TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LANG CHÁNH, TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 08/2018/HSST NGÀY 08/08/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 08 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Lang Chánh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 09/2018/HSST ngày 26/6/2018, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 08/2018/QĐXXST-HS ngày 26/7/2018, đối với bị cáo: Phạm Văn B1, sinh năm 1960; tại xã HB, huyện HT, tỉnh Thanh Hóa; trú tại: Thôn CN, xã GA, huyện LC, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Hưu trí; trình độ văn hoá: Lớp 5/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn S (đã chết) và bà Bùi Thị V (đã chết); có vợ là Đào Thị H, sinh năm 1960 và có 4 con, lớn nhất sinh năm 1981, nhỏ nhất sinh năm 1994; tiền sự, tiền án: Không;
Nhân thân: Bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và công tác: Đã tham quân đội và được tặng Kỷ niệm chương cựu chiến binh Việt Nam của Ban chấp hành trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam; đã tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và được tặng Kỷ niệm chương Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào của Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào; được Hội cựu chiến binh Việt Nam tặng Tám chữ vàng “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”; được Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn; được Ban chấp hành công đoàn Công ty nguyên liệu giấy Thanh Hóa tặng Giấy khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn năm 2007.
Bị cáo tại ngoại, có mặt.
Bị hại: Anh Lê Văn Đ, sinh năm 1982; trú tại: Tổ X, phố Y, thị trấn LC, huyện LC, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Đội trưởng bộ phận Lâm nghiệp, Công ty X; địa chỉ: TTGDTT, thôn CB, xã QH, huyện LC, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 18/01/2018, Phạm Văn B1 đang ngồi uống nước tại nhà chị Phạm Thị B3 ở thông CN, xã GA, huyện LC, tỉnh Thanh Hóa để chờ đưa chị B3 đi mua xe máy thì nghe có tiếng la to có người đánh nhau trong khu vực đồi mía. B1 dùng xe máy chở chị Bùi Thị H là vợ của B1 và chị B3 đến tiểu khu 419, khoảnh 3 thuộc đội X, thôn CN, xã GA, huyện LC thì thấy Trần Ngọc B2 và Lê Văn Đ đang giằng co, xô sát, đánh nhau, B2 túm cổ áo xô đẩy Đ thì bị Đ dùng tay phải đấm vào vùng mặt một cái làm B2 bị ngã xuống đất. Tức giận đối với thái độ và hành vi đánh người của Đ, Trần Văn B2, Phạm Văn B1, Trần Văn T1, Phạm Văn T2 cùng xông vào định đánh Đ nên Đ bỏ chạy thì B2, B1, T1 và T2 mỗi người cầm một đoạn gậy đuổi đánh Đ. Trong lúc đuổi đánh nhau, T1 dùng gậy ném theo trúng vào vùng đầu gối bên phải của Đ, Đ quay người lại vừa lúc B1 đuổi kịp và dùng đoạn ngọn luồng cứng, chắc, dài khoảng hơn 01 mét, đường kính khoảng 02cm - 03cm vụt theo chiều từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, theo phản xạ Đ giơ tay trái lên đỡ thì bị B1 đánh trúng mặt ngoài cẳng tay trái, Đ kêu lên “á, ông B1 đánh tôi” rồi ôm tay bỏ chạy, T2 cũng ném gậy theo nhưng không trúng Đ.
Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm vật chứng là hung khí bị cáo và những người tham gia đánh nhau đã sử dụng để gây thương tích cho bị hại nhưng không tìm được.
Sau khi bị đánh, Lê Văn Đ được đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc điều trị từ ngày 18/01/2018 đến ngày 31/01/2018 ra viện.
Tại Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể lập hồi 17 giờ 30 phút ngày 18/01/2018 tại khoa chấn thương Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, xác định các dấu vết như sau: Mặt ngoài cẳng tay trái có 01 vết bần tím, xây xước ngoài da, kích thước (03 x 03)cm, chiều hướng từ trên xuống dưới, từ phải qua trái; gần sát phía dưới vùng đầu gối phải có vết xây xước da không rõ hình, kích thước (03 x 1,5)cm, chiều hướng trên xuống dưới, từ phải quan trái.
Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số: 75/2018/TTPY ngày 12/02/2018 của Trung tâm pháp y, Sở y tế tỉnh Thanh Hóa đối với Lê Văn Đ kết luận: Hiện tại tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 15% (Mười lăm phầntrăm). Các chấn thương, vết thương phần mềm khác hiện tại không để lại sẹo vết thương phần mềm, không có di chứng do chấn thương.
Lê Văn Đ yêu cầu Phạm Văn B1 phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho Đ gồm các khoản: Tiền chi phí điều trị thương tích là 9.000.000đ; thu nhập thực tế bị mất trong thời gian điều trị thương tích và nghỉ ngơi 44 ngày với số tiền là 25.344.000đ; thu nhập bị mất của người chăm sóc trong thời gian bị hại nằm viện 14 ngày với số tiền là 2.100.000đ; tiền bù đắp tổn thất tinh thần bằng mười lăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là 20.850.000đ, tổng các khoản là 57.294.000đ. Các khoản chi phí khác như tiền xe đi cấp cứu..., anh Đ không yêu cầu bị cáo phải bồi thường. Đối với khoản tiền chi phí điều trị thương tích, anh Đ trình bày: Anh chỉ phải chi trả cho BVĐK khu vực Ngọc Lặc 20% viện phí với số tiền là 1.704.772đ, số tiền viện phí còn lại do BHYT chi trả vì anh có tham gia đóng bảo hiểm y tế và 120.000đ tiền lệ phí sao bệnh án, tổng số tiền anh phải chi trả là: 1.824.772đ, nhưng anh vẫn yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho anh toàn bộ số tiền phải chi phí để điều trị vết thương là 9.000.000đ. Sau khi gây thương tích cho Lê Văn Đ, Phạm Văn B1 nhờ vợ là Đào Thị H đến xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho Đ, nhưng Đ không chấp nhận. Do anh Đ không nhận tiền bồi thường nên ngày 21/6/2018, B1 đã tự nguyện nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lang Chánh số tiền 20.000.000đ để bồi thường thiệt hại cho anh Đ và cam kết bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quyết định của Tòa án.
Đối với hành vi tham gia đánh nhau của Trần Ngọc B2, Trần Văn T1, Phạm Văn T2 và Lê Văn Đ, Công an huyện Lang Chánh đã quyết định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền.
Cáo trạng số 09/CT-VKSLC-TA ngày 25/6/2018 của VKSND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa truy tố Phạm Văn B1 về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tại phiên toà Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; các điểm b, s, v khoản 1 Điều 51 và Điều 65 của BLHS năm 2015, xử phạt Phạm Văn B1 mức án từ 30 (Ba mươi) đến 36 (Ba mươi sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 (Sau mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; bị cáo có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại theo quy định của pháp luật và phải chịu án phí hình sự, dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Bị cáo thành khẩn nhận tội, không có ý kiến tranh luận với Kiểm sát viên; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp và cho hưởng án treo để bị cáo có điều kiện cải tạo, học tập trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
Bị hại không có ý kiến tranh luận với Kiểm sát viên; đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật và buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bị hại với tổng số tiền là 57.294.000đ.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Công an huyện Lang Chánh, của Điều tra viên; của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh và của Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ thục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo, bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại Kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y, Sở y tế tỉnh Thanh Hóa; về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.
[2]. Về căn cứ định tội, định khung hình phạt đối với bị cáo: Lời nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của người tham gia tố tụng khác, đủ cơ sở kết luận: Khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 18/01/2018, tại tiểu khu 419, khoảnh 3 thuộc đội 1, thôn CN, xã GA, huyện LC, khi thấy Lê Văn Đ và Trần Văn B2 đang đánh nhau, Phạm Văn B1, Trần Văn T1, Phạm Văn T2 vào can ngăn thì Đ bỏ chạy. Do bực tức với thái độ và hành vi đánh người của Đ nên B1 cùng B2, T1 và T2 mỗi người cầm một đoạn gậy đuổi đánh Đ, khi chạy được khoảng 40 mét thì Đ bị T1 ném gậy trúng gần sát bên dưới vùng đầu gối phải, Đ quay người lại thì bị B1 vụt một gậy theo chiều hướng từ trên xuống dưới, từ phải qua trái trúng tay trái của Đ làm gẫy 1/3 trên xương trụ trái, phải phẩu thuật để kết xương. Theo kết luận giám định pháp y về thương tích Lê Văn Đ bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 15% (Mười lăm phần trăm). Đoạn gậy B1 dùng gây thương tích cho Đ là một đoạn ngọn luồng cứng, chắc, dài khoảng hơn 01 mét, đường kính khoảng hơn 02cm là hung khí nguy hiểm. Hành vi của Phạm Văn B1 đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh truy tố Phạm Văn B1 về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của BLHS năm 2015 là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[3]. Đối với hành vi tham gia đánh nhau của Trần Văn B2, Trần Văn T1, Phạm Văn T2 và Lê Văn Đ, Công an huyện Lang Chánh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên Hội đồng xét xử không xe xét.
[4]. Về tính chất vụ án: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến sức khoẻ của người khác, gây hoang mang và bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Để pháp luật được tôn trọng, tính mạng, sức khoẻ con người được bảo vệ, để giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung, hành vi phạm tội của bị cáo phải được xử lý nghiêm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
[5]. Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân bị cáo: Bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo đã tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại sức khỏe cho bị hại; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, chiến đấu và công tác nên áp dụng các điểm b, s, v khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt. Bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cứ trú cụ thể rõ ràng, có khả năng tự cải tạo và việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội nên không cần buộc bị cáo chấp hành hình phạt tù mà áp dụng Điều 65 của BLHS năm 2015 cho bị cáo hưởng án treo cũng đủ điều kiện giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành người tốt.
[6]. Về bồi thường thiệt hại: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ anh Đ giao nộp và Cơ quan điều tra thu thập được:
- Đối với khoản chi phí điều trị thương tích: Thực tế anh Đ chỉ phải chi trả 20% viện phí với số tiền 1.704.000đ và 120.000đ tiền lệ phí sao bệnh án, tổng là 1.824.000đ. Do đó, chỉ chấp nhận số tiền chi phí điều trị thương tích của anh Đ là 1.824.000đ.
- Đối với khoản thu nhập bị mất của anh Đ: Căn cứ các bảng lương tháng 10,11, 12/2017 liền kề trước khi bị gây tai nạn thì anh Đ có tổng thu nhập mỗi tháng là 15.000.000đ, số ngày làm việc mỗi tháng 26 ngày, số tiền thu nhập mỗi ngày là 576.000đ. Theo xác nhận của Công ty X thì thời gian anh Đ phải nghỉ việc không hưởng lương là 44 ngày. Như vậy, thu nhập bị mất của anh Đ là 576.000đ x 44 = 25.344.000đ. Do đó, chấp nhận khoản tiền thu nhập bị mất theo yêu cầu của anh Đ.
- Đối với khoản tiền bị mất của người chăm sóc: Thời gian người chăm sóc trong thời gian anh Đ phải điều trị tại Bệnh viện 14 ngày, số tiền thu nhập bình quân bị mất của người chăm sóc với mức thu nhập bình quân của lao phổ thông tại địa phương 150.000đ/ngày anh Đ đề nghị là phù hợp nên chấp nhận. Số tiền mất thu nhập của người chăm sóc có cơ sở chấp nhận là 2.100.000đ;
- Đối với số tiền bồi thường tổn thất tinh thần: Anh Đ chỉ bị tổn hại cơ thể do thương tích là 15%, thời gian điều trị ngắn, mặt khác anh Đ cũng là người có lỗi làm phát sinh việc đánh nhau. Do đó, chỉ chấp nhận số tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho anh Đ bằng 05 lần mức lương cơ sở là 6.950.000đ
Tổng số tiền bị hại yêu cầu bồi thường được chấp nhận là 36.218.000đ.
Chấp nhận bị cáo đã bồi thường được 20.000.000đ, số tiền còn lại 16.218.000đ bị cáo tiếp tục phải bồi thường.
[7]. Về vật chứng và xử lý vật chứng: Cơ quan điều tra Công an huyện Lang
Chánh không thu hồi được vật chứng nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[8]. Về án phí: Bị cáo Phạm Văn B1 bị kết án và phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho người bị hại nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền chưa bồi thường theo quy định của pháp luật.
Vì những lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn B1 phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; các điểm b, s, v khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Phạm Văn B1 30 (Ba mươi) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 (Sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Phạm Văn B cho UBND xã GA, huyện LC, tỉnh Thanh Hoá giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 48 BLHS 2015; Các Điều 584, 590 và khoản 2 Điều 357của Bộ luật dân sự 2015. Buộc bị cáo phải bồi thường cho anh Đ các khoản gồm: Chi phí hợp lý cho việc điều trị thương tích; tiền mất thu nhập của anh Đ trong thời gian điều trị, nghỉ ngơi sau khi ra viện; tiền mất thu nhập của người chăm sóc; tiền bù đắp tổn thất tinh thần. Tổng các khoản là 36.218.000đ (Ba mươi sáu triệu, hai trăm mười tám nghìn đồng). Chấp nhận bị cáo đã bồi thường 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng), còn lại 16.218.000đ (Mười sáu triệu, hai trăm mười tám nghìn đồng) bị cáo tiếp tục phải bồi thường.
Anh Đ được nhận số tiền 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng) bị cáo nộp để đảm bảo thi hành án, đang lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lang Chánh, theo biên lai thu tiền số AA/2015/0001053 ngày 21/6/2018.
Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án, nếu bên phải thi hành án thi hành không đầy đủ thì bên phải thi hành án phải chịu lãi đối với số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự và áp dụng các điểm a, c, g khoản 1 Điều 23; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/NQ-UTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc. Bị cáo Phạm Văn B1 phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí HSST và 810.000đ (Tám trăm mười nghìn đồng) án phí DSST, tổng là 1.010.000đ (Một triệu không trăm mười nghìn đồng).
Bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự.
Bản án 08/2018/HSST ngày 08/08/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 08/2018/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lang Chánh - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 08/08/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về