TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 04/2019/DS-ST NGÀY 15/03/2019 VỀ TRANH CHẤP KHÔNG CÔNG NHẬN DI CHÚC HỢP PHÁP VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Vào ngày 15 tháng 03 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 12/2018/TLST-DS ngày 30 tháng 3 năm 2018 về việc “Tranh chấp không công nhận di chúc hợp pháp và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 15/2019/QĐST-DS ngày 30 tháng 01 năm 2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1/ Bà M.
2/ Bà M1.
Cùng địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông R, địa chỉ: ấp C3, xã B3, huyện A1, tỉnh Sóc Trăng (Văn bản ủy quyền ngày 20/4/2018 – Có mặt).
Bị đơn:
1/ Bà N.
2/ Ông N1 (Chết năm 2013)
Người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông N1:
2.1/ Bà N.
2.2/ Bà N2.
2.3/ Ông N3.
2.4/ Ông N4.
Cùng địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện theo ủy quyền của bà N, ông N3, ông N4, bà N2: Ông X, địa chỉ: ấp C2, xã B2, huyện A, tỉnh Sóc Trăng (Văn bản ủy quyền ngày 24/11/2017 và ngày 01/12/2017 – Có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Y, địa chỉ: ấp C1, xã B1, huyện A, tỉnh Sóc Trăng (Có mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ UBND tỉnh Sóc Trăng, địa chỉ: Số 01, đường Châu Văn Tiếp, phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện theo ủy quyền của UBND tỉnh Sóc Trăng: Ông Z – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, địa chỉ: Số 18, đường Hùng Vương, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (Văn bản ủy quyền số 852/UBND-NC ngày 17/5/2018 - Có đơn xin xét xử vắng mặt).
2/ UBND xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện theo ủy quyền của UBND xã B: Ông W – Phó chủ tịch UBND xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng (Văn bản ủy quyền ngày 04/9/2018 – Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 24/12/2009, đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 09/6/2010 và đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện ngày 24/10/2011, đơn khởi kiện bổ sung ngày 01/02/2018, đơn thay đổi yêu cầu bổ sung ngày 04/6/2018 của nguyên đơn là bà M; bà M1 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông R trình bày:
Vào năm 1992 bà M sống chung với ông K, có làm lễ cưới đến năm 2002 mới đăng ký kết hôn tại UBND xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng vào ngày 09/12/2002. Quá trình chung sống bà M và ông K có một con chung tên M1 sinh ngày 29/01/1993. Ông K chết ngày 10/01/2007, tài sản để lại là một căn nhà và đất tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Căn nhà có nguồn gốc do ông K mua lại của bà H vào năm 2003 và ông K được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở - quyền sử dụng đất ở vào ngày 19/3/2003.
Sau khi ông K chết, ông N1 và bà N không cho bà M, bà M1 sử dụng căn nhà nêu trên và ngang nhiên làm mái che sân, cổng rào và khóa cửa không cho bà M, bà M1 vào nhà ở. Ông N1, bà N cho biết ông K lập di chúc tại UBND xã B vào ngày 31/8/2006 để lại căn nhà nêu trên cho ông N1, bà N. Nhưng ngày 31/8/2006 ông K đang nhập viện và điều trị tại bệnh viện J, thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng sức khỏe ông K lúc tỉnh, lúc mê và không được bác sĩ điều trị cho xuất viện hoặc chuyển viện, nên tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 là không hợp pháp. Nay bà M, bà M1 yêu cầu Tòa án không công nhận tờ di chúc nêu trên là hợp pháp.
Ngày 01/02/2018 nguyên đơn bà M, bà M1 có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu Tòa án giải quyết: Hủy GCNQSH nhà ở và QSD đất ở, hồ sơ gốc số 557, thửa số 166, tờ bản đồ số 31, diện tích 95,92m2, loại đất ODT, tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà H ngày 12/12/2002, sau đó chỉnh lý sang tên cho ông K ngày 19.3.2003 và ngày 30/12/2014 Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện A đã chỉnh lý sang tên cho bà N.
Ngày 04/6/2018 ông R đại diện ủy quyền của nguyên đơn bà M, bà M1 có đơn thay đồi yêu cầu khởi kiện bổ sung yêu cầu Tòa án giải quyết: Hủy phần nội dung do Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện A đã chỉnh lý sang tên cho bà N ngày 30/12/2014 trong GCNQSH nhà ở và QSD đất ở, hồ sơ gốc số 557, thửa số 166, tờ bản đồ số 31, diện tích 95,92m2, loại đất ODT, tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà H ngày 12/12/2002, sau đó chỉnh lý sang tên cho ông K ngày 19/3/2003.
Theo đơn phản tố ngày 28/11/2011, bị đơn ông N1 và bà N trình bày: Căn nhà và đất tọa lạc ấp C3, xã B, huyện A nêu trên là do vợ chồng ông N1, bà N mua lại của bà H với giá 240.000.000đ, nhưng cho ông K đứng tên trên giấy tờ. Tờ di chúc ngày 31/8/2006 là do ông K lập, ký tên, lăn tay và được UBND xã B, huyện A xác nhận là hợp pháp. Nay ông N1, bà N yêu cầu Tòa án công nhận tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 là hợp pháp.
Đến ngày 29/8/2018 bị đơn bà N có đơn phản tố bổ sung yêu cầu Tòa án giải quyết: Công nhận tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 là hợp pháp nếu không thì yêu cầu Tòa án công nhận căn nhà tại ấp C3, xã B, huyện A thuộc sở hữu của bà N và ông N1 (Chết) do ông K đứng tên dùm, buộc bà M, bà M1 có trách nhiệm giao trả cho bà N, ông N1.
Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn rút lại yêu cầu công nhận căn nhà và đất tại ấp C3, xã B, huyện A thuộc sở hữu của bà N và ông N1 (Chết) chỉ yêu cầu công nhận tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 là hợp pháp và buộc bà M, bà M1 có trách nhiệm giao trả căn nhà và đất tại ấp C3, xã B, huyện A cho bà N, ông N1 (chết).
Người đại diện theo ủy quyền của UBND xã B là ông W trình bày: Việc chứng thực di chúc cho ông K là đúng theo quy định của pháp luật. Vào ngày 31/8/2006 ông K đi xe du lịch đến UBND xã B và yêu cầu chứng thực chữ ký trong tờ di chúc do ông tự lập kèm toàn bộ giấy tờ chứng minh là tài sản riêng của ông K. Đại diện UBND xã đã đề nghị ông K đọc lại di chúc để kiểm tra năng lực hành vi của ông, ông K đã đọc một loạt và tự nguyện ký tên và lăn tay điểm chỉ vào di chúc trước mặt người có thẩm quyền, nên UBND đã xác nhận chữ ký, dấu lăn tay của ông K vào bản di chúc.
Người đại diện theo ủy quyền của UBND tỉnh Sóc Trăng là ông Y trình bày:
Năm 1999, bà H lập thủ tục xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 166, tờ bản đồ số 31, tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A. Theo đó, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với địa phương tổ chức xác minh ranh giới, mốc giới, nguồn gốc thửa đất, tiến hành đo đạc thực tế, có lập biên bản và được các hộ giáp ranh ký xác nhận. Căn cứ trên hồ sơ đăng ký và kết quả xác minh, UBND tỉnh cấp GCNQSH nhà ở và QSD đất ở cho bà H vào ngày 12/12/2002, diện tích đất 95,92m”.
Ngày 10/02/2003, bà H chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đất và nhà ở cho ông K, hợp đồng được Văn phòng công chứng F công chứng. Căn cứ hợp đồng mua bán nhà ở - đất ở được công chứng và hồ sơ cấp Giấy của bà H, UBND tỉnh chỉnh lý trên GCNQSH nhà ở và QSD đất ở cho ông K vào ngày 19/3/2003;
Ngày 31/8/2006, ông K lập di chúc để lại tài sản là căn nhà nêu trên cho bà N (chị gái của ông K) và ông N1; bà N và ông N1 có trách nhiệm giao trả lại cho bà M1 (con gái ông K) 1/5 giá trị căn nhà; di chúc được UBND xã B xác nhận.
Năm 2013 ông N1 mất, bà N được mẹ của ông N1 là bà N2 cùng các con và bà M1 nhượng quyền hưởng di sản thừa kế (các văn bản nhượng quyền đã được UBND xã B xác nhận ngày 15/12/2014 và Văn phòng công chứng F1 công chứng ngày 09/12/2014). Theo đó, bà N lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất ở, nhà ở. Trên cơ sở các văn bản nhượng quyền đã được công chứng, xác nhận và hồ sơ cấp Giấy của bà H, VPĐKQSD đất huyện A (nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện A) chỉnh lý trên GCNQSH nhà ở và QSD đất ở cho bà N vào ngày 30/12/2014;
Do đó Ủy ban tỉnh khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự là đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật Sự việc được Tòa án nhân dân huyện A thụ lý giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 60/2012/DS-ST, ngày 28/9/2012 đã quyết định:
- Chấp nhận đơn phản tố của bà N, ông N1 về việc công nhận di chúc lập ngày 31/8/2006 do ông K là hợp pháp.
- Đình chỉ một phần yêu cầu của bà M, bà M1 đối với yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của căn nhà tại ấp C3, xã B, huyện A là tài sản riêng của ông K.
- Bác một phần yêu cầu của bà M, bà M1 về việc không công nhận di chúc ngày 31/8/2006 do ông K lập là hợp pháp Ngày 09/10/2012, nguyên đơn bà M và M1 có đơn kháng cáo cho rằng tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 đã vi phạm các quy định tại các Điều 655, 658, 652 của Bộ luật dân sự nên yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm.
Tại bản án phúc thẩm số 105/2013/DS-PT ngày 27/8/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của bà M và bà M1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày 15/8/2016 Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định kháng nghị số 112/2016/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm số 105/2013/DS-PT ngày 27/8/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng và bản án dân sự sơ thẩm số 60/2012/DS-ST, ngày 28/9/2012 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 107/2017/DS-GĐT ngày 29/5/2017 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
+ Chấp nhận toàn bộ Kháng nghị: Hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 105/2013/DS-PT ngày 27/8/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng và bản án dân sự sơ thẩm số 60/2012/DS-ST, ngày 28/9/2012 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
+ Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
+ Ngày 12/03/2018 Tòa án nhân dân huyện A ban hành quyết định chuyển hồ sơ vụ án số 02/2018/QĐ-CVA ngày 12/3/2018 đến Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thụ lý giải quyết theo thẩm quyền do nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện bổ sung yêu cầu Tòa án giải quyết: Hủy GCNQSH nhà ở và QSD đất ở, hồ sơ gốc số 557, thửa số 166, tờ bản đồ số 31, diện tích 95,92m2, loại đất ODT, tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà H ngày 12/12/2002, sau đó chỉnh lý sang tên cho ông K ngày 19/3/2003 và ngày 30/12/2014 Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện A đã chỉnh lý sang tên cho bà N.
Tại phiên tòa người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng di chúc do ông K lập ngày 31/8/2006 có chứng thực tại UBND xã B, huyện A phù hợp với quy định tại Điều 657 của Bộ luật dân sự năm 2005 tương ứng với Điều 635 của Bộ luật dân sự năm 2015 nên di chúc này là hợp pháp nên yêu cầu của nguyên đơn về việc không công nhận di chúc hợp pháp là không có căn cứ. Đồng thời đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu hủy phần nội dung chỉnh lý quyền sở hữu căn nhà cho bà N trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông K đứng tên là cũng không có căn cứ vì khi bản án phúc thẩm ngày 27/8/2013 có hiệu lực pháp luật và các thừa kế của ông N1 (chồng bà N) và bà M1 là người thừa kế của ông K đều làm văn bản nhượng quyền để bà N tiến hành các thủ tục chỉnh lý sang tên đúng quy định của pháp luật nên cơ quản có thẩm quyền đã chỉnh lý sang tên cho bà N là đúng trình tự thủ tục và đúng pháp luật. Từ đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến:
- Về tố tụng: Việc Tòa án thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền. Xác định đúng quan hệ tranh chấp. Từ khi thụ lý vụ án đến khi đưa vụ án ra xét xử Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự tham gia phiên Tòa đã chấp hành đúng nội quy phiên Tòa.
- Về nội dung vụ án: Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ. Yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền giải quyết và quan hệ tranh chấp: Việc bà M, bà M1 khởi kiện bà N, ông N1 để yêu cầu không công nhận tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 là hợp pháp và hủy GCNQSH nhà ở và QSD đất ở, hồ sơ gốc số 557, thửa số 166, tờ bản đồ số 31, diện tích 95,92m2, loại đất ODT, tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà H ngày 12/12/2002, sau đó chỉnh lý sang tên cho ông K ngày 19/3/2003 và ngày 30/12/2014 Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện A đã chỉnh lý sang tên cho bà N, sau đó nguyên đơn thay đổi yêu cầu là chỉ hủy phần nội dung do Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện A chỉnh lý sang tên cho bà N ngày 30/12/2014. Do đó, căn cứ vào khoản 14 Điều 26, Điều 34, Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính năm 2015. Hội đồng xét xử xác định là Tranh chấp không công nhận di chúc hợp pháp và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
[2] Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND tỉnh Sóc Trăng là ông Z vắng mặt nhưng đã có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt. Do đó, căn cứ vào các Điều 227 và 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.
[3] Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị đơn rút lại một phần yêu cầu phản tố về việc công nhận căn nhà và đất tại ấp C3, xã B, huyện A thuộc sở hữu của bà N và ông N1 (Chết). Xét thấy việc rút lại một phần yêu cầu phản tố của bị đơn là hoàn toàn tự nguyện do đó căn cứ vào khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc công nhận căn nhà và đất tại ấp C3, xã B, huyện A thuộc sở hữu của bà N và ông N1 (Chết).
[4] Về giá trị tài sản tranh chấp: Trong quá trình giải quyết vụ án các đương sự không tự thỏa thuận giá và yêu cầu Tòa án trưng cầu Hội đồng định giá tài sản, sau khi định giá các đương sự thống nhất với giá do Hội động định giá đưa ra. Vì vậy Hội đồng xét xử căn cứ vào giá của Hội đồng định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án, cụ thể phần đất giá trị là 700.800.000đ, tài sản trên đất có giá trị là 253.261.892 đồng.
[5] Xét nguồn gốc căn nhà và đất tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng, thấy rằng:
Phía nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận căn nhà và đất tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng là nhận chuyển nhượng của bà H vào năm 2003 và ông K được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở - quyền sử dụng đất ở vào ngày 19/3/2003.
Đồng thời theo tờ “hợp đồng mua bán nhà ở - đất ở” thể hiện ông K nhận chuyển nhượng của bà H vào năm 2003 với giá 100.000.000 đồng, hợp đồng đã được công chứng tại Văn phòng công chứng F vào ngày 10/02/2003. Đến ngày 19/3/2003 UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉnh lý qua tên cho ông K.
Phía bị đơn cho rằng tài sản trên là của ông N1 và bà N nhưng cho ông K đứng tên giùm. Tuy nhiên phía bị đơn không đưa ra được tài liệu chứng cứ để chứng minh việc ông K đứng tên giùm tài sản trên. Mặc khác Tòa án có tiến hành xác minh đối với bà L là người ký nhận tiền thay bà H từ ông N1, bà N. Tuy nhiên bà L không đồng ý cung cấp thông tin cho Tòa án.
Như vậy việc ông K nhận chuyển nhượng căn nhà và phần đất trên là hợp pháp đảm bảo đúng theo quy định tại Điều 190, Điều 690 Bộ luật dân sự 1995 và Điều 36, Điều 73 Luật đất đai năm 1993 sửa đổi, bổ sung năm 1998 và Luật đất đai năm 1993 sửa đổi, bổ sung năm 2001. Nên có căn cứ xác nhận tài sản trên thuộc quyền sở hữu của ông K. Do đó việc bị đơn cho rằng tài sản trên thuộc quyền sở hữu của mình và cho ông K đứng tên giùm là không có căn cứ.
Mặc khác, cũng tại tờ “hợp đồng mua bán nhà ở - đất ở” thể hiện đây là tài sản riêng của ông K có sự chứng kiến của bà M và bà M cũng đã ký tên trong tờ hợp đồng này.
[6] Xét tính hợp pháp của tờ di chúc lập ngày 31/8/2006. Thấy rằng:
- Về hình thức của tờ di chúc: Tờ di chúc do ông K lập vào ngày 31/8/2006 có chứng thực của UBND xã B, huyện A cùng ngày, do vậy đây là di chúc bằng văn bản có chứng thực đảm bảo đúng theo quy định tại Điều 657 và Điều 658 của Bộ luật dân sự (BLDS).
- Về nội dung tờ di chúc: Ông K là chủ tài sản của căn nhà và đất tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Do đó ông có quyền định đoạt tài sản của mình bằng cách lập di chúc để lại cho người khác sau khi chết, nội dung di chúc đảm bảo theo quy định tại Điều 653 BLDS.
- Về chủ thể lập di chúc: Phía nguyên đơn cho rằng Di chúc được lập ngày 31/8/2006, nhưng tại lúc đó ông K đang nhập viện và điều trị tại bệnh viện J thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng sức khỏe ông K lúc tỉnh, lúc mê và không được bác sĩ điều trị cho xuất viện hoặc chuyển viện, nên không thể có việc ông K lập tờ di chúc trên tại UBND xã B vào ngày 31/8/2006.
Thấy rằng: Theo hồ sơ bệnh án điều trị cho ông K do Bệnh viện J cung cấp cho Tòa án. Tại trang thứ hai của "Tờ điều trị số 4" có ghi nhận Bác sĩ J1 thăm khám bệnh nhân 01 lần vào ngày 31/8/2006 và phía dưới tiếp theo liền kề ghi nhận sang ngày 01/9/2006 Bác sĩ J1 thăm khám 01 lần trong ngày này (cả hai lần ghi đều không thể hiện giờ thăm khám cho bệnh nhân). Như vậy đã thể hiện ngày 31/8/2006 bác sĩ điều trị chỉ thăm khám cho bệnh nhân K một lần duy nhất. Tuy nhiên, tiếp theo đến trang thứ nhất của "Tờ điều trị số 5" liền kề lại có sự ghi nhận ngược trở lại thời gian 02 ngày của trang thứ hai "Tờ điều trị số 4" là ghi lại 0 giờ 45 phút của ngày 31/8/2006, trong đó có 2 Bác sĩ đã thăm khám đến 4 lần cho bệnh nhân K và cuối trang lại có thêm một lần khám vào ngày 01/9/2006. Điều này có sự không phù hợp về quy luật diễn biến sự việc theo thời gian. Để giải thích việc này, tại văn bản số 65/BVTA ngày 06/8/2013 của Bệnh viện J cho rằng: "các trường hợp bệnh lý tạm ổn định và theo đánh giá của bác sĩ điều trị y lệnh thuốc ngày hôm sau không thay đổi, bác sĩ điều trị có thể ghi y lệnh trước y lệnh thuốc cho ngày hôm sau để đỡ mất thời gian ghi lại y lệnh thuốc điều trị ...". Giải thích này là trái với quy trình khám chữa bệnh của ngành y (không thăm khám mà ra y lệnh) và lại mâu thuẫn với nội dung ghi trong Phiếu chăm sóc bệnh nhân (do Bệnh viện cung cấp kèm theo văn bản số 65 nêu trên), vì theo nội dung ghi trong phiếu chăm sóc này đã thể hiện lúc 02h sáng ngày 31/8/2006 bệnh nhân K đang tiếp tục thở oxy, do vậy tình trạng bệnh lý của bệnh nhân không thể nói là ổn định và như vậy không thể có việc ghi trước y lệnh thuốc cho ngày hôm sau theo như giải thích. Từ đó cho thấy việc ghi nhận thêm 4 lần thăm khám của bác sĩ vào ngày 31/8/2006, thêm 01 lần thăm khám ngày 01/9/2006 tại "Tờ điều trị số 5" (trang 1) và 09 lần thăm bệnh của Điều dưỡng vào ngày 31/8/2006 tại "Phiếu chăm sóc số 6" là không đúng theo quy luật diễn biến theo thời gian, trái với quy trình khám chữa bệnh và không thể hiện tính khách quan của sự việc vì việc ghi chép này có thể thực hiện vào bất kỳ lúc nào, cho nên không thể lấy việc ghi thêm trái quy luật này để kết luận ông K đã nằm điều trị suốt cả ngày 31/8/2006.
Đồng thời, tại phần Y lệnh ở trang 2 của "Tờ điều trị số 4" bác sĩ điều trị không hề có chỉ định xét nghiệm huyết đồ, nhóm máu và các thứ khác, nhưng lại có 02 phiếu kết quả xét nghiệm máu cùng ngày 31/8/2006, đồng thời 02 phiếu kết quả xét nghiệm này là kết quả mang tính chất chuyên môn nhưng lại không do Bác sĩ xét nghiệm hoặc Trưởng khoa xét nghiệm ký theo quy định của Bộ Y tế mà do bà J2 ký thay (bà J2 không phải là bác sĩ xét nghiệm và khi ký thay cũng không ghi rõ chức vụ, chức danh chuyên môn nào) là trái với quy định của ngành y và nó phản ánh phiếu kết quả đó không phải do chính bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm thực hiện. Do vậy có thể kết luận 02 phiếu xét nghiệm nêu trên là không có giá trị pháp lý để làm chứng cứ chứng minh vì nó không thể hiện tính khách quan và tính hợp pháp.
Mặc khác, tại kết luận giám định số 54/C54-P5 ngày 27/3/2012 của Viện Khoa Học Hình Sự - Bộ Công An thì chữ ký trong tờ di chúc là của ông K. Đồng thời Theo công văn số 11/CV.UBND, ngày 25/5/2012 của UBND xã B và tại phiên tòa, đại diện của UBND xã B đã khẳng định: Vào ngày 31/8/2006 ông K đi xe du lịch đến UBND xã B yêu cầu chứng thực chữ ký trong tờ di chúc do ông tự lập, đại diện UBND xã đã đề nghị ông K đọc lại di chúc để kiểm tra năng lực hành vi của ông, ông K đã đọc một loạt và tự nguyện ký tên và lăn tay điểm chỉ vào di chúc trước mặt người có thẩm quyền, nên UBND đã xác nhận chữ ký, dấu lăn tay của ông K vào bản di chúc. Đồng thời, tại đoạn cuối của bản di chúc ông K cũng có ghi rõ: “Tôi đã đọc lại và hiểu rõ nội dung di chúc kể trên và quyết định bảo lưu không có ý kiến gì khác, tự tay tôi ký tên vào tờ di chúc này trước mặt viên chức chính quyền để làm bằng…”.
Ngày 27/11/2018, bà N có đơn yêu cầu giám định đối với dấu vân tay của ông K trên “tờ di chúc” lập ngày 31/8/2006. Tại bản kết luận giám định số 368 ngày 21/12/2018 của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng kết luận: Dấu vân tay màu đỏ trong di chúc ngày 31/8/2006 mang tên K so với dấu vân tay in trong chỉ bản của ông K là của cùng một người. Như vậy khi lập di chúc ông K đã ký tên và lăn tay xác nhận vào bản di chúc này là hoàn toàn có thật.
Theo chuẩn đoán và điều trị của Bệnh viện J thì ông K bị bệnh lao phổi, xơ gan và tiểu đường type 2, không thể hiện bị bệnh tâm thần, và tại các "Tờ điều trị" của bệnh viện mỗi lần thăm khám cho ông K đều ghi nhận "Bệnh tỉnh, tiếp xúc được". Đồng thời, những người trực tiếp nuôi bệnh ông K là các ông NLC, NLC2 đều xác định trong thời gian trị bệnh ở Bệnh viện J ông K vẫn đi lại, tiếp xúc bình thường. Do vậy có cơ sở để kết luận trình bày của đại diện UBND xã B, khi lập di chúc ông K tỉnh táo và đọc lại di chúc là có cơ sở.
Như vậy tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 được lập đúng hình thức, nội dung và việc lập di chúc của ông K đã tuân thủ đúng quy định tại khoản 1 Điều 658 của BLDS. Do đó yêu cầu của nguyên đơn về việc không công nhận tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 là hợp pháp là không có căn cứ chấp nhận.
[7] Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy phần nội dung do Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện A đã chỉnh lý sang tên cho bà N ngày 30/12/2014 trong GCNQSH nhà ở và QSD đất ở, hồ sơ gốc số 557, thửa số 166, tờ bản đồ số 31, diện tích 95,92m2, loại đất ODT, tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà H ngày 12/12/2002, sau đó chỉnh lý sang tên cho ông K ngày 19/3/2003. Thấy rằng: căn nhà và đất tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng là tài sản thuộc quyền sở hữu của ông K. Việc ông K lập tờ di chúc phân chia cho vợ chồng bà N, ông N1 được hưởng hiện vật căn nhà và phải có nghĩa vụ giao trả cho con gái của ông K là M1 phần hưởng bằng 1/5 giá trị căn nhà nêu trên là đúng quy định của pháp luật. Khi ông K chết thì di chúc phát sinh hiệu lực nên việc Chi nhánh văn phòng đất đai huyện A đã chỉnh lý sang tên cho bà N vào ngày 30/12/2014 là đảm bảo trình tự thủ tục của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nên yêu cầu của phía nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận.
[8] Xét yêu cầu phản tố của bị đơn về việc Công nhận tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 là hợp pháp và buộc bà M, bà M1 có trách nhiệm giao trả căn nhà và đất tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng cho bà N, ông N1.
Thấy rằng như đã phân tích ở phần trên thì tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 của ông K là hợp pháp do đó yêu cầu phản tố của bị đơn về việc công nhận di chúc hợp pháp và buộc bà M, bà M1 có trách nhiệm giao trả căn nhà và đất tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng cho bị đơn có căn cứ chấp nhận.
[9] Xét ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[10] Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[11] Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tranh chấp và chi phí giám định: Do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu toàn bộ.
[12] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án.
Nguyên đơn bà M và bà M1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận số tiền là 300.000 đồng.
Bị đơn bà N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm do yêu cầu phản tố được chấp nhận.
Căn cứ vào Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2014 của Tòa án nhân dân tố cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ tư pháp.
Nguyên đơn bà M và bà M1 không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ: Khoản 14 Điều 26, Điều 34, Điều 37, khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
- Căn cứ: Điều 649, 650, 652, 653, 657 và 658 của Bộ luật dân sự năm 2005.
- Căn cứ: Điều 36, Điều 73 Luật đất đai năm 1993 sửa đổi, bổ sung năm 1998 và năm 2001;
- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án.
- Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2014 của Tòa án nhân dân tố cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ tư pháp.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà M1 và bà M về việc:
- Không công nhận tờ di chúc lập ngày 31/8/2006 là hợp pháp.
- Hủy phần nội dung do Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện A đã chỉnh lý sang tên cho bà N ngày 30/12/2014 theo GCNQSH nhà ở và QSD đất ở, hồ sơ gốc số 557, thửa số 166, tờ bản đồ số 31, diện tích 95,92m2, loại đất ODT, tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà H ngày 12/12/2002, sau đó chỉnh lý sang tên cho ông K ngày 19/3/2003.
2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc công nhận căn nhà tại ấp C3, xã B, huyện A thuộc sở hữu của bà N và ông N1 (Chết).
3. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà N, ông N1 về việc công nhận di chúc lập ngày 31/8/2006 do ông K lập là hợp pháp và buộc bà M, bà M1 có trách nhiệm giao trả căn nhà và đất tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng theo giấy chứng nhận GCNQSH nhà ở và QSD đất ở, hồ sơ gốc số 557, thửa số 166, tờ bản đồ số 31, diện tích 95,92m2, loại đất ODT, tọa lạc tại ấp C3, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà H ngày 12/12/2002, sau đó chỉnh lý sang tên cho ông K ngày 19/3/2003, đến ngày 30/12/2014 Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện A đã chỉnh lý sang tên cho bà N. Phần đất có tứ cận:
- Hướng đông giáp đường GR có số đo 4,1m.
- Hướng tây giáp hộ GR1 (Mương nước) có có số đo 3,85m.
- Hướng nam giáp hộ GR1 (thửa đất 165) có số đo 22,4m.
- Hướng bắc giáp hộ GR2 (thửa đất 167) có số đo 21,9m.
3. Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Nguyên đơn bà M và bà M1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền là 300.000 đồng.
- Bị đơn bà N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
4. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Nguyên đơn bà M và bà M1 phải chịu số tiền là 2.930.000 đồng. Nguyên đơn đã thực hiện xong.
5. Về chi phí giám định: Nguyên đơn bà M và bà M1 phải chịu số tiền là 3.060.000 đồng. Do bị đơn bà N đã tạm ứng trước nên bà M, bà M1 có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà N.
Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự vắng mặt thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết hợp lệ.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự , người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án,tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 04/2019/DS-ST ngày 15/03/2019 về tranh chấp không công nhận di chúc hợp pháp và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 04/2019/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 15/03/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về