Bản án 04/2023/LĐ-PT về tranh chấp tập nghề, bồi thường chi phí đào tạo

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 04/2023/LĐ-PT NGÀY 24/08/2023 VỀ TRANH CHẤP TẬP NGHỀ, BỒI THƯỜNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO

Ngày 24 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2023/TLPT-LĐ ngày 19 tháng 7 năm 2023 về việc Tranh chấp về tập nghề, bồi thường chi phí đào tạo.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân quận K, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 02/2023/QĐ-PT ngày 31 tháng 7 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 02/2023/QĐPT-LĐ ngày 14 tháng 8 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Tổng Công ty H – CTCP; địa chỉ trụ sở: Số 124 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận L, thành phố H;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Hải N, Phó Tổng Giám đốc và ông Vũ Nhất Q, Cán bộ phòng Tổ chức Hành chính Tổng Công ty H - CTCP; bà Lê Thị Thúy Ng, Giám đốc Phòng khám Q; ông Trần Văn N, Luật sư (theo giấy ủy quyền ngày 03/11/2022); bà Ng, ông Q, ông N có mặt; bà N vắng mặt.

- Bị đơn: Chị Tống Thị Hiền Tr; địa chỉ: Số 10/139 Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, quận K, thành phố H; có mặt.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Bùi Xuân D, bà Trần Thị N, bà Vũ Thị L; địa chỉ: Trung Tâm tư vấn pháp luật- Trường N, số 87 T, quận Đ, thành phố Hà Nội (theo giấy ủy quyền ngày 27/7/2023); có mặt.

- Người làm chứng:

+ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H; địa chỉ: Số 124 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận L, thành phố H; vắng mặt.

+ Phòng khám quốc tế Q; địa chỉ: Ngã tư Q, Quốc lộ 10, huyện A, thành phố H. Người đại diện: Bà Lê Thị Thúy Ng – Giám đốc phòng khám Q; có mặt.

- Người kháng cáo, kháng nghị: Bị đơn chị Tống Thị Hiền Tr kháng cáo và Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 04/01/2023, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là Tổng Công ty H – CTCP trình bày:

Bệnh viện đa khoa Quốc tế H (sau đây gọi tắt là Bệnh viện Đa Khoa) và Phòng khám đa khoa quốc tế Q (sau đây gọi tắt là Phòng khám Q) là chi nhánh của Tổng Công ty H – CTCP (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty H), hoạt động dưới sự điều hành, ủy quyền của Tổng Công ty H.

Chị Tống Thị Hiền Tr là Bác sỹ chuyên ngành Răng Hàm Mặt, tốt nghiệp tháng 8 năm 2019, chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Ngày 04/3/2020 chị Tr có đơn xin học việc, thử việc gửi Tổng Giám đốc Tổng Công ty H và Phòng khám Q, đồng thời chị Tr có bản cam kết sau khi hoàn thành học việc, thử việc hoặc đi học về cam kết làm việc cho Phòng khám Q ít nhất 05 năm, nếu vi phạm các quy định trên, chị Tr xin bồi hoàn gấp đôi số tiền mà Phòng khám Q và Tổng Công ty H đã chi phí cho chị Tr đi đào tạo gồm: Tiền học phí, tiền lương và các khoản hỗ trợ khác.

Căn cứ vào Quy chế số 03/QC-HĐQT ngày 28 tháng 02 năm 2010 của Hội đồng quản trị Tổng Công ty H về việc tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ đối với đội ngũ Bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên cho hoạt động ngành y của Tổng Công ty H. Căn cứ vào đơn xin học việc, thử việc của chị Tr, Giám đốc Phòng khám Q đã báo cáo và đề nghị Tổng Giám đốc Tổng công ty H tuyển dụng và ký hợp đồng lao động có thời hạn 18 tháng đối với chị Tr kể từ ngày 16/04/2020 đến ngày 15/10/2021 (mức lương chị Tống Thị Hiền Tr được hưởng bằng 85% mức lương của bác sỹ chính thức, đã có chứng chỉ hành nghề). Do chị Tr chưa có chứng chỉ hành nghề nên không thể trực tiếp khám chữa bệnh tại Phòng khám Q và Phòng khám Q không có bác sỹ đủ tiêu chuẩn để hướng dẫn cho chị Tr, do vậy Phòng khám Q đã cử chị Tr sang Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H là chi nhánh của Tổng công ty H, là nơi có bác sỹ có kinh nghiệm chuyên môn và tay nghề cao, đủ tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành cho chị Tr. Khi chị Tr sang Bệnh viện Đa khoa thực tập, bệnh viện đã cử bác sỹ chuyên khoa I là Trần Thị Nhung hướng dẫn cho chị Tr. Khi kết thúc khóa thực tập bác sỹ Nhung là người nhận xét quá trình thực hành của chị Tr và đây cũng là điều kiện bắt buộc phải có khi chị Tr xin cấp chứng chỉ hành nghề. Ngày 19/11/2021 chị Tr đã được Giám đốc Sở Y tế H cấp Chứng chỉ hành nghề số 009219/HP-CCHN.

Trong thời gian chị Tr đi học, chị Tr được Phòng khám trả lương 10.000.000đ cho 26 ngày công/tháng, các chi phí đào tạo, được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi và tiền thưởng theo quy định của Tổng công ty H và Phòng khám Q, được đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN theo mức lương cơ bản Bác sỹ bậc 1 là 5.214.000đ/tháng.

Kết thúc khóa học chị Tr trở về làm việc tại Phòng khám Quốc tế Q, trong thời gian này chị Tr nhiều lần vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan như không chấp hành sự phân công của Giám đốc, tự ý nghỉ việc không báo cáo… Ngày 05/02/2022, chị Tr có đơn xin nghỉ việc. Như vậy, chị Tr đã không thực hiện đúng văn bản cam kết ngày 04/3/2020 là làm việc ít nhất 05 năm tại Phòng khám sau khi hoàn thành khóa học, vi phạm Quy chế số 03/QC-HĐQT ngày 28/02/2010 của Tổng Công ty H.

Ngày 27 tháng 5 năm 2022, Hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo của Tổng Công ty H đã họp và quyết định chị Tống Thị Hiền Tr phải bồi thường tổng số tiền chi phí đào tạo là 560.441.578 đồng, gồm những khoản tiền sau:

- Tiền lương cứng: 182.445.539 đồng, gồm:

+ Tiền lương cứng Bệnh viện Đa Khoa chi trả: 126.730.769 đồng, trong đó 126.570.762 đồng trả qua Ngân hàng Vietinbank chi nhánh C (có chứng từ kèm theo) và số tiền: 160.007 đồng kinh phí công đoàn.

+ Tiền lương cứng do Phòng khám Q chi trả: 55.714.770 đồng, bao gồm: 44.551.679 đồng trả qua Ngân hàng Vietinbank chi nhánh C (có chứng từ kèm theo); 1.153.846 đồng trả bằng tiền mặt (lương cứng tháng 4 năm 2020); 9.499.245 đồng tiền Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...; 510.000 đồng tiền kinh phí công đoàn.

- Tiền chi phí đào tạo: 63.00.000 đồng trong 18 tháng (có bảng kê kèm theo).

- Tiền lương mềm: 27.000.000 đồng thanh toán cho chị Tr bằng tiền mặt (có chứng từ, ký nhận của chị Tr).

- Tiền khác: 7.775.250 đồng bao gồm: Tiền tháng lương thứ 13 năm 2020 là: 1.955.250 đồng (thanh toán tiền mặt có chứng từ ký nhận kèm theo); tiền tháng lương thứ 13 năm 2021 là: 3.720.000 đồng (thanh toán tiền mặt có chứng từ ký nhận kèm theo); tiền ngày lễ tết trong năm 2020 và năm 2021 tổng số 2.100.000 đồng (07 ngày x 300.000 đồng/ ngày).

Tổng số tiền chị Tống Thị Hiền Tr phải bồi thường: (Tiền lương cứng + tiền lương mềm + tiền chi phí đào tạo + tiền khác) x 2 = (182.445.532đ + 27.000.000đ + 63.000.000đ + 7.775.250đ) = 280.220.789 x 2 = 560.441.578 đồng.

Ngoài ra, chị Tống Thị Hiền Tr phải thanh toán cho Tổng Công ty H số tiền Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… 21,5% mà Doanh nghiệp đã đóng là: 21.604.145 đồng.

Tại Quyết định số 93/QĐ-TGĐ ngày 28/5/2022 của Tổng giám đốc Tổng Công ty H đã quyết định chấm dứt hợp đồng với chị Tống Thị Hiền Tr và buộc chị Tr phải bồi hoàn số kinh phí đào tạo cho Tổng Công ty H là 560.441.578 đồng, thời hạn hoàn thành trước ngày 15/6/2022. Đến nay, thời hạn để hoàn thành số tiền bồi hoàn trên đã quá thời hạn quy định nhưng chị Tr vẫn không thực hiện việc bồi hoàn. Do vậy, chị Tr phải chi trả tiền lãi suất chậm trả là 10% theo quy định, tạm tính từ ngày 15/6/2022 đến ngày 15/3/2023 là 21.016.559 đồng.

Tổng số tiền Tổng Công ty H yêu cầu chị Tống Thị Hiền Tr phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho Tổng Công ty H là 602.522.282 đồng.

Các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn là chị Tống Thị Hiền Tr trình bày:

Ngày 04/3/2020, chị Tr có tự nguyện ký Đơn xin học việc - thử việc và Bản cam kết theo mẫu của Tổng Công ty gửi Tổng giám đốc Tổng công ty H, Giám đốc Phòng khám Q với nội dung xin học việc/thử việc và các cam kết nếu được nhận (nội dung cụ thể được thể hiện trong Đơn xin học việc - thử việc và Bản cam kết).

Từ ngày 04/3/2020 cho đến khi được ký hợp đồng lao động (ngày 16/4/2020), chị Tr có thử việc không lương tại Phòng khám Q – chi nhánh Tổng Công ty H.

Ngày 16/4/2020, chị Tr và Tổng Công ty H ký kết hợp đồng lao động số 164/HĐLĐ, thời hạn 18 tháng kể từ ngày 16/4/2020 đến ngày 15/10/2021; địa điểm làm việc: Phòng khám Q và các cơ sở khám chữa bệnh khác của Tổng công ty H. Trước khi được tuyển dụng, chị Tr chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, nguyên nhân là chưa đủ thời gian 18 tháng thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài Hợp đồng lao động số 164/HĐLĐ ngày 16/4/2020 nói trên, chị Tr không ký bất kỳ hợp đồng nào khác với Tổng Công ty H. Khi được tuyển dụng, chị Tr được phân công làm việc tại 02 cơ sở là Bệnh viện đa khoa và Phòng khám Q – đều là chi nhánh của Tổng Công ty H. Chị Tr không được Tổng Công ty H cử đi học/đào tạo ở đơn vị ngoài hệ thống, không được nhận chi phí đào tạo nào. Chị Tr là người lao động cho Tổng Công ty H, làm việc cho Tổng Công ty và được trả lương, thưởng, phụ cấp và các khoản khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trong thời gian chị Tr làm việc tại Bệnh viện đa khoa chị Tr không phải chi phí bất kỳ khoản chi phí nào liên quan đến công việc và thực hành tại đây. Sau khi làm việc tại Bệnh viện đa khoa, tháng 10/2021 chị Tr có làm hồ sơ đề nghị Sở y tế cấp chứng chỉ hành nghề, chị Tr là người trực tiếp khai vào Giấy xác nhận quá trình thực hành tại Bệnh viện đa khoa quốc tế H từ ngày 16/4/2020 đến ngày 18/10/2021 do bác sỹ chuyên khoa I là Trần Thi Nhung hướng dẫn, bác sỹ Nhung đã xác nhận quá trình thực hành của chị Tr. Tuy nhiên, đây chỉ là thủ tục giấy tờ để xin cấp chứng chỉ hành nghề, còn thực tế chị Tr đến Bệnh viện đa khoa làm việc chứ không phải thực hành.

Hợp đồng lao động số 164/HĐLĐ ngày 16/4/2020 và Quyết định về việc tuyển dụng lao động số 164/QĐ-TGĐ ngày 16/4/2020 đều thể hiện thời hạn lao động của chị Tr tại Tổng Công ty H là 18 tháng, kể từ ngày 16/4/2020. Khi hết thời hạn lao động là 18 tháng nói trên (hết ngày 15/10/2021), chị Tr có hỏi lãnh đạo về việc gia hạn hoặc ký mới hợp đồng lao động giữa chị Tr và Tổng Công ty H nhưng chỉ được trả lời là chờ thêm thời gian. Chị Tr vẫn tiếp tục làm việc bình thường tại Phòng khám quốc tế Q từ ngày 16/10/2021 đến hết tháng 01/2022 nhưng do công việc chủ yếu chị Tr được giao không đúng chuyên môn và khối lượng công việc quá nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chị Tr nên chị Tr đã nộp đơn xin nghỉ việc, ngoài ra không có lý do nào khác. Trong thời gian làm việc tại Tổng công ty H, chị Tr có được đóng bảo hiểm theo quy định và sau khi nghỉ việc chị Tr đã làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm.

Ngày 06/02/2022, Phòng khám Q ra thông báo về việc bồi hoàn do đơn phương chấm dứt hợp đồng, chị Tr có nhận được 01 bản. Khi nhận được thông báo trên, ngày 10/02/2022 chị Tr có làm đơn đề nghị về việc bồi hoàn gửi Tổng Giám đốc Tổng Công ty H và Giám đốc Phòng khám Q với nội dung đề nghị xem xét, tính toán lại khoản bồi hoàn và yêu cầu cung cấp cho chị Tr các chứng từ, hợp đồng liên quan đến việc đào tạo. Sau khi chị Tr nộp đơn này, chị Tr không nhận được bất kỳ văn bản, tài liệu nào từ Tổng Công ty H và Phòng khám Q.

Ngày 25/5/2022, tại Bệnh viện quốc tế sản nhi H, chị Tr và đại diện Tổng Công ty H có làm việc về việc thỏa thuận mức bồi thường chi phí đào tạo. Tuy nhiên, các bên không thống nhất được nội dung làm việc, chị Tr không chấp nhận mức bồi thường mà Tổng Công ty H đưa ra.

Nay, Tổng Công ty yêu cầu chị Tr phải bồi hoàn kinh phí đào tạo là 602.522.282 đồng, chị Tr không chấp nhận yêu cầu này vì: Chị Tr không ký hợp đồng đào tạo với Tổng Công ty H, không được cử đi đào tạo, học việc/thử việc ở bất kỳ đâu mà chỉ ký hợp đồng lao động với thời hạn 18 tháng. Quá trình thực hiện hợp đồng lao động, chị Tr được hưởng lương, phụ cấp và các khoản liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, đó không phải là chi phí đào tạo. Bản cam kết ngày 04/3/2020 do chị Tr ký có nội dung “là nhân viên học việc/thử việc tại các hệ thống của Tổng Công ty H (hoặc được cử đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại các Bệnh viện, đơn vị ngoài hệ thống của Tổng công ty H)”. Sau khi ký kết hợp đồng lao động, chị Tr làm việc tại Phòng khám Q và Bệnh viện đa khoa– đều là các chi nhánh trong hệ thống của Tổng Công ty H; theo hợp đồng lao động số 164/HĐLĐ ngày 16/4/2020, chị Tr là lao động chính thức chứ không thuộc trường hợp học việc/thử việc nên chị Tr không vi phạm cam kết nêu trên.

Với nội dung trên, tại Bản án sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 30/5/2023 của Tòa án nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 15, 16, 17, 18, 22, 23, 25, 61, 62 của Bộ luật Lao động năm 2012; các điều 116, 117, 118, 119, 274, 275, 351, 358, 360, 385, 418 của Bộ luật Dân sự; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty H – CTCP:

- Buộc chị Tống Thị Hiền Tr phải trả Tổng Công ty H - CTCP số tiền là 318.604.948 đồng, trong đó: 172.650.314 đồng là tiền chi phí đào tạo, chi lương, nộp tiền bảo hiểm; 145.954.634 đồng là tiền phạt vi phạm.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

- Không chấp nhận đối với yêu cầu của Tổng Công ty H- CTCP về việc buộc chị Tống Thị Hiền Tr phải thanh toán khoản tiền 283.917.334 đồng.

Về án phí: Bị đơn là chị Tống Thị Hiền Tr phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 9.558.148 đồng. Nguyên đơn là Tổng Công ty H- CTCP phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 8.517.520 đồng đối trừ với số tiền tạm ứng án phí, Tổng Công ty H -CTCP đã nộp là 14.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0003753 ngày 17/02/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, Tổng Công ty H- CTCP được nhận lại số tiền 5.482.480 đồng.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án bị kháng cáo, kháng nghị như sau:

Ngày 06/6/2023, bị đơn chị Tống Thị Hiền Tr kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng Bản án sơ thẩm xử không đúng, không khách quan trong việc đánh giá chứng cứ, vụ việc chưa thông qua thủ tục hòa giải bắt buộc tại hòa giải viên lao động do đó chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật; bản thân chị và Tổng Công ty H không ký hợp đồng đào tạo nghề nhưng bản án sơ thẩm tuyên buộc chị Tr phải trả khoản chi phí đào tạo 56.000.000 đồng và trả khoản tiền phạt gấp đôi là không đúng. Vì vậy, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm Hủy và đình chỉ giải quyết vụ án.

Tại quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKSKA-LĐ ngày 14/6/2023 của Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm với các nội dung sau: Đề nghị cấp phúc thẩm đưa Bệnh viện Đa khoa quốc tế H tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; không chấp nhận khoản tiền phạt gấp đôi, không chấp nhận khoản bồi thường chi phí đào tạo như đơn khởi kiện của nguyên đơn do không cung cấp được tài liệu, chứng cứ hợp lệ và tuyên lãi suất thi hành án theo hướng: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tại giai đoạn phúc thẩm Bệnh viện Đa khoa quốc tế H và Phòng khám quốc tế Q thống nhất trình bày:

Theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh thì Bệnh viện Đa khoa quốc tế H và Phòng khám quốc tế Q là chi nhánh của Tổng Công ty H, hoạt động theo uỷ quyền của Tổng Công ty H. Người đứng đầu của Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q do Hội đồng quản trị của Tổng công ty bổ nhiệm, làm việc dưới sự giám sát, chỉ đạo của Tổng công ty. Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q chịu sự chi phối của điều lệ và các quy chế nội bộ của Tổng Công ty H về quản lý, điều hành chung, quản lý tài chính, quản lý cán bộ và tuyển dụng lao động. Quá trình hoạt động, chủ tài khoản là Tổng giám đốc của Tổng Công ty H; Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q được Tổng công ty giao tài sản để quản lý, sử dụng nhưng không có quyền định đoạt; tất cả các khoản thu, chi đều được Tổng công ty phê duyệt, quản lý. Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q hạch toán về tài chính sau khi trừ đi tiền lương và tất cả các khoản chi phí khác thì Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q chuyển toàn bộ lợi nhuận, tiền đóng bảo hiểm cho người lao động và khấu hao lên Tổng công ty để tổng hợp và đóng bảo hiểm cho người lao động; mức lương và các khoản phụ cấp, chi phí đào tạo...cho người lao động làm việc, tập nghề tại Bệnh viện Đa khoa do Bệnh viện chi trả theo mức phê duyệt của Tổng Công ty H.

Đối với trường hợp của chị Tống Thị Hiền Tr, ngày 16/4/2020, Tổng giám đốc Tổng Công ty H ký Hợp đồng lao động, thời hạn 18 tháng với chị Tống Thị Hiền Tr, theo đó Tổng công ty đã phân công chị Tr về làm việc tại Phòng khám Quốc tế Q. Do chị Tr chưa có chứng chỉ hành nghề nên Giám đốc Phòng khám Q đã ký Quyết định cử chị Tr sang thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H. Quá trình chị Tr tập nghề tại Bệnh viện, vào ngày nghỉ hàng tuần, chị Tr về Phòng khám để làm việc. Bệnh viện đã chi trả lương cứng cho chị Tr là 126.730.769 đồng, Phòng khám đã chi trả lương cứng là 55.714.770 đồng và một số khoản khác; Phòng khám là người trực tiếp thu tiền bảo hiểm của chị Tr là 10,5% (trong đó 8% là BHXH, 1,5% Bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động phải đóng) và người sử dụng lao động trích 21,5% tiền bảo hiểm (17,5% BHXH, 3% bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp) chuyển về Tổng công ty để Tổng công ty đóng bảo hiểm cho chị Tr. Như vậy, do Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q là chi nhánh của Tổng Công ty H nên toàn bộ các khoản mà Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q đã chi trả cho chị Tr trong thời gian chị Tr tập việc thì chị Tr có trách nhiệm phải hoàn trả lại cho Tổng Công ty H, chứ không phải trả lại cho Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng giữ nguyên nội dung kháng nghị, đề nghị sửa bản án sơ thẩm; nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân quận Kiến An, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị:

+ Về việc tuân theo pháp luật: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

+ Về nội dung: Bản án số 01/2023/LĐ-ST ngày 30/5/2023 của Tòa án nhân dân quận Kiến An tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn là chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ vững chắc, chưa đưa đầy đủ người tham gia tố tụng vào giải quyết vụ án, chưa áp dụng đầy đủ, đúng quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động và Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2012 về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát và một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận khoản tiền phạt gấp đôi, không chấp nhận khoản bồi thường chi phí đào tạo như đơn khởi của nguyên đơn do không cung cấp được tài liệu chứng cứ hợp lệ và tuyên lãi suất thi hành án theo hướng: “kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là bị đơn trong vụ án và theo quy định của pháp luật.

Về án phí: Căn cứ Nghị quyết 326 của UBTVQH, người kháng cáo là chị Tống Thị Huyền Tr được chấp nhận một phần kháng cáo nên không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

- Về tố tụng:

[1] Về thẩm quyền và quan hệ pháp luật: Đây là vụ án lao động tranh chấp về tập nghề, bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định tại điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn là chị Tống Thị Hiền Tr hiện đang cư trú tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, thành phố H. Căn cứ khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 thì Tòa án nhân dân quận Kiến An giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.

[2] Về áp dụng pháp luật: Bản cam kết của chị Tống Thị Hiền Tr được lập ngày 04/3/2020; ngày 16/4/2020, Tổng giám đốc Tổng Công ty H ký Hợp đồng lao động với chị Tr; ngày 05/02/2022 chị Tr có đơn xin nghỉ việc, ngày 28/5/2022 Tổng giám đốc Tổng Công ty đã ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị Tr và yêu cầu chị Tr phải bồi hoàn chi phí đào tạo như đã cam kết. Do vậy, cần áp dụng Bộ luật Lao động năm 2012 và 2019 để giải quyết.

* Xét kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng:

[3] Về việc bổ sung người tham gia tố tụng: Viện kiểm sát cho rằng tại Quy chế hoạt động của Bệnh viện Đa khoa quốc tế H có ghi: Bệnh viện Đa khoa có tư cách pháp nhân đầy đủ, vì vậy đề nghị bổ sung Bệnh viện Đa khoa quốc tế H tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Xét thấy, tại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của Bệnh viện Đa khoa quốc tế H và Phòng khám quốc tế Q đều thể hiện Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q là chi nhánh của Tổng Công ty H, hoạt động theo ủy quyền của Tổng Công ty H. Căn cứ Điều lệ, quy chế hoạt động của Tổng Công ty H và Bệnh viên Đa khoa quốc tế H xác định Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q đều là chi nhánh, nằm trong hệ thống của Tổng Công ty H, chịu sự chi phối của Điều lệ và các quy chế nội bộ của Tổng công ty về quản lý điều hành chung, quản lý tài chính, quản lý cán bộ và tuyển dụng lao động. Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là Tổng giám đốc Tổng Công ty H là người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty, là chủ tài khoản.

Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q được Tổng công ty giao tài sản để quản lý, sử dụng nhưng không có quyền định đoạt; các khoản thu, chi đều được Tổng công ty phê duyệt, quản lý. Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q hạch toán về tài chính sau khi trừ đi tiền lương và tất cả các khoản chi phí khác thì Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q chuyển toàn bộ lợi nhuận, tiền đóng bảo hiểm cho người lao động và khấu hao lên Tổng công ty để tổng hợp và đóng bảo hiểm cho người lao động. Mặt khác, chị Tống Thị Hiền Tr là người trực tiếp ký hợp đồng lao động với Tổng Công ty H. Tổng công ty cho rằng chị Tr vi phạm cam kết đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty, do vậy người đại diện hợp pháp của Tổng Công ty H đã khởi kiện và tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn trong vụ án này là đúng quy định tại Điều 7 và Điều 13 Luật Doanh nghiệp, khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là người mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Như đã phân tích ở trên Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q chỉ là chi nhánh và hoạt động phụ thuộc vào Tổng Công ty H nên toàn bộ các khoản tiền mà Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q đã chi trả cho chị Tr trong thời gian chị Tr tập việc thì chị Tr phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho Tổng công ty H chứ không phải trả lại cho Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An kháng nghị đề nghị đưa bổ sung Bệnh viện Đa khoa quốc tế H vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không có căn cứ. Tuy nhiên, do Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q là người trực tiếp chi trả các khoản chi phí cho chị Tr và quản lý chị Tr trong thời gian học việc, làm việc tại Tổng công ty nên Tòa án xác định Bệnh viện Đa khoa và Phòng khám Q là người làm chứng.

- Xét kháng cáo của chị Tống Thị Hiền Tr đề nghị Hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án vì cho rằng việc nguyên đơn đề nghị hòa giải viên hòa giải đã vượt quá 06 tháng kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm; biên bản hòa giải do Phòng Lao động thương binh xã hội huyện An Lão lập vào tháng 11/2022, tháng 12/2022 không được coi là đã thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên [4] Căn cứ Điều 190 Bộ Luật Lao động năm 2019 “Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”. Theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện ngày 05/02/2022 chị Tr có đơn xin nghỉ việc; ngày 25/5/2022 Tổng Công ty H có biên bản làm việc về việc thỏa thuận mức bồi thường chi phí đào tạo với chị Tr nhưng hai bên không thống nhất được; ngày 27/5/2022 Tổng Công ty H đã họp hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo đối với chị Tr. Ngày 28/5/2022 Tổng giám đốc Tổng công ty đã ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị Tr và yêu cầu chị Tr phải bồi hoàn chi phí đào tạo như đã cam kết trước ngày 15/6/2022 nhưng chị Tr không thực hiện. Như vậy, xác định ngày 15/6/2022 là thời điểm nguyên đơn cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

[5] Tính từ ngày 15/6/2022 đến ngày 07/11/2022 là 05 tháng 08 ngày, Tổng Công ty H đã có đơn đề nghị hòa giải lao động liên quan đến việc yêu cầu chị Tr phải bồi hoàn chi phí đào tạo là trong thời hạn quy định. Sau khi nhận được đơn đề nghị, Phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện An Lão đã có giấy mời gửi Tổng Công ty H và chị Tống Thị Hiền Tr, bản thân chị Tr cũng xác nhận đã nhận được giấy mời nhưng không đến. Ngày 09/12/2022 và ngày 30/12/2022, Phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện An Lão đã lập biên bản hòa giải nhưng không tiến hành được do vắng mặt chị Tống Thị Hiền Tr.

[6] Như vậy, Tổng công ty H đã thực hiện đúng thời hiệu yêu cầu hòa giải viên, Phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện An Lão đã thực hiện đúng các trình tự, thủ tục quy định theo quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn đề nghị Tòa án hủy Bản án và đình chỉ giải quyết vụ án do chưa đủ điều kiện khởi kiện.

- Xét kháng nghị của Viện kiểm sát về việc giữa người lao động và người sử dụng lao động không ký hợp đồng đào tạo nghề là chưa đúng Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2012. Kháng cáo của bị đơn cho rằng điều khoản về chế độ đào tạo trong hợp đồng lao động chỉ quy định chung chung và không đủ giá trị để thay cho việc ký đào tạo nghề. Bản thân chị không biết nội dung quy chế của Tổng Công ty.

[7] Xét Hợp đồng lao động số 164/HĐLĐ ngày16/4/2020 giữa bên sử dụng lao động là ông Hoàng Mạnh Thế - Tổng giám đốc Tổng Công ty H- CTCP với bên lao động là chị Tống Thị Hiền Tr được ký kết đúng thẩm quyền, chủ thể tham gia ký kết có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; ký kết trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, không bị ép buộc, lừa dối; mục đích, hình thức, nội dung phù hợp quy định tại các điều 15, 16, 17, 18, 19, 22, 23, 25 Bộ luật Lao động 2012, không trái đạo đức xã hội nên xác định đây là Hợp đồng lao động hợp pháp, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, do vậy các bên phải có trách nhiệm thực hiện các thỏa thuận, các cam kết trong hợp đồng. Nội dung trong hợp đồng lao động thể hiện “người lao động phải có chứng chỉ hành nghề”, do chị Tr được nhận vào làm việc tại Tổng Công ty H với công việc là “Khám chữa bệnh chuyên khoa Răng- Hàm- mặt…” nhưng chị Tr chưa có chứng chỉ hành nghề nên theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Khám chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề thì chị Tr phải có thời gian thực hành 18 tháng tại Bệnh viện, vì vậy Tổng công ty đã phải cho chị Tr đi tập nghề tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế H là đơn vị trực thuộc Tổng công ty. Mặc dù giữa các bên không ký hợp đồng đào tạo nghề nhưng Tổng công ty có hồ sơ đào tạo nghề đối với chị Tr gồm: Hợp đồng lao động được ký kết giữa hai bên, trong đó các điều khoản đều căn cứ vào Quy chế số 03 ngày 28/02/2010 về việc tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ đối với đội ngũ Bác sỹ, KTV, điều dưỡng… của Tổng Công ty; đơn xin học việc- thử việc và Bản cam kết của chị Tr ngày 04/3/2020 về việc sau khi hoàn thành khóa học việc, thử việc về làm việc cho Phòng khám Q ít nhất 05 năm, nếu vi phạm xin bồi hoàn gấp đôi số tiền mà Phòng khám Q và Tổng Công ty H đã chi phí cho chị đi đào tạo gồm: tiền học phí, tiền lương và các khoản hỗ trợ khác. Trên cơ sở đó Giám đốc Phòng khám Q đã ký Quyết định số 05/QĐ- PKQTQT ngày 01/4/2020 cử chị Tr sang thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H 18 tháng từ ngày 16/4/2020 đến 18/10/2021. Bệnh viện đa khoa đã lập danh sách đăng ký thực hành chuyên môn khám bệnh ngày 16/4/2020 của Bệnh viện đa khoa quốc tế H và cử bác sỹ Trần Thị Nhung hướng dẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc và phân công nhiệm vụ học tập cho chị Tr. Sau khi kết thúc thời gian tập việc chị Tr đã hoàn thiện hồ sơ, trong đó có Bản sơ yếu lý lịch chị Tr khai quá trình công tác từ tháng 4/2020 đến 18/10/2021 “Thực hành khám chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt”; Giấy xác nhận quá trình thực hành số 65 ngày 19/10/2021 và được Sở y tế thành phố H cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, mặc dù không có hợp đồng đào tạo nghề nhưng các bên đã thực hiện đầy đủ công việc về đào tạo nghề; nội dung cam kết của chị Tr và nội dung tại mục 2 Quy chế số 03 ngày 28/02/2010 của Tổng công ty đã thể hiện các nội dung chủ yếu của hợp đồng đào tạo nghề được quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2012 như: Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo, chi phí đào tạo, thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo, trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo, trách nhiệm của người sử dụng lao động. Do vậy, việc các bên không ký hợp đồng đào tạo theo quy định không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; quy chế của Tổng công ty được ban hành công khai, chị Tr buộc phải biết nên các bên có nghĩa vụ phải thực hiện. Do đó, không chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát và bị đơn.

[8] Xét kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo của Tổng Công ty. Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Lao động thì: “Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài”. Vì vậy, việc Công ty khởi kiện yêu cầu chị Tr phải bồi hoàn khoản tiền chi phí đào tạo, tiền lương và các khoản chi phí khác mà Công ty đã chi trả cho chị Tr trong thời gian chị Tr tập nghề là phù hợp quy định.

[8.1] Về thời gian chị Tr tập nghề: Chị Tr được nhận vào làm việc tại Phòng khám Q từ ngày 16/4/2020, chị Tr đã được cử sang thực hành tại Bệnh viện Đa khoa bắt đầu từ ngày 16/4/2020 đến 18/10/2021 nhưng theo bảng chấm công do Phòng khám Q cung cấp thể hiện chị Tr quay về làm việc thường xuyên tại Phòng khám từ tháng 9/2021, vì vậy xác định thời gian thực tế chị Tr tập nghề tại Bệnh viện Đa khoa được tính từ ngày 16/4/2020 đến hết tháng 8/2021 tổng là 16 tháng 15 ngày. Việc Toà án cấp sơ thẩm tính 16 tháng là có phần nhầm lẫn.

[8.2] Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Quyết định số 106 ngày 05/3/2020 về việc phê duyệt mức kinh phí đào tạo tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H cho các nhóm đối tượng là bác sỹ tham gia học tập dưới hình thức cầm tay chỉ việc tại Bệnh viện là 3.500.000 đồng/tháng, trong đó chi phí đào tạo là 1.500.000 đồng/tháng và các chi phí khác là 2.000.000 đồng/tháng (bao gồm tiền ăn trưa, tiền gửi xe, Tr bị bảo hộ lao động, chi phí vật tư tiêu hao…). Quyết định này đã được công khai và áp dụng chung trong toàn Công ty. Do đây là hình thức đào tạo tại chỗ trong nội bộ của Tổng công ty H, các chi phí trên là chi phí thực tế, đã được bệnh viện hạch toán cố định cho mỗi học viên nên mặc dù các khoản chi phí đào tạo cho chị Tr không có chứng từ cụ thể nhưng trên thực tế khi chị Tr tập việc tại Bệnh viện, chị Tr được phục vụ bữa ăn trưa, gửi xe, cấp quần áo và các Tr bị bảo hộ khác: mũ, gang tay...; chi phí vật tư tiêu hao như máy móc, thiết bị, sát khuẩn, bông băng..., những chi phí này bệnh viện đã có bảng kê. Bệnh viện đã chi trả chi phí cho bác sĩ Nhung là người hướng dẫn trực tiếp cho chị Tr 1.500.000 đồng/tháng nhưng không thể hiện tách biệt trong bảng lương của bác sĩ mà nằm trong phần lương mềm chi trả hàng tháng cho bác sĩ Nhung. Bản thân chị Tr cũng thừa nhận trong suốt thời gian tập việc chị Tr không phải đóng bất kỳ khoản gì. Mặt khác đối chiếu với mức thu học phí đào tạo tại các chương trình đào tạo thực hành 18 tháng sau tốt nghiệp bác sỹ Răng Hàm Mặt của Bệnh viện đại học y Hải Phòng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai đều có mức chi phí cao hơn quy định tại Bệnh viên Đa khoa. Vì vậy, có căn cứ buộc chị Tr phải có trách nhiệm hoàn trả Tổng Công ty toàn bộ khoản chi phí đào tạo mà Tổng công ty đã chi trả. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tính thời gian là 16 tháng x 3.500.000 đồng/ tháng = 56.000.000 đồng là có phần thiếu sót. Tuy nhiên, nguyên đơn không kháng cáo nên Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên số tiền này. Do đó, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An liên quan đến khoản chi phí đào tạo.

[8.3] Đối với khoản tiền lương và các khoản thu nhập khác: Chị Tr thừa nhận trong thời gian làm việc, thử việc đã được nhận tổng số tiền 207.051.537 đồng theo hình thức chuyển khoản và nhận trực tiếp, phù hợp với chứng từ do nguyên đơn cung cấp. Tuy nhiên, theo thỏa thuận trong Hợp đồng Lao động thì mức lương chị Tr được hưởng là 5.214.000 đồng/tháng, do vậy Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định chị Tr chỉ phải hoàn trả khoản tiền lương đã nhận với mức lương đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; cụ thể: 4.575.384 đồng (Lương tháng 4/2020) + (5.214.000 đồng x 16 tháng (Từ tháng 5/2020 đến hết tháng 8/2021) = 87.999.384 đồng và buộc chị Tr phải có trách nhiệm hoàn trả Tổng Công ty H khoản tiền này là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[8.4] Đối với khoản Phòng khám Q đã trả lương tháng 13 vào ngày 21/12/2020 cho chị Tr là 1.955.250 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tiền hỗ trợ cho người đi học và buộc chị Tr phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền này là có căn cứ.

[8.5] Đối với khoản tiền Phòng khám Q đã trả lương tháng 13 cho chị Tr vào ngày 18/12/2021 với số tiền 3.720.000 đồng. Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì thời điểm khi trả khoản tiền này chị Tr đã kết thúc thời gian thực tập, về làm việc tại Phòng khám. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định là tiền hỗ trợ cho chị Tr trong thời gian học tập và chị Tr không phải hoàn trả khoản tiền này là có căn cứ.

[8.6] Đối với khoản tiền thanh toán tiền hội nghị tổng kết năm 2020 là 300.000 đồng và thanh toán tiền triển khai hoạt động tháng 4/2021 là 300.000 đồng. Tổng là 600.000 đồng. Khoản chi này mặc dù có chữ ký nhận tiền của chị Tr, có chứng từ hợp lệ nhưng không thuộc khoản chi phí đào tạo được quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động nên Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu của Tổng Công ty buộc chị Tr phải hoàn trả khoản tiền này là có căn cứ.

[8.7] Đối với số tiền còn lại là 112.776.903 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá trong thời gian tập nghề tại Bệnh viện, chị Tr đã trực tiếp tham gia vào việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, những ngày nghỉ chị Tr có về làm việc tại Phòng khám và tham gia vào các hoạt động khác của Bệnh viện cũng như của Phòng khám; chị Tr đã bỏ công sức lao động và cũng đã góp phần làm tăng doanh thu của Bệnh viện và Phòng khám, do vậy khoản tiền 112.776.903 đồng mà Bệnh viện và Phòng khám chi trả cho chị Tr ngoài lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì chị Tr được hưởng, phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2012 nên không chấp nhận yêu cầu của Tổng Công ty H buộc chị Tr phải bồi hoàn khoản tiền này là có căn cứ, đúng pháp luật.

[8.8] Đoàn phí Công đoàn: Đối với khoản tiền đóng đoàn phí Công đoàn 670.007 đồng, trong đó Phòng khám Q nộp thay chị Tr là 510.000 đồng, Tổng Công ty H nộp thay cho chị Tr là 160.007 đồng nhưng do các khoản tiền này không có chứng từ hợp lệ nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ.

[8.8] Đối với khoản tiền bảo hiểm: Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động thì tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng được xác định là khoản tiền nằm trong chi phí đào tạo, do vậy khi vi phạm cam kết, chị Tr phải có trách nhiệm hoàn trả khoản tiền này. Theo xác nhận của Bảo hiểm xã hội Hải Phòng tại Công văn số 1869/BHXH-QLST ngày 07/8/2023 xác nhận chị Tr có tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại Tổng Công ty H, thời gian đóng và mức đóng phù hợp với bảng thống kê của Tổng Công ty H. Căn cứ Điều 85, Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội, Quyết định số 959/QĐ-BHXH ban hành ngày 09/9/2015 và Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/5/2020 quy định về quản lý thu BHXH, BHYT thì Công ty đã đóng tiền bảo hiểm cho chị Tr trong thời gian chị Tr tập nghề 16 tháng (Từ tháng 5/2020 đến hết tháng 8/2021) với tổng mức đóng là 32%, đóng theo mức lương mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động là 5.214.000 đồng/tháng là đúng quy định. Cụ thể: 5.214.000đồng x 32% = 1.668.480 đồng/tháng x 16 tháng = 26.695.680 đồng. Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm lại buộc chị Tr phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên cho nguyên đơn là chưa chính xác. Bởi lẽ, trong tổng mức đóng bảo hiểm là 32% thì người lao động phải đóng 10,5% (trong đó 8% là BHXH, 1,5% Bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp) và người sử dụng lao động đóng 21,5% (trong đó 17,5% BHXH, 3% bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp). Quá trình giải quyết vụ án Phòng khám Q cũng thừa nhận đã thu của chị Tr 10,5% tiền đóng bảo hiểm, vì vậy chị Tr chỉ phải hoàn trả 21,5% mà Tổng Công ty đã đóng cho chị, cụ thể:

5.214.000đồng x 21,5% = 1.121.010 đồng/tháng x 16 tháng = 17.936.160 đồng. Vì vậy, chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát về vấn đề này.

- Xét kháng cáo của bị đơn và kháng nghị Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc chị Tr phải trả Tổng Công ty gấp đôi số tiền bồi hoàn:

[9] Xét thấy: Theo khoản 2 Điều 418 của Bộ luật Dân sự quy định Mức phạt vi phạm là do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”, do Bộ luật Lao động năm 2012 không có quy định về “mức phạt vi phạm”, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cũng không cấm việc các bên tự thỏa thuận mức phạt vi phạm, vì vậy mức phạt vi phạm là do các bên tự nguyện thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc chị Tr tự nguyện cam kết mức phạt vi phạm là “Bồi hoàn gấp đôi số tiền Phòng khám và Tổng Công ty chi phí cho chị Tr đi học” đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự giữa chị Tr với Tổng Công ty. Xét trong vụ việc này người sử dụng lao động là Tổng công ty H không có lỗi, chị Tr là người vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng nên lỗi hoàn toàn thuộc về chị Tr. Vì vậy, Tổng Công ty có quyền yêu cầu chị Tr phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn gấp đôi và chị Tr phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bồi hoàn gấp đôi chi phí đào tạo như đã cam kết ngày 04/3/2020.

Đối với khoản tiền đóng bảo hiểm là 17.936.160 đồng, Tổng công ty không yêu cầu chị Tr phải trả gấp đôi khoản tiền này, xét đây là sự tự nguyện của Tổng Công ty nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ Như vậy, số tiền chị Tr phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho Tổng Công ty H là:

56.000.000 đồng (chi phí đào tạo) + 87.999.384 đồng tiền lương + 1.955.250 đồng (lương tháng 13 năm 2020) + 17.936.160 đồng (tiền bảo hiểm) = 163.890.794 đồng; tiền phạt vi phạm là 163.890.794 đồng - 17.936.160 đồng (tiền bảo hiểm) = 145.954.634 đồng. Tổng là 309.845.428 đồng. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An.

- Việc Viện kiểm sát cho rằng với nội dung Bản cam kết của chị Tr đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động “Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động” là không có căn cứ. Bởi lẽ thực tế chị Tr không phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền, việc Tổng công ty có giữ chứng chỉ hành nghề của chị Tr là do chị Tr tự nguyện nộp, Tổng công ty không buộc chị Tr phải nộp. Tại phiên tòa chị Tr không yêu cầu Tổng công ty phải trả lại chứng chỉ hành nghề cho chị Tr nên Hội đồng xét xử không xem xét. Vì vậy, đánh giá cam kết của chị Tr phù hợp với Quy chế của công ty, không thuộc điều cấm của pháp luật.

[10] Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng về việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức lãi suất thi hành án với nội dung Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” là chưa phù hợp với điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Xét thấy: Kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ nên chấp nhận sửa nội dung này, cần tuyên: Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

[11] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn; một phần kháng nghị của Viện kiểm sát, căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân quận Kiếm An, thành phố Hải Phòng.

- Về án phí lao động: Căn cứ khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[12] Án phí lao động sơ thẩm: Bị đơn là chị Tống Thị Hiền Tr phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với phần nguyên đơn được chấp nhận, cụ thể:

309.845.428 đồng x 3% = là 9.295.363 đồng (làm tròn là 9.295.000 đồng); Nguyên đơn là Tổng Công ty H- CTCP phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền yêu cầu không được Tòa án chấp nhận là 292.676.854 đồng x 3% = 8.780.305 đồng (làm tròn 8.780.000 đồng).

[13] Án phí lao động phúc thẩm: Do kháng cáo của bị đơn được chấp nhận nên bị đơn không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147; Điều 148; khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào các điều 15, 16, 17, 18, 22, 23, 25, 61, 62 của Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 62; Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019; các điều 116, 117, 118, 119, 274, 275, 351, 358, 360, 385, 418 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An; chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của chị Tống Thị Huyền Tr, sửa bản án sơ thẩm, cụ thể:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của Tổng Công ty H - CTCP.

Buộc chị Tống Thị Hiền Tr phải trả Tổng Công ty H CTCP số tiền là 309.845.428đ (ba trăm linh chín triệu, tám trăm bốn mươi lăm nghìn, bốn trăm hai mươi tám đồng); trong đó: 163.890.794đ (một trăm sáu mươi ba triệu, tám trăm chín mươi nghìn, bảy trăm chín mươi tư đồng) là tiền chi phí đào tạo, chi lương, nộp tiền bảo hiểm; 145.954.634đ (một trăm bốn mươi lăm triệu, chín trăm năm mươi tư nghìn, sáu trăm ba mươi tư đồng) là tiền phạt vi phạm.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Về án phí:

- Án phí lao động sơ thẩm: Bị đơn là chị Tống Thị Hiền Tr phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 9.295.363đ (chín triệu, hai trăm chín mươi lăm nghìn, ba trăm sáu mươi ba đồng). Nguyên đơn là Tổng Công ty H- CTCP phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 8.780.306đ (tám triệu, bảy trăm tám mươi nghìn, ba trăm linh sáu đồng) đối trừ với số tiền tạm ứng án phí, Tổng Công ty H -CTCP đã nộp là 14.000.000 đồng (mười bốn triệu đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0003753 ngày 17/02/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Tổng Công ty H- CTCP được nhận lại số tiền 5.219.694 đồng.

- Án phí lao động phúc thẩm: Chị Tống Thị Hiền Tr không phải chịu án phí lao động phúc thẩm. Trả cho chị Tống Thị Hiền Tr số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai số 0003824 ngày 27 tháng 6 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, nhưng được giữ lại để đảm bảo thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1858
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 04/2023/LĐ-PT về tranh chấp tập nghề, bồi thường chi phí đào tạo

Số hiệu:04/2023/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 24/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;