Bản án 07/2019/KDTM-ST ngày 29/08/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ THUẬN AN, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 07/2019/KDTM-ST NGÀY 29/08/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 29 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số 49/2018/TLST-KDTM ngày 18 tháng 12 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 08/2019/QĐXXST-KDTM ngày 27 tháng 6 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 07/2019/QĐST-KDTM ngày 19/7/2019 Quyết định hoãn phiên tòa số 10/2019/QĐST-KDTM ngày 06/8/2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên; trụ sở: 189 Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Ông NCH, sinh năm 1974; địa chỉ: Số 1, đường 791, ấp AH, xã AP, huyện CC, Thành phố HCM, có mặt.

- Bị đơn: Ông THMC – Chủ cơ sở Khang Thư; địa chỉ: 167/1 khu phố Đông Ba, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên là ông NCH trình bày: Ngày 01/8/2013 Chi nhánh Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên – Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (viết tắt là Công ty Sagrifood – Bên A) và ông THMC chủ cơ sở Khang Thư (bên B) ký kết hợp đồng nguyên tắc số 22A/HĐ- SAF-CC.13, hàng hóa là gà giống Lương Phượng Hoa 01 ngày tuổi, số lượng theo nhu cầu từng đợt của bên B, bên A chịu tỉ lệ hao hụt 2% trên tổng số con giao nhận, giao hàng tại các trạm ấp của bên A, phương tiện và chi phí vận chuyển từ trạm ấp của Bên A đến kho bên B do bên B chịu. Hình thức thanh toán: Chuyển khoản, bên A xuất hóa đơn tài chính cho bên B, bên B sẽ thanh toán theo hóa đơn cho bên A trong vòng 10 ngày sau khi bên B nhận được hóa đơn tài chính. Bên B sẽ chịu phạt với lãi suất 0,06%/ngày trên tổng số nợ nếu quá thời hạn thanh toán, thời hạn nợ quá hạn cũng không được quá 05 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán. Sau thời hạn nêu trên, ngoài mức phạt lãi suất bên B phải chịu phạt vi phạm mức 8% trên tổng số nợ.

Từ tháng 8 năm 2014 ông THMC có nhiều vi phạm trong việc thanh toán tiền mua hàng nên Công ty Sagrifood ngưng cung cấp hàng cho ông Công và ông Công còn nợ số tiền 737.659.000 đồng, ông C chỉ mới thanh toán nhiều lần được 290.000.000 đồng. Ngày 31/8/2015 ông C có xác nhận công nợ với số tiền 447.659.000 đồng, tháng 01/2016 ông C thanh toán được thêm 20.000.000 đồng. Ngày 15/6/2016 đại diện công ty và ông C có buổi làm việc, tại buổi làm việc ông C xác nhận còn nợ 427.659.000 đồng và cam kết ngày 30/6/2016 sẽ chuyển trả số tiền 20.000.000 đồng, sau đó ngày 30 hàng tháng sẽ chuyển trả 20.000.000 đồng nhưng thực tế ông C chỉ trả 15.000.000 đồng vào tháng 8/2016, 10.000.000 đồng vào tháng 10/2016. Hiện tổng số tiền ông THMC chủ cơ sở Khang Thư còn nợ là 402.659.000 đồng, Công ty Sagrifood chỉ yêu cầu tính lãi đến ngày 31/12/2017. Cụ thể Công ty Sagrifood đã xuất các hóa đơn giá trị gia tăng như sau: Hóa đơn 0024790 ngày 30/11/2013, số tiền 72.099.000 đồng (đã thanh toán xong); Hóa đơn 0024791 ngày 30/11/2013, số tiền 91.800.000 đồng ngày đến hạn thanh toán 10/12/2013; Hoá đơn số 0024792 ngày 30/11/2013, số tiền 76.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 10/12/2013; Hóa đơn 0024799 ngày 12/12/2013, số tiền 65.800.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 22/12/2013; Hóa đơn 0028952 ngày 13/12/2013, số tiền 41.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 23/12/2013; Hóa đơn 0028970 ngày 16/12/2013, số tiền 35.760.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 26/12/2013; Hóa đơn 0028979 ngày 23/12/2013, số tiền 38.200.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 05/01/2014; Hóa đơn 0032021 ngày 31/01/2014, số tiền 14.400.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 10/02/2014; Hóa đơn 0032027 ngày 05/02/2014, số tiền 21.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 15/02/2014; Hóa đơn 0009978 ngày 21/7/2014, số tiền 77.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 31/7/2014; Hóa đơn 0009981 ngày 24/7/2014, số tiền 15.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 03/8/2014.

Do ông C vi phạm thời hạn thanh toán nên ông C còn phải chịu lãi suất 0,06%/ngày trên tổng số nợ, thời điểm bắt đầu tính lãi phạt là ngày 11/12/2013 đến ngày 31/12/2017, thành tiền 396.628.007 đồng. Ngoài ra, quá trình thực hiện hợp đồng ông C đã vi phạm hợp đồng do đó ông C phải chịu phạt vi phạm hợp đồng với mức phạt là 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm, do đó ông C phải chịu tiền phạt là 32.212.720 đồng trên số tiền nợ gốc 402.659.000 đồng. Nay Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên yêu cầu ông THMC chủ cơ sở Khang Thư phải trả số tiền còn nợ 402.659.000 đồng, khoản tiền lãi phạt phát sinh do quá thời hạn thanh toán là 396.628.007 đồng và tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 32.212.720 đồng, tổng cộng 831.499.727 đồng.

Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn thay đổi yêu cầu về tính lãi chậm trả, chỉ yêu cầu tính lãi đến ngày 31/12/2017 cho từng hóa đơn chưa trả như sau:

+ Hoá đơn số 0024792 xuất ngày 30/11/2013, số tiền 76.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 10/12/2013, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1482 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 42.237.000 đồng.

+ Hoá đơn số 0024799 xuất ngày 12/12/2013, số tiền 65.800.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 22/12/2013, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1470 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 36.272.250 đồng.

+ Hóa đơn 0028952 ngày 13/12/2013, số tiền 41.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 23/12/2013, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1469 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 22.585.875 đồng.

+ Hóa đơn 0028970 ngày 16/12/2013, số tiền 35.760.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 26/12/2013, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1466 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 19.659.060 đồng.

+ Hóa đơn 0028979 ngày 23/12/2013, số tiền 38.200.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 02/01/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1459 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 20.900.175 đồng.

+ Hóa đơn 0032021 ngày 31/01/2014, số tiền 14.400.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 10/02/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1420 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 7.668.000 đồng.

+ Hóa đơn 0032027 ngày 05/02/2014, số tiền 21.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 15/02/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1415 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 11.143.125 đồng.

+ Hóa đơn 0009978 ngày 21/7/2014, số tiền 77.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 31/7/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1249 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 36.064.875 đồng.

+ Hóa đơn 0009981 ngày 24/7/2014, số tiền 15.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 03/8/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1246 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 7.008.750 đồng.

như vậy, tiền lãi chậm trả là 203.819.929 đồng.

Số tiền người đại diện hợp pháp nguyên đơn yêu cầu ông THMC chủ cơ sở Khang Thư phải trả như sau: Số tiền còn nợ 402.659.000 đồng, khoản tiền lãi phạt phát sinh do quá thời hạn thanh toán 203.819.929 đồng và tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 32.212.720 đồng, tổng cộng 638.691.649 đồng.

- Bị đơn ông THMC chủ cơ sở Khang Thư không có văn bản trình bày ý kiến và không tham gia tố tụng.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Thuận An phát biểu về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Về nội dung vụ án: Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên - Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn và ông THMC – Chủ cơ sở sản xuất Khang Thư có thực hiện ký kết hợp đồng nguyên tắc số 22A/HĐ-SAF-CC.13 ngày 01/8/2013 với nội dung là mua bán gà giống Lương Phượng Hoa 01 ngày tuổi. Hai bên thỏa thuận thực hiện giao nhận và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hợp đồng, tại biên bản đối chiếu công nợ ngày 16/5/2017 thể hiện bị đơn còn nợ số tiền 402.659.000 đồng nhưng ông THMC không thực hiện việc thanh toán đầy đủ là vi phạm Điều 3 hợp đồng nguyên tắc số 22A/HĐ-SAF-CC.13 ngày 01/8/2013; Điều 50 Luật thương mại; Điều 440 Bộ luật dân sự năm 2015. Đồng thời, do bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên bị đơn phải trả tiền lãi trên số tiền hàng chậm trả theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại.

Ngoài ra, hai bên có thỏa thuận phạt vi phạm 8% trên tổng nợ phù hợp theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận toàn bộ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền giải quyết: Bị đơn ông THMC chủ cơ sở Khang Thư có địa chỉ tại 167/1 khu phố Đông Ba, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, theo quy định tại Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35; Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc Tòa án nhân dân thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

[2] Về quan hệ pháp luật: Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên khởi kiện yêu cầu ông THMC chủ cơ sở Khang Thư phải trả số tiền mua hàng chưa thanh toán 402.659.000 đồng, khoản tiền lãi phạt phát sinh do quá thời hạn thanh toán là 396.628.007 đồng và tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 32.212.720 đồng, tổng cộng 831.499.727 đồng. Quan hệ pháp luật trong vụ án được xác định là “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về tố tụng: Bị đơn ông THMC chủ cơ sở Khang Thư đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt. Do vậy, Toà án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4] Về nội dung:

Ngày 01/8/2013 Chi nhánh Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên – Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (viết tắt là Công ty Sagrifood – Bên A) và ông THMC chủ cơ sở Khang Thư (bên B) ký kết hợp đồng nguyên tắc số 22A/HĐ- SAF-CC.13, hàng hóa là gà giống Lương Phượng Hoa 01 ngày tuổi, số lượng theo nhu cầu từng đợt của bên B, bên A chịu tỉ lệ hao hụt 2% trên tổng số con giao nhận, giao hàng tại các trạm ấp của bên A, phương tiện và chi phí vận chuyển từ trạm ấp của Bên A đến kho bên B do bên B chịu. Hình thức thanh toán: Chuyển khoản, bên A xuất hóa đơn tài chính cho bên B, bên B sẽ thanh toán theo hóa đơn cho bên A trong vòng 10 ngày sau khi bên B nhận được hóa đơn tài chính. Bên B sẽ chịu phạt với lãi suất 0,06%/ngày trên tổng số nợ nếu quá thời hạn thanh toán, thời hạn nợ quá hạn cũng không được quá 05 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán. Sau thời hạn nêu trên, ngoài mức phạt lãi suất bên B phải chịu phạt vi phạm mức 8% trên tổng số nợ.

Từ tháng 8 năm 2014 ông THMC có nhiều vi phạm trong việc thanh toán tiền mua hàng nên Công ty Sagrifood ngưng cung cấp hàng cho ông C và ông C còn nợ số tiền 737.659.000 đồng, ông Công chỉ mới thanh toán nhiều lần, hiện tổng số tiền ông THMC chủ cơ sở Khang Thư còn nợ là 402.659.000 đồng theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 16/5/2017.

Bị đơn ông THMC chủ cơ sở Khang Thư không tham gia tố tụng, xem như từ bỏ quyền chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại phiên tòa.

Việc ông THMC không thực hiện nghĩa vụ thanh toán là vi phạm Điều 3 hợp đồng nguyên tắc số 22A/HĐ-SAF-CC.13 ngày 01/8/2013; Điều 50 Luật thương mại;

Điều 440 Bộ luật dân sự năm 2015 nên ông C phải có trách nhiệm trả tiền lãi theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại. Đồng thời do 02 bên có thỏa thuận phạt vi phạm 8% trên tổng nợ phù hợp theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại ông C còn phải chịu phạt vi phạm hợp đồng với mức phạt là 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm, thành tiền 32.212.720 đồng. Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn không yêu cầu về tính lãi chậm trả đối với số tiền đã trả, chỉ yêu cầu tính tiền lãi chậm trả đối với số tiền còn nợ theo từng hóa đơn chưa trả, việc thay đổi yêu cầu tính tiền lãi chậm trả này phù hợp với Điều 468 Bộ luật dân sự nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Như vậy tiền lãi chậm trả được tính trên từng hóa đơn như sau:

+ Hoá đơn số 0024792 xuất ngày 30/11/2013, số tiền 76.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 10/12/2013, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1482 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 42.237.000 đồng.

+ Hoá đơn số 0024799 xuất ngày 12/12/2013, số tiền 65.800.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 22/12/2013, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1470 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 36.272.250 đồng.

+ Hóa đơn 0028952 ngày 13/12/2013, số tiền 41.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 23/12/2013, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1469 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 22.585.875 đồng.

+ Hóa đơn 0028970 ngày 16/12/2013, số tiền 35.760.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 26/12/2013, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1466 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 19.659.060 đồng.

+ Hóa đơn 0028979 ngày 23/12/2013, số tiền 38.200.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 02/01/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1459 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 20.900.175 đồng.

+ Hóa đơn 0032021 ngày 31/01/2014, số tiền 14.400.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 10/02/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1420 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 7.668.000 đồng.

+ Hóa đơn 0032027 ngày 05/02/2014, số tiền 21.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 15/02/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1415 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 11.143.125 đồng.

+ Hóa đơn 0009978 ngày 21/7/2014, số tiền 77.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 31/7/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1249 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 36.064.875 đồng.

+ Hóa đơn 0009981 ngày 24/7/2014, số tiền 15.000.000 đồng, ngày đến hạn thanh toán 03/8/2014, tính đến ngày 31/12/2017 thì số ngày chậm trả là 1246 ngày, lãi suất 13.5%/năm, thành tiền 7.008.750 đồng.

tổng cộng tiền lãi chậm trả là 203.819.929 đồng.

Như vậy, ông THMC chủ cơ sở Khang Thư phải trả cho Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên số tiền mua hàng chưa thanh toán 402.659.000 đồng, khoản tiền lãi phạt phát sinh do quá thời hạn thanh toán là 203.819.929 đồng và tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 32.212.720 đồng, tổng cộng 638.691.649 đồng.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn.

[5] Ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là phù hợp với quy định của pháp luật và có cơ sở chấp nhận

[6] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bị đơn ông THMC chủ cơ sở Khang Thư phải chịu theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 30; Điều 35; Điều 39; các Điều 91; 92; 144, 147, 228, 266, 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ Điều 357; Điều 440 và Điều 468 Bộ luật dân sự; Căn cứ các Điều 50, 301 và Điều 306 Luật thương mại;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên đối với yêu cầu ông THMC chủ cơ sở Khang Thư về việc Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.

2. Buộc ông THMC - Chủ cơ sở Khang Thư có trách nhiệm trả cho Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên số tiền mua hàng chưa thanh toán 402.659.000 đồng (bốn trăm lẻ hai triệu sáu trăm năm mươi chín nghìn đồng), khoản tiền lãi phạt phát sinh do quá thời hạn thanh toán là 203.819.929 đồng (Hai trăm lẻ ba triệu tám trăm mười chín nghìn chín trăm hai mươi chín đồng) và tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 32.212.720 đồng (ba mươi hai triệu hai trăm mười hai nghìn bảy trăm hai mươi đồng). Tổng cộng 638.691.649 đồng (Sáu trăm ba mươi tám triệu sáu trăm chín mươi mốt nghìn sáu trăm bốn mươi chín đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án không thanh toán số tiền trên cho người được thi hành án thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải trả cho người được thi hành án số tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời hạn và số tiền chậm trả.

3. Về án phí:

Ông THMC chủ cơ sở Khang Thư phải chịu 29.547.700 đồng (hai mươi chín triệu năm trăm bốn mươi bảy nghìn bảy trăm đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Hoàn trả cho Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên số tiền 18.472.496 đồng (Mười tám triệu bốn trăm bảy mươi hai nghìn bốn trăm chín mươi sáu đồng) theo biên lai thu tiền số 0016971 ngày 18/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguyên đơn có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

640
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 07/2019/KDTM-ST ngày 29/08/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:07/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Thuận An - Bình Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;