Bản án 04/2021/HS-ST ngày 08/01/2021 về tội giết người

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 04/2021/HS-ST NGÀY 08/01/2021 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 08 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 106/2020/TLST-HS ngày 19/11/2020, đối với bị cáo:

Họ và tên: Trần Đình Q - Sinh ngày 22/01/1996, tại tỉnh Đắk Lắk;

Nơi cư trú: Thôn N, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Thú y; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Quang T, sinh năm 1975 và bà Vũ Thị M, sinh năm 1976; bị cáo chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không có.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/7/2020, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Phạm Công M - Trợ giúp viên pháp lý, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đ, có mặt.

- Người bị hại: Anh Phạm Đức T (đã chết).

Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông Phạm Ngọc Th - sinh năm 1972, là cha đẻ; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Quang T và bà Vũ Thị M, là cha mẹ của bị cáo; địa chỉ: Thôn N, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người làm chứng:

1. Anh Trần Thanh L - sinh năm 1991; nơi cư trú: Thôn C, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2. Anh Nguyễn Tiến Ng - sinh năm 1995; nơi cư trú: Thôn C, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

3. Anh Hồ Sỹ V - sinh năm 1991; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

4. Anh Nguyễn Thanh T1 - sinh năm 1992; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

5. Anh Vũ Văn Th - sinh năm 1998, nơi cư trú: thôn C, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

6. Anh Vũ Văn H - sinh năm 1995, nơi cư trú: thôn N, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

7. Chị Lê Thị Th, nơi cư trú: thôn S, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 22 giờ ngày 08/7/2020, sau khi uống rượu cùng với bạn bè xong thì Trần Đình Q cùng với bạn là Trần Thanh L, Mã Văn Th, Nguyễn Tiến Ng, Hồ Sỹ V, Vũ Văn H đi đến quán P tại thôn S, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk để đánh bi da. Khi đến quán thì nhóm của Q vừa chơi bi da vừa uống bia, khoảng 30 phút sau thì có anh Phạm Đức T, trú tại thôn T, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk đi cùng hai người bạn là Nguyễn Thanh T1, Vũ Văn Th đến quán bi da và cùng uống bia với nhóm của Q. Trong lúc ngồi uống bia, anh Phạm Đức T đứng dậy khoác vai Q rủ đi ra phía bên ngoài quán và dùng tay đánh vào mặt Q, thì Q liền dùng cây bi da đang cầm trên tay đánh vào vùng hông của T. Khi mọi người chạy ra can ngăn thì T lấy một đoạn cơ bi da lao đến đánh trúng vào đầu Q, cùng lúc đó Q liền dùng tay trái lấy từ trong túi quần sau ra một cây kéo bằng kim loại có mũi nhọn đâm hai cái trúng vào ngực trái và đùi phải của anh T. Khi anh T gục xuống thì Q và mọi người đưa anh Toàn đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện M, nhưng anh T đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Hiện trường vụ án xảy ra tại quán bi da P, địa chỉ: Thôn S, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Quá trình khám nghiệm đã thu giữ 03 đoạn gỗ cơ bi da và 02 dấu vết máu.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số: 639/PYTT-PC09 ngày 22/7/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã kết luận: Vùng ngực trái, tại vị trí cách đường giữa 1,5cm, cách gót chân trái của Phạm Đức T 127cm có vết thương nằm chéo (phải trên, trái dưới), kích thước (1,1 x 0,5)cm, bờ mép gọn, xuyên thấu khoang ngực. Tại mấu chuyển lớn bên phải, cách gót chân phải của Phạm Đức T 78cm có vết thương nằm chéo (trước dưới, sau trên) kích thước (0,9 x 0,5)cm, bờ mép gọn, sâu 0,9cm. Nguyên nhân tử vong của Phạm Đức T là: Vết thương thấu ngực trái làm xuyên thấu tim, phổi gây mất máu cấp dẫn đến choáng suy tuần hoàn không hồi phục. Cơ chế hình thành vết thương: Vật cứng có mũi nhọn tác động vào vùng ngực trái nạn nhân theo chiều hướng từ trước ra sau, từ phải sang trái.

Tại Kết luận giám định số 779/GĐSK-PC09, ngày 31/8/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã kết luận: Trên kéo bằng kim loại gửi giám định có máu người.

Sau khi Trần Đình Q đến đầu thú vào ngày 09/7/2020 tại Công an huyện M. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể và đã ghi nhận Trần Đình Q có các dấu vết sau: Dập rách niêm mạc môi trên trái kích thước (01 x 0,5)cm; sưng nề, bầm tím dưới mắt trái kích thước (3,5 x 02)cm; sưng nề vùng trán thái dương trái kích thước (03 x 3,5)cm.

Tại Bản Cáo trạng số 116/CT-VKS-P2 ngày 17/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố bị cáo Trần Đình Q về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 của Bộ luật hình sự.

Kết quả xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Trần Đình Q đã khai nhận: Vào khoảng 22 giờ ngày 08/7/2020, bị cáo cùng với nột số người bạn đến quán P để đánh bi da. Khi đang chơi bi da thì anh T khoác vai bị cáo đi ra phía bên ngoài quán và không biết tại sao anh T lại dùng tay đánh vào mặt bị cáo, nên bị cáo dùng cây bi da đang cầm ở tay đánh vào vùng hông của T. Lúc này, mọi người ra can ngăn thì anh T cầm một đoạn cơ bi da lao đến và đánh thẳng vào đầu bị cáo, bực tức do bị đánh nên bị cáo lấy từ trong túi quần sau ra một cây kéo đâm hai cái trúng vào ngực trái và đùi phải của T, hậu quả làm cho anh T tử vong.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, giữ nguyên quyết định truy tố như Cáo trạng và khẳng định hành vi của bị cáo Trần Đình Q đã phạm tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 của Bộ luật hình sự; về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo đã tác động gia đình bồi thường toàn bộ chi phí mai táng và tổn thất tinh thần cho gia đình người bị hại; quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã đến cơ quan công an đầu thú, đại diện bị hại đã có đơn bãi nại cho bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng khoản 2 Điều 123; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Trần Đình Q mức án từ 10 năm đến 11 năm tù; về trách nhiệm dân sự: Chấp nhận việc gia đình bị cáo đã thỏa thuận bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền 150.000.000 đồng và gia đình bị hại không yêu cầu gì thêm; về xử lý vật chứng: Đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 cái kéo kim loại màu trắng, mũi nhọn và 03 đoạn gỗ cơ bi da; tuyên trả cho gia đình người bị hại 01 áo thun ngắn tay màu đỏ và 01 quần jean dài màu xanh là quần áo của người bị hại Phạm Đức T.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày quan điểm bào chữa: Nhất trí với Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự; về tình tiết giảm nhẹ: Sau khi phạm tội, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình bị hại và được gia đình bị hại bãi nại; bị cáo đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có ông Nội và ông Ngoại là người có công với cách mạng, bản thân bị cáo đã có thời gian phục vụ trong quân ngũ. Đây là những tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Đồng thời, nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo phạm tội là có lỗi của người bị hại đã vô cớ đánh bị cáo trước và khi được mọi người can ngăn thì bị hại lại tiếp tục dùng cây cơ bi da lao tới tiếp tục đánh vào đầu nên bị cáo nhất thời không kiềm chế được và dùng kéo đâm bị hại, bị cáo không có động cơ, mục đích giết anh T, mà hành vi của bị cáo là để tránh sự tấn công của bị hại, nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” theo điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự và sau đó bị cáo đã cùng mọi người đưa anh T đi cấp cứu, để làm giảm bớt tác hại của tội phạm. Như vậy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại các điểm b, e, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự, xét xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định.

Bị cáo đồng ý với ý kiến bào chữa của người bào chữa và và trình bày ý kiến bào chữa bổ sung: Bị cáo không có ý định đâm chết anh T, chỉ vì bực tức việc bị anh T vô cớ đánh trước, nên đã không kiềm chế được bản thân và phạm tội; bị cáo rất ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của mình và mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Người đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Qua tranh luận, đối đáp, Kiểm sát viên, người bào chữa và bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến như đã trình bày trên.

Bị cáo nói lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo và người đại diện hợp pháp của người bị hại không có ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai của bị cáo Trần Đình Q tại phiên tòa là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người làm chứng và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án.

[3] Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về tội danh truy tố đối với bị cáo, là có căn cứ nên Hội đồng xét xử cần chấp nhận. Đối với ý kiến của người bào chữa cho rằng bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra, là tình tiết giảm nhẹ theo điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, xét thấy: Mặc dù người bị hại đã có hành vi đánh bị cáo trước, nên bị cáo bực tức và thực hiện hành vi phạm tội, nhưng tại thời điểm đó bạn bè của bị cáo đã ra can ngăn hai bên và bị cáo có thể lựa chọn cách xử lý khác phù hợp hơn, nhưng bị cáo vẫn rút kéo ra và đâm vào vùng ngực trái, là vùng trọng yếu của cơ thể, dẫn đến người bị hại bị tử vong và do người bị hại có lỗi, nên bị cáo mới bị truy tố, xét xử theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự. Do đó, ý kiến của người bào chữa cho rằng bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra, là không có căn cứ. Đối với các tình tiết giảm nhẹ khác mà người bào chữa đã trình bày như trên, là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử cần chấp nhận.

[4] Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 08/7/2020, tại quán P ở thôn S, xã Đ, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, anh Phạm Đức T đã có hành vi dùng tay đánh vào mặt bị cáo Q, thì bị cáo dùng cây bi da đánh vào vùng hông của anh T. Khi được mọi người chạy ra can ngăn thì anh T tiếp tục lấy một đoạn cây cơ bi da bằng gỗ đánh vào đầu bị cáo, bực tức vì bị anh T vô cớ đánh mình nên bị cáo Q lấy từ trong túi quần sau ra một cây kéo bằng sắt và đâm hai cái trúng vào ngực trái và đùi phải của T, hậu quả làm cho anh T tử vong. Nguyên nhân bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là do có lỗi của bị hại đã có hành vi đánh bị cáo trước, dẫn đến bị cáo bực tức, không làm chủ được bản thân và đã phạm tội. Do đó, hành vi của bị cáo Trần Đình Q đã phạm tội “Giết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 123 của Bộ luật hình sự.

Tại Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a)… 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Bị cáo là công dân có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của bản thân trong cuộc sống, bị cáo biết được rằng tính mạng của con người là vốn quý và được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng của người khác đều sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, song do bực tức, thiếu kiềm chế và không làm chủ được bản thân mà bị cáo đã bất chấp pháp luật và đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội.

Tính chất của vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã tước đoạt tính mạng của người bị hại, gây đau thương mất mát lớn cho gia đình người bị hại, đồng thời còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an chung của xã hội. Do đó bị cáo phải chịu tránh nhiệm hình sự về hành vi phạm tội đã gây ra và cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo với xã hội một thời gian nhất định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do bị cáo đã gây ra. Như vậy mới đảm bảo được việc cải tạo, giáo dục bị cáo và đảm bảo tác dụng răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ: Sau khi phạm tội, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình người bị hại và đã được gia đình bị hại bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt; quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ rõ sự ăn năn hối cải; sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã chủ động đến cơ quan công an đầu thú; bị cáo có ông Nội và ông Ngoại là người có công với cách mạng, bản thân bị cáo đã có thời gian phục vụ trong quân ngũ. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, nên Hội đồng xét xử cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, là phù hợp với quy định của pháp luật.

[6] Về xử lý vật chứng:

- Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ 01 cái kéo bằng kim loại màu trắng dài 16cm, mũi nhọn, phần lưỡi hơi cong. Đây là công cụ bị cáo sử dụng để phạm tội, không có giá trị sử dụng, nên cần tịch thu tiêu hủy là đúng đắn.

- Đối với 03 đoạn gỗ cơ bi da có đặc điểm: đoạn thứ nhất dài 69cm đường kính lớn nhất 3,3cm, đường kính nhỏ nhất 2,2cm. Đoạn thứ hai dài 40cm, đường kính một đầu 2,2cm. Đoạn thứ ba dài 54,5cm, đường kính một đầu 1,2cm. Quá trình điều tra xác định đây là tài sản của bà Lê Thị Th, nhưng bà Th không nhận lại nên cần tịch thu tiêu hủy.

- Đối với 01 áo thun ngắn tay màu đỏ và 01 quần jean dài màu xanh, là quần áo của người bị hại Phạm Đức T mặc khi xảy ra vụ việc, gia đình bị hại đề nghị được nhận lại nên trả lại cho gia đình bị hại, là phù hợp.

[7] Về bồi thường thiệt hại: Quá trình điều tra, gia đình bị cáo đã thỏa thuận bồi thường cho người đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Phạm Ngọc Th (cha của bị hại) các khoản về chi phí mai táng và bù đắp tổn thất về tinh thần, với tổng số tiền là 150.000.000 đồng. Người đại diện hợp pháp của bị hại không có yêu cầu bồi thường gì thêm và đã có đơn bãi nại cho bị cáo. Xét thấy, việc thỏa thuận bồi thường là tự nguyện, phù hợp với pháp luật nên Hội đồng xét xử cần ghi nhận.

[8] Về án phí: Do bị cáo Trần Đình Q bị tuyên phạm tội nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Tuyên bố: Bị cáo Trần Đình Q phạm tội: “Giết người”.

Áp dụng: Khoản 2 Điều 123; điểm b, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Trần Đình Q 09 (chín) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam, ngày 09/7/2020.

[2] Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự.

- Tịch thu, tiêu hủy: 01 cái kéo bằng kim loại màu trắng dài 16cm, mũi nhọn, phần lưỡi hơi cong và 03 đoạn gỗ cơ bi da có đặc điểm: Đoạn thứ nhất dài 69cm, đường kính lớn nhất 3,3cm, đường kính nhỏ nhất 2,2cm; đoạn thứ hai dài 40cm, đường kính một đầu 2,2cm; đoạn thứ ba dài 54,5cm, đường kính một đầu dài 1,2cm.

- Trả lại cho người đại diện hợp pháp của người bị hại 01 áo thun ngắn tay màu đỏ và 01 quần jean dài màu xanh.

(Vật chứng có đặc điểm cụ thể như Biên bản về việc giao nhận vật chứng ngày 18/11/2020 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk).

[3] Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; Điều 584, Điều 585, Điều 591 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Ghi nhận việc gia đình bị cáo Trần Đình Q đã thay bị cáo bồi thường cho người đại diện hợp pháp của bị hại là ông Phạm Ngọc Th các khoản về chi phí mai táng và khoản bù đắp tổn thất về tinh thần, với tổng số tiền là 150.000.000 đồng (một trăm năm mươi triệu đồng). Người đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu gì thêm.

[4] Về án phí: Áp dụng Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Trần Đình Q phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

[5] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

449
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 04/2021/HS-ST ngày 08/01/2021 về tội giết người

Số hiệu:04/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;