Bản án 05/2019/HS-ST về tội đào ngũ

TOÀ ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC 2, QUÂN KHU 1

BẢN ÁN 05/2019/HS-ST NGÀY 18/12/2019 VỀ TỘI ĐÀO NGŨ

Ngày 18 tháng 12 năm 2019, tại Phòng xử án Tòa án quân sự Khu vực 2 - Quân khu 1, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 05/2019/TLST- HS ngày 05 tháng 11 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2019/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo:

Họ và tên: Hoàng Văn T1; sinh tháng 7/1974; giới tính: Nam; nơi sinh: Xóm C, xã G, huyện T, tỉnh Hà Bắc; nơi cư trú: Thôn C, thị trấn H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: Làm ruộng; cấp bậc, chức vụ, đơn vị khi phạm tội: Binh nhì, Chiến sĩ, Tiểu đội A, Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F; quốc tịch: Việt Nam; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Hoàng Văn L, sinh năm 1935 (đã chết) và bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1936 (đã chết); có vợ là Nguyễn Thị N1, sinh năm 1976 và 02 con, lớn sinh năm 1995, nhỏ sinh năm 2004; tiền án: Không; tiền sự: Ngày 05/5/1995 bị Đại đội trưởng Đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F xử lý kỷ luật “Cảnh cáo” về hành vi đào ngũ; bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 20/8/2019 đến nay; có mặt.

Người làm chứng:

1. Nguyễn Đăng H; có mặt.

2. Nguyễn Hữu L1; có mặt;

3. Dương Xuân H1; vắng mặt;

4. Nguyễn Hữu N2; vắng mặt;

5. Hoàng Văn T; có mặt;

6. Nguyễn Hữu T2; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hoàng Văn T1 nhập ngũ ngày 23/02/1995; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: Chiến sĩ; đơn vị: Tiểu đội A, Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F, do muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự nên T1 đã hai lần tự ý rời bỏ đơn vị, cụ thể:

Lần 1: Trưa ngày 30/4/1995, Hoàng Văn T1 tự ý rời bỏ đơn vị trốn về nhà ở xóm C, xã G, huyện T, tỉnh Hà Bắc. Sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã lập biên bản, cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương về gia đình yêu cầu T1 quay trở lại thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau khi được đơn vị và chính quyền địa phương yêu cầu đến ngày 04/5/1995 T1 quay trở lại đơn vị, đơn vị đã yêu cầu viết bản tường trình, bản kiểm điểm và sinh hoạt xét kỷ luật, ngày 05/5/1995 Đại đội trưởng đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F đã ra quyết định kỷ luật Hoàng Văn T1 bằng hình thức cảnh cáo về hành vi đào ngũ. Sau đó T1 ở lại tiếp tục thực hiện nghĩa vụ;

Lần 2: Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 13/5/1995, Hoàng Văn T1 lại tự ý rời bỏ đơn vị trốn đi làm thuê ở một số nơi sau đó trở về gia đình, đơn vị đã lập biên bản đồng thời cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần đến gia đình để yêu cầu T1 quay trở lại nhưng T1 cố tình trốn tránh không gặp. Do muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự nên từ đó T1 không quay trở lại đơn vị nữa. Ngày 26/6/1995 Trung đoàn E, Quân khu F đã đề nghị khởi tố T1về hành vi đào ngũ, ngày 05/7/1995 Ban Điều tra hình sự, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Bắc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng không xác định được bị can đang ở đâu nên ra quyết định truy nã đối với Hoàng Văn T1. Do việc truy nã không có kết quả nên ngày 05/11/1995 đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Ngày 20/8/2019 Hoàng Văn T1 đã đến Công an thị trấn H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh đầu thú.

Tại phiên tòa bị cáo Hoàng Văn T1 khai: Khoảng tháng 2 năm 1995 bị cáo nhập ngũ vào Tiểu đội A, Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F. Đến khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 do không muốn ở lại thực hiện nghĩa vụ quân sự nên bị cáo tự ý bỏ đơn vị về nhà, khoảng 04 hôm sau đơn vị và địa phương yêu cầu bị cáo quay trở lại nên bị cáo quay trở lại đơn vị, sau khi trở lại đơn vị yêu cầu viết tường trình, kiểm điểm, sinh hoạt quyết định kỷ luât bằng hình thức cảnh cáo về hành vi đào ngũ và thông báo đến toàn đơn vị. Khoảng 10 ngày sau, do không muốn ở lại thực hiện nghĩa vụ quân sự nữa nên ngày 13/5/1995 bị cáo tiếp tục bỏ đơn vị đi làm phụ hồ ở một số làng trong xã và ở Hà Nội. Sau đó bị cáo về nhà và không quay trở lại đơn vị nữa, khi bỏ đi, bị cáo chỉ mặc trên người bộ quần áo quân phục, không mang theo vũ khí, trang bị, tài liệu gì. Việc bị cáo bỏ đơn vị đi không bị ai rủ rê, xúi giục hay đánh đập. Sau này do biết mình bị truy nã nên ngày 20/8/2019 bị cáo đến Công an thị trấn H đầu thú.

Tại phiên tòa người làm chứng Nguyễn Đăng H khai: Khi đó tôi là Trung đội trưởng trực tiếp quản lý T1. Sau khi nhập ngũ, ngày 30/4/1995 T1 đã tự ý bỏ đơn vị về nhà, đơn vị đã lập biên bản rồi cử tôi cùng một chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương về yêu cầu T1 quay trở lại đơn vị. Sau khi được đơn vị và chính quyền địa phương yêu cầu đến ngày 04/5/1995 T1 quay trở lại đơn vị, đơn vị yêu cầu viết tường trình, kiểm điểm rồi sinh hoạt xét kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi đào ngũ và thông báo đến toàn đơn vị. Sau khi trở lại, đến tối ngày 13/5/1995 T1 lại tiếp tục tự ý đi khỏi đơn vị, đơn vị đã lập biên bản đồng thời cử tôi và đồng chí Tiểu đoàn phó về nhà yêu cầu T1 quay trở lại đơn vị, lần thứ nhất T1 đồng ý đi cùng chúng tôi nhưng trên đường đi đã bỏ trốn rồi từ đó không quay trở lại nữa. Sau khi T1 bỏ trốn, đơn vị đã báo cáo sự việc lên cấp trên đồng thời thông báo về địa phương, sau đó tiếp tục cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần về gia đình để yêu cầu T1 quay trở lại đơn vị nhưng không gặp được T1. Khi rời bỏ đơn vị T1 chỉ mặc trên người bộ quân phục, không mang theo vũ khí, trang bị, tài liệu gì. Trong thời gian ở đơn vị tôi không thấy ai đánh đập, ép buộc hay xúi giục T1 đào ngũ.

Tại phiên tòa người làm chứng Nguyễn Hữu L1 khai: Thời điểm đó tôi là Tiểu đội trưởng trực tiếp quản lý quân nhân T1. Sau khi nhập ngũ, ngày 30/4/1995 T1 đã tự ý đào ngũ về nhà, đơn vị đã lập biên bản rồi cử cán bộ về yêu cầu T1 quay trở lại đơn vị, ngày 04/5/1995 T1 quay trở lại đơn vị, đơn vị yêu cầu viết tường trình, kiểm điểm rồi sinh hoạt xét kỷ luật T1 từ cấp Tiểu đội đến Đại đội, sau đó Đại đội trưởng Nguyễn Hoài N2 đã ra quyết định kỷ luật T1 bằng hình thức cảnh cáo về hành vi đào ngũ và thông báo đến toàn đơn vị, T1 ở lại đơn vị đến tối ngày 13/5/1995 lại tiếp tục đào ngũ rồi từ đó không quay trở lại nữa. Khi đào ngũ T1 chỉ mặc trên người bộ quân phục, không mang theo vũ khí, trang bị, tài liệu gì.

Tại phiên tòa người làm chứng Hoàng Văn T khai: Tôi nhập ngũ tháng 2/1995 và được biên chế cùng đại đội với T1. Khoảng cuối tháng 4/1995 tôi, T1và một số người khác không được nghỉ phép nhưng đã tự ý bỏ đơn vị ra ngoài bắt xe ôm về nhà, khoảng 03 đến 04 hôm sau đơn vị có cử cán bộ cùng với địa phương về yêu cầu tôi và T1 quay trở lại, sau khi trở lại đơn vị chúng tôi bị kỷ luật về hành vi đào ngũ. Khoảng 10 ngày sau thì T1 lại tiếp tục tự ý bỏ đơn vị đi, đơn vị đã báo động, thông báo rộng rãi đến toàn thể đơn vị, kể từ đó T1 không quay trở lại đơn vị nữa, còn tôi sau khi trở lại đơn vị tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quân sự đến khi xuất ngũ về địa phương.

Biên bản quân nhân đào bỏ ngũ do Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F lập hồi 21 giờ ngày 30/4/1995 xác định: Ngày 30/4/1995 đơn vị được nghỉ tại trại, sau khi ăn cơm trưa xong Hoàng Văn T1 đã tự ý trốn khỏi đơn vị về nhà.

Bản tường trình, Bản kiểm điểm ngày 04/5/1995 của Hoàng Văn T1 xác định: Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/4/1995 Hoàng Văn T1 đã tự ý bỏ đơn vị về nhà. Sau khi đơn vị yêu cầu, ngày 04/5/1995 Tiềm quay trở lại đơn vị.

Biên bản sinh hoạt Tiểu đội do Tiểu đội A, Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F lập hồi 20 giờ 00 phút ngày 04/5/1995 xác định: Sau khi tiến hành sinh hoạt, Tiểu đội 1 đề nghị cấp trên xử lý quân nhân Hoàng Văn T1 bằng hình thức cảnh cáo về hành vi đào bỏ ngũ từ ngày 30/4/1995 - 04/5/1995.

Quyết định kỷ luật số 01/KL ngày 05/5/1995 của Đại đội trưởng Đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F xác định: Kỷ luật cảnh cáo Hoàng Văn T1vì ý thức tổ chức kỷ luật kém, không tích cực rèn luyện, đã tự động đào ngũ khỏi đơn vị từ ngày 30/4/1995 đến ngày 04/5/1995.

Biên bản quân nhân đào ngũ do Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Trung đoàn E, Quân khu F lập hồi 22 giờ ngày 13/5/1995 xác định: Khoảng 20 giờ 20 phút ngày 13/5/1995 đơn vị kiểm tra quân số thấy vắng quân nhân T1, đơn vị đã tổ chức đi tìm nhưng không thấy, qua xác minh xác định T1 đã đào ngũ đi khỏi đơn vị.

Biên bản đôn đốc quân nhân đào ngũ lần 4 lập ngày 16/6/1995 xác định:

Ngày 15/6/1995 và ngày 16/6/1995 đơn vị và chính quyền địa phương đã về gia đình Hoàng Văn T1 để yêu cầu T1 quay trở lại đơn vị nhưng T1 đã cố tình trốn tránh không gặp và cũng không trở lại đơn vị.

Công văn số 01/CVĐN ngày 26/6/1995 của Trung đoàn E, Quân khu F xác định: Trung đoàn E, Quân khu F đề nghị Phòng điều tra hình sự Quân khu 1 khởi tố đối với Hoàng Văn T1 vì đã hai lần đào ngũ khỏi đơn vị.

Biên bản tiếp nhận người đầu thú, tự thú do Công an thị trấn H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh lập hồi 09 giờ 00 phút ngày 20/8/2019 xác định: Hoàng Văn T1 ra đầu thú tại Công an thị trấn H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh.

Tại Cáo trạng số 04/CT-VKSQSKV11 ngày 05/11/2019 của Viện kiểm sát quân sự khu vực 11, truy tố Hoàng Văn T1 về tội “Đào ngũ” theo khoản 1 Điều 402 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ nguyên nội dung quyết định truy tố đối với bị cáo theo cáo trạng số số 04/CT-VKSQSKV11 ngày 05/11/2019 của Viện kiểm sát quân sự khu vực 11 và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX):

Áp dụng khoản 1 Điều 402; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 3 Điều 7 BLHS 2015; khoản 1, khoản 2 Điều 24 BLHS năm 1985, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội xử phạt bị cáo Hoàng Văn T1 từ 12 tháng đến 18 tháng cải tạo không giam giữ. Do bị cáo không có thu nhập ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đề nghị miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo.

Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Hoàng Văn T1 nhất trí với quan điểm của Kiểm sát viên.

Nói lời sau cùng, bị cáo biết hành vi của mình là sai, xin HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Ban điều tra hình sự, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Bắc; Cơ quan điều tra hình sự khu vực 4, Quân khu 1; Điều tra viên; Viện kiểm sát quân sự khu vực 11, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Như vậy, có cơ sở để khẳng định các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng đã truy tố. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Do đó HĐXX có đủ căn cứ kết luận:

Do muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự nên Hoàng Văn T1 đã hai lần tự ý rời bỏ đơn vị, cụ thể: Ngày 30/4/1995 Hoàng Văn T1 tự ý rời bỏ đơn vị về nhà ở xóm C, xã G, huyện T, tỉnh Hà Bắc, do được đơn vị và chính quyền địa phương yêu cầu nên ngày 04/5/1995 T1 quay trở lại và bị đơn vị xử lý kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo về hành vi đào ngũ. Sau khi trở lại đơn vị, đến khoảng 20 giờ 30 phút ngày 13/5/1995 T1 lại tiếp tục tự ý rời bỏ đơn vị đi làm thuê ở một số nơi nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, không quay trở lại đơn vị nên mặc dù được đơn vị và chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu nhưng T1 cố tình trốn tránh không gặp và từ đó không quay trở lại đơn vị nữa. Ngày 05/7/1995 Ban Điều tra hình sự, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Bắc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Hoàng Văn T1. Ngày 20/8/2019 Hoàng Văn T1 đến Công an thị trấn H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh đầu thú.

Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Đào ngũ” theo khoản 1 Điều 259 BLHS năm 1985 với khung hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến hai năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 7; khoản 1 Điều 402 BLHS năm 2015, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015 thì hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Đào ngũ” theo quy định tại khoản 1 Điều 402 BLHS năm 2015 với yếu tố cấu thành tội phạm có lợi hơn và khung hình phạt nhẹ hơn từ phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, đây là quy định có lợi cho người phạm tội cần được áp dụng đối với bị cáo. Do đó đề nghị của Viện kiểm sát quân sự khu vực 11 là có căn cứ.

[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo:

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”; “Bị cáo ra đầu thú”; “Bị cáo có bố đẻ được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh truy tặng Bằng khen vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống pháp”; “Bị cáo có anh ruột là liệt sĩ” nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS;

Về hình phạt đối với bị cáo: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, đã xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, xâm phạm kỷ luật, làm suy yếu khả năng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Do đó cần áp dụng hình phạt nghiêm minh, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo;

Tuy nhiên xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo. HĐXX xét thấy, năm 2003 bị cáo bị tai nạn giao thông nên sức khỏe yếu, vợ bị cáo là Nguyễn Thị Nhàn hiện đang điều trị bệnh ung thư vòm họng, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, trước khi phạm tội có nhân thân tốt, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng nên không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội mà áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đồng thời cũng đủ tác dụng cải tạo, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung. Do bị cáo không có thu nhập ổn định, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, vợ thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện, bị cáo đang là lao động chính trong gia đình nên miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo;

Bị cáo phạm tội và bị truy tô, xét xử theo khoản 1 Điều 402 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, căn cư vao khoản 1 Điêu 7 BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội thì quy định về mức hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 02 năm tại Điều 24 BLHS năm 1985 nhẹ hơn so với quy định về mức hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm tại Điều 36 BLHS năm 2015. Đây là quy định có lợi cần áp dụng đối với bị cáo.

[4] Về án phí: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 BLTTHS; Luật phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 của Quốc hội; Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, bị cáo Hoàng Văn T1 phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào điểm g khoản 2 Điều 260 BLTTHS;

QUYẾT ĐỊNH

1. Về hình sự:

Tuyên bố bị cáo Hoàng Văn T1 phạm tội “Đào ngũ”.

Áp dụng khoản 1 Điều 402; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 24 BLHS năm 1985, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội xử phạt bị cáo Hoàng Văn T1 18 (mười tám) tháng cải tạo không giam giữ và thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Tiềm;

Giao bị cáo Hoàng Văn T1 cho Ủy ban nhân dân thị trấn H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

2. Về án phí:

Áp dụng khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 BLTTHS, bị cáo Hoàng Văn T phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

3. Quyền kháng cáo đối với bản án:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (18/12/2019) bị cáo có quyền kháng cáo bản án này lên Toà án quân sự Quân khu 1.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

143
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 05/2019/HS-ST về tội đào ngũ

Số hiệu:05/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án quân sự
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/12/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;