Bản án 08/2021/HS-PT ngày 12/03/2021 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

BẢN ÁN 08/2021/HS-PT NGÀY 12/03/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 12 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 113/2020/TLPT-HS ngày 30 tháng 12 năm 2020 đối với Phạm Văn Q do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 70/2020/HS-ST ngày 27/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hà Nam.

- Bị cáo có kháng cáo: Phạm Văn Q, sinh năm 1966, tại Hà Nam; Nơi cư trú: Thôn 7, C, xã C, huyện L, tỉnh Hà Nam; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 7/10; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Con ông Phạm Ngọc C và bà Vũ Thị T (đã chết); Vợ là Nguyễn Thị P, có 4 con, lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 2005; Tiền án, tiền sự: không. Hiện bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Q: Ông Phạm Văn H- Luật sư, Công ty Luật TNHH H; Địa chỉ: Phòng 204, nhà Nơ 20, khu đô thị P, phường H, quận M, thành phố Hà Nội; Có mặt.

- Bị hại không có kháng cáo, không bị kháng nghị: Ông Trần Quang T, sinh năm 1965; Trú tại: Thôn 7, C, xã C, huyện L, tỉnh Hà Nam; có mặt.

- Người làm chứng: Bà Phạm Thị L; chị Trần Thị P; bà Nguyễn Thị C; cháu Phạm Văn Q, sinh ngày 12/5/2005, đại diện theo pháp luật cho cháu Q là bà Nguyễn Thị P; đều có mặt.

- Người giám định: Ông Lê Minh S - Giám định viên, Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Nam; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 14 giờ ngày 26/4/2020, Phạm Văn Q dắt bò nhà mình đến sườn đê Hữu Sông Hồng, đoạn gần bờ rào nhà ông Trần Quang T ở thôn 7, C, xã C, huyện L, tỉnh Hà Nam để chăn thả, ăn cỏ. Thấy vậy, ông T nói không được buộc bò ở đó vì ông mới rắc phân để giữ cỏ, Phạm Văn Q không đồng ý nên dẫn đến cãi nhau. Ông T đi lên mặt đê gần vị trí Phạm Văn Q đứng và nói “Mày giỏi mày đánh tao đi” thì Phạm Văn Q dùng tay phải đấm một nhát trúng vào miệng ông T. Hai người xô đẩy nhau, Phạm Văn Q đẩy ông T ngã ra mặt đê (vị trí tiếp giáp mặt đê và sườn đê), Phạm Văn Q tiếp tục dùng tay đấm nhiều nhát vào vùng bụng và ngực của ông T, sau đó được mọi người can ngăn.

Hậu quả: Ông T bị thương tích được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam từ ngày 26/4/2020 đến ngày 27/4/2020 và được điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức - Hà Nội từ ngày 27/4/2020 đến ngày 08/5/2020 thì ra viện. Ngày 07/5/2020, ông Trần Quang T có đơn đề nghị xử lý hình sự đối với Phạm Văn Q.

Ngày 16/6/2020 Công an huyện L trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Hà Nam giám định tỉ lệ tổn thương cơ thể của ông Trần Quang T. Tại bản kết luận số 62/20/TgT ngày 25/6/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Hà Nam kết luận:

“1. Dấu hiệu chính qua giám định: 01 sẹo lớn, ở khoang liên sườn V thành ngực trái, không ảnh hưởng chức năng: 03%; 01 sẹo nhỏ, ở khoang liên sườn VII thành ngực trái, không ảnh hưởng chức năng: 01%; Gãy 07 xương sườn bên trái (có 01 xương sườn gãy 02 điểm): 13,6%; Tổn thương màng phổi, không để lại di chứng 04%.

2. Căn cứ bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích ban hành kèm theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT, ngày 28/8/2019 của Bộ y tế, quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định: 20% (Hai mươi phần trăm).

3. Cơ chế hình thành vết thương và vật gây thương tích. Qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu và khám giám định, nhận định: Thương tích do tác động của vật tày vào thành ngực trái với lực mạnh gây nên”.

Không đồng ý với bản kết luận giám định, các đương sự đều đề giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông T. Ngày 14/7/2020 Công an huyện L ra Quyết định trưng cầu Viện pháp y Quốc gia giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Trần Quang T.

Tại bản Kết luận số 104/20/TgT ngày 04/9/2020 của Viện pháp y Quốc gia kết luận: “1. Dấu hiệu chính qua giám định:

Gãy các cung xương sườn số III, IV bên trái ở hai vị trí đã cal; Gãy các cung xương sườn số II, V, VI, VII, VIII bên trái ở một vị trí đã cal; Tổn thương tràn khí, tràn dịch màng phổi trái do vỡ kén khí phổi đã được điều trị ổn định; Sẹo phẫu thuật vùng ngực kích thước lớn; Sẹo dẫn lưu vùng ngực kích thước nhỏ.

2. Kết luận:

2.1. Căn cứ Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT, ngày 28/8/2019 của Bộ y tế, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 21% (Hai mươi mốt phần trăm), theo phương pháp cộng tại thông tư.

2.2 Tỷ lệ từng thương tích:

Gãy 02 xương sườn III, IV bên trái tại hai vị trí có tỉ lệ tương ứng (2,5%;

2,5%); Gãy 05 xương sườn II, V, VI, VII, VIII bên trái tại một vị trí, có tỉ lệ tương ứng như sau (2%, 2%, 2%, 2%, 2%); Sẹo phẫu thuật ngực bên trái kích thước lớn 3%; Sẹo dẫn lưu ngực bên trái kích thước nhỏ 2%; Tổn thương tràn khí, tràn dịch màng phổi điều trị ổn định 4%.

3. Kết luận khác: Phẫu thuật cắt kén khí phổi không quy định trong Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019, không có căn cứ xếp tỷ lệ tổn thương cơ thể. Vật gây thương tích là vật tày, tác động trực tiếp lên thành ngực bên trái của nạn nhân gây nên các thương tích.” Về trách nhiệm dân sự: Ông Trần Quang T yêu cầu Phạm Văn Q bồi thường thiệt hại về sức khỏe với số tiền 313.781.000đồng, gồm các khoản: Tiền chụp chiếu tại Bệnh viện đa khoa Hà Nam: 160.800đồng; Tiền điều trị tại Bệnh viện Việt Đức từ ngày 27/4/2020 đến ngày 08/5/2020 số tiền 33.350.000đồng; Tiền thuốc uống khi ra viện: 3.073.300đồng; Tiền khám lại và tiền thuốc tại Bệnh viện Việt Đức ngày 08/6/2020 số tiền 15.254.800đồng; Tiền giám định thương tật ngày 17/6/2020 số tiền 850.000đồng; Các khoản chi phí như xe ôm, ô tô khách, mua phích nước, chậu, tắm gội 18.000.000đồng; Tiền xe ô tô chở ông T đi khám bệnh ngày 26/4/2020 số tiền 500.000đồng; Tiền xe ô tô chở ông T chuyển viện ngày 27/4/2020 từ Bệnh viện Hà Nam đến Bệnh viện Việt Đức 1.300.000đồng; Tiền xe ô tô chở ông T từ Bệnh viện Việt Đức về nhà ngày 08/5/2020 số tiền 1.500.000đồng; Tiền xe ô tô chở ông T từ nhà đến Bệnh viện Hưng Hà, Thái Bình khám lại vết thương và cắt chỉ 350.000đồng; Tiền xe ô tô chở ông T từ nhà đến Bệnh viện Việt Đức khám lại vết thương 1.500.000đồng; Tiền xe ô tô chở ông T đi giám định pháp y ngày 17/6/2020 số tiền 500.000đồng; Tiền xe ô tô chở ông T đến Công an huyện L xem kết quả giám định thương tật 250.000đồng; Tiền khám và cắt chỉ tại Bệnh viện Hưng Hà, T Bình 98.700đồng; Tiền ăn khi nằm viện từ ngày 26/4/2020 đến ngày 8/5/2020 (13 ngày x 200.000đ/ngày) là 2.600.000đồng; Tiền ăn của hai con là anh H và A chăm sóc ông T tại bệnh viện (13 ngày x 300.000đ/ngày) là 3.900.000đồng; Tiền công ông T bị mất thu nhập (13 ngày x 250.000đ/ngày) là 3.250.000đồng; Ngày công mất thu nhập của anh H chăm sóc ông T (13 ngày x 800.000đ/ngày) là 10.400.000đồng; Ngày công mất thu nhập của anh A khi chăm sóc ông T (13 ngày x 700.000đ/ngày) là 9.100.000đồng; Ngày công bị mất thu nhập của anh K (con ông T) phải trông nhà khi ông T nằm viện (13 ngày x 700.000đ/ngày) là 9.100.000đồng; Tiền mất thu nhập trong thời gian điều trị tại nhà: 08 tháng x 7.500.000đ/ngày = 60.000.000đồng; Tiền công người chăm sóc ông T: 08 tháng x 7.500.000đ/ tháng = 60.000.000đồng; Tiền khám lại, tổn hại sức khỏe, tổn thất tinh thần, thương tật vĩnh viễn là 90.000.000đồng.

Phạm Văn Q đã bồi thường cho ông T số tiền 30.000.000đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 70/2020/HS-ST ngày 27/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện L đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Phạm Văn Q phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Căn cứ khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự. Xử phạt Phạm Văn Q 18 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự, các Điều 584, 585, 586 và 590 Bộ luật dân sự. Buộc Phạm Văn Q phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Trần Quang T, tổng số tiền 112.500.000đồng, được đối trừ số tiền 30.000.000đồng bị cáo đã bồi thường. Bị cáo phải bồi thường tiếp số tiền 82.500.000đồng.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo.

Ngày 09/12/2020, bị cáo Phạm Văn Q kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Văn Q giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam tại phiên tòa: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn Q; giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 70/2020/HS-ST ngày 27/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện L.

Quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo: Thứ nhất, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa chứng minh được giữa hành vi của bị cáo với hậu quả gãy xương sườn của ông T có mối quan hệ nhân quả bởi bản án sơ thẩm xác định bị cáo Q đấm ông T vào ngực, bụng nhưng kết luận giám định kết luận ông T bị gãy cung sau và cung bên xương sườn số 04 và 05; Thứ hai, cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ là các đĩa CD lưu dữ liệu chụp CT tại các bệnh viện. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 355, 358 Bộ luật tố tụng hình sự, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Văn Q cho rằng do bị ông T chửi bới và thách thức nên bị cáo có đấm một nhát vào mồm ông T sau đó hai bên giằng co vật lộn, ông T bị ngã ngửa, bị cáo cũng bị ngã, chân phải tì lên đầu ông T. Bị cáo không đấm, đá vào ngực, bụng ông T. Việc ông T bị gãy xương sườn là do khi ông T ngã ra, bị con bò húc, dũi vào ngực, bụng. Vì vậy, bị cáo không phạm tội và nhất trí với quan điểm của người bào chữa.

Ông Trần Quang T cho rằng chiều ngày 26/4/2020, bị cáo Q buộc bò cho ăn cỏ tại sườn đê nơi ông T đã bón phân dẫn đến cãi chửi nhau. Khi ông lên chỗ bị cáo Q đứng thì bị Phạm Văn Q đấm một nhát vào mồm. Tiếp đó, hai bên giằng co thì ông bị bị cáo Q ghì cổ, lên gối vào ngực, bụng và bị đẩy ngã ngửa ra mặt đê, bị cáo tiếp tục đấm liên tiếp vào ngực và bụng làm ông bị gãy bảy xương sườn như kết luận giám định. Không có việc ông bị con bò húc, dũi như bị cáo khai. Đề nghị Tòa án xử lý nghiêm đối với bị cáo và nhất trí với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo trong thời hạn luật định; nội dung bảo đảm đúng quy định tại khoản 2 Điều 332 của Bộ luật tố tụng hình sự. Như vậy, đơn kháng cáo của bị cáo là hợp lệ, được cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

[2] Về quan điểm của bị cáo và người bào chữa:

Về quan điểm của bị cáo Phạm Văn Q cho rằng ông Trần Quang T bị gãy 07 xương sườn là do khi ông T ngã ra, bị con bò húc, dũi vào ngực, bụng là không có căn cứ, bởi người làm chứng là chị P và ngay cả cháu Q là con của bị cáo đều khẳng định không nhìn thấy con bò húc, dụi vào người ông T.

Về quan điểm của người bào chữa cho rằng không thể xảy ra việc ông T bị đánh vào ngực, bụng nhưng kết luận giám định xác định ông T bị “Gãy cung sau và cung bên của xương sườn số 4 và số 5”: Tại phiên tòa, Giám định viên khẳng định hoàn toàn có thể xảy ra bởi cấu tạo xương sườn của một người là hình nón cụt, nếu bị một lực tác động thì các xương sườn có thể gãy tại vị trí tiếp xúc hoặc vị trí cung bên; trường hợp bị ngã ngửa thì có thể bị gãy tại vị trí cung sau.

Về quan điểm của người bào chữa cho rằng cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ quan trọng là các đĩa CD lưu dữ liệu chụp CT tại các bệnh viện để làm cơ sở cho việc giám định: Tại phiên tòa, Giám định viên giải thích kết quả chụp X quang được lưu trên phim; kết quả chụp CT được thể hiện và lưu trữ bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, trong đó có thể được thể hiện và lưu trữ trên bản in, thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử lưu trong máy tính và có thể được sao lưu trên đĩa CD. Dữ liệu trong đĩa CD không phải là căn cứ, cơ sở bắt buộc, duy nhất để Cơ quan giám định kết luận.

Như vậy, căn cứ vào sự giải thích của Giám định viên tại phiên tòa thì các luận điểm của người bào chữa là chưa toàn diện, thiếu căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Về hành vi và tội danh:

Lời khai của người bị hại là phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với kết luận giám định, sự giải thích của Giám định viên và phù hợp với một phần lời khai của bị cáo. Do đó đủ cơ sở kết luận: Khoảng 14 giờ ngày 26/4/2020, tại đê hữu sông Hồng, thuộc thôn 7, C, xã C, huyện L, tỉnh Hà Nam, xuất phát từ việc bị cáo Phạm Văn Q buộc bò cho ăn cỏ tại sườn đê nơi ông Trần Quang T đã bón phân, dẫn đến cãi chửi nhau. Khi ông T lên chỗ Phạm Văn Q đứng và nói “mày giỏi mày đánh tao đi” thì bị Phạm Văn Q đấm một nhát vào mồm. Tiếp đó hai bên giằng co, bị cáo Q đẩy ông T ngã ngửa ra mặt đê, Phạm Văn Q tiếp tục đấm liên tiếp vào ngực và bụng ông T, làm ông T bị gãy 07 xương sườn. Tỷ lệ tổn hại về sức khỏe của ông T là 21%.

Như vậy, Bản án số 70/2020/HS-ST ngày 27/11/2020của Tòa án nhân dân huyện L đã tuyên bố bị cáo Phạm Văn Q phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[4] Về hình phạt: Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn Q là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của ông T, đồng thời gây mất trật tự trị an địa phương. Vì vậy, cần phải xử phạt nghiêm khắc đối với bị cáo mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa tội phạm chung cho xã hội. Bản án sơ thẩm đã căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, đồng thời xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, từ đó xử phạt bị cáo 18 tháng tù là phù hợp.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Thiệt hại về sức khỏe của người bị hại do bị cáo gây ra nên bị cáo phải bồi thường theo quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, các Điều 584, 585, 586 và 590 Bộ luật dân sự. Các khoản và mức bồi thường như bản án sơ thẩm đã quyết định là phù hợp, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[6] Về án phí:

Về án phí sơ thẩm: Bị cáo có tội và phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm như bản án sơ thẩm đã quyết định là đúng theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Như vậy, toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị cáo Phạm Văn Q là không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm và dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn Q; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 70/2020/HS-ST ngày 27/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hà Nam.

2. Về trách nhiệm hình sự:

Áp dụng khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự.

Tuyên bố bị cáo Phạm Văn Q phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt Phạm Văn Q 18 (Mười tám) tháng tù.Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

3. Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự, các Điều 584, 585, 586 và 590 Bộ luật dân sự. Buộc Phạm Văn Q phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Trần Quang T, tổng số tiền 112.500.000đồng (Một trăm mười hai triệu năm trăm nghìn đồng), được đối trừ số tiền 30.000.000đồng (Ba mươi triệu đồng) bị cáo đã bồi thường. Bị cáo phải bồi thường tiếp số tiền 82.500.000đồng (Tám mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự, tương ứng với thời gian chưa thi hành.

4. Về án phí: Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Phạm Văn Q phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 4.125.000 đồng (Bốn triệu một trăm hai mươi lăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Phạm Văn Q còn phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm và 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, có quyền yêu cầu thi hành, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

839
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 08/2021/HS-PT ngày 12/03/2021 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:08/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nam
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;