Bản án 10/2019/HS-ST ngày 25/01/2019 về tội trốn thuế

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 10/2019/HS-ST NGÀY 25/01/2019 VỀ TỘI TRỐN THUẾ

Ngày 25 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 118/2018/TLST-HS ngày 07 tháng 11 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 737/2018/QĐXXST-HS ngày 20 tháng 11 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 59/2019/HSST-QĐ ngày 17 tháng 01 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Phạm Đức N, sinh năm 1961 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Tổ H 2, phường T, quận K, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: Lớp 10/10; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Đức P (đã chết) và bà Trần Thị V; không có tiền sự và có 01 tiền án: Bản án số 42/2014/HSPT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xử phạt bị cáo 12 tháng tù về tội “Trốn thuế” (đang hoãn thi hành án); bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 04 tháng 5 năm 2018; có mặt.

2. Phạm Duy S, sinh năm 1962 tại Hải Phòng. ĐKHKTT: Thôn C, xã T, huyện A, TP Hải Phòng; chỗ ở: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: Lớp 10/10; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Duy T và bà Bùi Thị T (đã chết); tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 04 tháng 5 năm 2018; có mặt.

- Người làm chứng:

1. Bà Nguyễn Thị L

2. Anh Phạm Duy A

3. Ông Đỗ Danh H

4. Chị Nguyễn Thị H

Đều vắng mặt tại phiên tòa

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 01 tháng 7 năm 2014 công ty TNHH xây dựng và du lịch CP (gọi tắt là công ty CP, do Phạm Đức N, giám đốc làm đại diện) ký kết hợp đồng kinh tế số 09/HĐKT/2014 với công ty TNHH Hàng Hải V (gọi tắt là công ty V, do bà Nguyễn Thị L, giám đốc làm đại diện), với nội dung: Công ty CP thực hiện san lấp mặt bằng khu đất rộng 48.000 m2 của công ty V (trên địa bàn 2 xã S và P thuộc huyện A, TP Hải Phòng), đơn giá: 120.000 đồng/m3. Ngày 29 tháng 7 năm 2014 công ty CP ký kết hợp đồng nguyên tắc số 06/HĐKT/2014 với công ty Cổ phần đầu tư và thương mại A (gọi tắt là công ty A, do Phạm Duy A, giám đốc làm đại diện, Anh là con trai Phạm Duy S), nội dung hợp đồng: Công ty CP thực hiện cung cấp đất đỏ để phục vụ thi công hạng mục san lấp công trình tại khu công nghiệp Tràng Duệ, đơn giá: 83.000 đồng/m3.

Để thực hiện 02 hợp đồng nêu trên Phạm Đức N bàn bạc với Phạm Duy S (là người giới thiệu để N ký hợp đồng với 02 công ty nêu trên) về việc công ty CP sẽ sử dụng nguồn vật liệu san lấp lấy từ việc san gạt công trình ở chân núi C (đây là công trình do công ty CP được Uỷ ban nhân dân quận K chỉ định là đơn vị thi công san gạt mặt bằng Trung tâm giáo dục quốc phòng và xây dựng mô hình hậu cần nhân dân - địa phương tại ph T, quận K, thành phố Hải Phòng), nếu không đủ sẽ lấy ở các nguồn của tư nhân trôi nổi trên thị trường; sau khi kết thúc công trình N sẽ trích phần trăm giá trị công trình cho Sự.

Trong thời gian từ khi bắt đầu thực hiện san lấp mặt bằng cho công ty V, A đến ngày 14 tháng 9 năm 2014, N trực tiếp tìm nguồn đất san lấp trôi nổi trên thị trường do các chủ xe tư nhân cung cấp và thuê các phương tiện san gạt mặt bằng của tư nhân, không có hóa đơn, chứng từ khoảng hơn 140.000 m3; N chịu trách nhiệm tạm ứng, thanh toán cho các chủ xe chở đất, phương tiện san gạt của tư nhân. Ngoài ra, N còn sử dụng nguồn đất dư thừa từ việc san gạt mặt bằng công trình ở chân núi C nêu trên để san lấp mặt bằng cho công ty V và công ty A khoảng 2.000 m3 đất. N đã tạm ứng, thanh toán cho các chủ xe chở đất, phương tiện san gạt với số tiền 300.000.000 đồng.

Khoảng giữa tháng 9 năm 2014, trong quá trình san gạt mặt bằng công trình ở chân núi C, công ty CP để xảy ra tai nạn chết người và bị tước giấy phép thi công công trình này. N không còn khả năng tạm ứng, thanh toán cho các chủ xe chở đất, phương tiện san gạt cho công trình của công ty V, công ty A. Do đó, từ ngày 15 tháng 9 năm 2014 đến khi kết thúc công trình, N và S tìm kiếm các nguồn cung cấp đất trôi nổi trên thị trường còn S đại diện cho công ty V, công ty A trực tiếp làm việc, chịu trách nhiệm tạm ứng, thanh toán cho các chủ xe chở đất, phương tiện san gạt. Trong thời gian này, tổng khối lượng đất san lấp vào công trình của công ty V, công ty A là hơn 188.000 m3.

N và S thống nhất để N mua trái phép hóa đơn GTGT nhằm hợp thức hóa việc mua đất trôi nổi trên thị trường, kê khai làm đầu vào cho công ty CP và trốn thuế. S thỏa thuận với N là trong 10% thuế giá trị gia tăng của tổng giá trị hợp đồng giữa công ty CP với công ty V, A (số tiền thuế này không phải trả cho các chủ xe chở đất, phương tiện san gạt) thì S hưởng 06%, tương ứng số tiền là 2.047.597.505 đồng và N được hưởng 04%, tương ứng số tiền là 1.365.065.004 đồng (sau khi trừ đi số tiền mua hóa đơn GTGT, số còn lại N được hưởng). Tuy nhiên đến nay, S mới đưa cho N số tiền 800.000.000 đồng.

Từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015, N đã mua trái phép 04 tờ hóa đơn GTGT (liên 2) của Công ty TNHH đầu tư thương mại Đ, MST: 0201313475 và 03 tờ hóa đơn GTGT (liên 2) của công ty TNHH X, MST: 0201567078, với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi khống trên 07 hóa đơn GTGT là 34.169.422.820 đồng (chưa có thuế VAT), kê khai làm đầu vào cho công ty CP. N khai đã mua trái phép 07 tờ hóa đơn GTGT với giá 2,6% tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi khống trên hóa đơn GTGT (chưa có thuế VAT), tương ứng với số tiền là 888.404.993 đồng. N khai mua 07 hóa đơn trên thông qua Nguyễn Thị P là kế toán của Công ty CP. N được P cho biết đã mua 07 tờ hóa đơn GTGT từ Nguyễn Văn S1, sinh năm 1981, ĐKHTT tại xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng và T (không rõ nhân thân, lai lịch). N đã đưa cho P số tiền 800.000.000 đồng để trả cho S1 và T. N không trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc gì với S1 và T về việc mua bán 07 tờ hóa đơn GTGT nêu trên mà do P trực tiếp giao dịch.

N đã xuất 04 hóa đơn GTGT của công ty CP cho công ty V và 03 hóa đơn GTGT của công ty CP cho công ty A, với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ có thuế trên 07 hóa đơn GTGT là 37.539.287.599 đồng, số tiền thuế GTGT 10% là 3.412.662.509 đồng. Công ty V và công ty A đã thanh toán toàn bộ số tiền hàng hóa có thuế như trên cho công ty CP.

Xác minh tại địa chỉ của 02 công ty Đ và X: tại địa chỉ nêu trên không có Công ty Đ, còn Công ty X chỉ treo biển 2-3 ngày rồi tháo biển, không có hoạt động gì. Vũ Thị Bích H (giám đốc Công ty Đ) và Nguyễn Thị X (giám đốc Công ty X) khai: được người đàn ông (không rõ nhân thân, lai lịch) thuê đứng tên giám đốc đăng ký thành lập Công ty Đ và Công ty X; không biết gì về hoạt động của 2 công ty này.

Tại bản kết luận giám định ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Cục thuế thành phố Hải Phòng kết luận: số tiền thuế GTGT Công ty CP đã kê khai gian lận để trốn thuế từ việc sử dụng 07 tờ hóa đơn bất hợp pháp là 3.416.942.282 đồng.

Tại cơ quan điều tra, xét hỏi Phạm Đức N, Phạm Duy S khai nhận như trên phù hợp với lời khai của nhân chứng, người có liên quan và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

- Tại bản cáo trạng số 107/CT-VKS ngày 02 tháng 11 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã truy tố Phạm Đức N và Phạm Duy S về tội “Trốn thuế” theo qui định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Tại phiên toà, các bị cáo thừa nhận hành vi của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu và các bị cáo không có ý kiến thắc mắc hay khiếu nại gì.

- Tại phiên toà, Kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như nội dung bản Cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 200; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 56 Bộ luật Hình sự; đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Đức N từ 30 tháng đến 36 tháng tù. Tổng hợp hình phạt với Bản án số 42/2014/HSPT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xử phạt bị cáo 12 tháng tù về tội “Trốn thuế”; phạt tiền bị cáo 20 triệu đồng.

Căn cứ khoản 3 Điều 200; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 35; Điều 54 Bộ luật Hình sự; đề nghị xử phạt tiền bị cáo Phạm Duy S từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng.

- Các bị cáo không có ý kiến tranh luận với quan điểm của Kiểm sát viên, phần lời nói sau cùng của các bị cáo xin pháp luật khoan H giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an thành phố Hải Phòng, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, các bị cáo không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

- Về tội danh:

[2] Lời khai của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người làm chứng; bản kết luận giám định; vật chứng thu giữ được cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đã được xem xét công khai tại phiên tòa, nên đủ cơ sở kết luận: Từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015, các bị cáo mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường (đất, cát) để thực hiện việc san lấp mặt bằng theo các hợp đồng đã ký và mua trái phép 04 tờ hóa đơn GTGT của Công ty TNHH đầu tư thương mại Đ và 03 tờ hóa đơn GTGT của Công ty TNHH X với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ chưa thuế ghi khống trên 07 hóa đơn GTGT là 34.169.422.820 đồng để kê khai làm đầu vào cho Công ty CP; chiếm đoạt số tiền thuế của Nhà nước là 3.416.942.282 đồng. Do đó, có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo Phạm Đức N và bị cáo Phạm Duy S đã phạm tội “Trốn thuế”.

[3] Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trước 00 giờ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực). Căn cứ Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội “Trốn thuế” qui định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có hình phạt nhẹ hơn so với qui định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, nên cần áp dụng có lợi cho các bị cáo. Do đó, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội “Trốn thuế” theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4] Về tình tiết định khung hình phạt: Trong vụ án này, các bị cáo đã cùng nhau thực hiện hành vi mua hóa đơn GTGT để không phải nộp số tiền thuế cho Nhà nước là 3.416.942.282 đồng. Vì vậy, hành vi của các bị cáo bị xét xử theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[5] Tính chất vụ án là nghiêm trọng; hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến chế độ quản lý thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước; ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy đòi hỏi pháp luật phải xử lý nghiêm nhằm răn đe, giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung. Nhưng cùng xem xét cho các bị cáo được hưởng lượng khoan H do phạm tội mang tính cơ hội (ban đầu bị cáo N có mỏ khai thác đất hợp pháp nhưng để xảy ra tai nạn nên bị thu hồi, từ đó các bị cáo bị áp lực bởi hợp đồng đã ký nên đã bàn nhau phạm tội); có thái độ khai báo thành khẩn, đã khắc phục được phần lớn hậu quả.

[6] Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo S phạm tội không có tình tiết tăng nặng, bị cáo Phạm Đức N đang được hoãn chấp hành hình phạt tù lại tiếp tục phạm tội nên phải chịu tình tiết tăng nặng “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

[7] Về tình tiết giảm nhẹ: Cả hai bị cáo đều có thái độ thành khẩn nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Riêng bị cáo Phạm Duy S đã tự nguyện nộp 1.850.000.000 đồng để khắc phục hậu quả nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[8] Về vai trò và hình phạt: Đây là vụ án đồng phạm giản đơn nên cần căn cứ Điều 17 Bộ luật Hình sự để xử lý các bị cáo. Bị cáo N giữ vai trò thứ nhất; là người chủ động bàn bạc với Phạm Duy S về việc phạm tội và trực tiếp thực hiện các công việc cần thiết để phạm tội, được chia số tiền 1.365.065.004 đồng (sau khi trừ đi số tiền mua hóa đơn GTGT). Bản thân bị cáo đang hoãn chấp hành hình phạt tù về tội trốn thuế nhưng lại tiếp tục phạm tội nên cần tiếp tục cách ly bị cáo khỏi xã hội với mức hình phạt cao hơn đề nghị của Kiểm sát viên phải phiên tòa mới phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo. Bị cáo S tham gia với vai trò tích cực; được ăn chia 2.047.597.505 đồng nhưng có nhân thân tốt và đã cố gắng nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 1.850.000.000 đồng để khắc phục hậu quả. Do đó, có thể áp dụng Điều 35 Bộ luật Hình sự để phạt tiền đối với bị cáo theo đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

[9] Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo không còn tài sản riêng có giá trị nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Riêng bị cáo N đã điều hành doanh nghiệp nhiều lần trốn thuế nên cần áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề kinh doanh trong một thời gian sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

[10] Về số tiền thu lợi bất chính: Các bị cáo phải liên đới nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 3.416.942.282 đồng; chia theo phần bị cáo N phải nộp 800.000.000 đồng, bị cáo S phải nộp 3.416.942.282 đồng – (800.000.000 đồng + 1.850.000.000 đồng) = 766.942.282 đồng.

[11] Về xử lý vật chứng: Cần tạm giữ số tiền 1.850.000.000 đồng do Phạm Duy S nộp để khắc phục hậu quả.

[12] Về án phí: Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Các bị cáo đều phải 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm; bị cáo N phải nộp 36.000.000 đồng và bị cáo S phải nộp 34.640.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

[13] Trong vụ án này còn có các đối tượng Nguyễn Thị P, Nguyễn Văn S1 đã trốn khỏi địa phương hiện chưa xác định được địa chỉ và đối tượng tên T chưa rõ nhân thân, lai lịch có dấu hiệu phạm tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước nên cần kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý trước pháp luật nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 200; điểm h khoản 1 Điều 52; điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 56, Điều 58 Bộ luật hình sự, xử phạt: Bị cáo Phạm Đức N 3 năm 6 tháng tù về tội “Trốn thuế”. Tổng hợp hình phạt với bản án số 42/2014/HSPT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, bị cáo phải chấp hành chung là 4 (bốn) năm 6 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án. Tiếp tục áp dụng biện pháp Cấm đi khởi nơi cư trú đối với bị cáo Phạm Đức N cho đến thời điểm bị cáo đi chấp hành án phạt tù.

Cấm bị cáo điều hành các hoạt động kinh doanh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

2. Căn cứ khoản 3 Điều 200; điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 54, Điều 58 Bộ luật Hình sự, xử phạt: Phạt tiền bị cáo Phạm Duy S 1.000.000.000 (một tỷ) đồng về tội “Trốn thuế”. Ghi nhận bị cáo đã nộp đủ số tiền trên theo biên lai số 0001700 ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng.

3. Về trách nhiệm dân sự: Buộc các bị cáo phải liên đới nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 3.416.942.282 (Ba tỷ, bốn trăm mười sáu triệu, chín trăm bốn mươi hai nghìn, hai trăm tám mươi hai) đồng, chia theo phần:

Phạm Duy S phải nộp 2.616.942.282 đồng, bị cáo đã nộp 1.850.000.000 đồng, còn phải nộp tiếp 766.942.282 (Bảy trăm sáu mươi sáu triệu, chín trăm bốn mươi hai nghìn, hai trăm tám mươi hai) đồng.

Phạm Đức N phải nộp 800.000.000 (Tám trăm triệu) đồng.

4. Về xử lý vật chứng: Sung quĩ Nhà nước số tiền 1.850.000.000 (Một tỷ, tám trăm năm mươi triệu) đồng bị cáo Phạm Duy S đã nộp để khắc phục hậu quả, (theo các giấy nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước Hải Phòng ngày 15/10/2018 và ngày 16/10/2018; biên lai thu tiền số 0001699 ngày 24/01/2019 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng).

5. Về án phí: Căn cứ vào Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban th vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, buộc mỗi bị cáo phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm; bị cáo N phải nộp 36.000.000 (ba mươi sáu triệu) đồng và bị cáo S phải nộp 34.640.000 (ba mươi tư triệu sáu trăm bốn mươi ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

- Về quyền kháng cáo: Các bị cáo có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.

- Về quyền yêu cầu thi hành án: Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

628
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 10/2019/HS-ST ngày 25/01/2019 về tội trốn thuế

Số hiệu:10/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;