TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LANG CHÁNH, TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 09/2017/HSST NGÀY 28/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 28 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá , xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 12/2017/HSST ngày 14 tháng 9 năm 2017 đối với:
Bị cáo: Lò Thị X, sinh năm 1979 tại Xã Y Kh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá.
Trú tại: Bản Kh, xã Y Kh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá.
Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hoá: lớp 1/12
Dân tộc: Thái; Tôn giáo: không.
Con ông: Lò Văn O (Đã chết); và bà: Lang Thị B. Bị cáo có chồng là Lò Văn S và hai con, con lớn sinh năm 2001, con nhỏ sinh năm 2004
Tiền án, tiền sự: không.
Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa;
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Đặng Văn Đ, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tân trợ giúp pháp lý số 2
Địa chỉ: Phố Lê D, thị trấn N L, huyện Ng L, tỉnh Thanh Hóa (có mặt)
Người bị hại: Chị Lò Thị Ph – sinh năm 1980.
Địa chỉ: Bản Kh, xã Y Kh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. (Có mặt).
NHẬN THẤY
Khoảng 08 giờ ngày 04/4/2017, sau khi đã trồng ngô xong, Lò Thị X mang theo một con dao năm, và trên đường đi nhặt được một đoạn thân cây nhỏ làm gậy để đi lên đồi vào rừng tìm mật ong. Khi đi đến khu đồi luồng của gia đình mình ở đồi Nà Lạn, thuộc bản Kh, xã Yên K, cách nhà của Lò Thị Ph ở bên kia bờ suối khoảng 50m.
X nhìn thấy cháu Lê Phi Ch - sinh năm 2005 là con chị Ph. Do nghi ngờ cháu Ch hái trộm măng của nhà mình nên X chửi cháu Ch và chửi đổng vọng sang phía nhà Ph. Do đã có mâu thuẫn với nhau từ trước nên khi nghe X chửi bới, Ph từ nhà băng qua suối sang đồi chửi nhau với X. Trong quá trình chửi nhau hai bên cãi cọ, lời qua tiếng lại dẫn đến đánh nhau, X xử dụng đoạn gậy gỗ đánh trúng vùng đầu làm Ph bị ngã tại chỗ, X đánh tiếp khoảng hai, ba cái vào tay, chân và người của Ph. Trong lúc X đánh ngã ph tại đồi luồng thì Lê Thị Th là con đẻ của Ph đứng ngoài sân bên nhà mình nhìn sang thấy toàn bộ sự việc nên gọi em trai là Ch đồng thời băng qua suối, đến nơi thấy chị Ph đang nằm dưới đất đầu bị chảy máu, nhìn thấy Lò Thị X bỏ đi xuôi về ruộng lúa theo hướng trở về làng và vứt đoạn gậy đã sử dụng để đánh Ph bên cạnh bờ suối. Lê Thị Th sau khi chạy vào làng gọi người đến đưa chị Ph đi Bệnh viện, khi quay trở lại qua bờ suối đã nhặt đoạn gậy do X vứt lại, sau đó giao nộp cho Công an viên bản Kh, xã Y Kh.
Trong quá trình điều tra Lò Thị X thừa nhận hành vi sử dụng gậy đánh vào vùng đầu, tay, chân gây nên thương tích cho Lò Thị Ph. Tuy nhiên X khai, trong lúc chửi nhau Ph có cầm một con dao năm huơ qua huơ lại dưới chân X nên mới bị X dùng gậy vụt vào tay Ph làm rơi dao và đánh tiếp vào đầu, vào người gây nên thương tích cho Ph; Lò Thị Ph khai rằng, từ nhà nghe tiếng X chửi Ch và chửi đổng sang nhà mình thì Ph chỉ đi tay không sang chửi nhau với x và không mang theo vật gì, sang đến đồi luồng hai người đứng đối diện nhau, Ph đứng bên dưới, X đứng bên trên, trong lúc chửi nhau qua lại, đến khi Ph đang quay lưng lại phía X chuẩn bị về thì bị X dùng gậy đánh trúng đầu, Ph ngã xuống và bị X đánh tiếp vào tay, chân gây thương tích.
Cơ quan điều tra đã tiến hành dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, tiến hành truy tìm vật chứng là con dao tại hiện trường theo lời khai của bị can nhưng không có kết quả, tiến hành đối chất, lấy lời khai người làm chứng là những người có mặt đầu tiên tại hiện trường để đưa Ph đi cấp cứu, đều thừa nhận không phát hiện có dao hay vật gì tại hiện trường. Người làm chứng Lê Thị Th cũng khẳng định không nhìn thấy mẹ mình cầm theo vật gì trên tay mà chỉ đi tay không từ nhà sang chửi nhau với X và bị đánh. Mặt khác xem xét đấu vết trên thân thể đối với Lò Thị X không để lại dấu vết thương tích do vật sắc gây ra. Nên khẳng định lời khai của Lò Thị X là không có căn cứ.
Sau khi bị đánh, Lò Thị Ph được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh điều trị từ ngày 04/4/2017 đến ngày 10/4/2017 ra viện. Sau đó ngày 26/4/2017 Lò Thị Ph tiếp tục điều trị vết thương tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc đến ngày 08/5/2017 thì ra viện. Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể lập hồi 8 giờ 00 phút ngày 06/4/2017 tại bệnh viên đa khoa huyện Lang Chánh, có các dấu vết như sau:
- 01 vết thương rách da ở vùng đỉnh đầu bờ mép sắc gọn, sâu sát xương, lốc tổ chức da đầu, kích thước 10 x 5 cm đã được khâu;
- 01 vết xây xước da tại vùng khỉu tay traí không rõ hình, kích thước 01cm;
- 01 vết xây xước da tại cánh tay phải, kích thước 02cm;
- 01 vết thâm, bầm tím, sưng nề tại phần ống chân trái;
Kết luận giám định Pháp Y về thương tích số 208/2017/TTPY ngày 31/5/2017 của Trung tâm Pháp Y Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa kết luận: Hiện tại tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 11%.
Ngày 09/8/2017 Lò Thị Ph có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại gồm:
1- Tiền thuê xe đi cấp cứu từ Trạm y tế xã Y Kh tới Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng)
2- Tiền vé xe đi điều trị và một người thân đi chăm sóc từ xã Yên Kh, huyện Lang Chánh tới Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc cả lượt đi, về cho hai người là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng);
3- Tiền vé xe đi giám định và một người thân đi cùng từ xã Y Kh đi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cả lượt đi, về cho hai người là 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng).
4- Tiền mất thu nhập của chị Ph trong thời gian nằm điều trị vết thương và một người thân đi chăm sóc cả 2 lần đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lang Chánh và Bệnh Viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc là 21 ngày x 170.000đ/ngày x với hai người là 340.000đ/ngày số tiền là 7.140.000đ (Bảy triệu một trăm bốn mươi nghìn đồng).
5- Tiền yêu cầu bồi thường 1 lần tổn hại sức khỏe 11% là 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng). Tổng số tiền người bị hại yêu cầu Lò Thị X phải bồi thường là 28.850.000đ (Hai mươi tám triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng). Trong quá trình điều tra Lò Thị X cùng người nhà đã hai lần đến gia đình Lò Thị Ph xin lỗi và xin được thỏa thuận bồi thường thiệt hại, nhưng Ph không chấp nhận, Phiến nêu lý do chờ cơ quan pháp luật giải quyết.
Cơ quan điều tra thu giữ: 01 con dao năm cán gỗ hai đầu bọc kim loại dài 13 cm, lưỡi dao bằng kim loại, mầu đen dài 31cm và 01 nắp đựng dao bằng gỗ dài 35cm không phải vật chứng của vụ án nên đã trả lại cho chủ sở hữu.
Vật chứng vụ án: 01 đoạn gậy gỗ (Thân cây gỗ) phần ngọn chia thành hai nhánh; chiều dài từ đầu đến chỗ phân nhánh dài 1,05 mét, đường kính 0,7cm, nhánh 1 dài 0,5cm, đường kính 0,2cm. Vật chứng được chuyển đến Chi cục thi hành án dân sự huyện Lang Chánh, theo Quyết định chuyển vật chứng số: 05/QĐ-KSĐT ngày 13/9/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh, để bảo đảm xử lý theo quy định
Tại bản Cáo trạng số 12/CTr- KSĐT-TA ngày 13/9/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh đã truy tố bị cáo Lò Thị Xòng về tội “ Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2 Điều 104 BLHS.
Tại phiên toà, Kiểm sát viên đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 2 Điều 104; Điểm b, p Khoản 1,2 Điều 46 Điều 60 BLHS; xử phạt bị cáo Lò Thị X từ 24(Hai bốn) đến 30(Ba mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 (bốn mươi tám) đến 60 (sáu mươi) tháng, giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường chi phí hợp lý trong việc điều trị thương tích cho chị Lò Thị Ph theo qui định của pháp luật.
Về vật chứng: Đề nghị tịch thu tiêu hủy chiếc gậy mà Lò Thị X dùng đánh gây thương tích cho Lò Thị Ph;
Về án phí: bị cáo là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên đề nghị HĐXX miễn nộp tiền án phí cho bị cáo theo quy định của pháp luật.
Tại phiên toà hôm nay, người bào chữa cho bị cáo cũng đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát truy tố bị cáo Lò Thị X về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2 Điều 104 của BLHS và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điểm b, p Khoản 1, 2 Điều 46 của BLHS, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ đề nghị HĐXX xem xét áp dụng Điều 47, Điều 60 của BLHS xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cho bị cáo từ 18 tháng 22 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách 36 đến 44 tháng; giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát giáo dục bị cáo;
Về phần bồi thường: theo đơn đề nghị của người bị hại là chưa phù hợp, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, căn cứ vào Điều 590 BLDS buộc bị cáo bồi thường chi phí hợp lý cho người bị hại theo qui định của pháp luật.
Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên đề nghị HĐXX xem xét miễn nộp tiền án phí cho bị cáo theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Lò Thị X đã thành khẩn khai báo nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đồng ý với lời bào chữa của người bào chữa và không có ý kiến tranh luận với đại diện Viện kiểm sát. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, cho bị cáo hưởng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt để bị cáo có điều kiện cải tạo trở thành người tốt.
Người bị hại đề nghị HĐXX giải quyết về mức hình phạt theo quy định của pháp luật, yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại theo đơn đề nghị ngày 09/8/2017.Ngoài ra người bị hại không yều cầu thêm gì về phần bồi thường.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thẩm tra tại phiên toà trên cơ sở, xem xét, đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo; và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Lời nhận tội của bị cáo Lò Thị X tại phiên toà là phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà đủ cơ sở để kết luận: vào khoảng hơn 8 giờ ngày 04/4/2017, Lò Thị X nghi ngờ cháu Lê Phi Ch con trai Lò Thị Ph hái trộm măng nhà mình, Lò Thị X chửi cháu Ch và đồng thời chửi đổng vọng sang nhà Ph, do có mâu thuẫn với nhau từ trước, nên khi nghe X chửi, chị Ph từ nhà băng qua suối sang đồi chửỉ nhau với X. Hai bên lời qua tiếng lại, X đã dùng gậy đánh vào đầu, người, tay, chân của Ph gây thương tích. Hậu quả làm chị Ph tổn hại 11% sức khoẻ, hành vi của Lò Thị X phạm tội “ Cố ý gây thương tích” . Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh truy tố bị cáo Lò Thị X về tội “ Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Xét về tính chất vụ án Hội đồng xét xử thấy rằng: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm sức khoẻ của người khác, bị cáo đã dùng gậy đánh vào vùng đầu, người, tay chân và gây thương tích cho chị Ph. Để kỷ cương pháp luật được tôn trọng, trật tự an toàn xã hội được duy trì, tính mạng, sức khoẻ của mọi người được bảo vệ, để giáo dục người phạm tội, hành vi của bị cáo phải được xử lý nghiêm minh theo qui định của BLHS.
Song Hội đồng xét xử cũng xét, sau khi gây thương tích cho chị Ph bị cáo thành khẩn khai nhận và rất ăn năn, hối hận về hành vi của mình gây ra, bị cáo và người nhà đã nhiều lần đến gia đình chị Ph xin lỗi, xin được làm vía theo phong tục tập quán địa phương, và xin bồi thường thiệt hại nhưng đều bị chị Ph từ chối. Trước khi đưa rụ án ra xét xử bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục một phần hậu quả do bị cáo gây ra, số tiền là 5.000.000đ (Năm triệu đồng). Mặt khác người bị hại cũng có lỗi một phần, bị cáo là người dân tộc thiểu số, không có trình độ học vấn nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế; đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điểm b, p Khoản 1, 2 Điều 46 BLHS, xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt khi lượng hình để bị cáo thấy được chính sách khoan hồng của pháp luật mà yên tâm cải tạo sớm trở thành người tốt.
Xét về nhân thân: từ trước đến nay bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, nhất thời phạm tội, có chỗ ở ổn định rõ ràng, có khả năng tự cải tạo tốt, xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà áp dụng khoản 1,2 Điều 60 của BLHS, cho bị cáo được hưởng án treo, giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo thường trú quản lý và giáo dục cũng đủ điều kiện để bị cáo cải tạo trở thành công dân tốt.
Về bồi thường thiệt hại: Việc chị Lò Thị Ph bị thương phải điều trị thương tích là hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, vì vậy chị Ph yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại trong việc điều trị thương tích là có căn cứ để chấp nhận. Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường của chị Ph là chưa phù hợp với thực tế, nên cần xem xét để chấp nhận những yêu cầu hợp lý như sau:
1- Đối với khoản tiền thuê xe đi cấp cứu từ Trạm xá xã Y Kh đến Bệnh viện đa khoa Lang Chánh số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng). Tiền vé xe đi điều trị và một người thân đi chăm sóc từ xã Y Kh, huyện Lang Chánh tới Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc cả lượt đi, về cho hai người là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng). Tiền vé xe đi giám định và một người thân đi cùng từ xã Y Kh đi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cả lượt đi, về cho hai người là 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng).
Tổng số tiền các lần chị Phiến thuê xe đi cấp cứu, tiền vé xe đi điều trị, tiền xe đi giám định số tiền là 1.700.000đ (Một triệu bảy trăm nghìn đồng). Mặc dù chị Phiến không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ biên lai thu tiền nào nhưng HĐXX nhận thấy việc phải chi phí của chị Phiến là thực tế và phù hợp với mức giá tại địa phương nên có cơ sở để chấp nhận và buộc bị cáo phải bồi thường.
2- Đối với tiền mất thu nhập của chị Ph trong thời gian nằm điều trị vết thương và một người thân đi chăm sóc cả 2 lần đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lang Chánh và Bệnh Viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc là 21 ngày x 170.000đ/ngày x với hai người là 340.000đ/ngày số tiền là 7.140.000đ (Bảy triệu một trăm bốn mươi nghìn đồng).
Đối với khoản tiền chị Ph yêu cầu bồi thường trên là chưa chính xác và chưa phù hợp; bỡi lẽ: Cả hai đợt chị Ph đi điều trị là chỉ có 20 ngày; tính về mức thu nhập của chị Ph và 01 người đi chăm sóc là không ổn định nên chỉ tính mức thu nhập bình quân cho người lao động phổ thông tại địa phương là 150.000đ (một trăm năm mươi nghìn đồng)/ngày/người là phù hợp, tổng cả hai lần chị Phiến đi điều trị 20 ngày x 150.000đ/ngày = 3.000.000đ x 2 người = 6.000.000đ (Sáu triệu đồng).
3- Đối với khoản tiền yêu cầu bồi thường 1 lần tổn hại sức khỏe 11% là 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng). Xét về trường hợp vết thương của chị Ph chỉ ở phần mềm, nằm ở trên đầu do đó không ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên tổn thất về tinh thần là không lớn. Vì vậy chỉ chấp nhận buộc bị cáo phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho chị Ph bằng 08 (tám) tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm là 1.300.000đ/tháng; 08 tháng x 1.300.000đ/tháng = 10.400.000đ (Mười triệu bốn trăm nghìn đồng đồng);
Tổng cộng số tiền buộc bị cáo phải bồi thường cho chị Ph là 18.100.000đ (Mười tám triệu một trăm nghìn đồng).
Để đảm bảo cho việc bồi thường khắc phục hậu quả của mình gây ra, khi Tòa án thụ lý và trước khi đưa vụ án ra xét xử, bị cáo đã tự nguyện nộp 5.000.000đ (Năm triệu đồng) tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lang Chánh, theo Biên lai thu tiền số: AA/20105/0001052, ngày 19/9/2017. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật người bị hại được nhận số tiền tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lang Chánh. Bị cáo Lò Thị X còn phải bồi thường tiếp cho chị Ph số tiền 13.100.000đ (Mười ba triệu một trăm nghìn đồng).
Xử lý vật chứng vụ án: Quá trình điều tra Công an huyện Lang Chánh đã thu giữ 01 đoạn gậy gỗ (Thân cây gỗ) phần ngọn chia thành hai nhánh; chiều dài từ đầu đến chỗ phân nhánh dài 1,05 mét, đường kính 0,7cm, nhánh 1 dài 0,5cm, đường kính 0,2cm. Vật chứng này bị cáo sử dụng làm công cụ phạm tội không có giá trị nên tịch thu tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.
Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đã có đơn đề nghị miễn nộp tiền án phí nên HĐXX xem xét miễn nộp toàn bộ tiền án phí cho bị cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Lò Thị X phạm tội “ Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng: Khoản 2 Điều 104; Điểm b, p Khoản 1, 2 Điều 46; Khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Lò Thị X 24 (Hai bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 (Bốn tám) tháng. Tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, giao bị cáo cho UBND xã Y Kh huyện Lang Chánh giám sát và giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
Về trách nhiệm bồi thường: Áp dụng Khoản 1 Điều 42, Bộ luật hình sự; Điều 590, Điều 357 của Bộ luật dân sự, buộc bị cáo Lò Thị X có trách nhiệm bồi thường cho chị Lò Thị Ph số tiền chi phí hợp lý sau:
1- Bồi thường khoản tiền xe cả đi điều trị và đi giám định số tiền 1.700.000đ (Một triệu bảy trăm nghìn đồng);
2- Bồi thường khoản tiền mất thu nhập của người bị hại và của người đi chăm sóc là 6.000.000đ (Sáu triệu đồng);
3- Bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần 10.400.000đ (Mười triệu bốn trăm nghìn đồng).
Tổng số tiền là 18.100.000đ (Mười tám triệu một trăm nghìn đồng). Chấp nhận bị cáo đã tự nguyện bồi thường 5.000.000đ (Năm triệu đồng) tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lang Chánh, theo Biên lai thu tiền số: AA/20105/0001052, ngày 19/9/2017. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật người bị hại được nhận lại số tiền tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lang Chánh.
Bị cáo Lò Thị X còn phải bồi thường tiếp cho chị Phiến số tiền 13.100.000đ (Mười ba triệu một trăm nghìn đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và chị Ph có đơn đề nghị thi hành án, nếu bị cáo X không nộp đủ số tiền còn phải bồi thường thì phải chịu lãi đối với số tiền còn phải bồi thường theo mức lãi xuất cơ bản do Ngân hàng nhà nước qui định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điểm a, khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu tiêu hủy 01 đoạn gậy gỗ (Thân cây gỗ) phần ngọn chia thành hai nhánh; chiều dài từ đầu đến chỗ phân nhánh dài 1,05 mét, đường kính 0,7cm, nhánh 1 dài 0,5cm, đường kính 0,2cm.
Về án phí: Áp dụng Điểm đ Khoản 1 Điều 12; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016 của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội. Miễn nộp toàn bộ tiền án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự cho bị cáo.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hánh án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự
Án xử công khai sơ thẩm có mặt bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, người bị hại. Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Bản án 09/2017/HSST ngày 28/09/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 09/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lang Chánh - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về