TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THUẬN BẮC, TỈNH NINH THUẬN
BẢN ÁN 05/2017/HSST NGÀY 24/05/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH DO VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG
Ngày 24 tháng 5 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 04/2017/HSST ngày 07 tháng 4 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/QĐXX-HSST ngày 12 tháng 5 năm 2017 đối với bị cáo: A, sinh ngày 20-8-1998, tại: thôn M, xã N, huyện P, tỉnh Ninh Thuận; nơi cư trú: thôn M, xã N, huyện P, tỉnh Ninh Thuận; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không có; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa: học lớp 9/12; con ông B, sinh năm 1965 và bà C, sinh năm 1966; tiền án: ngày 27-3-2015, bị phạt 04 tháng tù về tội trộm cắp tài sản (chấp hành xong hình phạt ngày 29-9-2015); tiền sự: ngày 09-9-2014, bị phạt 1.000.000 đồng về hành vi trộm cắp tài sản (chưa chấp hành việc nộp tiền phạt); tạm giữ ngày 28-01-2017 tại Công an huyện T. (có mặt)
Bị hại: anh D, sinh ngày 01-01-1998; nơi cư trú: thôn M, xã N, huyện P, tỉnh Ninh Thuận. (có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Theo Bản Cáo trạng: Khoảng 14 giờ ngày 15-10-2016, anh E và anh G ngồi ở quán nước gần trường Trung học Cơ sở Q thuộc xã M, huyện N, nhìn thấy anh H điều khiển xe mô-tô chở Bị cáo A và anh I ngang qua. E nhớ lại trước đây khoảng hơn một năm đã từng bị A cầm dao đòi đâm nên kể cho G. Nghe vậy G hỏi E có đánh nhóm của A không thì E đồng ý. Cả hai về nhà E lấy một dao mã tấu tự tạo, dài 68,44cm (lưỡi bằng kim loại màu trắng, dài 43,9cm, bản dẹp, dày 0,15cm, rộng 04cm, một đầu sắc, mũi nhọn, phần cán bằng gỗ, dài 24,54cm) đưa cho G cầm, còn E điều khiển xe mô-tô chở G đi tìm nhóm của A để đánh. Nhìn thấy nhóm của A đang đi xe mô-tô chạy chậm trên đoạn đường từ thôn M về thôn M’ (thuộc xã N, huyện P) nói chuyện với mấy người bạn đi bộ, E điều khiển xe đến tông vào phía sau xe mô-tô nhóm của A, làm cả hai xe và người cùng ngã ra đường. Sau đó, G cầm mã tấu cùng E lao đến nhóm của A đang té ngã để đánh. Thấy vậy, H và I đứng dậy bỏ chạy, còn A bị G dùng mã tấu chém vào người. Lúc này, A nhìn thấy một lưỡi dao bằng kim loại, dài 15cm, rộng 1,6cm trên nền đường, nằm dưới xe mô-tô của H nên nhặt lên, đứng dậy chém qua lại trúng E một nhát ở vùng ngực phải, một nhát ở cẳng tay trái. E tiếp tục tiến đến để đánh thì bị A nắm cổ áo, đâm một nhát vào trán phải của E làm gãy một phần lưỡi dao ghim vào trán, rồi vứt đoạn lưỡi dao còn lại tại hiện trường và bỏ chạy. E được đưa đi cấp cứu.
Tại phiên tòa, theo lời khai của A và H thì khi bị tông xe từ phía sau, nhìn thấy G và E lao đến đánh, H và I bỏ chạy, H lỡ đạp vào chân đau của A (bị gãy bó bột trước đó khoảng một tháng) nên A không đứng dậy kịp. Theo lời khai của A, G và E thì khi G cùng E lao đến, A đang trong tư thế té ngã trên mặt đường, G cầm dao mã tấu chém trúng vùng đầu của A, còn E dùng tay chân đánh vào người A. Khi A nhặt được lưỡi dao chống đỡ, đánh lại và có ý định bỏ chạy thì bị G tiếp tục chém trúng hai nhát ở vùng lưng, trong khi E lao đến đối diện để đánh A. Lúc này, A nắm được cổ áo của E, dùng tay phải đâm một nhát vào trán phải của E, rồi vứt lưỡi dao bỏ chạy. Sau khi bỏ trốn một thời gian, A bị bắt theo lệnh truy nã.
Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 11/TgT ngày 11-01-2014, Trung tâm Pháp y tỉnh N xác định tình trạng thương tích của anh E như sau:
- Vết thương ngực phải gần khớp ức đòn chũm phải, sẹo liền tốt, phẳng, kích thước (1,1 x 0,1)cm, không đau khi thăm khám, hít thở bình thường (01%)
- Vết thương ngang cẳng tay trái 1/3 trên mặt trong sau, sẹo lồi liền tốt, kích thước (2,7 x 0,5)cm, vận động cẳng tay bình thường (01%).
- Vết thương đỉnh đầu phải phía trán, sẹo liền tốt, phẳng, kích thước (2,1 x 0,1)cm (01%).
- Vùng vết thương đầu trán phải, khuyết sọ, lõm đáy phập phồng, kích thước lõm (05 x 4,1)cm, ảnh hưởng thẩm mỹ (30%).
- CT-Scanner: hình ảnh tổn thương giảm đậm độ nhu mô não trán phải, tổn thương dập não < 02cm (31%).
Kết luận: Sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là 53%.
Quá trình điều tra, các bên thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại cho anh E là 29.121.000đ. Bị cáo đã bồi thường cho Bị hại 4.000.000đ.
Bản Cáo trạng số 05/CT-VKS ngày 05-4-2017 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện T truy tố bị cáo A về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 3 (thuộc điểm a khoản 1) Điều 104 của Bộ luật Hình sự (BLHS).
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Theo tài liệu tại hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa thì G và E là những người chuẩn bị hung khí, thống nhất ý chí cùng đánh A, so sánh tương quan lực lượng giữa các bên thì A bị G và E tấn công trong lúc yếu thế hơn. Tuy nhiên, hành vi của A chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại nên vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vì vậy, Viện Kiểm sát thay đổi quyết định truy tố và kết luận thành tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 106 của BLHS.
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 ngày 29-6-2016 của Quốc hội và Công văn số 276 ngày 13-9-2016 của Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn về quy định có lợi cho người phạm tội thì khoản 1 Điều 106 của BLHS năm 1999 có quy định hình phạt tù, tương ứng với khoản 1 Điều 136 của BLHS năm 2015 không quy định hình phạt tù là có lợi cho Bị cáo.
Sau khi phạm tội, Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường cho Bị hại một phần thiệt hại với số tiền 4.000.000 đồng. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, p khoản 1 Điều 46 của BLHS. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của BLHS.
Vì vậy, đề nghị phạt Bị cáo từ hai đến ba năm cải tạo không giam giữ.
Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị buộc Bị cáo tiếp tục bồi thường cho Bị hại số tiền 25.121.000đ.
Về vật chứng: Đề nghị tịch thu, tiêu hủy một mã tấu tự tạo, một lưỡi dao (theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 24-11-2016) do không còn giá trị sử dụng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an huyện P, tỉnh Ninh Thuận, Điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Ninh Thuận, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, bị hại và người làm chứng không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Xét bị cáo A là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Do có mâu thuẫn trước đây, A bị E và G (bạn của E) cùng thống nhất ý chí đánh A. E và G tấn công A liên tục thể hiện qua một loạt hành vi như điều khiển xe mô-tô cố ý tông vào sau xe mô-tô của H điều khiển chở A và I, làm hai xe và người cùng ngã ra đường, ngay lập tức, G dùng dao mã tấu, còn E dùng tay chân lao đến chém và đánh A liên tục, trong khi A ở vào thế chống đỡ và nhặt được lưỡi dao đánh trả. Đây là sự phòng vệ cần thiết. Tuy nhiên, khi A có ý định bỏ chạy, E tiếp tục xông vào đánh A bằng tay chân thì A đã nắm cổ áo E đâm một nhát dao vào trán E làm lưỡi dao bị gãy, gây thương tích cho E tỉ lệ tổn thương cơ thể 53% (theo phương pháp tính cộng lùi) là hành vi vượt quá mức cần thiết, đã xâm hại đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, vì vây tại phiên tòa đại diện Viện Kiểm sát thay đổi kết luận về tội danh so với Cáo trạng, truy tố A về tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 106 của BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Việc kết luận về tội danh nhẹ hơn so với Cáo trạng là theo hướng có lợi cho Bị cáo, đúng quy định tại khoản 1 Điều 217, khoản 1 Điều 221 của BLTTHS.
[3] Ý kiến của Viện Kiểm sát về xử lý trách nhiệm hình sự đối với Bị cáo theo quy định có lợi của BLHS năm 2015 là phù hợp với quy định của Nghị quyết số 144 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7 của BLHS năm 2015, vì vậy mức hình phạt đề nghị đối với Bị cáo từ hai đến ba năm cải tạo không giam giữ là hoàn toàn tương xứng với tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của Bị cáo, nhưng cần trừ thời gian Bị cáo bị tam giữ, tạm giam Từ ngày 28-01-2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 24-5- 2017) là 117 ngày tương ứng với 351 ngày cải tạo không giam giữ (khoản 1 Điều 31 của BLHS). Theo hướng dẫn tại Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 và Công văn số 327/TANDTC-PC ngày 07-11-2016 của Tòa án Nhân dân Tối cao thì trong phần Quyết định của bản án phải viện dẫn cả điều khoản của BLHS năm 1999 và điều khoản có lợi cho Bị cáo của BLHS năm 2015 làm căn cứ để quyết định trách nhiệm hình sự đối với Bị cáo.
[4] Ý kiến của Viện Kiểm sát đề nghị buộc Bị cáo tiếp tục bồi thường cho Bị hại 25.121.000 đồng là đúng quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015; đề nghị tịch thu tiêu hủy vật chứng không có giá trị là một mã tấu tự tạo, một lưỡi dao (theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 24-11-2016) là phù hợp quy định tại điểm a và đ khoản 2 Điều 76 của BLTTHS năm 2003.
[5] Do Bị cáo không bị phạt bằng hình phạt tù nên theo quy định tại khoản 3 Điều 227 của BLTTHS, trả tự do cho Bị cáo ngay tại phiên tòa, nếu Bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.
[6] Về án phí hình sự sơ thẩm: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (kèm theo Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án) thì Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo A phạm tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
Áp dụng khoản 1 Điều 106, điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 31 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Hình sự năm 2015, phạt Bị cáo A 02 (hai) năm cải tạo không giam giữ, nhưng trừ cho Bị cáo 117 (một trăm mười bảy) ngày tạm giữ, tạm giam, tương ứng với 351 (ba trăm năm mươi mốt) ngày cải tạo không giam giữ. Bị cáo còn phải chấp hành 01 (một) năm 14 (mười bốn) ngày cải tạo không giam giữ. Thời gian cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định và bản sao Bản án. Giao A cho Ủy ban nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Ninh Thuận giám sát, giáo dục.
Áp dụng khoản 3 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng hình sự, trả tự do cho bị cáo A tại phiên tòa.
Áp dụng Điều 357, 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc A tiếp tục bồi thường cho anh E 25.121.000 đồng (hai mươi lăm triệu một trăm hai mươi mốt ngàn đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành án thì phải chịu lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tịch thu, tiêu hủy một dao mã tấu tự tạo, một lưỡi dao kim loại theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 24-11-2016 của Công an và Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (kèm theo Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án), Bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Bản án này được thi hành theo Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
Án xử sơ thẩm có mặt bị cáo, bị hại, quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (ngày 24-5-2017).
Bản án 05/2017/HS-ST ngày 24/05/2017 về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Số hiệu: | 05/2017/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Thuận Bắc - Ninh Thuận |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/05/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về