Bản án 05/2019/DS-ST ngày 28/02/2019 về tranh chấp tiền hụi

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THỚI BÌNH, TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 05/2019/DS-ST NGÀY 28/02/2019 VỀ TRANH CHẤP TIỀN HỤI

Trong ngày 28 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Thới Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 140/2016/TLST-DS ngày 30 tháng 5 năm 2016, về tranh chấp tiền hụi.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 06/2018/QĐST-DS ngày 21 tháng 02 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Út B (tên gọi khác là Út T), sinh năm 1970 (có mặt)

Người đại diện hợp pháp của bà B: Ông Nguyễn Hồng Ph, sinh năm 1969 (chồng của bà B. Văn bản ủy quyền ngày 19/8/2016 của bà B. Ông Ph vắng mặt)

Cùng địa chỉ: Ấp M, xã T, huyện Th, tỉnh Cà Mau

2. Bị đơn:

2.1. Bà Phạm Đông H, sinh năm 1963 (có đơn xin vắng mặt)

2.2. Ông Huỳnh Việt T, sinh năm 1963 (chồng của bà H, có đơn xin vắng mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Anh Huỳnh Phương V, sinh năm 1991 (có đơn xin vắng mặt) Cùng địa chỉ: Ấp N, xã T, huyện Th, tỉnh Cà Mau

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Út B và bị đơn là bàPhạm Đông H thống nhất trình bày:

Bà B có tham gia 01 dây hụi 05 triệu đồng do bà H làm chủ hụi. Dây hụi mở ngày 06/9/2014 âm lịch, 01 tháng khui 01 lần. Dây hụi gồm 29 hụi viên, bà B chơi 01chân. Đến ngày 06/01/2016 âm lịch, bà H tuyên bố đình hụi. Bà B đóng được 16 kỳ, số tiền bà B đóng vào các kỳ khui hụi thể hiện:

+ Ngày 06/9/2014 âm lịch, kêu hụi 01 triệu đồng, bà B đóng hụi 04 triệu đồng;

+ Ngày 06/10/2014 âm lịch, kêu hụi 02 triệu đồng, bà B đóng hụi 03 triệu đồng;

+ Ngày 06/11/2014 âm lịch, kêu hụi 2,2 triệu đồng, bà B đóng hụi 2,8 triệu đồng;

+ Ngày 06/12/2014 âm lịch kêu hụi 1,9 triệu đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bàH là 3,1 triệu đồng;

+ Ngày 06/01/2015 âm lịch kêu hụi 1.950.000 đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 3.050.000 đồng;

+ Ngày 06/02/2015 âm lịch kêu hụi 02 triệu đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 03 triệu đồng;

+ Ngày 06/3/2015 âm lịch kêu hụi 2.150.000 đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2.850.000 đồng;

+ Ngày 06/4/2015 âm lịch kêu hụi 2,2 triệu đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2,8 triệu đồng;

+ Ngày 06/5/2015 âm lịch kêu hụi 2.260.000 đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2.740.000 đồng;

+ Ngày 06/6/2015 âm lịch kêu hụi 2.310.000 đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2.690.000 đồng;

+ Ngày 06/7/2015 âm lịch kêu hụi 2,6 triệu đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2,4 triệu đồng;

+ Ngày 06/8/2015 âm lịch kêu hụi 2.370.000 đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2.630.000 đồng;

+ Ngày 06/9/2015 âm lịch kêu hụi 2.510.000 đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bàH là 2.490.000 đồng;

+ Ngày 06/10/2015 âm lịch kêu hụi 2,6 triệu đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2,4 triệu đồng;

+ Ngày 06/11/2015 âm lịch kêu hụi 2,7 triệu đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2,3 triệu đồng;

+ Ngày 06/12/2015 âm lịch kêu hụi 2.970.000 đồng, số tiền bà B đóng hụi cho bà H là 2.030.000 đồng.

Tổng số tiền bà B đóng vào dây hụi này là 44.280.000 đồng;

Ngoài ra, bà H có chơi 02 chân hụi trong dây hụi 03 triệu đồng do bà B làm chủ hụi. Dây hụi mở ngày 09/02/2015 âm lịch, gồm 24 chân, 01 tháng khui 01 lần. Bà H đều hốt hết 02 chân, cụ thể: Chân hụi thứ nhất, bà H hốt vào kỳ khui thứ nhất, bỏ hụi 1.100.000 đồng, hốt 1.900.000 đồng. Bà B đã giao tổng số tiền hốt hụi cho bà H là 43.300.000 đồng. Chân hụi thứ hai, bà H hốt vào kỳ khui thứ ba, bỏ hụi 1.000.000 đồng, hốt 2.000.000 đồng. Bà B đã giao tổng số tiền hốt hụi cho bà H là 46.500.000đồng. Sau khi hốt  hụi, bà H đóng hụi chết đến kỳ khui thứ 11 thì ngưng đóng hụi chết cho bà B đến nay.

Các lần chơi hụi, thì bà H và con trai là anh V trực tiếp giao dịch, chồng bà H là ông T có biết.

Nay bà B yêu cầu vợ chồng bà H thanh toán khoản tiền nợ hụi của 02 dây hụi là156 triệu đồng (cụ thể: Nợ hụi của dây hụi 05 triệu đồng x 16 kỳ = 80 triệu đồng; nợ 02 chân hụi chết của dây hụi 03 triệu đồng x 13 kỳ x 02 chân = 78 triệu đồng, trừ 02 triệu đồng bà H đã thanh toán).

Ngoài yêu cầu vợ chồng bà H thanh toán nợ hụi, đến ngày 27/02/2019, bà B bổ sung yêu cầu người con của vợ chồng bà H là anh Huỳnh Phương V cùng có trách nhiệm thanh toán nợ hụi.

Còn bà H chỉ đồng ý thanh toán cho bà B khoản tiền hụi vốn mà bà B đã đóng vào dây hụi 05 triệu đồng là 44.280.000 đồng. Đối với dây hụi 03 triệu đồng do bà B làm chủ, bà H có ý kiến như sau:

- Đối với chân hụi thứ nhất, bà H bỏ thăm 1.100.000 đồng, hốt được tổng số tiền 41.400.000 đồng, trong đó có trừ tiền cò 1.500.000 đồng và 01 chân sống 1.900.000 đồng. Sau khi hốt hụi, bà H đóng được 09 kỳ hụi chết với số tiền là 27 triệu đồng. Chân hụi này, bà H đồng ý thanh toán cho bà B là: 41.400.000 đồng – 29.400.000 đồng (bao gồm 09 kỳ hụi chết đã đóng được 27 triệu đồng và đóng được 01 chân hụi sống 2,4 triệu đồng ở kỳ khui đầu tiên) = 12.000.000 đồng.

- Đối với chân hụi thứ hai, bà H bỏ thăm 01 triệu đồng, hốt được tổng số tiền 43.500.000 đồng (đã trừ tiền cò 1.500.000 đồng). Sau khi hốt hụi, bà H đóng được 08 kỳ hụi chết với tổng số tiền là 24 triệu đồng. Chân hụi này, bà H đồng ý thanh toán cho bà B là: 43.500.000 đồng – 28.400.000 đồng (bao gồm 08 kỳ hụi chết đã đóng được 24 triệu đồng + 01 chân hụi sống 2.400.000 đồng + 02 triệu đồng bà H đã thanh toán cho bà B) = 15.100.000 đồng.

Tổng số tiền bà H đồng ý thanh toán cho bà B số tiền hụi còn nợ 02 chân hụi của dây hụi 03 triệu đồng này là: 12.000.000 đồng + 15.100.000 đồng = 27.100.000 đồng. Tổng số tiền bà H đồng ý thanh toán cho bà B tiền hụi của 02 dây hụi là: 44.280.000 đồng + 27.100.000 = 71.380.000 đồng.

* Tại Bản tự khai ngày 26 tháng 9 năm 2016, bị đơn là ông Huỳnh Việt T trình bày:

Quá trình chơi hụi giữa bà H và bà B làm chủ hụi thì ông T có biết, nhưng không biết rõ số chân hụi khui, số tiền đóng, số tiền nợ là bao nhiêu. Do tay em giựt hụi bà H quá nhiều, nên tiền hoa hồng bà H thu được từ tiền chơi hụi cũng như số tiền bà H gom hụi của bà B, bà H sử dụng cho việc lấp hụi cho hụi viên khác, không có sử dụng số tiền này chi tiêu trong gia đình.

* Quá trình tham gia tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Huỳnh Phương V trình bày:

Quá trình bà H làm chủ hụi, thì anh V có đi gom dùm tiền hụi của các hụi viên cho bà H. Khi gom tiền xong, thì anh V giao toàn bộ số tiền hụi cho bà H. Ông V không liên quan đến sự việc bà B khởi kiện bà H và ông T. Trách nhiệm thanh toán tiền hụi cho bà B là của bà H và ông T.

Tại phiên tòa hôm nay:

- Bà B bổ sung yêu cầu anh V cùng có trách nhiệm với vợ chồng bà H thanh toán khoản nợ hụi theo quy định của pháp luật. Do việc bà H không đóng 02 chân hụi chết trong dây hụi 03 triệu đồng do bà B làm chủ, nên bà B phải đóng thay bà H cho các hụi viên đã hốt hụi kể từ kỳ khui thứ 12 đến ngày mãn hụi là ngày 09/02/2017 âm lịch. Ngày bà B phải giao tiền cho hụi viên được hốt là ngày 21 âm lịch hàng tháng.

- Phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên:

+ Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự: thực hiện đúng các quy định của tố tụng dân sự;

+ Phát biểu về việc giải quyết vụ án: Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, xét xử vắng mặt bà H, ông T và anh V; áp dụng Điều 471 của Bộ luật dân sự, chấp nhận yêu cầu của bà B, buộc bà H, ông T và anh V cùng có trách nhiệm thanh toán khoản nợ hụi vốn và lãi cho bà B theo quy định của pháp luật. Phía bà H có đơn xin miễn giảm án phí, nên đề nghị xem xét.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Bà H, ông T và anh V có yêu cầu được xét xử vắng mặt. Căn cứ vào khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những đương sự này.

[2] Phát biểu của Kiểm sát viên về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự là đúng, phù hợp với quy định của tố tụng dân sự.

[3] Theo đơn khởi kiện ngày 20/4/2016, bà B chỉ yêu cầu vợ chồng bà H thanh toán nợ hụi. Đến ngày 27/02/2019, bà B mới bổ sung yêu cầu anh V có trách nhiệm cùng với vợ chồng bà H thanh toán nợ hụi. Việc bổ sung yêu cầu này của bà B là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Theo khoản 1 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử không chấp nhận bổ sung yêu cầu này của bà B.

[4] Sự thống nhất giữa bà H và bà B trong quá trình giải quyết vụ án cũng như trình bày của bà B tại phiên tòa, xác định bà B có chơi 01 chân hụi do bà H làm chủ: Dây hụi 05 triệu đồng mở ngày 06/9/2014 âm lịch, 01 tháng khui 01 lần, gồm có 29 hụi viên. Trong danh sách hụi ghi tên “Út T”; dây hụi thứ hai do bà B làm chủ mở ngày 09/02/2015 âm lịch, loại hụi 03 triệu đồng, 01 tháng khui 01 lần, gồm 24 hụi viên, bà H chơi 02 chân. Hai dây hụi nói trên thuộc loại hụi hưởng hoa hồng. Việc tham gia chơi hụi giữa bà B và bà H là tự nguyện. Căn cứ vào khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án công nhận giao dịch hụi giữa các đương sự là có thật và hợp pháp.

 [5] Sau khi bể hụi, bà H không thanh toán khoản tiền mà bà B đã đóng vào dây hụi 05 triệu đồng do bà H làm chủ hụi cũng như không đóng 02 chân hụi chết của dây hụi 03 triệu đồng do bà B làm chủ là vi phạm nghĩa vụ thanh toán của chủ hụi cũng như của hụi viên. Tuy nhiên, đối với số tiền 80 triệu đồng mà bà B yêu cầu gia đình bà H thanh toán trong dây hụi 05 triệu đồng được tính trên giá trị đầu hụi là không phù hợp, vì bà B đang nuôi hụi sống, số tiền thực tế mà bà đóng vào dây hụi chỉ có 44.280.000 đồng, số tiền còn lại theo yêu cầu là phần lãi suất của mỗi kỳ khui hụi. Ngược lại, bà H chỉ đồng ý thanh toán phần vốn hụi cũng là không phù hợp, bởi bà H làm chủ dây hụi có lãi. Qua tính toán, thì mức lãi suất cao nhất trong 16 kỳ khui hụi tại dây hụi 05 triệu đồng, thì có kỳ mức lãi cao nhất là 146,3%/tháng (kỳ khui thứ 16) và mức lãi suất thấp nhất cũng là 25%/tháng (kỳ khui thứ nhất). Các mức lãi suất này đều vượt quá quy định tại Điều 468 của Bộ luật dân sự (lãi suất không quá 1,66%/tháng). Do đó, cần phải điều chỉnh lại phần lãi suất cho phù hợp. Thời điểm tính lãi suất từ khi đóng hụi tính đến ngày xét xử sơ thẩm.

[6] Phần lãi suất của chân hụi trong dây hụi 05 triệu đồng mở ngày 06/9/2014 âm lịch.

[7] Tổng vốn và lãi hụi của chân hụi sống trong dây hụi 05 triệu đồng phía bà H phải thanh toán cho bà B là: 44.280.000 đồng (vốn) + 33.399.000 đồng (lãi) = 77.679.000 đồng.

[8] Đối với chân hụi thứ nhất của dây hụi 03 triệu đồng do bà B làm chủ hụi mở ngày 09/02/2015 âm lịch, bà H hốt vào kỳ khui thứ 2, bỏ thăm 1.100.000 đồng (lãi hụi), hốt 1.900.000 đồng/01 chân hụi. Theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật dân sự, lãi suất không quá 1,66%/tháng. Như vậy, lãi mỗi chân hụi được tính là: 3.000.000 đồng x 1,66%/tháng = 49.800 đồng. Bà H đã trả thừa tiền lãi cho mỗi chân hụi là: 1.100.000 đồng – 49.800 đồng = 1.050.200 đồng. Số tiền này được trừ vào nghĩa vụ phải đóng hụi chết của mỗi kỳ hụi: 3.000.000 đồng – 1.050.200 đồng = 1.949.800 đồng. Do việc bà H không tiếp tục đóng hụi chết kể từ kỳ khui thứ 12, nên bà B phải đóng thay bà H cho các hụi viên hốt hụi cho đến mãn hụi. Theo quy địnhtại khoản 2 Điều  30 của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường, thì kể từ kỳ khui hụi thứ 12, ngoài việc phải trả phần hụi sau khi được điều chỉnh (1.949.800 đồng)/kỳ khui hụi, phía bà H còn phải chịu khoản tiền lãi chậm trả. Thời điểm tính lãi chậm trả được xác định từ ngày chủ hụi (bà B) phải giao hụi cho các hụi viên được hốt hụi (theo danh sách hụi, ngày chủ hụi giao hụi là ngày 21 âm lịch Hng tháng) tính đến ngày xét xử sơ thẩm. Cụ thể phải thanh toán và tiền lãi chậm trả được xác định như sau:

Tổng số tiền vốn và lãi theo bảng tính trên là: 25.347.400 đồng + 6.353.000 đồng = 31.700.400 đồng. Do bà H đã trả tiền thừa trong 09 kỳ hụi chết đã đóng (1.050.200 đồng x 09 kỳ = 9.451.800 đồng) nên được khấu trừ. Số tiền còn lại phải thanh toán đối với chân hụi này là: 31.700.400 đồng - 9.451.800 đồng = 22.248.600 đồng.

[9] Đối với chân hụi thứ hai của dây hụi 03 triệu đồng do bà B làm chủ nói trên, bà H hốt vào kỳ khui thứ ba, bỏ thăm (lãi) 1.000.000 đồng, hốt 2.000.000 đồng. Cũng như cách tính ở mục [8] trên, thì phần bà H trả thừa sẽ là: 1.000.000 đồng – 49.800 đồng = 950.200 đồng. Số tiền thừa này cũng được trừ vào tiền hụi chết phải đóng cho mỗi kỳ hụi là: 3.000.000 đồng – 950.200 đồng = 2.049.800 đồng. Ngoài việc phải trả phần hụi sau khi được điều chỉnh (2.049.800 đồng)/kỳ khui hụi, phía bà H còn phải chịu khoản tiền lãi chậm trả theo như cách tính ở mục [8] nói trên, cụ thể:

Tổng số tiền vốn và lãi theo bảng tính trên là: 26.647.400 đồng + 6.680.000 đồng = 33.327.400 đồng. Do bà H đã trả tiền thừa trong 08 kỳ hụi chết đã đóng (950.200 đồng x 08 kỳ = 7.601.600 đồng) nên được khấu trừ. Số tiền còn lại phải thanh toán đối với chân hụi này là: 33.327.400 đồng - 7.601.600 đồng = 25.725.800 đồng.

[10] Tổng số tiền của 02 chân hụi chết trong dây hụi 03 triệu đồng được tính ở mục [8] và [9] nói trên phía bà H phải thanh toán cho bà B là: 22.248.600 đồng + 25.725.800 đồng = 47.974.400 đồng. Sau khi bể hụi, bà H có thanh toán cho bà Bđược 02 triệu đồng, nên số tiền còn lại phải thanh toán của 02 chân hụi chết này là: 47.974.400 đồng –  2.000.000 đồng = 45.974.000 đồng (tính tròn số)

[11] Tổng số tiền của 01 chân hụi trong dây hụi 05 triệu đồng được tính ở mục [7] và tổng số tiền của 02 chân hụi trong dây hụi 03 triệu đồng được tính ở mục [10] nói trên là: 77.679.000 đồng + 45.974.000 đồng = 123.653.000 đồng.

[12] Về người có nghĩa vụ thanh toán nợ: Tuy ông T không có mặt tại phiên tòa này, nhưng tại các phiên tòa giải quyết tranh chấp hụi giữa các hụi viên với vợ chồng bà H trước đó, ông T có ý kiến không đồng ý thanh toán nợ hụi cùng với bà H nhưng lại đồng ý dùng tài sản của vợ chồng để trả nợ là thiếu thiện chí và không đảm bảo việc thi hành án. Do đó, cần buộc bà H và ông T cùng có trách nhiệm thanh toán123.653.000 đồng khoản nợ hụi  cho bà B. Trường hợp chậm thanh toán, vợ chồng bà H còn phải chịu thêm phần lãi suất theo quy định của Nhà nước.

[13] Với những cơ sở nói trên, thì ý kiến của Kiểm sát viên về giải quyết vụ án cũng như yêu cầu của bà B được Hội đồng xét xử chấp nhận một phần.

[14] Bà H có đơn xin miễn án phí do có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền địa phương xác nhận, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận cho miễn nộp ½ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch 5% tương ứng với phần nghĩa vụ phải thực hiện.

[15] Bà B được nhận lại tiền nộp tạm ứng án phí.

[16] Vì thời điểm thụ lý vụ án trước ngày 01/01/2017, nhưng sau ngày 01/01/2017 Tòa án mới xét xử sơ thẩm, theo quy định tại Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì các quyết định về án phí được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

[17] Nguyên đơn có mặt tại phiên tòa, nên thời hạn kháng cáo tính kể từ ngày tuyên án. Các đương sự còn lại vắng mặt tại phiên tòa, nên thời hạn kháng cáo tính kể từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 147, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 357, 471 của Bộ luật dân sự; Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường; Điều 14, 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 10/2009/PL-UBTVQH ngày 27 tháng 02 năm 2009 và mục 2 phần I Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án (ban Hnh kèm theo Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH ngày 27 tháng 02 năm 2009):

1. Xét xử vắng mặt: Bà Phạm Đông H, ông Huỳnh Việt T và anh Huỳnh Phương V.

2. Không chấp nhận bổ sung yêu cầu của bà Nguyễn Thị Út B (tên gọi khác là Út T) về việc yêu cầu anh Huỳnh Phương V thanh toán khoản nợ hụi.

3. Buộc bà Phạm Đông H và ông Huỳnh Việt T cùng chịu trách nhiệm thanh toán cho bà Nguyễn Thị Út B (tên gọi khác là Út T) tổng số tiền hụi còn nợ là 123.653.000 đồng (một trăm hai mươi ba triệu sáu trăm năm mươi ba ngàn đồng).

4. Kể từ ngày bà B có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp bà H, ông T không chịu thanh toán khoản tiền nói trên cho bà B, thì hàng tháng, bà H và ông T còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

5. Bà H, ông T được miễn 50% án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch 5%, chỉ phải chịu 3.091.000 đồng (ba triệu không trăm chín mươi mốt ngàn đồng, tính tròn số).

6. Trả lại cho bà B tiền nộp tạm ứng án phí 3.950.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 03382 ngày 26 tháng 5 năm 2016 do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thới Bình phát hành.

7. Nguyên đơn có mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được nhận bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

8. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

663
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 05/2019/DS-ST ngày 28/02/2019 về tranh chấp tiền hụi

Số hiệu:05/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thới Bình - Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;