TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHIÊM HOÁ, TỈNH TUYÊN QUANG
BẢN ÁN 04/2020/DS-ST NGÀY 24/08/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM
Ngày 24 tháng 8 năm 2020 tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện Chiêm Hoá xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 07/2019/TLST- DS, ngày 10 tháng 12 năm 2019 về việc“Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2020/QĐXXST-DS ngày 05 tháng 6 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số: 03/2020/QĐST-DS ngày 03/7/2020; số 05/2020/QĐST-DS ngày 31/7/2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Sằm Thị V, sinh năm 1952; nghề nghiệp: Làm ruộng. Địa chỉ: Thôn G Ch, xã Nh L, huyện CH, tỉnh TQ (Có mặt).
2. Bị đơn: Ông Hà Đức V, sinh năm 1954; nghề nghiệp: Làm ruộng. Địa chỉ: Thôn G CH, xã Nh L, huyện CH, tỉnh Tuyên Quang (Có mặt).
3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Anh Nông Văn S, sinh năm 1988;
nghề nghiệp: Làm ruộng.
Địa chỉ: Thôn G Ch, xã Nh L, huyện CH, tỉnh TQ; (Có mặt).
4. Những người làm chứng:
1. Ông Hà Công D, sinh năm 1963; Địa chỉ nơi làm việc: UBND xã Nh L, huyện CH, tỉnh TQ (Vắng mặt- Có đơn xin xét xử vắng mặt).
2. Ông Hoàng Văn H, sinh năm 1964; Địa chỉ: Thôn G Ch, xã Nh L, huyện CH, tỉnh TQ (Vắng mặt).
3. Bà Ma Thị S, sinh năm 1974; Địa chỉ: Thôn G Ch, xã Nh L, huyện CH, tỉnh TQ (Vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, quan điểm trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn bà Sằm Thị V trình bày:
Vào khoảng 15 giờ đến 15 giờ 30 ngày 22/01/2019 bà có địu cháu đi chơi đến khu vực nhà văn hóa thôn G Ch, xã Nh L, huyện CH. Khi bà đang đứng ở lề đường thì ông V đi xe máy đến gần vị trí của bà (cách khoảng 01 m), ông V nhổ nước bọt về phía bà, sau đó ông V đi lại gần chỗ bà, kéo vai bà lại và nhổ thẳng nước bọt vào mặt bà. Bà có nói lại ông V “tao làm gì cho mày mà mày nhổ nước bọt vào mặt tao, mồ mả bố mẹ mày kia mày đi mà nhổ” và nói với bà S “Bà S xem tôi có làm gì cho ông V mà ông V lại làm như thế này”. Sau đó, ông V tiến xe máy lên khoảng 02 đến 03 mét thì xuống xe đi bộ về phía bà, đứng phía sau lưng bà và đấm hai nhát, một nhát vào đầu phía sau gáy, một nhát vào vai và trượt lên má phải của bà. Do đứng quay lưng lại nên bà không nắm được ông V dùng tay nào để đấm bà. Khi thấy sự việc như vậy có ông Hà Công D đứng ra can ngăn nên sự việc chấm dứt, ông V bỏ đi, còn bà thì đi tìm bà S, ông D đề nghị lập biên bản về việc ông V đánh bà. Ngay sau khi bị ông V đánh, bà có bị choáng nhưng vẫn cố gắng đứng vững vì bà đang cõng (địu) cháu nhỏ. Đến ngày 23/01/2019 thì bà bị tím gò má bên phải, và đau đầu, chóng mặt nhưng vẫn đi lại được. Ngày 23/01/2019 bà có đến Trung tâm y tế huyện CH để điều trị nhưng bác sĩ không tiếp nhận điều trị mà nói với bà là phải có giấy của công an mới khám vì vết thương do đánh nhau. Do vậy bà đã về về nhà và tự mua thuốc uống. Đến ngày 28/01/2019, do đau quá nên bà lại đến Trung tâm y tế huyện CH khám và được đưa vào điều trị tại Khoa ngoại đến ngày 31/01/2019 thì được ra viện. Về quá trình điều trị và chẩn đoán của bác sĩ bà không nắm được, bản thân bà tuân thủ theo quy trình điều trị của bệnh viện. Sau sự việc xảy ra, bà có làm đơn đề nghị UBND xã Nh L, Công an xã Nh L giải quyết, Công an xã có phối hợp với công an huyện để dựng hiện trường sự việc ngày 22/01/2019 có sự tham gia của bà, anh S và ông V. Tuy nhiên, hai bên không thống nhất được việc bồi thường nên bà đã làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông Hà Đức V phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm với tổng số tiền là 9.600.000 đồng (Chín triệu sáu trăm nghìn đồng). Ngày 10/01/2020, bà có đơn đề nghị thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Cụ thể bà yêu cầu ông V phải bồi thường cho bà tổng số tiền là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng), bao gồm các khoản cụ thể như sau:
- Chi phí điều trị tại Trung tâm Y tế huyện CH (có hóa đơn thu phí dịch vụ của bệnh viện) là 2.522.000 đồng (Hai triệu năm trăm hai mươi hai nghìn đồng).
- Mất thu nhập thực tế của 01 người bị thiệt hại và 01 người chăm sóc: 200.000 đồng/02 người x 05 ngày = 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng).
+ Tiền xe đi lại trong 05 ngày (tiền chi phí mua xăng xe trên thực tế và gửi xe tại điểm trông giữ xe của bệnh viện) là 378.000 đồng (Ba trăm bảy mươi tám nghìn đồng).
+ Tiền công của người chăm sóc tại nhà trong 30 ngày (mỗi ngày công tính 170.000 đồng) là: 30 x 170.000 đồng là 5.100.000 đồng (Năm triệu một trăm nghìn đồng).
2. Tại bản tự khai, quan điểm trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bị đơn ông Hà Đức V trình bày:
Trưa ngày 22/01/2019 ông có đi ăn cơm ở nhà họ hàng, vào hồi 13 giờ cùng ngày, ông điều khiển xe máy đi về một mình qua khu vực nhà văn hóa thôn G Ch, xã Nh L, huyện CH, ông thấy bà Sằm Thị V đang địu cháu trên lưng xem ô tô đổ đất ở sân nhà văn hóa cùng nhiều người khác. Do ông và bà V có mâu thuẫn từ trước về việc tranh chấp đất đai, ông có đề nghị được cuốc đất ở thửa đất có tranh chấp ra đổ nền sân nhà văn hóa thôn nhưng do bà V ngăn cản nên ông không được làm nữa. Do vậy, khi thấy bà V đang xem ô tô đổ đất ở sân nhà văn hóa thì ông rất bức xúc, ông đã dừng xe lại cách vị trí bà V đứng khoảng 01 mét (bà V đứng bên tay trái theo hướng ông đang đi) và nhổ nước bọt vào trước mặt bà V. Bà V có nói lại là “Tao làm gì mà mày nhổ nước bọt vào mặt tao, mồ mả bố mẹ mày kia, mày đi mà nhổ”. Sau đó ông tiếp tục đi xe máy qua chỗ bà Việt đứng, dừng xe, ông vẫn ngồi trên xe và kéo vai bà V lại nhổ thẳng nước bọt vào mặt bà V, rồi dùng hai ngón tay trái chỉ chỉ vào phía đầu, vai bà V, vừa chỉ ông vừa nói “Tại mày mà tao không được đổ đất”. Khi đó ông vẫn đang ngồi trên xe máy, bà V đứng cách ông 01 mét về bên trái cạnh xe máy của ông, do vậy ông chỉ tay không chạm vào người bà V. Ông không được dúi hay ấn vào đầu, vai bà V. Khi sự việc xảy ra có ông Hà Công D, bà Ma Thị S là người chứng kiến và can ngăn. Sau khi sự việc xảy ra, ông có nghe nói đại diện thôn là ông Hoàng Văn H có lập biên bản làm việc về sự việc xảy ra giữa ông và bà V, nhưng ông không có mặt khi lập biên bản và không được ký vào biên bản. Việc lập biên bản không phải nơi xảy ra sự việc, không phải ngay sau khi xảy ra sự việc. Đến ngày 31/01/2019 công an xã báo ông ra làm việc và thông qua nội dung làm việc thì ông được biết ngày 22/01/2019 thôn có lập biên bản về sự việc giữa ông và bà V. Quá trình giải quyết tại xã, Công an xã có phối hợp với công an huyện để dựng hiện trường sự việc, lúc đó ông và bà V có tham gia, có ký nhận biên bản làm việc về việc dựng hiện trường (cụ thể ngày tháng ông không nhớ rõ). Ông có bị Công an xã Nh L xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” với mức phạt là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng), ông đã nộp phạt đầy đủ. Bản thân ông không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của bà V.
Nay bà V yêu cầu ông phải bồi thường cho bà V tổng số tiền là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) ông không nhất trí. Vì sự việc xảy ra là ngày 22/01/2019 nhưng đến ngày 28/01/2019 bà V mới đi điều trị Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa, trong khoảng thời gian 07 ngày đó bà V có thể bị bầm tím, sưng nề hay đau đầu chóng mặt là do bị ngã, bị va đập hay thậm chí là người khác đánh. Hơn nữa bản thân ông không đánh, đấm, ấn, dúi bà V mà chỉ nhổ nước bọt, dùng tay chỉ về phía đầu, vai bà V, không chạm vào người bà V. Tư thế của ông và bà V khi đó là cùng đứng ngang nhau, bà V đang cõng cháu, nếu ông dùng lực mạnh để đấm hay đánh V thì bà V đã ngã xuống chứ không đứng vững được. Sau khi sự việc xảy ra bà V vẫn địu cháu đứng vững, đi lại bình thường, thậm chí còn đi rất xa để tìm bà S và ông H để lập biên bản. Do vậy, không thể khẳng định bà V bị bầm tím, sưng nề hay đau đầu chóng mặt là do hành vi của ông nên ông không có trách nhiệm bồi thường.
3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Nông Văn S trình bày quan điểm:
Anh là con trai của bà Sằm Thị V, sự việc xảy ra ngày 22/01/2019 anh không có mặt tại hiện trường sự việc, không được chứng kiến sự việc mà chỉ được nghe lại qua lời kể của bà Việt và những người làm chứng khác. Quá trình đưa bà Việt đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện CH là tiền của anh, anh chi trả các khoản điều trị cho bà V trong thời gian từ ngày 28 đến ngày 31/01/2019. Quan điểm của bà V cũng chính là quan điểm của anh nên đề nghị Tòa án xem xét giải quyết buộc ông V phải bồi thường cho bà V số tiền 10.000.000 đồng do sức khỏe bị xâm phạm. Anh không có yêu cầu độc lập.
4. Người làm chứng Hà Công D vắng mặt tại phiên tòa nhưng lời khai có trong hồ sơ vụ án và đơn xin xét xử vắng mặt thể hiện:
Vào khoảng 14 giờ 50 phút ngày 22/01/2019, ông có được đi đo hệ thống kênh mương tại thôn G Ch xã Nh L, huyện CH, tỉnh TQ. Cũng trong chiều cùng ngày thì thôn có đổ đất làm nền sân nhà văn hóa nên ông có được ra xem đổ đất. Khi ông ra đến khu vực nhà văn hóa thôn G Ch thì gặp bà S, bà V đang địu cháu cũng đứng xem đổ đất. Ông đi lại gần chỗ bà S, bà V đứng nói chuyện được khoảng 10 phút thì ông V đi xe máy qua có quay lại hướng bà V đứng nhổ nước bọt vào bà V thì bà V nói lại là“Tao làm gì cho mày mà mày nhổ nước bọt vào mặt tao, mày láo thế, mồ mả của bố mẹ mày kia, mày đi mà nhổ”. Sau đó ông V đi qua chỗ ông, bà S, bà V đứng khoảng 05 m thì dừng lại, xuống xe và đi bộ về phía ông và ông V dùng tay kéo vai phải của bà V quay mặt về phía ông V và bà S, bà V đang đứng, ông V nhổ thẳng nước bọt vào mặt bà V. Lực kéo nhẹ không thể gây vết bầm tím hay sưng nề. Lúc đó bà V nói với bà S là: “Bà S xem, tôi có làm gì đâu mà ông V nhổ nước bọt vào mặt tôi” cùng trong lúc đó ông V dùng nắm đấm dúi hai phát, một phát vào đầu phía trên tai bên phải, một phát vào vai bên phải của bà V. Thấy vậy ông kéo ông V ra, sự việc chấm dứt. Khi bà V bị ông V dùng tay dúi vào người thì bà V vẫn đi lại, đứng vững bình thường, không bị loạng choạng, không bị ngã hay va đập vào đâu và vẫn địu cháu đi tìm bà S, ông H để yêu cầu lập biên bản, trên người bà V cũng không có bất kỳ một vết thương nào cả.
Về khoảng cách và tư thế của các bên trong lúc xảy ra sự việc thì ông đứng cách ông V, bà V khoảng 60 cm, điều kiện ánh sáng đủ, tầm nhìn không bị che khuất. Lúc đó ông V đứng bên phải bà V, ông đứng phía bên trái bà V. Ông V đứng cách bà V 50cm.
Ngoài ông chứng kiến và can ngăn thì còn có bà Ma Thị S, ông Hoàng Văn H cũng được chứng kiến sự việc, tuy nhiên khoảng cách bà S, ông H đứng cách vị trí xảy ra sự việc khoảng 30-40m.
Đối với “biên bản sự việc” lập ngày 22/01/2019 ông xác định biên bản nêu trên được lập sau khi sự việc xảy ra khoảng 01 đến 02 tiếng. Khi lập biên bản thì ông V đã đi về còn bà V đi tìm bà S yêu cầu lập biên bản, người ghi biên bản là ông Hoàng Văn H, thành phần có mặt gồm bà Ma Thị S, ông Hoàng Văn H, bà Sằm Thị V, không có mặt ông (Hà Công D) và ông V. Địa điểm lập biên bản không phải là vị trí xảy ra sự việc. Ngày hôm sau là ngày 23/01/2019 thì lập thêm trích biên bản sự việc, khi đó ông mới ký cả hai biên bản. Khi ông ký biên bản ông không xem lại nội dung do ông nghĩ sự việc không có gì to tát, không có ai bị thương hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Sau khi được Tòa án cho xem biên bản sự việc nêu trên ông xác định nội dung “ông V dùng tay đánh hai phát, một phát vào đầu và một phát vào vai” được ghi trong biên bản nêu trên là không đúng sự việc ông được chứng kiến. Ông xác định thực tế sự việc xảy ra vào khoảng 15 giờ ngày 22/01/2019 là ông V có hành vi nhổ nước bọt vào mặt bà V, có được dùng nắm đấm dúi hai phát, một phát vào đầu phía trên tai phải, một phát vào vai phải bà V. Không có việc ông V đấm hay đánh bà V vào đầu, đấm vào vai bà V trượt lên gò má của bà V. Lực dúi nắm đấm của ông V tác động lên người bà V không đủ mạnh để gây nên vết bầm tím hay sưng nề. Ngoài ra không có hành vi đánh, đấm hay hành vi dùng bạo lực gì khác với bà V. Xét về tương quan lực lượng thì ông V cao to, trên người không mang vác vật dụng gì, còn bà V thấp bé lại đang địu cháu trên lưng, nếu ông V đấm hay đánh bà V thì bà V không thể đứng vững và địu cháu đi lại bình thường như vậy được.
Đối với trích biên bản sự việc trong hồ sơ lưu của Công an xã Nh L có nội dung “Rồi ít sau ông Hà Đức V đánh tiếp hai phát, một phát vào đầu, một phát vào vai. Khi đó bà Việt vẫn địu cháu ở trên lưng…” ông xác định nội dung này ghi không đúng sự việc ông được chứng kiến. Cũng do ông nghĩ sự việc không có gì to tát, không có ai bị thương hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe nên khi ký biên bản ông không xem lại nội dung. Ông xác định sự việc ông được chứng kiến là “ông V dùng tay phải nắm thành nắm đấm dúi hai phát, một phát vào đầu phía trên tai bên phải, một phát vào vai bên phải của bà V ”.
Đối với sự mâu thuẫn trong lời khai của ông vào các ngày 29/01/2019, ngày 28/02/2019 và lời khai ngày 03/4/2019 tại Công an xã Nh L ông xác định lời khai vào các ngày 29/01/2019, ngày 28/02/2019 là không đúng sự việc ông được chứng kiến, bản thân ông không đọc lại lời khai trước khi ký vì nghĩ sự việc không có gì to tát, bà V cũng không bị thương gì. Ông xác định lời khai vào ngày 03/4/2019 tại Công an xã Nh L và lời khai tại biên bản lấy lời khai ngày 07/5/2020, biên bản đối chất ngày 28/7/2020 hoàn toàn chính xác, đúng với sự việc ông được chứng kiến là “ông V dùng tay phải nắm thành nắm đấm dúi hai phát, một phát vào đầu phía trên tai bên phải, một phát vào vai bên phải của bà V ”.
5. Người làm chứng Ma Thị S vắng mặt tại phiên tòa nhưng lời khai trong quá trình giải quyết vụ việc tại Công an xã Nh L, huyện CH do Tòa án thu thập được thể hiện:
Bà và ông Hà Đức V, Sằm Thị V không có quan hệ họ hàng, từ trước tới giờ không có mâu thuẫn gì. Vào khoảng 15 giờ ngày 22/01/2019 tại nhà văn hóa thôn G C, xã Nh L có xảy ra sự việc xô xát giữa ông Hà Đức V và bà Sằm Thị V, bà có được thấy ông V nhổ nước bọt vào mặt bà V. Sau đó bà và ông H đi ra mương ruộng cách chỗ xảy ra sự việc khoảng 30-40m được khoảng một lúc thì bà thấy to tiếng, bà quay lại thì thấy ông V dùng nắm đấm dúi vào đầu, một phát vào vai bà V, ông D có mặt ở đó can ngăn. Bà đi đến gần thì bà V chạy lại phía bà và ông H, bà có được nói với ông V “Ông về đi, ông làm như thế là sai” thì ông V vừa dùng tay du vào vai bà vừa nói “Làm thế này là sai à”, sau đó ông V lấy xe bỏ đi. Sau khi sự việc xảy ra bà thấy bà V vẫn địu cháu đi lại bình thường, trên cơ thể không có chỗ nào bị thương.
6. Người làm chứng Hoàng Văn H trình bày:
Ông là Phó thôn G Ch, xã Nh L kiêm Công an viên. Giữa ông và bà Sằm Thị V, ông Hà Đức V không có quan hệ họ hàng, từ trước tới nay không có mâu thuẫn gì. Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 22/01/2019 ông nhận được điện thoại của bà Ma Thị S (Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn G Ch, xã Nh L) gọi đến Nhà văn hóa thôn để thống nhất việc đổ đất làm sân nhà văn hóa. Khi ông đến đó thì có 04 người đứng theo thứ tự lần lượt đầu tiên là ông D, tiếp theo là bà V (đang địu cháu), bà S và cuối cùng là ông V, khoảng cách mỗi người cách nhau khoảng 1,5m. Khi đến đó thì ông dựng xe cách chỗ mọi người đứng khoảng 02m, ông có nghe thấy bà V nói to tiếng là “Tao làm gì cho mày”, Ông V nói lại là “Mày láo”. Có bà S can ngăn, sau đó thì ông và bà S đi xuống khu vực đổ đất nhà văn hóa để thống nhất việc cuốc rãnh mương. Bản thân ông không được chứng kiến sự việc xô xát giữa ông V và bà V vì lúc đó ông đang cùng bà S hướng dẫn thợ đổ đất cách đó khoảng 25m. Trực tiếp ở gần chứng kiến sự việc chỉ có ông Hà Công D. Ông có nghe thấy ông D nói “Sao bác lại làm thế” một lúc sau thì thấy bà V đi tìm bà S và ông báo cáo là ông V đánh bà S hai phát, một phát vào đầu, một phát vào vai, bà V yêu cầu bà S lập biên bản. Tuy nhiên do không mang giấy tờ gì nên bảo bà V lát nữa về lấy giấy tờ thì lập biên bản sau. Khi bà V đến chỗ ông với bà S thì ông không thấy bà V bị thương hay bầm tím, sưng nề ở đâu. Ông bà S, ông D tiếp tục đi vào khu Đèo Chắp để đo mương, bà V vẫn tiếp tục đi theo, trên lưng vẫn địu cháu. Khoảng 30 phút sau thì đo mương xong và quay lại nhà bà S để lấy giấy tờ lập biên bản. Địa điểm lập biên bản là trước cổng nhà ông Nông Văn Đ, cách nơi xảy ra sự việc khoảng 150 mét. Ông là người trực tiếp ghi lại biên bản nhưng ghi theo lời ông D, bà S, bà V nói chứ ông không được chứng kiến sự việc xảy ra. Sau khi ghi xong biên bản, ông thông qua cho mọi người cùng nghe và ký tên.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án đều đảm bảo đúng quy định; riêng người làm chứng Ma Thị S chưa thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 78 của Bộ luật tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị: Áp dụng các Điều 26, 147, 227, 228, 271 và 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án:
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Sằm Thị V về “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” đối với ông Hà Đức V.
- Về án phí: Bà Sằm Thị V không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
- Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về pháp luật tố tụng.
Bà Sằm Thị V xác định thương tích của bà là do ông Hà Đức V đánh bà vào ngày 22/01/2019 khiến bà phải đi điều trị tại cơ sở y tế từ ngày 28/01/2019 đến ngày 31/01/2019 nên bà khởi kiện yêu cầu ông Hà Đức V phải bồi thường cho bà các khoản chi phí hợp lý và tiền mất thu nhập của bản thân bà cũng như người chăm sóc. Ông Hà Đức V có hộ khẩu thường trú tại thôn G Ch, xã Nh L, huyện CH, tỉnh TQ; Căn cứ theo khoản 6 Điều 26, Điều 35, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự thì đây là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cụ thể là “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Quá trình giải quyết vụ án, xét thấy người làm chứng Ma Thị S, Hà Công D, Hoàng Văn H biết được các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án, do vậy Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa triệu tập những người làm chứng đến giải quyết vụ án. Tuy nhiên ông Hà Công D, ông Hoàng Văn H và bà Ma Thị S vẫn vắng mặt lần thứ hai. Tại phiên tòa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Nông Văn S đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập người làm chứng Ma Thị S, Hà Công D đến tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, kết quả xác minh tại địa phương cho thấy bà Ma Thị S vẫn có hộ khẩu thường trú tại thôn G Ch, xã Nh L, huyện CH, tỉnh TQ nhưng hiện không có mặt tại địa phương. Tòa án đã triệu tập hợp lệ, gia đình bà S đã thông báo cho bà S nhưng bà S vẫn không về và cũng không thông báo địa chỉ nơi ở và nơi làm việc; lời khai của bà S trong quá trình giải quyết vụ việc tại UBND xã Nh L đã được Tòa án thu thập có trong hồ sơ vụ án; ông Hà Công D có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Tại phiên tòa, các đương sự nhất trí giải quyết vắng mặt người làm chứng Ma Thị S, Hà Công D. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa quyết định xét xử vắng mặt người làm chứng theo quy định tại các Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về việc xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bà Sằm Thị V khẳng định bà bị thương ở gò má phải, vai phải và vùng đầu sau gáy do bị ông Hà Đức V đấm vào ngày 22/01/2019, bà phải điều trị tại Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa từ ngày 28/01/2019 đến ngày 31/01/2019. Do vậy, bà đề nghị Tòa án buộc ông V phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà với tổng số tiền là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). Ông Hà Đức V xác định ông không được đánh, đấm, ấn hay dúi vào người bà V mà chỉ được nhổ nước bọt vào mặt bà V, dùng hai ngón tay trái chỉ vào đầu, vai bà V, không chạm tới người bà V. Do vậy, ông V không nhất trí bồi thường.
HĐXX thấy rằng, Điều 275 của Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” tương ứng với căn cứ này là quy định“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, … của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” tại Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015. Bên cạnh đó Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng đã chỉ rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ 04 yếu tố: Phải có thiệt hại xảy ra; phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Như vậy, để xác định căn cứ buộc ông V phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Sằm Thì V cần xem xét toàn diện các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Trong vụ án này, có thể khẳng định được bà Sằm Thị V thực tế có bị thiệt hại về sức khỏe. Kết quả xác minh tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho thấy: Bà Sằm Thị V điều trị tại Khoa Ngoại - Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa vào hồi 15 giờ 20 phút ngày 28/01/2019. Tình trạng khi khám vào khoa thể hiện: Bệnh nhân tỉnh, đau đầu, đau vai, hoa mắt chóng mặt, vùng gò má phải có vết bầm vàng xanh rộng 03x03 cm; vai phải có khối sưng nề 03x03cm, vận động vai phải được, các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường. Tuy nhiên, không đủ căn cứ khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại về sức khỏe của bà Sằm Thị V và hành vi trái pháp luật của ông Hà Đức V gây ra. Bởi lẽ, bà Sằm Thị V, ông Hà Đức V, những người làm chứng Hà Công , Ma Thị S, Hoàng Văn H đều khẳng định sự việc diễn ra vào khoảng 15 giờ ngày 22/01/2019, tuy nhiên, 06 ngày sau khi sự việc xảy ra (ngày 28/01/2019) bà V mới đến khám và điều trị tại cơ sở y tế. Bà V khẳng định ngày 23/01/2019 bà có đến Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa để khám và điều trị nhưng bác sĩ không tiếp nhận điều trị và xác định phải có giấy giới thiệu của Công an mới điều trị nên bà V ra hiệu thuốc ngoài cổng Trung tâm Y tế, mua thuốc về uống. Đến ngày 28/01/2019 do đau quá bà mới lại tiếp tục đến Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa để khám và được điều trị tại Khoa Ngoại. Kết quả xác minh tại Trung Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho thấy không có việc bác sĩ từ chối tiếp nhận bệnh nhân nếu không có giấy giới thiệu của Công an. Ngày 28/01/2020, Bệnh viện vẫn tiếp nhận và điều trị cho bà V mà không cần giấy giới thiệu của Công an, sau đó lập “BIÊN BẢN CHỨNG THƯƠNG” theo quy định. Kết quả xác minh tại Khoa Ngoại - Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa thể hiện: Không xác định được vết bầm trên má phải và vai phải của bà V có từ khoảng thời gian nào, do vật gì tác động và lực tác động cụ thể như thế nào. Ngoài ra Khoa Ngoại - Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa không điều trị vết thương nào khác trên cơ thể bà Sằm Thị V. Do vậy, không có căn cứ khẳng định vết bầm ở gò má phải, vết sưng nề ở vai phải của bà Việt là do ông V gây ra, không loại trừ khả năng từ các nguyên nhân khác. Bản thân ông V xác định được dùng hai ngón tay chỉ về phía đầu, vai bà V nhưng không chạm vào người bà V. Mặt khác, các đương sự đều khẳng định khi sự việc xảy ra (khoảng 15 giờ ngày 22/01/2020) có ông Hà Công D là người chứng kiến trực tiếp, bà Ma Thị S đứng cách đó khoảng 20-30 mét. Quá trình giải quyết vụ việc tại Công an xã Nh L ông Hà Công D khẳng định ông có được chứng kiến sự việc và xác định không có việc ông V đấm hay đánh bà V,“ông V dùng tay phải nắm thành nắm đấm dúi hai phát, một phát vào đầu phía trên tai bên phải, một phát vào vai bên phải của bà V. Lực dúi nắm đấm của ông V tác động lên người bà V không đủ mạnh để gây nên vết bầm tím hay sưng nề. Ngoài ra, ông V không có hành vi đánh, đấm hay hành vi dùng bạo lực gì khác với bà V. Không có việc ông V đấm hay đánh bà V vào đầu, đấm vào vai bà V trượt lên gò má của bà V”. Khi ông V dùng nắm đấm dúi bà V thì bà V đang địu cháu, bà V vẫn đứng vững, không bị ngã hay va đập vào đâu, trên người không có vết thương nào”. Lời khai của ông D phù hợp với lời khai của bà Ma Thị S. Như vậy có thể xác định được hành vi dùng nắm đấm dúi vào đầu, vào vai bà V của ông V không gây thiệt hại về sức khỏe cho bà V.
Kết quả xác minh tại Khoa ngoại - Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cũng xác định được Khoa chỉ điều trị vết bầm trên gò má phải, vết sưng nề ở vai phải của bà V, không điều trị vết thương nào ở vùng đầu phía sau gáy của bà V. Như vậy, lời khai của bà V về việc bị ông V đánh vào vùng đầu phía sau gáy là không có cơ sở. Bản thân bà V trong quá trình giải quyết tại Tòa án (bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản hòa giải) cũng chỉ xác định có vết bầm ở gò má phải và đau đầu phía sau gáy, không có vết sưng nề ở vai phải. Qua tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ tại khoa Ngoại - Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa thì “theo quy luật tự nhiên, lực dúi nắm đấm của một người trưởng thành không thể mạnh đến mức độ để lại vết bầm trên mặt hay vết sưng nề trên vai của bà V được. Trường hợp dùng lực mạnh đến mức bầm tím, sưng nề phầm mềm trên cơ thể với tư thế người bị hại đang đứng thì chắc chắn người bị hại sẽ loạng choạng hoặc bị ngã chứ không thể đứng vững”.
Mặt khác, quá trình xác minh tại Công an xã Nh L cho thấy, ông Hà Đức V có hành vi “nhổ nước bọt vào mặt bà Sằm Thị V. Sau đó dùng nắm đấm tay trái dúi 02 lần vào người bà V, lần thứ nhất dúi vào đầu, lần thứ hai dúi vào vai bà V” (Kết luận số 01/KL-VV ngày 05/4/2019 của Công an xã Nh L). Công an xã Nh L đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-XPHC ngày 26/4/2019 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hà Đức V về hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác với mức phạt là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng). Ngoài ra không xử lý hành vi nào khác. Như vậy, mặc dù có hành vi trái pháp luật của ông Hà Đức V nhưng hành vi này không gây thiệt hại về sức khỏe mà gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của bà V.
Đối với quan điểm của bà V cho rằng lời khai của ông Hà Công D và bà Ma Thị S có sự thay đổi, ban đầu cả hai người làm chứng nêu trên đều xác định bà bị ông V “đánh” nhưng sau này lại khai thành “dúi”, HĐXX nhận định: Quá trình giải quyết tại Công an xã Nh L, bà Ma Thị S có 03 biên bản lấy lời khai (ngày 29/01/2019, ngày 28/02/2019, ngày 03/4/2019) và 01 bản tự khai (ngày 03/4/2019) bà Ma Thị S tự viết. Trong đó có lời khai ban đầu lập ngày 29/01/2019, lời khai sau cùng lập ngày 03/4/2019 và bản tự khai ngày 03/4/2019 đều xác định ông V dùng nắm đấm dúi vào đầu, vào vai bà V chứ không phải đấm hay đánh bà V. Lời khai của bà S cũng khẳng định, sau khi bị ông V dùng nắm đấm dúi vào đầu, vào vai thì bà V đang địu cháu trên lưng đi lại bình thường, tình trạng sức khỏe vẫn bình thường, không có biểu hiện gì, không có vết thương nào trên cơ thể. Tất cả các lời khai của bà S đều khẳng định khi bà lên can ngăn có nói với ông V “bác về đi, bác làm thế là sai rồi” thì ông V có dùng tay du nhẹ vào vai bà và nói: “Làm như này là sai à” rồi ông V bỏ đi. Điều này thể hiện việc ông V đang mô tả lại hành vi của ông đối với bà V là du đẩy chứ không có việc đấm hay đánh. Đối với sự mâu thuẫn trong lời khai của ông Hà Công D vào các ngày 29/01/2019, ngày 28/02/2019 và lời khai ngày 03/4/2019 cùng toàn bộ lời khai trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án đã được làm rõ tại biên bản lấy lời khai ngày 07/5/2020 và đơn xin xét xử vắng mặt, biên bản đối chất ngày 28/7/2020, ông D xác định lời khai vào các ngày 29/01/2019, ngày 28/02/2019 là không đúng sự việc ông được chứng kiến, cách dùng từ của cán bộ ghi biên bản phản ánh lại sự việc là không đúng, bản thân ông không đọc lại lời khai trước khi ký vì nghĩ sự việc không có gì to tát, bà V cũng không bị thương gì. Đối với “biên bản sự việc” lập ngày 22/01/2019 các đương sự và người làm chứng Hoàng Văn H đều xác định được lập sau khi sự việc xảy ra khoảng 01 đến 02 tiếng, thành phần có mặt gồm bà Ma Thị S, ông Hoàng Văn H, ông (Hà Công D) và bà Sằm Thị V, không có mặt ông Hà Đức V, người ghi biên bản là ông Hoàng Văn H. Lời khai của ông Hà Công D không đồng nhất, có lời khai thể hiện ông có mặt khi lập biên bản, có lời khai lại thể hiện không có mặt. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án và tại biên bản đối chất, ông Hà Công D xác định trong biên bản có nội dung ghi“ông V dùng tay đánh hai phát, một phát vào đầu và một phát vào vai” là không đúng sự việc ông được chứng kiến, sau khi lập biên bản ông cùng không đọc lại mà chỉ ký vào biên bản. Ông D xác định lời khai vào ngày 03/4/2019 tại Công an xã Nh L và lời khai tại biên bản lấy lời khai ngày 07/5/2020, biên bản đối chất ngày 28/7/2020 là chính xác, đúng với sự việc ông được chứng kiến là “ông V dùng tay phải nắm thành nắm đấm, dúi và ấn một cái vào vùng đầu của bà V, dúi vào vùng thái dương của bà V”.
Ngoài lời khai của bà Sằm Thị V thì không có chứng cứ gì chứng minh bà V bị ông V đấm, đánh hay hành vi bạo lực khác làm bầm tím gò má phải, sưng nề vai phải, đau đầu, chóng mặt.
Như vậy, không đủ căn cứ khẳng định thiệt hại về sức khỏe nêu trên của bà V là do hành vi trái pháp luật của ông Hà Đức V gây nên. Do vậy, yêu cầu khởi kiện về “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” của bà Sằm Thị V đối với ông Hà Đức V là không có căn cứ, không được chấp nhận.
Đối với quan điểm của anh Nông Văn S xác định anh là người chi trả các khoản chi phí điều trị cho bà Sằm Thị V tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa nên anh có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, HĐXX thấy rằng: Việc anh chi phí điều trị cho bà Sằm Thị V là giao dịch độc lập giữa anh và bà Sằm Thị V, không liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại giữa bà Sằm Thị V đối với ông Hà Đức V. Trong quá trình giải quyết vụ án, anh không có yêu cầu độc lập. Do vậy, trong vụ án này anh không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đối với chi phí điều trị anh đã bỏ ra trong quá trình bà V điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa, Tòa án sẽ giải quyết bằng một vụ án khác khi anh Sự có yêu cầu.
Đối với hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” của ông Hà Đức V đối với bà Sằm Thị V, Công an xã Nh L đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-XPHC ngày 26/4/2019 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hà Đức V về hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác với mức phạt là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng). Bà V không đề nghị Tòa án giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét. Trường hợp bà V có yêu cầu, Tòa án sẽ giải quyết bằng một vụ án dân sự khác.
[3] Về án phí và quyền kháng cáo: Nguyên đơn bà Sằm Thị V khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe thuộc trường hợp không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 147, 229, 235, 266, 271 và 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ vào các Điều 275; 584 của Bộ luật dân sự;
Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
1. Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Sằm Thị V về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” đối với ông Hà Đức V.
2. Về án phí: Bà Sằm Thị V không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 24/8/2020).
Bản án 04/2020/DS-ST ngày 24/08/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Số hiệu: | 04/2020/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Chiêm Hóa - Tuyên Quang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/08/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về