TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 05/2022/DS-PT NGÀY 06/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN
Ngày 06 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 238/2021/TLPT- DS ngày 30 tháng 7 năm 2021 về “Tranh chấp hợp đồng ủy quyền” do Bản án dân sự sơ thẩm số 1584/2021/DS-ST ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3844/2021/QĐXXPT- DS ngày 25 tháng 10 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 11779/2021/QĐPT-DS ngày 23/12/2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn, sinh năm: 1975; địa chỉ:
117/1 Hoàng Diệu 2, khu phố 3, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt) - Bị đơn: Bà Hà Thị Minh Nguyệt, sinh năm: 1962; địa chỉ: 48 đường Hồ Văn Tư, khu phố 1, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, sinh năm: 1980- Luật sư, Công ty Luật TNHH Song Kim, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: 208/34 Phan Huy Ích, Phường 12, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt).
- Người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan:
1/- Bà Huỳnh Thị Bé Chính, sinh năm: 1976; địa chỉ: 117/1 Hoàng Diệu 2, Khu phố 3, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt) 2/- Bà Ngô Hà Minh Ngọc: sinh năm: 1987; địa chỉ: 48 đường Hồ Văn Tư, khu phố 1, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung bản án sơ thẩm:
Ý kiến trình bày của nguyên đơn như sau: Giữa ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn (viết tắt là “nguyên đơn”) và vợ bà Hà Thị Minh Nguyệt (viết tắt là “bị đơn”) có thỏa thuận hùn tiền với nhau để mua chung 20 tấn gạo có tên là “Bụi Hồng” cấy 06 tháng (gạo có màu hồng) để làm từ thiện. Bị đơn có nói với nguyên đơn gạo có nguồn gốc của một ông Sư ở An Giang, nên nguyên đơn mới đồng ý mua chung với bị đơn 20 tấn, mỗi người 10 tấn; bị đơn có nói với nguyên đơn đã trả tiền trước cho nhà Sư rồi nên yêu cầu nguyên đơn chuyển tiền cho bị đơn và nguyên đơn đã chuyển tiền cho nguyên đơn vào tài khoản của Ngô Hà Minh Ngọc (là con gái của nguyên đơn). Khoảng 23 giờ 00 ngày 08/3/2020 bị đơn giao gạo đến nhà nguyên đơn tại địa chỉ 5/7 Đường số 8, khu phố 5, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức gồm 20 tấn gạo (gồm 10 tấn nguyên đơn nhờ bị đơn mua giùm và 10 tấn còn lại là của bị đơn gửi nhờ). Sáng ngày 09/3/2020, nguyên đơn kiểm tra thì phát hiện gạo bị đơn giao cho nguyên đơn không đúng thỏa thuận nên nguyên đơn đã gọi bị đơn đến để giải quyết, ngày 10/3/2020 bị đơn cho người đến chở 01 tấn gạo đi trước, ngày 12/3/2020 bị đơn đến nhà nguyên đơn để làm việc và cam kết sẽ chuyển 10 tấn gạo đi và trả lại tiền cho nguyên đơn. Đến ngày 15/3/2020, bị đơn cho người đến chở tiếp 09 tấn; còn lại 10 tấn, bị đơn không thực hiện và nói 10 tấn còn lại của nguyên đơn nhờ mua giùm nên không đồng ý chuyển đi; sự việc nguyên đơn đã làm đơn tới công an quận và Ủy ban nhân dân phường Trường Thọ để giải quyết nhưng không thành; vì vậy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho nguyên đơn số tiền hùn mua gạo là 260.000.000 đồng và bị đơn có trách nhiệm di dời 10 tấn gạo đi ra khỏi nhà nguyên đơn.
Đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung buộc bị đơn phải có trách nhiệm trả tiền thuê mặt bằng trong thời gian giữ gạo số tiền 35 triệu đồng, nguyên đơn xin rút không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trình bày của bà Hà Thị Minh Nguyệt: Giữa nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận hùn tiền đi mua chung 20 tấn gạo để làm từ thiện; gạo các bên thỏa thuận mua chung có tên là gạo “Bụi Hồng” cấy 06 tháng (gạo có màu trắng). Sau khi mua xong 20 tấn gạo ở An Giang thì bị đơn vận chuyển đến nhà nguyên đơn để, khoảng 01 tuần sau thì bị đơn vận chuyển 10 tấn gạo của bị đơn đi làm từ thiện, còn lại 10 tấn là của nguyên đơn nhờ bị đơn mua giùm. Bị đơn đã nhận đủ số tiền 10 tấn gạo của nguyên đơn chuyển vào tài khoản của con gái bị đơn tên là Ngô Hà Minh Ngọc. Bị đơn giao gạo cho nguyên đơn vào khoảng 19 giờ tối, ngày nào thì bị đơn không nhớ nhưng không phải ngày 08/3/2020, bị đơn đã giao gạo cho nguyên đơn đúng như theo thỏa thuận, nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người có quyền, nghĩa vụ liên quan – bà Huỳnh Thị Bé Chính: Thống nhất với ý kiến trình bày của nguyên đơn và không có ý kiến gì thêm.
Người có quyền, nghĩa vụ liên quan – bà Ngô Hà Minh Ngọc: Thống nhất với ý kiến trình bày của bị đơn và không có ý kiến gì thêm.
Bản án sơ thẩm số 1584/2021/DS-ST ngày 15/6/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn; cụ thể:
- Buộc bà Hà Thị Minh Nguyệt phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn số tiền 260.000.000 đồng.
- Buộc bà Hà Thị Minh Nguyệt phải có trách nhiệm đến nhà ông Sơn tại địa chỉ 5/7 Đường số 8, khu phố 1, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh để di dời 10 tấn gạo đi nơi khác.
- Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải có trách nhiệm trả cho nguyên đơn số tiền gửi giữ 10 tấn trong thời gian 07 tháng là 35.000.000 đồng.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ thi hành án, chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 22/6/2021, Tòa án cấp sơ thẩm nhận được đơn kháng cáo đề ngày 18/6/2021 của bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án số 1584/2021/DS-ST ngày 15-6-2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn trình bày ý kiến: Tại Đơn khởi kiện nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại số tiền 260.000.000 đồng đã nhận của nguyên đơn do bị đơn không thực hiện đúng công việc đã thỏa thuận. Nay nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả lại nguyên đơn số tiền tương đương 10 tấn gạo là 250.000.000 (Hai trăm năm mươi triệu) đồng; số tiền liên quan đến chi phí vận chuyển, bốc dỡ 20 tấn gạo tương đương 10.000.000 đồng nguyên đơn tự nguyện chịu; không yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại.
Bị đơn trình bày ý kiến: Tại cấp sơ thẩm bị đơn có tham gia và ký tên vào Biên bản phiên họp về việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 16/3/2021, Biên bản lấy lời khai ngày 18/3/2021 và Biên bản đối chất ngày 02/4/2021 và được thẩm phán giải thích về việc nguyên đơn có giao nộp mẫu gạo để tiến hành giám định tên gạo xác định gạo “màu trắng” hay gạo “màu hồng” có tên gọi là gọi “Bụi Hồng”; sau khi có kết quả giám định bị đơn đã được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo kết quả giám định ngày 04/5/2021 của Công ty cổ phần giám định Nam Việt. Bị đơn không đồng ý với mẫu gạo mà nguyên đơn giao nộp cho Tòa án để đưa đi giám định và kết quả giám định tại Chứng thư giám định tên hàng số 21ND0244/TA ngày 04/5/2021 của Công ty cổ phần giám định Nam Việt, nhưng bị đơn không có văn bản phản đối, không khiếu nại kết quả giám định và không yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm giám định lại. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả số tiền 260.000.000 đồng cho nguyên đơn là không đúng vì giá gạo mua là 25.000 đồng/kg nên 10 tấn là 250.000.000 đồng và chi phí vận chuyển 20 tấn gạo là 6.200.000 đồng và bốc dỡ là 3.500.000 đồng; như vậy, tổng chi phí vận chuyển, bốc dỡ phần của nguyên đơn và tiền mua gạo là 254.800.000 đồng; số tiền dư 8.700.000 đồng bị đơn đã trả cho vợ chồng nguyên đơn. Các bên chỉ thỏa thuận việc mua giùm gạo với mục đích làm từ thiện, hoàn toàn không có việc mua bán gạo giữa nguyên đơn và bị đơn nên bản án sơ thẩm buộc bị đơn nhận lại gạo là không hợp lý, gây thiệt hại cho bị đơn. Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập người bán gạo tham gia vụ án là không đúng. Bị đơn không đồng ý kết quả giám định tại Chứng thư giám định tên hàng số 21ND0244/TA ngày 04/5/2021 và Văn bản phúc đáp số 0306/NVC- TATP/2021 ngày 11/11/2021 của Công ty cổ phần giám định Nam Việt nhưng bị đơn không yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành giám định lại. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Ngô Hà Minh Ngọc xác định có nhận số tiền 260.000.000 đồng của nguyên đơn chuyển khoản, sau đó bà Ngọc đã chuyển lại cho bị đơn.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Huỳnh Thị Bé Chính có ý kiến: Thống nhất với trình bày của nguyên đơn. Trước đây, bị đơn có mượn tiền của bà Chính nhiều lần lúc thì mượn 1.500.000 đồng, 5.000.000 đồng, có khi mượn 100.000 đồng nên bà Chính không nhớ chính xác là bao nhiêu nhưng sau đó bị đơn có trả lại bà Chính đủ số tiền đã mượn. Đối với số tiền dư 8.700.000 đồng như bị đơn trình bày thì bà Chính chưa nhận và không bổ sung thêm ý kiến.
Ý kiến của Luật sư – Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ được tên gọi gạo “Bụi Hồng”, hay gạo “Bụi Hồng” cấy 06 tháng, việc giám định mẫu gạo do nguyên đơn cung cấp là chưa đảm bảo đúng quy định, việc lấy mẫu gạo đi giám định không đúng trình tự. Nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh các đương sự thỏa thuận mua bán “Bụi Hồng” là gạo “Màu hồng”. Nghĩa vụ chứng minh màu gạo có tên gọi là “Bụi Hồng” thuộc về nguyên đơn, bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh. Giá gạo mua là 25.000 đồng/kg (10 tấn là 250.000.000 đồng) và chi phí vận chuyển và bốc dỡ 20 tấn gạo là 9.700.000 đồng : 2 = 4.850.000 đồng; như vậy, tổng chi phí vận chuyển, bốc dỡ và mua gạo phần của nguyên đơn là 254.800.000 đồng nhưng bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải trả số tiền 260.000.000 đồng cho nguyên đơn là không đúng; Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành triệu tập người bán gạo tham gia tố tụng để làm rõ tên gạo và chất lượng gạo đã bán cho bị đơn là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong việc thu thập chứng cứ. Công văn phúc đáp ngày 11/11/2021 của Công ty cổ phần giám định Nam Việt vẫn dựa trên mẫu gạo theo kết quả giám định tại chứng thư giám định tên hàng số 21ND0244/TA ngày 04/5/2021 là không đảm bảo chính xác. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị đơn, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm như sau:
+ Về tố tụng: Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quyền hạn, nhiệm vụ và các đương sự chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa.
+ Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Bị đơn thực hiện quyền kháng cáo trong thời hạn luật định, căn cứ Điều 273 và Điều 285 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết là đúng quy định của pháp luật.
+ Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định quan hệ tranh chấp của vụ án là “Hợp đồng mua bán tài sản”, trong khi giữa nguyên đơn và bị đơn không có hợp đồng mua bán là chưa phù hợp. Thực tế các bên chỉ thỏa thuận nguyên đơn chuyển tiền để bị đơn mua giùm gạo làm từ thiện, nên căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này phải xác định là tranh chấp “Hợp đồng ủy quyền”.
Về thực hiện nghĩa vụ ủy quyền: Nguyên đơn đã chuyển tiền, bị đơn đã giao gạo nhưng không đúng loại gạo các bên đã thỏa thuận nên nguyên đơn không thể làm từ thiện. Các bên thống nhất bị đơn mua giùm cho nguyên đơn 10 tấn gạo có tên gọi “Bụi Hồng” cấy 06 tháng nhưng các bên không cung cấp được chứng cứ chứng minh thỏa thuận loại gạo, màu gạo. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn có ý kiến xác định trước đó bị đơn đồng ý nhận lại 10 tấn gạo mua giùm nhưng do nguyên đơn có thái độ không tốt nên không đồng ý nhận. Tại cấp sơ thẩm, các bên thống nhất mang mẫu gạo do nguyên đơn cung cấp đi giám định và thống nhất chọn Công ty Cổ phần giám định Nam Việt là đơn vị thực hiện giám định để xác định gạo có tên gọi “Bụi Hồng” là gạo “màu trắng” hay gạo “màu hồng”. Sau khi có kết quả giá định, bị đơn không có yêu cầu giám định lại. Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn cũng không yêu cầu giám định lại nên cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận trình bày của bị đơn. Căn cứ quy định tại các điều 562, 565, 566 và Điều 568 Bộ luật Dân sự năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, sửa quan hệ pháp luật tranh là tranh chấp “Hợp đồng ủy quyền”; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn số tiền 250.000.000 đồng; bị đơn phải nhận lại 10 tấn gạo đã giao. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả số tiền gửi giữ 10 tấn gạo là 35 triệu đồng, ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn không yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại. Bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn chi phí giám định. Án phí sơ thẩm bị đơn phải chịu theo quy định, bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét, thẩm tra và kết quả tranh tụng, ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa; Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng [1.1] Quyền, thời hạn kháng cáo và thẩm quyền giải quyết: Đơn kháng cáo ngày 22/6/2021 của bị đơn trong thời hạn và bị đơn đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định tại Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; do vậy, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 1584/2021/DS-ST ngày 15-6-2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức là đúng pháp luật về thẩm quyền.
[1.2] Về tài liệu chứng cứ thu thập thêm: Văn bản số 0306/NVC- TATP/2021 ngày 11/11/2021 của Công ty cổ phần giám định Nam Việt.
[2] Giải quyết yêu cầu kháng cáo của bị đơn [2.1] Việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp Căn cứ vào đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và sự thừa nhận của các bên đương sự tại phiên tòa có đủ cơ sở xác định ngày 08/3/2020 nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận bằng lời nói cùng nhau mua 20 tấn gạo để làm từ thiện, nguyên đơn đã chuyển tiền 260.000.000 đồng (bao gồm cả chi phí vận chuyển) để bị đơn mua giùm 10 tấn gạo có tên gọi là “Bụi Hồng”, thời hạn trồng là 06 tháng (Bút lục 116-117); bị đơn đã mua gạo giao tại nhà nguyên đơn. Như vậy, giữa nguyên đơn và bị đơn hình thành quan hệ ủy quyền mua gạo; không có chứng cứ chứng minh giữa nguyên đơn và bị đơn có hợp đồng hay thỏa thuận mua - bán gạo với nhau. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” là chưa chính xác. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Điều 562 Bộ luật Dân sự cần phải xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp hợp đồng ủy quyền” để giải quyết đảm bảo đúng với bản chất vụ việc.
[2.2] Về giải quyết nội dung kháng cáo của bị đơn [2.2.1] Về triệu tập người tham gia tố tụng Xét, Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị đơn trình bày cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập người bán gạo tham gia tố tụng là thiếu sót ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án là không có căn cứ chấp nhận. Vì tại Biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ ngày 16/3/2021 không có đơn sự nào đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập người bán gạo cho bị đơn tham gia vụ án. Mặt khác, giữa nguyên đơn và bị đơn chỉ thỏa thuận bị đơn mua gạo giùm nguyên đơn, nên bị đơn mua gạo của ai là quan hệ của bị đơn với người bán gạo, không liên quan đến nguyên đơn. Bị đơn được quyền khởi kiện tranh chấp việc mua bán gạo trực tiếp với người bán gạo khi có yêu cầu trong vụ án khác. Căn cứ khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự việc Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập người bán gạo tham gia vụ án là có căn cứ.
[2.2.2] Về việc giám định gạo Căn cứ trình bày của nguyên đơn, bị đơn và bà Ngô Hà Minh Ngọc tại Bản tự khai ngày 22/9/2020 (bút lục 97-104) và tại phiên tòa thì ngày 06/3/2020 nguyên đơn đã chuyển khoản số tiền 260.000.000 đồng vào tài khoản của con gái bị đơn là bà Ngô Hà Minh Ngọc, sau đó bà Ngọc đã chuyển lại số tiền này cho bị đơn để bị đơn mua giùm nguyên đơn 10 tấn gạo; bị đơn đã mua gạo và giao 10 tấn gạo cho nguyên đơn tại nhà của nguyên đơn.
Tại Biên bản hòa giải ngày 16/3/2021 (Bút lục 116-117), Biên bản lấy lời khai lập ngày 18/3/2021 (Bút lục 112) nguyên đơn cho rằng gạo “Bụi Hồng” thời hạn trồng 06 tháng mà nguyên đơn ủy quyền cho bị đơn mua là gạo có “màu hồng”, còn bị đơn cho rằng gạo “Bụi Hồng” thời hạn trồng 06 tháng thỏa thuận mua dùm là gạo “màu trắng”. Do các đương sự chỉ thống nhất được tên gọi của gạo là gạo “Bụi Hồng” thời hạn trồng 06 tháng mà không cung cấp được chứng cứ chứng minh giữa nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận màu gạo là “màu trắng” hay “màu hồng”, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định nguyên đơn và bị đơn thống nhất xác định gạo nguyên đơn nhờ bị đơn mua có tên là “Bụi Hồng”, thời hạn trồng 06 tháng nhưng không thống nhất với nhau về màu gạo là có cơ sở.
Bị đơn xác định không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến xuất xứ, tên gọi của gạo theo yêu cầu của nguyên đơn tại Biên bản kiểm tra việc giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 16/3/2021 (Bút lục 113-114-115). Do vậy, nguyên đơn có yêu cầu giám định tên gạo và đã giao mẫu gạo vào ngày 02/4/2021 cho Tòa án để thực hiện giám định theo Biên bản tiếp nhận chứng cứ (Bút lục 126). Tại Biên bản lấy lời khai của đương sự (bị đơn) ngày 18/3/2021 và Biên bản đối chất ngày 02/4/2021 (Bút lục 118-119) bị đơn đã đồng ý thống nhất mang 02 mẫu gạo mà nguyên đơn cung cấp để giám định xác định gạo “màu hồng” hay gạo “màu trắng” có tên gọi là gạo “Bụi hồng” và chọn Công ty cổ phần giám định Nam Việt để thực hiện việc giám định, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện ở cấp sơ thẩm bị đơn có ý kiến phản đối việc Tòa án cấp sơ thẩm sử dụng mẫu gạo do nguyên đơn cung cấp đi giám định.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn xác định sau khi được tiếp cận công khai tài liệu, chứng cứ và hòa giải, bị đơn không có ý kiến phản đối bằng văn bản về mẫu gạo do nguyên đơn nộp cho Tòa án đem đi giám định và không có đơn khiếu nại kết quả giám định tại Chứng thư giám định ngày 04/5/2021 của Công ty Cổ phần giám định Nam Việt tại cấp sơ thẩm. Do vậy, việc bị đơn cho rằng, bị đơn có ý kiến không đồng ý về mẫu gạo mà nguyên đơn giao nộp để giám định và không đồng ý kết quả giám định tại Chứng thư giám định ngày 04/5/2021 của Công ty Cổ phần giám định Nam Việt tại cấp sơ thẩm là không có căn cứ.
Để có căn cứ giải quyết dứt điểm yêu cầu của các đương sự trong vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật, ngày 10/11/2021 Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số 4785/TATP-TDS yêu cầu Công ty Cổ phần giám định Nam Việt giải thích kết quả giám định tại Chứng thư giám định về tên hàng số 21ND0244/TA ngày 04/5/2021; cụ thể làm rõ: 02 mẫu gạo được đem đi giám định theo Quyết định trưng cầu giám định số 12954/QĐ-TCGĐ ngày 02/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức có phải gạo có tên gọi là “Bụi Hồng” không? có phải là loại gạo “Bụi hồng” không?.
Tại Văn bản phúc đáp số 0306/NVC-TATP/2021 ngày 11/11/2021 của Công ty Cổ phần giám định Nam Việt có nội dung xác định: “Các mẫu gạo đã được kiểm tra và kết quả được thể hiện tại Chứng thư giám định về tên hàng số 21ND0244/TA ngày 04/5/2021 có tên gọi và loại gạo như sau:
1) Tên gọi:
Mẫu 1: Gạo nâu Việt Nam hạt dài (không phải tên gạo bụi hồng) Mẫu 2: Gạo trắng Việt Nam hạt dài (không phải tên gạo bụi hồng) 2) Loại gạo: Căn cứ theo kết quả phân tích hàm lượng tinh bột và Protein của các mẫu kiểm tra là loại gạo hạt dài có xuất xứ từ Việt Nam (không phải loại gạo Bụi hồng)”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát đã giải thích các quy định về giám định, giám định lại và bị đơn được quyền yêu cầu giám định lại để xác định tên gạo, loại gạo và làm rõ tính chính xác của kết quả giám định tại Chứng thư giám định về tên hàng số 21ND0244/TA ngày 04/5/2021 và Văn bản phúc đáp số 0306/NVC-TATP/2021 ngày 11/11/202 của Công ty Cổ phần giám định Nam Việt làm căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết yêu cầu của các bên đương sự nhưng bị đơn từ chối và không yêu cầu giám định lại. Có căn cứ xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã làm rõ được tên gọi của gạo theo yêu cầu của các bên đương sự.
Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm xác định bị đơn phải có nghĩa vụ chứng minh gạo “Bụi hồng” có “Màu trắng” là không đúng, vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về nguyên đơn- người yêu cầu. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó”. Đối chiếu với quy định này, sau khi có kết quả giám định theo yêu cầu của nguyên đơn mà bị đơn phản đổi thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về bị đơn. Nhưng bị đơn không thực hiện nghĩa vụ chứng minh theo quy định của pháp luật nên không có cơ sở xác định việc lấy mẫu gạo giám định và kết quả giám định của Công ty Cổ phần Giám định Nam Việt không đúng quy định và không khách quan như trình bày của bị đơn và Luật sư.
[2.2.3] Về chi phí mua gạo, vận chuyển và bốc dỡ gạo Xét, các bên thống nhất giá gạo nguyên đơn nhờ bị đơn mua là 25.000 đồng/kg, như vậy 10 tấn gạo có giá mua là 250.000.000 đồng. Bị đơn cho rằng chi phí vận chuyển 20 tấn gạo là 6.200.000 đồng :2= 3.600.000 đồng, chi phí bốc dỡ 3.500.000 đồng : 2= 1.250.000; tổng cộng chi phí vận chuyển và bốc dỡ 10 tấn gạo phần của nguyên đơn là 4.850.000 đồng, tiền mua gạo là 250.000.000 đồng; tổng cộng là 254.850.000 đồng. Bị đơn đã nhận của nguyên đơn 260.000.000 đồng như vậy, còn dư của nguyên đơn số tiền 8.700.000 đồng, nhưng bị đơn đã trả cho vợ chồng nguyên đơn số tiền dư 8.700.000 đồng, người nhận tiền là bà Huỳnh Thị Bé Chính, nhưng bị đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc bà Chính đã nhận số tiền 8.700.000 đồng. Nguyên đơn và bà Huỳnh Thị Bé Chính không thừa nhận đã nhận số tiền dư 8.700.000 đồng từ bị đơn. Theo bà Huỳnh Thị Bé Chính thì bị đơn có trả tiền mà bị đơn đã vay của bà Chính trước đây, số tiền vay bao nhiêu bà Chính không nhớ chính xác nhưng bị đơn đã trả đủ tiền vay. Do đó, như trình bày của bị đơn đã trả cho nguyên đơn số tiền 8.700.000 đồng là không có cơ cở chấp nhận.
Như vậy, có cơ sở xác định bị đơn đã không thực hiện đúng công việc được nguyên đơn ủy quyền; cụ thể: Bị đơn đã mua gạo không đúng tên gọi và loại gạo như các bên đã thỏa thuận. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả lại số tiền 250.000.000 đồng tương đương với 10 tấn gạo nên có cơ sở chấp nhận. Hội đồng xét xử ghi nhận việc nguyên đơn không yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại.
Căn cứ quy định tại các Điều 562, Điều 565 và Điều 568 Bộ luật dân sự năm 2015, xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ, cần phải sửa Bản án sơ thẩm số 1584/2021/DS-ST ngày 15- 6-2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức về quan hệ pháp luật tranh chấp và phát sinh tình tiết mới do nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa phúc thẩm.
[4] Đối với các nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên căn cứ Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Toà án cấp phúc thẩm không xem xét.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên bị đơn kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ các điều 138, 562, 565 và Điều 568 Bộ luật dân sự năm 2015 Căn cứ Nghị quyết 326/2016UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án;
Căn cứ Luật thi hành án dân sự.
Tuyên xử:
1. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 1584/2021/DS-ST ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Tòa án Nhân dân thành phố Thủ Đức. Cụ thể:
1.1. Quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng ủy quyền”.
1.2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn - Buộc bà Hà Thị Minh Nguyệt trả lại cho ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn số tiền 250.000.000 (Hai trăm năm mươi triệu) đồng.
- Bà Hà Thị Minh Nguyệt phải nhận lại 10 tấn gạo đã giao cho ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn tại địa chỉ 5/7 Đường số 8, khu phố 1, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc giao nhận tiền và gạo thực hiện tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
1.3. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn buộc bà Hà Thị Minh Nguyệt phải trả số tiền gửi giữ 10 tấn gạo trong thời gian 07 tháng là 35.000.000 đồng.
1.4. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn không yêu cầu bà Hà Thị Minh Nguyệt phải bồi thường thiệt hại và chịu toàn bộ chi phí bố dỡ và vận chuyển là 10.000.000 đồng.
1.5. Về chi phí tố tụng: Bà Hà Thị Minh Nguyệt phải trả lại cho ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn số tiền giám định là 31.548.000 đồng.
1.6. Về án phí dân sự sơ thẩm: 12.500.000 đồng bà Hà Thị Minh Nguyệt phải chịu.
Trả lại cho ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp 6.500.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0057645 ngày 25/8/2020 và số tiền 875.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0058073 ngày 29/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức (nay là thành phố Thủ Đức), Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thi hành án tại Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên bà Hà Thị Minh Nguyệt không phải chịu án phí phúc thẩm.
Trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng cho bà Hà Thị Minh Nguyệt đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0059289 ngày 28/6/2021 của Cục thi hành án dân sự thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 05/2022/DS-PT về tranh chấp hợp đồng ủy quyền
Số hiệu: | 05/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 06/01/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về