Bản án 05/2017/KDTM-PT ngày 30/08/2017 về tranh chấp hợp đồng xây dựng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 05/2017/KDTM-PT NGÀY 30/08/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Trong ngày 30 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 07/2017/TLPT-KDTM ngày 02 tháng 8 năm 2017 về “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”.

Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 06/2017/KDTM-ST ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 24/2017/QĐ-PT ngày 08 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty T.

Địa chỉ trụ sở: Đường B, Phường 13, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Quốc T – Tổng giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Phạm Anh V, sinh năm 1984 (địa chỉ liên hệ: Đường B, Phường 13, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh), theo văn bản ủy quyền ngày 05/11/2015.

2. Bị đơn: Công ty L.

Địa chỉ trụ sở: Đường T, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Quốc V – Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Hoàng T (sinh năm 1976, địa chỉ cư trú: Đường N, phường T, quận S, thành phố Đà Nẵng), theo văn bản ủy quyền ngày 12/7/2017.

3. Người kháng cáo: Công ty L, là bị đơn trong vụ án.

Tại phiên tòa, ông Phạm Anh V, ông Nguyễn Hoàng T có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 09/11/2015 và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn Công ty T trình bày:

Ngày 09/5/2011, Công ty T (viết tắt là Công ty T) và Công ty L (viết tắt là Công ty L) ký kết Hợp đồng kinh tế số 0905/2011/HĐKT; ngày 21/02/2012 hai bên ký kết Phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐ/LM45.3-TĐ. Theo đó, Công ty T nhận thi công hạng mục “Xây dựng khung bê tông cốt thép khu Building cho dự án Hangar sửa chữa máy bay thân rộng A75”, địa điểm tại Sân bay T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh, giá trị hợp đồng là 27.168.229.931 đồng. Theo thỏa thuận hai bên đã ký kết trong hợp đồng, thời hạn bảo hành hạng mục công trình là 12 tháng tính từ ngày ký biên bản nghiệm thu, bàn giao hạng mục công trình. Trong thời hạn bảo hành, bên giao thầu là Công ty L được giữ lại 5% giá trị hợp đồng, sau khi hết thời hạn bảo hành thì bên giao thầu phải thanh toán dứt điểm cho bên nhận thầu là Công ty T. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đã thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng. Căn cứ vào bảng quyết toán giá trị khối lượng hoàn thành và bảng tổng hợp giá trị thanh toán thì số tiền mà Công ty L còn phải trả cho Công ty T là 644.454.846 đồng. Ngày 30/6/2013, Công ty T và Công ty L đã ký biên bản nghiệm thu khối lượng quyết toán hạng mục công trình, như vậy, thời hạn bảo hành sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2014. Tuy nhiên, sau khi đã hết thời hạn bảo hành, mặc dù Công ty T đã nhiều lần yêu cầu Công ty L thanh toán dứt điểm khoản tiền nêu trên nhưng Công ty L vẫn không thực hiện.

Sau khi Công ty T khởi kiện thì Công ty L đã thanh toán được một phần nợ gốc cho Công ty T, cụ thể: Ngày 31/12/2015, thanh toán 100.000.000 đồng; ngày 24/02/2016, thanh toán 50.000.000 đồng và ngày 25/01/2017, thanh toán 100.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Công ty L đã thanh toán cho Công ty T là 250.000.000 đồng.

Tại phiên tòa, Công ty T yêu cầu Công ty L phải trả cho Công ty T tổng số tiền là 1.260.833.396 đồng, gồm các khoản như sau: Tiền nợ gốc chưa thanh toán là 394.454.846 đồng; Tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là 265.017.412 đồng; tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ là 601.361.138 đồng.

Tại biên bản hòa giải ngày 30/3/2017 và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn Công ty L trình bày:

Việc ký kết Hợp đồng kinh tế về thi công xây dựng Công trình giữa Công ty T và Công ty L đúng như Công ty T đã trình bày. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đã vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng nhưng Công ty L đã chia sẻ khó khăn, không bắt lỗi, cũng như không yêu cầu Công ty T phải bồi thường. Công ty L thừa nhận trước khi Công ty T khởi kiện thì Công ty L còn nợ Công ty T số tiền là 644.454.846 đồng, nhưng sau khi Công ty T khởi kiện thì Công ty L đã trả cho Công ty T được 250.000.000 đồng. Hiện nay, Công ty L chỉ còn nợ Công ty T số tiền nợ gốc là 394.454.846 đồng. Nguyên nhân Công ty L chậm thanh toán số tiền còn nợ cho Công ty T là do dự án mà Công ty L đã ký kết với Công ty T đã thi công xong, nhưng Công ty L chưa được bù giá thanh toán trên 60.000.000.000 đồng, nên Công ty L đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty L chỉ đồng ý trả cho Công ty T số tiền nợ gốc chưa thanh toán là 394.454.846 đồng, không đồng ý trả tiền phạt và tiền bồi thường do chậm thanh toán theo yêu cầu của Công ty T.

Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 06/2017/KDTM-ST ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Q quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty T. Buộc Công ty L phải trả cho Công ty T tổng số tiền là: 736.806.839 đồng, trong đó: Tiền nợ gốc chưa thanh toán là 394.454.846 đồng; tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ là 77.334.581 đồng; tiền lãi do chậm thanh toán là: 265.017.412 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đối với số tiền phạt 524.026.557 đồng.

3. Về án phí:

Công ty T phải chịu 24.961.062 đồng án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền 22.088.010 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự quận B theo Biên lai thu tiền số AB/2014/0002666 ngày
18/11/2015. Công ty T còn phải tiếp tục nộp số tiền 2.873.052 đồng.

Công ty L phải chịu 33.472.000 đồng án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm.

Bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo.

Ngày 03/7/2017, bị đơn Công ty L có đơn kháng cáo với nội dung: Công ty L chỉ chấp nhận khoản nợ 394.454.846 đồng, không chấp nhận khoản tiền phạt hợp đồng 77.334.581 đồng, không chấp nhận khoản tiền lãi 265.017.412 đồng.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký, các đương sự đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Xét kháng cáo của Công ty L về số tiền lãi do chậm thanh toán 265.017.412 đồng, theo như thỏa thuận giữa hai công ty tại khoản 8.3 Điều 8 của Hợp đồng kinh tế số 0905/2011/HĐKT ngày 09/5/2011, là phải thanh toán tiền khi hết thời hạn bảo hành ngày 30/6/2014, Công ty L không thanh toán cho Công ty T, nên Công ty T có quyền yêu cầu tính lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định  tại điểm d  khoản 2 Điều 42 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính Phủ. Tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu, nhưng lãi suất áp dụng không đúng quy định tại Nghị định số 48/2010/NĐ-CP, mà phải tính mức lãi suất 1,25% tháng theo mức lãi suất quy định của Ngân hàng N, số tiền được chấp nhận là 239.460.506 đồng. Đối với kháng cáo không trả tiền phạt do chậm thanh toán, theo thỏa thuận tại  khoản 11.1.5 Điều 11 Hợp đồng kinh tế số 0905/2011/HĐKT thì lãi phạt do chậm thanh toán là 0,1% ngày (3% tháng) cao hơn so với quy định tại khoản 2 Điều 110 Luật xây dựng, nên Tòa án sơ thẩm chỉ chấp nhận và tính mức phạt 12% trên giá trị của Hợp đồng bị vi phạm là 77.334.581 đồng là đúng quy định của pháp luật. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Theo đơn khởi kiện đề ngày 09/11/2015, Công ty T yêu cầu Công ty L phải trả cho Công ty T 644.454.846 đồng tiền nợ gốc, tại phiên tòa sơ thẩm Công ty T chỉ yêu cầu trả 394.454.846 đồng nợ gốc. Như vậy, Công ty T đã thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, việc thay đổi yêu cầu khởi kiện không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, nên Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ khoản 1 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận việc thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty T là phù hợp và đúng quy định pháp luật.

[2] Xét Hợp đồng kinh tế số 0905/2011/HĐKT ngày 09/5/2011 giữa Công ty L với Công ty T, Hội đồng xét xử thấy rằng: Hợp đồng được ký kết trên tinh thần tự nguyện thỏa thuận, hợp tác kinh tế giữa hai Công ty, phù hợp với quy định tại Điều 11 Luật Thương mại, khoản 1 Điều 4, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ và Luật xây dựng năm 2003, do đó phải tôn trọng sự thỏa thuận và bảo hộ sự thỏa thuận giữa hai Công ty. Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của hai Công ty đều khẳng định Hợp đồng kinh tế số 0905/2011/HĐKT được ký kết trên cơ sở của Luật Thương mại, Luật Xây dựng và chịu sự điều chỉnh của hai luật này.

Hợp đồng kinh tế số 0905/2011/HĐKT ngày 09/5/2011 giữa Công ty L với Công ty T, đã hoàn thành công việc xây dựng khung bê tông cốt thép khu BUILDING của dự án: HANGAR sửa chữa máy bay thân rộng A75, tại điạ điểm Sân bay T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh và được Công ty L và Công ty T ký biên bản nghiệm thu khối lượng, quyết toán hạng mục công trình vào ngày 30/6/2013. Theo thỏa thuận, Hợp đồng nêu trên chấm dứt vào ngày 30/6/2014 khi thời hạn bảo hành công trình kết thúc.

[3] Công ty L công nhận thời gian bảo hành công trình được tính đến ngày 30/6/2014, sau đó Công ty L không thực hiện nghĩa vụ trả số tiền còn nợ cho Công ty T. Công ty T khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu thanh toán số tiền còn nợ gốc, tiền lãi do chậm thực hiện thanh toán và tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Công ty L xác nhận còn nợ Công ty T 394.454.846 đồng tiền nợ gốc chưa thanh toán, nhưng kháng cáo không đồng ý trả số tiền lãi do chậm thanh toán 265.017.412 đồng và số tiền phạt 77.334.581 đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ. Xét nội dung kháng cáo không đồng ý trả số tiền lãi do chậm thanh toán 265.017.412 đồng của Công ty L, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Theo Hợp đồng đã ký kết, Công ty L và Công ty T thỏa thuận tại Điều 8 “Tạm ứng và thanh toán, quyết toán công trình”, điểm 9.1.8 Điều 9 “Thanh toán cho Bên B theo tiến độ thanh toán quy định tại Điều 8 của hợp đồng” và điểm 9.2.18 Điều 9 “được quyền yêu cầu bên A thanh toán các khoản tiền theo quy định tại Điều 11.1.5 do chậm thanh toán theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng”. Như vậy, tính đến ngày 30/6/2014, Công ty L không trả tiền cho Công ty T là trái với sự tự nguyện thỏa thuận giữa hai Công ty, không phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật thương mại và điểm d khoản 2 Điều 42 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ. Điểm d khoản 2 Điều 42 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ quy định “Bên giao thầu chậm thanh toán thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn áp dụng cho ngày đầu tiên chậm thanh toán do ngân hàng thương mại mà bên nhận thầu mở tài khoản công bố kể từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu”. Tại các văn bản đòi nợ của Công ty T, thể hiện Công ty T mở tài khoản tại Ngân hàng N (Bút lục 66, 70, từ 72 đến 75), nên lãi suất được tính phải là lãi suất của Ngân hàng N. Tòa án cấp sơ thẩm tính buộc trả trên cơ sở lãi suất yêu cầu của Công ty T là 1,35% tháng, là không đúng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP. Tại Công văn số 355 ngày 26/5/2014 của Chủ tịch hội đồng thành viên Ngân hàng N, lãi suất cho vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh của hệ thống Ngân hàng N là 10% năm, theo đó lãi suất quá hạn sẽ là 15% năm (1,25% tháng), nên cần phải tính lại số tiền lãi chậm thanh toán mà Công ty L phải trả cho Công ty T như sau:

- Tính từ ngày 01/7/2014 đến ngày 31/12/2015 là 17 tháng: 644.454.846 đồng x 1,25% tháng x 17 tháng = 136.946.654 đồng.

- Tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 23/02/2016 là 01 tháng 23 ngày: 544.454.846 đồng x 1,25% tháng x 01 tháng 23 ngày = 11.023.377 đồng.

- Tính từ ngày 24/02/2016 đến ngày 24/01/2017 là 11 tháng: 494.454.846 đồng x 1,25% tháng x 11 tháng = 67.987.541 đồng.

-  Tính  từ  ngày  25/01/2017  đến  ngày  16/6/2017  là  4  tháng  23  ngày: 394.454.846 đồng x 1,25% tháng x 4 tháng 23 ngày = 23.502.934 đồng.

Tổng cộng tiền lãi Công ty L phải trả do chậm thanh toán là 239.460.506 đồng.

Do Tòa án cấp sơ thẩm tính sai số tiền lãi Công ty L phải trả cho Công ty T, nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty L về số tiền lãi phải trả do chậm thanh toán.

[4] Xét kháng cáo của Công ty L đối với số tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán 77.334.581 đồng, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại Điều 300 Luật thương mại có quy định “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả cho khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”, và tại khoản 1 Điều 110 Luật xây dựng năm 2003 quy định “Phạt vi phạm hợp đồng phải được ghi trong hợp đồng”. Theo quy định tại Điều 8 “Tạm ứng và thanh toán, quyết toán công trình”, điểm 9.2.18 Điều 9 “được quyền yêu cầu bên A thanh toán các khoản tiền theo quy định tại Điều 11.1.5 do chậm thanh toán theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng” và tại điểm 11.1.5 Điều 11 “Phạt về nghĩa vụ thanh toán: Trong quá trình thực hiện Hạng mục nếu Bên A thanh toán chậm cho Bên B theo tiến độ thanh toán quy định tại Điều 8 thì bên A phải chịu phạt một khoản tiền do chậm thanh toán được tính trên cơ sở lãi suất vay ngắn hạn của ngân hàng ứng với số tiền chậm thanh toán và số ngày chậm thanh toán, nếu quá 10 ngày thì lãi suất áp dụng là 0,1% ngày cho số tiền chậm thanh toán” của Hợp đồng kinh tế số 0905/2011/HĐKT ngày 09/5/2011 giữa Công ty L và Công ty T. Như vậy, theo thỏa thuận nêu trên thì ngoài khoản tiền lãi do chậm thanh toán, Công ty L còn phải trả khoản tiền phạt cho Công ty T. Tuy nhiên, lãi suất thỏa thuận phạt trong hợp đồng là 0,1% ngày (tức 3% tháng, 36% năm), cao hơn so với quy định tại khoản 2 Điều 110 luật Xây dựng “Mức phạt không vượt quá 12% giá trị của hợp đồng bị vi phạm”, khoản 2 Điều 41 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 và Điều 301 Luật thương mại, nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận đề nghị cách tính mức phạt, số tiền phạt theo như yêu cầu của Công ty T là có căn cứ, đúng pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đã tính số tiền phạt Công ty L do chậm thanh toán cho Công ty T là 77.334.581 đồng là phù hợp và đúng quy định pháp luật. Do vậy, kháng cáo của Công ty L về việc không đồng ý trả số tiền phạt do chậm thanh toán, không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

Công ty L phải có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty T số tiền 394.454.846 đồng nợ gốc; 239.460.506 đồng tiền lãi do chậm thanh toán và 77.334.581 đồng tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng là 711.249.933 đồng.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty T, đối với yêu cầu về số tiền 361.900.632 đồng tiền lãi do chậm thanh toán và 187.682.831 đồng tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng là 549.583.463 đồng.

[6] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của Công ty L, sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm. Do sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm nên cần phải tính lại án phí sơ thẩm, như sau:

Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm Công ty L phải chịu là: (711.249.933 đồng – 400.000.000 đồng) x 4% + 20.000.000 đồng = 32.450.000 đồng.

Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm Công ty T phải chịu đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là: (549.583.463 đồng – 400.000.000 đồng)  x  4%  +  20.000.000  đồng  =  25.983.338  đồng,  nhưng  được  khấu  trừ 22.088.010 đồng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp, Công ty T còn phải nộp tiếp 3.895.328 đồng.

[7] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên tòa là có cơ sở, đúng pháp luật và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 148, khoản 1 Điều 244, Điều 293, khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 313, Điều 315 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 110 Luật xây dựng năm 2003; các Điều 300, 301 và 306 Luật thương mại năm 2005; Điều 41, Điều 42 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính Phủ; Khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh 10/2009 về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn Công ty L;

- Sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 06/2017/KDTM-ST ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty T. Buộc Công ty L phải trả cho Công ty T số tiền 394.454.846 đồng nợ gốc, 239.460.506 đồng tiền lãi do chậm thanh toán và 77.334.581 đồng tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng là 711.249.933 đồng (Bảy trăm mười một triệu, hai trăm bốn mươi chín ngàn, chín trăm ba mươi ba đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, người phải thi hành án chậm thi hành, thì người phải thi hành án còn phải trả khoản tiền lãi của số tiền chậm thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chậm thi hành.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty T, đối với yêu cầu về số tiền 361.900.632 đồng tiền lãi do chậm thanh toán và 187.682.831 đồng tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng là 549.583.463 đồng (Năm trăm bốn mươi chín triệu, năm trăm tám mươi ba ngàn, bốn trăm sáu mươi ba đồng).

3. Về án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm:

Công ty L phải chịu 32.450.000 đồng (Ba mươi hai triệu, bốn trăm năm mươi ngàn đồng) tiền án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm.

Công ty T phải chịu 25.983.338 đồng tiền án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm, nhưng được khấu trừ 22.088.010 đồng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp tại Biên lai thu số AB/2014/0002666 ngày 18/11/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty T còn phải nộp tiếp 3.895.328 đồng (Ba triệu, tám trăm chín mươi lăm ngàn, ba trăm hai mươi tám đồng).

4. Về án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Công ty L không phải chịu án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm. Hoàn trả lại cho Công ty L 45.3 số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu số AA/2014/0004836 ngày 10/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

743
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 05/2017/KDTM-PT ngày 30/08/2017 về tranh chấp hợp đồng xây dựng

Số hiệu:05/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 30/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;