TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THẠCH THÀNH, TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 04/2018/HSST NGÀY 06/02/2018 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN VÀ TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ
Ngày 06 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 03/2018/HSST, ngày 19 tháng 01 năm 2018 đối với các bị cáo:
1. Trương Văn T; Sinh ngày 16/6/1991; Tên gọi khác: Không. Nơi ĐKHKTT: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hoá; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hoá: Lớp 12/12; Quốc tịch: Việt nam; Dân tộc: Mường; Con ông: Trương Đức B và bà: Bùi Thị M. Bị cáo là con thứ 04 trong gia đình có 04 chị em; Tiền sự, Tiền án: Không. Nhân thân: Ngày 08/12/2011, bị Tòa án nhân dân huyện Thạch Thành xử phạt 54 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/11/2017. Hiện đang bị tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa (Có mặt).
2. Đinh Văn M; Sinh ngày 20/4/1989; Tên gọi khác: Không.
Nơi ĐKHKTT: Đội 3, thôn Đ, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hoá; CMND: 173916865; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hoá: Lớp 09/12; Quốc tịch: Việt nam; Dân tộc: Kinh; Con ông: Đinh Văn S và bà Đồng Thị K. Bị cáo là con thứ 02 trong gia đình có 03 anh em; Tiền sự, Tiền án: Không. Bị tạm giữ từ ngày 25/11/2017 đến ngày 04/12/2017. Hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 04/12/2017 (Có mặt).
- Người bị hại: Chị Bùi Thị T; sinh năm: 1978; Địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, Thanh Hóa (Có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Uỷ ban nhân dân xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T - Phó Chủ tịch (Có mặt).
2. Chị Bùi Thị N; sinh năm: 1987; Địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, Thanh Hóa (Vắng mặt).
3. Chị Lưu Thị H; sinh năm: 1974 và chồng là anh Vũ Văn M; sinh năm: 1973; Địa chỉ: Thôn Y, xã T, huyện T, Thanh Hóa (Có mặt chị H, vắng mặt anh M).
- Người làm chứng:
1. Anh Trịnh Xuân L; sinh năm 1978; Địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện T, Thanh Hóa. (Vắng mặt).
2. Anh Nguyễn Đức M; sinh năm: 1981; Địa chỉ: Đội 3, thôn Đ, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa. (Vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 12 giờ ngày 24/11/2017, Trương Văn T rủ Đinh Văn M xuống xã T chơi. Cả hai từ nhà T đi bộ đến cầu S, T bảo M đứng đợi, còn T một mình vào nhà bà Bùi Thị T (Dì ruột của T) ở cùng thôn. Thấy nhà bà T không có ai ở nhà, nên T vào chuồng bò nhà bà T dắt trộm con bò cái khoảng 01 năm tuổi đi ra cầu S, nơi M đang đứng đợi. Tại đây, M hỏi T về con bò, thì được biết bò do T trộm cắp. Sau đó, T và M thay nhau dắt bò theo đường Hồ Chí Minh đi xuống xã T, rồi đem con bò đến cột ở vườn cao su thuộc thôn Đ, xã T, sau đó T đi vào nhà anh Trịnh Văn L gần đó, nhờ anh L tìm chỗ bán con bò, nhưng anh L không đồng ý. T và M đi bộ đến nhà anh Nguyễn Đức M ở cùng thôn, T nói với anh M con bò của nhà T, thuê anh M chở bò đi bán, thì anh M đồng ý. T và M kê ván, dắt bò lên thùng xe ô tô của anh M, rồi cùng với anh M chở bò đến nhà bà Lưu Thị H ở thôn Y, xã T bán được 7.500.000 đồng. Trên đường về T trả cho anh M 500.000 đồng tiền công, số tiền còn lại T mua ma túy cùng M sử dụng và tiêu xài cá nhân hết. Đến ngày 25/11/2017, Đinh Văn M đến Công an huyện T đầu thú; tiếp đó, ngày 29/11/2017, Trương Văn T cũng ra đầu thú.
Về nguồn gốc con bò, quá trình điều tra đã xác định con bò là tài sản hợp pháp của anh Trương Văn T (anh trai của Trương Văn T) được Nhà nước giao theo mô hình bò sinh sản. Do điều kiện phải đi làm ăn xa nên anh T đem bò đến nhà bà Bùi Thị T nhờ trông coi và chăn dắt.
Người bị hại chị Bùi Thị T trình bày: Anh Trương Văn T có gửi chị một con bò cái lông màu vàng để chị nuôi giúp. Đến khoảng 13 giờ ngày 24/11/2017 thì chị phát hiện con bò trên bị mất nên đã đi tìm và biết được T là người trộm cắp con bò. Hiện chị đã được nhận lại con bò, chị không yêu cầu bồi thường gì thêm chỉ đề nghị xử lý nghiêm đối với T.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Bùi Thị N (Vợ anh T) và đại diện UBND xã T, huyện T trình bày: Gia đình chị N, anh T thuộc hộ nghèo nên được nhận 01 con bò cái từ UBND xã T theo mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Đến ngày 20/11/2017, chị N và chồng là Trương Văn T phải đi làm ăn xa nên nhờ Bùi Thị T chăn nuôi hộ. Đến ngày 24/11/2017, chị N được Bùi Thị T thông báo là con bò đã bị T trộm cắp. Thời điểm mất bò Bùi Thị T đang quản lý, chăn nuôi, chăm sóc nên con bò đang thuộc quyền sở hữu của chị T. Chị N yêu cầu chị T phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc mất con bò, UBND xã T không có yêu cầu gì.
Anh Vũ Văn M và chị Lưu Thị H trình bày: Khoảng 14 giờ ngày 24/11/2017 vợ chồng chị có mua một con bò của 01 nam thanh niên, người này bảo con bò của gia đình, cần tiền trả nợ nên bán. Chị H mua con bò với giá 7.500.000đ. Khi cơ quan pháp luật yêu cầu, gia đình đã tự nguyện giao nộp.
Anh chị yêu cầu Trương Văn T và đồng bọn trao trả lại số tiền 7.500.000đ cho gia đình chị.
Theo kết luận về việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện T số 39/HĐĐGTS-TT ngày 30 tháng 11 năm 2017 thì con bò của gia đình anh T tại thời điểm bị chiếm đoạt trị giá 17.000.000 đồng.
Trong giai đoạn điều tra, truy tố và tại phiên toà Trương Văn T và Đinh Văn M đã khai nhận toàn bộ hành vi trộm cắp và tiêu thụ bò như đã nêu trên. Lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai trình bày của người bị hại, người làm chứng, vật chứng là con bò đã thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập được trong hồ sơ vụ án.
Tại bản cáo trạng số 03/CTr-VKS-SH, ngày 18/01/2018, Viện Kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hoá đã truy tố Trương Văn T về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ Luật hình sự năm 2015; Đinh Văn M về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 BLHS năm 1999.Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện T giữ quyền công tố vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị:
Áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 38; điểm s khoản 1; khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: Xử phạt Trương Văn T từ 12(Mười hai) tháng đến 15 (Mười lăm) tháng tù.
Áp dụng khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự 1999; Điều 38; các điểm i; s khoản 1; khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: xử phạt Đinh Văn M từ 06 (Sáu) tháng đến 09 (Chín) tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự: Sau khi định giá tài sản, xét thấy không ảnh hướng đến việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra đã giao trả con bò cho chị Bùi Thị T. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, người bị hại không có yêu cầu bồi thường thiệt hại gì.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án anh Vũ Văn M và chị Lưu Thị H đã mua con bò của T và M với giá 7.500.000đ nhưng không biết là tài sản do trộm cắp mà có. Khi cơ quan pháp luật yêu cầu, gia đình đã tự nguyện giao nộp. Nay anh chị yêu cầu Trương Văn T và Đinh Văn M trả lại số tiền 7.500.000đ cho gia đình anh chị.
Về xử lý vật chứng: Quá trình điều tra, gia đình chị Lưu Thị H đã tự nguyên giao nộp con bò do Trương Văn T trộm cắp đem đến bán cho Cơ quan điều tra. Sau khi định giá tài sản, xét thấy không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra đã giao trả con bò cho chị Bùi Thị T. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị không xem xét.
Trong lời nói sau cùng, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Bị cáo M đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện T, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện T, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Xét tính chất của vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo thì thấy: Đây là vụ án thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Hành vi lợi dụng sơ hở của chủ quản lý, sở hữu tài sản để lén lút trộm cắp một con bò trị giá 17.000.000đ của bị cáo T và hành vi tiêu thụ tài sản trộm cắp của bị cáo M là nguy hiểm cho xã hội. Hành vi sảy ra tại Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa, các đối tượng là người địa phương đã gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội tại địa phương, gây hoang mang lo lắng cho quần chúng nhân dân trong việc quản lý tài sản, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ Luật hình sự (Sau đây được viết tắt là BLHS) năm 2015; và tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 nay là Điều 323 BLHS 2015. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thạch Thành truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3] Về trách nhiệm hình sự: Trương Văn T vì động cơ vụ lợi và nhu cầu sử dụng ma tuý của bản thân, đã có hành vi lợi dụng sơ hở của chị T để dắt trộm con bò, trị giá 17.000.000đ. Tại thời điểm bị cáo phạm tội BLHS năm 1999 đang có hiệu lực nên bị cáo bị khởi tố theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999, tại thời điểm xét xử (Ngày 06/02/2018) BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 đã có hiệu lực. Do đó Hội đồng xét xử đủ cơ sở kết luận hành vi của Trương Văn T phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017. Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Vì vậy cần có mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi của bị cáo đã gây ra. Đinh Văn M biết rõ là con bò do T trộm cắp mà có nhưng cũng vì động cơ vụ lợi nên bị cáo đã cùng T đem bò đi tiêu thụ. M là con thứ 2 trong gia đình có ba anh em, bản thân mới học hết lớp 9/12 nhận thức pháp luật còn hạn chế, đã không chịu tu chí làm ăn, đua đòi theo ban bè nên khi biết con bò là do T trộm cắp được ®ã không phản đối mà đồng tình với T, giúp đỡ T mang bò đi tiêu thụ, sau khi bán được bò, M cũng không được Thủy chia chác gì.
Tại thời điểm bị cáo phạm tội BLHS năm 1999 vẫn còn hiệu lực nên bị cáo bị khởi tố theo khoản 1 Điều 250 BLHS năm 1999, tại phiên toà hôm nay (Ngày 06/02/2018) BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 đã có hiệu lực. Do đó Hội đồng xét xử đủ cơ sở kết luận hành vi của Đinh Văn M phạm vào tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017. Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 có khung hình phạt nặng hơn so với khoản 1 Điều 250 BLHS năm 1999. Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội và khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo khoản 1 Điều 250 BLHS năm 1999 để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Bị cáo T có 02 tình tiết giảm nhẹ là đầu thú và thành khẩn khai báo, đây là 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1; khoản 2 Điều 51 BLHS. Tuy nhiên, bị cáo là đối tượng nghiện ma túy, đã từng bị kết án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và tội”Tàng trữ trái phép chất ma túy”, tính đến thời điểm phạm tội (ngày 24/11/2017) theo hướng dẫn Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội, thì bị cáo đã đương nhiên được xóa án tích, nhưng được coi là có nhân thân xấu. Với tính chất và hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo, răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.
Bị cáo M có 03 tình tiết giảm nhẹ là đầu thú, thành khẩn khai báo và phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng đây là 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm i; s khoản 1; khoản 2 Điều 51 BLHS cần áp dụng đối với bị cáo để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cho bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật. Không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chỉ cần áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự xử cho bị cáo được hưởng án treo, tuyên một mức án nhất định cũng đủ để răn đe, giáo dục bị cáo, giúp bị cáo nhận ra sai lầm của mình mà phấn đấu thành người công dân có ích cho xã hội.
Trong vụ án, bị cáo Trương Văn T là người trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp, bị cáo M là người giúp bị cáo T mang bò đi tiêu thụ nên bị cáo T phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn bị cáo Đinh Văn M.
[5] Về trách nhiệm dân sự: Sau khi định giá tài sản, xét thấy không ảnh hướng đến việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra đã giao trả con bò cho bị hại chị Bùi Thị T. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa chị T đề nghị HĐXX xử lý nghiêm đối với bị cáo T và không có yêu cầu bồi thường thiệt hại gì nên Hội đồng xét xử miễn xét.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án anh Vũ Văn M và chị Lưu Thị H đã mua con bò của Thủy và Mạnh với giá 7.500.000đ nhưng không biết là tài sản do trộm cắp mà có. Khi cơ quan pháp luật yêu cầu, gia đình đã tự nguyện giao nộp. Tại phiên tòa vắng mặt anh M, chị H có mặt, chị yêu cầu Trương Văn T phải trả lại số tiền 7.500.000đ cho gia đình chị, xét thấy yêu cầu của chị H là chính đáng và có cơ sở nên cần chấp nhận.
[6] Trong quá trình điều tra đã xác định khi được các bị cáo thuê chở bò đi tiêu thụ và khi mua bò của các bị cáo, anh Nguyễn Đức M, bà Lưu Thị H và ông Vũ Văn M (chồng bà H) không biết con bò là tài sản trộm cắp, nên hành vi của anh M, chị H, anh M không vi phạm pháp luật.
[7] Về xử lý vật chứng: Trong vụ án không còn vật chứng nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[8] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật
Vì những lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Trương Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản”, bị cáo Đinh Văn M phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Áp dụng khoản 1 Điều 173, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017;
Xử phạt Trương Văn T 15 (Mười lăm) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt, tính từ ngày bị tạm giữ, tạm giam (Ngày 29/11/2017).
Áp dụng khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự 1999; các điểm i; s khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017;
Xử phạt Đinh Văn M 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng. Thời gian thử thách tích từ ngày tuyên án sơ thẩm (06/02/2018).
Giao bị cáo Đinh Văn M cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hoá giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự và Cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án treo cho Cơ quan thi hành án hình sự nơi người được hưởng án treo đến cư trú để tổ chức việc thi hành án theo quy định tại Điều 62 Luật thi hành án hình sự.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc các bị cáo Trương Văn T trả lại cho anh Vũ Văn M và chị Lưu Thị H số tiền 7.500.000đ (bảy triệu, năm trăm nghìn đồng) đã bán bò cho anh chị.
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, bị cáo không chịu thi hành án các khoản tiền trên thì phải chịu thêm tiền lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự.
Về án phí: Áp dụng Điều 135; 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; khoản 1 Điều 6; khoản 1; 3 Điều 21; điểm a; c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQHH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Trương Văn T phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 375.000đ (Ba trăm, bảy lăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Bị cáo Đinh Văn M phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Về quyền kháng cáo: Án xử công khai sơ thẩm có mặt các bị cáo, người bị hại chị Bùi Thị T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND xã T và chị Lưu Thị H, vắng mặt anh Vũ Văn M, chị Bùi Thị N. Báo cho các bị cáo, người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (06/02/2018). Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày Tòa án niêm yết bản án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7; 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự
Bản án 04/2018/HSST ngày 06/02/2018 về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Số hiệu: | 04/2018/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Thạch Thành - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 06/02/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về