Bản án 08/2020/LĐ-PT ngày 10/08/2020 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 08/2020/LĐ-PT NGÀY 10/08/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 10 tháng 08 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số 07/2020/TLST-LĐ ngày 28 tháng 4 năm 2020 về việc “tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2020/QĐXXPT-LĐ ngày 08/6/2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông N.L.B.Q, sinh năm 1977; trú tại: Thị xã T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp: Ông N.V.T, sinh năm 1986; trú tại: Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 20/11/2019). Có mặt.

- Bị đơn: Công ty G; địa chỉ: Thị xã B, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp: Bà N.T.T, sinh năm 1995; địa chỉ: Huyện C, tỉnh Tây Ninh, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 11/11/2019). Có mặt.

Do bản án số: 02/2020/LĐ-ST ngày: 26-02-2020 của Tòa án nhân dân thị xã B bị kháng cáo.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện ngày 01/8/2019, đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 24/10/2019 và lời khai trong quá trình tham gia tố tụng, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn N.V.T trình bày:

Ông N.L.B.Q được Công ty G nhận vào làm việc theo Thư bổ nhiệm không số ngày 18/3/2019. Thời gian thử việc là 02 tháng từ ngày 08/4/2019 đến ngày 07/6/2019 cho vị trí kế toán trưởng.

Quá trình làm việc tại Công ty, ông N.L.B.Q luôn hoàn thành công việc được phân công theo Thư bổ nhiệm ngày 18/3/2019. Vào ngày 02/5/2019, bà T.T.H.V – Trợ lý điều hành yêu cầu ông N.L.B.Q làm báo cáo công việc lần 1. Ngày 03/5/2019, ông N.L.B.Q đã tiến hành báo cáo và không nhận được bất cứ phản hồi nào về việc báo cáo trên. Vào ngày 03/6/2019, trong vòng 4 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc, bà T.T.H.V có yêu cầu ông N.L.B.Q báo cáo công việc lần 2. Ngay trong ngày, ông N.L.B.Q đã báo cáo và cũng không nhận bất cứ phản hồi gì. Trong 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc, từ ngày 5,6,7/6/2019 ông N.L.B.Q không nhận được thông báo kết quả công việc đã làm thử hay thông báo chấm dứt công việc làm thử tại công ty do không đạt yêu cầu.

Hết thời gian thử việc, ông N.L.B.Q vẫn tiếp tục làm việc đến ngày 21/6/2019. Đến khoảng 3h50’ hoặc 4h chiều ngày 21/6/2019, ông Qúy bất ngờ bị tham gia cuộc họp riêng với bà T.T.H.V – Trợ lý điều hành và được thông báo ông N.L.B.Q không phù hợp công việc và văn hóa của Công ty, yêu cầu bàn giao và rời khỏi công ty. Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, ông N.L.B.Q bàn giao chứng từ cho bà T.T.H.V và rời khỏi công ty.

Việc lập vi bằng những tin nhắn giữa ông N.L.B.Q và phía công ty để làm chứng cứ nộp cho Tòa án. Ông N.L.B.Q không lập vi bằng lời nói, bởi vì những lời trình bày của ông N.L.B.Q phù hợp với những lời trình bày của bà T.T.H.V – người đại diện theo ủy quyền của bị đơn về nội dung thư bổ nhiệm, thời gian ông N.L.B.Q làm việc tại công ty và việc bà T.T.H.V thay mặt công ty thông báo cho ông N.L.B.Q nghỉ việc mà không có quyết định nghỉ việc cũng không có văn bản thông báo về kết quả thử việc của ông N.L.B.Q khi hết thời gian thử việc. Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn bồi thường số tiền 2.100.000 đồng do Cục thuế tỉnh Bình Dương xử phạt bị đơn do vi phạm hành chính về thuế nguyên đơn không đồng ý bồi thường.

Nguyên đơn đã có đơn xin rút lại đối với yêu cầu:

- Công ty G đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho những ngày ông N.L.B.Q không được làm việc;

- Cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc công ty G phải:

- Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 24.000.000 đồng x2=48.000.000 đồng;

- Tiền lương những ngày không được làm việc là 190.400.000 đồng (tính từ ngày 22/6/2019 đến ngày 19/02/2020 là 07 tháng 28 ngày);

- Nhận ông N.L.B.Q trở lại làm việc. Trường hợp công ty công ty không nhận ông N.L.B.Q trở lại làm việc thì yêu cầu công ty phải bồi thường cho ông N.L.B.Q 02 tháng tiền lương là 48.000.000 đồng.

- Tiền lương vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày là 24.000.000 đồng.

Tổng số tiền ông N.L.B.Q yêu cầu Công ty G phải bồi thường là 310.400.000 đồng.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà N.T.T trình bày:

Quá trình thử việc đối với ông N.L.B.Q căn cứ Thư bổ nhiệm ngày 08/04/2019. Vào ngày 8/4/2019, ông ROBERTON STEVEN JOHN có viết 01 lá Thư bổ nhiệm ông N.L.B.Q làm kế toán trưởng với thời gian thử việc là 02 tháng từ ngày 8/4/2019 đến ngày 07/6/2019. Quá trình làm việc ông N.L.B.Q khẳng định nếu như mình không làm được việc, không phù hợp với Công ty G thì không ngại việc “say goodbay” với Công ty G. Công ty luôn hỗ trợ, giúp đỡ và yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm chỉnh đối với các quy định pháp luật.

Trong thời gian thử việc, ông N.L.B.Q đã có nhiều sai phạm trong công việc, thể hiện sự yếu kém về ngiệp vụ không như những gì ông N.L.B.Q khua môi, múa mép. Ông N.L.B.Q ứng cử vào Công ty G để đảm nhiệm chức vụ kế toán trưởng, nhưng ông N.L.B.Q lại làm việc còn thua xa một kế toán viên. Điều này thể hiện qua việc:

* Về kiến thức chuyên môn:

Đối với 11 phiếu xuất kho do ông N.L.B.Q lập nộp trong bộ hồ sơ hoàn thuế cho Công ty G.

1. Đối với phiếu xuất kho số XK04/001 được lập ngày 01/04/2019 với 12 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 3.816.034.059 đồng.

Thời điểm này ông N.L.B.Q chưa đảm nhận công việc của kế toán trưởng trong công ty. Như vậy, thông tin trong phiếu xuất kho này là thông tin gian lận, không phản ánh đúng nội dung công việc, không có thực do ông N.L.B.Q tự thực hiện.

2. Đối với phiếu xuất kho số XK04/002 được lập ngày 01/04/2019 với 36 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 1.726.887.620 đồng. Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

3. Đối với phiếu xuất kho số XK04/003 được lập ngày 01/04/2019 với 26 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 192.285.341 đồng. Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

4. Đối với phiếu xuất kho số XK04/004 được lập ngày 10/04/2019 với 26 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 1.654.358.633 đồng.Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

5. Đối với phiếu xuất kho số XK04/005 được lập ngày 18/04/2019 với 13 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 1.324.724.612 đồng.Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

6. Đối với phiếu xuất kho số XK04/006 được lập ngày 22/04/2019 với 01 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 35.021.836 đồng. Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

7. Đối với phiếu xuất kho số XK04/007 được lập ngày 22/04/2019 với 01 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 135.640.500 đồng. Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

8. Đối với phiếu xuất kho số XK04/008 được lập ngày 22/04/2019 với 06 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 56.962.500 đồng. Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

9. Đối với phiếu xuất kho số XK04/009 được lập ngày 22/04/2019 với 05 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 74.039.625 đồng. Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

10. Đối với phiếu xuất kho số XK04/0010 được lập ngày 22/04/2019 với 25 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 5.472.938.518 đồng. Trong các giao dịch thực tế của Công ty G không hề có hoạt động này.

11. Đối với phiếu xuất kho số XK04/0011 được lập ngày 22/04/2019 với 50 loại hàng hóa được xuất kho để cho bộ phận sản xuất – người nhận hàng là V.Q.D với tổng giá trị là 2.714.525.529 đồng.

Với vai trò là một kế toán trưởng mà ông N.L.B.Q lại lập phiếu xuất kho khống làm ảnh hưởng đến uy tín của Công ty G trong mắt của cơ quan thuế vì khi xuống làm việc, cán bộ thuế còn vạch rõ sự không hợp lý của các phiếu xuất kho này.

Về Quyết định số: 4293/QĐ-CT về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế với số tiền là: 2.100.000 đồng (Hai triệu một trăm nghìn đồng).

Do ông N.L.B.Q đưa tất cả thuế giá trị gia tăng của các chi phí không phục vụ dự án đầu tư vào đề nghị hoàn thuế giai đoạn đầu tư. Dẫn đến việc, Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành quyết định số: 4293/QĐ-CT để xử phạt vi phạm hành chính Công ty G về thuế với số tiền là: 2.100.000 đồng (hai triệu một trăm nghìn đồng). Việc làm này của ông N.L.B.Q là việc làm vi phạm kiến thức cơ bản của một người kế toán nhưng bản thân ông N.L.B.Q tự tin ứng cử vào chức kế toán trưởng lại mắc phải một sai lầm cơ bản, nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty G.

Về thông báo số: 10049/TB – CT ngày 20/6/2019 của Cục thuế tỉnh Bình Dương về việc công ty G không được hoàn thuế đối với số tiền là: 190.671.666 đồng.

Nhng chi phí mà ông N.L.B.Q đưa vào để xin được hoàn thuế bị Cục thuế tỉnh Bình Dương loại bỏ là những chi phí thật nhưng ông N.L.B.Q lại không có kế hoạch, phương án để tham mưu cho ban lãnh đạo công ty để đưa các chi phí thực này vào xin hoàn thuế có cơ sở. Ông N.L.B.Q để mặc cho Cục thuế tỉnh Bình Dương loại bỏ là những chi phí này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty. Trong khi đó, tại thời điểm lập hồ sơ xin hoàn thuế ông N.L.B.Q đã phải nhìn ra được vấn đề này để đề xuất phương án xử lý đến ban lãnh đạo hoặc loại bỏ các khoản chi phí này ra khỏi hồ sơ xin hoàn thuế nhưng ông N.L.B.Q lại không tham mưu làm cho công ty ảnh hưởng uy tín trước cơ quan nhà nước Việt Nam.

Thời gian làm việc của ông N.L.B.Q để đánh giá chất lượng công việc trong thời gian thử việc chỉ có 51 ngày làm việc tính từ ngày 8/4/2019 đến ngày 21/06/2019. Còn 23 ngày còn lại là: nghỉ bù lễ ngày 27/4, 28/4, 29/4, 30/4 và 1/5; 09 ngày nghỉ của thứ bảy (là ngày 13/4,27/4, 4/5,11/5, 18/5, 25/5, 8/6 và ngày 15/6) và 09 nghỉ của ngày chủ nhật (là ngày 14/4, 21/4, 28/4, 5/5, 12/5, 19/5, 9/6 và 16/6) đều là ngày ông N.L.B.Q nghỉ. Sau đó, ông N.L.B.Q tự ý nghĩ việc mà không thông báo cho công ty biết. Trong khi đó, tổng tiền lương mà Công ty trả cho ông N.L.B.Q là gần 60.000.000 đồng chênh lệch khoảng gần 12.000.000 đồng.

Trong thời gian thử việc, ông N.L.B.Q được giao hoàn thành sổ sách kế toán từ tháng 12/2018 đến thời gian ông N.L.B.Q làm việc tại Công ty và thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) giai đoạn đầu tư (từ quý 4/2018 đến quý 1/2019) cho Công ty . Tuy nhiên, ông N.L.B.Q kéo dài thời gian làm việc, không chịu thực hiện việc lập các báo cáo, tổng hợp các chứng từ, các số liệu để lập báo cáo xin hoàn thuế. Mãi đến ngày 06/05/2019, ông N.L.B.Q mới nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT từ quý 4/2018 đến quý 1/2019 đến Cục thuế Tỉnh Bình Dương. Ngày 14/05/2019, Cục Thuế Tỉnh Bình Dương có văn bản thông báo số 7683/TB-CT đến Công ty thông báo về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, nêu rõ thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế là 40 ngày kể từ ngày Cục Thuế nhận được đủ hồ sơ theo quy định, tức ngày 10/05/2019 (nội dung theo thông báo đính kèm số 7683/TB-CT ngày 14/05/2019 của Cục Thuế Tỉnh Bình Dương) Sau đó, sổ sách vẫn bị sai, nhân viên thuế yêu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung lại nên đến ngày 10/5/2019 Cục thuế tỉnh Bình Dương mới chấp nhận hồ sơ. Do vậy, thời gian 40 ngày lại bị ông N.L.B.Q làm kéo dài tính từ ngày 10/5/2019 đến ngày 20/6/2019 mới xong công việc mà công ty sử dụng kết quả để đánh giá chất lượng công việc trong giai đoạn thử việc cho ông N.L.B.Q.

Đến ngày 21/6/2019, khi công ty chưa có kết luận tổng thể thì ông N.L.B.Q lại tự ý nghỉ việc, không tổ chức bàn giao hồ sơ, sổ sách làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty G.

Pháp luật Việt Nam không có một quy định nào về việc, sau khi thời gian thử việc kết thúc thì trong thời gian bao nhiêu ngày phải có nghĩa vụ trả lời. Trong khi đó, khoản 1 điều 29 Bộ luật Lao động quy định “Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”. Ông N.L.B.Q làm việc không đạt yêu cầu, làm thiệt hại cho Công ty G thì pháp luật phải bảo vệ người sử dụng lao động là Công ty G mới hợp tình hợp lý.

Công ty vẫn nghĩ thời gian thử việc của ông N.L.B.Q chưa hết, vì ông N.L.B.Q chỉ mới làm có 51 ngày tại công ty.Trong 51 ngày này, ông N.L.B.Q chỉ làm có mỗi công tác lập báo cáo, thu thập chứng từ để hoàn tất việc nộp hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế cho Công ty G . Ông N.L.B.Q làm còn chưa xong, còn sai tới sai lui, còn làm cho Công ty G bị Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành quyết định số: 4293/QĐ-CT để xử phạt vi phạm hành chính Công ty G về thuế với số tiền là: 2.100.00 đồng (Hai triệu một trăm nghìn đồng). Ông N.L.B.Q phải làm thêm 09 ngày (24/6; 25/6; 26/6; 27/6; 28/6; 1/7; 2/7; 3/7;

4/7) mới đủ thời gian 60 ngày để công ty tổng hợp kết luận và đưa ra đánh giá tổng thể cuối cùng. Đến ngày 21/6/2019, ông N.L.B.Q đã tự ý nghỉ việc mà không thông báo đến công ty G. Công ty cũng chưa kịp có ý kiến thì nay ông N.L.B.Q lại đi khởi kiện Công ty G. Theo đó, công ty G chưa có thông báo hay văn bản nào về việc cho ông N.L.B.Q nghỉ việc theo như lời ông N.L.B.Q nói. Mọi sự việc trên ông N.L.B.Q trình bày theo đơn khởi kiện là bịa đặt, ông N.L.B.Q tự động nghĩ việc tại công ty G. Vì vậy, tôi cho rằng việc ông N.L.B.Q khởi kiện là không có cơ sở . Trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông N.L.B.Q.

Ngày 13/11/2019, Công ty G có đơn phản tố yêu cầu ông N.L.B.Q có nghĩa vụ trả lại cho công ty số tiền bị Cục thuế tỉnh Bình Dương xử phạt vi phạm về thuế là 2.100.000 đồng.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cũng không đồng ý yêu cầu khởi kiện và khởi kiện bổ sung của nguyên đơn. Yêu cầu bị đơn hoàn trả số tiền thuế bị phạt 2.100.000 đồng. Đồng thời, xác định giấy ủy quyền của công ty G đối với bà T.T.H.V do ông J – chức vụ tổng giám đốc ký ủy quyền bà T.T.H.V tham gia giải quyết vụ án tranh chấp với ông N.L.B.Q là không hợp lệ. Đề nghị Tòa không xem xét lời trình bày của bà T.T.H.V tại các biên bản làm việc tại Tòa án là chứng cứ để giải quyết vụ án.

Bản án số: 02/2020/LĐ-ST ngày: 26-02-2020 của Tòa án nhân dân thị xã B đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông N.L.B.Q đối với bị đơn Công ty G về việc: “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Buộc Công ty G có trách nhiệm bồi thường cho ông N.L.B.Q số tiền 310.400.000 đồng (ba trăm mười triệu bốn trăm nghìn đồng), cụ thể:

- Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 24.000.000 đồng x 2 = 48.000.000 đồng;

- Tiền lương những ngày không được làm việc tính từ ngày 22/6/2019 đến ngày 19/02/2020 là 07 tháng 28 ngày x 24.000.000 đồng = 190.400.000 đồng;

- Tiền lương vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày x 24.000.000 đồng = 24.000.000 đồng.

- Ông N.L.B.Q yêu cầu Công ty G nhận trở lại làm việc, tuy nhiên Công ty G không đồng ý nhận ông N.L.B.Q trở lại làm việc. Do vậy, Công ty G phải bồi thường cho ông N.L.B.Q 02 tháng tiền lương x 24.000.000 đồng = 48.000.000 đồng.

Kể từ ngày ông N.L.B.Q có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty G không thanh toán số tiền trên, thì hàng tháng Công ty G còn phải thanh toán cho ông N.L.B.Q số tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông N.L.B.Q đối với yêu cầu: Công ty G đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho những ngày ông N.L.B.Q không được làm việc; cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty G về việc buộc ông N.L.B.Q thanh toán số tiền bị Cục thuế tỉnh Bình Dương xử phạt vi phạm về thuế là 2.100.000 đồng Án sơ thẩm tuyên phần án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 05/03/2020, bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm cho rằng:

1- Án sơ thẩm vi phạm tố tụng vì chấp nhận sai nội dung ủy quyền. Công ty G chỉ ủy quyền cho bà T.T.H.V đến làm việc với Tòa án mà không ủy quyền thay mặt Công ty G trình bày ý kiến.

2- Công ty G không đơn phương sa thải trái pháp luật đối với ông N.L.B.Q mà do tự ông N.L.B.Q nghỉ việc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Công ty G có địa chỉ: Thị xã B, tỉnh Bình Dương. Nguyên đơn khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn có trụ sở nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã B, được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 và Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung xét kháng cáo của Công ty G thấy rằng:

Giấy ủy quyền tham gia tố tụng của Công ty G do ông J – chức vụ Tổng giám đốc ký (Bút lục 93) thể hiện rõ nội dung là ủy quyền bà T.T.H.V được toàn quyền thay mặt, nhân danh tổng giám đốc quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án tranh chấp với ông N.L.B.Q. Văn bản ủy quyền còn nêu thời hạn ủy quyền từ ngày 05/9/2019 đến khi kết thúc vụ kiện bằng bản án, quyết định của Tòa án, hoặc chấm dứt theo quy định của pháp luật. Tại thời điểm nhận ủy quyền bà T.T.H.V chưa bị cơ quan có thẩm quyền nào tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự. Trình bày của bà T.T.H.V tại các buổi làm việc, hòa giải tại Tòa án là hợp pháp và là căn cứ để xem xét giải quyết vụ án. Đại diện ủy quyền của bị đơn cho rằng ủy quyền của Tổng giám đốc ông J cho bà T.T.H.V là việc ủy quyền của cá nhân cho cá nhân không phải của pháp nhân cho cá nhân là không đúng bởi Tổng giám đốc là người đại diện cho pháp nhân. Do vậy, kháng cáo của bị đơn cho rằng không ủy quyền cho bà T.T.H.V trình bày ý kiến là không có căn cứ.

Mặc dù giấy ủy quyền thứ hai từ ông J – Tổng giám đốc công ty G cho bà T.T.H.V không ghi ngày ủy quyền nhưng ghi rõ thời hạn ủy quyền từ ngày 5/09/2019 đến khi kết thúc phiên tòa tức là trong thời hạn tiến hành tố tụng của cấp sơ thẩm nên cũng được xem là ủy quyền hợp pháp.

Xét thấy, khi kết thúc thời gian thử việc tại Công ty G, lẽ ra công ty phải đánh giá công việc làm thử của ông N.L.B.Q và phải thông báo kết quả công việc làm thử nhưng công ty không có thông báo về kết quả thử việc. Công ty G vẫn để ông N.L.B.Q tiếp tục làm việc sau thời gian thử việc và trả lương đầy đủ nhưng không ký kết hợp đồng lao động là vi phạm vào Điều 29 Bộ luật Lao động.

Tại biên bản làm việc ngày 04/10/2019, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng: Trong thời gian thử việc, công ty không có lập biên bản về việc ông N.L.B.Q làm không đạt. Chỉ sau khi Cục thuế tỉnh Bình Dương kiểm tra công ty mới biết ông N.L.B.Q làm việc có sai sót vì công ty không có bộ phận chuyên môn để đánh giá công việc của ông N.L.B.Q. Sau đó, bà T.T.H.V thay mặt Công ty G trau đổi và thông báo miệng cho ông N.L.B.Q về kết quả thử việc và cho ông N.L.B.Q nghỉ việc.

Như vậy, Công ty G cho ông N.L.B.Q nghỉ việc vào ngày 21/6/2019 theo thông báo của bà T.T.H.V (Tức là không phải ông N.L.B.Q tự nghỉ việc) là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với ông N.L.B.Q. Bị đơn Công ty G cho rằng không đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật mà do tự ông N.L.B.Q tự nghỉ việc là không phù hợp. Do vậy, toàn bộ nội dung kháng cáo của bị đơn Công ty G là không có căn cứ. Án sơ thẩm xử buộc bị đơn Công ty G có trách nhiệm bồi thường cho ông N.L.B.Q do “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” là phù hợp.

[3] Ý kiến của vị Kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tại phiên tòa là hoàn toàn phù hợp và có căn cứ pháp luật.

[4] Về án phí lao động phúc thẩm: Bị đơn Công ty G phải chịu theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các điều 22, 27, 29, 38, 41, 42 và Điều 43 của Bộ luật Lao động năm 2012; Khoản 1,điều 148, khoản 1, điều 308273 và Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn công ty G, giữ y án sơ thẩm số: 02/2020/LĐ-ST ngày 26/02/2020 như sau:

1.1 Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông N.L.B.Q đối với bị đơn Công ty G về việc: “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Buộc Công ty G có trách nhiệm bồi thường cho ông N.L.B.Q số tiền 310.400.000 đồng (ba trăm mười triệu bốn trăm nghìn đồng), cụ thể:

- Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 24.000.000 đồng x 2 = 48.000.000 đồng;

- Tiền lương những ngày không được làm việc tính từ ngày 22/6/2019 đến ngày 19/02/2020 là 07 tháng 28 ngày x 24.000.000 đồng = 190.400.000 đồng;

- Tiền lương vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày x 24.000.000 đồng = 24.000.000 đồng.

- Ông N.L.B.Q yêu cầu Công ty G nhận trở lại làm việc, tuy nhiên Công ty G không đồng ý nhận ông N.L.B.Q trở lại làm việc, do vậy Công ty G phải bồi thường cho ông N.L.B.Q 02 tháng tiền lương x 24.000.000 đồng = 48.000.000 đồng.

Kể từ ngày ông N.L.B.Q có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty G không thanh toán số tiền trên, thì hàng tháng Công ty G còn phải thanh toán cho ông N.L.B.Q số tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

1.2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông N.L.B.Q đối với yêu cầu: Công ty G đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho những ngày ông N.L.B.Q không được làm việc; cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

1.3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty G về việc buộc ông N.L.B.Q thanh toán số tiền bị Cục thuế tỉnh Bình Dương xử phạt vi phạm về thuế là 2.100.000 đồng 1.4. Về án phí lao động sơ thẩm: Công ty G phải chịu 9.375.000 đồng (chín triệu ba trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) án phí lao động sơ thẩm.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 482 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014)./.

2. Án phí lao động phúc thẩm: Công ty G phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng), được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số: 42723 ngày 12/3/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

575
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 08/2020/LĐ-PT ngày 10/08/2020 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:08/2020/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 10/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;