TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 04/2021/HSST NGÀY 14/01/2021 VỀ TỘI TRỐN KHỎI NƠI GIAM
Ngày 14 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 123/2020/TLST-HS ngày 03 tháng 11 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số: 124/2020/QĐXXST-HS ngày 09 tháng 11 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa số 62/2020/HSST-QĐ ngày 08/12/2020 và Thông báo mở lại phiên tòa số 101/2020/TB-TA ngày 16/12/2020, đối với bị cáo:
Lý Quốc B (Tên gọi khác: B Sáng, Trần Văn L), sinh năm 1977, tại Quảng Bình; Nơi đăng ký thường trú: Tổ dân phố 7, Phường T, thành phố P, tỉnh Bình Thuận; Chỗ ở hiện nay: Đường L, phường 3, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: lao động tự do; Trình độ văn hóa (học vấn): lớp 5/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lý Công S, sinh năm 1948 (đã chết) và bà Ngô Thị T, sinh năm 1954; có vợ Trần Thị Diễn H, sinh năm 1991 và có 02 con, lớn sinh năm 2013 và nhỏ sinh năm 2017.
Tiền án:
- Ngày 18/6/1996, bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xử phạt “Tù chung thân” về tội “Giết người” theo Bản án số 41/HSST. Bản án phúc thẩm số 1679/HSPT ngày 21/10/1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm hình sự số 41/HSST ngày 18/6/1996 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận về phần hình phạt đối với bị cáo Lý Quốc B.
- Ngày 06/11/2001, bị Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai xử phạt 18 tháng tù, về tội: “Trốn khỏi nơi giam” theo Bản án số 108/HSST. Tổng hợp hình phạt của Bản án số 1679/HSPT ngày 21/10/1996, buộc Lý Quốc B phải chấp hành chung cho cả hai Bản án là “chung thân”, chấp hành án tại Đội 1 thuộc Phân trại số 03, Trại giam Xuân Lộc theo Quyết định thi hành hình phạt tù số 05/THA ngày 07/01/2002 của Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc.
Tiền sự: Không.
Bị bắt ngày 26/4/2020, hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đồng Nai. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lý Quốc B, sinh năm 1977, cư trú tại phường T, thành phố P, tỉnh Bình Thuận, là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Đội 1 thuộc Phân trại số 03, Trại giam Xuân Lộc- Cục V26 Bộ Công an (nay là Cục C10 Bộ Công an) với mức án chung thân, về tội: “Giết người” theo Bản án hình sự phúc thẩm số 1679 ngày 21/10/1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tháng tù, về tội: “Trốn khỏi nơi giam” theo Bản án hình sự sơ thẩm số 108/HSST ngày 06/12/2001 của Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Tổng hợp hình phạt, buộc chấp hành hình phạt chung là chung thân, thời hạn tù tính từ ngày bắt lại bị cáo ngày 03/3/2001. Trong thời gian chấp hành án, B đã quen biết với hai phạm nhân khác chấp hành án cùng Phân trại là Chiêm Quốc H1, sinh năm 1972, cư trú tại phường C, quận N, thành phố Cần Thơ (phạm tội “Giết người”) và Phan Trọng Q, sinh năm 1976, cư trú tại ấp M, xã P, huyện L, tỉnh Đồng Nai (phạm tội “Cướp tài sản”). Do có tâm lý nhớ nhà và muốn trốn tránh việc chấp hành án nên vào ngày 23/12/2001, H1 đã nảy sinh ý định bỏ trốn khỏi nơi giam. Để thực hiện ý định, H1 đã gặp nói chuyện và rủ B “có đua không?”, B biết H1 rủ mình bỏ trốn nên đồng ý. Đến sáng ngày 24/12/2001, H1 và B đến hội trường Phân trại số 03 để học tập nội quy, ngồi gần Q, H1 liền rủ Q cùng tham gia bỏ trốn thì Q đồng ý.
Sáng ngày 26/12/2001, H1, Q và B được cán bộ dẫn giải đi lao động nhưng chưa có cơ hội bỏ trốn. Trưa cùng ngày, cả 03 về phân trại nấu cháo cá ăn, H1 vạch ra kế hoạch và bàn bạc với B, Q “chiều đi lao động, lợi dụng lúc đi lấy dụng cụ lao động, cán bộ dẫn giải sơ hở sẽ bỏ chạy” thì B và Q đồng ý. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, sau khi xếp hàng báo số xong để chuẩn bị lao động, lợi dụng sơ hở của cán bộ dẫn giải, H1 vào lô nhà lá để dụng cụ lao động rồi bỏ chạy, B và Q thấy vậy liền chạy theo H1. Ngay lập tức, cán bộ dẫn giải phát hiện truy đuổi bắn chỉ thiên cảnh cáo, bắt được H1 và Q. Riêng B trốn thoát.
Ngày 26/12/2001, Trại giam Xuân Lộc đã ra Lệnh truy nã số 06/LTN đối với Lý Quốc B. Đến ngày 23/01/2002, Trại giam Xuân Lộc - Cục V26 Bộ Công an (nay là Cục C10 Bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02, về tội: “Trốn khỏi nơi giam” quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự năm 1999 và chuyển giao toàn bộ hồ sơ ban đầu cho Công an huyện Xuân Lộc (nay là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Lộc) xử lý.
Ngày 17/3/2002, Công an huyện Xuân Lộc (nay là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Lộc) đã ra Quyết định khởi tố bị can số 82 và số 83 đối với Phan Trọng Q và Chiêm Quốc H1, về tội “Trốn khỏi nơi giam”. Ngày 18/6/2002, Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên xử phạt Chiêm Quốc H1 04 năm tù và Phan Trọng Q 03 năm tù, về tội “Trốn khỏi nơi giam” theo khoản 1 Điều 311 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đối với Lý Quốc B, ngày 23/3/2002, Công an huyện Xuân Lộc (nay là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Lộc) đã ra Quyết định khởi tố bị can số 84 nhưng do bị can đã bỏ trốn, không biết rõ đang ở đâu nên ngày 23/3/2002, Công an huyện Xuân Lộc ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Lý Quốc B.
Sau khi bỏ trốn, B đã đến cư trú, sinh sống tại thành phố S, tỉnh Sóc Trăng và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Ngày 20/3/2007, Công an thành phố Sóc Trăng đã bắt Lý Quốc B và lập danh, chỉ bản số 11137 ngày 28/3/2007 nhưng B đã thay đổi thông tin về họ tên, lai lịch để trốn tránh sự truy tìm, phát hiện của cơ quan Công an. Cụ thể đã khai họ tên là Trần Văn L, sinh năm 1981, địa chỉ thường trú: xã Đ, huyện U, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội), lấy họ tên cha là Trần Văn T1, mẹ là Nguyễn Thị T2.
Tại Bản án số 56/HSST ngày 28/8/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, xử phạt Trần Văn L (tức Lý Quốc B) 03 năm tù, về tội: “Trộm cắp tài sản”, chấp hành án tại Trại giam Kênh 7- Cục C10 Bộ Công an và đã được đặc xá, tha tù ra trại ngày 17/01/2009. Sau khi ra trại, Lý Quốc B vẫn sử dụng tên giả là Trần Văn L, kết hôn với chị Trần Thị Diễn H, sinh năm 1991, có 02 người con chung là Trần Thiên P, sinh năm 2013 và Trần Thiên Q, sinh năm 2017, cùng sinh sống tại địa chỉ: đường L, phường B, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng.
Quá trình xác minh, truy bắt, căn cứ các tài liệu thu thập được, xác định Trần Văn L chính là Lý Quốc B. Ngày 26/4/2020, Trại giam Xuân Lộc đã bắt được B tại trụ sở Công an phường B, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng theo Lệnh truy nã số 06/LTN và đã ra Quyết định đình nã đối với Lý Quốc B.
- Tại Cáo trạng số 2194/CT-VKS-P1 ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã: Căn cứ Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội (khóa XIV) truy tố bị cáo Lý Quốc B đã phạm tội “Trốn khỏi nơi giam” theo quy định tại khoản 1 Điều 386 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như nội dung bản Cáo trạng. Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo có tiền án lần phạm tội này là tái phạm nguy hiểm. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 386; điểm h khoản 1 Điều 52; điểm s, khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo mức án từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm tù.
Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, thấy có lỗi với trại giam Xuân Lộc và xin được tha thứ.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Do hiện nay bị cáo Lý Quốc B đang bị áp dụng hình phạt tù chung thân của các bản án: Bản án phúc thẩm số 1679/HSPT ngày 21/10/1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về tội “Giết người” và Bản án số 108/HSST ngày 06/11/2001 của Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai xử phạt 18 tháng tù, về tội: “Trốn khỏi nơi giam”. Căn cứ Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử của Tòa án nhân dân tối cao thì Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.
[2] Xét hành vi phạm tội của bị cáo:
Nhằm trốn tránh việc chấp hành án nên vào ngày 26/12/2001, phạm nhân Chiêm Quốc H1 đã có hành vi rủ rê, chủ động bàn bạc cùng Phan Trọng Q và Lý Quốc B là phạm nhân đang chấp hành án tại Phân trại số 03, Trại giam Xuân Lộc- Cục V26 Bộ Công an (nay là Cục C10 Bộ Công an), bỏ trốn khỏi nơi giam để thoát sự quản lý của Trại giam Xuân Lộc. Sau đó, H1 và Q đã bị truy đuổi và bị bắt giữ. Ngày 18/6/2002, Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Chiêm Quốc H1 04 năm tù và Phan Trọng Q 03 năm tù, về tội “Trốn khỏi nơi giam”. Đối với Lý Quốc B đã trốn thoát và bị khởi tố, truy nã đến ngày 26/4/2020 thì bị cáo B bị bắt lại theo Lệnh truy nã.
Hành vi của bị cáo Lý Quốc B đã phạm vào tội “Trốn khỏi nơi giam” theo khoản 1 Điều 311 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có khung hình phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm tù. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai căn cứ điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội để áp dụng và truy tố bị cáo về tội “Trốn khỏi nơi giam” theo khoản 1 Điều 386 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tù là có lợi cho bị cáo.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Bị cáo có 02 tiền án, đã từng bị xử tội “Trốn khỏi nơi giam” nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học cho bản thân mà vẫn cố tình phạm tội tiếp tục “Trốn khỏi nơi giam” sau khi trốn bị cáo gian dối thay tên đổi họ và năm 2007 tiếp tục phạm tội trộm cắp tài sản.
[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo phạm tội lần này thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm theo quy định điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bản thân có hoàn cảnh khó khăn, có hai con còn nhỏ, có cha, mẹ là người có công với cách mạng được nhà nước tặng huân, huy chương kháng chiến. Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Do đó, Hội đồng xét xử sẽ xem xét cho bị cáo khi lượng hình.
Hội đồng xét xử áp dụng Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tổng hợp hình phạt của các bản án: Bản án phúc thẩm số 1679/HSPT ngày 21/10/1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về tội “Giết người” và Bản án số 108/HSST ngày 06/11/2001 của Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai xử phạt 18 tháng tù về tội: “Trốn khỏi nơi giam”.
[4] Những vấn đề khác:
Sau khi bỏ trốn, bị cáo B đã đến cư trú, sinh sống tại thành phố S, tỉnh Sóc Trăng và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Ngày 20/3/2007, Công an thành phố Sóc Trăng đã bắt Lý Quốc B và lập danh, chỉ bản số 11137 ngày 28/3/2007 nhưng bị cáo B đã thay đổi thông tin về họ tên, lai lịch để trốn tránh sự truy tìm, phát hiện của cơ quan Công an. Cụ thể đã khai họ tên là Trần Văn L, sinh năm 1981, địa chỉ thường trú: xã Đ, huyện U, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội), lấy họ tên cha là Trần Văn T1, mẹ là Nguyễn Thị T2. Tại Bản án số 56/HSST ngày 28/8/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, xử phạt Trần Văn L (tức Lý Quốc B) 03 năm tù, về tội: “Trộm cắp tài sản”, chấp hành án tại Trại giam Kênh 7- Cục C10 Bộ Công an và đã được đặc xá, tha tù ra trại ngày 17/01/2009. Về phần hình phạt bị cáo đã chấp hành xong tuy nhiên phần lý lịch của bị cáo đã khai không đúng do đó Hội đồng xét xử kiến nghị Tòa án cấp trên xem xét lại bản án số 56/HSST ngày 28/8/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
[5] Quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai và đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[6] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo: Lý Quốc B phạm tội “Trốn khỏi nơi giam”.
- Căn cứ Điều 7 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội;
- Căn cứ khoản 1 Điều 386; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 và Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xử phạt bị cáo: Lý Quốc B 03 (Ba) năm tù. Tổng hợp hình phạt tù chung thân theo Bản án phúc thẩm số 1679/HSPT ngày 21/10/1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về tội “Giết người” và 18 tháng tù theo Bản án số 108/HSST ngày 06/11/2001 của Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai về tội “Trốn khỏi nơi giam”. Buộc bị cáo Lý Quốc B chấp hành chung cả ba bản án là chung thân. Thời hạn tù được tính từ ngày 26/4/2020.
Về án phí HSST: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
Bị cáo phải nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án bị cáo được quyền kháng cáo theo luật định.
Bản án 04/2021/HSST ngày 14/01/2021 về tội trốn khỏi nơi giam
Số hiệu: | 04/2021/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 14/01/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về