TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THÁI THỤY, TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 10/2017/DS-ST NGÀY 07/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 07/9/2017,tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy xét xử sơ thẩm, công khai vụ án thụ lý 13/2017/TLST-KDTM ngày 25 tháng 4 năm 2017 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11/2017/QĐXX-ST ngày 16 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:
1.Nguyên đơn: Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam; địa chỉ: Quận H, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Dương Quyết T1- Chức vụ: Tổng giám đốc. Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện T2, địa chỉ: Thị trấn D, huyện T2, tỉnh Thái Bình.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Xuân T3, sinh năm 1981, trú tại: Thị trấn D, huyện T2, tỉnh Thái Bình. (Các văn bản ủy quyền ngày 25/11/2016; ngày 01/01/2017). Có mặt.
2.Bị đơn: Ông Nguyễn Văn C , sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn V, xã T4, huyện T2, tỉnh Thái Bình. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của ông C: Bà Vũ Thị T5, sinh năm 1956; Địa chỉ: Thôn V, xã T4, huyện T2, tỉnh Thái Bình. Là vợ ông C. (Văn bản ủy quyền ngày 11/8/2017). Có mặt.
3.Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án:
-Bà Vũ Thị T5, sinh năm 1956, Địa chỉ: Thôn V, xã T4, huyện T2, tỉnh Thái Bình. Có mặt.
-Bà Nguyễn Thị N (đã chết). Người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của bà Nguyễn Thị N: Ông Phạm Hồng S, sinh năm 1968, địa chỉ: Thôn V, xã T4, huyện T2, tỉnh Thái Bình- là chồng bà N. Vắng mặt- có đơn xin vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 10 tháng 4 năm 2017, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam trình bày: Thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác; Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện T2 tiến hành cho vay vốn hộ cận nghèo theo nguồn vốn được phân bổ. Tại xã T4 việc cho vay thực hiện thông qua ủy thác cho các tổ chức hội đoàn thể xã và các tổ tiết kiệm vay vốn tại các thôn. Ông Nguyễn Văn C đề nghị vay vốn 25.000.000đồng để mua bò giống và sửa chuồng trại; thời hạn vay vốn 23 tháng; lãi suất 0,72%/1tháng; định kỳ trả nợ gốc: 12 tháng một lần; mỗi lần trả 12.500.000đồng gốc. Qua kiểm tra hồ sơ vay vốn đã được Ủy ban nhân dân xã T4 phê duyệt, Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện T4 chấp nhận cho ông C vay 25.000.000đồng như đơn đề nghị. Ngày 15/8/2014, sau khi kiểm tra, đối chiếu khách hàng vay với hồ sơ đề nghị vay vốn, đảm bảo chính xác nên Ngân hàng đã trực tiếp giao cho ông C số tiền ông được vay bằng tiền mặt. Ông C đã trực tiếp nhận đủ 25.000.000đồng từ cán bộ ngân hàng theo “Sổ vay vốn” số 040197, đã ký nhận số tiền vay 25.000.000đồng.
Trong quá trình thực hiện: Bị đơn đã trả nợ gốc 20.000.000đồng, đã trả nợ lãi trong hạn 3.754.800đồng, chưa trả nợ lãi phạt. Do bị đơn không trả nợ nên nguyên đơn đã thông báo chuyển nợ quá hạn và thông báo thu hồi nợ nhưng bị đơn vẫn không trả. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả nợ cho nguyên đơn số tiền nợ gốc 5.000.000đồng, nợ lãi trong hạn 943.200đồng, nợ lãi phạt 151.200đồng; tổng là 6.094.400đồng.
Trong đơn đề nghị ngày 02/5/2017 và trong quá trình tố tụng, bị đơn là ông Nguyễn Văn C trình bày: Ngày 15/8/2014, ông đã nhận đủ 25.000.000đồng là tiền ông được vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện T2. Sau khi ông nhận đủ 25.000.000,đồng từ cán bộ ngân hàng, đã ký nhận xong thìbà N yêu cầu ông giao lại cho bà 5.000.000,đồng trong số tiền ông vừa nhận. Do bà N là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn và là tổ trưởng vay vốn thôn V2, là người giúp các hộ làm các thủ tục vay tiền nên ông đã đưa cho bà N số tiền 5.000.000đồng nhưng không có biên nhận. Sau đó, hàng tháng ông nộp đủ số tiền lãi của số tiền 20.000.000,đồng cho bà N để trả Ngân hàng. Ông đã trả xong số nợ gốc 20.000.000đồng; không đồng ý trả số tiền 5.000.000đồng vì ông đã đưa cho bà N số tiền 5.000.000 đồng ngay sau khi ông nhận tiền từ ngân hàng. Bà N sử dụng số tiền này như thế nào ông không biết.
Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị T nhất trí với toàn bộ ý kiến của chồng bà là ông Nguyễn Văn C (bị đơn), không sửa đổi, bổ sung gì thêm.
Ông Phạm Hữu S trình bày: Vợ ông là bà Nguyễn Thị N là tổ trưởng tổ vay vốn thôn V. Ngày 16/3/2015, vợ ông chết, sau đó xảy ra việc tranh chấp liên quan đến vốn vay Ngân hàng chính sách. Do đây là hoạt dộng xã hội của vợ ông nên ông không biết gì, không có ý kiến gì về vụ án.
Anh Nguyễn Ngọc D trình bày: Từ năm 2011, anh là Bí thư Đoàn xã T4. Trong thời gian này, Đoàn xã T4 quản lý nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách cho thôn V; tuy nhiên Đoàn xã chỉ quản lý tổng số vốn vay, tổng lãi trả; còn việc cho ai vay, vay bao nhiêu, thu lãi như thế nào thì bà N là người trực tiếp quản lý. Tháng 3/2015, bà N chết nên tháng 4/2015 anh đi thu lãi của các hộ theo danh sách vay Ngân hàng thì được biết các hộ được vay thấp hơn số ghi trên sổ sách. Việc các hộ được nhận tiền thấp hơn trên sổ sách là việc làm của bà N, phần chênh lệch do bà N quản lý nên Đoàn xã không biết.
Kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân xã T4 cho thấy: Đã nhiều năm nay, Ngân hàng chính sách có phân bổ một số vốn vay theo mô hình thôn, mỗi thôn domột tổ chức xã hội quản lý; thôn V do Đoàn thanh niên xã quản lý. Tuy nhiên, người trực tiếp làm thủ tục, phân bổ vốn và thu lãi hàng tháng là bà Nguyễn Thị N- Chi hội trưởng phụ nữ thôn làm tổ trưởng tổ vay vốn của thôn; Đoàn thanh niên xã chỉ quản lý chung; còn Hội phụ nữ xã không quản lý đối với bà N trong hoạt động vay vốn thôn V.
Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn đã thống nhất xác định: Bị đơn đã nhận đủ số tiền 25.000.000 đồng do nguyên đơn trực tiếp giao cho bị đơn. Tuy nhiên, nguyên đơn, bị đơn không thỏa thuận được về việc trả nợ. Người có quyền lợi liên quan nhất trí với toàn bộ ý kiến của bị đơn.
Do hòa giải không thành nên vụ án phải đưa ra xét xử. Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: Đúng quy định của pháp luật. Ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án: Áp dụng Điều 474, 476 Bộ luật Dân sự 2005; Kiểm sát viên đề nghị: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Đối với yêu cầu của bị đơn: Việc bị đơn đưa cho bà Nhi 5.000.000đồng là giao dịch độc lập không liên quan đến vụ án này nên không đặt ra giải quyết.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về tố tụng: Nguyên đơn là Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng là tranh chấp hợp đồng dân sự nên theoquy định tại khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện T2, tỉnh Thái Bình. Tòa án nhân dân huyện T2, tỉnh Thái Bình thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng thủ tục tố tụng. Bị đơn là ông Nguyễn Văn C vắng mặt đã ủy quyền cho bà Vũ Thị T5 tham gia tố tụng. Do bà N đã chết nên ông S là người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng, ông có đơn xin giải quyết vắng mặt. Vì vậy, vụ án không tiến hành hòa giải đối với ông S được. Theo quy định tại khoản 1 Điều 227; khoản 1, khoản 2 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt ông C, ông S.
[2]. Về yêu cầu của nguyên đơn:
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền nợ gốc 5.000.000đồng,nợ lãi trong hạn 943.200đồng, nợ lãi phạt 151.200đồng; tổng là 6.094.400đồng theo “Sổ vay vốn” số 040197. Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và bị đơn đều xác định: Bị đơn đã nhận tiền vay từ nguyên đơn là 25.000.000đồng, bị đơn đã trả nợ gốc 20.000.000đồng.Nguyên đơn xác định: Lãi suất 0,72%/1tháng;bị đơn đã trả 3.754.800đồng nợ lãi trong hạn; chưa trả lãi quá hạn; bị đơn không phản đối. Căn cứ Khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử khẳng định bị đơn đã vay của nguyên đơn số nợ gốc 25.000.000,đồng, đã trả gốc 20.000.000đồng, đã trả lãi: 3.754.800đồng; số tiền còn nợ là: nợ gốc 5.000.000đồng, nợ lãi trong hạn 943.200đồng, nợ lãi phạt 151.200đồng. Cần áp dụng Điều 471; Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005, buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn số tiền 6.094.400đồng gồm nợ gốc 5.000.000đồng, nợ lãi trong hạn 943.200đồng, nợ lãi phạt 151.200đồng.
[3]. Về ý kiến của bị đơn: Bị đơn trình bày: Bị đơn đã nhận đủ số tiền vay 25.000.000đồng của nguyên đơn; sau đó bị đơn đã đưa cho bà N 5.000.000đồng nhưng không có chứng cứ chứng minh. Bà N hiện đã chết, chồng bà là ông S khẳng định không biết việc này. Xét trong hợp đồng tín dụng thì kể từ khi bị đơn nhận đủ tiền của nguyên đơn thể hiện bằng việc bị đơn đã ký nhận thì bị đơn phải có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi đối với toàn bộ số tiền đã vay của nguyên đơn. Việc bị đơn giao tiền cho người khác làm phát sinh quan hệ đối với người thứ ba, bị đơn có quyền khởi kiện trong một vụ án khác, nếu có yêu cầu. Do đó, không chấp nhận ý kiến của bị đơn về khoản tiền bị đơn đã đưa cho bà N trong vụ án.
[4].Về án phí:
Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền 6.094.400đồng được Tòa án chấp nhận nên theo quy định khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự với mức thu là 304.000đồng(=5% của giá trị tranh chấp, đã làm tròn).
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Điều 471; Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng;
Khoản 2 Điều 5 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng , chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hành ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Điều 9, Điều 11, Điều 14 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định 16/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ); Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự;Điểm b khoản 1 Điều 3; Điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 24; Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
1). Tuyên xử:
(1).Chấp nhận toàn bộ yêu cầu đòi tiền nợ gốc và lãi của nguyên đơn. Buộc ông Nguyễn Văn C phải trả cho nguyên đơn là Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam do Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện T2, tỉnh Thái Bình làm đại diện các khoản: Nợ gốc 5.000.000,đồng, nợ lãi trong hạn 1.094.400đồng, nợ lãi phạt 151.200đồng; cộng là 6.094.400đồng (Sáu triệu không trăm chín mươi bốn nghìn bốn trăm đồng).
(2).Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm vụ án, bị đơn còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong “Sổ vay vốn” số 040197 và hồ sơ vay vốn chođến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
2.Về án phí: Bị đơn là ông C phải chịu 304.000đồng (Ba trăm lẻ bốn nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
3.Về quyền kháng cáo:Nguyên đơn, người đại diện của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày; đối với người có mặt thời hạn kể từ ngày tuyên án, đối với người vắng mặt, kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
4. Quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án và thời hiệu thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì bên được thi hành án dân sự, bên phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, điều 7 và điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 10/2017/DS-ST ngày 07/09/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
Số hiệu: | 10/2017/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Thái Bình - Thái Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về