TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUẢNG NINH, TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 05/2019/HSST NGÀY 14/03/2019 VỀ TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 14 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở, Tòa án nhân dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 03/2019/HSST ngày 30/01/2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2019/HSST-QĐXX ngày 01 tháng 3 năm 2019 đối với:
Bị cáo: Phạm Thị A - sinh ngày 09 tháng 01 năm 1982, tại xã X, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Nơi cư trú: Tiểu khu 4, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn L và bà Trương Thị C; có chồng: Lê Văn P (đã chết), con 03 đứa, lớn nhất sinh năm 2001, nhỏ nhất sinh năm 2009, tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa: Ông Phan Trọng Hùng, - Trợ giúp viên pháp lý thuộc trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
- Đại diện hợp pháp của bị hại Nguyễn Thị H (đã chết): Anh Phạm Ngọc L, địa chỉ: Thôn T, xã V, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.
- Người làm chứng:
1. Anh Trần Văn P, địa chỉ: Xã T, huyện T, tỉnh Nghệ An, vắng mặt và có yêu cầu xét xử vắng mặt.
2. Anh Lê Văn T, địa chỉ: Tiểu khu 5, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
3. Chị Trần Thị C, địa chỉ: Thôn H, xã B, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.
4. Anh Bùi Mạnh N, địa chỉ: Phường N, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 20 giờ ngày 16/11/2018, Phạm Thị A điều khiển xe mô tô đi từ bệnh viện đa khoa Q về thị trấn Q thì thấy vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 1A thuộc thôn T, xã V, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. A dừng xe đến xem thì thấy nạn nhân là bà Nguyễn Thị H đang nằm sấp cạnh chiếc xe mô tô giữa đường. A kêu mọi người xung quanh tìm điện thoại của nạn nhân để thông báo cho người nhà nạn nhân, lúc đó có anh Bùi Mạnh N (là người đi đường) đến lật ngửa nạn nhân để tìm nhưng không thấy. Sau đó A thấy cách vị trí nạn nhân nằm khoảng 10m có 01 sọt đựng hàng, A đến xem và lấy ví trong sọt và hô lên tìm thấy rồi, A đưa ví cho anh Bùi Mạnh N nhưng anh N không nhận nên mở ví tìm điện thoại gọi cho chồng nạn nhân, sau đó đưa điện thoại cho người khác gọi xe cấp cứu còn mình thì kẹp ví vào nách và đứng ở lề đường, khi người nhà và Công an đến đưa nạn nhân đi cấp cứu, thu gom đồ đạc thì A điều khiển xe về nhà. Về đến nhà, A mở ví kiểm tra thì có 12.050.000 đồng nhiều mệnh giá và một số đồ vật khác, gồm 01 gương nhỏ màu hồng, 02 biên lai thu thuế, 01 lọ dầu phật linh, 01 cây bút bi xanh. A sử dụng tiền để tiêu xài cá nhân hết, còn lại 1.395.000 đồng thì bị thu giữ.
Bà Nguyễn Thị H chết sau khi đưa đến bệnh viện, ngày 18/11/2018 người nhà bà H trình báo Công an về việc mất tài sản, đến ngày 18/12/2018 A trả lại số tiền 10.655.000 đồng cho người nhà nạn nhân H.
Chiếc ví da màu đen của bà Nguyễn Thị H do đã cũ, sờn rách và các đồ vật khác không có giá trị nên cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Ninh không tiến hành định giá tài sản.
Về vật chứng: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quảng Ninh đã thu giữ và xử lý trả lại tài sản cho đại diện gia đình bị hại anh Phạm Ngọc L gồm: 01 ví da kích thước 19 x 13cm mầu đen, nhãn hiệu Fashion FOLO đã sờn rách, 01 gương nhỏ hình tròn, có kích thước 3,5 cm; 02 biên lai thuế bị rách; 01 lọ dầu Phật Linh; 01 cây bút bi màu xanh đã hết mực; và 1.395.000 đồng.
Đối với xe mô tô 73G1-223.87 do Phạm Thị A điều khiển, do mục đích không phải sử dụng làm phương tiện phạm tội nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quảng Ninh đã trả lại cho bị cáo
Về trách nhiệm dân sự: Đại diện gia đình Bị hại đã nhận 12.050.000 đồng là số tiền do bị cáo chiếm đoạt, trong đó nhận 1.395.000 đồng từ cơ quan cảnh sát điều tra và nhận 10.655.000 đồng từ bị cáo. Hiện không có yêu cầu gì thêm.
Bản cáo trạng số 05/THQCT-KSĐT-SH ngày 30/01/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Ninh đã truy tố bị cáo Phạm Thị A tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 172 của Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa:
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Ninh giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo theo toàn bộ nội dung Bản cáo trạng, có xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân đối với bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 172; các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự, xử phạt Phạm Thị A từ 09 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 đến 24 tháng.
Về xử lý vật chứng: đã xử lý xong nên không xét.
Về trách nhiệm dân sự: Đã giải quyết xong.
Người làm chứng Lê Văn T trình bày: Anh có chứng kiến sự việc xảy ra vào tối ngày 16/11/2018, khi bị cáo A lấy ví từ chiếc sọt đựng hàng, anh có dùng điện thoại của mình soi đèn cho bị cáo tìm điện thoại trong ví của nạn nhân. Sau đó thấy bị cáo giữ ví. Việc bị cáo A lấy và giữ ví là hoàn toàn công khai, nhiều người biết, nạn nhân lúc đó còn thở đều.
Bị cáo A khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như Bản cáo trạng đã quy kết
Bị cáo A khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản cáo trạng và lời luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Bị cáo cho rằng, khi thấy bà H bị tai nạn, bị cáo hô tìm điện thoại để liên lạc với người nhà nhằm mục đích giúp đỡ bà H, sau khi liên lạc được, bị cáo thấy đông người nên giữ ví để giao lại cho người nhà nạn nhân, nhưng thấy ví nhiều tiền và do hoàn cảnh khó khăn, nên đã tiêu xài cá nhân hết. Bị cáo thừa nhận lấy tài sản của bà H công khai, không có hành vi giấu giếm, lén lút, lúc lấy ví nhiều người biết nhưng tự tin là không ai biết mình nên không thể tìm được.
Người bào chữa trình bày: Viện kiểm sát truy tố bị cáo Phạm Thị A tội: “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 172 là hoàn toàn đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm cho bị cáo đang nuôi con nhỏ, chồng chết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghề nghiệp không ổn định; bị cáo phạm tội do bột phát để áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo từ 06 đến 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo nói lời sau cùng: Xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo .
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Ninh, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Ninh, Điều tra viên và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo và người bị hại không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Quá trình điều tra cũng như tại phiên toà, bị cáo Phạm Thị A đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình: Vào ngày 16/11/2018, khi thấy bà Nguyễn Thị H bị tai nạn, bị cáo đã tìm điện thoại của bà H để thông báo cho gia đình nạn nhân, vào thời điểm đó, bà H không còn khả năng để quản lý tài sản, việc bị cáo lấy ví, mở ví và lấy điện thoại gọi cho chồng bà H và giữ ví là hoàn toàn công khai. Sau khi gọi điện thoại xong, bị cáo đưa điện thoại cho người khác và kẹp vào nách, giữ ví, được nhiều người chứng kiến và biết được, hành vi của bị cáo không thể hiện sự lén lút, giấu giếm để chiếm đoạt tài sản của bà H với người xung quanh, do đó bị cáo không phạm tội: “Trộm cắp tài sản”. Bị cáo thừa nhận, khi thấy ví của bà H, bị cáo có hô lên tìm thấy rồi và được một người soi đèn để lấy máy điện thoại, bị cáo thấy trong ví nhiều tiền nên mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Bị cáo cho rằng những người đó thấy bị cáo giữ ví nhưng không biết bị cáo là ai nên không thể tìm được, do đó bị cáo cất giữ ví và kẹp vào nách, sau đó không giao lại cho người nhà nạn nhân mà mang về tiêu xài cá nhân. Hành vi lợi dụng hoàn cảnh khách quan, lúc chủ sở hữu bị tai nạn không có khả năng bảo vệ tài sản của mình, bị cáo đã chiếm đoạt với tổng số tiền 12.050.000 đồng đã phạm vào tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” , tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 172 của bộ luật hình sự.
Xét thấy, lời khai nhận của bị cáo hoàn toàn phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác cùng các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được tại hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra tại phiên tòa, do đó đã có đủ cơ sở để khẳng định Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Ninh và lời luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa đối với bị cáo về tội danh, khung hình phạt là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[3] Về đánh giá tính chất, mức độ hành vi của bị cáo: Xét về vụ án này bị cáo thực hiện hành vi độc lập, tội phạm đã hoàn thành. Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự để nhận thức được việc chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật, nhưng do động cơ tư lợi cá nhân, muốn chiếm đoạt tài sản của người khác nên đã phạm tội.
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo thực hiện với lỗi cố ý, không chỉ xâm phạm đến tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác được pháp luật bảo vệ mà còn xâm phạm đến trật tự trị an trên địa bàn. Vì vậy, phải xử lý hình sự đối với bị cáo là cần thiết nhằm giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành người tốt và giáo dục, phòng ngừa chung đối với xã hội.
[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng.
Tình tiết giảm nhẹ: Khi quyết định hình phạt cần xem xét cho bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên toà đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường toàn bộ giá trị tài sản chiếm đoạt được theo yêu cầu của bị hại; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Xét ý kiến của người bào chữa là có cơ sở, tuy nhiên cần xem xét lại đề nghị về mức hình phạt để tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
Từ những phân tích trên, xét bị cáo có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, bản thân từ trước đến nay luôn chấp hành tốt pháp luật, nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, chồng chết, hiện đang nuôi con nhỏ, được chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận; bị cáo nhất thời phạm tội; Hội đồng xét xử xét chưa cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng án treo, để bị cáo được cải tạo dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình là cũng đủ tính răn đe, giáo dục và phù hợp với chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật Nhà nước ta là chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Về hình phạt bổ sung: Tại khoản 5 Điều 172 Bộ luật hình sự quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền. Tuy nhiên bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi con nhỏ, là hộ cận nghèo theo xác nhận của UBND thị trấn Q, huyện Q; Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.
[5] Về vật chứng vụ án: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quảng Ninh đã thu giữ và xử lý trả lại tài sản cho đại diện gia đình bị hại anh Phạm Ngọc L gồm: 01 ví da kích thước 19 x 13cm mầu đen, nhãn hiệu Fashion FOLO đã sờn rách, 01 gương nhỏ hình tròn, có kích thước 3,5 cm; 02 biên lai thuế bị rách; 01 lọ dầu Phật Linh; 01 cây bút bi màu xanh đã hết mực và 1.395.000 đồng. Đối với xe mô tô 73G1 – 223-87 do Phạm Thị A điều khiển, do mục đích không phải sử dụng làm phương tiện phạm tội nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quảng Ninh đã trả lại cho bị cáo A, việc xử lý vật chứng của cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Ninh là đúng quy định của pháp luật, quá trình xử lý vật chứng không ai có ý kiến hay yêu cầu gì, như vậy, vật chứng đã xử lý xong nên Hội đồng xét xử không xét.
[6] Về trách nhiệm dân sự: Đại diện gia đình Bị hại bà Nguyễn Thị H đã nhận lại số tiền 12.050.000 đồng tiền bị cáo chiếm đoạt, hiện không có ý kiến hay yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[7] Về án phí: Bị cáo Phạm Thị A phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật để sung vào ngân sách Nhà nước.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh và hình phạt:
Tuyên bố : Bị cáo Phạm Thị A phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”; Áp dụng khoản 1 Điều 172, các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự; phạt bị cáo Phạm Thị A 12 (mười hai) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 (hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Phạm Thị A cho Ủy ban nhân dân thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình và gia đình phối hợp giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
2. Về vật chứng vụ án: Đã xử lý xong nên không xét
3. Về trách nhiệm dân sự: Không xem xét
4. Án phí sơ thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Phạm Thị A phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm để sung vào ngân sách Nhà nước.
Án xử sơ thẩm, bị cáo, đại diện bị hại có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, những người vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo 15 ngày tính từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được tống đạt hợp lệ.
Bản án 05/2019/HSST ngày 14/03/2019 về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 05/2019/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Quảng Ninh - Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 14/03/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về