Bản án 04/2018/HSST ngày 26/01/2018 về tội bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN L, TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 04/2018/HSST NGÀY 26/01/2018 VỀ TỘI BẮT, GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT VÀ CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 26- 01-2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Giang, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 78/2017/HSST ngày 27 tháng 10 năm 2017, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 100/2017/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 11 năm 2017 đối với các bị cáo:

1. Trương Văn H, sinh năm 1980; tên gọi khác: Không có; nơi cư trú: Thôn D, xã S, huyện N, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: 4/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Trương Văn Đ (đã chết) và bà: Hoàng Thị T, sinh năm 1949; vợ: Nguyễn Thị M, sinh năm 1981; bị cáo có 02 con, lớn sinh năm 2008, nhỏ sinh năm 2010; tiền án, tiền sự: Chưa; bị bắt tạm giam từ ngày 22/6/2017 đến ngày 28/7/2017; hiện tại ngoại, “có mặt”.

2. Trương Văn H, sinh năm 1988; tên gọi khác: Không có; nơi cư trú: Thôn D, xã S, huyện N, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Trương Văn Đ (đã chết) và bà: Hoàng Thị T, sinh năm 1949; Vợ: Bàn Thị T, sinh năm 1989; Bị cáo có 02 con, lớn sinh năm 2009, nhỏ sinh năm 2015; Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị cáo đầu thú, bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/6/2017 đến ngày 28/7/2017; hiện tại ngoại, “có mặt”.

Bị hại: Anh Trần Văn S, sinh năm 1980 “có mặt” Địa chỉ: Thôn C, xã S, huyện N, tỉnh Bắc Giang.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1.  Anh Nguyễn Văn K, sinh năm 1973 “vắng mặt”

Địa chỉ: Thôn L 3, xã S, huyện N, tỉnh Bắc Giang.

2.  Anh Trần Văn T, sinh năm 1980 “vắng mặt”

Địa chỉ: Thôn C 1, xã S, huyện N, tỉnh Bắc Giang.

3.  Chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1981 “có mặt”

Địa chỉ: Thôn D, xã S, huyện N, tỉnh Bắc Giang.

Người làm chứng:

1. Chị Trương Thị T, sinh năm 1987 “vắng mặt”

2. Bà Triệu Thị Đ, sinh năm 1959 “vắng mặt”

Cùng địa chỉ: Thôn D, xã S, huyện N, tỉnh Bắc Giang.

3.Chị Bàn Thị X, sinh năm 1977 “vắng mặt”

Đại chỉ: Thôn L 3, xã S, huyện N, tỉnh Bắc Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trương Văn H và vợ là chị Nguyễn Thị M có nhận làm thuê trông và chăm sóc vườn cây ở khu rừng Đá Cửa, thuộc thôn D, xã S, huyện N cho chủ vườn là anh Nguyễn Văn K, sinh năm 1973 ở thôn L 3, xã S, huyện N. Buổi S ngày 10/6/2017, Trương Văn H ở nhà, còn chị Nguyễn Thị M vào vườn nhà anh K làm việc bình thường. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, H gọi điện thoại cho vợ là chị M nhưng không liên lạc được, H liền đi xe mô tô vào vườn nơi vợ đang làm, mục đích để đón chị M về nghỉ trưa. Đến nơi, do cổng ngoài khóa nên H dựng xe ở ngoài cổng, đi bộ tắt qua hàng rào vào vườn rồi đi đến lán nhà anh K. Khi đi đến sân lán thì H thấy cửa lán khép, H tiến đến đẩy cửa mở ra thì thấy chị M và anh Trần Văn S, sinh năm 1980 ở thôn C, xã S, huyện N đang ngồi ở giường nói chuyện với nhau. Nghi vợ mình và anh S có quan hệ bất chính nên H đóng cửa lán lại, mục đích giữ vợ cùng với anh S ở trong lán để hỏi chuyện thì chị M và anh S chạy ra ngăn không cho H đóng cửa. Bực tức, H dùng tay trái tát một cái vào mặt chị M, rồi chạy vào bếp lấy một con dao nhọn cán gỗ dài 34cm, lưỡi dao làm bằng kim loại dài 21,5cm, bản rộng nhất là 07cm chạy về phía anh S thì chị M ngăn lại và giằng lấy dao cất đi. Thấy vậy anh S ra sân lấy xe mô tô của mình để về, nhưng khi dắt xe ra đến cổng thì thấy cổng khóa, anh S nhìn lại thấy H đuổi theo nên bỏ lại xe mô tô và chạy ra ngoài cổng. Do không đuổi được anh S nên H quay lại sân lán và tát chị M một cái vào mặt, bị chồng đánh nên chị M đi vào giường trong lán nằm. Sau đó H lấy điện thoại nhãn hiệu OPPO, vỏ màu đen, viền màu ghi, màn hình cảm ứng gọi cho em ruột là Trương Thị T, sinh năm 1987 đang ở thôn Cốc Lùng, xã Đại Sơn, huyện Phục H, tỉnh Cao Bằng (T đang về quê chơi), H kể chuyện của vợ và bảo T đến lán nhà anh K, T nói lại sự việc với em ruột là Trương Văn H, sinh năm 1988 ở thôn D, xã S, huyện N rồi cả hai cùng nhau đi đến chỗ H. Khi đến cổng vào lán nhà anh K thì chị T và H gặp anh S và bà Triệu Thị Đ, sinh năm 1959 ở cùng thôn với H đang đứng ở cổng. H ra cổng bảo H là đưa anh S vào lán nói chuyện, anh S đi cùng H, T và bà Đ vào sân lán thì H lao vào dùng tay tát nhiều cái vào mặt anh S, thấy vậy H vào can ngăn. Sau đó H chạy vào bếp lấy một con dao cán gỗ dài 37,5cm, phần lưỡi dao bằng kim lại dài 25,5cm, bản rộng nhất là 7,2cm rồi chạy ra định chém anh S thì H can ngăn và giằng lấy dao mang đi cất giấu. Đúng lúc này thì anh K đi cùng vợ là chị Bàn Thị X, sinh năm 1977 và con trai là Nguyễn Văn Kháng, sinh năm 2000 đến để làm vườn. Đi đến sân lán, anh K thấy sự việc không hay xảy ra tại nhà mình, do bực tức đã lấy đoạn tre khô dài 70cm, đường kính 04cm vụt một cái vào lưng anh S, sau đó vứt đoạn tre ở sân lán rồi đi lên vườn đồi cùng Kháng, còn chị X và T đi vào trong nhà thấy chị M ngất trên giường nên cả hai đã đưa đến Trạm y tế xã S để khám, lúc này bà Triệu Thị Đ cũng đi theo ra về.

Khi chỉ còn H, H và anh S ở sân lán, H bảo H đi lấy dây để bắt trói tay anh S lại, H đồng ý và đi tìm quanh lán thấy một đoạn dây chạc dài khoảng 01m, đường kính khoảng 01cm, H cầm đoạn dây này trói 2 tay S ở phía trước, nhưng do dây chạc cũ, mủn nên đã bị đứt. Thấy vậy H lại bảo H đi tìm một đoạn dây khác để trói tay anh S, lần này H tìm thấy một đoạn dây xích bằng kim loại dài 0,78m một đầu có móc cài, một đầu buộc nối với dây chạc màu vàng dài 0,31m rồi dùng đoạn dây này trói 2 tay S về phía sau lưng. Do anh S phản ứng lại nên H không trói được chặt, H liền tháo dây ra để trói lại. Tháo dây xong H bắt anh S cởi áo ra, anh S sợ bị đánh nên đã cởi áo đang mặc ra. Hnói với anh S “Có điện thoại di động không”, anh S nói “Không có”. Lúc này H cho tay vào túi quần của anh S lấy ra 01 điện thoại Nokia X2 vỏ nhựa màu đen, cả hai anh em bấm máy kiểm tra cuộc gọi. Thấy có cuộc gọi đến số máy của vợ mình, H tức giận bắt anh S cởi hết quần ra nhưng anh S không đồng ý, H liền nhặt lấy đoạn tre khô ở sân lán mà K bỏ lại rồi vụt một cái vào lưng anh S, anh S sợ bị đánh tiếp nên đã cởi quần dài đang mặc ra, còn H dùng tay cởi nốt quần đùi của anh S. Khi anh S trong tình trạng trần truồng, H bắt anh S quỳ xuống sân rồi trực tiếp trói hai tay anh S quặt về phía lưng. H lấy một chiếc quần dài, kiểu quần chun nỉ màu đen, có sọc đỏ hồng của chị M buộc vào cổ anh S rồi dùng điện thoại OPPO của mình chụp lại hình ảnh của anh S trong tư thế quỳ, người không mặc quần áo. Lúc này H nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của anh S, H cất điện thoại đi và nói với anh S “Bây giờ có hai cách, một là đưa số tiền 20.000.000đ để bồi thường danh dự thì cho về, hai là đưa ra Ủy ban xã S trong tình trạng trần truồng”, anh S sợ nên đồng ý đưa tiền cho H, H đứng cạnh đó nghe và chứng kiến toàn bộ nhưng không nói gì. Cùng lúc này anh K từ vườn đi xuống bảo H cởi dây cho S về nhưng H không đồng ý, H nói với K về việc anh S đồng ý đưa 20.000.000đ để bồi thường và nhờ K điện thoại cho người thân của anh S. Do có biết cháu của anh S là Trần Văn T, sinh năm 1980 ở thôn C 1, xã S, huyện N nên K điện thoại cho T nói lại sự việc và bảo mang tiền đến đưa cho H thì anh S mới được về, anh T đồng ý. Trong lúc đợi anh T đến thì K nói với H đưa anh S vào nhà kho để khỏi bị H đánh và để tránh nắng, H đồng ý đưa anh S vào nhà kho rồi lấy chiếc khóa Việt Tiệp có sẵn ở đó khóa cửa lại nhốt anh S ở bên trong. Khoảng 15 giờ cùng ngày thì anh T đến và hỏi H là “Bây giờ tiền long thế nào?” thì Hnói phải đưa cho H số tiền 20.000.000đ để bồi thường danh dự thì sẽ cho S về. Anh T ra cửa nhà kho hỏi ý kiến anh S, anh S đồng ý nên anh T ra đưa tiền cho H. H bảo H nhận tiền, H đã nhận của anh T số tiền 20.000.000đ rồi mở cửa nhà kho, cởi trói cho anh S, anh S mặc quần áo và cầm điện thoại rồi lấy xe ra về. Số tiền 20.000.000đ chiếm đoạt của anh S, H mang về nhà cất. Đến ngày 20/6/2017, anh Nguyễn Văn S đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Trương Văn H và Trương Văn H.

Tại Cơ quan điều tra các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như bản cáo trạng đã truy tố.

Tại bản cáo trạng số 77/KSĐT ngày 24/10/2017 của VKSND huyện N, tỉnh Bắc Giang đã truy tố Trương Văn Hvà Trương Văn H về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 135 BLHS và tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 123 của BLHS.

Tại phiên tòa các bị cáo H, H khai: Các bị cáo đã có hành vi bắt, giữ và trói anh S. Huy hiếp tinh thần làm cho anh S hoảng sợ và buộc phải đưa 20 triệu đồng cho H. H bảo anh T đưa tiền cho H và H đã mang về nhà cất hộ H. Các bị cáo không có sự bàn bạc từ trước. Anh K chỉ là người do H nhờ gọi điện cho cháu anh S đến giải quyết, không bàn bạc hay ăn chia gì đối với số tiền 20 triệu đồng.

Tại phiên tòa anh Trần Văn S khai: Lời khai của các bị cáo khai là đúng, bị cáo H và H đã đánh, trói, bắt giữ anh. Bị cáo Huy hiếp tinh thần làm cho anh hoảng sợ và phải đưa số tiền 20 triệu đồng. H là người nhận tiền. Nay H và H đã trả lại anh số tiền trên và bồi thường cho anh số tiền 20 triệu đồng nên anh không đề nghị bồi thường gì thêm. Về hình phạt anh đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chị Nguyễn Thị M khai: Sự việc xảy ra đúng như các bị cáo và người bị hại khai. Hvà H đã tác động đến chị để bồi thường khắc phục hậu quả cho anh S số tiền 20 triệu đồng. Nay chị không yêu cầu các bị cáo phải trả lại cho chị.

Tại cơ quan điều tra anh Nguyễn Văn K khai: Bản thân anh không trực tiếp thấy H và H bắt, giữ anh S. Khi anh ở trên lán xuống anh có thấy anh S quỳ ở sân, trên người không mặc quần áo, tay bị buộc ra sau lưng, anh có can ngăn nhưng H, H không nghe. Anh có biết việc H bảo S phải đưa 20 triệu để bồi thường danh dự. Do sợ H, H tiếp tục đánh anh S nên anh đã điện thoại cho anh T là cháu anh S đến để giải quyết.

Tại cơ quan điều tra anh Trần Văn T khai: Anh có mang số tiền 20.000.000 đồng đến đưa cho H để H thả anh S. Nay anh S đã trả anh tiền, anh không có ý kiến gì.

Người làm chứng: Chị Trương Thị T, bà Triệu Thị Đ, chị Bàn Thị X khai: Có mặt tại nơi xảy ra sự việc, có thấy bị cáo H đánh anh S nhưng không biết việc các bị cáo bắt, giữ anh S và cưỡng đoạt tài sản của anh S.

Đại diện VKSND huyện N thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, giữ nguyên quan điểm truy tố hành vi của các bị cáo về tội danh và điều luật như đã viện dẫn ở trên.

Sau khi đánh giá tính chất vụ án, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân của các bị cáo, đã đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố các bị cáo Trương Văn H và Trương Văn H phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Áp dụng  khoản 1 Điều 123; khoản 1 Điều 135 điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 20, Điều 53, và Điều 33; Điều 50 BLHS năm 1999; xử phạt các bị cáo với mức hình phạt cụ thể như sau:

Trương Văn Htừ 06- 08 tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; 15-17 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội từ 21- 25 tháng tù.

Trương Văn H từ 03- 05 tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. 12-14 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội từ 15- 19 tháng tù. Do các bị cáo thuộc hộ nghèo nên miễn phạt tiền cho các bị cáo.

Phần bồi thường dân sự: Gia đình các bị cáo đã bồi thường xong, bị hại không yêu cầu bồi thường gì khác nên không xem xét.

Ngoài ra còn đề xuất giải quyết về vật chứng, án phí và quyền kháng cáo. Sau khi nghe Kiểm sát viên luận tội và đề xuất quan điểm giải quyết vụ án, các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tranh luận gì.

Các bị cáo nói lời sau cùng: Đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện N, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện N, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại piên tòa bị cáo, người bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] BLHS năm 2015 có hiệu lực ngày 01/01/2018 nhưng hành vi của các bị cáo thực hiện ngày 10/6/2017, trước khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật. Cáo trạng của VKSND huyện N cũng truy tố các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo được quy định tại khoản 1 Điều 123 và khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 nên cần áp dụng BLHS năm 1999 để giải quyết.

[3] Căn cứ lời khai của các bị cáo, bị hại, các đương sự, vật chứng của vụ án và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 10/6/2017, Trương Văn Hđến lán trông vườn của anh Nguyễn Văn K, ở khu rừng đá cửa thuộc thôn D, xã S, huyện N thì thấy vợ là Nguyễn Thị M và anh Trần Văn S đang ngồi nói chuyện trên giường, nên nghi ngờ vợ có quan hệ bất chính với anh S. H đã cùng em ruột là Trương Văn H đưa anh S vào sân lán rồi H dùng tay không đánh vào mặt anh S, dùng gậy tre khô dài 70cm, đường kính 04cm vụt một cái vào lưng anh S và bắt anh S cởi hết quần áo đang mặc trên người ra. Sau đó H và H dùng 01 đoạn dây xích làm bằng kim loại dài 0,78m một đầu có móc cài, một đầu buộc nối với dây chạc màu vàng dài 0,31m trói hai tay anh S quặt ra sau lưng rồi bắt anh S quỳ tại sân. Hcòn đe dọa anh S phải bồi thường danh dự số tiền 20.000.000đ, anh S sợ và đồng ý, H đứng đó nghe được rồi đưa anh S vào nhà kho và khóa cửa lại. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, khi cháu của anh S là Trần Văn T đến đưa tiền, H đã nhận tiền cho Hrồi mở cửa, tháo dây cho anh S ra về.

Hành vi của các bị cáo Trương Văn H và Trương Văn H đã đủ yếu tố cấu thành tội “ Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 123 và khoản 1 Điều 135 BLHS năm 1999.

Cáo trạng số: 77/2017/KSĐT ngày 24/10/2017 của VKSND huyện N đã truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[4] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, là quyền tự do cá nhân quan trọng nhất trong cuộc sống của công dân mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của chủ sở hữu được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an ở địa phương. Do vậy, cần phải xử phạt các bị cáo một hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[5] Xét về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo có nhân thân tốt, thể hiện các bị cáo không có tiền án, tiền sự, các bị cáo nhất thời phạm tội. Trong qúa trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đều thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải, các bị cáo đã tác động gia đình bồi thường khắc phục hậu quả. Sau khi phạm tội bị cáo H ra đầu thú. Ngoài ra các bị cáo là hai anh em ruột, có bố là ông Trương Văn Đ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến nên các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 BLHS năm 1999. Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

[6] Xét về tính chất, vị trí và vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX thấy: Hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp đồng phạm nhưng chỉ là đồng phạm giản đơn nên cần áp dụng Điều 20, Điều 53 BLHS đối với các bị cáo.

Bị cáo Hlà người khởi xướng việc bắt, giữ và trói anh S, đe dọa anh S phải đưa số tiền 20 triệu thì mới thả anh S ra nên bị cáo Hcó vai trò chính trong vụ án. Bị cáo H là đồng phạm tích cực đi tìm dây để trói anh S và là người trực tiếp cầm số tiền cưỡng đoạt được của anh S nên bị cáo có vai trò thứ hai sau bị cáo H.

[7] Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử xét thấy, cần cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian cần thiết để giáo dục, cải tạo các bị cáo. Tuy nhiên khi quyết định hình phạt cần xem xét đến những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Ngoài hình phạt chính điều luật còn quy định hình phạt bổ sung. Song do các bị cáo thuộc diện hộ nghèo nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

[8] Về vật chứng của vụ án:

Ngày 24/6/2017, Trương Văn H tự nguyện giao nộp số tiền 20.000.000đ đã chiếm đoạt của anh S. Ngày 21/9/2017 Cơ quan Công an đã tiến hành trả lại số tiền trên cho anh S là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Đối với 01 đoạn dây thừng dài khoảng 01m, đường kính khoảng 01cm Hvà H khai đã dùng để trói tay anh S, nhưng do dây đã cũ mục, bị đứt nên H và H đã vứt tại khu vực sân lán nhà anh K, Cơ quan Công an đã tổ chức truy tìm nhưng không thu giữ được nên không có căn cứ để xử lý.

01 điện thoại di động nhãn hiệu OPPO vỏ màu đen, viền màu ghi, màn hình cảm ứng là điện thoại của Trương Văn Hđã dùng để chụp ảnh anh S trong tư thế bị trói hai tay về phía sau, tư thế quỳ, người không mặc quần áo là hình ảnh phạm tội của bị cáo nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước.

01 con dao nhọn dài 34cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 21,5cm, bản rộng nhất là 07cm, cán làm bằng gỗ; 01 con dao cán gỗ dài 37,5cm, phần lưỡi dao bằng kim lại dài 25,5cm, bản rộng nhất là 7,2cm; 01 khóa bằng kim loại- khóa Việt Tiệp cùng chìa; 01 đoạn tre khô dài 70cm, đường kính 04cm; 01 đoạn dây xích làm bằng kim loại dài 0,78m một đầu có móc cài, một đầu buộc nối với dây chạc màu vàng dài 0,31m; 01 chiếc quần dài, kiểu quần chun nỉ, màu đen, có sọc đỏ hồng giá trị sử dụng thấp cần tịch thu tiêu hủy.

[9] Phần bồi thường dân sự gia đình các bị cáo đã bồi thường xong, bị hại không yêu cầu bồi thường gì khác nên không đặt ra xem xét.

[10] Trong vụ án này Trương Văn Hvà Trương Văn H còn có hành vi làm nhục và cố ý gây thương tích cho anh S; Hcòn có hành vi đánh chị M, nhưng anh S không yêu cầu xử lý đối với H, H về các hành vi này; chị M không có thương tích gì nên Cơ quan Công an không đề cập xử lý các hành vi này của Hvà H là có căn cứ.

[11] Đối với Nguyễn Văn K là người có mặt tại nơi xảy ra vụ án, có dùng gậy vụt anh S 01 cái vào lưng nhưng không gây thương tích gì. Có gọi điện thoại hộ cho anh S để người thân của anh S đến giải quyết. Bản thân K không tham gia, không liên quan gì đến hành vi phạm tội của H và H nên Cơ quan Công an không đề cập xử lý đối với Nguyễn Văn K là có căn cứ.

Về án phí và quyền kháng cáo: Các bị cáo thuộc hộ nghèo nên không phải chịu án phí HSST. Các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Trương Văn Hvà Trương Văn H phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”

Áp dụng khoản 1 Điều 123; khoản 1 Điều 135; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53, và Điều 33 BLHS năm 1999 đối với Trương Văn Hvà Trương Văn H.

Xử phạt: Trương Văn H 06(sáu) tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” 15 (Mười lăm) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự, tổng hợp hình phạt buộc Trương Văn Hphải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 21(Hai mươi mốt) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, nhưng được trừ đi những ngày đã bị tạm giam 22/6/2017 đến ngày 28/7/2017.

Xử phạt: Trương Văn H 03 (Ba) tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật; 12 (Mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự tổng hợp hình phạt buộc Trương Văn H phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 15 (Mười lăm) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, nhưng được trừ đi những ngày đã bị tạm giữ, tạm giam 24/6/2017 đến ngày 28/7/2017.

2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41- BLHS, Điều 76- BLTTHS

Tịch thu sung quỹ Nhà nước 01 điện thoại di động nhãn hiệu OPPO vỏ màu đen, viền màu ghi, màn hình cảm ứng, có số IMEI 1 là 863442033180456, số IMEI 2 là 863442033180449.

Tịch thu tiêu hủy: 01 con dao nhọn dài 34cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 21,5cm, bản rộng nhất là 07cm, cán làm bằng gỗ; 01 con dao cán gỗ dài 37,5cm, phần lưỡi dao bằng kim lại dài 25,5cm, bản rộng nhất là 7,2cm; 01 khóa bằng kim loại- khóa Việt Tiệp cùng chìa; 01 đoạn tre khô dài 70cm, đường kính 04cm; 01 đoạn dây xích làm bằng kim loại dài 0,78m một đầu có móc cài, một đầu buộc nối với dây chạc màu vàng dài 0,31m; 01 chiếc quần dài, kiểu quần chun nỉ, màu đen, có sọc đỏ hồng.

3. Về án phí và quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 231 và Điều 234 BLTTHS; điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Các bị cáo không phải chịu án phí HSST.

Các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được tống đạt hợp lệ bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

588
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 04/2018/HSST ngày 26/01/2018 về tội bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:04/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Lạng Giang - Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;