Bản án 05/2021/HS-PT ngày 02/02/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 05/2021/HS-PT NGÀY 02/02/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 02 tháng 02 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 60/2020/TLPT-HS ngày 10 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo Đào Văn T và Nông Đức C do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.

Bị cáo bị kháng nghị:

1. Đào Văn T (tên gọi khác: Không), sinh năm 1981 tại tỉnh Tuyên Quang.

Nơi cư trú: Thôn T, xã K, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang; giới tính: Nam; dân tộc: Tày; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 9/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Đào Văn N và bà Ma Thị K; có vợ Nguyễn Thị H và 02 con. Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).

2. Nông Đức C (tên gọi khác: Không), sinh năm 1962 tại tỉnh Tuyên Quang;

Nơi cư trú: Thôn Đồng Đi, xã K, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang; giới tính: Nam; dân tộc: La Chí; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 7/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; chức vụ đoàn thể, đảng phái: Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (Hiện đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng); Con ông Nông Văn L và bà Vàng Thị T (đều đã chết); có vợ Phùng Thị V và 02 con. Tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).

* Bị hại: Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.

Địa chỉ: Thôn Đồng Chằm, xã Tứ Quận, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.

Người đại diện theo pháp luật: ông Phùng Quang B, chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: ông Vương Tuấn H, chức vụ: Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Tân Tiến, huyện Y (có mặt).

Ngoài ra trong vụ án còn có 03 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và 03 người làm chứng không kháng cáo và không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 09/3/2007, Nông Đức C ký hợp đồng nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng (loài cây keo) với Ban quản lý dự án lâm nông nghiệp Công ty lâm nghiệp Tuyên Bình với diện tích 3,7ha, thuộc lô 5d, khoảnh 26 (hiện nay là lô 22- HG2, khoảnh 26 theo Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang về việc điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020), chức năng rừng phòng hộ tại thôn Đồng Đi, xã K, huyện Y. C đã được thanh toán số tiền công trồng, chăm sóc cây tổng cộng là 25.902.610đ. Quá trình chăm sóc một số cây keo bị chết nên diện tích trồng được điều chỉnh còn lại 3,5ha.

Ngày 23/10/2009, Ban quản lý dự án lâm nông nghiệp Công ty lâm nghiệp Tuyên Bình bàn giao diện tích trên cho Ban quản lý dự án và phát triển rừng huyện Y (gọi tắt là Ban quản lý dự án) quản lý. Trong các năm từ 2010 đến 2014, Nông Đức C tiếp tục ký hợp đồng thuê khoán và bảo vệ rừng với Ban quản lý dự án và đã được thanh toán tiền công chăm sóc, bảo vệ tổng cộng là 2.522.870đ.

Đến ngày 20/9/2015, do bị sâu bệnh nên đa số cây keo trong diện tích C nhận chăm sóc, bảo vệ tại lô 5d, khoảnh 26 bị chết, hỏng (chỉ còn lại hơn 200 cây keo) không đảm bảo để nghiệm thu theo quy định. Vì vậy, ngày 25/12/2015 Ban quản lý dự án đã thanh lý hợp đồng, không tiếp tục giao khoán bảo vệ diện tích nêu trên cho Nông Đức C.

Ngày 20/11/2019, thấy số cây keo còn lại trên diện tích trước đây được giao khoán đã lớn nhưng chưa khai thác, Nông Đức C đã tự ý thỏa thuận bán toàn bộ số cây keo còn lại trên diện tích 3,5ha thuộc lô 5d, khoảnh 26, chức năng là rừng phòng hộ cho Đào Văn T với giá là 24.000.000 đồng (Hai mươi bốn triệu đồng). Sau khi mua số cây keo trên từ C, ngày 21/11/2019 T sử dụng 01 chiếc cưa máy (không nhãn mác) một mình khai thác được 106 cây Keo (nhóm VI) tổng khối lượng là 22,616m3 (việc T khai thác chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép).

Sau đó T thuê Hà Kim X làm đường lên đồi keo và Bùi Văn G cùng 03 người đàn ông (không xác định được tên tuổi, địa chỉ) bốc gỗ lên xe tự chế chở số keo khai thác được từ trên đồi xuống để ở gần đường thuộc thôn Đồng Đi, xã K, huyện Y.

Ngày 25/11/2019, T liên hệ thỏa thuận bán cho Phạm Tuấn Trường 19,576m3 gỗ (còn 3,040m3 do bị rỗng thân Trường không mua) với giá 1.200.000 đồng/m3, Trường trả trước cho T 15.000.000 đồng. Sau đó, Trường thuê xe ôtô biển số 19C - 042.50 của Hà Văn Hưng và xe ôtô biển số 22C-060.71 của Triệu Văn Nguyễn để cẩu bốc xếp gỗ chở đi tiêu thụ.

Khoảng 21 giờ ngày 25/11/2019, khi 02 xe ôtô đang vận chuyển gỗ trên đường thuộc thôn Đồng Đi, xã K, huyện Y thì bị Đội Kiểm lâm cơ động, phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm tra lập biên bản, tạm giữ phương tiện cùng tang vật.

Tại Công văn số 168/CCKL- TTPC ngày 14/4/2020 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang xác định: Lô 22-HG2 khoảnh 26 trước khi bị các đối tượng khai thác trái pháp luật được xác định là diện tích đất lâm nghiệp có rừng phòng hộ. Hành vi khai thác gỗ trên diện tích rừng thuộc 22-HG2 khoảnh 26 được xác định là khai thác rừng trái pháp luật.

Tại bản kết luận định giá tài sản số 04/KLĐG ngày 11/02/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Y, tỉnh Tuyên Quang kết luận: Gỗ keo khối lượng 22,616 , có đường kính trung bình 19,85cm, chiều dài trung bình 2,0m thuộc nhóm VI có giá 24.425.280 đồng (Hai mươi tư triệu bốn trăm hai lăm nghìn hai trăm tám mươi đồng).

Tại bản án số 68/2020/HSST ngày 04/9/2020 của Toà án nhân dân huyện Y đã quyết định:

Căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự (đối với bị cáo Đào Văn T) và điểm k, khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự (đối với bị cáo Nông Đức C).

Tuyên bố: Các bị cáo Đào Văn T, Nông Đức C phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Về hình phạt: Áp dụng điểm k, khoản 1, Điều 232; các điểm i, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nông Đức C 07 (bảy) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 14 (mười bốn) tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 04/9/2020).

Áp dụng: điểm c, khoản 1, Điều 232; các điểm b, i, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 36 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Đào Văn T 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Đào Văn T.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự, các điều 357, 468, 584, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự: Bị cáo Nông Đức C và bị cáo Đào Văn T, mỗi bị cáo phải bồi thường cho Ban quản lý dự án và phát triển rừng huyện Y số tiền 5.000.000đ (năm triệu đồng).

Ghi nhận bị cáo T đã nộp khoản tiền tạm thu 2.000.000đ (hai triệu đồng) tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y theo biên lai thu tiền số 0000464 ngày 01/9/2020, số tiền này được trả cho Ban quản lý dự án và phát triển rừng huyện Y để trừ vào khoản tiền bị cáo T phải bồi thường. Bị cáo T còn phải tiếp tục bồi thường cho Ban quản lý dự án và phát triển rừng huyện Y số tiền là 3.000.000đ (ba triệu đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 02 tháng 10 năm 2020 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-VKS-P7, kháng nghị với nội dung: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo hướng: Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HSST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y để điều tra, truy tố, xét xử lại:

- Điều tra làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nông Đức C để xem xét, xử lý theo quy định.

- Nông Đức C và Đào Văn T không phải bồi thường cho Ban quản lý dự án phát triển và bảo vệ rừng Yên Sơn mỗi bị cáo 5.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nông Đức C trình bày: Năm 2007 bị cáo ký hợp đồng nhận khoán trồng, chăm sóc bảo vệ rừng (cây keo) với Ban quản lý dự án lâm nông nghiệp Công ty lâm nghiệp Tuyên Bình với diện tích 3,7ha, thuộc lô 5d khoảnh 26 (nay là lô 22-HG2, khoảnh 26 theo Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng). Tuy nhiên trong quá trình chăm sóc bảo vệ do số cây keo bị mối cắn và dịch bệnh bị chết nên diện tích được điều chỉnh còn lại 3,5ha.

Sau khi Ban quản lý dự án lâm nông nghiệp Công ty lâm nghiệp Tuyên Bình bàn giao diện tích trên cho Ban quản lý dự án và phát triển rừng huyện Y quản lý vào năm 2009, do cây keo bị chết nhiều nên bị cáo tự mua cây keo giống về trồng dặm lại, tuy nhiên đến năm 2015 sau khi Ban quản lý dự án kiểm tra diện tích rừng bị cáo được giao khoán, do cây chết nhiều nên Ban quản lý dự án và phát triển rừng huyện Y đã chấm dứt hợp đồng giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng với bị cáo.

Đến năm 2019 do bị cáo nghĩ là Ban quản lý rừng đã hủy hợp đồng giao khoán, những cây keo do bị cáo trồng dặm còn lại trên diện tích trước đây được giao khoán là của bị cáo, bị cáo muốn khai thác để trồng cây gỗ mỡ nhưng không có nhân lực và dụng cụ để tự khai thác được, nên đã bán vo cho bị cáo T được 24.000.000đ, khi bán giữa bị cáo và T có thỏa thuận nếu T khai thác bán không được 24.000.000đ thì bị cáo sẽ bù lỗ cho T, trước khi T khai thác bị cáo dẫn T lên khu rừng chỉ rõ từng cây trên phần diện tích rừng trước đây bị cáo đã được giao khoán, khi T khai thác cây bị cáo có lên xem T khai thác và chỉ cho T cách cắt cây, bị cáo biết việc khai thác cây không xin phép là sai nhưng vì muốn khai thác để trồng cây gỗ mỡ nên bị cáo bán để lấy tiền mua cây giống và thuê nhân công trồng lại rừng. Bị cáo không có ý lừa dối gì T như kháng nghị của Viện kiểm sát.

Bị cáo Đào Văn T trình bày: Do lần đầu tiên bị cáo đi mua cây keo để khai thác bán lấy tiền có thêm thu nhập cho gia đình và do tin tưởng bị cáo C là người trong gia đình nên cũng nghĩ là cây của bị cáo C còn ít nên không cần xin cấp giấy phép khai thác, khi thỏa thuận mua cây bị cáo cũng không mặc cả (mua vo) vì C có thỏa thuận là nếu bị cáo khai thác bán không đủ tiền thì C sẽ bù lỗ cho bị cáo, khi bị cáo khai thác bị cáo C cũng lên hướng dẫn cho bị cáo cách khai thác, C không lừa dối gì bị cáo như kháng nghị của Viện kiểm sát. Bị cáo biết khai thác cây keo trên rừng phòng hộ là sai, mong Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tại phiên tòa đại diện viện kiểm sát thay đổi một phần kháng nghị, không đề nghị Hủy bản án sơ thẩm để điều tra làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nông Đức C. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm thấy rằng mục đích của bị cáo C muốn khai thác để trồng cây gỗ mỡ nhưng không có khả năng khai thác nên mới bán cho T, hai bên thỏa thuận nếu T khai thác bán không đủ tiền như đã mua của bị cáo C thì C sẽ bù lỗ cho T, đồng thời khi T khai thác bị cáo cũng lên để chỉ cho T khai thác, như vậy bị cáo có cùng ý chí với T về việc khai thác cây keo trên rừng phòng hộ nên hành vi của bị cáo C là đồng phạm với T về hành vi khai thác trái phép lâm sản. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo C theo điểm k khoản 1 Điều 232 là chưa chính xác về hành vi, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sửa bản án sơ thẩm về việc áp dụng pháp luật đối với hành vi của bị cáo C theo điểm c khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự.

Về khoản tiền cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo phải bồi thường cho Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y mỗi bị cáo 5.000.000đ là không đúng, gây bất lợi cho các bị cáo, bởi vì: Số cây các bị cáo khai thác đã được các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Y đo đếm khối lượng và Hội đồng định giá tài sản đã định giá số lâm sản các bị cáo khai thác thành tiền tại thời điểm vi phạm làm căn cứ truy tố các bị cáo, việc đưa vật chứng về bảo quản là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng nên không thể buộc các bị cáo phải bồi thường (bao gồm toàn bộ thiệt hại như các chi phí liên quan đến giảm giá trị gỗ, thuê bốc dỡ, kiểm đếm gỗ...) như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Trong quá trình điều tra bị cáo T đã nộp 2.000.000đ mục đích để chờ khắc phục hậu quả nên cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, do bị cáo không phải bồi thường nên đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng không áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đào Văn T.

Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, sửa bản án sơ thẩm số 68/2020/HSST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y theo hướng: Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đào Văn T và Nông Đức C. Về hình phạt, xét cấp sơ thẩm xử như vậy là phù hợp nên giữ nguyên; về trách nhiệm dân sự không buộc các bị cáo phải bồi thường cho Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y. Trả lại cho bị cáo Đào Văn T 2.000.000đ đã nộp tại Chi cục thi hành hành án dân sự huyện Y. Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bị cáo Đào Văn T, Nông Đức C không có ý kiến tranh luận.

Bị hại không có ý kiến tham gia tranh luận.

Khi được nói lời nói sau cùng, các bị cáo đều đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giữ nguyên phần hình phạt như bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm đều thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không có ý kiến gì về vấn đề này. Do đó, Hội đồng xét xử xác định các hành vi, quyết định tố tụng của những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng đều hợp pháp. Ngày 02/10/2020, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-VKS-P7 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Tuyên Quang là đúng hạn luật định, nên quyết định kháng nghị là hợp lệ.

[2] Về hành vi phạm tội của các bị cáo: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đào Văn T, Nông Đức C tiếp tục thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nông Đức C cho rằng: Bị cáo biết diện tích cây rừng bị cáo được nhận giao khoán trước đây là rừng phòng hộ nhưng do bị cáo nghĩ rằng số cây bị cáo tự mua về trồng dặm vào diện tích rừng bị cáo được giao khoán bảo vệ, chăm sóc từ những năm trước còn sót lại là của bị cáo, nên bị cáo có quyền sử dụng, bị cáo muốn khai thác để trồng cây gỗ mỡ, nhưng không có khả năng để khai thác nên đã bán (bán vo) cho bị cáo T được 24.000.000đ mục đích để mua cây giống và thuê nhân công trồng lại rừng, khi bán cho T bị cáo chỉ ranh giới cho bị cáo T biết và hai bên có thỏa thuận nếu T khai thác bán không đủ số tiền đã bỏ ra mua thì bị cáo sẽ bù lỗ cho T, đồng thời khi T khai thác bị cáo có lên xem và hướng dẫn cách cắt cây cho bị cáo T.

Xét lời trình bày của bị cáo Nông Đức C, Hội đồng xét xử thấy rằng: Việc bị cáo C không tự khai thác được là nằm ngoài ý muốn của bị cáo, khi bán giữa các bị cáo có thỏa thuận nếu T khai thác xong bán không đủ tiền như đã mua thì bị cáo C sẽ bù lỗ cho T, đồng thời khi T khai thác bị cáo C có lên để hướng dẫn cách cắt cây cho bị cáo T (việc này phù hợp với lời khai của bị cáo T tại phiên tòa phúc thẩm), như vậy giữa C và T có cùng ý chí thực hiện tội phạm nên là đồng phạm về hành vi khai thác trái phép lâm sản (cây keo) trên rừng phòng hộ, đây là tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa. Do vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định: Nông Đức C đồng phạm với Đào Văn T về hành vi khai thác trái phép lâm sản (106 cây keo nhóm VI), tổng khối lượng 22,616m3 gỗ trên diện tích 3,5ha thuộc lô 22- HG2, khoảnh 26, chức năng là rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý của Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y. Giá trị lâm sản định giá là 24.425.280 đồng (hai mươi bốn triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn hai trăm tám mươi đồng). Vì vậy cần chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y đối với hành vi của bị cáo Nông Đức C theo điểm c khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự cho phù hợp.

[3] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xem xét không buộc Nông Đức C và Đào Văn T không phải bồi thường cho Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y mỗi bị cáo 5.000.000 đồng.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường cho Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y mỗi bị cáo 5.000.000đ (bao gồm toàn bộ thiệt hại như các chi phí liên quan đến giảm giá trị gỗ, thuê bốc dỡ, kiểm đếm gỗ...) là không đúng quy định của pháp luật, bởi lẽ: Việc các bị cáo có hành vi khai thác trái phép lâm sản được cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, bắt giữ và tiến hành đo đạc, kiểm đếm khối lượng lâm sản bị khai thác là 22,616m3 gỗ keo, sau đó được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Y định giá là 24.425.280 đồng để làm căn cứ khởi tố các bị cáo. Việc kiểm đếm, đo đạc, bảo quản số gỗ trên được xác định là tang vật của vụ án nên cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thu giữ bảo quản vật chứng, mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo và Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y tự thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường, nhưng xét thấy thỏa thuận như bản án sơ thẩm đã tuyên là không đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo, do vậy cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung này.

Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm bị cáo Đào Văn T đã nộp trước 2.000.000đ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Y mục đích chờ khắc phục hậu quả nên Tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xét bị cáo T không phải bồi thường thiệt hại cho Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y như đã phân tích nêu trên, do vậy không áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đào Văn T.

Về các tình tiết giảm nhẹ khác, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng đầy đủ cho các bị cáo nên giữ nguyên.

Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HSST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y để điều tra, truy tố, xét xử lại: Điều tra làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nông Đức C để xem xét, xử lý theo quy định. Xét tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã thay đổi kháng nghị về nội dung này nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Từ những phân tích, đánh giá tại mục [2] và mục [3] nêu trên, Hội đồng xét xử thấy rằng, cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HSST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y về áp dụng pháp luật và trách nhiệm bồi thường dân sự. Về hình phạt, xét cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo mức án như vậy là thỏa đáng, đủ sức răn đe giáo dục nên Hội đồng xét xử giữ nguyên mức án đối với các bị cáo.

[4] Về án phí: Bị cáo Đào Văn T và Nông Đức C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Tuyên Quang về áp dụng pháp luật và trách nhiệm dân sự như sau:

1. Căn cứ: Điểm c khoản 1 Điều 232; điểm i, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51;Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Nông Đức C 07 (bảy) tháng tù cho hưởng án treo về tội: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Thời gian thử thách 01 (một) năm 02 (hai) tháng, thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 04/9/2020).

Giao bị cáo Nông Đức C cho ủy ban nhân dân xã K, huyện Y giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều của Luật thi hành án hình sự . Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Căn cứ: Điểm c, khoản 1, Điều 232; điểm i, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51;Điều 58; Điều 36 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Đào Văn T 09 (chín) tháng Cải tạo không giam giữ về tội: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Đào Văn T. Thời hạn Cải tạo không giam giữ của bị cáo tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã K, huyện Y được giao giám sát, giáo dục đối với bị cáo nhận được Quyết định thi hành án và bản sao bản án.

3. Bị cáo Nông Đức C và Đào Văn T không phải bồi thường cho Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Y, tỉnh Tuyên Quang. Trả lại cho bị cáo Đào Văn T số tiền 2.000.000đ (hai triệu đồng) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y theo biên lai thu tiền số 0000464 ngày 01/9/2020 nhưng tạm giữ để đảm bảo việc thi hành án.

4. Về án phí: Bị cáo Đào Văn T và Nông Đức C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 02/02/2021./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

427
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 05/2021/HS-PT ngày 02/02/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:05/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 02/02/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;