TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN HẢI AN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 05/2020/KDTM-ST NGÀY 11/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG XÂY DỰNG
Ngày 11 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Hải An, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2017/TLST-KDTM ngày 10 tháng 01 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2020/QĐXX-ST ngày 28 tháng 7 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 04/2020/QĐST-KDTM ngày 26 tháng 8 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi D - viết tắt là PVT (nay là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi V – viết tắt là VNP); địa chỉ: Lô CN5.5 A khu công nghiệp Đ, phường Đ 2, quận H, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Huy T - Tổng giám đốc VNP, là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn. Có mặt.
Bị đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí K (viết tắt là PVC-KBC); địa chỉ theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Số 119 đường H, phường N, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh; địa chỉ giao dịch: Số 280 phố T, phường Đ, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Đỗ Phi H - sinh năm 1990; cư trú tại: Số 280 phố T, phường Đ, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh, là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (Văn bản ủy quyền số 02/2019/CV-KBC ngày 30/07/2019). Vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần Thiết kế Quốc tế H- PVC (viết tắt là H-PVC); địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đầu tư: Tầng 4, Tòa nhà CEO, lô HH2-1, khu đô thị M, đường P, xã M, huyện T, thành phố Hà Nội; địa chỉ giao dịch: Phòng 1401, Nhà A2, Khu Innaconex1, số 289A K, quận C, thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Thanh T, sinh năm 1975; nơi ĐKHKTT: Số 46 T, phường N, quận Đ, thành phố Hà Nội; nơi ở hiện nay: Phòng 1401, Nhà A2, Khu Innaconex1, số 289A K, quận C, thành phố Hà Nội – Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện đề ngày 22 tháng 11 năm 2016 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Ngày 14/12/2010, PVT và Nhà thầu Liên danh (gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí K và Công ty Cổ phần Thiết kế Quốc tế H-PVC) ký hợp đồng số Hợp đồng số 14/2010/HĐ-PVTEX-PVCKBC/HERRIM.PVC về việc Lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng – giai đoạn 1 dự án khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên của PVT (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 14). Tổng giá trị hợp đồng: 101.166.755.000 đồng (Một trăm linh một tỷ, một trăm sáu mươi sáu triệu, bảy trăm năm mươi lăm nghìn đồng); hình thức hợp đồng: Là trọn gói – chìa khóa trao tay; tiến độ thi công: 12 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực 30 ngày; phân chia trách nhiệm trong liên danh nhà thầu: PVC-KBC chủ trì nhận thầu và tổ chức thi công xây lắp, H-PVC thực hiện khảo sát địa hình, khảo sát địa chất, lập dự án đầu tư và thiết kế các hạng mục trong dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, PVT và Nhà thầu Liên danh đã ký 06 Phụ lục bổ sung để điều chỉnh mức thanh toán, tạm ứng thêm 20 tỷ đồng và gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến 15/5/2012.
Ngày 31/3/2012, PVC-KBC đã tự ý dừng thi công, rời bỏ công trường và không thông báo cho PVT. Từ thời điểm đó đến nay, dự án vẫn chưa được thi công trở lại. Căn cứ vào Bản án hình sự phúc thẩm số 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, PVT đã thanh toán theo hợp đồng cho PVC-KBC tổng số tiền là 92.081.312.936 đồng (Chín mươi hai tỷ, không trăm tám mươi mốt triệu, ba trăm mười hai nghìn, chín trăm ba mươi sáu đồng), bao gồm: Tiền thanh toán theo hợp đồng là 71.414.776.466 đồng (tổng giá trị hoàn thành dự án là 68.074.072.000 đồng và chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình là 3.340.704.466 đồng); đến năm 2015 PVC- KBC hoàn lại cho PVT 1,5 tỷ đồng; số tiền tạm ứng chưa thu hồi được là 19.166.536.470 đồng.
Trong thời gian nhà thầu bỏ công trường, PVT đã phải tự bảo vệ và thuê thêm 03 bảo vệ trông coi công trường theo hợp đồng lao động với các ông Đoàn Mạnh C, Bùi Văn S và Hoàng Văn H. Tổng chi phí lương cho 03 bảo vệ tính đến ngày 30/9/2016 là 540.702.834 đồng.
Từ khi PVC-KBC dừng thi công dự án, PVT đã nhiều lần gửi công văn trao đổi và tổ chức nhiều cuộc họp với PVC-KBC để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa các bên liên quan và tiếp tục hoàn thành dự án phục vụ người lao động của PVT. PVT đã yêu cầu PVC-KBC tiếp tục thi công dự án hoặc tiến hành thanh lý hợp đồng và hoàn trả cho PVT tiền tạm ứng, nhưng PVC-KBC bất hợp tác, không tôn trọng thiện chí của chủ đầu tư cũng như các cam kết của mình, tìm đủ mọi cách kéo dài thời gian làm đình trệ dự án, không tiếp tục thi công dự án và cũng không hoàn trả cho PVT khoản tiền tạm ứng và bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh cho PVT do việc dừng thi công từ tháng 3 năm 2012 gây ra; tiếp tục để công trình phơi sương phơi nắng trong nhiều năm qua, toàn bộ dự án đã bị xuống cấp nghiêm trọng, giảm giá trị và gây thiệt hại nặng nề cho PVT.
Vì vậy, PVT yêu cầu Toà án giải quyết: Buộc công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí K hoàn trả khoản tiền tạm ứng chưa thu hồi, phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho PVT theo Hợp đồng số 14, cụ thể như sau:
1. Tiền tạm ứng chưa thu hồi theo Hợp đồng : 19.166.536.470 đồng;
2. Tiền lãi đối với số tiền tạm ứng chậm trả với lãi suất 13,5%/năm từ ngày 01/7/2013 đến 30/9/2016 (chi tiết trong Phụ lục 7): 8.481.192.388 đồng;
3. Tiền phạt theo quy định tại Điều 21.2 của Hợp đồng tương ứng 12% giá trị Hợp đồng: 12.140.010.600 đồng;
4. Chi phí trả lương cho bảo vệ trông coi công trường dang dở thi công từ ngày công trường bị dừng thi công từ 31/3/2012 đến ngày 30/9/2016: 554.702.834 đồng;
5. Tiền bồi thường thiệt hại cho PVT các chi phí khác như: Giá trị tài sản bị xuống cấp (chi phí hao mòn tài sản): 11.915.645.609 đồng; chi phí lựa chọn đối tác tiếp tục thực hiện Dự án là 939.230.284 đồng; giá trị trượt giá phần khối lượng chưa thi công do PVC-KBC kéo dài thời gian thi công và bỏ dở không thi công là 1.410.266.036 đồng; chi phí thuê nhà cho cán bộ công nhân viên lâu nay vẫn chưa có nhà ở là 3.240.000.000 đồng. Tổng cộng là 17.505.141.928 đồng (Được xác định cụ thể theo Bảng tổng hợp giá trị thiệt hại mà nguyên đơn đã gửi cho Tòa án).
Tổng cộng là: 57.847.584.220 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí K có ý kiến đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như sau:
Bị đơn (PVC-KBC) xác nhận có ký Hợp đồng số 14/2010/HĐ-PVTEX- PVC.KBC/HERRIM.PVC ngày 14/12/2010 với nguyên đơn là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi D (PVT). Sau khi ký kết hợp đồng, bị đơn đã nghiêm túc triển khai dự án khu nhà ở cán bộ nhân viên – Giai đoạn 1 (“Khu nhà ở”) của PVT. Hợp đồng số 14 xây dựng trên cơ sở xuất đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 được Bộ Xây dựng công bố theo Quyết định số 411/QĐ-BXD ngày 31/3/2010 và đã hoàn thành xây dựng các hạng mục:
- Nhà ở Block 1: Xong phần thô, trát, sơn lót, lát nền, hệ thống nước, một phần hệ thống điện.
- Nhà ở Block 2: Xong phần thô, trát, sơn lót, hệ thống nước, một phần hệ thống điện.
- Trung tâm Y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng: Hoàn thành cơ bản.
- Nhà Trạm điện: Phần xây dựng, lắp đặt cáp ngầm và lắp đặt trạm cơ bản hoàn thành.
- Đường giao thông nội bộ, thoát nước ngoài: Hoàn thành cơ bản.
- Chiếu sáng ngoài nhà: Hoàn thành hào cáp, đế cột.
- Đường tạm vào dự án: Hoàn thành.
- Vườn hoa, công viên cây xanh: Hoàn thành cơ bản.
- San nền: Hoàn thành.
- Sân tenis: Hoàn thành phần nền kết cấu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Hợp đồng, do giá thành vật liệu xây dựng biến động tăng lên dẫn đến giá trị Hợp đồng tại thời điểm ký kết là quá thấp và gần như không mang lại lợi nhuận, thậm chí là dẫn đến thua lỗ cho bị đơn.
Vào thời điểm đó Nhà nước có nhiều chế độ, chính sách thay đổi áp dụng cho ngành Xây dựng như:
- Suất vốn đầu tư xây dựng công trình năm 2010 công bố theo quyết định số 295/QĐ-BXD ngày 22/3/2011 của Bộ xây dựng;
- Thông tư số 02/2011TT-BXD hướng dẫn xác định và công bố chỉ số giá xây dựng ban hành ngày 22/02/2011;
- Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm 2011 tăng theo số liệu của tổng cục thống kê;
- Chỉ số giá xây dựng quý IV và năm 2010 theo quyết định 196/QĐ-BXD ngày 23/02/2011 của Bộ Xây dựng;
- Mức lương tối thiểu vùng tăng theo Nghị định số 22/2011/NĐ-CP ngày 04/04/2011.
Trước tình hình khó khăn, bị đơn đã gửi PVT hồ sơ đề xuất tăng giá trị dự toán. Tháng 5/2012, PVT đã thuê Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Đầu tư Xây dựng N (“Công ty N”) để thẩm định giá trị dự toán xây dựng Khu nhà ở. Dựa trên đơn giá vật liệu theo Công bố giá vật liệu xây dựng công trình tháng 4/2010 của Sở xây dựng thành phố Hải Phòng, Công ty N đã đưa ra kết quả thẩm tra dự toán, kết quả này tăng so với giá trị Hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, sau đó hai bên chưa ký kết văn bản tăng giá trị Hợp đồng. Quan điểm của bị đơn đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như sau:
1/ Về tiền tạm ứng chưa thu hồi theo Hợp đồng số 14 là 19.166.536.470 đồng:
Liên quan đến Hợp đồng này, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra bản án số: 53/2019/HSPT ngày 30/1/2019 về vụ án hình sự liên quan đến việc tạm ứng tiền của Hợp đồng 14. Trong đó đã xác định số tiền dư ứng trên sổ sách là: 19.166.536.470 đồng và tuyên ông Đỗ Văn Hồng phải hoàn trả cho PVT số tiền này.
2/ Về khoản tiền lãi chậm trả đối với số tiền tạm ứng chưa thu hồi theo Hợp đồng số 14 là 19.166.536.470 đồng với mức lãi suất 13,5%/năm tính từ ngày 01/7/2013 đến 30/9/2016:
Khoản tiền này không được quy định trong Phụ lục 7 theo như yêu cầu khởi kiện của PVT đã nêu. Do đó bị đơn không đồng ý thanh toán số tiền lãi này.
3/ Về khoản tiền phạt theo quy định tại Điều 21.2 Hợp đồng tương ứng với 12% giá trị Hợp đồng 12.140.010.600 đồng:
Điều 21.2 của Hợp đồng 14 quy định: “Trong trường hợp tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thực hiện từng hạng mục công việc bị chậm và kéo dài hơn thời hạn quy định trong hợp đồng và do lỗi của bên B thì bên B sẽ phải chịu tất cả các chi phí do việc chậm kéo dài tiến độ và chịu phạt 1% giá trị hợp đồng cho mỗi tuần kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên số tiền phạt tối đa không quá 12% giá trị Hợp đồng và sẽ được khấu trừ vào mốc thanh toán cuối cùng”.
Việc xác định khoản tiền phạt này là không chính xác. PVC-KBC sẽ chịu phạt theo quy định Hợp đồng nếu việc làm chậm tiến độ hoàn toàn là do lỗi chủ quan bị đơn. Tuy nhiên theo quan điểm của bị đơn, việc này cũng là do lỗi hỗn hợp của cả hai bên, thể hiện ở các chi tiết sau:
+ Tại thời điểm ký kết Hợp đồng, Hợp đồng 14 là Hợp đồng EPC được xác định trên cơ sở giá tổng hợp, được tính toán trên cơ sở khối lượng công trình theo dự án đầu tư ban đầu. Thực tế, Chủ đầu tư đã yêu cầu bị đơn thiết kế thay đổi với dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến khối lượng phát sinh (nội dung này thể hiện rõ trong Bản án 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019), đồng thời do giá cả thị trường biến động và nhiều chính sách nhà nước thay đổi như đã trình bày ở trên nên giá trị Hợp đồng quá thấp so với thực tế khối lượng bị đơn phải thực hiện. Bị đơn đã gửi văn bản số 170/PVC.KBC – KT ngày 18/5/2011 xin điều chỉnh giá trị Hợp đồng số 14 lên 135.801.703.000 đồng, nhưng chưa được Chủ đầu tư chính thức chấp thuận bằng văn bản. Việc tăng giá trị Hợp đồng mà bị đơn đề xuất là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hợp đồng (Điều 6.1.3) cũng như yêu cầu bắt buộc của thị trường. PVC- KBC khẳng định yếu tố dẫn đến việc tăng giá trị là yếu tố khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát. Bị đơn cũng đã huy động hết các nguồn tài chính, vay ngân hàng với lãi suất cao để tiếp tục thực hiện công trình và để chi trả các chi phí vật tư, nhân công mà bị đơn đã phải bỏ ra trước đó, dẫn đến gánh nặng tài chính cho bị đơn.
Ngoài ra tại thời điểm đó, bị đơn cũng đề nghị Chủ đầu tư làm việc với Khu công nghiệp để cung cấp điểm đấu nối điện vào công trình (việc này nằm trong phạm vi trách nhiệm của Chủ đầu tư), nhưng PVT không thực hiện dẫn đến việc hạng mục trạm điện và dây tải mà PVC-KBC đã thi công xong mà không được nghiệm thu, đồng thời việc không đấu nối điện gây khó khăn cho quá trình thi công của bị đơn.
Việc Chủ đầu tư chưa đồng ý tăng giá và không thực hiện việc cung cấp điểm đấu nối điện có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành công trình của bị đơn.
+ Mặt khác, tại thời điểm ký kết Hợp đồng căn cứ theo quy định của Điều 110 Luật xây dựng 2014, Điều 41 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 thì mức phạt vi phạm của Hợp đồng này sẽ không vượt quá 12% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm. Do vậy việc PVT áp dụng tiền phạt tương ứng 12% tổng giá trị Hợp đồng là không đúng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là không có căn cứ nên bị đơn không chấp nhận.
4/ Về chi phí trả lương cho bảo vệ trông coi công trường từ ngày 31/3/2012 đến ngày 30/9/2016: 554.702.834 đồng:
Bị đơn không biết việc PVT ký hợp đồng với 03 người bảo vệ như trong hồ sơ đã nộp cho Tòa là để làm nhiệm vụ trông coi công trường hay không. Hai bên cũng chưa có thỏa thuận cụ thể nào về tài chính hay việc thuê nhân công bảo vệ nên PVT không có cơ sở để yêu cầu bị đơn thanh toán chi phí này.
5/ Tiền bồi thường thiệt hại cho PVT 17.505.141.928 đồng:
Khoản tiền bồi thường này theo yêu cầu của PVT đưa ra là không có căn cứ nên bi đơn không chấp nhận. Hơn nữa như đã trình bày ở trên, việc bị đơn dừng thi công không phải hoàn toàn do lỗi của bị đơn, bị đơn không chấp nhận bồi thường cho các chi phí như giá trị tài sản bị xuống cấp, chi phí lựa chọn đối tác tiếp tục dự án, giá trị trượt giá, chi phí thuê nhà cho cán bộ công nhân viên ...
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Thiết kế Quốc tế H-PVC trình bày:
Công ty Cổ phần Thiết kế Quốc tế H-PVC (H-PVC) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí K (PVC-KBC) có ký thỏa thuận liên danh số 305/2010/TTLD/KBC- HEERIM ngày 21/8/2010 để phân công thực hiện một số công việc được thể hiện trong Điều 2 của thỏa thuận này. Các bên nhất trí ủy quyền cho PVC-KBC làm thành viên đứng đầu liên danh, đại diện cho liên danh thực hiện một số công việc, trừ việc ký hợp đồng. PVC-KBC có trách nhiệm chủ trì nhận thầu và tổ chức thi công xây lắp khi được trúng thầu. H-PVC có trách nhiệm khảo sát địa hình, khảo sát địa chất, lập dự án đầu tư và thiết kế các hạng mục trong dự án, kể cả phát sinh khi chủ đầu tư thay đổi quy hoạch; Các bên cùng chịu chi phí quản lý chung của gói thầu theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị thực tế nghiệm thu thanh toán. Ngoài thỏa thuận liên danh này, H-PVC không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào khác với PVC-KBC.
H-PVC không tham gia ký kết Hợp đồng số 14/2010/HĐ-PVTEX- PVCKBC/HERRIM.PVC về việc “Lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên– giai đoạn 1 của PVT” cũng như các phụ lục của hợp đồng. H-PVC cũng không ủy quyền cho PVC-KBC đại diện cho liên danh nhà thầu ký hợp đồng số 14 cũng như các phụ lục của hợp đồng này. Mọi vấn đề liên quan đến nghiệm thu, thanh toán,... PVT đều làm việc trực tiếp với PVC-KBC. H-PVC từ trước đến nay đều không liên quan đến các vấn đề này. H-PVC chỉ thực hiện các vấn đề liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành. Trên thực tế, toàn bộ khối lượng công việc khảo sát, thiết kế của H-PVC đã được chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành và đưa vào thi công. Mọi chi phí thanh toán cho phần việc của H-PVC đều được nhận từ PVC-KBC.
Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa:
Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Nguyên đơn , người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự. Bị đơn chưa thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ theo quy định của bị đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về việc giải quyết vụ án:
- Đối yêu cầu bồi thường số tiền tạm ứng chưa thu hồi được theo Hợp đồng và số tiền lãi của số tiền này đã được giải quyết tại bản án phúc thẩm số 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Vì vậy, tại vụ án này không giải quyết yêu cầu về số tiền tạm ứng chưa thu hồi cũng như tiền lãi đối với khoản tiền này.
- Đối với các yêu cầu khởi kiện còn lại: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền phạt do vi phạm hợp đồng là: 5.114.292.060 đồng; số tiền thuê bảo vệ từ ngày 31/3/2012 đến ngày 01/10/2014 là 225.518.311 đồng; số tiền bồi thường do giá trị tài sản xuống cấp là 11.915.645.609 đồng.
- Về án phí: PVT phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận; PVC-KBC phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Tại Điều 26.6 của Hợp đồng số 14 các bên có thỏa thuận tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài Việt Nam, nhưng không xác định tổ chức trọng tài cụ thể. Vì vậy, khi hai bên xảy ra tranh chấp, ngày 19/9/2016 nguyên đơn nộp hồ sơ lên Trung tâm trọng tài thương mại tài chính yêu cầu giải quyết, đến ngày 26/9/2016 thì bị trả lại. Đây là vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại, thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, vì không xác định được tổ chức trọng tài cụ thể. Do các bên không thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài khác nên nguyên đơn có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết. Vì vậy, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do nguyên đơn yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện (Lô N3, Khu Công nghiệp Đ, phường Đ 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) để giải quyết tranh chấp, nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Hải An, thành phố Hải Phòng theo quy định tại khoản 1 Điều 35 và điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Tòa án triệu tập hợp lệ lần hai, tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông Đỗ Phi H vắng mặt không có lý do; người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh T vắng mặt, nhưng có đơn đề nghị Tòa án giải quyết, xét xử vắng mặt . Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.
[3] Hợp đồng số 14 và các Phụ lục của Hợp đồng này thể hiện Bên A là “PVT”, Bên B là “Nhà thầu Liên danh” gồm: PVC-KBC và H-PVC. Tuy nhiên, khi tham gia ký kết hợp đồng chỉ có người đại diện hợp pháp của PVT và PVC-KBC ký tên, đóng dấu vào bản hợp đồng này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thỏa thuận liên danh số 305/2010/KBC-HEERIM ngày 21/8/2010 giữa PVC-KBC và H- PVC: “…Các bên nhất trí ủy quyền cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí K (PVC-KBC) làm thành viên đứng đầu liên danh, đại diện cho cho liên danh…trừ việc ký hơp đồng”. Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cũng xác nhận , quá trình ký kết và thực hiện Hợp đồng số 14, PVT chỉ làm việc trực tiếp với PVC-KBC và chuyển tiền tạm ứng cho PVC-KBC; H-PVC không nhận tiền tạm ứng và cũng không liên quan gì đến việc thi công xây dựng, phù hợp với lời khai của người đại diện hợp pháp của H-PVC. Do vậy, H-PVC không có quyền và nghĩa vụ gì đối với PVT theo Hợp đồng số 14. Nếu PVC-KBC và H-PVC phát sinh tranh chấp với nhau, thì các bên có quyền khởi kiện để giải quyết bằng 01 vụ án khác.
[4] Về các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
* Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải hoàn trả số tiền tạm ứng chưa thu hồi theo Hợp đồng số 14 là 19.166.536.470 đồng và khoản tiền lãi đối với số tiền này tính theo mức lãi suất 13,5%/năm từ ngày 01/7/2013 đến 30/9/2016 (03 năm 03 tháng) là 8.481.192.388 đồng, Hội đồng xét xử nhận định như sau: Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xác định số tiền tạm ứng chưa thu hồi được này thuộc về trách nhiệm cá nhân ông Đỗ Văn H (nguyên là người đại diện theo pháp luật của PVC-KBC) và tuyên buộc ông H phải trả lại cho nguyên đơn số tiền 19.166.536.470 đồng và số tiền lãi chậm trả của số tiền này. Bản án trên đã có hiệu lực pháp luật. Tại phiên tòa, người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn khai nguyên đơn đã làm đơn yêu cầu Cơ quan Thi hành án B thi hành phần dân sự của Bản án hình sự phúc thẩm số 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019. Như vậy, sự việc này đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự Hội đồng xét xử đình chỉ việc giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
* Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải chịu tiền phạt theo quy định tại Điều 21.2 của Hợp đồng với mức phạt là 12% giá trị Hợp đồng tương ứng với số tiền là: 12.140.010.600 đồng, Hội đồng xét xử nhận định như sau: Theo Điều 21.2 của Hợp đồng 14: “Trong trường hợp tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thực hiện từng hạng mục công việc bị chậm và kéo dài hơn thời hạn quy định trong hợp đồng và do lỗi của bên B thì bên B sẽ phải chịu tất cả các chi phí do việc chậm kéo dài tiến độ và chịu phạt 1% giá trị hợp đồng cho mỗi tuần kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên số tiền phạt tối đa không quá 12% giá trị Hợp đồng và sẽ được khấu trừ vào mốc thanh toán cuối cùng”.
Thỏa thuận này của các bên chưa phù hợp với quy định của pháp luật, vì theo quy định tại Điều 110 Luật xây dựng 2003 và Điều 41 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 của Chính Phủ thì mức phạt vi phạm của Hợp đồng “không vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm”.
Các bên thỏa thuận, việc phạt hợp đồng chỉ được áp dụng khi bên B có lỗi. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung Bản án hình sự phúc thẩm số 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho thấy việc kéo dài tiến độ là do lỗi hỗn hợp của cả hai bên. Cụ thể, tại Bản kết luận giám định, Giám định viên Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ xây dựng, Bộ Tài chính kết luận:
“Trong việc lựa chọn nhà thầu: Chủ đầu tư đã đánh giá không đúng về tính hợp lệ và năng lực kinh nghiệm của nhà thầu liên danh PVC.KBC-HEERIM.PVC so với quy định của hồ sơ yêu cầu và quy định tại Điều 7 Luật đấu thầu 61/2005/QH11, lựa chọn nhà thầu trúng thầu không tuân thủ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính Phủ.
Trong việc thiết kế thi công, tổ chức xây dựng: Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và triển khai thi công xây dựng đối với 02 khối nhà BK1, BK2 của dự án nhà ở xã hội cho CBCNV PVTEX loại nhà ở liền kề là vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng về tiêu chuẩn thiết kế được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 47 của Luật nhà ở 2005; điểm a, b, d khoản 2 Điều 7; Điều 35 và khoản 1 Điều 36 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính Phủ. Việc chủ đầu tư (PVT) và liên danh nhà thầu căn cứ vào các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội khi lập phê duyệt dự án là nhà chung cư, nhưng sau đó lại tự ý điều chỉnh thiết kế các hạng mục nhà ở của dự án và tiến hành thi công thành nhà liền kề là vi phạm quy định khoản 5 Điều 30 Luật nhà ở 2005; khoản 1 Điều 36 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính Phủ.
Trong việc PVT cho PVC.KBC tạm ứng 20 tỷ đồng: PVT căn cứ Phụ lục số 05/2012/HĐ-PVTEX-PVCKBC/HEERIM.PVC ngày 09/01/2012 chưa được HĐQT PVT phê duyệt để tạm ứng 20 tỷ đồng cho PVC.KBC là chưa đúng với quy định tại điểm c khoản 4 Điều 25 Điều lệ PVTEX. Sau khi PVT tạm ứng 20 tỷ đồng cho PVC.KBC vào ngày 20/01/2012 thì tổng số tiền PVT đã tạm ứng và thanh toán các đợt cho PVC.KBC là 92.081.312.936 đồng, tương đương 91,02% giá trị hợp đồng (vượt 80% giá trị hợp đồng) là trái quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định số 48/2010/NĐ- CP ngày 07/5/2010 của Chính Phủ và chưa phù hợp với điểm 5.2.2 khoản 5.2 Điều 5 Hợp đồng số 14. Việc PVC.KBC không sử dụng 20 tỷ đồng tiền tạm ứng hợp đồng vào dự án là sử dụng vốn ứng không đúng mục đích, trái với quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính Phủ”… Những sai phạm trên của cả hai bên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án. Chính vì thế nên cá nhân những người đứng đầu PVT và PVC-KBC đã phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
* Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải chịu chi phí trả lương cho bảo vệ trông coi công trường dang dở thi công từ ngày công trường bị dừng thi công từ ngày 31/3/2012 đến ngày 30/9/2016 là 554.702.834 đồng. Hội đồng xét xử thấy, ngày 31/3/2012, PVC-KBC đã tự ý dừng thi công, rời bỏ công trường và không thông báo cho PVT. Vì vậy, nguyên đơn phải tự trông coi và thuê người trông coi để bảo vệ phần khối lượng công việc đã hoàn thành là có căn cứ. Tuy nhiên, đến ngày 01/10/2014, PVT đã có công văn số 1221/PVTEX-KHĐT về việc thông báo thanh lý hợp đồng xây dựng Dự án khu nhà ở CBCNV-PVTEX, chính thức đơn phương chấm dứt Hợp đồng số 14/2010/PVTEX-PVCKBC/HEERIMPVC gửi cho PVC-KBC. Ngày 03/10/2014, PVC-KBC đã nhận được thông báo này của PVT được thể hiện ở Công văn số 110/2014/CV-PVC.KBC ngày 05/10/2014 của PVC-KBC gửi cho PVT. Tại Điều 12 của Hợp đồng số 14 quy định, chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này, thì: “Nhà thầu phải rời công trường...” nên việc bảo quản tài sản sẽ thuộc về PVT. Do đó, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận chi phí trả lương cho bảo vệ tính đến thời điểm nguyên đơn đơn phương chấm dứt Hợp đồng số 14. Căn cứ vào các hợp đồng lao động của PVT ký với người lao động là ông Đoàn Mạnh C, ông Hoàng Văn H và ông Bùi Văn S cũng như Bảng kê khai thu nhập bảo vệ dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên do nguyên đơn giao nộp, số tiền chi trả lương cho bảo vệ này được xác định là 225.518.311 đồng.
* Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho PVT các chi phí khác là 17.505.141.928 đồng, cụ thể bao gồm:
- Bồi thường thiệt hại do giá trị tài sản bị xuống cấp (chi phí hao mòn tài sản) là 11.915.645.609 đồng, Hội đồng xét xử thấy: Dự án này bị dừng thi công từ ngày 31/3/2012, đến năm 2014 hai bên đã thuê đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần tự vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO) xác định khối lượng, giá trị hoàn thành và dở dang của Dự án nhà ở. Việc không tiếp tục thực hiện dự án của bị đơn dẫn đến việc tài sản bị hao mòn, xuống cấp. Căn cứ vào kết quả định giá ngày 15/7/2020 của Hội đồng định giá xác định Giá trị khấu hao của công trình từ năm 2014 đến năm 2020 (06 năm) được làm tròn là: 18.975.578.000 đồng (Mười tám tỷ, chín trăm bảy mươi lăm triệu, năm trăm bảy mươi tám nghìn đồng). Theo đơn khởi kiện nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do giá trị tài sản bị xuống cấp (chi phí hao mòn tài sản) là 11.915.645.609 đồng nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
- Chi phí lựa chọn đối tác tiếp tục thực hiện Dự án là 939.230.284 đồng, Hội đồng xét xử thấy: Ngày 06/10/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có Quyết định số 2596/QĐ-UBND về việc thu hồi đất do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi D đang quản lý tại phường Đông H 2, quận H giao Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở tài nguyên môi trường quản lý. Đến ngày 13/5/2019, Ủy ban nhân dân thành phố lại ban hành văn bản số 2633/UBND-ĐC2 tạm dừng thực hiện Quyết định 2596/QĐ-UBND ngày 06/10/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Như vậy, Dự án này nguyên đơn vẫn được tiếp tục thực hiện. Do PVC-KBC không tiếp tục thực hiện dự án nên nguyên đơn phải lựa chọn đối tác khác là có căn cứ nên chấp nhận. Tuy nhiên, căn cứ vào Bản án hình sự phúc thẩm số 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thì khối lượng công việc PVCKBC đã thực hiện và chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình có tổng giá trị là 71.414.776.466 đồng. Do đó, số tiền còn lại của Hợp đồng này là 29.751.978.534 đồng (101.166.755.000 đồng - 71.414.776.466 đồng). Hội đồng xét xử không chấp nhận số tiền còn lại của hợp đồng là 42.619.100.500 đồng như nguyên đơn đã sử dụng để tính trong Bảng tổng hợp chi phí thiệt hại gửi cho Tòa án (do hai bên tự ý điều chỉnh thiết kế các hạng mục nhà ở của dự án), mà sẽ căn cứ vào số tiền còn lại là 29.751.978.534 đồng để tính toán chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định Điều 9 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và Quyết định 957/QĐ- BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng như sau:
+ Chi phí lập hồ sơ mời thầu: 0,1% x 29.751.978.534 đồng = 29.751.979 đồng + Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu: 0,05% x 29.751.978.534 đồng = 14.875.989 đồng + Chi phí đánh giá hồ sơ mới quan tâm, hồ sơ dự thầu: 0,1% x 29.751.978.534 đồng = 29.751.979 đồng + Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu: 0,05% x 29.751.978.534 đồng = 14.875.989 đồng + Chi phí đăng tải trên mạng, báo chí về việc mời thầu: 5.000.000 đồng + Chi phí quản lý dự án: (Gxd+Gtb) x 1,436% = 29.751.978.534 đồng : 1,1 x 1,436% = 388.398.556 đồng.
+ Đối với chi phí thuê tư vấn xác định khối lượng hoàn thành (Hợp đồng giữa PVT và tư vấn CONINCO) là 250.000.000 đồng: Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội có nêu: “Để có cơ sở thanh lý hợp đồng PVT và PVC-KBC thống nhất lựa chọn Công ty Cổ phần tự vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO) xác định khối lượng, giá trị hoàn thành và dở dang của Dự án nhà ở”. Vì vậy, mỗi bên phải có nghĩa vụ chịu ½ chi phí thuê tư vấn. PVT đã thanh toán số tiền 250.000.000 đồng cho CONINCO nên PVC-KBC phải trả cho PVT số tiền là 125.000.000 đồng.
Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận chi phí lựa chọn đối tác tiếp tục thực hiện Dự án là: 29.751.979 đồng + 14.875.989 đồng + 29.751.979 đồng + 14.875.989 đồng + 5.000.000 đồng + 388.398.556 đồng +125.000.000 đồng = 607.654.492 đồng.
- Giá trị trượt giá phần khối lượng chưa thi công do PVC.KBC bỏ dở không thi công là 1.410.266.036 đồng. Như Hội đồng xét xử đã nhận định ở phần trên, quá trình tổ chức xây dựng, hai bên tự ý điều chỉnh thiết kế các hạng mục nhà ở của dự án, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên đã làm thay đổi giá trị của hợp đồng và ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Vì vậy, không có căn cứ để xác định Giá trị trượt giá phần khối lượng chưa thi công nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.
- Chi phí thuê nhà cho cán bộ công nhân viên lâu nay vẫn chưa có nhà ở 3.240.000.000 đồng, Hội đồng xét xử thấy Dự án này chưa thực hiện xong, việc để dự án bị kéo dài là do lỗi của cả hai bên; trên thực tế nguyên đơn cũng chưa có Quyết định giao nhà cho cán bộ công nhân viên ở nên chưa có thiệt hại xảy ra. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
Như vậy, tổng số tiền bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn được Hội đồng xét xử chấp nhận là: 225.518.311 đồng + 11.915.645.609 đồng + 607.654.492 đồng = 12.748.818.412 đồng.
[5] Về chi phí tố tụng: Chi phí cho việc định giá tài sản để xác định khấu hao (giá trị tài sản bị xuống cấp) đối với phần tổng giá trị hoàn thành dự án và xác định giá trị trượt giá phần khối lượng chưa thi công do PVC-KBC kéo dài thời gian thi công và bỏ dở thi công là 350.000.000 đồng. Do nguyên đơn chỉ được Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện nên mỗi bên phải phải chịu ½ số tiền chi phí định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn là người có nghĩa vụ nộp tạm ứng cả số tiền này nên bị đơn phải có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn số tiền là 175.000.000 đồng.
[6] Về án phí: Theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận là 125.451.037 đồng (được làm tròn là 125.451.000 đồng), bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận là 120.748.818 đồng (được làm tròn là 120.749.000 đồng).
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 35, điểm g khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 147, Điều 166, điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217, Điều 218, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1 và khoản 3 Điều 228, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 110 Luật xây dựng 2003; Điều 41 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 của Chính Phủ; Điều 9 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và Quyết định 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng;
Căn cứ khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí K phải bồi thường cho nguyên đơn là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi D (nay là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi V) số tiền là: 12.748.818.412 đồng (Mười hai tỷ, bảy trăm bốn mươi tám triệu, tám trăm mười tám nghìn, bốn trăm mười hai đồng). Trong đó:
- Chi phí trả lương cho bảo vệ trông coi công trường dang dở thi công là:
225.518.311 đồng.
- Tiền thiệt hại do giá trị tài sản bị xuống cấp (chi phí hao mòn tài sản) là 11.915.645.609 đồng.
- Chi phí lựa chọn đối tác tiếp tục thực hiện Dự án là: 607.654.492 đồng.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải chịu tiền phạt Hợp đồng tương ứng với số tiền là: 12.140.010.600 đồng; Giá trị trượt giá phần khối lượng chưa thi công do PVC.KBC bỏ dở không thi công là 1.410.266.036 đồng; Chi phí thuê nhà cho cán bộ công nhân viên lâu nay vẫn chưa có nhà ở 3.240.000.000 đồng.
3. Đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn tiền tạm ứng chưa thu hồi theo Hợp đồng là 19.166.536.470 đồng và khoản tiền lãi đối với số tiền này tính theo mức lãi suất 13,5%/năm từ ngày 01/7/2013 đến 30/9/2016 là 8.481.192.388 đồng do sự việc này đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại các yêu cầu này. Trả lại nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp đối với các yêu cầu khởi kiện này.
4. Về chi phí tố tụng: Bị đơn phải có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn chi phí định giá tài sản là 175.000.000 đồng (một trăm bảy mươi lăm triệu đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
5. Về án phí:
- Nguyên đơn phải chịu 125.451.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch. Được trừ vào số tiền 86.433.000 đồng là tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp tại Biên lai thu số 0005563 ngày 04 tháng 01 năm 2017. Nguyên đơn còn phải nộp tiếp số tiền là 39.018.000 đồng (ba mươi chín triệu, không trăm mười tám nghìn đồng).
- Bị đơn phải chịu 120.749.000 đồng (một trăm hai mươi triệu, bảy trăm bốn mươi chín nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch.
6. Về quyền kháng cáo: Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có mặt tại phiên tòa, có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa, có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
7. Về quyền yêu cầu thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 05/2020/KDTM-ST ngày 11/09/2020 về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng
Số hiệu: | 05/2020/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Hải An - Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 11/09/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về