản lý, thuộc địa giới hành chính xã P, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum gây thiệt hại 14.264,3 m2 diện tích rừng tự nhiên, chức năng sản xuất; gây thiệt hại 97,226 m3 gỗ từ nhóm I đến nhóm VIII có giá trị 407.899.100 đồng.
Như vậy, hành vi của bị cáo A Đ đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông truy tố bị cáo về tội danh và điều khoản nêu trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
[3]. Xét về hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội - đã xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái rừng. Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết rằng việc chặt phá rừng trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi cá nhân, gia đình (cần đất sản xuất nông nghiệp) nên đã cố ý thực hiện. Trong khi Nhà nước ta, các ngành, các cấp tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông đã có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt, phát động các đợt cao điểm phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Nhưng, tình hình chặt phá rừng trái phép trên địa bàn huyện vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Do vậy, cần xử phạt bị cáo nghiêm minh tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra để trừng trị, giáo dục đồng thời để răn đe phòng ngừa chung.
[4]. Tuy nhiên khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, đặc điểm nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự - Về đặc điểm nhân thân: Bị cáo có nhân tốt, không có tiền án, tiền sự:
- Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng:
- Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.
[5]. Về hình phạt bổ sung: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai của bị cáo tại phiên tòa cho thấy bị cáo là người dân tộc thiểu số, nghề nghiệp làm nông, thu nhập không ổn định do đó Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 243 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo.
[6]. Về trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại): Đối với số gỗ do bị cáo chặt phá gây thiệt hại về lâm sản với số tiền 407.899.100 đồng, thiệt hại nêu trên là do bị cáo gây ra, lỗi thuộc về bị cáo tuy nhiên việc thu gom để bán đấu giá chưa thực hiện được vì giá thành mở đường vận chuyển cao, bên cạnh đó thiệt hại về môi trường rừng các cơ quan chức năng chưa xác định được nên xét thấy nguyên đơn dân sự chưa có điều kiện chứng minh thiệt hại và việc tách vấn đề dân sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự nên việc bồi thường thiệt hại cần tách ra để gải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.
[7]. Về xử lý vật chứng của vụ án: Đối với 97,226 m3 gỗ từ nhóm I đến nhóm VIII tại hiện trường do bị cáo chặt phá hiện nay Cơ quan điều tra đang giao cho Cộng đồng thôn V, xã P tạm thời quản lý. Hội đồng xét xử xét thấy nguyên đơn dân sự (Uỷ ban nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với rừng tại địa phương. Do đó cần giao lại cho nguyên đơn dân sự (Uỷ ban nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) quản lý đối với 97,226 m3 gỗ từ nhóm I đến nhóm VIII tại hiện trường và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
[8]. Đối với Cộng đồng thôn V, xã P, huyện Kon Plông được giao quản lý rừng đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động nhân dân. Đối với ông Hà Văn T – Kiểm lâm địa bàn xã P trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã tham mưu cho UBND xã về công tác quản lý bảo vệ rừng, trực tiếp phối hợp với các ban ngành của xã đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng trái phép. Do đó, chưa đủ căn cứ để xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.
[9]. Về án phí: Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: Bị cáo A Đ phạm tội “Hủy hoại rừng” Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243, Điều 38; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo A Đ 3 (ba) năm 6 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam là ngày 11 tháng 5 năm 2020.
2. Về trách nhiệm dân sự:
Áp dụng Điều 30 của Bộ luật tố tụng Hình sự:
Tách vần đề bồi thường thiệt hại ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.
3. Về xử lý vật chứng của vụ án:
Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Giao cho nguyên đơn dân sự (Uỷ ban nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) 97,226 m3 gỗ thiệt hại từ nhóm I đến nhóm VIII tại hiện trường (Khoảnh 10 Tiểu khu 438 lâm phần do Cộng đồng thôn V quản lý, thuộc địa giới hành chính xã P, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Về án phí:
Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Buộc bị cáo A Đ phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm để nộp vào Ngân sách Nhà nước.
5. Về quyền kháng cáo:
Căn cứ các Điều 331, 333 của Bộ luật tố tụng hình sự bị cáo, nguyên đơn dân sự, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (07/12/2020).
Bản án 10/2020/HS-ST ngày 07/12/2020 về tội hủy hoại rừng
Số hiệu: | 10/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kon Plông - Kon Tum |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 07/12/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về