Bản án 10/2019/DSPT ngày 02/04/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 10/2019/DSPT NGÀY 02/04/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong ngày 02 tháng 4 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2019/TLPT-DS ngày 05 tháng 01 năm 2019, về “tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 19A/2019/QĐPT-DS ngày 05 tháng 3 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Ngọc S, sinh năm 1960;

Địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Ngọc R, sinh năm 1948.

Địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình.

3. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

3.1. Anh Nguyễn Ngọc M1, sinh năm 1987.

Ngưi đại diện theo pháp luật cho anh M1: Bà Vũ Thị M2, sinh năm: 1964.

Đu địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình.

3.2. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1949

Địa chỉ: Thôn B, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình

3.3. Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1955

3.4. Bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1963

Đu địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình.

4. Người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Ngọc R, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị M là:

Ông Đỗ Nhật T – Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Phúc Đạt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội;

Địa chỉ: P416 – CT1C – Chung cư Thông Tấn Xã – phường Đại Kim – Quận Hoàng Mai – Hà Nội.

5. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Ngọc R, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị M, bà Nguyễn Thị X.

(Ông S, ông R, bà M, bà X, bà M2, ông Thành có mặt. Bà Nguyễn Thị T vắng mặt có lý do – đã ủy quyền cho ông Đỗ Nhật T tham gia tố tụng tại phiên tòa).

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác không kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, vụ án có nội dung như sau: Nguyên đơn – ông Nguyễn Ngọc S trình bày:

Bố mẹ ông là cụ Nguyễn Ngọc V (Nguyễn Văn V) và cụ Nguyễn Thị T1, sinh được 7 người con là: Nguyễn Ngọc V, sinh năm 1947, hy sinh năm 1972; Nguyễn Ngọc R, Nguyễn Thị T; Nguyễn Ngọc T, sinh năm 1954, hy sinh năm 1978 (ông T có vợ nhưng không có con); Nguyễn Thị M; Nguyễn Thị X và ông Nguyễn Ngọc S. Bố mẹ ông không có con nuôi, con riêng.

Năm 2002, cụ V chết không để lại di chúc. Năm 2012, cụ T1 chết, trước khi chết (ngày 10/8/2007) cụ T1 đã để lại di chúc thừa kế thửa đất số 109 cho cháu nội là Nguyễn Ngọc M1 (con trai ông). Di sản thừa kế của cụ V, cụ T1 để lại theo bản đồ 299 là thửa đất số 109, tờ bản đồ số 04, có diện tích là 247m2. Theo Biên bản xác nhận ranh giới ngày 10/7/2007 là thửa đất 209 có diện tích 294,6m2.

Ông S xác định di chúc của mẹ ông là hợp pháp bởi khi viết di chúc, cụ T1 hoàn toàn minh mẫn, bản di chúc có chữ ký của 2 người làm chứng và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã. Như vậy, phần di sản của mẹ ông đã để lại cho con trai ông. Ông S đề nghị Tòa án chia di sản của cụ T1 theo di chúc và chia di sản của cụ V theo theo pháp luật, chia theo chiều dọc thửa đất. Phần thừa kế ông S được hưởng nhường lại cho anh M1. Nhà và cây cối trên đất giá trị không đáng kể nên ông S không yêu cầu xem xét, không có tranh chấp. Ông S không yêu cầu chia di sản là phần đất nông nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật cho anh M1 là bà Vũ Thị M2, trình bày:

Bà M2 nhất trí với ý kiến của ông S. Theo nội dung di chúc, cụ Nguyễn Thị T1 để lại thửa đất số 109, diện tích 260m2 cho cháu nội là Nguyễn Ngọc M1. Bản di chúc có điểm chỉ của cụ T1, anh M1; chữ ký những người làm chứng là bà T, ông O, chữ ký xác nhận, con dấu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thụy Hưng, ông Trần Văn H.

Bị đơn là ông Nguyễn Ngọc R trình bày:

Bố mẹ ông sinh được 7 người có tên tuổi, lý lịch như ông S trình bày là đúng. Trong đó có hai người là liệt sỹ (liệt sỹ Nguyễn Ngọc V chưa có vợ, liệt sỹ Nguyễn Ngọc T có vợ nhưng không có con). Còn lại 5 người con được hưởng thừa kế và di sản thừa kế là thửa đất có diện tích 294,6m2 cần chia cho 5 người. Ông R cũng không yêu cầu chia các tài sản khác.

Ông R không nhất trí với phần trình bày của ông S và bà M2 về việc cụ T1 chết đã để lại di chúc thừa kế thửa đất số 209 cho cháu nội là Nguyễn Ngọc M1. Ông R không biết bản di chúc cụ T1 làm từ khi nào, ông R xác định bản di chúc này là không hợp pháp, bởi bản di chúc của cụ T1 được lập khi cụ T1 không minh mẫn và tỉnh táo. Bản di chúc này do vợ chồng ông Nguyễn Ngọc S tự viết và nhờ ông Phạm Văn O và bà Lã Thị T ký hộ, hai người này không chứng kiến và không biết gì về việc cụ T1 lập di chúc. Việc người đại diện cho chính quyền xác nhận vào bản di chúc không xác minh tính khách quan của bản di chúc cũng là việc làm trái pháp luật. Tại phiên toà ngày 27/9/2018, ông cho rằng đã được nhìn thấy bản di chúc khác với bản di chúc do nguyên đơn cung cấp tại Toà án do ông Lã Văn D, cán bộ tư pháp xã Thụy Hưng giơ lên cho xem tại phiên hoà giải tranh chấp đất đai giữa các anh em ông tại Ủy ban nhân dân xã Thụy Hưng, ông yêu cầu Toà án làm rõ về bản di chúc này. Tại phiên toà ngày 16/10/2018, ông R đề nghị Toà án tiến hành giám định dấu vân tay trên bản di chúc Toà án đang quản lý có phải là dấu vân tay của cụ T1 không, sau đó ông R đã rút yêu cầu này.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị M và bà Nguyễn Thị X trình bày: Các bà đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Ngọc R và thống nhất nhường quyền hưởng di sản bằng hiện vật cho ông R, không yêu cầu ông R thanh toán giá trị bằng tiền.

Những người làm chứng ông Phạm Văn O (người hàng xóm) và bà Lã Thị T (nguyên trưởng thôn T) đều trình bày: Ngày 10/8/2007, những người này được mời chứng kiến việc lập di chúc của cụ T1, bà T còn được cụ T1 nhờ viết hộ bản di chúc vì cụ T1 không biết chữ. Khi lập di chúc, cụ T1 hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn và tỉnh táo. Bà T công bố di chúc cho mọi người cùng nghe và thống nhất nội dung, cùng thống nhất ký tên.

Người làm chứng ông Trần Văn H trình bày: Ngày 10/8/2007, có bà M2, anh M1, cụ T1 ở thôn T và bà Lã Thị T là trưởng thôn T đến Ủy ban nhân dân xã đề nghị xác nhận nội dung di chúc của cụ T1 để lại di sản thừa kế cho cháu nội là Nguyễn Ngọc M1. Tại Ủy ban cụ T1 và anh M1 đã điểm chỉ vào bản di chúc. Sau khi xem xét nội dung của bản di chúc, ông thấy nội dung của bản di chúc là hợp pháp, có chữ ký của người làm chứng là bà T và ông O, trước sự chứng kiến của mọi người, ông H ký xác nhận vào bản di chúc của cụ Nguyễn Thị T1 với tư cách là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T và đóng dấu xác nhận.

Tại biên bản xác minh ngày 21/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy tiến hành xác minh về sự chênh lệch diện tích thửa đất là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị T1 và cụ Nguyễn Ngọc V thể hiện: Theo số liệu bản đồ 299, là thửa đất số 109, tờ bản đồ số 04 có diện tích 247,0 m2, loại đất: thổ ở. Theo số liệu bản đồ đo đạc hiện trạng sử dụng đất năm 2007 là thửa đất số 209, tờ bản đồ số 7, có diện tích đất là 294,6m2. Nguyên nhân có sự chênh lệch tăng 47,6 m2 là do ngõ đi hiện tại lấn chiếm đất ao. Diện tích đất giao cho cụ V, cụ T1 sử dụng là 247,0 m2.

Tại bản án số 10/2018/DS-ST ngày 15/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy đã quyết định:

1. Áp dụng: Các Điều 624, 625, 626, 627, 628, 630, 649, 650, 651 Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 147, 157, 165 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điểm đ khoản 1 Điều 12, Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

2. Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Ngọc S chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Ngọc V (Nguyễn Văn V) theo quy định của pháp luật; chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị T1 theo di chúc.

2.1. Chia cho ông Nguyễn Ngọc R phần đất 87,2 m2 trong thửa đất số 109, tờ bản đồ số 4, theo bản đổ 299 tại thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình, có tứ cận: phía Đông giáp đất ông Nguyễn Ngọc R có chiều dài 21,7m; phía Nam giáp đất ao của ông Nguyễn Ngọc R có chiều rộng 04m; phía Bắc giáp ngõ đi có chiều rộng 04 m; phía Tây giáp đất anh Nguyễn Ngọc M1 (có sơ đồ kèm theo).

2.2. Chia cho anh Nguyễn Ngọc M1 phần đất 155,8 m2 trong thửa đất số 109, tờ bản đồ số 04 theo bản đồ 299 tại thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình, có tứ cận: phía Đông giáp đất ông Nguyễn Ngọc R và ngõ có chiều dài là 22m + 2,36m, phía Nam giáp đất ao của ông Nguyễn Ngọc R có chiều dài 6,37m, phía Bắc giáp ngõ đi có chiều dài 6,71m, phía Tây giáp đất ông Nguyễn Ngọc Ngư có chiều dài là 9,83m + 2,52m +14,71m (có sơ đồ kèm theo).

2.3. Di sản thừa kế còn lại 4m2 đất ở để làm ngõ đi chung. Phần diện tích 47,6m2 làm ngõ đi chung, các bên được tiếp tục sử dụng, khi Nhà nước cho hợp pháp hóa hoặc thu hồi thì các bên phải thực hiện (có sơ đồ kèm theo).

2.4. Ông Nguyễn Ngọc R có nghĩa vụ thanh toán cho anh Nguyễn Ngọc M1 số tiền 4.830.000 đồng.

2.5. Ông R, bà T, bà M, bà X, mỗi người phải trả ông Nguyễn Ngọc S số tiền 255.000 đồng chi phí định giá, trích đo hiện trạng thửa đất mà ông S đã chi.

2.6. Anh Nguyễn Ngọc M1 được nhận số tiền 4.830.000đồng do ông R thanh toán.

Ngoài ra án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 27 tháng 11 năm 2018, ông Nguyễn Ngọc R, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị M, bà Nguyễn Thị X kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm: Tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, không công nhận tính hợp pháp của bản di chúc nên phần di sản này không thể chia theo di chúc.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của ông R, bà T, bà M, bà X xác định vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày:

Cụ Nguyễn Thị T1 bị ốm nặng từ năm 1994 và rơi vào T1 trạng cận kề với cái chết. Sau đó một thời gian cụ T1 hồi phục sức khỏe một phần nhưng trong T1 trạng hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi nên không đủ điều kiện để lập di chúc. Nội dung bản di chúc có đoạn viết tắt “ông Phạm Văn O: XVHTXN2 xã Thụy Hưng” là trái với quy định của pháp luật về nội dung di chúc. Di chúc của cụ T1 là di chúc bằng văn bản có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã Thụy Hưng nhưng lại được lập ở nhà ông S, sau đó có đóng dấu của Uỷ ban nhân dân xã là không đúng về trình tự, thủ tục lập di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Nội dung di chúc cụ T1 định đoạt toàn bộ tài sản là thửa đất số 109, diện tích 260m2 là trái pháp luật, bởi đây là tài sản chung của cụ T1 và cụ V, cụ T1 không có quyền định đoạt toàn bộ tài sản này cho anh M1. Do vậy, bản di chúc của cụ T1 lập ngày 10/08/2007 là vô hiệu do không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 630, 631 Bộ luật dân sự.

Bà Nguyễn Thị X khai: Khoảng tháng 5, 6 năm 2007, khi bà đang làm việc ở gần nhà ông R thì có bà Liên (vợ ông R) chạy sang gọi bà sang nhà ông R vì ông S đang ấn tay cụ T1 vào bản di chúc. Khi bà chạy về đến cổng thì thấy ông S cuộn tờ giấy gì đó đi ra cổng. Bà vào trong nhà hỏi cụ T1 xem ông S vừa làm gì thì cụ T1 bảo chẳng biết ông S ấn tay cụ vào tờ giấy gì đó. Sau đó, bà Liên mới nói lại với bà đó là bản di chúc, ông S bế cụ T1 vào trong lòng rồi cầm tay của cụ T1 ấn điểm chỉ vào bản di chúc. Sau đó, bà X lại khai: Bà có nhìn thấy ông S bế cụ T1 trong lòng, sau đó cầm tay cụ ấn vào bản di chúc, bà không biết nội dung bản di chúc đó như thế nào. Sau khi biết sự việc, bà có nói cho bà M, bà T về việc này. Bà M, bà X đều cho rằng đấy là bản di chúc không hợp pháp nên từ thời điểm 2007 đến năm 2017, các bà đều không có ý kiến gì về bản di chúc này.

Ông Nguyễn Ngọc R khai: Ông không biết gì về bản di chúc này, bởi năm 2007, ông đi làm ăn xa, không ở nhà, khi đó mẹ ông là cụ T1 đã ốm liệt giường, không còn tỉnh táo, minh mẫn nữa. Thời điểm đó, mẹ ông ở nhà ông, vợ ông là người chăm sóc. Ông không được vợ ông hay bà X, bà M, bà T thông báo gì về việc ông S đã ép buộc mẹ ông điểm chỉ vào bản di chúc. Năm 2017, ông mới biết về bản di chúc này. Ông R không chấp nhận việc Tòa án chia di sản của cụ T1 theo di chúc, mà phải chia theo pháp luật vì bản di chúc không hợp pháp.

Ông Nguyễn Ngọc S khai: Cụ V và cụ T1 có hai thửa đất, trong đó đã cho ông R một thửa đất rất rộng bên cạnh, còn thửa đất còn lại các cụ sinh sống trên đó và cũng có ý nguyện là cho ông. Năm 1996, ông đã xây nhà trên đất của hai cụ để hai cụ ở, còn ông đã mua đất riêng để sinh sống. Đến năm 2007, cụ T1 vì thương con trai lớn của ông bị ốm đau bệnh tật nên muốn thừa kế lại cho cháu thửa đất cụ đang ở. Bản thân ông không muốn mọi người hiểu lầm và muốn có sự khách quan về việc mẹ ông tự nguyện để lại di chúc nên theo ý nguyện của mẹ ông, ngày 10/8/2007, cụ T1 đã đến nhà ông và bảo gọi Trưởng thôn Tam Lộng là bà T và người hàng xóm là ông O sang chứng kiến việc bà để lại di chúc đó. Ông S khẳng định, thời điểm cụ T1 để lại di chúc, cụ hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, khỏe mạnh. Ông không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông R, bà T, bà M, bà X và đề nghị Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến: Trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, những người tiến hành tố tụng và nguyên đơn, bị đơn đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án, cũng như thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Ngọc R, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị M, bà Nguyễn Thị X đã nộp trong thời hạn luật định nên được chấp nhận.

[2] Về việc xác định di sản thừa kế, người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật:

[2.1] Về di sản thừa kế: Các bên đương sự khai thống nhất về di sản thừa kế của cụ Nguyễn Ngọc V và cụ Nguyễn Thị T1 là thửa đất số 109, tờ bản đồ số 04 có diện tích 247,0 m2, loại đất: thổ ở (theo số liệu bản đồ 299). Ngoài ra, trên đất ở còn có ngôi nhà đã cũ, không còn giá trị và có diện tích đất nông nghiệp là ruộng cấy nhưng các đương sự đều không yêu cầu chia các tài sản này. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế đối với tài sản là quyền sử dụng thửa đất nêu trên là đúng.

[2.2] Về người thừa kế: Cụ V chết năm 2002 không để lại di chúc, nên di sản thừa kế của cụ V là quyền sử dụng ½ diện tích thửa đất nêu trên. Vì vậy, người được hưởng thừa kế theo pháp luật của cụ V là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: cụ T1, ông R, ông S, bà T, bà M, bà X. Cụ T1 chết năm 2012, có để lại di chúc thừa kế thửa đất nêu trên cho cháu nội là Nguyễn Ngọc M1, vì vậy di sản thừa kế của cụ T1 gồm: phần thừa kế được hưởng của cụ V và ½ diện tích thửa đất nêu trên được chia cho anh Nguyễn Ngọc M1 theo di chúc. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đầy đủ, chính xác người thừa kế, đồng thời chia di sản thừa kế của cụ V theo pháp luật và chia di sản thừa kế của cụ T1 theo di chúc là đúng.

[3] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thấy: Theo bản di chúc mà ông Nguyễn Ngọc S giao nộp tại Tòa án thì, bản di chúc của cụ Nguyễn Thị T1 lập ngày 10/8/2007 đã chỉ định người được hưởng di sản thừa kế của cụ là anh Nguyễn Ngọc M1 (cháu nội của cụ và là con trai ông Nguyễn Ngọc S). Bản di chúc của cụ T1 là hợp pháp bởi di chúc có đủ điều kiện quy định tại Điều 628, 630, 631, 632, 634, 635 Bộ luật dân sự. Cụ thể: Đây là bản di chúc bằng văn bản có hai người làm chứng, được chứng thực bởi Ủy ban nhân dân xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; khi lập di chúc cụ T1 hoàn toàn khỏe mạnh, tỉnh táo và minh mẫn vì có sự chứng kiến khách quan của hai người làm chứng là ông O và bà T, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Thụy Hưng. Nhưng ông R, bà T, bà M, bà X cho rằng thời điểm cụ T1 viết di chúc thì cụ T1 đang trong T1 trạng hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi nên không đủ điều kiện để lập di chúc, tuy nhiên đã không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì để chứng M1 về vấn đề này. Ông R chỉ cung cấp cho Tòa án tờ đơn đề nghị của vài người trong dòng họ Nguyễn Ngọc xác nhận tình trạng bệnh tật của cụ T1 là không khách quan. Mặt khác, trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 2007 đến năm 2017, bà X, bà M, bà T biết về sự tồn tại của bản di chúc đó nhưng không có ý kiến, quan điểm gì về việc để lại di chúc của cụ T1. Ông R và bà T, bà M, bà X cho rằng nội dung bản di chúc có đoạn viết tắt “ông Phạm Văn O: XVHTXN2 xã Thụy Hưng” là trái với quy định của pháp luật về nội dung di chúc. Hội đồng xét xử xét thấy, chữ viết tắt này trong bản di chúc đã được lý giải là chữ viết tắt về danh tính của người làm chứng là xã viên hợp tác xã nông nghiệp xã Thụy Hưng, không làm ảnh hưởng đến nội dung chính của di chúc nên di chúc không bị vô hiệu. Đối với vấn đề, ông R và bà T, bà M, bà X cho rằng, bản di chúc của cụ T1 vi phạm về trình tự, thủ tục lập di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì thấy, theo Điều 635 Bộ luật dân sự quy định: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”. Như vậy, sau khi nhờ bà T viết di chúc, cụ T1 đã trực tiếp cùng với bà T, anh M1, bà M2 lên Ủy ban nhân dân xã Thụy Hưng để đề nghị Ủy ban chứng thực di chúc. Tại Ủy ban nhân dân xã Thụy Hưng, cụ T1 đã điểm chỉ vào di chúc. Việc này đã thể hiện đầy đủ tính khách quan, trung thực của bản di chúc nên việc chứng thực của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thụy Hưng là hợp pháp. Đối với quan điểm của luật sư về nội dung di chúc là trái pháp luật bởi cụ T1 đã định đoạt cả phần tài sản của cụ V, Hội đồng xét xử thấy, tại khoản 4 Điều 643 Bộ luật dân sự quy định: “Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực”. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chỉ giải quyết phần tài sản của cụ T1 được hưởng để chia theo di chúc và còn phần tài sản của cụ V đã được chia theo pháp luật là đúng.

[4] Từ những đánh giá, nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử nhận thấy yêu cầu kháng cáo của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không có căn cứ nên không chấp nhận kháng cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

[3] Về án phí: Mặc dù kháng cáo của ông R, bà T, bà M, bà X không được chấp nhận nhưng do ông S, bà T, bà M là người cao tuổi nên được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm. Bà X phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; căn cứ các Điều 624, 625, 626, 627, 628, 630, 649, 650, 651 Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 147, 157, 165 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điểm đ khoản 1 Điều 12, Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQHI14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Ngọc R, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị M, bà Nguyễn Thị X. Giữ nguyên bản án số 10/2018/DS - ST ngày 15/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cụ thể:

1.1. Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Ngọc S chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Ngọc V (Nguyễn Văn V) theo quy định của pháp luật; chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị T1 theo di chúc.

1.2. Chia cho ông Nguyễn Ngọc R phần đất 87,2 m2 trong thửa đất số 109, tờ bản đồ số 4, theo bản đổ 299 tại thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình, có tứ cận:

phía Đông giáp đất ông Nguyễn Ngọc R có chiều dài 21,7m; phía Nam giáp đất ao của ông Nguyên Ngọc R có chiều rộng 04m; phía Bắc giáp ngõ đi có chiều rộng 04 m; phía Tây giáp đất anh Nguyễn Ngọc M1 (có sơ đồ kèm theo).

1.3. Chia cho anh Nguyễn Ngọc M1 phần đất 155,8 m2 trong thửa đất số 109, tờ bản đồ số 04 theo bản đồ 299 tại thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình, có tứ cận: phía Đông giáp đất ông Nguyễn Ngọc R và ngõ có chiều dài là 22m + 2,36m, phía Nam giáp đất ao của Ông Nguyễn Ngọc R có chiều dài 6,37m, phía Bắc giáp ngõ đi có chiều dài 6,71m, phía Tây giáp đất ông Nguyễn Ngọc Ngư có chiều dài là 9,83m + 2,52m +14,71m (có sơ đồ kèm theo).

1.4. Di sản thừa kế còn lại 4m2 đất ở để làm ngõ đi chung. Phần diện tích 47,6m2 làm ngõ đi chung, các bên được tiếp tục sử dụng, khi Nhà nước cho hợp pháp hóa hoặc thu hồi thì các bên phải thực hiện (có sơ đồ kèm theo).

1.5. Ông Nguyễn Ngọc R có nghĩa vụ thanh toán cho anh Nguyễn Ngọc M1 số tiền 4.830.000 đồng.

1.6. Ông R, bà T, bà M, bà X, mỗi người phải trả ông Nguyễn Ngọc S số tiền 255.000 đồng chi phí định giá, trích đo hiện trạng thửa đất mà ông S đã chi.

1.7. Anh Nguyễn Ngọc M1 được nhận số tiền 4.830.000 đồng do ông R thanh toán.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

2. Về án phí: Ông Nguyễn Ngọc R, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị M không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Bà Nguyễn Thị X phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Chuyển số tiền 300.000 đồng bà X đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0001635 ngày 10/12/2018 tại Chi cục thi hành án huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình sang thi hành án phí phúc thẩm cho bà Nguyễn Thị X.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2, Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1477
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 10/2019/DSPT ngày 02/04/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:10/2019/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 02/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;